Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 4

11 Tháng Giêng 20173:14 CH(Xem: 2389)
Phần 4
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 4

THUẬN THEO TỪNG TÌNH CẢNH
ẮT TRÁNH MỌI ĐAU THƯƠNG

Thuở nọ có một nạn dịch bộc phát tại nhà của một đại phú hào ở thành Vương Xá. Lúc đầu các loại gia cầm gia súc như gà vịt trâu bò tự nhiên phình bụng vài hôm rồi lăn đùng ra chết, tiếp đến là những người nô lệ và sau cùng là ông bà chủ nhà. Vừa mới nhuốm bịnh, và biết thế nào cũng chết, họ đứng nhìn đứa con trai duy nhất với hai hàng nước mắt ràn rụa, nói rằng:

- Con ơi! Con là đứa con trai duy nhất của cha mẹ. Cả đời cha mẹ tảo tần gây dựng gia nghiệp cho con. Đừng lưu luyến cha mẹ nữa. Hãy trốn ra khỏi thành càng sớm càng tốt. Hãy ẩn náu ở một nơi thật xa rồi một ngày thuận tiện nào đó con sẽ trở về khai quật kho báu cha mẹ chôn ở nơi này lên mà tiêu dùng.

Trước trận dịch đang lan tràn khủng khiếp, đứa con phải sụt sùi rơi lệ, chấp tay quỳ lạy và ngỏ lời vĩnh biệt song thân. Chàng đi đến một cánh rừng già u tịch và sống ở đó được mười hai năm.

Khi chàng trở về, râu tóc bù xù, mặt mày hốc hác, áo quần người ngợm trông lôi thôi lếch thếch như một kẻ ăn mày. Không ai nhận ra chàng là “cậu ấm” của một danh gia vọng tộc, vang bóng một thời. Chàng lần tìm đến nơi kho tàng được cất giấu và thấy nó vẫn còn nguyên. Lòng mừng mừng tủi tủi, loay hoay không biết phải làm gì. Cuối cùng chàng tự nghĩ:

- Không ai biết ta từng sống nơi đây. Nếu ta khai quật vàng bạc ngọc ngà lên và sống theo lối trưởng giả thì e rằng sẽ bị nghi ngờ, theo dõi; sẽ bị giam cầm, tra tấn hoặc bị thủ tiêu vì cái kho báu này không chừng. Tốt hơn hết là ta nên đến xóm lao động, làm thuê làm mướn, sinh sống qua ngày, chả ai quấy rầy dòm ngó; cuộc sống bề ngoài trông có vẻ quạnh hiu, lam lũ nhưng trong lòng thật tự tại, thênh thang. Và thế là chàng quyết định giã từ báu vật, an phận giản đơn, chấp nhận làm công cho một nông gia với sớm chiều chăm lo trâu bò đồng áng, và chàng được cấp một căn nhà.

Một hôm, nhân chuyến tham quan cảnh sinh hoạt vụ mùa, vua Tần Bà Sa La, người có tài đoán tướng qua âm thanh, nghe tiếng nói của chàng và quả quyết rằng đó là âm thanh của người đại phú, đại quý. Một cung nữ đứng bên vua nghe được điều đó, nàng mật sai nô tỳ đi tìm cho được người có âm thanh phú quý kia. Hai ba phen nhọc công tìm kiếm nhưng lần nào nàng cũng được báo cáo là chỉ gặp một gã làm công áo quần nhếch nhác, lu bu với trâu bò vườn ruộng suốt ngày.

Để xác định sự thật và tìm cho ra manh mối, cung nữ lại tâu vua:

- Tâu hoàng thượng, người có âm thanh phú quý kia, theo thiếp biết, chỉ là một tên nô bộc không hơn không kém.

Quốc vương nói:

- Không đúng! Âm thanh đó đích thị là hiện thân của bậc đại phú, đại quý.

Thế là nàng liền xin phép quốc vương, cùng ái nữ của mình lên đường đi tìm người có âm thanh đặc biệt đó.

Họ cải dạng thành khách bộ hành lỡ bước, vào nhà chàng trai làm công kia xin tá túc một đêm. Sáng hôm sau họ giả vờ lên cơn sốt và thế là họ được ở lại mấy hôm chung sống vui vẻ. Rồi một hôm nọ, nghe tiếng con gái thút thít khóc, người mẹ hỏi:

- Có việc gì vậy con?

- Me ơi!...  Con biết nói sao bây giờ.

Sáng hôm sau chàng thanh niên thành thật xin lỗi và xin chịu mọi biện pháp gia hình. Người mẹ nói:

- Chuyện đã lỡ rồi! Nhưng mà hai đứa có thương nhau không?

