Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng
THƯ MỤC TÁC GIẢ

11. Phẩm Tịnh Hạnh

03 Tháng Tám 201612:23 CH(Xem: 2324)
11. Phẩm Tịnh Hạnh

KINH HOA NGHIÊM  
Hán Dịch: Đại-Sư Thật-Xoa-Nan-Đà - Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh 
Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 – 1983

 

 PHẨM TỊNH HẠNH
THỨ MƯỜI MỘT


 Lúc bấy giờ Trí-Thủ Bồ-Tát hỏi Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát : 'Phật-tử ! Bồ-Tát làm thế nào thân, ngữ, ý, ba nghiệp được không lỗi lầm? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được chẳng tổn hại ? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được không thể bị hủy hoại ? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được chẳng dao động ? Thân, ngữ, ý ba nghiệp được thù-thắng ? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được vô nhiễm ? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được trí dẫn đạo ?

 Bồ-Tát làm thế nào được sanh-xứ đầy đủ ? Chủng-tộc đầy đủ ? Gia-thế đầy đủ ? Sắc-thân đầy đủ ? Tướng mạo đầy đủ ? Niệm đầy đủ ? Huệ đầy đủ ? Hạnh đầy đủ ? Vô-úy đầy đủ ? Giác-ngộ đầy đủ ?

 Bồ-Tát làm thế nào được thắng-huệ ? Được đệ-nhứt-huệ ? Được tối-thượng-huệ ? Được tối-thắng-huệ ? Được vô-lượng-huệ ? Được vô-số-huệ ? Được bất-tư-nghì-huệ, Được vô-giữ-đẳng-huệ ? Được bất-khả-lượng huệ ? Được bất-khả-thuyết huệ ?

 Bồ-Tát làm thế nào được : nhơn-lực, duyên-lực, dục-lực, phương-tiện-lực, sở-duyên-lực, căn-lực, quan-sát-lực, xa-ma-tha-lực, tỳ-bát-xá-na-lực, tư-duy-lực ?

 Bồ-Tát làm thế nào được : uẩn thiện-xảo, xứ thiện-xảo, giới thiện-xảo, duyên-khởi thiện-xảo, dục-giới thiện-xảo, sắc-giới thiện-xảo, vô-sắc-giới thiện-xảo, quá-khứ thiện-xảo, vị-lai thiện-xảo, hiện-tại thiện-xảo ?

 Bồ-Tát làm thế nào khéo tu tập : niệm giác-phần, trạch-pháp giác-phần, tinh-tấn giác-phần, hỉ giác-phần, xả giác-phần, không giác-phần, vô-tướng giác-phần, vô-nguyện giác-phần ?

 Bồ-Tát làm thế nào được viên-mãn : đàn ba-la-mật, thi ba-la-mật, sằn-đề ba-la-mật, tỳ-lê-gia ba-la-mật, thiền-na ba-la-mật, tỳ-lê-gia ba-la-mật, thiền-na ba-la-mật, bát-nhã ba-la-mật, từ, bi, hỉ, xả ?

 Bồ-Tát làm thế nào được thập lực : xứ-phi-xứ trí-lực, quả-vị hiện-tại nghiệp-báo trí-lực, căn thắng liệt trí-lực, chủng-chủng giới trí-lực, chủng-chủng giải trí-lực, nhứt-thiết-chí-xứ-đạo trí-lực, thiền giải-thoát tam-muội nhiễm tịnh trí-lực, túc-trụ-niệm trí-lực, vô-chướng-ngại thiên-nhãn trí-lực, đoạn chư tập trí-lực ?

 Bồ-Tát làm thế nào thường được sự thủ-hộ cung kính cúng-dường của : Thiên-Vương, Long-Vương, Dạ-Xoa-Vương, Càn-thát-bà-Vương, A-tu-la-Vương, Ca-lâu-la-Vương, Khẩn-na-la-Vương, Ma-hầu-la-già-Vương, Nhơn-Vương, Phạm-Vương ?

