Chương V: Như Một Tia Chớp Trong Đám Mây Mùa Hạ - Sự Vô Thường Giữa Lòng Thực Tại

20 Tháng Chín 201611:07 CH(Xem: 2772)
Chương V: Như Một Tia Chớp Trong Đám Mây Mùa Hạ - Sự Vô Thường Giữa Lòng Thực Tại
ĐỐI THỌAI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Chương V: Như Một Tia Chớp Trong Đám Mây Mùa Hạ - 
Sự Vô Thường Giữa Lòng Thực Tại

Sự vô thường của các hiện tượng không những là một đề tài thiền quán để khuyến khích chúng ta sử dụng cho thật tốt khoảng thời gian chúng ta còn sống trên thế gian. Đấy là điểm căn bản để hiểu thực tại. Từ sự vô thường đó chúng ta mới có được nhận thức về bản thể tối hậu của sự vật và điều chỉnh lối sống của chúng ta. Có chăng trong vũ trụ những thực thể hằng hữu, nghĩa là có tự tính? Nếu tất cả đều vô thường như Phật giáo đã nêu rõ và khoa vật lý có vẻ đã chấp nhận thì nhận thức ấy phải tác động thế nào đến với đời sống chúng ta?

Matthieu: Theo Phật giáo, sự tương thuộc gắn liền mật thiết với sự vô thường các hiện tượng. Ta có thể phân biệt sự vô thường “thô” như thay đổi thời tiết, núi lở, trẻ già, dao động tình cảm và sự vô thường “tế” chỉ xảy ra trong thời gian một sát na. Trong mỗi sát na, mọi vật đều thay đổi. Nếu nhìn nhận sự thay đổi là cùng khắp và không thể tránh được, chúng ta sẽ hiểu rằng vũ trụ không phải được tạo thành bởi những thực thể rắn chắc và riêng biệt, mà bằng những làn sóng chuyển động luôn luôn tác động hỗ tương lên nhau. Chúng ta đã thấy rằng cái mà chúng ta gọi là vật chất phải được cảm nhận dưới nhiều dạng khác nhau: sóng, hạt hoặc khối năng lượng cùng tồn tại vào một thời điểm nhất định. Điều này cho thấy tính cách vô thường của các hiện tượng. Vậy thì khoa học nói gì về tính lâu dài của các hạt, các quark. Có phải là các hạt quark là căn bản và hằng hữu như vẫn thường nói không?

Thuận: Để trả lời câu hỏi này tôi cần phải nói chi tiết về khoa học các quark. Để giải thích sự đa dạng của các hạt, các nhà vật lý đã phải nghĩ đến nhiều loại quark, mỗi thứ có hai đặc tính được gọi là “màu” và “vị”. Đây chỉ là hai danh từ trừu tượng chứ không phải màu và vị trên thực tế. Có ba loại quark mỗi loại có hai vị và ba màu và như vậy ta có tất cả 18 chủng loại quark. Vật chất thông thường gồm những quang tử và trung hòa tử của các nhân nguyên tử. Vật chất của con người chúng ta hay các loại hoa chỉ gồm các loại quark chỉ có hai vị gọi là “vị trên” và “vị dưới”. Các loại quark chỉ xuất hiện trong các máy gia tốc các hạt có năng lượng cao. Để trả lời câu hỏi của bạn, các quark cùng loại đều có thể đổi vị. Một quark “vị trên” có thể biến thành quark “vị dưới” và ngược lại. Các quark cũng có thể thay đổi thể loại khi nào điện tích của chúng thay đổi.

Matthieu: Như vậy quark có thể thay đổi và không có thể hằng hữu.

Thuận: Đúng vậy và điều này cũng kéo theo sự thay đổi của các quang tử và trung hòa tử tạo nên chúng. Và như vậy khi một quark “vị trên” trở thành một quark “vị dưới”, quang tử sẽ trở thành trung hòa tử đồng thời phát ra một dương tử và một neutrino (hạt không có khối). Khi tôi đang nói đây, hằng trăm tỷ neutrino có từ thuở vũ trụ lập thành đi xuyên suốt con người tôi mỗi giây đồng hồ.

Matthieu: Vậy thì quark không phải bất biến về bản thể cũng như không hằng hữu về mặt tồn tại. Và như thể chúng ta xa dần quan điểm “hạt bụi tối hậu”. Tuy nhiên các nhà vật lý có nghĩ đến những hạt hằng hữu nếu ta không tác động lên chúng không?

