Phần 2

11 Tháng Giêng 20173:13 CH(Xem: 2710)
Phần 2
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 2

VỌNG TÂM TÀ Ý TIÊU PHƯỚC THIỆN
CHÁNH NIỆM TINH CẦN ĐẠT CÔNG PHU

Ka-la-út, Ka-la-thứ và Ka-la-cả (Culla Kãla, Majjhima Kãla, Mahà Kãla) là ba anh em ruột sống tại Xê-ta-vy-a (Setavya). Ka-la-út và Ka-la-cả thường đem 500 cổ xe ngựa ra nước ngoài mua hàng về cho Ka-la-thứ bán. Bấy giờ họ đang trên đường đến Xá Vệ và dừng lại nghỉ giữa Xá Vệ với Kỳ Viên.

Một hôm, Ka-la-cả thấy rất nhiều Phật tử thuần thành cầm hoa đi lễ Phật, nghe pháp. Ông dặn người em coi chừng xe cộ và cùng theo họ đến chùa cầu kinh, thính pháp.

Hôm đó Đức Đạo Sư thuyết giảng về sự hiện hữu của khổ đau, cảnh vô thường sanh diệt của ngũ uẩn và sự mê muội đắm chìm trong dục lạc. Cảm nhận được lẽ thăng trầm, biến dịch của kiếp người và vạn vật, ông trở về giao toàn bộ tài sản cho người em rồi đến xin Đức Thế Tôn xuất gia. Ka-la-út hết lời khuyên can anh mình nhưng không được, cậu bèn sắp xếp công việc, theo anh làm Sa môn với ý nghĩ rằng sau một thời gian cậu sẽ hoàn tục và đem anh cậu về.

Ka-la-cả tu hành rất tinh tấn. Và sau khi thọ giới Tỳ kheo, sư tự thấy mình tuổi cao sức yếu, không thể thực hành đạo nghiệp qua việc nghiên cứu kinh văn, nên xin Đức Thế Tôn tu theo pháp môn quán niệm, và thế là sư được phép đến gò thiêu tu tập.

Sa môn Ka-la đến gặp Ka-li (Kàli), một phụ nữ quản lý gò thiêu và được bà yêu cầu:

- Bạch thầy, trong khi tu tập tại gò thiêu, thầy không được ngủ ban ngày, phải có nghị lực và toàn tâm toàn ý; và trong khi họ mang xác chết vất bừa nơi đây, con sẽ đặt thi hài lên giàn thiêu với đầy đủ hương hoa, lễ nghi cúng bái. Nếu thầy không ngộ đạo, con sẽ đốt rụi giàn thiêu, kéo xác ra ngoài, băm ra từng mảnh rồi vất chúng vào ngọn lửa hung tàn, đốt sạch.

- Hay thay! Hay thay! Thưa bà.

Nhưng nếu bà thấy thi hài nào phù hợp với mục tiêu quán niệm về sắc thân thì xin cho  biết.

- Thưa vâng, bạch thầy!

Bấy giờ có một thiếu nữ vừa qua đời, thi hài còn nguyên, chưa biến dạng; thân quyến mang xác cô đến gò thiêu với củi, dầu v.v... và nhờ Ka-li thiêu xác. Họ trả tiền lệ phí rồi ra về. Trong khi cởi đồ tẩm liệm, Ka-li sững sờ thấy xác cô thiếu nữ xinh đẹp, vàng óng, liền nghĩ :

- Xác này đích thị là một chủ đề thiền quán rất phù hợp với Trưởng lão.

Bà liền báo cho Ka-la-cả biết. Sư đến xem xét thi hài từ lòng bàn chân đến đầu sợi tóc, rồi nói:

- Hãy ném thi thể xinh đẹp, vàng óng này vào lửa, và khi ngọn lửa phủ lấy thi hài thì cho thầy biết. Nói xong sư trở về vị trí và tham thiền nhập định.

Khi ngọn lửa đã hừng hực lên cao, bà đến báo tin cho Trưởng lão. Sư đến quan sát thi thể và thấy thân xác nàng như một con bê thui: chân cẳng thò ra, lủng lẳng; hai tay co quắp, đen nám và không còn một chút da nào trên trán. Trưởng lão suy nghĩ:

- Thân hình này có thể đã làm cho bao người đắm đuối, quên đi chữ nghĩa thánh hiền, nay lại tới hồi suy tàn, tới kỳ hủy diệt.

Trưởng lão trở lại am tranh, thiền quán, trực nhận ra lẽ vô thường sanh tử và an vui niết bàn.

Các pháp 1à vô thường,

Bản chất là sanh diệt,

Sanh diệt đoạn diệt rồi,

Tịch diệt ấy là vui.

Lời kệ vừa thoáng qua đầu óc thì Trưởng lão Ka-la-cả liền chứng quả A la hán.

Được tin Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn vân du giáo hóa nay đã đến thành Xê-ta-vy-a, và vào rừng Xim-xa-pa (Simsapa). Các bà vợ của Ka-la-út liền nghĩ:

- Thế là chúng ta sẽ bắt lại chồng.

Họ tổ chức lễ trai tăng, thỉnh Đức Thế Tôn và đại chúng đến thọ thực. Ka-la-út được phái đến chỉ đạo sắp xếp bàn ghế, và vừa trông thấy sư, các bà lên tiếng trêu chọc:

- Sư làm gì đây? Chỉ xớ rớ hả? Sư  lấy quyền gì chỉ tay năm ngón? Ai cho phép sư khoác áo Sa môn? Sư đến đây với mục đích gì?

Họ vừa trêu tức vừa ôm xé y phục của Ka-la-út, khoác lên mình sư  một bộ đồ màu trắng, đặt lên đầu sư  một vòng hoa, rồi xô sư ra ngoài, nói:

- Đi thỉnh Đức Thế Tôn đến đây! Tránh chỗ cho chúng tôi thiết lễ.

Không bận tâm về vấn đề y phục, Ka-la-út đến thỉnh Đức Thế Tôn chứng trai.

Khi thọ trai xong, các bà vợ của Ka-la-cả tự nghĩ:

- Các bà thê thiếp của Ka-la-út đã giành được chồng, chúng ta cũng sẽ giành được chồng.

