Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

10. THƯ PHÁP VÀ HỌA PHÁP TRUNG HOA - NHẬT BẢN

21 Tháng Chín 20169:53 CH(Xem: 6323)
10. THƯ PHÁP VÀ HỌA PHÁP TRUNG HOA - NHẬT BẢN

MỸ THUẬT PHẬT GIÁO

Kiêm Đạt

(ĐH Đông Phương – California – USA)

 

 

10. 

THƯ PHÁP VÀ HỌA PHÁP TRUNG HOA - NHẬT BẢN

 

Đại cương về thư pháp

Thư pháp (Calligraphy) là nghệ thuật viết  chữ đẹp  của người Trung Quốc với  các công  cụ  gọi  là "văn phòng tứ  bảo" (bút, nghiêng, giấy, mực). Thư pháp không  chỉ là nghệ thuật, mà còn là một "đạo  sống" (Thư pháp giả,  Đạo giả). Cổ nhân cũng từng nói: "Học tập Thư  pháp khả dĩ tu thân, dưỡng  tính, đào dã tâm tình".   Nhận thấy chữ Hán có những nét khá độc đáo, cho nên có người muốn dùng trong hội họa. Đó là  thư pháp.

Người đầu tiên đưa ra sử dụng là Vương Hy Chi (321 - 379) đã định nghĩa như sau:

"Mỗi nét ngang là một đám mây  trong một thế trận, mỗi nét móc là một cây cung giương lên, có sức mạnh khác thường, mỗi nét chấm là một tảng đá  rơi xuống từ đỉnh núi  cao, mỗi nét phẩy là  một cái móc bằng đồng, mỗi nét  sổ dài là  một thân cây  cổ kính, mỗi nét phóng khoáng mãnh  mai là một lực sĩ  chạy thì ở tư thế  sẵn sàng lao lên phía trước".

Thư pháp chỉ là cách  vẽ. Chỉ  khi  nào đạt được  tư tưởng Thiền trong thư pháp thì mới phả vào đó một tinh thần, gọi là "thư pháp Thiền"; tâm  không ổn định, thì không có thư pháp hay  được.  Người Nhật Bản  từ thuở tiếp xúc với văn  hoá Trung Quốc, đã nhận  ra giá trị  ưu việt của bộ môn nghệ thuật kỳ diệu nầy,  đã không  gọi  tên là  "thư pháp",  mà gọi  nó là  "thư đạo" (Shodo). Không những thế, nó là  một môn học hẳn hoi, với đầy  đủ cơ sở lý luận, từ đời nhà Hán đã từng gọi là "thư học".    

Các đại gia thư pháp trước khi thành danh  đã luyện tập viết mấy  chục năm trời ròng  rã. Danh từ "lâm trì" là thuật  ngữ ám chỉ sự khổ luyện nầy, được kể ra vô số  câu chuyện ẩn dụ về tính kiên trì hiếm có nầy.

 Sài Ung đời nhà Hán  để lại một thiên lý luận về môn thư pháp, có tên là "bút pháp". Vỹ Đản đời Tấn đã ra công sưu tầm  được tài  liệu quý giá nầy, xem là  trân bảo. Khi  đó Chung Diêu cầu mãi mà không được, cho  nên uất ức phát bệnh trầm trọng, đến nỗi Ngụy Thái Tổ phải ban  cho ngũ linh đan mới cứu khỏi được.  Khi Vỹ Đản  qua đời, Chung Diêu âm  mưu lén quật mồ lên, đánh cắp thiên "bút pháp"  và ngày đêm không rời, khổ  luyện rất công phu,  thậm  chí khi  nằm trên  giường cũng  lấy tay  viết lên chăn gối.

Trương Chi đời  nhà Hán mỗi lần tập  viết xong thì đem rửa  bút ở ao, lâu  ngày nước đen  như mực  (lâm  trì học thư,  trì thủy tận mạc).

Từ đó mới có  thuật ngữ "lâm  trì", có nghĩa  là khổ luyện cách  viết chữ.  Đời Tấn,   Vương  Hy Chi  phải trải  qua 15 năm chuyên tâm rèn  luyện thư pháp, bắt đầu một  chữ "vĩnh" (dũng tâm thập ngũ  niên, thỉ công nhất  "vĩnh" tự).

Đời Tùy, nhà sư Thích  Trí Vĩnh (tục gọi  là Vĩnh Thiền Sư) cháu 7 đời  của Vương Hy Chi,  trụ trì ở  chùa Vĩnh Hân, ở huyện  Ngô Hân; ông lên lầu  chùa rồi không xuống, ở đó suốt 40 năm  để luyện thư pháp (đăng lâu bất hạ tú thập niên). Ông dùng bút  cùn (thoái bút) chất  cao thành một  gò, gọi  là "thoái bút trủng" (trủng là gò mả).

Khi thành danh, người người đến  xin chữ, khiến cho ngạch cửa  nhà ông bị dẫm hư,  đến nỗi  phải lấy sắt  lá bao  lại,  gọi là "thiết  môn hạn". Vua Đường Thái  Tông (Lý Thế Dân)  lúc rỗi, tay không  viết chữ trong không khí (Trừu không luyện tự).  Nửa đêm tốc dậy, đốt đuốc luyện Lan Đình  ký,  tức là  mặc tích của  Vương Hy Chi  (dạ bán khởi bá chúc học Lan  đình ký).

Nhà sư Thích Hoài  Tố đời Đường, thuở nhỏ nhà nghèo không tiền mua giấy,  chỉ còn biết khổ luyện trên những tàu lá  chuối mà thành công,  được người đời ca  tụng là bậc "thảo thánh" (bậc Thánh về lối chữ thảo), mực đẩm lâm ly, bút pháp tiêu sái, dường như cuồng phong, nhưng lại không hề rối loạn. 

 Nổi tiếng về lối  chương thảo thì có  "Thảo thành nhị vương"  tức là hai cha con Vương  Hy Chi và  Vương Hiến Chi.  Nổi tiếng về  Cuồng thảo  phải kể  Trương Húc và Hoài  Tố, mà thế nhân  thường gọi là "điên Trương, túy Tố" (Trương Húc điên, Hoài Tố say"... 

Thư pháp Thiền ở Nhật có kể giai thoại như sau: Khi một người bước chân lên  đền Obaku ở Tokyo,  sẽ nhìn thấy trên  cổng đền bằng gỗ chạm mấy chữ  "Đệ nhất đế". Chữ chạm to  lớn khác thường và những ai thích chữ đẹp đều luôn luôn  chiêm ngưỡng như là một kiệt tác.

 Những chữ nầy do thiền sư Kosen vẽ lên 200 năm về trước. Kosen vẽ trên giấy và người thợ chạm theo đó mà chạm lớn vào gỗ. Trong lúc Kosen phác họa trên giấy, chú đệ  tử nhỏ can đảm của Kosen đã mài mực cho Kosen đến  mấy lần để "viết cho đẹp mới  thôi".

Chú nói với Kosen như thế. Kosen viết lần thứ  hai và quay lại hỏi đệ tử. Cậu bé lắc đầu: "Bức nầy lại còn tệ hơn bức trước kia nữa!" Kosen vẫn kiên nhẫn viết lần nầy qua lần khác lên đến 41 tấm và lần nào hỏi ý kiến cho đệ tử mình, thì cậu ta vẫn chê chỗ  nầy, chê chỗ kia. 

Sau đó chú đệ tử bước ra  ngoài. Khi đó Kosen thầm nghĩ: "Bây giờ  là lúc  ta tránh được  con mắt  sắc  bén của câu  bé". Kosen viết nhanh, với cái  tâm không lo lắng "Đệ nhất  đế". Chú bé bước vào,  reo to lên "một kiệt tác". 

Những câu chuyện về thư pháp như  đã kể trên đây thì nhiều vô số.  Điều nầy cho thấy những công trình "trị thư" của ngưòi xưa chuyên  cần, trì chí đến mức độ nào!

