Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Ý nghĩa An Cư Kiết Hạ

06 Tháng Sáu 201610:50 CH(Xem: 5174)
Ý nghĩa An Cư Kiết Hạ

Hàng năm, người Phật tử tại gia, theo sự hướng dẫn của quý thầy, đều phát tâm cúng dường tứ sự (chỗ nằm, thuốc men, ăn uống và y phục) cho chư Tăng ba tháng an cư. Với hành động đó, mọi người chỉ được biết rằng bố thí cúng dường trong thời điểm này thì đem lại lợi ích lớn cho họ.

Vì vậy, người cư sĩ Phật tử phát tâm cúng dường chỉ biết mong cầu phước báu vô hình nào đó. Được phước báu là điều đương nhiên! Còn ý nghĩa và mục đích lớn lao của việc An Cư Kiết Hạ thì ít có người cư sĩ Phật tử nào hiểu một cách chính xác, hoặc nghĩ đó là việc của chư Tăng nên hàng Phật tử tại gia không cần thiết tìm hiểu để làm gì. Do đó, chúng tôi cần chia sẻ một vài ý nghĩa căn bản của truyền thống An Cư Kiết Hạ trong Phật giáo, để cho hàng Phật tử tại gia tham khảo, nhằm biết được tầm quan trọng của việc an cư.

Căn cứ vào Tỳ Ni Luật Tạng, hàng năm chư Tăng điều phải có ba tháng tập trung một nơi, ở yên tu học, gọi là cấm túc an cư: dừng bước du hóa (cấm túc), ở yên một nơi hay một trú xứ tập trung nào đó gọi là an cư (ở yên). Thế nên, chư Tăng cấm túc an cư mùa Hạ thì gọi là An Cư Kiết Hạ; cấm túc an cư mùa Đông thì gọi là Kiết Đông hay An Cư Kiết Đông. Tương tự, Kiết Thu Đông (giữa hai mùa), Kiết Xuân (cấm túc an cư vào mùa Xuân)… Và như thế, chư Tăng nói chung hay người xuất gia đã thọ Tỳ kheo giới nói riêng , đều lấy việc cấm túc an cư làm quan trọng, vì kết thúc một thời điểm ba tháng tu học như thế, vị Tỳ kheo đó mới được thêm một tuổi đạo. Theo lệ thường, người thế tục lấy Tết tính tuổi đời, còn người tu lấy ngày Tự Tứ sau ba tháng an cư làm tuổi đạo. Luật Tạng đã chế định, người nào xuất gia và thọ giới Tỳ kheo trước thì người đó lớn, bất kẻ tuổi đời. Cho nên thứ bậc lớn nhỏ trong nhà Phật không dựa vào tuổi đời mà phải dựa vào tuổi đạo, chúng ta hay gọi là tuổi Hạ -  ai nhiều năm Hạ hơn thì người đó lớn hơn; cũng có thể nói rằng, ai là người thọ giới Tỳ kheo trước thì người đó lớn; người thọ giới Tỳ kheo sau, cho dù tuổi đời lớn hơn bao nhiêu cũng là người có thứ bậc nhỏ. Vì vậy, khi chưa hiểu luật đạo, người đời thường ngạc nhiên khi thấy một vị thầy lớn tuổi mà phải ngồi phía dưới, đứng phía sau…. những thầy Tỳ kheo trẻ, thậm chí tuổi đời của vị thầy trẻ đó chỉ đáng bằng con cháu của những vị thầy cao tuổi. Chính vì những quy định đầy sáng suốt và trí tuệ của Phật nên đã gìn giữ được thể thống uy nghiêm, trật tự và bình đẳng trong sinh hoạt tăng đoàn. Đó là sự tinh khiết đáng quý trong đời sống giải thoát của người xuất gia học Phật, nhằm phát huy đạo lực tu tập  và sự thanh tịnh trong tăng đoàn.