Thế là họ cung thỉnh Đức Thế Tôn và đại chúng thọ trai ngày hôm sau. Nhưng lần này một Tỳ kheo khác đến chỉ đạo sắp xếp bàn ghế chứ không phải Ka-la-cả nên các bà không có cơ hội gần gũi sư. Trong khi chứng trai, đại chúng mới phát hiện ra rằng Ka-la-út có hai bà, Ka-la-thứ bốn bà, và Ka-la-cả tám bà. Một số các sư thấy khó chịu, đứng dậy ra về, số khác thì tiếp tục thọ trai, còn Đức Thế Tôn thì an nhiên tự tại, dùng bữa như thường. Xong việc, các bà thưa:

- Bạch Thế Tôn, thỉnh Ngài về trước, Ka-la-cả có đôi lời cảm niệm rồi về sau.

Đức Thế Tôn mỉm cười, hồi hướng công đức rồi ra về.

Khi Ngài ra tới cổng làng, đại chúng thắc mắc nói:

- Đức Thế Tôn hôm nay thế nào ấy! Ngài làm vậy là vô tình hay cố ý? Hôm qua Ka-la-út đến trước, và thế là hết đời tu sĩ. Hôm nay sư khác đến thì không sao. Bây giờ trưởng lão Ka-la-cả ở lại, sư ấy là người đức hạnh, chân chánh, nhưng liệu họ có kết thúc cuộc đời tu hành của sư ấy không?

Nghe các sư thắc mắc, Đức Thế Tôn dừng lại, hỏi:

- Các thầy nói sao? Các thầy nghĩ là Ka-la-cả không giống như Ka-la-út chứ?

- Vâng, bạch Thế Tôn. Ka-la-út có hai bà, còn Ka-la-cả có tám bà. Nếu tám bà bao vây tóm gọn Ka-la-cả thì thầy ấy sẽ ra sao, bạch Thế Tôn!

Đức Thế Tôn nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, đừng nói thế. Ka-la-út lúc nào cũng bận rộn, xông xáo và nghĩ đến dục lạc. Ka-la-cả thì trái lại, không mong cầu lạc thú, tâm hồn an nhiên bất động như một núi đá kiên cố.

Ngài đọc kệ:

Ai sống theo lạc thú,

Không nhiếp hộ các căn,

Ăn uống thiếu tiết độ,

Lười biếng kém siêng năng,

Sẽ bị Ma vương kéo,

Như cây yếu gió quằn.

Ai sống quán bất tịnh,

Nhiếp hộ được các căn,

Ăn uống có tiết độ,

Thành tín và siêng năng,

Ma vương không chuyển nổi,

Như núi đá gió qua.

(PC. 7,8)


 

LÀNH THAY CHIẾC ÁO CÀ SA
NGUY THAY NGƯỜI MẶC CHẲNG LÀ SA MÔN

Thuở nọ có hai vị thượng thủ, mỗi vị hướng dẫn 500 Tỳ kheo đảnh lễ tạm biệt Đức Thế Tôn và lên đường đi từ Kỳ Viên đến Vương Xá. Dân chúng thành Vương Xá, theo phong tục, tập trung thành từng nhóm cúng dường lễ vật cho các Sa môn dọc hai bên đường. Một hôm, Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta) ngỏ lời tán thán công đức của các thí chủ như sau:

- Này các đạo hữu, người nào bố thí mà không hướng dẫn người khác bố thí, người ấy đời sau được an lạc phú quý mà không được quần chúng hậu thuẫn; người nào hướng dẫn người khác bố thí mà chính mình không bố thí, người ấy đời sau được quần chúng hậu thuẫn mà không được an lạc phú quý; còn ai không hề bố thí và cũng không muốn người khác bố thí, người ấy đời sau phải chịu khốn khổ cơ hàn. Tuy nhiên, ai hoan hỷ bố thí và khuyến khích người khác bố thí, người ấy vô lượng vô biên kiếp sau sẽ được an lạc phú quý và quần chúng hậu thuẫn.

Bấy giờ có một hiền giả tự nghĩ:

- Lời thuyết giáo của Trưởng lão Xá Lợi Phất thật là thậm thâm vi diệu. Ta cần phải tích lũy công đức sao cho được hai thành tựu này.

Ông cung thỉnh Trưởng lão Xá Lợi Phất ngày mai đến nhà ông thọ trai.

Trưởng lão nói:

- Đạo hữu muốn mời bao nhiêu sư?

- Nhưng, bạch Trưởng lão, hiện nay trong Tăng đoàn có bao nhiêu Sa môn?

- Có một ngàn, thưa đạo hữu.

- Thế thì hay quá! Xin Trưởng lão mời tất cả quý sư ngày mai đến nhà con thọ trai.

Trưởng lão Xá Lợi Phất hoan hỷ chấp thuận.

Sau đó, vị đạo hữu đi khắp phố phường khuyến khích dân chúng cúng dường và được mọi người hưởng ứng: người thì cúng mè cúng gạo, kẻ thì dâng sữa dâng đường, thôi thì đủ thứ.

Bấy giờ có một gia chủ cung kính dâng lên một tấm vải may áo cà sa lộng lẫy, trị giá hàng trăm quan tiền, nói:

- Nếu lễ vật cúng dường chưa đủ thì bán tấm vải này để đắp vô cho đủ; còn nếu đủ rồi thì ngài dâng nó cho sư nào tùy ý.

Lễ vật cúng dường đã đầy đủ, duy chỉ thiếu một điều, vị đạo hữu thưa:

- Kính bạch quý Thượng tọa và Đại đức, tấm vải may áo cà sa này do một thí chủ cúng dường với mục đích bán nó để lấy tiền mua lễ vật cho đủ, nhưng nay lễ vật đủ rồi, vậy thỉnh ý quý thầy dâng vải cho ai?

Số thì đệ nghị Trưởng lão Xá Lợi Phất, số thì bảo Xá Lợi Phất thường vân du đây đó theo vụ mùa; chỉ có Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là thường trú, lúc nào cũng sẵn sàng như cái bình nước trên bàn, chúng ta nên dâng tấm cà sa đó cho Đề Bà Đạt Đa.