Người Trung Hoa viết theo những thể dáng và bố cục khác nhau: chân thư, hành thư, thảo thư, triện thủ (đại triện và tiểu triện), Họa thư. Cũng có thể dưạ theo kiểu viết của từng tác giả nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn, được gọi là các “thế” như Nhan thế (thế chữ của Nhan Chân Khanh), Liễu thế (thế chữ của Liễu Công Quyền), Âu thế (thế chữ của Âu Dương Tuần)...

Trong cách viết thư pháp, tùy theo bút lực, tâm lực, trí lực, cũng như về nguồn cảm hứng thể hiện trong từng thời điểm khác nhau, người viết có thể dùng những động tác khác nhau: ức (nhấn xuống), dương (nâng cao lên), tốn (dè dặt, thận trọng trong từng đường nét), Tỏa (ha dần xuống), trì (khoan thai, chậm rãi), tốc (viết nhanh, thanh thoát), hoàn (vuốt lại), khẩn (viết gấp tùy hứng), khinh (nhẹ nhàng), trọng (nặng tay, nét đậm).

Thiên tài thư pháp Trung Quốc

Chữ Hán theo lối tượng hình, ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại, cho nên thư pháp cũng được phát triển ngay từ đầu. Những di tích khảo cổ học khai quật ở Đôn Hoàng đã cho thấy những loại chữ đầu tiên, theo kiểu tượng hình đó.

Vốn là một nghệ thuật viết chữ đẹp, sự phát triển của loại chữ Hán quan hệ mật thiết với sự diễn tiến không ngừng của những thế chữ khác nhau, cũng như những thay đổi của các dụng cụ về viết (bút, nghiên, mực, giấy...).

Về thế chữ, chữ Hán khởi đầu bằng loại giáp cốt (viết trên mu rùa), rồi sau đó, xuất hiện những loại chữ kiểu đại triện, tiểu triện, lệ thư; sau dẫn lại diễn biến thành loại khải thư như chữ thông dụng ngày nay.

Nghệ thuật thư pháp Trung Quốc đã phát sinh và tiến triển từng bước theo những thay đổi trong quá trình đó, trở thành một tài sản  nghệ thuật quý báu trong kho tàng văn hoá cổ truyền Trung Quốc. Những nhà nghiên cứu về thư pháp ngày càng nhiều, nên có thêm nhiều khám phá mới lạ trong từng thời kỳ.

A- Giáp cốt văn là loại viết chữ cổ nhất của người Trung Hoa. Theo nghiên cứu, người xưa đã từng dùng dao (hay những dụng cụ sắc bén khác) để khắc vạch lên mai rùa, xương thú mà thành. Ngoài ra cũng dùng trong thuật bói toán.

Loại chữ giáp cốt còn được lưu truyền trong sách sử ngày nay, đa phần xuất hiện vào đời nhà Thương; một số nhỏ thì thuộc Tây Chu (theo Lâm Ngữ Đường). Giáp cốt văn được xem là thư pháp đầu tiên của Trung Quốc.

Vào đời Tây Chu, loại chữ “đại triện” xuất hiên; một số nhà nghiên cứu cho rằng loại chữ nầy do vị quan Thái sử đời vua Chu Tuyên Vương là Trứu (Hoàng Trứu) nghiên cứu  để sáng tạo ra, biến đổi của giáp cốt văn. Loại chữ nầy còn được gọi là “Trứu văn”.

Đa số những vương thất quý tộc vào đời nhà Thương và nhà Chu  thường sai người chế tác ra rất nhiều lễ vật dùng trong cúng bái, như chuông vàng bằng kim loại, mà trên đó bao giờ cũng khắc chữ; do đó, người đời gọi là “kim văn”.  

Trên nguyên tắc bố cục và hình thành thì loại “kim văn” của đời nhà Thương có nhiều điểm giống như loại giáp cốt văn ngày trước; cho đến đầu đời nhà Chu, nhờ công trình của Quách Thế Giai, thể “kim văn” đã được chỉnh đốn lại, với khí thế mạnh mẽ; nét chữ mới nầy tương đối phóng khoáng hơn.

B-  Loại chữ triện:  Cho đến những năm cuối thời Chiến Quốc, (206 trước CN) thì lại có thêm những thay đổi thêm, tỏ rõ bước chuyển biến, để sau nầy trở thành loại chữ “triện” ( đại triện và tiểu triện).

Tiểu triện là lối chữ được hai vị danh nho đời nhà Tần là Lý Tư và Triệu Cao sáng tạo ra, đã được giản lược khá nhiều so với loại đại triện, cho nên khi viết được tiện lợi hơn và nhanh chóng hơn nhiều. Bản thân vị Thừa tướng Lý Tư cũng là một nhà đại thư pháp đời Tần. Theo những di tích còn lại, thì thể viết tiểu triện của ông rất mềm mại, hoạt bát, cho nên được các danh nho thời đó mệnh danh là loại “ngọc cân triện”.  

Cũng trong giai đoạn nầy, loại bút lông đã được phổ biến nhiều; vật liệu để viết nầy là những vải lụa và những thẻ tre, những bản gỗ mềm mại, cho nên những thể chữ viết đã có phong cách khác với loại chử khắc trên giáp cốt ngày xưa. Thư pháp được chỉnh đốn thêm nhiều.

C-  Loại chữ Lệ: càng ngày chữ Hán lại được canh cải thêm. Để cho việc viết sách được tiện lợi hơn, loại “chữ lệ” được ra đời sau đó. Loại chữ nầy đời Tần thì gọi là “Tần lệ”. Sau khi triều đại Tây Hán được kiến lập, chỉnh đốn mọi sinh hoạt văn hoá, quan thừa tướng Tiêu Hà ra quy định: Thư pháp là một trong những nội dung thi cử từ trung ương đến địa phương; những người đạt được những thành tích tốt thì có thể giao phó đảm nhiệm công việc văn thư trong các cơ quan chính quyền.

 Tuy trong giai đoạn nầy, vẫn còn dùng đến loại chữ đại triện và tiểu triện, nhưng loại chữ “lệ” được xem là quan trọng hơn và phổ biến hơn.  Trong nguyên tắc nầy, loại chữ “lệ thư” đã trở thành thói thời thượng trong cơ quan chính quyền khắp nơi trong xã hội. 

Cho đến đời vua Thuần Đế  nhà Đông Hán, cách viết chữ theo hình giống như chữ “bát”, cho nên gọi đó là “bát phân thể”. Loại chữ lệ  vào đời nhà  Hán nầy nếu đem so sánh với cách viết của đời nhà Tần thì có những thay đổi khá lớn về cách thể hiện, bố cục, cũng như về ý nghĩa của từng chữ, trong thể tượng hình và hài thanh.

Chữ lệ đời nhà Hán (206 trước CN-24)  còn truyền lại cho đến nay đa phần đều được ghi khắc trên những bi ký vào hai thời Hoàn Đế và Linh Đế là giai đoạn hưng thịnh nhất của triều đại nầy.

 Nghiên cứu những văn bản nẩy (theo bản dập in), có những thể viết rất tinh tế, sắc bén, đạt được cái “thần vận  siêu dật” (theo Lương Khải Siêu), nét chữ chắc khoẻ, đều đặn, gân guốc, nổi tiếng về những tư thế kỳ lạ, phong túng; biểu hiện được phong cách đa dạng của loại chữ lệ được biến cách đời Hán.

Trong số những nhà thư pháp nổi tiếng trong thời đại nầy thì Thái Ung (cuối đời  Đông Hán) được ca tụng nhất về cách tu dưỡng cao siêu và  đầy tính chất sáng tạo cho loại chữ Lệ Vào thời vua Linh Đế, ông đã viết bản “lục kinh” trên bia đá: đó là tấm “thạch kinh” Hỷ Bình nổi tiếng trong lịch sử.

Khi tấm bia nầy hoàn thành và được dựng lên, người đếm xem đông đúc vô tả, mỗi ngày có hàng ngàn cỗ xe từ bốn phương đổ về đế kinh để thưởng ngoạn.