 Bồ-Tát làm thế nào được mình là những chỗ : y-tựa, cứu-độ, chỗ về, chỗ đến, là đuốc, là sáng, là soi, là dẫn đạo, thắng đạo, phổ đạo cho tất cả chúng-sanh ?

 Đối với tất cả chúng-sanh, Bồ-Tát làm thế nào là : đệ-nhứt, là lớn, là thắng, là tối-thắng, là diệu, là cực-diệu, là thượng, là vô-thượng, là vô-đẳng, là vô-đẳng-đẳng ?

 Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát bảo Trí-Thủ Bồ-Tát : 'Lành thay Phật-tử ! nay ngài vì muốn nhiều lợi-ích, nhiều an-ổn, thương xót thế-gian, lợi-lạc thiên-nhơn mà hỏi những nghĩa như vậy.

 Phật-tử ! Nếu Bồ-Tát khéo dụng tâm thời được tất cả công-đức thắng-diệu, nơi phật-pháp được tâm vô-ngại, được trụ nơi đạo của tam-thế chư Phật, trụ theo chúng-sanh hằng không bỏ rời, đều có thể thông-đạt đúng các pháp-tướng, dứt tất cả điều ác, đầy đủ tất cả điều lành, sẽ được hình sắc đệ-nhứt như Phổ-Hiền, đầy đủ tất cả hạnh-nguyện, với tất cả pháp đều được tự-tại, sẽ là đạo-sư thứ hai của chúng-sanh.

 Phật-tử ! Bồ-Tát dụng tâm thế nào mà có thể được tất cả thắng-diệu công-đức ?

 Phật-tử lóng nghe đây :

 Bồ-Tát ở nhà, nên nguyện chúng-sanh, biết nhà tánh không, khỏi sự bức ngặt.

 Hiếu thờ cha mẹ, nên nguyện chúng-sanh, kính thờ chư Phật, hộ dưỡng tất cả.

 Vợ con hội họp, nên nguyện chúng-sanh, oán thân bình-đẳng, lìa hẳn tham trước.

 Nếu được ngũ-dục, nên nguyện chúng-sanh, nhổ mũi tên dục, rốt ráo an-ổn.

 Kỹ nhạc tụ hội, nên nguyện chúng-sanh, vui nơi chánh-pháp, rõ nhạc chẳng thật.

 Nếu ở cung thất, nên nguyện chúng-sanh, vào nơi thánh-địa, trừ hẳn uế-dục.

 Lúc đeo trang-sức, nên nguyện chúng-sanh, bỏ tư-trang giả, đến chỗ chơn thật.

 Lên trên lâu-các, nên nguyện chúng-sanh, lên lầu chánh-pháp, thấy suốt tất cả.

 Nếu có bố-thí, nên nguyện chúng-sanh, bỏ được tất cả, lòng không ái trước.

 Chúng-hội tu-tập, nên nguyện chúng-sanh, xả những tụ pháp, thành nhứt-thiết-trí.

 Nếu ở ách nạn, nên nguyện chúng-sanh, tùy ý tự-tại, chỗ làm vô-ngại.

 Lúc bỏ cư-gia, nên nguyện chúng-sanh, xuất-gia vô-ngại, tâm được giải-thoát.

 Vào tăng già-lam, nên nguyện chúng-sanh, diễn-thuyết các thứ pháp không tranh cãi.

 Đến đại, tiểu sư, nên nguyện chúng-sanh, khéo thờ sư-trưởng, tập làm điều lành.

 Cầu xin xuất-gia, nên nguyện chúng-sanh, được pháp bất-thối,lòng không chướng-ngại.

 Thoát bỏ tục nhãn, nên nguyện chúng-sanh, siêng tu căn lành, bỏ những tội ách.

 Cạo bỏ râu tóc, nên nguyện chúng-sanh, lìa hẳn phiền-não, rốt ráo tịch-diệt.

 Đắp y ca-sa, nên nguyện chúng-sanh, lòng không nhiễm trước, đủ đạo đại-tiên.

 Lúc chánh xuất-gia, nên nguyện chúng-sanh, đồng Phật xuất-gia, cứu hộ tất cả.