Sau một hồi thảo luận, cuối cùng đa số biểu quyết dâng tấm vải sang trọng đó cho Đề Bà Đạt Đa.

Lòng lâng lâng sung sướng, Đề Bà Đạt Đa cắt tấm vải ra làm hai phần, một phần làm y, một phần làm hậu, khâu kết rất thời trang, đem nhuộm và lấy làm hãnh diện mỗi khi mặc chúng ra ngoài. Tăng chúng thấy vậy nói:

- Y hậu đó mà để cho Đề Bà Đạt Đa mặc thì chả hợp tí nào, Trưởng lão Xá Lợi Phất thì phải hơn.

Bấy giờ có một Sa môn từ Vương Xá đến Xá Vệ hầu thăm Đức Thế Tôn và thiền môn pháp lữ. Sau khi đảnh lễ và bày tỏ niềm vui mừng gặp lại Bổn Sư và đại chúng, sư được Đức Thế Tôn hỏi thăm tình hình tu tập và cách hướng dẫn Tăng đoàn của hai vị thượng thủ ở đó. Sư cứ thật tình thuật lại sự kiện dâng y và được Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này các thầy Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Đề Bà Đạt Đa mặc áo cà sa không phù hợp. Trong tiền kiếp thầy ấy cũng đã làm như vậy. Các thầy muốn nghe tích truyện này không?

- Hay thay, bạch Thế Tôn!

- Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy Tỳ kheo.

*

*    *

Ngày xưa, khi Bra-ma-đát-ta (Brahmadatta) trị vì tại thành Ba La Nại, có một thợ săn chuyên sinh sống bằng nghề săn giết voi, lấy ngà, móng và những thứ có giá trị đem bán. Bấy giờ trong rừng có một đàn voi đông đến hàng ngàn con; mỗi khi ra vào đồng cỏ, chúng đều cung kính đảnh lễ chư vị Độc Giác.

Một hôm, nhìn thấy cung cách lễ bái của đàn voi, gã thợ săn suy nghĩ:

- Ta khó có thể hạ sát được đàn voi này. Nhưng mỗi khi ra vào chúng đều đảnh lễ chư vị Độc Giác. Điều gì đã làm chúng cung kính như thế?

Sau đó gã tìm hiểu và đi đến kết luận rằng chỉ vì chiếc áo cà sa. Thế là gã tìm cách đoạt cho được chiếc y quý hiếm kia.

Gã đi đến hồ nước và lén đánh cắp chiếc áo cà sa để trên bờ của một tôn giả đang tắm. Hắn đến ngồi bên vệ đường, nơi đàn voi thường qua lại với ngọn giáo ác nghiệt trong tay và chiếc cà sa hiền thiện trùm đầu. Đàn voi nhìn thấy, tưởng hắn là Đức Phật, bèn sụp hai chân trước đảnh lễ rồi tiếp tục đi qua; đến con cuối cùng, hắn phóng một giáo vào yết hầu, con voi ngã lăn ra chết. Chờ một lát cho đàn voi đi khuất, hắn tung cà sa đứng lên, cắt lấy ngà và các thứ có giá trị, đoạn chôn xác voi rồi mang thành tích lên đường.

Sau đó có một Đức Phật vị lai tái sanh thành một con voi chúa, gọi là tượng vương, cai quản đàn voi đông đúc đó. Bấy giờ gã thợ săn chuyên nghiệp kia cũng dùng thủ thuật như xưa để giết voi kiếm lời. Voi chúa thấy dòng tộc  mình mỗi ngày một giảm, bèn đâm ra nghi ngờ:

- Gã mang áo cà sa ngồi bên vệ đường hẳn là nguyên nhân gây ra sự tổn thất này, hắn đang âm mưu gì đó!

Voi chúa dùng kế, để cho đàn voi đi trước, tượng vương đi sau cùng và quan sát cẩn thận. Khi đàn voi lần lượt đảnh lễ như thường lệ và đi qua, thấy voi chúa tiến đến gần, gã thợ săn liền kéo tấm cà sa ra khỏi đầu và phóng ngay một giáo. Voi chúa trờ lui, tránh được ngọn giáo oan nghiệt, và nói:

- À, đúng rồi! Đích thị là tên sát hại đàn voi của ta rồi!

Nói xong, voi chúa phóng tới, vung vòi chộp lấy gã thợ săn, nhưng hắn liền nhảy đại vào một bụi cây, co rúm người lại. Voi chúa thét lên:

- Ta sẽ phong tỏa bụi cây này, tóm cho được tên thợ săn quỷ quyệt kia và ném hắn xuống đất cho tan xác tan hồn.

Gã thợ săn sợ quá, vội cầm áo cà sa đưa lên; và khi nhìn thấy pháp y, voi chúa liền nghĩ:

- Nếu ta xúc phạm người này tức là xúc phạm đến hằng hà sa số chư Phật và chư vị A la hán.

Đành phải ẩn nhẫn, voi chúa hỏi:

- Chính ngươi đã giết hại nhiều bà con huynh đệ của ta phải không?

- Vâng, thưa ngài!

- Tại sao ngươi làm một việc tàn ác quá vậy! Ngươi khoác áo cà sa, một loại pháp y chỉ dành cho những ai đã đoạn trừ tham dục. Còn ngươi, chẳng hợp tí nào! Ngươi đã phạm phải một tội ác khủng khiếp. Ngươi không xứng đáng mặc chiếc áo giải thoát đó.

Dừng lại trong giây lát, Đức Thế Tôn mỉm cười nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, người thợ săn đó là Đề Bà Đạt Đa, còn voi chúa kia chính là ta vậy.

Ngài đọc kệ:

Ai mặc áo cà sa,

Tâm chưa sạch uế trược,

Không tự chế, không thực,

Không xứng mặc cà sa.

 

Ai tẩy trừ uế trược,

Giới luật khéo nghiêm trì,

Tự chế, sống chân thực,

Xứng đáng mặc pháp y.