D-  Loại chữ chân:    Thời gian sau đó, chữ lệ lại biến cách dần; cho đến đời Tam Quốc, thì Hán lệ lại được phát triển lên thêm một bực nữa; nét chữ cũng như cách  kết cấu chữ lệ nghiêm chỉnh, đẹp đẽ thêm nhiều, hình thành chữ “chân” cũng được gọi là “chính khải”. Trong số những nhà thư pháp trong giai đoạn nầy, thì loại chữ “chân của Chung Do vào cuối đời nhà Hán được ca tụng là “cổ nhã tuyệt diệu” khó mấy ai sánh kịp.

Sau nầy, Lý Thái Bạch khen lối viết chữ “chân” của Chung Do là “Hạc múa trên trời; chim hồng giỡn sóng”.  Từ đó được nhiều người sao lục để truyền bá khắp nơi. Thư pháp thời nầy cũng  nở rộ.

Trong việc truyền bá, “lệ thư” được ra đời và tu chỉnh nhanh là do muốn sao chép cho nhanh chóng và tiện lợi, kể cả việc sử dụng trong trường thi. Nguyên tắc chính là: “lệ thư dùng để viết nhanh chữ tiểu triện”.

E-  Loại chữ Chương thảo:   Sau khi lệ thư được ra đời và hoàn chỉnh, thì trong học giới lại có thêm một loại chữ viết nhanh khác, gọi là “chương thảo”, nhưng chỉ được dùng trong dân gian mà thôi. Với những tiến bộ về cách viết chữ như vậy, nhiều tác phẩm nổi tiếng kiệt chúng cũng xuất hiện. Chẳng hạn như  vào thời Nguyên Đế nhà Tây Hán, danh nho Sử Du đã viết “cấp tựu chương” bằng loại chữ mới, được xem là tác phẩm “chương thảo sớm nhất” trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Như thế, loại chương thảo nầy vừa bảo tồn được những tinh túy của lệ thư trước kia, mà lại thêm những đường nét mới: nét chữ như sóng, không có sự nối liền giữa các chữ, vừa không  hoàn toàn căn cứ vào những quy củ viết chữ của lệ thư. Nhờ thế, đường nét vô cùng phóng khoáng, nhiều bản  văn thể hiện rất đặc sắc.

F-  Loại chữ Kim thảo và Hành thư:   Sự biến hoá của chữ Hán càng ngày càng phong phú thêm. Cũng trong đời nhà Hán, loại chữ “kim thảo” và chữ “hành thư” lần lượt ra đời, nhưng chỉ được truyền bá trong một số danh gia. Một số nhà nghiên cứu cho rằng:  nhân vật đầu tiên đã biết  sáng tạo ra chữ “kim thảo” là Trương Chi (?). Nhưng giả thuyết nầy   về sau nầy vẫn bị phản bác.

 Theo cách viết mới, loại chữ “kim thảo” khác với “chương thảo” là nét chữ không có sóng, giữa các chữ được kết  liền lại với nhau. “hành thư” là loại chữ viết nằm giữa loại “khải thư” và loại chữ “kim thảo”; tương truyền là do danh nho Lưu Đức Thăng ra công sáng tạo nên. Những bản văn của ông lưu truyền lại cho thấy: chữ viết của ông bay bướm, mềm mại, vó những nét độc đáo, ít ai theo kịp được. 

Như thế, cho đến đời nhà Hán thì cả ba thể viết “khải”, “hành” và “thảo” đã được phổ cập trong dân gian rất hoàn chỉnh, không còn những thay đổi khác nữa. Qua những chuyển biến của chữ Hán, có thể hiểu theo một hệ thống rằng: “lệ thư” là kế tục của “triện thư” và sau đó đã mở ra “thảo thư” và “khải thư”.

Cũng nên kể thêm đến việc sáng chế ra giấy trong giai đoạn nầy để thay thế cho những bảng gỗ, cho nên việc truyền bá văn học dễ dàng, nhanh chóng  và sâu rộng.

Vào thời Ngụy Tấn, những cuộc tranh chấp triều chính không mấy khi xuất hiện, văn hoá cũng  phát triển. Trong thời nầy, nghệ thuật thư pháp Trung Quốc đã tiếp tục phát triển thêm nhiều, khởi đầu dùng thể “lệ thư”  của nhà Hán làm căn bản; sau lại được chuyển qua  thể “chân”, “hành”.

Nghệ thuật thư pháp đã đạt được mức độ cao nhất, với sự xuất hiện của vị “thư thánh” là Vương Hy Chi. Tài năng của ông là sự tập hợp tất cả tinh hoa của thư pháp ngày trước, lại thay đổi phong cách chất phác thời Hán và thời Ngụy, tạo ra thể thư pháp mới. Như đã trình bày, “Lan Đình tự” được người đời tôn sùng, là tác phẩm tiêu biểu của ông.

Hai trường phái: Cho đến thời Nam Bắc Triều, do nhiều học phái khác nhau xuất hiện, cho nên thư pháp lúc nầy cũng được phân chia thành 2 trường phái khác nhau: trường phái phương Nam và trường phái phương Bắc..  Phong thổ  và sinh hoạt từng vùng đã ảnh hưởng đến thư pháp hai vùng.  Mỗi miền có đặc tính khác nhau: miền Nam thì nổi bật về những nét hoa mỹ; miền Bắc thì lại trội hơn về lối nghiêm chỉnh. Trong những tư liệu văn học về giai đoạn nầy, người ta thường kể đế những loại bia đá vốn được khai sinh từ thời Bắc Ngụy, vững chải vào thời Nam Bắc Triều, đều mang phong cách phong phú, đa dạng.

Những nhà phê bình đều khẳng định giá trị “Lệ khảo biến hoá, đa dạng, đa thể” của thư pháp thời nầy, chuẩn bị cho một giai đoạn khai triển lớn mạnh sau nầy. Vào đời nhà Tùy, Trung Quốc được thống nhất, do đó, thư pháp  tiến đến thời kỳ “hợp lưu”, để từ đó, mở đường cho sự phát triển mới của thư pháp đời Đường.

Vào đời Đường: (618-907)  Chưa có giai đoạn trước đó, mà thư pháp lại được giới văn học thưởng thức và sáng tạo phong phú cho bằng lúc nầy. Tất cả các thể “triện”, “lệ”, “chân”, “thảo” “hành” đều có những trường phái thư pháp riêng biệt, hoạt động trong những  lãnh vực khác nhau. Người ta thường nhắc đến tên tuổi của Lý Dương Băng sành về lối chữ “triện”, Trương Húc, Hoài Tố hai nhân vật xuất chúng về lối “cuồng thảo”. Chẳng những thư pháp được mến chuộng và được sưu tầm của hoàng thân, quốc thích, quan lại trong triều, mà ngoài dân gian cũng được  dấy lên một tư trào tìm kiếm không kém.

Vào thời Sơ Đường, phong trào tôn sùng thư thánh Vương Hy Chi rất mạnh, thiên hạ đua nhau sao chép lại các bút tích hiếm hoi còn lưu lại của ông; rồi đến lượt các tác phẩm của Âu Dương Tuần, Ngu Thế Nam, Chữ Toại Lương, Tiết Tắc... của giai đoạn nầy cũng được mọi người ái mộ.

Tuy những phong cách của thư pháp gia Sơ Đường vẫn chưa thoát ra khỏi thư pháp đời Tần, tuy nhiên, trong nét bút và thể chữ của họ đã có những biến dạng về hình thức, khuôn mẫu, khác với thể dẹt của lối “chữ lệ” vào đời Hán.

Một nhân vật khác chiếu sáng lên thời đó là Nhan Chân Khanh. Theo những nhà văn học thời đó, thư pháp họ Nhan được đánh giá là : “Ông đã đưa phương pháp cổ vào trong ý tưởng mới, đã tìm cáchsáng tạo ra phương pháp mới bên ngoài ý cũ, đã sản sinh một phong cách mới: ngay ngắn mà không cẩu thả, trang trọng nhưng không bí hiểm, kỳ vĩ, đẹp đẽ mà pháp độ lại thung dung, phóng khoáng”.