 Tự quy-y Phật, nên nguyện chúng-sanh, nối thạnh Phật-chủng, phát tâm vô-thượng.

 Tự quy-y Pháp, nên nguyện chúng-sanh, sâu vào kinh-tạng, trí-huệ như biển.

 Tự quy-y Tăng, nên nguyện chúng-sanh, thống-lý đại-chúng, tất cả vô-ngại.

 Lục thọ học giới, nên nguyện chúng-sanh, khéo học nơi giới, chẳng làm điều ác.

 Thọ Xà-Lê dạy, nên nguyện chúng-sanh, đầy đủ oai-nghi, chỗ làm chơn thật.

 Thọ Hòa-Thượng dạy, nên nguyện chúng-sanh, vào trí vô-sanh, đến chỗ vô-y.

 Thọ giới cụ-túc, nên nguyện chúng-sanh, đủ các phương-tiện, được pháp tối-thắng.

 Nếu vào nhà cửa, nên nguyện chúng-sanh, lên nhà vô-thượng, an-trụ bất-động.

 Nếu trải giường tòa, nên nguyện chúng-sanh, trải mở pháp lành, thấy tướng chơn thật.

 Chánh thân đoan tọa, nên nguyện chúng-sanh, ngồi bồ-đề toà, tâm không tham trước.

 Lúc ngồi kiết-già, nên nguyện chúng-sanh, căn lành kiên-cố, được bực bất-động.

 Tu hành nơi định, nên nguyện chúng-sanh, dùng định phục tâm, rốt ráo không thừa.

 Nếu tu pháp quán, nên nguyện chúng-sanh, thấy lý như thật, trọn không tranh cãi.

 Xả ngồi kiết-già, nên nguyện chúng-sanh, quan-sát hành pháp, đều quy tan mất.

 Lúc để chân đứng, nên nguyện chúng-sanh, tâm được giải-thoát, an-trụ bất động.

 Nếu cất chân lên, nên nguyện chúng-sanh, khỏi biển sanh-tử, đủ các pháp lành.

 Lúc mặc quần dưới, nên nguyện chúng-sanh, mặc những căn lành, đầy đủ hổ thẹn.

 Chỉnh áo cột giải, nên nguyện chúng-sanh, kiểm thúc căn lành, chẳng để tan mất.

 Nếu mặc áo trên, nên nguyện chúng-sanh, được căn lành lớn, đến bờ pháp kia.

 Đấp tăng-già-lê, nên nguyện chúng-sanh, vào ngôi đệ-nhứt, được pháp bất-động.

 Tay cầm nhành dương, nên nguyện chúng-sanh, đều được diệu-pháp,rốt-ráo thanh-tịnh.

 Lúc nhăn nhành dương, nên nguyện chúng-sanh, tâm-ý điều tịnh, nhai các phiền-não.

 Lúc đại tiểu tiện, nên nguyện chúng-sanh, bỏ tham sân si, dẹp trừ điều tội.

 Việc rồi đến nước, nên nguyện chúng-sanh, trong pháp xuất-thế, qua đến mau chóng.

 Rửa ráy thân nhơ, nên nguyện chúng-sanh, thanh-tịnh điều nhu, rốt ráo không nhơ.

 Xối nước trên tay, nên nguyện chúng-sanh, được tay thanh-tịnh, thọ trì phật-pháp.

 Dùng nước rửa mặt, nên nguyện chúng-sanh, được tịnh pháp-môn, trọn không nhơ bợn.

 Tay cầm tích-trượng, nên nguyện chúng-sanh, lập hội bố-thí, bày đạo như Phật.

 Tay cầm ứng khí, nên nguyện chúng-sanh, thành-tựu pháp-khí, thọ trời người-cúng.

 Bước chân lên đường, nên nguyện chúng-sanh, đến chỗ Phật đi, vào nơi vô-y.

 Nếu ở nơi đường, nên nguyện chúng-sanh, hay đi đường Phật, hướng pháp vô-dư.

 Theo đường mà đi, nên nguyện chúng-sanh, noi tịnh pháp-giới,tâm không chướng ngại.

