Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Lược Sử Lục Tổ Đại Sư

01 Tháng Tám 20162:37 CH(Xem: 2253)
Lược Sử Lục Tổ Đại Sư

KINH PHÁP BẢO ĐÀN 
HUỆ NĂNG LỤC TỔ
 
Soạn thuật: Pháp Hải - Dịch giả: Thích Nữ Trí Hải.

 

LƯỢC SỬ LỤC TỔ ĐẠI SƯ

 

Đại sư tên Huệ Năng, thân phụ họ Lư, húy Hành Thao, thân mẫu họ Lý. Đời vua Đường Vũ Đức năm thứ 3 tháng 9 ở tân Châu, bà Lý Thị nằm mộng thấy trước sân hoa trắng đua nở, có đôi chim nhạn trắng bay, hương lạ tỏa đầy nhà, khi tỉnh dạy thì thụ thai. Bà thanh khiết trai giới, hoài thai sáu năm Sư mới ra đời. Ấy là năm Trinh Quán thứ 12 đời Đường Thái Tông, nhằm năm Mậu Tuất (638DL) ngày mồng 8 tháng 2 giờ Tý. Bấy giờ có một luồng hào quang bay lên không, mùi hương tỏa khắp. Sáng hôm sau có hai vị Tăng đến nhà bảo thân phụ Ngài rằng: “Hài nhi ra đời hồi đêm hãy đặt tên là Huệ năng”. Thân phụ ngài hỏi vì sao đặt tên ấy, thì vị Tăng đáp: “Huệ có nghĩa là dùng pháp mà ban bố để cứu độ chúng sanh. Năng là có khả năng làm việc Phật”. Nói xong liền từ biệt, không biết đi đâu.

Sư không uống sữa mẹ, về đêm có thần nhân đến nuôi bằng nước Cam Lồ. Năm Sư lên ba tuổi thì thân phụ qua đời. Mẹ Ngài thủ chí nuôi con. Khi trưởng thành làm nghề bán củi nuôi mẹ. Năm hai mươi bốn tuổi nhân khi bán củi. Sư nghe Kinh Kim Cang mà ngộ đạo, liền đến Hoằng Mai tham lễ. Ngũ Tổ nhận là bậc Pháp khí, truyền y bát cho Sư kế vị làm đệ Lục Tổ. Bấy giờ là Long Sóc nguyên niên (661DL) đời vua Đường Cao Tông , nhằm năm tân dậu. Năm ấy, tổ 24 tuổi, đến Hoằng Mai bái yết Ngũ Tổ được truyền pháp.

Ngài về phía Nam tỵ nạn mười lăm năm, đến Nghi Phụng nguyên niên đời vua Cao Tông nhằm năm Bính Tý (676 DL) ngày 8 tháng giêng Ngài hội kiến Pháp Sư Ấn Tông cùng bàn luận ý nghĩa thâm áo. Ấn Tông nhờ Sư mà khế ngộ. Vào ngày rằm tháng ấy, ngài Ấn Tông triệu tập chúng làm lễ thế phát cho Sư, ngày 8 tháng 2, họp các bậc danh đức truyền cụ túc giới. Ngài Trí Quang luật sư ở tây kinh làm Hòa thượng đàn đầu, Huệ Tịnh luật sư ở Tô Châu làm Yết ma, Thông Ứng luật sư ở Kinh Châu làm giáo thọ, Kỳ Đa La luật sư ở Trung Ấn thuyết giới, Mật Đa Tam Tạng pháp sư ở tây Ấn chứng giới. Còn giới đàn do tam tạng pháp sư Cầu Na Bạt Đà La sáng lập vào triều nhà Tống, có khắc bia để lại huyền ký như sau: “Sau này sẽ có vị nhục thân Bồ tát thọ giới tại đây”. Lại có một lời huyền ký khác nữa, là vào đời vua Lương Thiên Giám nguyên niên, Tam tạng Pháp sư Trí Dược từ Ấn Độ sang Trung Hoa bằng đường biển đã đem một cây Bồ đề từ Ấn Dộ đến trồng bên cạnh giới đàn, khắc lời tiên tri như sau: “Cách một trăm bảy mươi năm sau sẽ có vị nhục thân Bồ tát ở dưới gốc cây này khai diễn Tối thượng thừa, độ vô lượng chúng sanh. Người ấy chính là Pháp chủ truyền tâm ấn của Phật”. Sư đến đấy thế phát thọ giới và khai thị cho bốn chúng tông chỉ Ngài đã kế thừa, nhất nhất đều phù hợp với lời sấm xưa. Tính từ Thiên Giám nguyên niên nhà Lương (Năm Nhâm Ngọ) cho đến Nghi Phụng nguyên niên nhà Đường (năm Bính Tý) cách nhau một trăm bảy mươi lăm năm.

