36-02-phẩm Khai Thiệt Nghĩa

27 Tháng Bảy 20165:58 CH(Xem: 2205)
36-02-phẩm Khai Thiệt Nghĩa

KINH ĐẠI BẢO TÍCH 
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh 
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

 XXXVI 
PHÁP HỘI
 
THIÊN TRỤ Ý THIÊN TỬ
 
THỨ BA MƯƠi SÁU
 
Hán dịch : Tùy : Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa 
Việt dịch: Việt Nam Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

PHẨM KHAI TRIỆT NGHĨA 
THỨ HAI

Trong chúng đại tập bấy giờ có các vị trời thượng thủ đó là Thiện Trụ Ý Thiên Tử, Thiện Tịch Thiên Tử, Tàm Quý Thiên Tử, cùng chín mươi sáu ức chư Thiên Tử như vậy câu hội, tất cả đều hành đạo Bồ Tát, đều cùng đến chỗ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Đến ngoài cửa thất bửu nhiễu bảy vòng rồi rải hoa trời mạn đà la che khắp hư không cao mười do tuần thành lưới hoa hình như bửu tháp. Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cầm hoa đài nầy cúng dường đức Thế Tôn, cúng dường xong, Ngài dùng thần lực khiến Đại Thiên thế giới trong tất cả quốc độ hư không lưới hoa giăng khắp, quang minh của hoa ấy chiếu khắp cõi Đại 

Thiên đều rất chói sáng lại còn mưa thêm hoa trời mạn đà la.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nhàn nhã an tường ra khỏi tư thất lại dùng thần lực khiến chỗ đất của Ngài ở tự nhiên có tòa thất bửu vi diệu, tòa ấy cao vọi đầy đủ trang nghiêm, Ngài liễm dung chỉnh y phục lên ngồi trên bửu tòa ấy.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lên ngồi bửu tòa xong liền đến đảnh lễ chưn Bồ Tát rồi lui ở một phía. Tất cả chư Thiên Tử cũng đều đảnh lễ chưn Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát suy nghĩ rằng : Hôm nay ai là người có thể ở trước đứcThế Tôn cùng tôi hỏi đáp về pháp thậm thâm, ai là pháp khí có thể nhận câu bất tư nghị ấy, câu rất khó chứng, câu không xứ sở, câu vô sở trước, câu vô hí luận, câu bất khả đắc, câu bất khả thuyết,, câu thậm thâm, câu chơn thiệt, câu vô ngại, câu bất khả hoại, câu không, câu vô tướng, câu vô nguyện, câu như như, câu thiệt tế, câu pháp giới, câu vô hình mạo, câu bất thủ, câu bất xả, câu Phật, câu Pháp, câu Tăng, câu trí huệ mãn túc, câu tam giới bình đẳng, câu nhứt thiết pháp vô sở đắc, câu nhứt thiết pháp vô sanh, câu sư tử, câu dũng mãnh, câu vô cú. Nói những câu như vậy ai có thể nghe ư !

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại nghĩ rằng : Nay chỉ có Thiện Trụ Ý Thiên Tử từ quá khứ đã cúng dường nhiều Phật nhập thâm pháp nhẫn có đủ biện tài sẽ có thể cùng tôi ở trước Phật cùng đàm luận thiệt nghĩa. Suy nghĩ rồi, Ngài bảo Thiện Trụ Ý Thiên Tử : « Nầy Thiên Tử ! Nay ông đã được thâm pháp nhẫn và có đủ vô ngại biện tài, nay sẽ cùng tôi đến chỗ đức Thế Tôn để cùng đối luận nghĩa thâm diệu ấy có được chăng ?.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử đáp rằng : « Bạch Đại Sĩ ! Tôi nói như vầy : Người ấy nếu đối với tôi không có ngữ ngôn không vì diễn thuyết chẳng có hỏi han cũng không trả lời không Phật Pháp Tăng dứt tuyệt tam thừa không sanh tử không Niết bàn không hiệp không tan chẳng khải chẳng phát chẳng xuất thanh âm trừ các văn tự, người nói như vậy thì tôi sẽ cùng đàm luận ».

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : « Nầy Thiên Tử ! Tôi nói như vầy : Người ấy có thể ở nơi tôi không lắng không nghe không đọc không tụng không thọ không trì chẳng tư chẳng niệm chẳng thủ chẳng xả chẳng giác chẳng tri chẳng nghe tôi nói chẳng vì người mà giảng, tại sao ? Vì chư Phật Bồ đề vốn không văn tự không tâm lìa tâm, không có giác ngộ dầu giả danh để nói mà danh ấy cũng không ».

Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại nói : « Bạch Đại Sĩ ! Nay nên vì chư Thiên Tử mà nói. Chư Thiên Tử nầy đối với chỗ nói của Đại Sĩ rất thích muốn nghe ».

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : « Nầy Thiên Tử ! Tôi trọn chẳng vì người thích nghe mà nói cũng chẳng vì người nghe nhận mà nói, Tại sao ? Vì hễ có nghe nhận thì có thủ trước. Thủ trước những gì ? Đó là trước ngã trước nhơn trước chúng sanh trước thọ mạng trước sĩ phu. Vì thủ trước mà có nghe nhận. Nghe nhận như vậy nên biết người ấy an trụ trong ba thứ phược, một là phược kiến ngã, hai là phược kiến chúng sanh và ba là phược kiến pháp. Nầy Thiên Tử ! Nếu người không có ba thứ phược ấy mà nghe pháp thì nên biết người ấy an trụ trong ba thứ tịnh : một là chẳng thấy thân mình chẳng phân biệt chẳng tư niệm chẳng chứng biết, hai là chẳng thấy người thuyết pháp chẳng phân biệt chẳng tư niệm chẳng chứng biết, ba là chẳng thấy pháp được nói chẳng phân biệt chẳng tư niệm chẳng chứng biết.