- Cả hai im lặng, chỉ khẽ liếc mắt nhìn nhau.

- Đã vậy thì hai đứa từ nay nên vợ nên chồng, phải thương yêu, tin tưởng và  đùm bọc lẫn nhau suốt đời.

- Cả hai đều quỳ xuống và ôm hôn gối mẹ.

Thấy cuộc sống chật vật, phần thương mẹ thương vợ, chàng thanh niên Kum-ba-gô-xa-ka (Kumbhaghosaka) lén đến chỗ cất giấu kho báu, gỡ lấy một ít vàng bạc đem về đưa cho vợ, và thế là bà mẹ vợ mật chuyển số vàng bạc đó về tâu vua. Quốc vương liền phái vệ binh đến tróc nã Kum-ba-gô-xa-ka. Thất kinh, chàng thanh  niên hồn nhiên, chất phác sững sờ thấy mình bị trói tay, áp giải đến hoàng triều. Người mẹ vợ thấy vậy nói:

- Bọn nha môn hỗn man kia không được làm kinh động con rể ta.

Rồi bà quay sang chàng, nói:

- Con cứ bình tĩnh theo họ về triều. Mọi việc đã có mẹ.

Chàng thanh niên nhìn mẹ, nhìn vợ với hai hàng nước mắt ròng ròng.

Trước mặt quốc vương, Kum-ba-gô-xa-ka khấu đầu lạy tạ và đợi lời thẩm vấn. Quốc vương hỏi:

- Ngươi là Kum-ba-gô-xa-ka?

- Thưa vâng, muôn tâu bệ hạ!

- Tại sao ngươi chiếm đoạt tài sản của người khác?

- Muôn tâu bệ hạ, thảo dân đâu có tài sản. Con sinh sống bằng nghề cày thuê cuốc mướn. Mong bệ hạ lượng xét.

- Hừ!... Ngươi còn dám to gan lường gạt cả trẫm nữa sao?

- Muôn tâu bệ hạ, thảo dân không dám!

Thế là quốc vương đưa vàng bạc ra, hỏi:

- Vàng bạc này của ai?

Thất kinh, Kum-ba-gô-xa-ka chỉ biết đưa mắt nhìn quanh, và thấy hai người phụ nữ quen thuộc ăn mặc lộng lẫy đứng hầu dưới bệ rồng.

Quốc vương quát:

- Nói đi!... Tại sao ngươi dám trộm cắp châu báu của kẻ khác?

- Muôn tâu bệ hạ, Kum-ba-gô-xa-ka cúi đầu thưa, kho báu đó quả thật là của cha mẹ con để lại cho con. Nhưng nay cha mẹ con không còn nữa, con tứ cố vô thân, không nơi nương tựa, không người chở che, sợ khai quật kho báu sẽ liên lụy đến tánh mạng, nên con đành phải chọn cuộc sống gánh thuê vác mướn cho yên thân yên phận. Ước gì bệ hạ là nơi nương tựa của con!

- Khá khen cho ngươi, quốc vương nói.

Đoạn ngài ra lệnh chở toàn bộ châu báu về hoàng cung, sung vào công quỹ, phong Kum-ba-gô-xa-ka làm quan thủ khố và gả công nương cho chàng.

Sau đó quốc vương đưa chàng đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, không ai như cháu này: không ham vàng bạc, không chuộng công danh, chỉ vui với nếp sinh hoạt bình dị, khiêm tốn, thật là hiếm có trên đời!

Nghe qua, Đức Thế Tôn nói:

- Đại vương, cháu ấy vốn có nếp sống cương trực, chánh niệm, cẩn trọng, tự chế trong cả ngôn ngữ, tư tưởng và hành động; người như vậy sẽ đi từ thành công này đến thành công khác, từ sức mạnh này đến sức mạnh khác.

Ngài đọc kệ:

Ai nỗ lực, chánh niệm,

Trong sạch và nghiêm cần,

Tự chế, sống chân chánh,

Tiếng lành tăng trưởng dần.

(PC. 24)


 

TINH CHUYÊN BỢN CÁU THẢY TIÊU TRỪ
DŨ SẠCH TRẦN DUYÊN LIỀN THANH TỊNH

Thuở nọ, tại thành Vương Xá, có một thương gia giàu có nhưng chỉ sanh được một cô con gái xinh đẹp nên ông bà rất nuông chiều. Đến tuổi trưởng thành, sợ ong bướm dập dìu, động đến “cành vàng lá ngọc”, cha mẹ bắt cô ở trên tầng thứ bảy của một biệt thự lộng lẫy và được hầu hạ cẩn trọng bởi một gã nô lệ đứng tuổi. Lúc đầu, chủ tớ phân minh, nói năng mực thước, nhưng rồi lửa lòng của cô cứ mỗi ngày một thêm rạo rực trước tấm thân rám nắng, chắc nịch của gã nô lệ, hai bên liếc mắt đưa tình, dan díu vụng trộm và dần dần đi đến say đắm lúc nào không hay. Sợ sự việc vỡ lỡ, nàng khuyên chàng:

- Chúng ta không thể ở đây lâu hơn nữa. Nếu thiên hạ đàm tiếu và cha mẹ biết được chuyện này thì em sẽ bị tan xương nát thịt. Tốt hơn là chúng mình nên đi nơi khác sinh sống, anh nhé!