(PC. 9, 10)

 


 

CHÂN TÌNH ĐÔI BẠN TÂM GIAO
ĐOẠN TRỪ TÀ KIẾN LIỀN VÀO CHÂN NHƯ

Trước khi Đức Thế Tôn xuất hiện trên đời, có hai ngôi làng Bà la môn cách thành Vương Xá không xa, đó là làng U-pa-ti-xa (Upatissa) và Kô-li-ta (Kolita). Một hôm, vợ của Ru-pa-xa-ri (Rùpasàri), người làng U-pa-ti-xa, cấn thai, và vợ của Mô-ga-li (Moggali), người làng Kô-li-ta cũng cấn thai. Tương truyền rằng hai gia đình này đã ba đời thân thiện và gắn bó với nhau nên họ rất lấy làm vui mừng chăm sóc hai bà mẹ mang thai cho đến ngày khai hoa nở nhụy, và hai bà đã sanh được hai cậu con trai tuyệt vời.

Đến ngày thôi nôi, để đánh dấu hai gia đình cội cả trong làng, họ đặt tên U-pa-ti-xa là Xá Lợi Phất (Sàriputta) cho cậu bé sanh ở làng U-pa-ti-xa, và Kô-li-ta tức Mục Kiền Liên (Moggallàna) cho cậu bé ở làng Kô-li-ta. Khi lớn lên, hai cậu học hành xuất chúng trong các lãnh vực nghệ thuật và khoa học. Mỗi khi đi xem cảnh ở hoa viên hay sông hồ, Xá Lợi Phất được 500 chiếc kiệu vàng và Mục Kiền Liên 500 cổ xe ngựa với 500 tuỳ viên theo hầu. Hai cậu học hành và sinh hoạt như hai ông hoàng ở hai ngôi làng nhỏ.

Bấy giờ có một lễ hội truyền thống được tổ chức tưng bừng tại Vương Xá. Hai cậu đến xem nghi thức và ngồi chung trên một chiếc ghế đặc biệt. Cả hai đều biểu lộ tình cảm như nhau theo từng tình tiết trình diễn: cảnh vui, cả hai đều cười sảng khoái; cảnh buồn, cả hai đều khóc sụt sùi; đến cảnh quyên góp bố thí, cả hai đều dốc túi làm phước. Cả hai hân hoan theo dõi hội diễn trong mấy ngày liền. Rồi một hôm, khi đã lớn khôn, cả hai không còn cảm thấy hân hoan, bi lụy hay sẵn lòng giúp đỡ theo tình tiết như xưa. Hai cậu đều suy nghĩ:

- Tại sao ta phải xem hoài cái màn hội diễn khóc cười điên đảo này? Hàng trăm năm qua, bao lớp người đã ngất ngây quằn quại, khóc khóc cười cười theo cảnh đời ngược xuôi xuôi ngược, để rồi cùng chung số kiếp đi vào lãng quên. Ta nên tìm đường giải thoát.

Họ ngồi cạnh bên nhau, Mục Kiền Liên nói:

- Xá Lợi Phất, hình như bạn không được vui như những ngày nào, trông bạn có vẻ u buồn thống thiết lắm! Bạn đang suy nghĩ gì?

- Này Mục Kiền Liên! Vâng, ta đang suy nghĩ. Ta thấy hình như không có một niềm vui nào lâu bền, tất cả đều vô vị. Ta phải tìm đường giải thoát đi thôi.

Cả hai tán đồng quan điểm, rủ nhau xuất gia, nhưng chưa biết theo vị đạo sư nào.

Bấy giờ có một du sĩ tên là Xan-ja-da (Saĩjaya) vào thành Vương Xá với nhiều môn đệ tháp tùng. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nói:

- Ta sẽ xuất gia theo Xan-ja-da.

Thế là cả hai cho phép 500 tùy viên ra về và nói:

- Hãy đem hết xe kiệu này đi.

Sau đó cả hai cùng với 500 thuộc hạ đến gặp Xan-ja-da xin xuất gia tu học. Từ khi có hai thanh niên ưu tú xuất gia, Xan-ja-da đã đạt đến tột đỉnh uy danh vinh dự. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, cả hai đã nắm được toàn bộ giáo nghĩa của Xan-ja-da. Vì thế họ hỏi ông:

- Thưa Thầy, đây là toàn bộ giáo thuyết mà Thầy đã đạt, hay còn gì khác?

- Đây là tất cả. Những gì ta chứng ngộ, hai con đã quán triệt.

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên liền nghĩ:

- Nếu đây là toàn bộ giáo nghĩa của Xan-ja-da thì làm môn đệ của người cũng chả ích lợi gì. Con đường giải thoát chúng ta đang tìm chả dính dáng gì với vị đạo sĩ này. Hãy tiếp tục lên đường tìm thầy học đạo!

Từ đó trở đi, nghe nơi nào có đạo sĩ Bà la môn uyên bát, họ đều đến tham vấn, nhưng rốt cuộc họ không thỏa mãn với một đạo sĩ nào. Thất vọng, họ bèn lui bước trở về. Nhưng trước khi chia tay, Xá Lợi Phất nói với Mục Kiền Liên:

- Này Mục Kiền Liên, nếu ai trong hai ta đạt đạo trước thì hãy báo cho người kia biết.

Họ đồng ý và chia tay nhau trong niềm thao thức kiếm tìm chân lý.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vân du đến thành Vương Xá, tiếp nhận tu viện Trúc Lâm (Veluvana) và an trú tại đó. Ngài phái 61 vị A la hán lên đường truyền bá chánh pháp và nói:

- Hãy lên đường, này các thầy Tỳ kheo, hãy lên đường truyền bá chánh tín Tam bảo đến cho mọi người.

Sáng sớm hôm đó, Trưởng lão A-xa-ji (Assaji) vào thành Vương Xá khất thực. Xá Lợi Phất trên đường đi đến rừng khổ-hạnh thì gặp Trưởng lão. Vừa thoáng thấy  ngài, Xá Lợi Phất tự nhủ:

- Ta chưa bao giờ thấy một tu sĩ nào hiền hòa uy nghi như thế. Ngài chắc là đã chứng quả A la hán hoặc trên đường tiến đến quả vị đó. Ước gì ta được thân cận bên ngài! Ngài xuất gia với ai? Ai là thầy của ngài? Ngài theo giáo thuyết nào?

Nhưng rồi Xá Lợi Phất liền nghĩ:

- Bây giờ không phải là lúc tham vấn vị tu sĩ này. Ngài đang khất thực. Ta nên lặng lẽ theo sau ngài. Những ai muốn làm môn đồ đều phải tình nguyện dõi theo từng bước chân đi của Thầy.

