Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

- 05 - M. Đức Phật Ngự Đến Vesali

21 Tháng Chín 201611:19 CH(Xem: 3050)
- 05 - M. Đức Phật Ngự Đến Vesali

Trên đường hoằng pháp của 
Phật tổ Gotama

Tóm lược sự tích và những cuộc du hành của Phật tổ Thích-Ca

Trùng-Quang Nguyễn Văn Hiểu

 --- o0o --- 



- 05 -
 

 

 

M. Đức Phật Ngự Đến Vesali

 

149. Đức Phật còn ngự đến xứ nào khác chăng?

Một đoạn lịch sử nói về cuộc châu du của Đức Phật tại xứ Licchavi, nhưng không ghi rỏ vào thời kỳ nào. Xứ Licchavi ở vào hướng Bắc xứ Magadha, thuộc quyền cai trị của nhiều vị Tiểu vương; kinh đô là thành Vesali (Tỳ Da Ly), nằm trên tả ngạn sông Găng (bên hữu ngạn là thành Pataliputta, kinh đô mới của xứ Magadha), rất giàu có thạnh mậu. Nơi đây hiện giờ còn nhiều di tích của Đức Phật, nhất là thạch trụ của vua A Dục.

Tục truyền rằng trong kiếp chót, tiền thân của Đức Phật đã sanh trưởng tại Vesali và Bồ tát có thọ giáo với Thầy Đạo sĩ Aràdà Kàlàma. Kiếp này, sau khi thành Phật, Ngài được thỉnh đến Vesali tẩy trừ một bệnh dịch khí đã giết hại rất nhiều dân chúng. Thuở ấy, cũng như hiện giờ ở khắp thôn quê, ôn binh tà quái là vi trùng của bệnh dịch. Khi Đức Phật được thỉnh đến Vesali, Ngài sai Đại Đức Ananda tới trước, trọn ba canh, đi ba vòng thành, tụng Ân đức của Phật Pháp Tăng, cho Chư Thiên và dân chúng phát tâm trong sạch, hướng về Ba Ngôi quí báu, cải ác tùng thiện, đem lòng Từ bi thương xót lẫn nhau. Nhờ oai lực Tam Bảo và lòng từ thiện phát sanh trong từng lớp dân chúng mà thành Vesali trở lại bình an và phồn thịnh như xưa.

Để tỏ lòng sùng kính Đức Phật, các vị Tiểu vương xứ Licchavi dâng cho Ngài một vuông rừng, nằm về hướng Bắc thành Vesali. Chính nơi đây Bà kế mẫu Gotami của Đức Phật đến yêu cầu nhiều lượt xin cho hàng phụ nữ xuất gia làm Tỳ kheo ni. Cũng tại Vesali, Bà đắc Đạo Quả A la hán và Niết bàn.

Theo lịch sử, Đức Phật đến viếng Vesali hai lượt.

Thuở ấy, tại thành này có nàng kỳ nữ tên Ambapàlì, đẹp đẻ, yêu kiều, màu da tuyệt mỹ, có thiên tài về ca xướng nhạc vũ, khiến cho hàng Vương tôn Công tử tứ phương đến tìm mua vui với nàng. Chính nhờ nàng mà thành Vesali càng ngày trở nên hào hoa lộng lẫy.

Các vị Tiểu vương Licchavi tướng mạo oai phong lẫm liệt ăn mặc rất sang trong; bọn tùy tùng cũng vận sắc phục lộng lẩy.

Mỗi khi các Vị Tiểu vương Vesali đến yết kiến Đức Phật, từ xa thấy họ đến, Ngài thường nói với các vị Tỳ kheo: "Thầy nào chưa từng thấy 33 Vị Trời ở cung Đạo Lợi, nên dòm các vị Tiểu vương kia kìa.” Các Vị Tiểu vương này và nàng Ambapàlì thường tranh nhau thỉnh Đức Phật về nhà thọ thực. Ngày nọ, nàng Ambapàlì đến thỉnh Đức Phật, trên đường về gặp xe giá các vị Tiểu vương , nàng khoe rằng:" Tâu cùng Chư Đại Vương, thiếp rất hân hạnh được Đức Thế Tôn và Chư Tăng nhậm lời ngày mai đến thọ trai tăng tại tệ xá.”

Các Vị Tiểu vương cũng tính vào Tịnh Xá thỉnh Đức Phật, nghe vậy mới đề nghị rằng:

- "Này cô Ambapàlì, cô nhường buổi trai tăng ấy cho chúng tôi đi; chúng tôi sẽ chịu cho cô 1.000 đồng.”

Nàng Ambapàlì đáp lại:

- "Xin Quí Ngài tha thứ cho, dầu Quí Ngài cho trọn cả thành Vesali, thiếp cũng không thể hồi bửa trai tăng ấy để nhường lại cho Quí ngài.”

Các vị Tiểu vương thất vọng, búng tay nói:

- "Quả thật chúng ta bị thua một người đàn bà yếu nhược.”

Sau buổi trai tăng này, nàng Ambapàlì dâng cho Đức Phật một vườn xoài, trong ấy có cất một vọng tháp tốt đẹp, nằm về hướng Đông Bắc thành Vesali.

 

N. Đức Phật sang qua thành Rajagaha

150. Từ Vesali Đức Phật còn đi đâu nữa?

Qua mùa thu, Đức Phật trở lại Rajagaha, cư ngụ nơi vườn xoài của Ông Jìvaka (Ngự y của vua Bimbisara), dưới chân núi Kỳ xà Quật. Tình hình xứ Magadha lúc bấy giờ đã thay đổi, không còn ảnh hưởng xấu xa của Thầy Devadatta. Vua Ajàtasattu (A Xà Thế) bị lương tâm cắn rứt vì tội giết cha cướp ngôi, rất hối hận và lo sợ ngày sau con mình là Hoàng tử Udayibhadda lớn lên sẽ giết trở lại mình.

Một đêm nọ, dưới ánh trăng thu, vua A Xà Thế ngự cùng các quan trên nóc lầu bằng để thưởng nguyệt; cảm thấy trong lòng nao nao buồn thảm, thở ra và định ý đi tìm một vị Bà la môn cùng vị Sa Môn nào để tỏ bày tâm sự, cầu xin chỉ dạy một đường lối nào cho cõi lòng được thơ thới an tịnh.

Các vị đại thần đề nghị đi viếng sáu Đạo sĩ, giáo chủ của phái Lục sư; nhưng vua A Xà Thế đã dư biết trình độ của họ nên không nhận lời. Riêng ông Jìvaka, là vị cựu thần, ngồi làm thinh; chờ Vua phán hỏi, ông liền khuyên Vua nên đi yết kiến Đức Phật, đương ngự tại vườn xoài của ông với 1.200 vị Tỳ kheo: "Tâu Đại Vương, nếu Đại Vương gặp được Đức Thế Tôn, ắt Đại Vương sẽ cởi mở được những nổi khổ trong lòng.” Đức vua liền nhận lời, truyền lệnh thắng voi cùng đi với Cung phi và triều thần đến tịnh xá của Ông Jìvaka. Đường sá quanh co theo triền núi, càng vô sâu chừng nào càng thấy quang cảnh vắng lặng rùng rợn. Đức vua sanh nghi, phát run sợ tự hỏi: Phải chăng Ông Jìvaka muốn gạt trẫm vào sào huyệt để hại trẫm? Dầu là ở giữa rừng núi, nhưng gần nơi cu hội của trên cả ngàn người, mà sao không có một chút ồn ào, khua động, cho đến một tiếng ho khạc cũng không nghe. Ông Jìvaka đoán biết, nên đến gần trấn tĩnh Đức vua và trỏ tay chỉ nơi xa xa phía trước có lập lòe ánh đèn, từ trong ngôi nhà tròn lớn mà ông đã cất để làm giảng đường cho Đức Phật thuyết pháp dạy đạo hằng ngày.

Vua đến nơi được Đức Phật ân cần tiếp rước. Sau khi lễ bái Đức Thế Tôn, Vua A Xà Thế xin phép hỏi một câu, chưa ai từng nghe, để mở đường sang qua mục đích của sự viếng thăm hôm nay: "Bạch Đức Thế Tôn, xin Đức Thế Tôn hoan hỷ giải cho trẫm cùng bá quan có mặt nơi đây những diều lợi ích lớn nhỏ mà người ly gia thoát tục có thể thu hoạch được trong phạm hạnh của bậc xuất gia.”