Dựa vào điều kiện nào để đức Phật hoặc tăng đoàn chọn làm thời điểm an cư? Thật ra, vào thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã chọn mùa an cư là mùa mưa, không hẳn là mùa Hạ như lịch của Việt Nam hiện giờ. Theo lịch của Ấn Độ thì một năm được chia thành ba mùa: mùa nắng, mùa mưa và mùa lạnh. Mùa nắng kể từ giữa tháng 2 đến tháng 6. Mùa mưa kể từ nửa cuối tháng 6 đến khoảng nửa đầu tháng 10. Mùa lạnh là những tháng còn lại. Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy y cứ theo lịch này nên bắt đầu Vũ Kỳ An Cư (Vassavāsa) từ ngày 16 tháng 6 (tháng Āsālha) và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 (tháng Āssina). Nếu an cư được bắt đầu vào ngày 16 tháng 6 thì gọi là Tiền an cư (Purimikavassà). Còn nếu như có duyên sự không thực hiện Tiền An Cư được mà phải dời lại một tháng sau, tức bắt đầu từ ngày 16 tháng 7 và kết thúc vào ngày 16 tháng 10 thì gọi là Hậu An Cư (Pacchimikàvassà). Truyền thống Phật giáo Bắc truyền, thông thường thì bắt đầu kỳ an cư vào sau lễ Phật đản, tức bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 và kết thúc an cư vào ngày 16 tháng 7. Phật giáo Bắc tông dùng cụm từ An Cư Mùa Hạ (Kiết Hạ An Cư) thay cho cụm từ An Cư Mùa Mưa (Vũ Kỳ An Cư). Sự sai khác về thời gian trong hai truyền thống này là do có sự sai khác về điều kiện thời tiết khí hậu của từng quốc độ. Một số nhà phiên dịch Trung Hoa khi dịch kinh cũng đã dịch Kiết Hạ An Cư thay cho Vũ Kỳ An Cư.

images (5)

Đức Phật và Tăng đoàn đang đi khất thực

Như vậy, ở Ấn Độ, vào mùa mưa, côn trùng sinh sôi nẩy nở nhiều, chư Tăng đi ra ngoài sẽ giẫm đạp chết côn trùng, vừa tổn lòng từ bi vừa mang nghiệp sát. Để trưởng dưỡng lòng từ, và tránh sự cười chê của người thế tục, đức Phật không cho chư Tăng đi du hóa vào mùa mưa và trở thành truyền thống an cư đến ngày nay; ngoài việc chư tăng tập trung tu trì nó còn là nền tảng căn bản của người tu tập giải thoát, hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng cao cả, là tự độ và độ tha, là hạnh nguyện của mười phương ba đời chư Phật (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn). Bởi vì, trong những tháng ngày du hóa (ngoài ba tháng an cư), chư Tăng đi rong ruổi khắp nơi, thể lực cũng như nội lực huân tu cũng vơi dần, năng lượng tâm linh trong con người cũng bắt đầu suy giảm, cho nên cần phải có thời gian tịnh tu, ở yên một chỗ, tập trung thiền định, và có cơ hội học tập lẫn nhau, ôn tầm lời đức Phật dạy, là tinh hoa trí tuệ, nhằm phục hồi và phát huy nội lực sau mùa an cư. Vả lại, mùa mưa gió rất khó khăn và hạn chế trong việc đi khất thực và hoằng hóa, nên đức Phật tạo điều kiện tốt cho chư Tăng ở yên một chỗ, lo đời sống tâm linh, hoàn thiện về đạo đức và trí tuệ cho tăng đoàn, đồng thời khuyến hóa những cư sĩ tại gia phát tâm cúng dường, hỗ trợ cho chư Tăng tu học, là ruộng phước lớn lao cho hàng cư sĩ tại gia gieo trồng.

Căn cứ vào những điều vừa nêu, thì mùa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng Việt Nam là tuân theo luật Phật chế, nhưng thời gian thì không hoàn toàn giống như đức Phật an cư khi Ngài còn tại thế. Tùy vào điều kiện thời tiết từng quốc gia mà mùa an cư có thể huyển chuyển, thay đổi cho thích nghi với việc tu hành của chư Tăng nơi quốc gia đó hay trú xứ đó. Điều chắc chắn là hằng năm mỗi vị Tỳ kheo ít nhất cũng cần có ba tháng Cấm Túc An Cư để ôn tầm kinh luật, nương tựa tăng thân tu hành, biết nhìn lại mình, đồng thời cũng tích lũy được nội lực vững vàng sau ba tháng nỗ lực cần tu Tam Vô Lậu Học (Giới - Định - Tuệ).

Để tranh thủ cho việc tạo phúc đức cho mình, đồng thời thực hiện lời dạy của đức Thế Tôn, trong thời gian này, hàng Phật tử tại gia, nhín ăn bớt mặc, kẻ công người của, tùy theo công sức của mình, hết lòng trợ duyên cho chư tăng an tâm tu học. Đó là một việc làm thiết thực cho việc hoằng dương chánh pháp; một mặt vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của Phật tử tại gia đối với tăng bảo, một mặt là cơ hội tốt cho chúng sanh gieo trồng hạt giống lành vào ruộng phước mầu mở, nền tảng của mọi công đức, là kết quả tốt đẹp cho tự thân mỗi người phát tâm cúng dường được an lạc và hạnh phúc dài lâu.

Thích Phước Tiến

Theo Phật Pháp Ứng Dụng