Đến đời Trung Đường, lại có thêm một số biến chuyển mới. Tiêu biểu là thiên tài Liễu Công Nguyên, lập ra “Âu thế”, cùng với những bạn đồng liêu của mình  sáng tạo kiểu chữ mới: nét thanh tao hơn, tráng lới viết béo đậm ngày trước, thế chữ nghiêm mật, gân guốc, mạnh mẽ. Câu nói về hai thiên tài nầy đứng bên cạnh nhau  là “Nhan cân, Liễu cốt”, xứng đáng là những mẫu mực cần thiết cho những ai muốn luyện  thư pháp sau nầy.

Cho đến thời Vãn Đường thì có Dương Ngưng Thức, cũng là một bậc kỳ tài trong ngành thư pháp Trung Quốc, có nét chữ vô cùng phóng khoáng, phiêu diêu. Phong cách nầy được xem là bước chuyển mình của thư pháp đời Đường chuyển sang đời Tống. Chỉ tiếc là thời kỳ nầy gặp nhiều tao loạn, chính bản thân Dương Ngưng Thức cũng khó tránh tai ương, cho nên khó tìm được nhiều bút tích của ông. Đa phần là chữ được ghi trên bia đá.  

Vào đời Tống: (960-1127). Được dấy lên cao vào đời nhà Đường, cho nên đến đời Tống, thư pháp lại nở rộ, Nhiều  nhà thư pháp phương Nam lẫn phương Bắc dồn dập xuất hiện. Bốn nhà thư pháp lớn trong tiêu ngữ “Tô, Hoàng, Mễ, Thái” dồn vang trong dân gian chính là Tô Thức (Đông Pha), Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất (Mễ Phí hay Mễ Nam Cung) và Thái Tương.  Họ cũng là những thi sĩ khét tiếng.

Thuật viết chữ đẹp vào đời nhà Tống đã trở thành một công việc khắc chạm chữ đẹp trê đá và trên gỗ trong nghệ thuật trang trí. Về sau, lấy các chữ cà lên trên giấy và biên soạn các phần nầy thành tập bản sao lưu truyền trong các văn khố. Công việc nầy trở thành một phương pháp thịnh hành trong việc nghiên cứu, học hỏi các kiểu chữ đẹp khác

Thư pháp của Tô Đông Pha (Tô Thức) thường đưa những ý mới vào trong pháp độ chữ viết của mình “có xương, có thịt”,  dấu kín sự khéo léo trong những nét thô sơ. Hoàng Đình Kiên thì thường dùng những thế chữ bí hiểm, khó đọc, nhưng lại có sức hoành dật, toàn bài đều biến hoá vô cùng.

Vào đời Nguyên, (1271-1368)  thư pháp  Triệu Mạnh Phủ có dạng chữ rất đẹp trong toàn diện, bao gồm các loại chữ “lệ”, “chân”, “hành”, “thảo”.

Vào đời Minh (1368-1644) , các văn nhân thường sở trường về lai loại “hành” và “thảo”, mà tiêu biểu là Chúc Doãn Minh, Văn Trưng Minh, Đổng Kỳ Xương, Thần Áng, Giang Tân, Văn Thành Minh, Vương Long, Chúc Ngôn Minh, Hưng Đồng, Trương Thụy Đồ, Trung Kỳ Xương, Tống Khắc, Thần Độ... Họ thường trở lại phong cách thư pháp đời Tấn và đời Đường. Ảnh hưởng của họ truyền về những thế hệ sau nầy rất mạnh mẽ.

Vào đời Thanh, thư pháp ban đầu vẫn nối tiếp phong cách đời Tống và đời Nguyên, thịnh hành về “thiếp học”. Vào đời Khang Hy, Càn Long, thư pháp của Triệu Manh Phủ, Đổng Kỳ Xương được kế thừa sâu sắc nhất.

Về sau, kim thạch văn khai quật được nhiều, người đều mến mộ, nẩy sinh ra lối “bi học” để thay thế cho “thiếp học”. Một thời, hai thể “bi” và “thiếp” cũng cạnh tranh nhau.

Thư pháp vào đời nhà Thanh có thể phân chia làm hai thời kỳ: Thời kỳ đầu kể từ đầu nhà Thanh cho đến triều vua Gia Khánh (1796-1820) và Đạo Quang (1821-1850). Trong thời kỳ nầy, việc nghiên cứu các bản sao vẫn tiếp tục không sút giảm; những người viết chữ đẹp được ưa thích phải kể đến:Hoàng Từ Thành, Phù Sơn, Trương Triệu, Vương Văn Trị, Lưu Dung.

Còn thời kỳ sau bắt đầu với các triều vua Hàm Phong (1851-1861) và vua Đồng Trị (1862-1874).

Cùng với sự quan tâm về việc khảo cổ nhiều nét chữ được khắc chạm trên đồ đồng và bia mộ đã được khám phá, người ta còn thu lượm được những nét chữ “từ văn” và “bắc văn”, và do đó, đã nảy sinh ra một trường phái thư pháp độc đáo nữa của đời Thanh, bước sang thời Dân Quốc. Những nhân vật hàng đầu của trường phái nầy phải kể đến: Đặng Thạch Như, Hà Thiếu Tề, Trương Ngọc Lưu.

Chuyển biến thư pháp Trung Quốc

Giới thư  pháp Trung Quốc  từ đời Tống  đến đời Thanh   đã xảy ra một cuộc tranh chấp; nguyên nhân là do sự đối chọi của các nhà thư pháp phía Hoa Bắc và phía Hoa Nam.  Lịch sử văn học  Trung Quốc gọi là "Bắc tính" và "Nam tính".

Một bên thiên về cách   viết thiếp,  còn một bên thì  hướng về cách viết  trên bia đá. Có thể đọc  những khác biệt nầy  trên những bài khảo  luận của Triệu Mạnh Kiên đời Tống hay của Nguyễn Nguyên đời Thanh thì mới rõ hai  chủ trương trái  ngược đều có nguyên nhân của  mỗi thể loại.

 Theo hai nhà bình luận nầy thì: Hai cách "khắc trên bia" và "viết trên thiếp", bên  nào cũng có hệ  thống phát triển riêng  biệt, do bối cảnh từng vùng mà ra.

 Bắc phái:  Khắc bia là đặc  tài của những nhà  Thư pháp phía Hoa Bắc. Lối nầy vốn phát triển  qua các triều đại: Triệu, Yên, Ngụy,  Tề, Châu, Tùy. Những thiên tài trong cách viết khắc trên bia đá phải kể đến:  Chung Do, Vệ Quán, Sách Tịnh,  Lư Trạm, Thôi Duyệt.  Hai nhà  Thư pháp Âu  Dương Tuân và  Chử Toại Lương  cũng sành về  cách viết khắc trên bia.

 Nam phái: Nam  phái sành về cách viết thiếp.  Loại nầy bắt đầu  từ đời  Đông Tấn, được tiếp  nối qua Tống, Tề,  Lương, Trần. Tiêu biểu là Vương Hy Chi, Vương Hiến  Chi, Trí Vĩnh, Ngu Thế Nam. Cho đến nay vẫn có những ý kiến trái  ngược hẳn nhau về sự khác biệt và  tranh chấp của hai miền Bắc Nam nầy.

Trong thực tiễn, có người khởi  đầu từ  cách viết khắc  trên bia đá,  có người thì  khởi đầu bằng cách viết trên thiếp, nhưng sau thì thay đổi, với phong cách viết chữ khác nhau. Có người thì hợp chung cả hai lối viết thành một.

Như thiên tài Vu  Hữu Nhậm, thế kỷ XX, đã nhào nặn ra bút pháp chữ lệ, chữ khải (về loại hành),  đã sử  dụng chung cả  cách viết  trên  bia và trên  thiệp, trở thành  phong cách độc đáo của ông, mà  cả hai phái đều ngợi ca, tán tụng  là thuộc về môn phái của mình. Chính cách thử nghiệm nầy đã có nhiều  nhà thư pháp thực hiện một cách hoàn chỉnh.