Đức Phật vui vẻ thuyết nhiều pháp về phạm hạnh của bậc xuất gia, từ sự lợi ích của tư cách ăn mặc, đi đứng, nằm ngồi, chuyện vản, suy tưởng cho đến những sự lợi ích về tư cách thu thúc lục căn, chế ngự dục vọng, gìn giữ lòng an tịnh, khai thông Trí tuệ, chứng ngộ chân lý, tận diệt Vô Minh, siêu thoát luân hồi. Rồi Đức Phật hỏi: "Ví như Đại vương có một người bộ hạ đã xuất gia thực hành đúng theo phạm hạnh như thế. Đại vương có thể nào muốn cho người ấy trở lại làm bộ hạ để chìu lụy phục vụ Đại vương chăng?" Bạch Đức Thế Tôn, nếu người bộ hạ của trẫm đã xuất gia tu hành đúng đắn theo phạm hạnh, trẫm sẽ nghiêng mình chào hỏi, mời ngồi và cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc men và cam đoan sẽ bảo hộ, che chở cho xứng đáng theo bậc có đầy đủ phạm hạnh.

Sau khi thỏa mãn hiếu kỳ của Vua A Xà Thế, Đức Phật lần lần khôn khéo mở đường cho người đương nặng mang trọng tội giết cha, gieo sâu đức tin trong Phật Pháp, phát tâm vui thích muốn vào gần ngôi Tam Bảo, để tìm phương giải lấy oan nghiệp.

Vua A Xà Thế rất thỏa thích, liền xin qui y làm người cận sự nam và tỏ lời sám hối: "Bạch Đức Thế Tôn, trong cơn điên dại, mù quáng vì tham muốn ngôi vua, đệ tử đã phạm tội sát phụ; cúi xin Đức Thế Tôn nhận lời thú tội của đệ tử, hầu từ nay về sau đệ tử ăn năn cải hối, không còn tái phạm trong tội ác nữa.”

Đức Phật đáp: "Tâu Đại vương, thật vậy, do một oan trái ác nghiệt trong tiền kiếp, Đại vương đã gây ra trọng tội thảm khốc, hôm nay Đại vương đã thú nhận và hối ngộ ăn năn, Như Lai hoan hỷ chứng minh cho Đại vương. Tâu Đại vương, chính đó là quan điểm của một kỷ luật cao thượng, dành để cho người biết nhìn nhận tội lỗi, tỏ dấu ăn năn, hầu diệt mầm oan trái trong ngày vị lai.”

Vua A Xà Thế cảm thấy lòng được nhẹ nhàng thơ thới, hết sức vui mừng, liền bái tạ Đức Phật trở về hoàng cung.

151. Tại sao Đức Phật không cứu độ Vua Bimbĩsara, là người có công giúp cho Phật giáo được thạnh hành trong xứ Magadha, cũng không tế độ Hoàng tử Ajatasattu, để tránh tội giết cha, cũng như Ngài đã độ tướng cướp Angulimala khỏi tội giết mẹ?

Thật vậy, Vua Bimbisara, cũng như Vua Pasenadi xứ Kosala, là một vị Quốc vương đồng tuổi với Đức Phật, thông hiểu Phật Pháp, tinh tấn giữ đạo với Đức Phật từ buổi khai đạo; lẽ thì Đức Phật đã tìm mọi phương thế cứu độ cho khỏi bị Thái tử A Xà Thế phế ngôi, hạ ngục, không cho ăn uống cho đến bỏ mình trong ngục thất. Nhưng vì bởi oan trái của vua Bimbisara đã gây ra trong tiền kiếp với Thái tử A Xà Thế, nay đúng giờ phút phải trả quả đền tội; Đức Phật không thể sửa đổi luật Nhân quả, đành cam chịu mất một người tín đồ nhiệt thành và cũng là người bạn thân mến. Tuy nhiên Đức Phật đã độ vua Bimbisara (Tần Bà Sa) chấm đứt oan nghiệp và tiến bước khá sâu vào đường giải thoát: Khi Thái tử A Xà Thế nghe lời Thầy Devadatta, mang gươm vào cung nội, tính hạ sát vua cha, bị bại lộ, vua đã không bắt tội, lại còn nhường ngôi cho Thái tử. Được tức vị rồi, vua A Xà Thế cũng còn nghe lời Thầy Devadatta, hạ ngục vua cha, bỏ đói đến chết cho Thầy rãnh tay hạ sát Đức Phật. Trong ngục thất, vua Tần Bà Sa nhờ biết đạo, không oán giận con, cam lòng chịu trả cho dứt mối oan nghiệt tiền khiên, nên khi qua đời được siêu thoát về cõi yên vui.

Cũng vì oan trái mà nghiệp lực đưa đẩy Thái tử A Xà Thế sanh làm con Vua Bimbisara, chờ đúng giờ khắc, ác tâm phát sanh, hết biết tình cha nghĩa con, hành động mù quáng của Thái tử giúp cho mối thù xưa thực hiện, y theo quả báo mà hai bên đã cố tâm gieo trồng.

Chớ chi Thái tử A Xà Thế theo một đường lối với Vua cha, thông hiểu được Phật Pháp, biết luật Nhân quả tự mình biết sửa đổi nghiệp lực của mình, không làm bạn với kẻ ác Devadatta, thì chẳng những Đức Phật có thể cứu độ khỏi tội giết cha, lại còn dìu dắt Thái tử trên đường Thánh đạo. Cho nên sau khi Vua A Xà Thế nghe pháp, qui y và sám hối tội lỗi, Đức Phật liền bày tỏ cho các Thầy Tỳ kheo biết rằng, mặc dầu Đức vua đã thành thật ăn năn, nhưng nếu không có cái trọng tội sát phụ, thì đã được chứng ngộ chân lý (đắc quả Thánh) giữa lúc Ngài thuyết pháp cho nghe.

Tướng cướp Angulimala và Vua Ajatasattu ở trong hai hoàn cảnh khác nhau; người trước là kẻ mới vay nợ; người sau là chủ nợ đến đòi lời vốn. Angulimala phạm tội giết người, quả báo chưa phát sanh kịp thời, nhờ hiểu Phật Pháp, tự mình sửa đổi đường hướng phát triển tinh thần, để tiến đạo quả Niết bàn.

152. Sau khi qui y, Vua Ajatasattu đối xử với Đức Phật như thế nào?

Vua A Xà Thế hết lòng tôn kính và tin tưởng Đức Phật, như Vua cha khi trước. Mỗi khi triều đình có việc quan trọng phải giải quyết, Vua thường đến thỉnh giáo Đức Thế Tôn.

Một ngày nọ, Vua A Xà Thế sanh lòng tham, muốn đem binh chiếm xứ Videha, bên tã ngạn sông Găng, thuộc của bên ngoại, để tiện bề chinh phục cã vùng kế cận rất giàu có thịnh mậu của dòng Vajjis và Licchavis. Vua bèn phái vị Đại thần Vassakara đến núi Kỳ Xà Quật đem lời khôn khéo dọ hỏi ý kiến Đức Phật về mưu chước nói trên.

Khi nghe vị Đại thần Vassakara dỉ hơi về ý định xăm lăng của Vua A Xà Thế, Đức Phật liền bắt qua nói chuyện khác với Đại Đức Ananda để giáng tiếp trả lời cho vị khách của Ngài:

- "Này Ananda, ngươi có nghe dân tộc Vajjis đối xử với nhau bằng cách nào mà xứ sở họ được hùng mạnh giàu có chăng? "

- "Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử thường nghe rằng người Vajjis, từ bậc Vua chúa đến hàng thứ dân đều áp dụng chánh sách rất khôn ngoan, để bảo tồn vĩnh viển bờ cõi và sự phồn thịnh của họ.”

"Thật vậy Ananda, dòng Vajjis có lập bảy nguyên tắc căn bản để duy trì đất đai và sự giàu có cho xứ sở họ:

1. Thường nhóm họp nhau để giải quyết những vấn đề lợi ích cho quốc gia dân tộc.

1. Đoàn kết hòa thuận với nhau.

2. Thi hành đúng theo luật pháp chế định.

3. Tôn kính bậc Trưởng thượng.

4. Kính nể hàng phụ nữ.

5. Bảo tồn các đền thờ trong xứ.

6. Sùng bái các bậc Thánh nhân.”

Nhờ áp dụng trung thành bảy nguyên tắc ấy,mà chẳng có cuộc ngoại xâm nào thắng họ được.