Khất thực xong, Trưởng lão A-xa-ji định ngồi dưới một tàng cây thọ thực. Xá Lợi Phất vội tiến ra phía trước, thi lễ và xin được phép trải tọa cụ hầu ngài. Xong bữa, Xá Lợi Phất dâng nước cho Trưởng lão và sau đó bày tỏ niềm hân hoan tiếp chuyện với ngài. Xá Lợi Phất tán thán:

- Thưa sư huynh, thân tướng của sư huynh trông thanh tịnh trang nghiêm làm sao! Sắc diện của sư huynh sao mà hồng hào trong sáng thế! Sư huynh xuất gia với ai? Ai là Thầy của sư huynh? Sư huynh theo giáo thuyết nào?

Trưởng lão A-xa-ji tự nghĩ:

- Các vị du sĩ thường không mấy thân thiện với đạo giáo của ta. Ta sẽ chứng tỏ cho vị du sĩ này nhận ra chỗ thâm diệu, uyên áo của giáo pháp Phật đà.

Ngài tỏ vẻ khiêm tốn:

- Thưa huynh, tôi mới xuất gia tu học, hãy còn là một tu sĩ tập sự, chưa tiếp cận được nhiều với giới luật kinh văn; do đó, khó mà lý giải giáo pháp một cách tường tận.

- Thưa sư huynh, bần đạo là Xá Lợi Phất, xin sư huynh giảng giải ít nhiều gì cũng được. Bần đạo có thể nhận ra yếu nghĩa bằng trăm ngàn cách.

Trưởng lão A-xa-ji vừa đọc câu thứ nhứt trong bài kệ bốn  câu:

- Các pháp do duyên sanh...

Đôi mắt của Xá Lợi Phất bỗng dưng sáng lên, miệng mỉm cười và trực nhận được lý duyên sanh của vạn hữu. Để nhấn mạnh ý nghĩa của giáo pháp, Trưởng lão đọc hết bài kệ:

Các pháp do duyên sanh,

Lại cũng do duyên diệt,

Thầy ta là Đức Phật,

Thường thuyết giảng như vậy.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Xá Lợi Phất hỏi:

- Bạch Trưởng lão, Thầy của chúng ta hiện giờ ở đâu?

- Tại tu viện Trúc Lâm, thưa huynh.

- Thế thì mời Trưởng lão về trước. Bần đạo  còn một người bạn đã từng giao ước với nhau rằng ai tìm ra chánh đạo, người ấy phải báo cho người kia biết. Bần đạo sẽ đưa người bạn đó đến xin quy y với Đức Thế Tôn và xin được hân hạnh cùng tu tập với Trưởng lão.

Nói xong, Xá Lợi Phất sụp lạy dưới chân Sa môn A-xa-ji, đi ba vòng quanh ngài theo chiều kim đồng hồ, rồi ngỏ lời tạm biệt ngài để về gặp Mục Kiền Liên.

Thấy Xá Lợi Phất từ xa đi lại, Mục Kiền Liên lòng hân hoan phơi phới và tự nhủ:

- Hôm nay nét mặt của bạn ta sao mà tươi sáng thế! Chắc là Xá Lợi Phất đã tìm ra chánh đạo. Mục Kiền Liên hỏi ngay và được Xá Lợi Phất đáp:

- Vâng, thưa huynh! Tôi đã tìm ra chánh đạo, tôi đã nhận ra diện mục của bất tử vô sanh.

Xá Lợi Phất vừa đọc xong bài kệ của Trưởng lão A-xa-ji thì Mục Kiền Liên  hỏi ngay:

- Thế... Thầy của chúng ta hiện giờ ở đâu?

- Tại tu viện Trúc Lâm.

- Vậy thì chúng ta cùng đến diện kiến Ngài.

Để tỏ lòng biết ơn Thầy cũ, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến  thăm đạo sĩ Xan-ja-da với dụng ý thuyết phục ông theo họ đến quy y Phật. Nhưng vừa thấy hai người, Xan-ja-da cất tiếng hỏi:

- Xin chào, hai bạn tu hành đắc đạo rồi chứ?

- Vâng, thưa Thầy! Chúng tôi đã thấy Đức Thế Tôn xuất hiện trên đời. Chánh pháp đã được thuyết giảng và giáo hội đã được thành lập. Thầy đang làm một cuộc hành trình phi chân, vô vọng. Hãy theo chúng tôi đến cầu đạo Đức Thế Tôn. Chúng tôi khuyên Thầy với lòng chân thành cảm mến.

- Các bạn đi đi, ta không thể!

- Vì sao?

- Ta đã là đạo sư thuyết giảng trước bá quan vạn dân, nay bỗng dưng làm đồ đệ, chuyện đó khôi hài và phi lý lắm!  Ta không thể nào làm cái chuyện bê nước pha trà cho Thầy nữa.

Thưa Thầy, hiện nay biết bao vua chúa thần dân cung kính cúng dường Đức Thế Tôn.

- Các bạn nghĩ xem, trên thế gian này số người nào đông hơn, hạng ngu si hay giới thông thái?

- Thưa Thầy, hạng ngu si thì nhiều, giới thông thái thì ít.

- Vậy thì hãy để cho những ai thông thái đến với Gô-ta-ma, còn bọn ngu si thì hãy lại đây với kẻ đần độn này. Các bạn đi đi, ta không đi đâu cả!

- Chúc Thầy khỏe mạnh và rạng danh đạo sĩ!

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi rồi, đồ chúng của Xan-ja-da liền tan rã. Thấy môn đệ ly tán, cảnh vật điêu tàn, Xan-ja-da uất ức ho lên mấy tiếng và máu trong miệng ông vọt ra xối xả. 500 du sĩ đi với Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên được một đoạn thì 250 vị quay gót trở về với Xan-ja-da, còn 250 vị thì tiếp tục theo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến tu viện Trúc Lâm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp giữa đại chúng, thấy hai du sĩ từ xa đi lại, Ngài dang tay, nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, hai bạn Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến kìa, hỡi hai đệ tử vĩ đại của ta!