Thuận: Trong số hàng trăm hạt mà người ta biết, chỉ có vài hạt là có thể tồn tại vĩnh hằng. Đa số các hạt xuất hiện trong các máy gia tốc đều không ổn định và biến mất trong chớp mắt khoảng một phần triệu giây hay ít hơn. Khi ta giải thoát một trung hòa tử, nó chỉ tồn tại khoảng 15 phút trước khi đột nhiên biến thành quang tử và loại ra một antineutrino. Nhưng nếu trung hòa tử nằm im trong nhân nguyên tử nó cũng sẽ bất diệt. Rất may cho cơ thể chúng ta, vì nếu không thân thể chúng ta sẽ tan rã trong vòng 15 phút. Nếu được để yên mà không bị các hạt khác bắn phá chỉ có điện tử, quang tử và neutrino là bất diệt mà thôi.

Matthieu: Làm thế nào để chứng minh sự bất diệt đó?

Thuận: Ta không thể đo lường sự bất diệt đó, nhưng ta có thể đặt được những cột mốc thời gian rất dài có thể sánh ngang được với sự vĩnh hằng. Với thuyết được giới vật lý gọi là “Thuyết chuẩn” để giải thích về các hạt thì không cần đặt ra giả thuyết về sự diệt vong của điện tử, quang tử và neutrino. Còn về các dương tử những giả thuyết gần đây đã tiên đoán một thời gian tồn tại ước tính khoảng hằng tỷ tỷ năm tuổi của vũ trụ. Để kiểm chứng điều này không thể chờ 1030 năm trước khi thấy một dương tử mất đi. Nếu thời gian tồn tại của dương tử là 10-30năm thì chỉ cần gom lại 1030 dương tử trong cùng một nơi để thấy mỗi năm mất đi một dương tử. Hay hơn nữa, nếu ta gom 1030 dương tử trong khoảng trống có tường bao kín ta sẽ thấy vài dương tử biến đi mỗi ngày. Các nhà vật lý Nhật Bản và Mỹ đã đổ đầy 50 tấn nước trong một cái thùng vĩ đại - nước chứa rất nhiều dương tử - để quan sát sự tan biến các dương tử. Cái thùng nước này được đặt trong một hầm mỏ ở thành phố Kamioka dưới mặt đất 1km để tránh những tia vũ trụ. Thử nghiệm bắt đầu từ tháng 4/1996 nhưng cho đến nay không một ai nhận thấy được một dương tử nào mất đi. Điều này có nghĩa là thời gian tồn tại của một dương tử lâu hơn thuyết chuẩn nói trên đã tiên đoán. So với đời sống con người, hơn 1030 năm có thể so sánh được với vĩnh hằng.

Matthieu: Dù sao cũng chưa hẳn là vĩnh hằng thật sự. Dù rằng điện tử và neutrino trên lý thuyết là bất diệt, chúng cũng có thể biến dạng nhất là khi chúng bị các hạt khác bắn phá.

Thuận: Đúng vậy. Cho đến nay tôi đã nói về sự tan biến đột nhiên của các hạt. Nhưng ta có thể làm chúng mất đi khi bắn phá chúng, hoặc cho các hạt khác tác động lên chúng. Một dương tử khi tác động lên một điện tử, trở thành một trung hòa tử kèm theo một neutrino. Hãy tưởng tượng một quang tử mặt trời, khi nó tác động lên cái bàn này chẳng hạn, nó sẽ mất đi một phần năng lượng, bản chất nó không thay đổi. Hoặc giả nó mất hết năng lượng và biến mất khi cái bàn sẽ nóng lên.

Matthieu: Nó mất đi thật ư? Như vậy rõ ràng là các hạt đều vô thường và sớm muộn cũng sẽ mất đi.

Thuận: Có thể nói như vậy. Hoặc là các hạt vật chất không ổn định và sẽ tự tan rã, hoặc là nếu chúng ổn định, các hạt khác có thể tác động lên chúng, làm chúng biến dạng hoặc tan mất. Tuy nhiên, tôi lập lại là vật chất ổn định, nếu để tự nhiên sẽ không thay đổi. Bạn sẽ không thấy bình hoa trước mặt tan biến đi một cách bất thình lình chứ?