Vị sứ giả Vassakara, già dặn về môn chánh trị, tiếp lời kết luận: Nếu quả thật vậy thì chẳng nên mạo hiểm xâm chiếm đất đai của dòng Vajjis. Còn muốn thắng họ, thì trước nhất phải tìm cách làm cho họ chia rẻ, thù ghét lẫn nhau. Dứt lời, ông bái tạ kiếu từ Đức Phật và hứa khi rảnh việc sẽ trở lại thỉnh giáo cầu đạo. Trên đường về, Ông Vassakara lập tâm phá rối sự đoàn kết của dân xứ Vajjis.

Khi Sứ giả Vassakara vừa xuống núi Kỳ Xà Quật, Đức Phật hội Chư Tăng lại, dạy Bảy pháp cần thiết để duy trì Giáo hội cho được lâu dài:

1. Các Thầy Tỳ kheo phải sống một đời sống tập đoàn và thường hội họp để học hỏi cùng nhau.

2. Các Thầy Tỳ kheo luôn luôn phải hòa hảo trong đời sống tập đoàn, trong lúc hội họp và trong khi hành Tăng sự.

3. Các Thầy Tỳ kheo chẳng nên sửa đổi hoặc phế bỏ các điều học, mà phải nghiêm trì cho đầy đủ.

4. Các Thầy Tỳ kheo phải tôn kính và vâng lời các bậc trưởng lão có nhiều kinh nghiệm.

5. Các Thầy Tỳ kheo không nên để cho lòng tham muốn chi phối.

6. Các Thầy Tỳ kheo phải vui thích nơi thanh vắng.

7. Các Thầy Tỳ kheo phải biết tự chủ, biết dìu dắt đàn em có tài đức, đến chỗ an vui hạnh phúc.

 

O. Đức Phật sang qua thành Vesali

153. Đức Phật còn châu du nơi nào khác chăng?

Sau khi ở Rajagaha (Vương xá) một thời gian khá lâu, Đức Phật và đoàn tùy tùng lên đường trở lại Vesali.

Chặng đầu, Ngài ghé vào vườn xoài Ambalatthika của vua A Xà Thế, là nơi Ngài đã đến hai lần, để thuyết pháp nhắc nhở tín đồ nông trang tu hành.

Kế đó, Đức Phật ngự đến làng Nalanda, chỗ sanh đẻ của Đại đức Sariputta (Xá Lợi Phất). Về sau, Vua xứ Magadha có lập nơi đây một trường Phật học để đào tạo Tăng tài. Trường ấy trở thành một Đại học đường sản xuất nhiều triết học gia danh tiếng, trong thời trung cổ. Thầy Huyền Trang, lúc đến Ấn Độ, có xin vào học môn triết lý và khảo cứu tài liệu về Phật giáo Đại thừa, trong nhiều năm.

Đến chặng thứ ba, Đức Phật ghé làng Pàtali, trên một ngã ba rạch, vựa mé sông Găng, thuận tiện buôn bán nên có nhiều dân cư và cũng là một địa thế về chiến lược quân sự, nên Vua A Xà Thế định dời kinh đô lại đây, lấy tên là Pàtaliputta (hiện nay là Patna), để ngăn ngừa dân Vajjis và Licchavis và cũng để mưu toan đô hộ dân ấy.

Đến đây dân chúng tổ chức tiếp đón Đức Phật rất trọng thể và kết thuyền đưa Đức Phật và Chư Tăng qua sông, vì nhằm cuối mùa xuân, tuyết rả từ trên núi chãy xuống ngập bờ. Cũng nơi đây, trên đường hành trình đầu tiên, từ rừng Uruvela qua vườn Isipattana (Lộc Giả), Đức Phật muốn qua sông mà không có tiền, tên đưa đò không chịu đưa. Túng thế, Ngài phải dùng thần thông bay qua; chừng ấy tên chèo đò ăn năn hối hận, vì mất dịp làm phước đến Vị Thánh nhân. Câu chuyện này thấu tai Vua Bimbisara, nên Ngài hạ lệnh cấm chủ đò thâu tiền các vị Thầy tu qua sông.

Đức Phật vừa đến Vesali thì các Vị Tiểu vương Licchavis và nàng Ambapàli đua nhau thăm viếng cúng dường.

154. Đức Phật đến Vesali kỳ này có việc chi xảy ra khác thường chăng?

Đức Phật đến viếng xứ Licchavis lấn nấy là lần cuối cùng.

Mùa mưa sắp tới, Đức Phật dạy các Thầy Tỳ kheo lựa nơi nhập hạ, trong các làng kế cận. Riêng Ngài, Ngài sang nhập hạ tại làng Beluva. Vừa an cư, Đức Phật lâm bệnh nặng, thân thể đau nhức, tứ chi rủ liệt, nhưng Ngài gom tâm định thần, nín chịu không rên siết. Lúc ấy, Đức Phật nghĩ: "Nếu Như Lai bỏ xác mà không tỏ lời vĩnh biệt với những môn đệ, đã hết lòng lo lắng cho Như Lai, hầu an ủi họ và không cho Giáo hội Tăng chúng biết trước, thì thật là một việc không hay. Vậy Như Lai phải dùng năng lực của ý muốn, để chế ngự căn bệnh và tạm giữ sự sống lại.” Nói rồi, Ngài thực hiện theo ý muốn, nên chứng bệnh chấm dứt. Vừa phục hồi sức khỏe, Đức Phật đứng dậy, bước ra ngồi dưới bóng mát, ngoài thềm tịnh thất.

Đại đức Ananda đến gần đảnh lễ rồi ngồi kề bên thỏ thẻ:

"Đệ tử thấy Đức Thế Tôn đã lành mạnh rồi; lúc Đức Thế Tôn lâm bệnh, thân thể của đệ tử đã thất thần, thị lực của đệ tử tán loạn, nhưng đệ tử được an ủi khi tưởng rằng, trước khi viên tịch, Đức Thế Tôn còn phải cho biết ý định của Ngài về Giáo đoàn Tăng chúng.”

- "Này Ananda, Giáo đoàn Tăng chúng còn muốn gì nữa? Như Lai đã truyền dạy đầy đủ Giáo pháp rồi; Như Lai không phân biệt bên trong, bên ngoài; chân lý đã chỉ dạy cặn kẻ không thiếu sót chỗ nào. Này Ananda, kẻ nào cố ý muốn thống trị Giáo đoàn Tăng chúng, hoặc muốn cho Giáo đoàn Tăng chúng phải chịu đặt dưới quyền cai quản của họ, thì kẻ ấy cứ ban huấn lệnh cho Giáo đoàn; điều ấy không phải là tư tưởng, là ý muốn của Như Lai đâu. Như Lai đã già yếu rồi, đã đến mức cuối cùng rồi, tuổi thọ của Như Lai đã tám mươi rồi. Này Ananda, bởi thế, từ nay hoặc sau khi Như Lai nhập diệt rồi, người nào biết tự làm cây đuốc để soi đường, tự nương nhờ lấy, không nương nhờ nơi đâu khác hơn, tự lấy Pháp bảo làm đuốc soi đường, chẳng tìm nương nhờ nơi nào khác hơn, kẻ ấy sẽ là đệ tử cao thượng của Như Lai, sẽ tiến đến nơi giác ngộ.”

Nói rồi Đức Phật mang bát vào thành Vesali trì bình; trở về thọ thực xong, Ngài vào rừng ngồi nghỉ dưới cội cây, chuyện vãn với Đại đức Ananda:" Này Ananda, người nào đã vun trồng và thực nghiệm sâu xa bốn pháp 'Nguyện Vọng Pháp Mầu' (Iddhipàda: Tứ Căn Thông hay Tứ Thần Túc), nếu muốn, có thể sống lâu trọn một kiếp, hoặc nhiều hơn một kiếp; bậc Chánh đẳng Chánh giác cũng vậy.” Đức Phật lập lại ba lượt, Đại đức Ananda ngơ ngẩn không hiểu ý Phật, ngồi lặng thinh. Đức Phật bảo Ông Ananda đi nghỉ dưới cội cây khác ở kế cận. Mara (Ma vương) liền hiện đến gần Đức Phật, nhắc lại lời thỉnh cầu Ngài vào an nghỉ trong Niết bàn, từ buổi Ngài mới thành Phật dưới cội Bồ đề. Lúc ấy Đức Thế Tôn từ chối không chịu nhập diệt, vì đạo pháp chưa được truyền bá; ngày nay Ngài đã đào tạo rất nhiều Tăng chúng kế nghiệp Giáo pháp của Ngài cũng đã được phổ cập cùng khắp mọi nơi; đệ tử đến đây thỉnh Đức Thế Tôn nhập Vô lượng thọ Niết bàn.