Hai vị du sĩ đảnh lễ Đức Thế Tôn và thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con đến đây với mục đích duy nhất là xin được xuất gia tu học với đại chúng. Mong Thế Tôn từ bi chấp thuận cho chúng con. Namo Sakya Muni Buddha!

Đức Thế Tôn nói:

- Hãy đến đây, này các thầy Tỳ kheo! Chánh pháp đã được thuyết giảng một cách tốt đẹp. Hãy sống đời phạm hạnh. Sống đời phạm hạnh thì hết sạch khổ đau.

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên liền có y bát như  hai vị Trưởng lão đã tu hành cả trăm năm.

Với sự hiện diện của hai vị đại đệ tử này, chánh pháp được thuyết giảng mỗi ngày một thêm lan rộng, mặc dù Mục Kiền Liên sau bảy ngày và Xá Lợi Phất sau mười bốn ngày quy y thọ giới mới chứng đạt thánh quả và thành tựu trí tuệ viên mãn.

Một hôm, nhân lúc thuyết giảng về lý vô thường, vô ngã và duyên sinh, Đức Thế Tôn hỏi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vì sao từ giã giáo thuyết và phương pháp tu hành của Xan-ja-da, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thuật lại quá trình thao thức kiếm tìm chân lý, đặc biệt là đụng phải tà kiến, hoài nghi, bất tín nhân quả của Xan-ja-da. Đức Thế Tôn mỉm cười, đọc kệ: 

Phi chân tưởng chân thật,

Chân thật thấy phi chân.

Ai ôm ấp tà vọng,

Không bao giờ đạt chân.

 

Chân thực biết chân thực,

Phi chân biết phi chân,

Ai nuôi dưỡng chánh hạnh,

Ắt hẳn đạt được chân.

(PC. 11, 12)

 


 

TÂM RỖNG RANG THANH TỊNH
ẮT AN ĐỊNH NỘI TÂM

Sau khi chuyển vận bánh xe chánh pháp, Đức Thế Tôn lui về Vương Xá và an trú tại Trúc Lâm. Phụ thân Ngài, quốc vương Tịnh Phạn, phái chín sứ thần đến gặp Ngài, thỉnh Ngài về cung, nhưng cả chín đều xuất gia theo Thế Tôn, chứng quả A la hán và không về hoàng triều nữa. Cận thần Ka-la U-đa-di (Kàla Udàyi) là người thứ mười, được quốc vương tin yêu nhất, nhận lãnh sứ mạng cung thỉnh Thế Tôn nhưng cũng không về. U-đa-di khoác áo Sa môn và cũng chứng quả A la hán.

Một hôm, thấy thời tiết êm dịu, khí hậu mát mẻ, rất thuận lợi cho Thế Tôn và đệ tử về thăm hoàng triều, U-đa-di đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, đã đến lúc Thế Tôn nên về thăm phụ hoàng, thân quyến và dân thành Ca-tỳ-la Vệ. Tất cả đang mong chờ Ngài.

Đức Thế Tôn chấp thuận, và cùng với hàng ngàn môn đệ tháp tùng, Ngài lên đường về thăm thành đô vào một ngày nắng vàng rực rỡ.

Về tới hoàng thành, Ngài và phái đoàn được hoàng thân quốc thích và bá quan văn võ long trọng đón tiếp trong tiếng khóc cười chứa chan hoài cảm. Sau đó mọi người đều được tắm mình trong cơn mưa pháp thanh bình. Quốc vương Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề đều nhận ra yếu chỉ, liền quy y Phật và thọ trì giáo pháp.

Ngày hôm sau, trong khi cả nhà đang nô nức tổ chức hôn lễ cho hoàng tử Nan Đà (Nanda) thì Đức Thế Tôn đến khất thực. Ngài đặt chiếc bình bát của Ngài trong tay Nan Đà và chúc chàng gặp nhiều may mắn. Sau đó Ngài đứng lên, ra đi mà không quay nhìn chiếc bình bát. Với lòng tôn kính Như Lai, Nan Đà không dám nói gì, cứ lặng lẽ ôm bát theo sau Ngài.

Bấy giờ có người đến báo với Ja-na-pa-đa Ka-ly-a-ni (Janapada Kalyàni), vị hôn thê của Nan Đà, rằng:

- Công nương ơi, Đức Thế Tôn đã đem Nan Đà đi rồi, Ngài cố tình cướp đoạt chàng đấy!

Ja-na-pa-đa Ka-ly-a-ni giật mình hoảng hốt, cắm đầu cắm cổ chạy theo Nan Đà với hai hàng nước mắt ròng ròng, và lớn tiếng gọi:

-  Hoàng tử ơi, về ngay nhé!

Âm vang của nàng đã làm choáng váng đầu óc và rung động tâm can Nan Đà, nhưng Đức Thế Tôn vẫn lặng lẽ dẫn chàng về tu viện. Sau đó Ngài hỏi:

- Nan Đà, em muốn làm Sa môn không?

Vì lòng kính trọng Đức Thế Tôn, Nan Đà đáp đại:

- Em rất muốn, thưa tôn huynh.

- Vậy thì hay quá! Hãy ở lại đây tu học với đại chúng.

Và thế là sau ba ngày về thăm kinh thành Ca-tỳ-la Vệ, Đức Thế Tôn đã hóa độ Nan Đà khoác áo Sa môn.

Đến ngày thứ bảy, Da Du mặc y phục sang trọng cho La Hầu La (Rahula) rồi ôm con vào lòng dạy rằng:

- Con à, hãy đến gặp vị Sa môn kia, cha của con đó! Hãy nói con là thái tử dòng Thích Ca, chẳng bao lâu nữa con sẽ nối nghiệp hoàng gia, trị vì thiên hạ và mở mang xã tắc. Cha ơi, xin cha trả lại di sản cho con, cái di sản mà đã một thời nằm trong tay của cha đó!

Chờ cho Đức Thế Tôn thọ trai xong, La Hầu La đến đứng bên Ngài thỏ thẻ:

- Hạnh phúc thay cho con đứng trong vòng tay ấm áp của cha.