Matthieu: Chỉ là vấn đề thời gian và nhận thức. Cái mà bạn gọi là vật chất ổn định thay đổi liên tục, vì nếu không nó sẽ không già và không tàn lụi đi.

Thuận: Đúng thế. Mỗi vật nếu để nguyên trạng sẽ mòn dần và tan rã theo thời gian. Đó là luật thứ hai của “Nhiệt động học” theo đó, tổng trị số các xáo trộn trong vũ trụ phải luôn luôn tăng lên chớ không hề suy giảm.

Matthieu: Sự thay đổi liên tục đó, ta gọi là sự vô thường tinh tế. Nếu không có sự vô thường này, vạn vật sẽ không bao giờ thay đổi. Nếu một vật luôn luôn giữ nguyên trạng thái dù là trong một thời gian ngắn, nó sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi. Sự băng hoại của một vật nằm ngay trong chính bản thân nó. Sự vô thường nằm ngay trong trung tâm luật nhân quả.

Điều đáng kể là không một vật gì, dù là hạt hay một thực thể nào khác trong vũ trụ đều không thường hằng tuyệt đối. Đây là một điểm cốt yếu để chỉ ra bản thể các hiện tượng. Vấn đề cốt tủy là biết được thực tại có phải được tạo thành bởi những nguyên tố bất diệt có tự tính. Nếu quark mà bạn xem là căn bản của vật chất– dù rằng hiện nay đã có 18 loại quark là thường hằng, thì nó không cần nguyên nhân nào khác ngoài chính bản thân nó để tồn tại. Nhưng như Long Thọ đã nói: “Nếu các hiện tượng là độc lập thì chúng không tùy thuộc vào nguyên nhân hay điều kiện nào khác, và nếu như vậy thì luật nhân quả không thể áp dụng được”. Bất cứ vật gì không thể tự nó có được và nếu nó tùy thuộc vào một nguyên nhân khác để xuất hiện thì nó phải vô thường. Phật giáo kết luận rằng thực tại luôn luôn thay đổi không những trên bình diện vĩ mô có thể nhận biết được, mà còn trên bình diện vi mô theo không gian và thời gian. Đặc tính mà ta gán cho chất quark chỉ là một sự tưởng tượng vì quark cũng vô thường.

Thuận: Tôi còn có thể thêm rằng nếu xem quark như là một sản phẩm của tâm trí, ta có thể hiểu được động ứng của các hạt vi mô.

Matthieu: Như vậy thực tại không hề cứng nhắc như chúng ta vẫn tưởng.

Thuận: Để bổ sung cuộc thảo luận của chúng ta, tôi muốn trở lại thuyết các sợi siêu dẫn. Thuyết này mô tả những quark không phải như những điểm toán học, mà là những sợi cực nhỏ luôn rung động. Thuyết này có tham vọng hợp nhất hai thuyết lớn của thế kỷ 20: thuyết hấp dẫn diễn tả những hiện tượng cực lớn và thuyết cơ học lượng tử để diễn tả những cái cực nhỏ. Sự không dung hợp được hai thuyết này là một trở ngại lớn cho nhận thức chúng ta về vũ trụ. Nếu ta có thể kết hợp chúng lại, ta sẽ có một lý thuyết hấp dẫn lượng tử có thể hợp nhất bốn lực căn bản của thiên nhiên thành một lực duy nhất. Bốn lực căn bản của thiên nhiên là lực điện từ, hai lực nguyên tử mạnh và yếu và lực hấp dẫn.

Thuyết các “sợi siêu dẫn” là thuyết cuối cùng được đề nghị để giải thích mọi hiện tượng trong vũ trụ. Theo thuyết này, không phải những hạt được xem như là nguyên tố căn bản của vật chất mà là những đầu sợi siêu dẫn cực nhỏ chỉ dài 10-33 phân nghĩa là chiều dài Planck. Nếu sánh với một nguyên tử thì sợi siêu dẫn như một gốc cây so với vũ trụ. Những hạt vật chất cũng như ánh sáng chuyển tải những lực thiên nhiên của vũ trụ và làm mọi thứ thay đổi, chỉ là những biểu hiện của các sợi siêu dẫn. Cũng giống như sự rung động của các sợi dây trên một vĩ cầm tạo thành những âm thanh và những dư âm, sự rung động của các sợi siêu dẫn biểu hiện dưới dạng các dương tử, điện tử, trung hòa tử v.v...