Thư thể

Trong quá trình biến chuyển, chữ Hán cũng đã trải qua nhiều biến đổi  về kiểu chữ, đại cương có nhiều  thể loại.  Hán tự có  từ bao giờ? Cho đến  nay, dù dùng cả khoa  khảo cổ học,  vẫn còn là nghi  vấn! Những tư liệu có được về  những di tích, di chỉ khảo cổ  họ cũng chỉ là những truyền  thuyết và những cổ tịch. Người ta cho rằng: Những giai đoạn ban sơ của văn tự Trung Quốc là "thắt nút giây, để ghi nhớ sự  việc" (kết thằng thời đại); sau đó thì dùng đến những "khắc vạch"  (thư khế).

 Giáp cốt văn

Giáp  cốt văn  thời Ân  Thương cũng  thuộc giai  đoạn dùng "kết thằng" như  đã trình bày. Bấy  lâu nay, người ta  thường cứ lầm  tưởng là Giáp cốt  văn là hệ quả của việc bói  toán thuần túy thời  Cổ đại Trung Quốc.  Thuật ngữ  "bốc phệ" gói trọn  hai phép bói: một  là "bốc" là bói giáp cốt và "phệ" là bói bằng  cỏ thi.  Bói Giáp cốt phổ biến thời Ân Thương,  cả hai phép  bói nầy phổ  biến vào đời  Chu.

 Nhiều nhà  nghiên cứu  gần đây (trường  hợp Phùng Hữu  Lan trong Văn  học sử  Trung Quốc chẳng hạn) thì gọi chung cả hai loại nầy là "quy thi",  tức là  nhấn mạnh vào  công cụ bói  toán. Những phát  hiện di chỉ khảo cổ học gần đây (Tế Nam)  đã chứng minh rằng: Giáp cốt văn là hệ  văn tự  biệt lập,  nhưng việc  khắc chữ  lên những mảnh "quy giáp" (mai  rùa) và "thú cốt"  (xương thú) để ghi  chép những lời bói (bốc tự),  đã khiến người ta dễ  ngộ nhận sự bói toán  là căn nguyên của Giáp cốt văn.

Đây là dạng  chữ viết của đời nhà Thương,  được khắc trên mai rùa hay trên những xương thú. Vì  công dụng chính thời nguyên thủy là dùng vào việc ghi chép những điều bói toán là chính, cho nên, còn được gọi là  "bốc từ" (những lời giải về  bói toán) hay "khế văn"  (chữ khắc bằng loại "khế  đao",  một loại tiền cổ).

Trên một lãnh  vực khác,  loại chữ nầy  đã được phát  hiện ở vùng  Ân Khư (cố đô  thời Hậu Thương,  nay thuộc huyện An Dương, tỉnh  Hà Nam) cho nên  cũng được gọi là "Ân Khư văn tự" (chữ viết tại Ân Khư).  Trong số bốn ngàn chữ giáp cốt đã thu thập được trên các loại bia văn, di chỉ  khảo cổ học, thì chỉ  có vào khoảng 1,000 chữ  là có  thể  đọc được  và cũng  giải thích  được phần  ý nghĩa.

 Trên đại  cương, đây là  dạng chữ viết đã tương đối  hoàn chỉnh, tuy nhiên,  vẫn còn có nhiều nét viết và "thiên bàng" (bộ thủ) chưa hoàn toàn  ổn định, tạo  nhiều khó khăn trong nghiên cứu  sử liệu. Ngoài ra,  một số chữ  giáp cốt thuộc thời kỳ  đầu tiên của nhà Chu  cũng đã  được phát hiện. (Theo tài liệu Ngôn ngữ học Trung Quốc). Trong lịch sử, thư  pháp lấy chữ Hán làm lý do  để tồn tại (reason for being); bởi vì không có chữ Hán thì không có thư pháp.

Người đời sau, cũng có kẻ dùng mẫu tự La tinh để viết thư pháp, hay dùng chữ  Ả Rập để  thư hoạ  kinh  Koran; tuy nhiên, cũng chỉ là những cố gắng trong khả năng nhất định nào đó mà thôi.

 Mỗi chữ Hán gồm có 3 thành  tố, biến đổi theo thời gian: hình, âm  và nghĩa. Thành tố "hình" tức là thư thể. Nó rất đa dạng, từ thời Tiền Tần cho đến ngày nay.

 Cùng là một chữ, nhưng lại có nhiều lối thư thể; chẳng hạn: giáp  cốt văn, đại triện, tiểu triện, lệ,  khải (gồm có hành và thảo) nguỵ bi (bia đá), giản, phồn. Có những người tinh thông  Hán văn (kể  cả người Hoa)  nhưng chưa hẳn  là đã tinh thông các  thư thể, đặc biệt  là thảo thư, hành  thư, giáp cốt và  triện thư.

Do đặc tính nghệ thuật cao độ của thảo thư, cho nên sử  dụng máy móc không thể nào thay thế tay người; mà dù cho cố ý tạo ra đi chăng nữa, là  cũng chỉ là những xác chữ, vô hồn!

Giai đoạn thư khê

Giai đoạn  thư khê bao  gồm cả việc  khắc chữ lên  chuông và đỉnh  vạc; hệ văn tự nầy gọi là "chung đỉnh văn". Tiền thân của loại văn  tự thư khê là "bát quái" do Phục Hy vẽ ra.  Còn chữ Hán văn, căn cứ theo truyền  thuyết là do Thương Hiệt, một  sứ quan của Hoàng Đế tạo ra.  Thuyết "Thương  Hiệt tác thư" của  thời Tam hoàng (Phục  Hy, Thần Nông, Hoàng Đế)  cho đến nay vẫn trong vòng  tranh cãi. Những nhà văn tự học hiện đại không cho  rằng Thương Hiệt là người sáng tạo ra Hán tự.

Họ  lý luận rằng: Người sáng tạo ra  phải là "nhân dân Trung Quốc", Thương Hiệt chẳng qua  chỉ là người có công hệ thống  lại cho có quy củ mà thôi!  (Nhân dân Nhật báo).

Những thư thể khác

Thời Xuân Thu  Chiến Quốc lưu hành nhiều thư  thể như "điểu trùng thư" (giống  dấu vết côn trùng,  chim chóc), chữ "khoa  đẩu” (giống con nòng  nọc), “lựu văn”  (thứ văn tự  do Thái sư  họ Lựu đời  Chu  Tuyên Vương sáng tạo, tức là chữ đại triện)...

Loại chữ khắc hay đúc trên  chuông đỉnh (chung đỉnh văn) cũng gọi là "kim  văn". Đời Đông  Chu, có  một  loại chữ gần  giống như chữ triện, chuyên khắc trên trống đá (thạch cổ),  nên gọi là "thạch cổ văn".  Ngô Xương Thạc (1844-1927) khởi đầu  luyện lối chữ thạch cổ văn, về sau thành  đại thư họa gia; mặc  tích thạch cổ văn của  ông là tác phẩm mẫu mực cho người học thư pháp hiện nay nghiêm tập.

Nguyên tắc cấu tạo chữ Hán

Chữ Hán có sáu nguyên tắc cấu  tạo, gọi là "Lục Thư". Lục thư là:  tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, giả tá.

 Tượng hình:  dựa theo hình  các sự vật  mà viết thành  chữ, như hình núi có các ngọn núi, cho  nên chữ "sơn" biểu thị bằng ba nét nhọn. Chữ "mộc" nghĩa là cây, cho nên có ngọn, có gốc. Chữ "điền" là ruộng thì có từng thửa đất.

 Chỉ sự: dưạ  theo sự việc mà đặt ra  chữ. Chẳng hạn: trời mưa thì có mây đen  che phủ, rồi nước rơi xuống, vì  vậy, chữ "vũ" có những chấm "thủy". Vì vậy, khi nhìn thấy mặt  chữ ta có thể hiểu ngay đại thể, quan sát kỹ thì có thể hiểu được ý nghĩa của nó.