 Thấy lên đường cao, nên nguyện chúng-sanh, khỏi hẳn ba cõi, tâm không khiếp nhược.

 Thấy xuống đường thấp, nên nguyện chúng-sanh, tâm ý khiêm hạ lớn căn lành Phật.

 Thấy đường quanh co, nên nguyện chúng-sanh, bỏ đạo bất chánh, trừ hẳn ác-kiến.

 Nếu thấy đường thẳng, nên nguyện chúng-sanh,tâm ý chánh-trực,không dua không dối.

 Thấy đường nhiều bụi, nên nguyện chúng-sanh, xa lìa bụi bặm, được pháp thanh-tịnh.

 Thấy đường không bụi, nên nguyện chúng-sanh, thường tu đại-bi, tâm ý nhuần thấm.

 Nếu thấy đường hiểm, nên nguyện chúng-sanh, trụ chánh pháp-giới, lìa những tội nạn.

 Nếu thấy chúng-hội, nên nguyện chúng-sanh, nói pháp thậm-thâm, tất cả hòa hiệp.

 Nếu thấy trụ lớn, nên nguyện chúng-sanh, lìa tâm chấp ngã, không có phẩn hận.

 Nếu thấy tòng-lâm, nên nguyện chúng-sanh, chư thiên và nhơn, chỗ nên kính lễ.

 Nếu thấy núi cao, nên nguyện chúng-sanh, căn lành siêu thoát, không thể tột đảnh.

 Lúc thấy cây gai, nên nguyện chúng-sanh, chóng được cắt bỏ, những gai tam độc.

 Thấy cây lá rậm, nên nguyện chúng-sanh, dùng định giải thoát, để làm che chói.

 Nếu thấy hoa nở, nên nguyện chúng-sanh, các pháp thần-thông, như hoa đua nở.

 Nếu thấy cây hoa, nên nguyện chúng-sanh, tướng tốt như hoa, đủ ba mươi hai.

 Nếu thấy trái hột, nên nguyện chúng-sanh, được pháp tối-thắng, chứng đạo bồ-đề.

 Nếu thấy sông lớn, nên nguyện chúng-sanh, được dự pháp-lưu, vào Phật-trí-hải.

 Nếu thấy bờ đầm, nên nguyện chúng-sanh, chóng ngộ diệu-pháp, nhứt vị của Phật.

 Nếu thấy ao hồ, nên nguyện chúng-sanh, ngữ-nghiệp hoàn-toàn, hay khéo diễn-thuyết.

 Nếu thấy giếng nước, nên nguyện chúng-sanh, đầy đủ biện tài, diễn tất cả pháp.

 Nếu thấy suối chảy, nên nguyện chúng-sanh, thêm lớn phương-tiện, thiện căn vô-tận.

 Nếu thấy kiều-lộ, nên nguyện chúng-sanh, rộng độ tất cả, dường như cầu đò.

 Nếu thấy nước chảy, nên nguyện chúng-sanh, được ý nguyện lành, rửa nhơ phiền-não.

 Thấy dọn vườn tược, nên nguyện chúng-sanh, trong vườn ngũ dục, dọn sạch cỏ ái.

 Thấy rừng vô-ưu, nên nguyện chúng-sanh, lìa hẳn tham-ái, chẳng còn lo sợ.

 Nếu thấy công viên, nên nguyện chúng-sanh, siêng tu hạnh lành, đến Phật bồ-đề.

 Thấy người nghiêm-sức, nên nguyện chúng-sanh, trang-nghiêm thân đẹp, ba mươi hai

 tướng.

 Thấy không nghiêm-sức, nên nguyện chúng-sanh, bỏ những trang-sức, đủ hạnh đầu-đà.

 Thấy người ham vui, nên nguyện chúng-sanh, vui nơi chánh-pháp, ưa thích chẳng bỏ.

 Thấy không ham vui, nên nguyện chúng-sanh, trong sự hữu-vi, lòng không ưa thích.

 Thấy người vui sướng, nên nguyện chúng-sanh, thường được an vui, thích cúng-dường

 Phật.