Năng lực của sự rung động sẽ xác nhận khối của hạt. Rung động càng mạnh thì khối càng lớn. Các sợi thì cơ bản giống nhau, chỉ có sự rung động là khác. Như dương tử chỉ là biểu hiện của sự rung động ba sợi, mỗi sợi là một quark. Khi proton được các máy đo phát hiện thì người ta sẽ biết được khối, điện tích và cả spin (xoay vòng) của nó. Và nếu hiểu như thế, các sợi siêu dẫn liên tục rung động chung quanh ta và thế gian là một bản giao hưởng vĩ đại.

Matthieu: Những thay đổi đó chỉ ra rằng các sợi siêu dẫn cũng không phải là dương tử, điện tử, và trung hòa tử. Và từ đó dẫn đến kết luận của Phật giáo về vật chất: đặc tính của các vật thể không hề thuộc hẳn về chúng. Chỉ là sự giao động liên tục biểu hiện qua nhiều hình thức mà thôi.

Thuận: Các hạt không tự tồn tại được vì lẽ cùng một sợi dẫn, ta có nhiều biểu hiện khác nhau tùy theo tần số rung động. Khi rung động theo một chiều hướng nào đó, nó là quang tử và khi đổi tần số rung động thì nó thành một graviton.

Matthieu: Nếu các hạt chỉ là những sự rung động của các sợi, như vậy các sợi có hiện hữu thường hằng không?

Thuận: Những sợi thay thế các quark như là những thực thể căn bản, nhưng trong thử nghiệm khi thì chúng xuất hiện dưới dạng sóng, khi thì dưới dạng sợi. Thay vì như những điểm toán học không kích thước, chúng có dạng như những sợi cực nhỏ đến độ như những điểm, trong các máy đo tối tân nhất. Nhưng chúng lại có những kích thước ẩn. Theo một thuyết các sợi thuộc một vũ trụ có 10 chiều với 9 chiều không gian và 1 chiều thời gian. Trong một thuyết khác, vũ trụ có 26 chiều với 25 chiều không gian và một chiều thời gian.

Hiện nay chúng ta chỉ có 3 chiều không gian, phải giả thiết là 6 hoặc 22 chiều không gian phụ thuộc cuộn lại vào nhau để trở nên cực nhỏ (10-33 phân) không thể nhận biết được.

Matthieu: Như vậy bản thể của các sợi dao động là gì?

Thuận: Người ta có thể xem một sợi dẫn có đặc tính nhờ vào độ căng và năng lượng của nó. Hai sợi dẫn cùng rung động theo một cách lại cho ra những hạt khác nhau nếu độ căng các sợi dẫn khác nhau, vì lẽ như vậy năng lượng của chúng cũng khác nhau.

Matthieu: Những sợi dẫn đó có bất khả phân hay là chúng có thể đứt lìa và ráp nối lại được.

Thuận: Những sợi dẫn không tồn tại bất động và riêng biệt. Chúng tác động lên nhau, nối kết và phân chia nhưng bề dài của chúng không thể dưới 10-33 phân tức là chiều dài Planck. Hai đầu của một sợi có thể ở dạng tự do hay nối kết lại thành một cái vòng hoặc hai sợi có thể phối hợp nhau để cùng tạo thành một cái vòng.

Matthieu: Như vậy thật sự các sợi dẫn có phải là những thực thể riêng biệt không? Theo Phật giáo nếu phân tích đến cùng cực thì vật thể biến mất. Tuy nhiên thuyết về các sợi dẫn vẫn phản ánh ý niệm một thực tại cảm nhận được tự hiện hữu và riêng biệt.

Thuận: Đúng vậy. Khi các hạt mất đi, thì các sợi thay thế.

Matthieu: Gần đây tôi có dịp nói chuyện với Brian Greene, một chuyên gia về sợi. Tôi có hỏi ông, một sợi có thể nào tự mình tồn tại mà không liên hệ với một vũ trụ nào đó. Theo Greene thì thật ra không có ý niệm chia rẽ sợi và vũ trụ, vì vũ trụ phản ánh sự có mặt của sợi.