Mùa xuân năm sau, sư từ giã đại chúng trở về núi Bảo Lâm ở Tào Khê. Ấn Tông pháp sư cùng tại gia xuất gia đưa tiễn Ngài hơn một ngàn người đến Tào Khê. Bấy giờ Thông Ứng luật sư ở Kinh Châu cùng trăm đệ tử y chỉ theo Sư.

Sư nhận thấy chùa bảo Lâm ở Tào Khê còn chật hẹp không đủ chỗ cho đại chúng, muốn mở rộng, bèn đến một vị địa chủ trong làng là Trần Á Tiên nói: 

- Lão Tăng đến xin thí chủ một khoảnh đất để trải tọa cụ, được không?

Á Tiên nói:

- Tọa cụ Hòa thượng rộng bao nhiêu?

Sư đưa tọa cụ cho xem. Á Tiên bằng lòng. Sư trải tọa cụ ra thì nó choán cả bốn phương tào Khê, có trời Tứ Thiên Vương ngồi trấn giữ bốn góc (nay cảnh chùa ấy có đỉnh núi gọi là Thiên Vương Lãnh là do sự tích này mà đặt tên).

Á Tiên nói:

- Con cũng biết pháp lực của Hòa thượng thật quảng đại, nhưng phần mộ của tổ tiên con đều ở trên đất này, sau có xây chùa tháp xin Hòa thượng giữ lại cho. Còn bao nhiêu đất con xin cúng dường tất cả, vĩnh viễn làm của tam bảo. Nhưng đất này có sanh long mạch, chỉ có thể bình thiên, không nên bình địa (chỗ cao xây nhà thấp, chỗ thấp xây nhà cao, chứ không được san bằng).

Sau đó tất cả công tác xây cất đều giữ đúng theo lời dặn ấy. Sư dạo đến đâu thấy sơn thủy tốt đẹp là dừng, và chỗ ấy thành một nơi lan nãh, cộng tất cả có mười ba nơi.

Nói về sự tích chùa Bảo Lâm ấy thì trước kia cũng do Tam Tạng pháp sư Trí Dược ở Ấn Độ từ Nam Hải sang, khi ngang của Tào Khê múc nước uống thì thấy hương vị tuyệt trần, nên bảo với đồ chúng: “Nước này không khác gì nước ở tây Vức ta. Chắc là trên nguồn khe có chỗ đất tốt, có thể làm chốn lan nhã”. Bèn đi lên tới nguồn, nhìn xem bốn phía thấy sơn thủy kỳ tú khen: “Thật giống như núi bảo Lâm ở trời tây (Ấn Độ)”. Bèn bảo cư dân ở thôn Tào nên làm một ngôi chùa, trên một trăm lẻ bảy năm sau Vô Thượng pháp bảo sẽ được khai diễn, người đắc đạo tông như rừng, nên đặt hiệu là Bảo Lâm.

Khi ấy, quan Châu Mục ở Thiều Châu là Hầu Cảnh Trung, làm biểu ấy tâu lên vua nhà Lương, nên vào năm 504 (Thiên Giám năm thứ 3)[1] vua sắc tứ hiệu Bảo Lâm, ngôi chùa liền thành một Phạm cung.

Trước chánh điện có một cái ao đầm, có con rồng thường xuất hiện quấy phá cây cối. Một hôm nó hiện hình rất lớn làm nổi sóng tung tóe, mây mù đầy trời, khiến đồ chúng kinh sợ. Sư mắng rồng:

- Ngươi chỉ biết hiện ra thân lớn, mà không biết hiện thân nhỏ. Nếu là thần long, thì phải biết biến hóa, nhỏ thành lớn, lớn thành nhỏ mới hay.

Con rồng bỗng lặn mất, một lát sau lại hiện thân nhỏ xíu nhảy lên trên mặt ao. Sư giở bình bát ra thách:

- Ngươi không dám vào trong bình bát của Lão Tăng đâu?

Con rồng mắc mưu thủng thỉnh lội tới, Sư đậy nắp bát, rồng không cục cựa được nữa. Sư cầm bát trở vào chùa thuyết pháp cho rồng. Nghe xong, rồng thoát xác mà đi, để lại bộ xương dài bảy tấc, đủ cả đầu đuôi được lưu giữ tại cổng chùa. Sau đó Sư lấp ao. Nay trước điện bên tả có ngôi tháp bằng sắt chính là chỗ xưa rồng ở. 

[1] Chùa được vua đặt tên gọi là chùa Sắc Tứ. Tên ấy thường được viết trên một bức hoành bằng gỗ sơn mài treo ngang trước chánh điện.