Thản nhiên, Đức Thế Tôn hồi hướng công đức, đứng lên và ra đi. Thái tử La Hầu La lẽo đẽo theo sau Ngài, chốc chốc lại nói:

- Thưa cha, xin cha trả lại di sản cho con.

Đức Thế Tôn vẫn im lặng đếm từng hơi thở theo nhịp bước thiền hành. Và La Hầu La cũng theo Ngài từng bước về đến Trúc Lâm. Sau đó Đức Thế Tôn chợt nghĩ:

- Cái di sản phụ tử mà La Hầu La tìm kiếm hẳn là mang sẵn mầm mống suy tàn, hủy diệt. Ta sẽ trao cho La Hầu La cái di sản cao quý mà ta đã đạt được dưới cội Bồ đề. Ta sẽ giáo dục La Hầu La trực nhận cái di sản siêu việt đó.

Đức Thế Tôn cho mời trưởng lão Xá Lợi Phất đến, nói:

- Xá Lợi Phất, hãy giúp ta giáo dục La Hầu La trở thành Sa môn.

Và thế là La Hầu La được nhận vào giáo hội, còn quốc vương Tịnh Phạn thì đau khổ vô vàn. Ngài bày tỏ nỗi niềm đau buồn, thương nhớ với Đức Thế Tôn và ngỏ lời thỉnh nguyện:

- Bạch Thế Tôn, từ nay về sau xin Ngài đừng nhận ai vào giáo hội nếu không có sự đồng ý của cha mẹ họ. Đừng để họ phải đêm đêm trằn trọc khóc thầm như trẫm đã từng héo hon thương nhớ con cháu của trẫm.

Đức Thế Tôn chấp tay với nụ cười chứa chan thông cảm.

Sau đó Ngài về Xá Vệ và an trú tại Kỳ Viên. Bấy giờ Nan Đà hơi bất mãn, bộc lộ những điều phiền não ẩn tàng của mình với một số huynh đệ:

- Các thầy biết đấy, tôi chán quá! Cuộc đời tu hành đôi lúc thấy đơn điệu và tẻ nhạt làm sao! Chắc tôi phải về lại với nếp sống gia đình.

Nghe lời than trách, Đức Thế Tôn cho gọi Nan Đà đến  hỏi và được thầy ấy đáp:

- Thưa tôn huynh, hình ảnh cực kỳ diễm lệ của Ja-na-pa-đa Ka-ly-a-ni cứ ngày đêm hành hạ tâm trí em. Anh ơi, anh là tôn huynh của em, xin anh hãy cho em về! Em về thì phụ hoàng vui, mẫu hậu vui, vợ em vui, hoàng thân quốc thích vui, bá quan văn võ vui, quốc dân đồng bào vui, cả anh cũng vui nữa... hà-hà!...

Chẳng nói chẳng rằng, Đức Thế Tôn nắm tay Nan Đà, bằng thần thông diệu lực, Ngài đưa sư đến tầng trời thứ Ba mươi ba. Và trên đường đi, Đức Thế Tôn chỉ cho Nan Đà thấy một con khỉ đói gớm ghiếc, đã bị lửa cháy sém tai sém mặt và mất cả đuôi, đang ngồi trơ vơ trên một gốc cây đen nám giữa cánh đồng xám xịt tro than. Khi lên đến tầng trời thứ Ba mươi ba, Ngài lại chỉ cho Nan Đà thấy 500 tiên nữ duyên dáng thướt tha trong những bộ xiêm y rực rỡ đang lui tới hầu hạ thiên chủ Đế Thích (Sakka). Sau đó Ngài hỏi:

- Này Nan Đà, cô vợ mà ông cho rằng yểu điệu thục nữ đó so với các tiên nữ ở đây ai đẹp hơn ai?

- Bạch Thế Tôn, dung nhan của Ja-na-pa-đa Ka-ly-a-ni chỉ đẹp hơn con khỉ khốn nạn giữa cánh đồng trơ trụi dưới kia chứ không thể nào sánh bằng nhan sắc của các tiên nữ ở đây.

- Hay thay, Nan Đà! Ta đoan chắc rằng ông cũng sẽ được những cô tiên nữ như thế.

- Bạch Thế Tôn, nếu Ngài bảo đảm như vậy thì con nguyện tinh tấn tu hành, nhiếp tâm chánh hạnh.

Sau đó Đức Thế Tôn và Nan Đà trở về Kỳ Viên.

Chẳng mấy chốc, đại chúng hay tin và một số Sa môn nhạy miệng châm biếm:

- Sư Nan Đà, bào đệ của Đức Thế Tôn, nay hạ thủ công phu, an tâm lập mệnh chỉ vì muốn chiếm đoạt 500 tiên nữ chứ chẳng phải hảo tâm thiện chí gì. Tội nghiệp và khốn khổ lắm thay!

Nan Đà vẫn an nhiên tự tại, nỗ lực tiến tu, toàn tâm toàn ý trên bước đường vun trồng đạo nghiệp, và cuối cùng thầy chứng quả A la hán.

Một hôm Nan Đà đến hầu chuyện với Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài và bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, con xin trả lại lời hứa của Ngài trước kia. Con không quan tâm đến 500 tiên nữ nữa.

- Hay thay, Nan Đà! Đức Thế Tôn nói. Thầy nào sống rỗng rang thanh tịnh, cần mẫn chuyên tu, nhứt tâm quán niệm; thầy ấy sẽ sớm diệt trừ vọng tưởng điên đảo, thành tựu trí tuệ siêu việt và đạt đến cứu cánh niết bàn.

Thấy Nan Đà mỗi ngày một thêm linh hoạt, vui tươi, tướng hảo, nhất là không hề than phiền hay tỏ vẻ khó chịu trước những lời châm chọc thái quá, một số Sa môn hơi nông nổi kia đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, thầy Nan Đà dạo này trông thật là đường đường tăng tướng, dung mạo khả quan, lại thuyết giảng thao thao, quán thông kinh điển, khác với tâm trạng bi quan thất vọng trước kia.

Đức Thế Tôn mỉm cười trong giây lát, đoạn Ngài nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, cá tính của Nan Đà trước kia cũng giống như ngôi nhà vụng lợp, nhưng nay thì cá tính ấy đã giống như ngôi nhà khéo lợp. Kể từ lúc gặp tiên nữ, thầy ấy đã quyết chí tu hành, nhứt tâm thiền quán, và tất nhiên là thầy ấy đã thành tựu công hạnh, thầy ấy đã chứng quả A la hán.