Đức Phật đáp:" Này Ma vương, ngươi chớ nên âu lo, ngươi khỏi cần chờ đợi; giờ nhập diệt của Như Lai sắp đến; trong ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn.” Ma vương vui mừng biến mất. Đức Phật liền định từ nay là ngày trăng tròn tháng Tư, Ngài sẽ vào Niết bàn. Quả địa cầu bổng nhiên rung động, sấm sét nổ vang giữa bầu trời thanh bạch, làm cho mọi người kinh khủng. Đại đức Ananda chợt tỉnh, sực nhớ lại những lời Đức Phật đã thốt ra lúc giờ ngọ. Ông đâm ra lo sợ, và khi mặt trời lặng đến giờ Tăng chúng tựu họp lại nghe pháp, ông đến gần Đức Phật hỏi duyên cớ của hiện tượng phi thường vừa xảy ra lúc xế chiều. Đức Phật giải thích cho Ông nghe rằng Ngài đã nhận lời thỉnh cầu nhập diệt của Ma vương, và khi Ngài định ba tháng nữa sẽ từ biệt thế gian vào Niết bàn, quả địa cầu rung động như thế ấy. Ông Ananda liền quì lạy thỉnh cầu Đức Phật ở lại trọn kiếp thế gian. Đức Phật trả lời: "Này Ananda, bậc Chánh đẳng Chánh giác chỉ nói một lời, Như Lai không thể vì ngươi mà thất hứa với Ma vương.”

Vì Ông Ananda không thỉnh Đức Phật lưu lại thế gian, lúc ban trưa, khi Ngài cho Ông biết rằng Bậc Chánh đẳng Chánh giác, nhờ bốn pháp Thần túc, có thể sống thêm một kiếp hoặc hơn một kiếp, nên sau lại người ta khép Ông Ananda vào cái đại tội "để cho Đức Phật nhập Niết bàn quá sớm.”

Đại đức Ananda, trọn 25 năm trường, đã hy sinh tận tụy, hầu hạ, săn sóc Đức Phật từ giờ khắc, đã không được ban thưởng, lại còn phải gánh trách nhiệm về ý định nhập Niết bàn của Đức Phật, thật là bất công. Đúng ra không ai phiền trách Ông Ananda, về sự xao lãng của Ông, bởi xét kỹ; việc nào đến, nó phải đến và Đức Phật cũng thường dạy: "Có sanh thì phải có diệt.”

Kế tiếp, Đức Phật xây qua dạy các Thầy Tỳ kheo: "Này Chư môn đệ, các con rán học cho thông suốt Giáo pháp của Như Lai, và phải thực hành, rèn luyện, tiến tới hầu duy trì cho lâu dài đời sống Thánh nhân, đem lại sự tấn hóa cho nhiều người; vì lòng thương nhân loại, ban bố hạnh phúc an vui cho trời và người. Giáo pháp của Như Lai đã truyền dạy cho các môn đệ như thế nào?

Ấy là:

- Tứ Niệm Xứ (Satipatthãna)

- Tứ Chánh Cần (Samappadhãna)

- Tứ Thần Túc (Iddhipàda)

- Ngũ Căn (Indriya)

- Ngũ Lực (Bala)

- Thất Bồ Đề Phần (Bojjhanga)

- Bát Chánh Đạo (Atthangikamagga)

Các pháp ấy Như Lai đã tìm và đã truyền đủ cho các con rồi. Như Lai cũng thường dạy rằng mọi sự vật trên thế gian đều Vô thường, các con hãy bền chí tranh đấu. Còn chẳng bao lâu Như Lai sẽ nhập diệt; từ nay đến ba tháng nữa, Như Lai sẽ vào Niết bàn. Đời sống của Như Lai sấp đến mức cuối cùng. Như Lai sẽ đi, các con ở lại; chỗ của Như Lai đã dọn sẵn rồi. Các con hãy thức tỉnh, đừng xao lãng, hãy sống luôn luôn theo bậc Thánh nhân, cương quyết gìn giữ tâm trí sáng suốt. Thầy Tỳ kheo nào không thối chuyển, bền chí, trung thành sống theo chân lý, Thầy ấy sẽ thoát khỏi vòng sanh tử, sẽ đến nơi diệt khổ.”

P. Đức Phật từ giã Vesali đi Kusinara

155. Đức Phật có định nhập Niết bàn tại đâu chăng?

Đức Phật không cho biết trước. Sáng ngày Đức Phật vào thành Vesali khất thực. Khi trở về, Ngài ngoái mặt nhìn thành Vesali và nói với Đại Đức Ananda: "Này Ananda, Như Lai ngắm xem thành Vesali lần cuối cùng, Như Lai sẽ không còn trở lại đây nữa.” Về đến chỗ ngụ, thọ, thực. Đức Phật và đoàn tùy tùng lên đường, trực chỉ về hướng Kusinara. Tín đồ theo khóc lóc đưa đón, không muốn rời Đức Phật. Ngài khuyên giải nhiều lượt, họ mới chịu trở về.

Sau khi trải qua nhiều chặng đường, ngày nọ Đức Phật đến thành Pàvà, vào tạm trú một đêm trong vườn xoài của người thợ rèn tên Cunda. Người chủ vườn hay tin, lật đật đến xin yết kiến chào mừng Đức Phật và thỉnh Ngài cùng Chư Tăng bữa sau đến nhà thọ thực.

156. Bữa trai tang nơi nhà người thợ rèn có chi đặc biệt chăng?

Đây là bữa cơm cuối cùng trước giờ nhập diệt của Đức Phật. Khi thọ thực rồi, Đức Phật bị kiết lỵ, làm cho Ngài mệt nhọc vô cùng. Tuy vậy, Đức Phật cũng ráng sức lên đường cho kịp đến Kusinara.

157. Tại sao Đức Phật gắp đến Kusinara và trong cơn bệnh hoạn đi đường có xảy ra điều chi chăng?

Đức Phật đã sắp đặt cuộc hành trình của Ngài, từ Vesali đến Kusinara, và định phải đến nơi nội buổi xế chiều ngày ấy, để kịp giờ nhập diệt.

Thân già yếu đi bộ ròng rã trong ba tháng trường, ngày thì lần bước theo đường gồ ghề xuyên qua đồng ruộng, rừng núi, vượt suối lên đèo, đêm thì ẩn náu dưới cụm tre chòm xoài, dãi nắng dầm sương, tránh sao cho khỏi lao thân mệt xác, nên đi được nửa đường, Đức Phật đuối sức, dừng chân tạm nghỉ dưới một cội cây, và bảo Đại đức Ananda mau kiếm nước cho Ngài dùng đỡ cơn trầm trọng của chứng bệnh. Ông Ananda bạch cho Đức Phật biết vừa rồi có 500 cổ xe thương mại qua suối, nước nổi cặn bùn và yêu cầu Đức Phật rán đi thêm một đỗi nữa đến rạch Kudhãnadĩ, có nước trong trẻo, tắm rửa và giải khát chẳng muộn chi. Đức Phật cố gắng đè nén căn bệnh, nhưng vì mệt nhọc quá sức, tứ chi rủ liệt, bảo Ông Ananda cho uống nước, rồi mới tiếp tục lên đường được. Ông Ananda không đành cho Đức Phật uống nước cặn đục, nhưng vì bị thúc dục ba luợt, Ông buộc lòng ôm bát xuống khe; tới nơi, thấy nước đã lóng trong lại, Ông vui mừng mút một bát đem dâng cho Đức Phật.