 Hội ý: lấy hai chữ hợp lại mà thành một chữ có ý nghĩa mới; nói cách khác là ghép  vài ba ký hiệu tượng hình để  biểu thị ý nghĩa mới của  một từ. Ví  dụ: 1 cây  đơn độc thì  dùng chữ "mộc" nhưng nhiều  cây ghép  lại 2  chữ "mộc"  lại thành  chữ "lâm"  nghĩa là "rừng";  còn cây  cối chằng  chịt thì  phải ghép  3 chữ "mộc" thì thành ra chữ "sum" nghĩa là rừng  rậm.

 Hình thanh: ghép những chữ có sẵn thuộc loại tượng hình và loại âm thanh để hình thành loại chữ  mới; vì vậy đây cũng là loại chữ hợp thể. Đó là điểm khác với chữ tượng hình và  chỉ sự.

Tuy ghép những chữ  có sẵn thành  chữ mới, nhưng  thế nào cũng  có một chữ thuộc về  "âm thanh"; điểm  nầy khác  với  chữ hội ý.  Ví dụ: chữ "chi" (nghĩa là cỏ thơm) thì kết  hợp bởi chữ "thảo" (là cỏ) cọng thêm với chữ "chi" là thanh.

 Chuyển  chú: Nguyên chữ Hán  nhiều chữ đồng âm  mà khác nghĩa, hay nghĩa đồng mà âm lại khác,  nên thuờng lấy chữ này để làm chữ khác. Nói cách  khác, "chuyển chú" là lối đặt  chữ có cùng một bộ thì thanh âm gần nhau, ý nghĩa giống nhau và có thể chú thích cho nhau.

Ví dụ: chữ "khảo" và chữ "lão" vốn hai chữ cùng một nghĩa và viết giống  nhau; về sau để phân biệt  hai chữ khác nghĩa. chữ  "khảo" được chuyển thành chữ hình thanh.

 Giả  tá: Trong chữ  Hán, ngoài cách  dùng lối "hình  thanh" để biểu âm,  lại dùng chữ  "đồng âm"  để  đại biểu cho  những chữ có nghĩa mới, mà không cần sáng tạo ra chữ mới, thì gọi là "giả tá".  

Chữ "giả tá"  hoàn toàn xuất phát từ thanh  âm giống nhau hay gần nhau, giữa chữ vay mượn và chữ được vay mượn có thể không quan hệ nhau về mặt ngữ nghĩa. Ví dụ:  chữ "vạn" ngày xưa dùng để chỉ con bò cạp, nhưng sau dùng để chỉ 10,000. Chữ "trưởng" (trưởng thành) trong thanh âm gần giống chữ "trường" (trường đoản) nên mượn lấy.

Quy tắc

Như thế, chữ  Hán phải tuân thủ theo những  quy tắc nào trong lối  viết chữ? Chữ Hán  là một loại chữ ghi ý, mỗi  ký hiệu tượng hình (chữ) ghi một từ hay một hình vị,  về mặt âm ứng với một âm tiết.  Họ sử dụng các nét, lập đi  lập lại trong những kết hợp khác nhau để tạo ra các  chữ. Các nét thông dụng mà ta  thường thấy như nét chấm, nét  ngang, nét mác,  nét phẩy, nét  khung, nét móc...

 Khi viết, người ta tuân theo quy tắc thuận áp dụng cho từng nét khác nhau: trên trước, dưói sau; trái trước, phải sau; ngang trước, sổ  sau; phẩy trước, mác sau; ngoài trước, trong sau; vào trước, đóng sau...   Cho dù  là chữ một nét như  chữ "nhất" hay 27 nét  như chữ "ký" (ngựa  chạy ngàn dặm) cũng  đều phải thu gọn  vào trong một ô vuông.

 Trung Quốc  là một quốc gia  có nhiều dân tộc,  trên lãnh thổ nầy  hiện nay có  56 dân tộc khác nhau.  Người Hán có ngôn ngữ  nói và ngôn ngữ viết riêng, đó là ngôn ngữ Trung Quốc, được sử dụng rộng rải trong nước và những vùng có  Hoa Kiều sinh sống. Nhưng 55 tộc người khác cũng có ngôn ngữ riêng của họ.

 Theo hệ thống phân loại  ngôn ngữ học trong "Tự Điển Bách  Khoa" của Trung Hoa thì 29 ngôn  ngữ thuộc ngôn ngữ Hoa - Tạng,  17 thuộc họ Antai, 3 thuộc họ Nam Á, 3  thuộc họ Ấn  - Âu. Ngôn ngữ của người  Cao Sơn ở  Đài Loan  thuộc loại ngôn ngữ Indonésia.

 Hiện có một ngôn ngữ chưa xác định được thuộc tính của nhóm nào?

Chữ trên bia đá (Ngụy bi thể)

Ngụy bi thể là thư thể được khắc trên bia đá với kỹ thuật khá tinh  vi. Trong lịch sử văn tự Trung  Quốc, loại chữ nầy được thực hiện  từ đời Bắc  Ngụy, rồi sang Tây Ngụy, Đông  Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu.  

Các đế  vương  thời Nam Bắc triều ưa thích  khắc những bài văn hay  những công  văn cần thiết lên  bia đá để phổ  biến và lưu truyền.  Thư thể nầy mang dáng dấp của  loại chữ khải (chân phương) và loại  chữ  lệ (chữ  được giản  hoá). Những  công trình  khảo cổ học tại Trung Quốc trong  vòng 100 năm nay đã khai  quật nhiều chứng liệu  về ngụy bi thể. Ngành "bi học"  cũng được củng cố và đưa ra nhiều nguyên  lý.

Trong  lịch sử cận đại, những nhà canh tân văn hoá  Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương  Khải Siêu, Bao Thế Thần đã cổ súy việc nghiêm tập về loại ngụy bi thể.

 Khang Hữu Vi đã ca tụng 10 vẻ đẹp sắc sảo của Ngụy bi thể như sau:  - Phách lực hùng cường  - Khí tượng hồn mục - Bút pháp khiêu việt - Điểm hoạch tuấn hậu - Ý thái kỳ dật - Tinh thần phi động - Hứng thú hàm túc - Cốt pháp đổng đạt - Kết cấu thiên thành - Huyết nhục phong mỹ.

Loại chữ triện  (đại triện và tiểu triện)

Vào năm  221 trước Công nguyên,  Tần Thủy Hoàng thống  nhất Trung  Quốc, cả nước lập ra chế độ  trung ương tập quyền. Nhà vua sai Tể tướng Lý Tư đem 8 loại chữ:  đại triện, tiểu triện, chữ khắc, chữ  dấu, thự thư (chữ ký), thù thư (chữ khắc trên ngọn giáo) và lệ thư thống nhất lại thành ra "Tần triện" (chữ triện đời nhầ Tần). 

Thừa tướng Lý  Tư (được  giới thư pháp gia  Trung Quốc xem là thư pháp gia đầu  tiên của Trung Quốc) phụ trách  việc hệ thống hoá và cải cách  các loại thư thế  đương thời, tạo thành  loại chữ "tiểu triện" cũng gọi là "Tần triện". 

Hứa Thận đời Đông Hán viết trong Thuyết Văn giải tự rằng:  "Tần Thủy Hoàng  sơ kiêm thiên hạ, thừa tướng  Lý Tư nãi tấu đồng chi, bãi kỳ  bất dữ Tân Văn hợp giả.  Tư tác "Thương Hiệt thiên", trung xa phủ  lịnh Triệu Cao tác "Ái lịch  thiên", thái sư Hồ Mậu  Kính ác "Bác học thiên" , giai thụ sử Lựu đại triện hoặc pha tỉnh cải, sở vị Triệu triện giả dã".  

Nghĩa là:  "Tần Thủy Hoàng lúc mới thâu gồm  thiên hạ xong, thừa tướng Lý Tư bèn trình tấu xin đồng nhất (văn tự), bãi bỏ những thư thể không hợp với Tần  văn. Lý Tư đã viết ra  "Thương Hiệt thiên", quan Trung  phủ Triệu  Cao viết ra "Ái  Lịch thiên", qua Thái  sử Hồ Mậu Kính viết ra  "Bác học thiên",  tất cả đều  giữ lấy chữ  đại triện của Thái sử Lựu hay chế biến, tinh giản đi, gọi là tiểu  triện vậy"... 