Nầy Thiên Tử ! Nếu ai có thể nghe pháp như vậy đó là bình đẳng nghe vậy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát : “Lành thay, lành thay ! Ngài nói lời ấy rất hay. Bạch Đại Sĩ ! Nếu ai có thể nói như vậy thì nên biết là thuyết bất thối chuyển”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : “ Thôi đi Thiên Tử, nay ông chẳng nên vọng tưởng phân biệt Bồ Tát thối chuyển. Tại sao ? Vì giả sử Bồ Tát mà có thối chuyển thì họ trọn chẳng thành được Vô thượng Chánh Giác. Tại sao ? Vì trong Bồ đề ấy không có pháp thối chuyển vậy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói : “Bạch Đại Sĩ ! Nếu như vậy thì sẽ ở đâu có thối chuyển ấy?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : “Nầy Thiên Tử ! Phải biết từ tham dục mà có thối chuyển, từ sân khuể mà có thối chuyển, từ ngu si mà có thối chuyển, từ hữu ái mà có thối chuyển, từ vô minh mà có thối chuyển, nhẫn đến từ mười hai hữu phần sanh tử mà có thối chuyển, từ nhơn duyên mà có thối chuyển, từ kiến chấp mà có thối chuyển, từ danh từ sắc mà có thối chuyển, từ Dục giới từ Sắc giới từ Vô sắc giới mà có thối chuyển, từ Thanh Văn mà có thối chuyển, từ Bích Chi Phật mà có thối chuyển, từ phân biệt mà có thối chuyển, từ chấp trước mà có thối chuyển, từ tướng mà có thối chuyển, từ thủ tướng mà có thối chuyển, từ đoạn kiến mà có thối chuyển, từ thường kiến mà có thối chuyển, từ thủ mà có thối chuyển, từ xả mà có thối chuyển, từ ngã tưởng mà có thối chuyển, từ chúng sanh tưởng mà có thối chuyển, từ thọ mạng tưởng mà có thối chuyển, từ sĩ phu tưởng mà có thối chuyển, từ bổ đặc già la mà có thối chuyển, từ tư tưởng mà có thối chuyển, từ hệ phược mà có thối chuyển, từ điên đảo mà có thối chuyển, từ ngã kiến mà có thối chuyển, từ ngã kiến làm căn bổn cho sáu mươi hai kiến mà có thối chuyển, từ ngũ cái mà có thối chuyển, từ ngũ ấm mà có thối chuyển, từ các nhập mà có thối chuyển, từ các giới mà có thối chuyển, từ Phật tưởng mà có thối chuyển, từ Pháp tưởng mà có thối chuyển, từ Tăng tưởng mà có thối chuyển, nhẫn đến tôi sẽ thành Phật tôi sẽ thuyết pháp tôi độ chúng sanh tôi sẽ phá ma tôi được trí huệ từ các tưởng ấy mà có thối chuyển.

Nầy Thiên Tử ! Nếu có thể chẳng phân biệt Như Lai thập lực, chẳng phân biệt tứ vô sở úy chẳng phân biệt thập bát bất cộng pháp chẳng phân biệt tất cả căn lực giác đạo chẳng phân biệt các tướng hảo chẳng phân biệt trang nghiêm Phật quốc chẳng phân biệt Thanh Văn chẳng phân biệt Bồ Tát nhẫn đến chẳng phân biệt tất cả phân biệt thối chuyển thì gọi là bất thối chuyển ».

ThiệnTrụ Ý Thiên Tử nói : « Bạch Đại Sĩ ! Nếu như vậy thì sẽ ở đâu để được bất thối chuyển ? ».

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : « Nầy Thiên Tử ! Phải biết từ thông đạt Phật huệ mà được bất thối chuyển, từ không vô tướng vô nguyện mà được bất thối chuyển, từ như như từ pháp tánh từ thiệt tế từ bình đẳng mà được bất thối chuyển ».

Thiện Trụ ý Thiên Tử nói : « Bạch Đại Sĩ ! Nếu nói như vậy thì phân biệt cùng bất phân biệt hai thứ không sai khác. Tại sao ? Vì đều là từ tư duy phân biệt mà sanh vì thế nên được nói là có thối chuyển.

Bạch Đại Sĩ ! Thối chuyển như vậy là có pháp hay không pháp ?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : “ Chẳng phải có chẳng phải không có thối chuyển ấy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói : “ Bạch Đại Sĩ ! Nếu như vậy thì chỗ nào có thối chuyển?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : “ Nầy Thiên Tử ! Nếu có nếu không là hư vọng lấy, là điên đảo lấy là bất như lấy, kia là chẳng lấy cũng chẳng phải chẳng lấy, do nghĩa ấy mà được nói là thối chuyển. Nhưng pháp thối chuyển ấy chẳng thể nói có chẳng thể nói không. Tại sao ? Vì nếu trong có không mà có thối chuyển thì có lỗi, tại sao ? Vì nếu có pháp thối chuyển thì đọa thường kiến, nếu không pháp thối chuyển thì đọa đoạn kiến. Nhưng đức Thế Tôn nói chẳng ở trong thường chẳng ở trong đoạn. Chẳng phải đoạn chẳng phải thường là lời nói của Như Lai. Nầy Thiên Tử ! Nếu họ ở nơi các tưởng chẳng chơn thiệt trước ấy mà họ chứng biết thì gọi là chẳng phải đoạn chẳng phải thường. Nầy thiên Tử ! Đây là pháp môn thối chuyển của Bồ Tát vậy”.

Lúc nói pháp nầy có mười ngàn Thiên Tử được vô sanh pháp nhẫn.