Vừa lúc ấy, có một vị Hoàng tộc tên Pukkusa, dòng Malla xứ Kusinara, đi ngược chiều về hướng Pàvà, thấy Đức Phật ngồi nghỉ dưới cội cây, ông dừng bước chào hỏi và truyện trò với Ngài. Chính Ông Hoàng Pukkusa này cũng đồng thọ giáo, như Đức Phật lúc mới đi tìm đạo với Vị Đạo sĩ Alãra Kàlàma. Ông thuật lại cho Đức Phật nghe một chuyện phi thường của Đức Thầy chung: "Ngày nọ, Đức Thầy Alãra Kàlàma ngồi nhập định dựa mé lộ, có 500 cổ xe đi ngang qua, mà Thầy không hay biết chi cả. Chừng xuất định, thấy bụi đóng một lớp dày trên thân mình, mới biết đã có rất nhiều đoàn xe đi qua.”

Đức Phật cũng thuật cho Ông Hoàng một chuyện tương tợ: "Ngày nọ, tại làng Atumã, Như Lai nhập đại định trong một chòi tranh giữa đồng, trời phát giông tố, mưa đổ tầm tả, sét nổ đánh chết hai anh em người nông phu và bốn con trâu, kế cận Như Lai. Như Lai cũng không hay biết.”

Nghe vậy, Ông Hoàng Pukkusa tỏ lòng kính phục Thầy Cồ Đàm, liền xin qui y làm thiện nam và kêu người tùy tùng đem vào hai sấp vải thượng hạng, màu vàng sặc sỡ chói ngời, dâng cho Đức Phật. Ngài thọ một sấp và cho Ông Ananda một sấp. Ông Hoàng bái từ Đức Phật, lên đường về hướng Pàvà.

Ông Ananda lấy sấp vải mặc cho Đức Phật; Ông rất kinh ngạc thấy toàn thân của Đức Phật bây giờ lại lóng lánh chiếu ngời một màu vàng rực rở, làm cho sắc vàng của sấp vải kia mất hết vẽ đẹp sáng chói của nó. Ông hỏi duyên cớ, Đức Phật giải rằng thân của bậc Chánh đẳng Chánh giác ửng vàng một cách phi thường trong hai thời kỳ: trước giờ Thành đạo và trước giờ nhập Niết bàn.

Liền đó, Đức Phật đứng dậy lên đường. Đến rạch Kudhànadi, Ngài xuống tắm rửa, giải khát để lấy sức lại, nhưng dường như Ngài đã gần kiệt lực. Tạm nghỉ một chập rồi Ngài chậm rãi lần bước tới sông Hiranyavàti. Sông cạn phơi bày những rãnh nước trong, giữa bãi cát trắng, chỉ xăn y bước qua, nhưng tứ chi rủ liệt, Đức Phật không thể lội qua sông được.

Nhờ thanh khí bờ sông, vừa khỏe được đôi chút, Đức Phật hối hả đứng dậy, kêu Ông Ananda nói: "Ráng một đoạn chót nữa Ananda, bên kia sông Hiranyavàti là rừng Salas, vườn thượng uyễn của Vua Mallas, thuộc địa phận thành Kusinara, nơi Như Lai sẽ nhập diệt."

Có sách ghi rằng từ chỗ gặp Ông Hoàng Pukkusa tới sông Hiranyavàti, Đức Phật phải nghỉ chân hai mươi tám lượt; nhờ pháp Tứ thần túc đè nén căn bệnh và chủ trì xác thân, nên Ngài vững lòng từ từ tiến tới, mặc dầu sức lực tiêu mòn gần đến cực độ.

Vừa qua sông, Đức Phật đã kiệt quệ, hối Ông Ananda dọn chỗ nằm, giữa hai cây Salas và nói: "Như Lai đã mệt lắm rồi, kíp lấy y cà sa trải cho Như Lai nằm nghỉ.”

158. Có xảy ra điều chi khác thường tại Kusinara và trước giờ nhập Niết bàn, Đức Phật có để lời di chúc chăng?

Đại Đức Ananda hối hả trải y trên tảng đá, giữa hai cây Song long thọ. Vừa xong Đức Phật lên nằm, nghiêng mình bên phải, tay mặt lót đầu làm gối, mặt nhìn về hướng Tây, đầu day qua phương Bắc, thì bông Sala rớt trên mình Ngài như mưa, và từ không trung nhạc trời reo trỗi.

Đức Phật kêu Ông Ananda phán rằng:" Thân Như Lai bao phủ đầy bông, mặc dầu không phải mùa hoa trổ; Chư Thiên tấu nhạc cúng dường Như Lai. Này Ananda, còn một sự kính mến, sùng bái, tôn thờ, chiêm ngưỡng Như Lai bằng cách khác: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thiện nam, Tín nữ nào thực hành đúng theo Giáo pháp của Như Lai, chuyên tu phạm hạnh sống một đời Thánh nhân, kẻ ấy mới thật là kính mến, sùng bái, tôn thờ, chiêm ngưỡng Như Lai bằng cách cao thượng vậy. Bởi thế, Ananda, ngươi nên cố gắng thực hành đúng theo Giáo pháp của Như Lai, chuyên tu phạm hạnh và sống cao thượng theo bậc Thánh nhân.”

Ông Ananda quá cảm động, bước ra ngoài, dựa vào gốc cây than khóc: "Ta còn phải tu học rất nhiều mà Thầy ta lại sắp nhập diệt; Ngài có lòng Từ bi thương xót ta nhiều: Rồi đây ta biết nương nhờ nơi ai?"

Đức Phật thấy vắng Ông Ananda, liền cho gọi vào an ủi: "Này Ananda, đừng đau khổ than khóc nữa: Như Lai đã từng nói rằng ở thế gian này có lúc phải xa lìa nhân vật yêu mến; có sanh phải có diệt, không sao tránh khỏi. Ananda ôi, bấy lâu nay những hành động, lời nói và tư tưởng của ngươi đối với Như Lai, đã chứng tỏ rằng ngươi là một môn đệ tận tâm trung thành và đáng thương. Ngươi đã tạo nhiều công đức, chỉ thêm một chút cố gắng nữa, ngươi sẽ tiến đến đạo quả Niết bàn.”

Đức Phật xoay qua các Thầy Tỳ kheo dạy rằng: "Các Thầy, Chư Phật quá khứ và Vị lai không có một nghĩa đệ nào ưu tú như Ananda. Ananda có tài tổ chức những buổi tiếp tân của Như Lai, được mọi người vừa lòng cảm phục.

Đối với Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thiện Nam, Tín nữ, Vua chúa cùng các quan đại thần, các Đạo sĩ Bà la môn, Ananda đã tỏ ra khôn khéo lịch duyệt.”

Kế đó, Đúc Phật sai Ông Ananda làm sứ giả vào Hoàng cung tâu cho Đức Vua Mallas hay ý định của Ngài nhập diệt tại rừng Salas nội đêm nay. Ông Ananda vội vã ra đi. Đến hoàng cung gặp lúc Vua cùng bá quan đương hội yến đông vầy; Ông xin vào chầu Vua Mallas và tâu rằng: "Tâu Đại Vương, Bần tăng vâng lệnh Đức Thế Tôn đến báo tin cho Đại Vương rõ, Ngài vừa ngự đến rừng Salas và định nhập Niết bàn tại đó vào canh chót đêm nay.”

Khi hay được tin ấy, Vua và Triều thần đồng cảm động: "Đức Gotama là dòng Vua sang cả; vì thương xót chúng sinh, chẳng nài lao khổ, băng rừng lướt bụi, rày đây mai đó để cứu vớt sanh linh, nay phải cam chịu bỏ xác giữa rừng, thật đáng cho chúng ta lễ bái cúng dường.” Vua và bá quan đồng rơi lụy và đồng nhau đến rừng Salas xin vào yết kiến Đức Thế Tôn. Đức Phật để lời khuyên nhủ Vua Mallas cùng bá quan nên lấy đạo đức và lòng Từ bi dìu dắt dân chúng hướng thiện tu hành, dọn đường thẳng tiến đến nơi hạnh phúc yên vui.

Tin buồn được loan báo cùng khắp kinh thành, dân chúng mủi lòng than tiếc, kéo nhau đến vườn Salas bái yết Đức Phật. Đến cuối canh một mới rảnh khách; nhưng Đức Phật và Ông Ananda không nghỉ ngơi được.

Đạo sĩ Subhadda đến xin ra mắt Đức Phật. Ông biết rằng trong thế gian ít có Phật ra đời; ông vừa hay tin Phật Tổ Gotama sắp nhập Niết bàn, ông hy vọng gặp Ngài để cầu xin giải giùm những mối hoài nghi. Ba lượt Ông Ananda từ chối: "Này Hiền huynh, Đức Thế Tôn mệt nhọc lắm, xin Hiền huynh để Ngài an nghỉ.” Đức Phật nghe liền kêu Ông Ananda dạy rằng: "Thôi Ananda, đừng cản trở Đạo sĩ Subhadda. Ý ông muốn thỉnh giáo nơi Như Lai, chẳng phải muốn làm rộn Như Lai đâu.”