 Thấy người khổ-não, nên nguyện chúng-sanh, được căn-bổn trí, dứt trừ sự khổ.

 Thấy người mạnh khỏe, nên nguyện chúng-sanh, vào chơn-thật-huệ, trọn không bịnh

 Khổ.

 Thấy người tật bịnh, nên nguyện chúng-sanh, biết thân không tịch, lìa sự tranh cãi.

 Thấy người xinh đẹp, nên nguyện chúng-sanh, với Phật Bồ-Tát, thường kính thường tin.

 Thấy người xấu-xí, nên nguyện chúng-sanh, với điều bất thiện, chẳng ưa chẳng thích.

 Thấy người báo ơn, nên nguyện chúng-sanh, với Phật Bồ-Tát, hay biết ơn đức.

 Thấy người bội ơn, nên nguyện chúng-sanh, với kẻ làm ác, chẳng trả thù oán.

 Nếu thấy Sa-Môn, nên nguyện chúng-sanh, điều-nhu tịch-tịnh, rốt ráo đệ-nhứt.

 Thấy Bà-La-Môn, nên nguyện chúng-sanh, giữ trọn phạm-hạnh, lìa tất cả ác.

 Thấy người khổ hạnh, nên nguyện chúng-sanh, y nơi khổ hạnh, đến bực rốt ráo.

 Thấy người hạnh tốt, nên nguyện chúng-sanh, giữ bền chí-hạnh, chẳng bỏ Phật-đạo.

 Thấy mặc giáp-trụ, nên nguyện chúng-sanh, thường mặc giáp lành, đến pháp vô-sư.

 Thấy không võ-trang, nên nguyện chúng-sanh, lìa hẳn tất cả, những nghiệp bất-thiện.

 Thấy người luận nghị, nên nguyện chúng-sanh, đều dẹp phá được, tất cả dị-luận.

 Thấy người chánh-mạng, nên nguyện chúng-sanh, được mạng thanh-tịnh, không dối

 giả dạng.

 Nếu thấy Quốc-vương, nên nguyện chúng-sanh, được làm pháp-vương, thường chuyển

 chánh-pháp.

 Nếu thấy vương-tử, nên nguyện chúng-sanh, từ pháp hóa-sanh, mà làm phật-tử.

 Nếu thấy trưởng-giả, nên nguyện chúng-sanh, xét đoán sáng suốt, chẳng làm điều ác.

 Nếu thấy đại-thần, nên nguyện chúng-sanh, hằng giữ chánh-niệm, tập làm điều thiện.

 Nếu thấy thành quách, nên nguyện chúng-sanh, được thân kiên cố,tâm không hèn nhát.

 Nếu thấy kinh-đô, nên nguyện chúng-sanh, công-đức đồng nhóm, lòng luôn vui vẻ.

 Thấy ở rừng vắng, nên nguyện chúng-sanh, đáng được trời người, ca ngợi kính ngưỡng.

 Vào xóm khất thực, nên nguyện chúng-sanh, nhập thâm pháp-giới, tâm không chướng

 ngại.

 Đến cửa nhà người, nên nguyện chúng-sanh, vào trong tất cả, cửa nhà phật-pháp.

 Vào nhà người rồi, nên nguyện chúng-sanh, được vào phật-thừa, ba thời bình-đẳng.

 Thấy không thí-xả, nên nguyện chúng-sanh, thường chẳng bỏ rời, pháp công-đức lớn.

 Thấy người thí-xả, nên nguyện chúng-sanh, được bỏ lìa hẳn, khổ ba ác-đạo.

 Nếu thấy bát không, nên nguyện chúng-sanh, tâm ý thanh-tịnh, trống sạch phiền-não.

 Nếu thấy bát đầy, nên nguyện chúng-sanh, đầy đủ trọn vẹn, tất cả thiện-pháp.

 Nếu được cung-kính, nên nguyện chúng-sanh, cung-kính tu hành, tất cả phật-pháp.

 Chẳng được cung-kính, nên nguyện chúng-sanh, chẳng làm tất cả,những điều bất thiện.