Đáng tiếc là cả 3  thiên trên đã  không còn được  lưu truyền đến ngày nay nữa.

Loại kim văn (đại triện)

Đây là dạng chữ được khắc  hay đúc trên dụng  cụ bằng đồng thau vào thời Thương Chu, còn được gọi là "chung đỉnh văn" (tức là chữviết trên chuông và đỉnh). Loại chữ  nầy về hình thể lúc đầu gần  giống như loại giáp  cốt Văn, có chữ còn mang dấu  vết của văn tự đồ họa  buổi ban đầu;  cho đến  giai  đoạn sau, loại  chữ nầy gần  giống như loại tiểu triện. 

Còn  về mặt  kết cấu  hình thể,  loại chữ  nầy đã  tương đối hoàn chỉnh. Vào thời nhà Chu, đã có văn bản chữ kim dài tới 500 chữ.  Vào đời  nhà Chu, ngoài  loại chữ kim,  còn có những  thể chữ khác  khắc trên nhiều thứ vật liệu  khác nhau (tre, gỗ, đá).

Chẳng hạn:  khi chư hầu và khanh đại phu  kết giao với nhau, ký minh ước, thì  phải viết chữ trên những phiến ngọc đá: đó là loại "chữ minh ước"  (hay minh thư).  Nếu bản văn được ghi chép  trên phiến gỗ, gọi là  "thẻ gỗ";  chữ viết trên thẻ  tre gọi là "thẻ  tre"; chữ viết trên  đôn đá hình trống thì gọi là "chữ trống đá". 

Hình thể  những chữ nầy  khác nhau rất  lớn, lại thêm  tình trạng phân chia thời  kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, đã  làm cho kiểu chữ viết  thêm phức tạp, không có trật tự.  Tần Thủy Hoàng  còn dẫn những quan đại thần  đi thị sát các quận, huyện, trèo non lội suối, tìm thú núi sông, phàm nơi nào nhà vua đặt chân đến  đều phải dựng bia đá  khắc, để ca ngợi oai  hùng và công tích của mình "quét ngang lục  hợp, uy vang tứ hải" bảy lần. 

Đá khắc của tể tướng Lý Tư còn  truyền lại cho đến nay thì có: đá  khắc Thái Sơn  Phong Sơn, đá khắc Lang Nha,  đá khắc Dịch Sơn...  Trên những bia  đá nầy còn thể hiện những  thể loại thư pháp khác  nhau:

Đá khắc Phong Sơn:   Đây là tác phẩm tiêu biểu cho loại chữ Triện  Tần (tức là tiểu triện). Những chấm trên chữ đều thành đường nét, to nhỏ  khác nhau, đầu cũng tròn, cuối cũng  tròn. Thể chữ  nầy trông  đoan trang, chặt chẽ, có thực, có hư, nơi thưa, nơi dày đều thích  đáng, trông  ung dung, đều  đặn, mà lại  khoẻ khoắn, sức  lực dồi  dào.

 Nhiều nhà  bình phẩm về thư pháp cho  rằng: "Nét chữ nầy hình  như sắt đá, dáng khoẻ ngàn cân";  kết cấu chữ thì trên căng, dưới chùng, chân thòng kéo dài, có tư  thế oai nghiêm từ trên cao nhìn xuống,  hầu như  bắt người  đọc phải  ngước nhìn  lên mới thấy rõ được.

 Còn  về chương pháp thì:  hàng hàng chỉnh tề,  quy cách hài  hoà.  Phong cách chỉnh  tề thống nhất, nhất trí với  lý tưởng chính trị  của đời  nhà Tần. Loại  đá khắc  vào  đời nhà Tần,  nhìn chung, có  phong cách nghệ thuật thung dung, khoẻ khoắn, thống nhất với thời đại của vương triều nhà Tần.

Lối khắc chữ  "giáp cốt" của những danh sĩ  đời Ân và đời Thương,  được xem là "sự  giao hòa giữa thần và người", đã  đạt tới sự cảm ứng với thế giới thần bí trong từng  nét chữ.

Lối khắc chữ trên những đồ đồng  của đời Thương,  Chu thường dùng  trong cúng tế  các Thần  linh, hay ghi lại những biến chuyển của triều chính, vua chúa, đề cao vương quyền.

 Những đá khắc của Tần Thủy Hoàng thường đem dựng  lên trên  những đỉnh núi nổi  tiếng nhất của Trung  Hoa, nhằm đề cao những công  tích của nhà vua từng thống  nhất sáu nước, tuyên dương uy  nghiêm của Vương  quyền,  lòng tin  tưởng mãnh liệt của triều đình nhà Tần, biểu đạt ý nguyện thống  trị thiên hạ "thiên thu vĩnh cửu, thọ dữ thiên tề".

 Loại tiểu triện

Tiểu triện là  loại chữ thông dụng vào thời  nhà Tần, nên còn gọi là "Tần triện". Trong thời Chiến  Quốc, chữ viết ở các địa phương  Trung Quốc có hình dạng khác nhau và cách phiên âm cũng khác nhau cho  nên gây  nhiều bất  tiện trong  giao dịch.

 Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, đã chỉnh  lý lại toàn thể các văn tự  địa phương, đồng  thời cũng đã giản hoá chữ  viết trong dân gian.  Trên cơ sở  của loại "đại triện" (còn được  gọi là "trụ văn", một  loại chữ thông dụng ở nước Tần vào thời Xuân Thu Chiến Quốc), nhà  Tần đã quy  định một dạng chữ viết chuẩn  gọi là "tiểu triện".

Sự thống nhất hoàn  toàn Trung Quốc thời nhà Tần  đã có tác dụng lớn đối với việc quy phạm hoá chữ Hán.

Loại chữ Lệ

Kết cấu của chữ lệ:   Lệ thư là dạng  chữ thông dụng vào thời nhà Hán,  bắt đầu từ cuối nhà Tần đến thời Tam Quốc. Loại nầy còn được gọi là "Hán lệ", "tả thư", hay "bát phân". Ở giai đoạn  đầu,  lệ thư còn bảo lưu một số dạng nét  của tiểu triện,  thời gian sau  đó, những nét  mác lượn sóng tăng lên  dần, trở thành đặc điểm nổi  bật của loại chữ nầy.

Lệ thư  xuất hiện làm  cơ sở cho  khải thư sau  nầy, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của chữ Hán. Đó là  giai đoạn cổ văn tự chuyển sang giai đoạn "Kim văn tự".

Tương truyền vào đời  nhà Tần, có một nô lệ tên  là Trình Mạc mắc  tội với Tần  Thủy Hoàng, bị giam vào ngục  tối.  Trình Mạc thấy thẻ  bài của quan  coi ngục thời đó viết bằng  thứ chữ triện rất phiền phức, bèn cải  cách nó, chuyển phức tạp thành  đơn giản, sáng lập  ra thứ  chữ mới. Tần  Thủy Hoàng xem  xong rất khen  ngợi, chẳng  những xá tội cho, mà còn phong anh  ta làm Ngự Sử, và quy định đem  thứ chữ nầy phổ  biến.

  Vì Trình Mạc là một tên  nô lệ,  thứ chữ ban  đầu ứng  dụng trong công  việc nô dịch,  nên gọi là  chữ "lệ" (nô lệ). 

Câu chuyện  trên đây được  ghi trong Trung  Quốc ngoại sử.  Vì là  "ngoại sử" nên nhiều người thắc mắc. Có thể đây là chuyện hư cấu,  khiêm cưỡng. Thực  ra, cũng như việc ra đời  của thư pháp, chữ lệ  cũng phải tích lũy dần dà theo năm tháng, do nhiều người việc sáng  tạo; việc Trình Mạc  làm có thể chỉ làm công việc  chỉnh lý lại mà  thôi.