Ông Ananda buộc lòng phải cho Ông Subhadda vào. Đến trước Đức Phật, ông đảnh lễ, tỏ lời viếng an rồi xin phép hỏi đạo:

- "Bạch Thế Tôn, các vị Lục Sư tự cho là bậc Trí tuệ cao thượng, nên được nhiều người sùng bái kính phục; xin Thế Tôn cho biết họ quả thật là bậc Trí tuệ uyên thâm chăng?"

- "Subhadda này, chẳng nên bàn luận đến Giáo pháp của người khác. Nếu ngươi nuốn nghe giáo lý của Như Lai. Như Lai sẽ giảng giải cho ngươi.”

"Bạch Thế Tôn, xin Ngài Từ bi chỉ giáo.”

- "Này Subhadda, đạo của Như Lai là phương pháp thực nghiệm có tám chi, con đường duy nhất đưa người đến nơi tận diệt Phiền não. Người nào hành đúng theo, thì ắt sẽ được chứng quả Tứ Thánh chẳng sai. Ngoài giáo lý của Như Lai, chẳng có Bốn hạng Thánh nhân ấy. Nếu trong cõi đời này, có người hành đúng theo lời chỉ dạy của Như Lai, thì người ấy sẽ chứng đạo quả A la hán.”

Ông Subhadda được thỏa mãn, xin Đức Phật cho xuất gia.

Biết người có duyên lành, Đức Phật dạy Ông Ananda làm lễ xuất gia cho Ông Subhadda và bảo ông kiếm chỗ thanh vắng tham Thiền nhập định, trong giây lát ông đắc quả A la hán. Ông là người đệ tử cuối cùng của Đức Phật.

Chính tại Kusinara, nơi rừng Salas này, trong vô lượng tiền kiếp, khi Đức Phật còn là một vị Bồ tát, cũng đã cứu độ người đệ tử chót này rồi. Thuở nọ, Bồ tát sanh làm chúa đoàn một bầy nai. Một ngày kia bị một trận lửa rừng kinh đởm, bầy nai chạy ra mé rạch, tìm lối thoát thân. Nước đổ như thác, tuy rạch nhỏ nhưng không thể lội qua bên kia bờ được. Lửa cháy gần tới mé rạch bầy nai sợ hãi xăn văn chờ chết. Bồ tát liều thân, nổ lực cõng từ con nai, lội ngằm dưới nước đưa qua bờ kia. Con nai cuối cùng được cứu khỏi hỏa hoạn, trước khi Bồ tát bị giòng nước cuống mất, chính là tiền thân của Ông Subhadda.

Đêm đã gần tàn, Đức Thế Tôn kêu Ông Ananda lại dạy: "Này Ananda, sau này ắt có nhiều người tưởng rằng lời nói của Như Lai đã mất rồi, họ không còn Thầy Tổ nữa. Này Ananda, chẳng nên tưởng như thế. Giáo pháp và Giới luật của Như Lai di truyền, để noi theo đó mà sống một cuộc đời trinh khiết, chính là Thầy của các ngươi, sau khi Như Lai tịch diệt.”

Rồi Đức Phật day qua hỏi hàng Tăng chúng:" Này các Thầy Tỳ kheo, các Thầy còn hoài nghi điều chi về Giáo pháp của Như Lai, các Thầy cứ nói đi, Như Lai sẽ giải thích cho.” Hỏi ba lượt, chẳng có một ai trả lời, Đức Phật tiếp thêm: "Như Lai đã thường dạy các Thầy rằng trong đời có sanh thì phải có diệt; vậy các Thầy hãy cố gắng tu hành đến nơi giải thoát, chớ nên dãi đãi, dễ duôi.” Đó là lời di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.

159. Giờ nào Đức Thế Tôn mới nhập diệt?

Từ đó, Đức Phật lặng thinh, nhập diệt, từ Sơ Thiền Hữu Sắc đến Tứ Thiền Vô Sắc, đến Diệt thọ tưởng định kế trở lần xuống Sơ Thiền Hữu Sắc, rồi trở lên đến Tứ Thiền Hữu Sắc, rồi nhập Vô lượng thọ Niết bàn. Lúc ấy trời vừa rạng đông, nhằm sáng ngày 16 tháng Vesakha.

Quả địa cầu rung động và nhạc trời tiêu trổi từ không trung.

Trời Phạm Thiên Sahampati cất tiếng bi ai:

"Ô hô! chúng sanh trong hoàn vũ

 Ngày kia sẽ bỏ xác lại thế gian;

 Cũng như Đức Thế Tôn, Đấng Từ Hàn Đại giác

 Đã vào chốn an lạc Niết bàn.”

Trời Đế Thích Sakka tiếp lời:

 "Các pháp Hữu vi Vô thường biến đổi,

 Hết sanh đến diệt, diệt rồi lại sanh;

 Diệt được pháp hành mới hết sanh diệt,

 Hết sanh, hết diệt mới thật yên vui.”

Hàng Tăng chúng có nhiều người khóc lóc than tiếc:

"Hỡi Đức Thế Tôn, sao Ngài vội nhập Niết bàn?"

"Ô hô! Con mắt thế gian đã nhắm lại rồi. Riêng các bậc đã thấu lý Vô thường của vạn vật, các vị Đại A la hán, đều bình tĩnh lặng thinh.”

160. Ai lãnh nhiệm vụ lo phần nghi thức tẩn liệm và an táng Thánh thể của Đức Thế Tôn?

Sáng ngày Đại Đức Anurudha phái Tôn giả Ananda vào cung báo tin cho Vua Mallas hay Đức Thế Tôn đã viên tịch lúc sao mai vừa mọc. Vua chúa và triều thần cảm xúc rơi lụy. Dân chúng được lệnh đem trầm hương, bông hoa, nước thơm và nhạc lễ đến cúng dường Đức Phật tại vườn Salas.

Vua Mallas đích thân đứng ra đảm đương công việc tẩn liệm Thánh thể của Đức Thế Tôn, theo nghi thức dành riêng cho một Vị Đế Vương: Dùng một ngàn cây lụa trắng bao bọc Thánh thể, liệm vào hòm sắt, sơn vàng; quàn lại bảy ngày đêm cho toàn thể dân chúng đến chiêm bái cúng dường.

Đức Vua cho thiết lập hỏa đài tại cửa Nam thành Kusinara. Đến giờ đi linh cửu ra hỏa đài, tám vị lực sĩ tắm rửa sạch sẽ, sắc phục chỉnh tề vào động quan, nhưng không thể đở hòm lên nổi. Vua Mallas ngạc nhiên, hỏi Đại Đức Anurudha. Ngài bảo rằng Chư Thiên Vương tỏ ý muốn thỉnh Thánh thể Đức Thế Tôn vào thành Kusinara do cửa Bắc, đến trung tâm thành phố trở qua cửa Đông, thẳng tới Hoàng điện "Tôn Vương", rồi sẽ cử hành lễ trà tỳ tại đó.

Đức Vua phải ra lệnh dời hỏa đài qua cửa Đông. Chừng ấy tám lực sĩ thỉnh hòm ra đi nhẹ nhàng. Từ không trung nhạc trời reo trổi và bông Mạn thù rớt xuống như mưa, mùi thơm bát ngát.

Hòm đặt xong trên hỏa đài, bốn vị Quốc sư, tay cầm bốn cây đuốc, từ từ bước đến châm vào bốn góc. Đuốc tàn mà lửa không cháy. Vua Mallas hỏi Đại Đức Anuradha. Ngài dạy rằng Chư Thiên Vương tỏ ý yêu cầu chờ Đại Đức Maha Kasappa (Maha Ca Diếp) sắp đến trong giây lát. Lễ hỏa táng phải tạm ngưng.