Ngài đọc kệ:

Như ngôi nhà vụng lợp,

Nước mưa len lỏi vào,

Tâm không tu cũng vậy,

Tham dục rỉ rả vào.

 

Như ngôi nhà khéo lợp,

Nước mưa không thấm vào,

Tâm khéo tu cũng vậy,

Tham dục khó lọt vào.

(PC. 13, 14)


 

NHÂN QUẢ XƯA NAY VỐN NHÃN TIỀN
VUNG TAY TẠO TỘI KHỔ TRIỀN MIÊN

Cun-đa (Cunda) sinh sống bằng nghề mổ lợn trong suốt 55 năm và được mệnh danh là tay đồ tể dạn dày kinh nghiệm. Thoáng nhìn qua con heo là ông biết ngay nó khoảng bao nhiêu ký, mắc bệnh hay khỏe mạnh, thịt nạc nhiều hay thịt mỡ nhiều v.v... Ông dành một khoảng đất trống khá rộng phía sau nhà, rào chắn cẩn thận, thả heo vào đó và nuôi chúng bằng đủ loại thức ăn, kể cả chất thải của con người.

Khi nào muốn giết lợn, ông buộc chặt con heo vào một cột trụ, dùng một khúc cây quất nó cho da thịt phồng lên và mềm ra. Sau đó ông banh miệng heo, nhét vào đó một cái nêm và đổ nước sôi vào. Nước sôi sẽ vào bụng heo, ngấm vào ruột non ruột già, làm lỏng phân giãi và tống các chất cặn bã theo đường hậu môn ra ngoài. Bao lâu nước thải còn đục là ông còn tiếp tục đổ nước sôi vào miệng heo. Làm như vậy cho đến khi nào nước trong bụng heo thải ra trong sạch mới thôi.

Phần nước sôi còn lại ông đem đổ trên lưng heo cho bong hết lớp da đen đúa, rồi dùng một bó đuốc thui cháy hết lông, cắt đầu, lấy máu trét khắp thân heo, sau đó quay nó trên lửa cho thật chín rồi cùng vợ con ngồi lại bên nhau đánh chén. Nếu thịt còn thừa thì ông đem ra chợ bán. Ông sinh sống như vậy trong suốt 55 năm mà không hề thân thiện hay quà cáp cho ai chút gì, ngay cả Đức Phật ở tại một tịnh xá gần làng mà ông cũng không bao giờ lui tới hay cúng dường Ngài một vốc gạo, một cành hoa! Ông sống keo kiệt, lầm lũi; chỉ biết đến vợ con và gia đình mình.

Rồi một hôm, ông bị căn bệnh hiểm nghèo ập đến, dày vò hành hạ ông cả ngày lẫn đêm. Ông chỉ cầu mong sao cho sớm trút hơi thở cuối cùng, nhưng không được. Ông đau đớn quằn quại và lửa dữ cứ phừng phừng hừng hực trước mắt ông. Ông cảm thấy đầu óc bị quay cuồng bởi những tiếng kêu la thất thanh eng éc, tay chân tê buốt như bị trói chặt, ruột gan nóng rát như bị thiêu đốt và đứt ra từng đoạn. Ông lăn lộn, vật vã, tru tréo; rồi bỗng dưng ông chồm dậy, trợn mắt, nhe răng, gầm gừ, chắp nuốt như heo và bò đi lổm ngổm, xiêu vẹo khắp sàn nhà. Chốc chốc ông lại húc đầu vào tường và kêu lên the thé như tiếng heo sắp tắt thở. Người nhà cố giữ ông lại, kẻ thì bịt miệng, người thì cột tay chân và bấy giờ trông ông giống như một con heo bị trói nằm trên sàn.

Vừa thương, vừa sợ, vừa cảm thấy tội nghiệp cho cha ông của mình, con cháu trong nhà luân phiên túc trực, đóng cửa cài then, canh phòng nghiêm mật, để cho ông được tự do bò tới bò lui trong nhà và mặc sức gầm gừ tru tréo. Đến ngày thứ bảy, ông lăn đùng ra chết và bị đọa vào địa ngục A tỳ.

Một số Sa môn, trên đường khất thực, ngày ngày đi ngang qua nhà Cun-đa, thấy cửa ngõ kín mít nhưng trong nhà thì ồn áo với tiếng heo kêu eng éc, bèn đến gặp Đức Thế Tôn và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua, cửa ngõ căn nhà của đồ tể Cun-đa đóng kín mít, nhưng trong nhà họ vẫn tiếp tục mổ heo, chắc là ông ta sắp mở tiệc lớn. Bạch Thế Tôn, biết bao nhiêu heo đã bị giết chết! Rõ ràng là ông ta không có một chút thiện tâm, nhân ái gì cả! Chưa thấy ai dã man, tàn ác như ông ấy.

- Này các thầy Tỳ kheo, Đức Thế Tôn nói, nhân nào thì quả nấy; sự trừng phạt nào cũng phù hợp với hành động quá khứ của mỗi người. Ngay khi còn sống, Cun-đa cũng đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa hung tàn của nghiệp lực. Do vậy mà ông phải bò tới bò lui, xiêu xiêu vẹo vẹo, té lên té xuống và gầm gừ rên rỉ trong bảy ngày liền. Hôm nay ông ấy giã từ dương thế, thì lại bị đầu thai vào địa ngục A tỳ.

- Bạch Thế Tôn, các Sa môn nói, Cun-đa đã bị đau khổ ở đời này, nhưng khi tái sanh ở nơi khác cũng bị đau khổ nữa sao?

- Đúng vậy! Này các thầy Tỳ kheo, những ai buông lung phóng dật, keo kiệt ác tâm, tu sĩ hay cư sĩ cũng bị điêu linh khốn khổ ở hai nơi như nhau.

Ngài đọc kệ:

Nay buồn, đời sau buồn,

Làm ác hai đời buồn,

Hắn u buồn, tàn tạ,

Thấy ác nghiệp mình luôn.

(PC. 15)

--- o0o ---