Thuận: Nếu thuyết này đúng thì không thể có một vũ trụ không sợi?

Matthieu: Người ta lại có thể tự hỏi vì sao các sợi rung động?

Thuận: Theo thuyết lượng tử, một sợi không bao giờ có thể nằm im một chỗ, nếu không người ta có thể biết được một cách chắc chắn vị trí và vận tốc của nó, điều này không thể xảy ra.

Matthieu: Như vậy vì sao cách rung động các sợi lại có thể thay đổi? Cái cách mà chúng rung động là đặc tính riêng của chúng, như vậy chúng không có một đặc tính bất biến nào? Cũng theo Brian Greene, các sợi có thể tác động lên nhau và những tác động đó tạo nên cách rung động của chúng. Những đặc tính của hạt như (khối, điện tích và spin) tùy thuộc vào cách rung của sợi và như vậy không thuộc về hạt. Nhưng sợi cũng rung động khác nhau do đó cũng không thể tự có các đặc tính đó. Về điều này Brian trả lời rằng: “Có thể là anh có lý. Sợi giống như một con tắc kè. Nó có thể trở thành bất kỳ một hạt nào tùy theo sự rung động của nó”.

Một thực thể nếu gồm có các nguyên tố tự có dù đó là hạt hay là sợi gợi lên ý những thực thể bất biến. Tuy nhiên hạt hay sợi đều có thể thay đổi, do đó theo Phật giáo không thể tìm ra được bản thể của thực tại.

Thuận: Đừng quên rằng thuyết siêu sợi chỉ là một ý niệm khác thường có thể sai lầm. Hiện nay khó mà kiểm chứng nó bằng thử nghiệm được vì muốn thế ta cần phải sử dụng đến những năng lượng cao hơn rất nhiều năng lượng mà ta có được trong các máy gia tốc mạnh nhất hiện nay. Hơn nữa lý thuyết này lại bị che phủ bởi một bức màn toán học càng ngày càng dày đặc, do đó nó càng xa rời thực tại. Và như chúng ta biết, khoa vật lý nếu không được kiểm nghiệm thì chỉ là siêu hình thôi.

Nhưng tôi cũng thú nhận tôi hơi tò mò về ý niệm sự vô thường ngay trong lòng thực tại. Thật ra ngoài sự vô thường có thể nhận biết trong thế giới vi mô, người ta có thể nhận biết sự vô thường trong toàn vũ trụ. Và cái quan niệm về sự thay đổi liên tục nằm trong vũ trụ học hiện đại. Tuy nhiên thuyết Big Bang chỉ có tính cách thuyết phục từ năm 1965 với sự khám phá ra ánh sáng hóa thạch. Trong những năm 50 thuyết một vũ trụ bất biến không thay đổi theo thời gian và không gian rất đỗi thịnh hành. Cũng nên ghi nhận rằng, sự trái nghịch giữa ý niệm một vũ trụ luôn thay đổi đã nảy sinh từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên trong Cổ Hy Lạp với Heraclite chủ trương một vũ trụ luôn thay đổi và mọi vật đều chuyển động không ngừng và vô thủy vô chung. Trái lại, Parmenide cho rằng sự thay đổi không thích hợp với sinh vật mà theo ông là duy nhất và trường cửu.

Matthieu: Theo Parmenide, nếu bất cứ cái gì đều thay đổi, thì sự xuất hiện của cái gì không có từ trước có thể thể hiện được. Tuy nhiên cái gì đã không có, thì không thể bắt đầu có được. Như vậy sự thay đổi là không thể có được. Quan điểm này cũng giống như quan điểm cho rằng: “Quả đã có sẵn trong nhân do đó không có gì mới có thể xuất hiện được”. Phật giáo đã trả lời rằng nếu quả đã có sẵn trong nhân và không hề khác với nhân, thì nên dùng tiền của bạn để mua hạt bông vải về mặc, vì lẽ bạn cho rằng quần áo đã có sẵn trong hạt bông vải rồi.

Thuận: Aristote đã đưa vào hệ tư tưởng của ông ý niệm biến và bất biến. Theo ông sự thay đổi gắn liền với trái đất và mặt trăng ở đó có sự sống, sự hủy hoại và sự chết, còn sự không thay đổi thì gắn liền vào mặt trời và các vì sao mà theo ông là bất biến và trường cửu.