Đại Đức Maha Kasappa, cùng 500 đồ đệ, từ thành Pàvà sang Kusinara; vì mệt mỏi Thầy trò dừng chân nghỉ mát. Kế có người đi đường, từ hướng Kusinara đến, trên tay có cầm một bông Mạn thù, Đại Đức Ca Diếp kêu hỏi: Từ Kusinara đến, Ông có biết tin tức của Vị Đại Sa Môn Cô Đàm ra thế nào chăng? Ông Sa Môn Cô Đàm đã viên tịch từ bảy ngày qua; hôm nay Đức Vua Mallas làm lễ hỏa táng, chính bông Mạn thù này tôi lượm được tại hỏa đài.

Vừa nghe tin buồn ấy, nhiều Thầy Tỳ kheo ré lên khóc lóc thảm thiết. Lúc ấy có ông Tỳ kheo tên Subhadda (trùng tên với Vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật) đứng ra khuyên giải; Các Thầy khóc lóc làm chi. Ông Cồ Đàm đã ra người thiên cổ, không còn ai la rầy quở trách, bắt buộc chúng ta phải nghiêm trì Giới luật, bực bội khó khăn. Từ nay chúng ta sẽ được tự do hành động, các Thầy khóc nổi gì?

Đây là nguyên nhân đầu tiên, làm cho Chánh Pháp sai lạc, Phật giáo phải suy đồi.

Đại Đức Maha Ca Diếp nghe Thầy Subhadda thốt lời đê tiện, rất lo ngại cho tiền đồ Phật giáo. Vì sắp lên đường đến Kusinara cho kịp lễ hỏa táng Đức Phật, nên Ngài giả lơ, nhưng cũng để tâm ngăn ngừa kẻ cố tâm phá hoại.

Vừa đến nơi, Đại Đức Maha Ca Diếp đi vòng quanh hỏa đài ba lượt, rồi đến ngay giữa quì lạy ba lạy. Đoàn tùy tùng của ngài, tùy hạ cao thấp, lần lượt vào lạy trước hòm vàng.

Đại Đức Maha Ca Diếp và 50 vị Tỳ kheo vừa làm lễ xong, thì hòm vàng phựt hào quang sáng rỡ, lửa tự nhiên bóc cháy, làm mọi người kinh ngạc. Ngọn lửa vừa hạ, Vua Mallas lấy nước thơm tưới thêm cho thiệt nguội để thỉnh những mãnh xương còn lại đem về thờ. Tất cả gồm có: Một mãnh xương trán, 2 khúc xương vai, 4 răng nhọn, 5 cân xương nhỏ bằng hột bắp, 6 cân bằng hột gạo và 5 cân bằng hột mè, đều được để vào ô vàng, cung nghinh về hoàng cung, thiết lễ cúng dường.

161. Đức Phật có cho biết vì lý do nào Ngài định nhập diệt tại Kusinara chăng?

Vừa đến Kusinara, Đại Đức Ananda thấy địa thế không mấy thích hợp, nên có yêu cầu Đức Phật chọn nơi khác thuận tiện hơn, để nhập diệt:

"Bạch Đức Thế Tôn, xin Đức Thế Tôn chớ vội nhập Niết bàn trong chốn đồng áng thôn quê này. Đức Thế Tôn có thể lựa những đô thành lớn khác như Rajagaha, Savatthi, Champa, Kosambi hoặc Bénarès, vì nơi ấy có nhiều bậc Vua chúa, nhiều nhà quí phái, Bà la môn, trưởng giả rất trung thành với Đức Thế Tôn; họ sẽ lo phần hoả táng xứng đáng hơn.”

Đức Phật trả lời:

- "Đừng nói thế, Ananda. Trong tiền kiếp, lúc Như Lai còn là một Vị Chuyển luân Vương, Như Lai đóng đô tại đây. Kusinara thuở ấy là kinh thành Kusavati, to lớn và phồn thạnh đệ nhất trên hoàn cầu. Vì đó, Như Lai chọn lựa nơi đây làm chỗ tịch diệt.”

Còn một lý do khác Đức Phật không nói ra, nhưng sau rồi người ta mới biết Ngài đã dự liệu đủ mọi điều để tránh tai họa về sau.

Xương của Đức Phật gọi là Sarira Dhàtu (Xá Lợi) được tất cả Phật tử xem như vật kỷ niệm vô giá, trân châu quí báu trong đời không thể sánh bằng, nên các Vị Quốc vương đều muốn có một phần, để lập đền thờ công cộng, cho bá tánh thường ngày đến lễ bái cúng dường, như lúc Đức Thế Tôn còn tại thế. Cho nên vừa hay tin Đức Phật nhập Niết bàn tại Kusinara, các Vị Quốc vương liền phái Sứ thần đến xin lãnh một phần Xá Lợi về thờ. Cả thảy có bảy Vị Đại diện cho Vua xứ Magadha, Vesali, Kapilavastu, Savatthi, Allakappa, Ramagama, Veddhadipaka, rần rộ kéo binh mã đến đóng trại ngoài thành Kusinara.

Ban sơ Vua Mallas nhất định không chia Xá Lợi cho các Sứ thần; nhưng các vị này cố nài nỉ và tỏ rằng Đức Phật là dòng cao thượng, chính họ cũng thuộc dòng cao thượng, muốn có Xá Lợi đem về xứ lập đền thờ vật kỷ niệm vô giá của Đức Phật. Họ nhẫn nại nhưng tỏ ý cương quyết xin chia cho được Xá Lợi mới chịu trở về xứ.

Phần Vua Mallas lại tưởng rằng Đức Phật tìm đến nhập diệt tại Kusinara, cốt yếu giao phó nhiệm vụ cho dòng Mallas bảo tồn Xá Lợi, hầu ngày kia xứ Kusinara sẽ trở nên giàu có thịnh vuợng lâu dài.

Thấy sự gây cấn có thể kết liểu bằng một cuộc chiến tranh tàn khốc, mà xứ Kusinara là một nước nhược tiểu, không thể chống trả với bảy đạo hùng binh đương bố trí chung quanh, Ông Dona, vị Quốc sư của Vua Mallas xin đứng ra hòa giải: "Ngoài dòng Sakya tại xứ Kapilavastu, chúng ta không phải quyến thuộc thân nhân của Đức Thế Tôn; sở dĩ các Vị Quốc vương muốn có Xá Lợi của Đấng Trọn Lành để lập đền thờ, là vì xứ nào cũng nhìn nhận Đức Gotama là vị Giáo Chủ của đạo Từ bi cứu khổ. Bởi lòng sùng mộ nên xứ nào cũng muốn có Ngọc Xá Lợi để tiêu biểu Đức Từ bi Vô lượng, mong nhờ ảnh hưởng của Đấng Từ Tôn hầu phát tâm tu hành, trước tự độ, sau xây dựng hạnh phúc an vui cho đời và duy trì Chánh giáo cho được bền vững lâu dài. Xưa kia Đức thế Tôn thường dạy chúng ta dứt bỏ oan trái, oán thù, đoạn tuyệt Tham, Sân, Si, chẳng nên giết hại lẫn nhau, phải thương yêu, hòa thuận, đoàn kết, hầu dìu dắt nhau trên đường giác ngộ. Nếu chúng ta thật tâm yêu chuộng giáo lý của Phật Đà và có lòng tôn thờ Ngài là Đấng Giáo Chủ, thì chúng ta nên hoan hỷ đem Xá Lợi ra chia tám phần đồng nhau cho mỗi xứ đem về lập đền thờ, cho dân chúng chiêm ngưỡng cúng dường, phát tâm trong sạch thực hành đúng theo kinh luật di truyền. Như thế ấy chúng ta mới thật là người xứng đáng làm đệ tử của Đức Cồ Đàm.”

Nghe được lời hòa giải đúng lý, Vua Mallas và bảy Vị Sứ thần đều tỏ lòng hòa thuận, giao cho Quốc sư Dona lãnh trách nhiệm phân chia Xá Lợi ra tám phần đồng nhau. Mỗi Vị Sứ thần lãnh một phần, đặt trong một bình vàng, để trên một thớt tượng to lớn, mở đường đi trước, binh mã rần rộ theo sau, lên đường về xứ với tấm lòng hân hoan sùng kính. Quốc sư Dona xin cây cân vàng dùng để chia Xá Lợi, làm vật kỷ niệm cho riêng phần ông.

Các xứ nhỏ ở xa xâm phái đại diện đến trể, chỉ thỉnh được một mớ tro tàn đem về thờ.