 Thấy người hổ-thẹn, nên nguyện chúng-sanh, đủ hạnh hổ-thẹn, che giữ căn-thân.

 Thấy không hổ-thẹn, nên nguyện chúng-sanh, lìa bỏ không thẹn, trụ đạo đại-từ.

 Được thực phẩm ngon, nên nguyện chúng-sanh, đều được mãn nguyện, không lòng

 tham muốn.

 Được thực phẩm dở, nên nguyện chúng-sanh, ai cũng đều được, pháp-vị tam-muội.

 Được vật thực mềm, nên nguyện chúng-sanh, huân-tập đại-bi, tâm ý nhu nhuyến.

 Được vật thực cứng, nên nguyện chúng-sanh, tâm không nhiễm trước, dứt hết tham ái.

 Nếu lúc ăn cơm, nên nguyện chúng-sanh, ăn món thiền-duyệt, pháp-hỉ no đủ.

 Lúc thọ mùi vị, nên nguyện chúng-sanh, được Phật hương-vị, cam-lộ đầy đủ.

 Lúc ăn cơm xong, nên nguyện chúng-sanh, việc làm đều xong, đủ những phật-pháp.

 Nếu lúc thuyết-pháp, nên nguyện chúng-sanh, biện-luận vô-tận, tuyên rộng pháp yếu.

 Lúc ra khỏi nhà, nên nguyện chúng-sanh, thâm nhập phật-trí, khỏi hẳn ba cõi.

 Nếu lúc xuống nước, nên nguyện chúng-sanh, vào nhứt-thiết-trí, rõ ba thời đồng.

 Tắm rửa thân thể, nên nguyện chúng-sanh, thân tâm không nhơ, trong ngoài sáng sạch.

 Mùa nắng nóng độc, nên nguyện chúng-sanh, bỏ lìa khổ não, tất cả đều hết.

 Hết nắng vừa mát, nên nguyện chúng-sanh, chứng pháp vô-thượng, rốt ráo mát mẻ.

 Lúc đọc tụng kinh, nên nguyện chúng-sanh, thuận lời Phật dạy, tổng trì chẳng quên.

 Nếu được thấy Phật, nên nguyện chúng-sanh, được vô-ngại-nhãn, thấy tất cả Phật.

 Lúc ngắm kỹ Phật, nên nguyện chúng-sanh, đều như Phổ-Hiền, xinh đẹp nghiêm tốt.

 Lúc thấy tháp Phật, nên nguyện chúng-sanh, tôn-trọng như tháp, thọ trời người cúng.

 Cung kính xem tháp, nên nguyện chúng-sanh, chư thiên và người, cùng nhau chiêm

 ngưỡng.

 Đảnh lễ tháp Phật, nên nguyện chúng-sanh, tất cả trời người, chẳng thấy đảnh được.

 Đi nhiễu tháp Phật, nên nguyện chúng-sanh, tu hành không trái, thành nhứt-thiết-trí.

 Nhiễu tháp ba vòng, nên nguyện chúng-sanh, siêng cầu phật-đạo, lòng không biếng trễ.

 Khen công-đức Phật, nên nguyện chúng-sanh, đều đủ công-đức, ca-ngợi vô-tận.

 Khen tướng-hảo Phật, nên nguyện chúng-sanh, thành tựu phật-thân, chứng pháp

 vô-tướng.

 Nếu lúc rửa chân, nên nguyện chúng-sanh, đủ sức thần-túc, chỗ đi vô-ngại.

 Ngủ nghỉ phải thời, nên nguyện chúng-sanh, thân được an-ổn, lòng không động loạn.

 Ngủ vừa tỉnh-giấc, nên nguyện chúng-sanh, tất cả trí-giác, ngó khắp mười phương.

 Phật-tử ! Nếu chư Bồ-Tát dụng tâm như vậy thời được tất cả công-đức thắng-diệu. Tất cả thế-gian : chư thiên, ma, phạm, sa-môn, bà-la-môn, càn-thát-bà, a-tu-la v.v... nhẫn đến tất cả Thanh-Văn, Duyên-Giác không thể làm lay động được.