Vào thế kỷ 17, Newton đã xô ngã thuyết này của Aristote bằng việc khám phá luật hấp dẫn đã chứng minh sự chuyển động của trái đất và của các vì sao chung quanh mặt trời. Và như vậy trời cũng như đất đều thay đổi.

Matthieu: Điều này cũng không ngăn Newton viết trong quyển Optique: “Tôi nghĩ rằng lúc sơ khai, Thượng đế đã tạo ra vật chất bằng những hạt rắn chắc, di động có hình dáng và kích thước cũng như những đặc tính khác rất cứng đến độ không thể mòn hay vỡ được. Và như vậy không thể có quyền lực nào có thể chia cắt cái mà Thượng đế đã tạo ra”. Và như vậy là Newton cũng chủ trương một sự thường hằng trong lòng thực tại.

Thuận: Thật ra những nhà bác học đã khai mở khoa học Tây Âu từ Galilée đến Newton qua Kepler đều có ý niệm một Thượng đế sáng tạo một vũ trụ hoàn hảo, bất biến và trường cửu. Nhưng với sự tiến bộ, khoa học đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng vũ trụ luôn thay đổi và ý niệm một vũ trụ bất biến là không chấp nhận được. Các vì sao sinh ra, tồn tại bằng cách đốt nhiên liệu hydro và helium của chúng và sau đó chết đi và giải phóng trong khoảng không vô tận một loại hơi có nhiều hóa chất. Chất hơi này theo luật hấp dẫn lại tạo thành một thế hệ ngôi sao mới và cứ thế tiếp nối. Đó là những chu kỳ sống và chết tiếp diễn hằng triệu, hằng tỷ năm. Mặt trời xuất hiện cách nay 4 tỷ rưỡi năm tức là 11 tỷ năm sau Big Bang là một ngôi sao thế hệ thứ ba. Và những thiên hà gồm hàng trăm tỷ ngôi sao cũng thay đổi theo thời gian.

Hơn nữa, không có gì đứng im trong không gian. Luật hấp dẫn đã làm cho các ngôi sao, các thiên hà cuốn hút lẫn nhau trong sự trương nở của vũ trụ. Và như vậy trái đất của chúng ta tham dự vào một vũ hội ba lê vũ trụ. Trái đất quay xung quanh mặt trời với vận tốc 30km/giây và mặt trời mang theo trái đất trong cuộc hành trình xung quanh dãy Ngân hà với tốc độ 230km/giây. Dãy Ngân hà rơi với tốc độ 90km/giây xuống chòm sao Andromède. Và cả dãy Ngân hà và Andromède cùng rơi với vận tốc 600km giây đến Kim tinh và cả Kim tinh cũng rơi xuống một dãy ngân hà khác. Và như vậy là bầu trời tĩnh và bất biến của Aristote đã không tồn tại. Mọi hiện tượng đều vô thường, biến dịch và thay đổi.

Matthieu: Mục đích của Phật giáo hoàn toàn khác với khoa Vật lý. Vật lý dừng lại ở việc mô tả các hiện tượng, còn Phật giáo là cố gắng làm tan biến sự luyến ái của chúng ta với hiện tượng, với người khác, với sinh vật, với thiên nhiên, với sự kiện, với mọi vật thể và với cả chính chúng ta nữa. Vì khi chúng ta còn tin là các hiện tượng đều thật thì sẽ có hạnh phúc và đau khổ.

Như DharmaKirti đã viết:

- “Khi đã có cái tôi, thì cũng có người khác

- Và đã có tôi và người khác, thì có luyến ái và thù hận.

- Và cái đôi “tôi, người” là nguồn gốc của mọi đau khổ”.

Mục tiêu của Phật giáo là giúp chúng sinh thoát khỏi cái ảo ảnh về sự thường hằng của các vật thể, là chỉ ra sự vô thường của chúng. Đức Phật đã nói rằng sự vô thường là đề tài quan trọng nhất cho sự thiền định.

Sự vô thường thì rất dễ thấy trong thế giới vĩ mô, nhưng suy tư về những thay đổi liên tục trong thâm tâm chúng ta còn đem lại những kết quả sâu sắc hơn. Và chính sự vô thường các hiện tượng và thâm tâm của chúng ta có thể đưa chúng ta đến Giác Ngộ.