Xét những  tài liệu khảo cổ  khai quật được tại  Thiễm Tây, những  văn tự khắc trên thẻ gỗ và thẻ  tre đã có khuynh hướng thể chữ triện  đơn giản  hoá, giảm bớt  một số nét,  hình dạng chuyển  sang suông dẹt, bút pháp  có khuynh hướng làn sóng.  Đó  là mầm mống của loại chữ lệ. Thời  Tây Hán, thành phần của loại  chữ lệ trong thư pháp có tăng  thêm nhiều hơn... Tranh  lụa "Lão Tử" thời  Tây Hán, khai quật ở khu di  chỉ gò Mã Vương, thành phố Trường  Sa, đã có chữ lệ  rõ rệt.  Chữ lệ thuần thục  vào thời Đông Hán.  Thời Hán Hoàng Đế  (147-167), Hán Linh  Đế (168-189) là thời kỳ  thịnh hành của loại chữ lệ.

Chữ lệ xuất hiện lại là một  thay đổi lớn trong lịch sử thư pháp, cũng như lịch  sử chữ viết Trung Quốc. Từ  đó, thư pháp chia tay với chữ viết cổ  từng kéo dài trên 3000 năm,  để  bắt đầu bước vào thời  kỳ chữ  viết hiện  nay, kết  cấu chữ  không còn nghĩa tượng trưng như chữ viết cổ, mà hoàn toàn trở thành những phù hiệu.

Chữ lệ tiếp trước, mở sau; trước tiếp chữ lệ, sau mở chữ khải, là một chuyển viết trong  lối viết.

Nghệ thuật chữ lệ: Với tư cách là  nghệ thuật thư pháp, nó đã phá vỡ sự hạn chế bút pháp đơn nhất của loại chữ triện trước nay. Nguời thời xưa gọi loại chữ  triện là "đũa ngọc", tức là đôi đũa làm bằng ngọc, ngang bằng sổ  thẳng, cân bằng đầy đặn. Chữ kết  cấu  có quy  tắc nghiêm  ngặt, tương  đối ít  thay đổi. Nhưng khi chuyển sang loại chữ lệ thì không như vậy; nó điểm vạch rõ ràng,  nhỏ to vừa  mức, nét chữ "đầu tằm  đuôi én", một nét ba  gợn. Bút pháp có vuông, có tròn, hay kiêm cả hai loại vuông và tròn.

Kết cấu hoặc cao hiểm trầm bổng, cứng  khoẻ vững chải; hoặc đều đặn đẹp đẽ, tròn trĩnh xinh xắn; hoặc giữ chắc cung giữa, nhấn dừng trang trọng; hoặc mở to vòng lớn, khí  phách bay bổng, thật đúng là biến  hoá vô cùng, đua nhau khoe tốt. Đây thực là một chương đẹp nhất  trong lịch sử thư pháp.

  Khang Hữu Vi, danh sĩ đầu thế kỷ  XX tôn sùng hết mức  chữ lệ đời  Hán; trong tác  phẩm "Quảng Nghệ Châu song  tập", ông viết: "Viết  chữ không thời nào phát triển  bằng thời Hán, không chỉ riêng thể chữ có  phong độ cao, mà  nó biến chất nhiều  nhất, cao vững muôn đời. Đỗ  Độ viết chữ thảo,  Thái Ung viết phi  bạch (giữa nét chữ  có những điểm  trắng), Lưu Đức Thăng viết hành  thư, đều là những nhân vật  thời nhà Hán  cả. Cuối mùa,  biến thành chữ  chân khải, người đời  sau không ai vượt  qua được.  Tóm lại,  thể chữ đến mức  cao nhất là vào thời nhà Hán, biến hoá vô cùng...".

Phong cách hùng mạnh, chất phác của thư pháp thời Hán có quan hệ  với phong cách của xã hội đương thời. Loại chữ lệ thời Hán tiềm ẩn  một khí  thế rất lớn,  chất chứa và dâng trào, tiềm  ẩn một sức  mạnh trong  việc thực hiện thư  pháp Trung Quốc.

Chữ  lệ thời Hán (Hán lệ)  tinh đẹp, tuyệt diệu cho đến nay, vẫn  lan toả sức hấp dẫn nghệ thuật vô cùng tận.  Hán lệ ngày nay đưọc bảo lưu dựa trên những bi ký khắc từ thời đó, mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được.

 Đáng tiếc, tác giả viết  những lối chữ đó (trên bia) không lưu lại  tên họ, người đời sau  đành chỉ có thể  đặt tên theo từng tấm bia hay  theo nội dung khắc  trên từng  tấm bia, mà học giả Hồ Thích đã  ghi chép. 

Chẳng hạn: bia Ất Anh, Bia Sử thần (sử  xuất hiện rất sớm), bia Lễ Khí (dùng  trong tế lễ),  tụng thạch môn (xa tụng cửa  đá), bia Hoa Sơn, bia  Tào Toàn, Tụng Tây Hiệp, bia Trương Cảnh,  bia Trương Thiên...   Thư pháp của đời nhà Hán, ngoài loại bia khắc ra, còn có thể Hán,  được viết trên các phiến gỗ (miền Hoa Bắc) hay trên các phiến tre  (miền  Hoa Nam). 

Chữ Hán  Lệ viết  trên thẻ  không nghiêm chỉnh,  trang trọng,  khi thế có thể  được khoáng đạt như  trên bia khắc, tuy nhiên  lại hoạt bát,  linh động, biến  hoá nhiều vẻ,  thậm chí  ngẫu hứng, giàu chất hài hước.

Nếu ta ví loại khắc bia chẳng khác nào "công bút"  thì thể Hán lại giống  như "vẽ tả ý". Thể  Hán có  thể chữ hồn  nhiên hay đầu thô tùy tiện, không có viền mép, thậm chí trông  như qua loa, nhưng  trong đó thì lại  hiện ra những mẫu mực về loại viết chữ thảo của đời nhà Tấn.

Đặc tánh chữ lệ

Thực ra, đời nhà Tấn đã dùng cả  hai thứ chữ triện và chữ lệ, tuy nhiên, trong các văn thư chính  thức của triều đình thì dùng toàn loại chữ triện, mà các di tích còn bảo lưu cho thấy điều đó.  Đến đời Hán, chữ lệ mới trở  thành thư thể hình thức trong tất cả các loại văn thư hành chánh.  Lệ thư biến thể  từ triện thư và cổ văn (Cổ  văn bao quát giáp cổ văn, chung đỉnh văn  và khoa đẩu văn).  Như vậy, có  2 Lệ thư: Tân   lệ thư (cũng  gọi là bát phân) của  đời nhà Tần và Hán  lệ thư của đời  Hán.

Công cụ để viết

Ngoài ra, công cụ viết cũng đã góp phần vào sự biến hoá của thư thể trong giai đoạn nầy.  Theo những chứng liệu của Léon  Wieger cho biết: Một vị tướng (?)  nhà Tần là Trình Mạc đã chế loại  bút bằng que gỗ, đập dẹp một đầu  và chấm sơn mà  viết chữ ở trên thẻ tre (trúc  giản), trên thẻ gỗ  (mộc giản)  và trên vải lụa  (bạch thư).

Thời gian  sau đó, tướng  Mông  Điềm (đời  Tấn) cải  tiến nhiều  lần để  thành ra bút lông trong giai đoạn sơ khai.

  Trong tác phẩm "Thiên tự văn" của Chu Hưng  Tự đời Lương có viết rằng: "Điềm  bút luân chi"  là ý nói:  Mông Điềm đời  Tấn đã phát  minh ra bút lông. Thái Luân đời  nhà Hán đã chế tạo ra giấy. Cũng trong tài liệu nầy có ghi: Đời Tần dùng sơn để  viết chữ; mãi đến  đời Hán Hình Di mới phát minh ra mực.

Chính những công cụ viết chữ nầy lý giải đường nét thẳng hay tròn  đều của loại chữ triện. Với việc pháp minh ra bút lông, chữ lệ đã có nét uyển  chuyển hơn, sinh động hơn, vì động tác nhấn nhá cây bút đã tạo ra những nét mảnh mai hay to đậm khác nhau một cách dễ dàng hơn trước kia nhiều.

----o0o---