Nếu Đức Phật nhập diệt trong một xứ nào hùng cường, như xứ Magadha chẳng hạn, thì các xứ nhỏ khó bề xin cho được Ngọc Xá Lợi về thờ. Đức Phật đã tiên đoán, biết thế nào cũng sẽ có sự tranh dành, nên Ngài nhất định nhập diệt tại Kusinara. Vua Mallas tự biết không đủ binh lực để thắng bảy xứ kia, kết cuộc cũng phải nhượng bộ hoà giải.

Các phần Xá Lợi được tám Vị Quốc vương thỉnh về lập đền thờ công cọng, giữa kinh đô cho thập phương bá tánh, hằng ngày đem nhang đèn, bông hoa, nước thơm đến cúng dường.

Tám tháp đầu tiên đều xây bằng gạch, hình bán cầu như vòm trời, trên những đồi cao. Nơi chót đỉnh có một cây tàng che, chung quanh có hàng rào và một hoặc bốn cửa vô.

Hai thế kỷ sau, Vua Asoka (A Dục) rất sùng mộ Phật Pháp, góp tất cả Xá Lợi, chia ra 84.000 phần, xây tháp thờ cùng khắp lãnh thổ Ấn Độ, để tiêu biểu đức lành của Bậc Vĩ nhân, cho dân chúng chiêm bái và tự tỉnh tu hành. Các cổ tháp ấy, lâu đời bị hư đổ; hiện nay Chánh phủ Ấn Dộ đương lo sùng tu, kiến thiết; nhất là bốn nơi Động tâm:

Tại:

- Lumbini (Lâm Tỉ Ni): Chỗ Đức Phật giáng sanh

- Buddha Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng): Chỗ Đức Phật Thành đạo

- Isipatana (Lộc Giả): Chỗ Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, độ Năm Thầy Kiều trần Như

- Kusinara (Câu Thi): Nơi Đức Phật nhập Niết bàn.

162. Hành trạng của Đức Phật có thể tóm lược như thế nào?

Đức Phật là một người như mọi người khác. Ngài đã qua đời vì có sanh phải có tử.

Ngài nhập diệt ở giữa trời, cũng như lúc Đản sanh, lúc Thành đạo và cũng như Ngài thường sống từ buổi xuất gia tìm đạo đến giờ viên tịch. Ngài chết vì bệnh, trong tuổi già và chỉ nhờ đệ tử của Ngài, nhất là Đại Đức Ananda chăm nom săn sóc.

Đức Phật chết và không trở lại, như ngọn đèn cạn dầu hết tim. Tín đồ cảm phục Ân đức chí thiện của Ngài, kính mộ lòng Từ bi vô lượng của Ngài, nhưng không còn mong mỏi được trực tiếp tế độ. Mặc dầu như thế, trải qua trên 2.500 năm, tín đồ chẳng bao giờ quên Đức Phật. Đời còn đau khổ, lòng sùng kính của họ vẫn còn. Nhân loại luôn luôn nhớ đến Vị Y Vương đã tìm thuốc cứu rỗi tâm hồn. Ánh sáng của Ngài vẫn còn chiếu rọi vĩnh viễn; môn đệ của Ngài truyền nối đời đời.

Đức Phật vừa là một nhà đạo đức, vừa là một nhà tự do tư tưởng. Ngài không dụ dỗ ai theo Ngài và cũng không bắt buộc ai phải có một đức tin mù quáng.

Mặc dầu giáo lý của Ngài không nhìn nhận có linh hồn trường cửu, không nhìn nhận có tạo hoá, nhưng cũng đã có 500 triệu tín đồ trên khắp mặt địa cầu, và số ấy càng ngày càng tăng thêm mãi mãi. Điều ấy không chi lạ, vì ai ai cũng công nhận đời là Vô thường Khổ não; và nhờ Đức Phật chỉ dạy con đường diệt khổ, thoát khỏi luân hồi, đến nơi yên vui tuyệt đối là Niết bàn. Người Phật tử không xem sự diệt tắc luân hồi là một cảnh trạng bi quan, lại còn tin tưởng rằng là một sự may mắn hy hữu, một thắng trận vinh quang.

Muốn tiến nhập Niết bàn, Đức Phật dạy phải xuất gia, để sống một cuộc đời rảnh rang, khỏi bận lo đến gia đình, nghề nghiệp và xã hội. Bởi tùy thuộc nơi kẻ khác là một điều khổ; tùy thuộc nơi mình là hạnh phúc, tự do như chim sổ lồng, sống không thù oán giữa kẻ thù oán, không dục vọng giữa kẻ dục vọng, không tham lam giữa kẻ tham lam, vui thú với cảnh cô độc, tự tại nơi thâm sơn cùng cốc, với cảnh vật thiên nhiên mà người thế không thể nếm được.

Trải qua vô lượng kiếp luân hồi, Đức Phật đã làm nhiều công đức lợi tha, nên đến kiếp chót Ngài đã vượt khỏi sự xấu xa ích kỷ của loài người. Khi Thành đạo quả Vô thượng Chánh giác, Ngài tiếp tục làm tròn sứ mạng phổ tế quần sanh.

Đức Phật không phải là một nhà vô thần luận, bởi Ngài tin có các Vị Trời, nhưng Ngài không cho rằng các Vị Trời có một quyền lực nào trong nguồn máy của vũ trụ, hoặc trong số mạng của loài người. Như thế Đức Phật cũng không phải là một nhà hữu thần luận.

Đức Phật không phải là người tạo ra cảnh giới Cực lạc, bởi tôn chỉ đạo đức của Ngài không đem lại sự vui sướng mà chỉ tìm sự diệt khổ.

Đức Phật không chối cải cái Ta, nhưng Ngài không cho rằng nó là một thực thể, bởi nó Vô thường biến đổi.

Đức Phật không dạy thuyết định mệnh, tuy rằng mọi người sanh do nghiệp lực cấu tạo từ trước, nhưng ai ai cũng có quyền định đọat cho tương lai của mình. Ngài cũng không phải là một nhà cách mạng xã hội, bởi Ngài chỉ áp dụng sự đồng đẳng trong Giáo hội Tăng lữ của Ngài thôi.

Đức Phật có nghệ thuật biện luận mềm mại, khôn khéo, làm cho kẻ vấn nạn Ngài ngạc nhiên khó nghĩ. Khi thấy họ bối rối, Ngài đem họ trở lại vấn đề và giải thích cho họ nghe bằng lời lẽ dịu ngọt. Luôn luôn Đức Phật tỏ ra người nhã nhặn, đoan trang, lễ độ. Hoàn toàn lánh tục, nhưng không câu nệ chấp nhất, ai mời thỉnh đi thọ trai nơi Thiền thị, Ngài cũng vui vẻ nhận lời.

Đức Phật nặng mang nhiệm vụ đối với đời; mỗi ngày sẵn sàng thuyết pháp giảng đạo cho mọi người nghe; giờ rước khách không kể ngày đêm, không kể mệt nhọc. Ngoài ra Ngài còn đi vào làng mạc thôn quê tìm người tế độ.

Đối với các Thầy Tỳ kheo, Đức Phật dạy phải lễ nghi đoan chính, phải hòa thuận cùng nhau, để nêu gương tốt cho tín đồ. Ngài không cho các Thầy sống cuộc đời buông lung; luôn luôn Ngài khuyên các Thầy phải học, phải hành, phải đem đạo lý giảng giải cho tín đồ. Sống nhờ vật thực thuốc men của bá tánh, các Thầy phải nổ lực tu hành và đem lợi ích cho đời.

Công trình giáo dục của Đức Phật không ngừng nghỉ. Có kẻ trách Ngài chỉ ở không đi xin ăn, trong lúc mọi người phải cày cấy mới có gạo; Ngài vui vẻ trả lời rằng chính Ngài trồng tỉa từng giờ, từng phút; tối ngày Ngài chỉ rảnh rang được đôi chút để nghỉ ngơi tham Thiền. Thật vậy, Đức Phật là người hăng hái hoạt động duy nhất ở thế gian.

Đức Phật được người ta thương nhiều hơn là sợ. Ngài dạy chúng ta diệt bỏ tham lam ích kỷ, là nguồn cội của tội ác và khuyên đem lòng từ thiện, thương yêu trợ giúp lẫn nhau, để chữa trị những nổi thống khổ trong đời.

Tóm lại, Đức Phật là Bậc Chí Tôn Chí Thánh, Đấng Trọn Lành duy nhất ở thế gian, đáng cho Chư Thiên và Nhân loại lễ bái cúng dường.

 

-ooOoo-