Cả hai thu xếp một ít đồ đạc cần thiết rồi vội vã ra khỏi nhà. Đi được một đoạn, chàng hỏi:

- Đi đâu bây giờ hả em?

- Đi đâu cũng được, nàng quả quyết nói, miễn là không ai hay biết hay rêu rao dòm ngó gì đến chúng mình.

Họ cùng nhau tay xách nách mang, dắt díu đùm túm đến một ngôi làng xa xôi hẻo lánh và định cư ở đó. Chín tháng trôi qua, gần đến ngày sinh nở, nàng nói:

- Nếu em sanh con nơi đây thì chúng mình chắc phải khổ lắm. Chi bằng đưa em về quê cũ, có cha có mẹ, có bà con quyến thuộc thì hơn.

- Em muốn anh bị treo cổ hả? Một liều ba bảy cũng liều, đã đốn thì vác, con anh anh nuôi, khổ cách nào anh cũng không ngán, miễn sao em sanh cho anh một thằng cu tèo.

- Không được đâu anh! Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình. Xin anh thương em!

Nói gì thì nói chàng cũng không nghe. Cuối cùng nàng tự nghĩ:

- Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây. Và, thừa lúc chàng vắng nhà, nàng bụng mang dạ chửa, một mình một bóng, lủi thủi lên đường trở về quê mẹ.

Về tới nhà không thấy vợ, chàng cắm đầu cắm cổ chạy theo và bắt kịp nàng giữa đường. Ngay lúc đó nàng chuyển dạ và sanh được một hài nhi. Chàng sung sướng nhảy câng câng, hỏi:

- Trai hay gái... em? Trai hay gái... em?

- Con trai. Em mệt quá! Cho em miếng nước! .- Nàng thều thào nói.

- Nước đâu giữa đường em ơi! Ráng một chút nữa em nhé!

Chàng vừa thương vợ thương con, vừa loay hoay cuống quít không biết phải làm gì. Cuối cùng chàng quyết định bế vợ con trở lại nhà.

Về tới nhà, chàng đặt nàng trên một tấm phản, sung sướng nói:

- Cảm ơn em, cảm ơn em! Trời đã cho ta của quý. Con sanh giữa đường thì đặt tên Rớt – cu Rớt – em chịu hôn?

Nàng mỉm cười và liếc nhìn chồng bằng cái nhìn yêu thương, trìu mến.

Vài năm sau, nàng thọ thai và cũng sanh được một bé trai giữa đường. Họ vui mừng và cũng đặt tên con là Rớt: Rớt anh - Rớt em.

Đến khi biết nhận định đôi chút, nghe bọn trẻ khoe khoang về ông bà dòng tộc của chúng, Rớt anh Rớt em cũng thắc mắc hoài với mẹ về họ hàng thân thích của mình. Lòng tự hào nổi dậy, hai vợ chồng quyết định đưa con về Vương Xá để gặp ông bà, những thương gia cự phú, vang danh nhứt vùng.

Được tin con gái đưa chồng con về nương nhờ cha mẹ, ông bà thương gia vừa mừng, vừa tức, vừa xót thương cho cảnh cơ hàn khốn khổ của con, nhưng vì danh dự gia phong, họ chỉ nhận nuôi hai cháu, còn cha mẹ chúng thì được cho tiền của và phải đi nơi khác sinh sống.

Rớt anh lanh lợi, khôi ngô, thường được ông nội dẫn đến chùa nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp. Dần dần Rớt anh mến Tăng, kính Phật, cuối cùng cậu xin xuất gia và tất nhiên là được ông nội sung sướng cho phép lên đường theo Đức Thế Tôn.

Rớt anh được một Trưởng lão hướng dẫn tu tập thiền định và học hỏi kinh văn trước khi gia nhập giáo hội. Cậu thiếu niên thông minh sắc sảo, cần mẫn chuyên tâm, học đâu nhớ đó. Cậu được các bậc Trưởng lão và Đức Thế Tôn quan tâm yêu mến, cho nhập Tăng đoàn, thọ giới quy y và, sau một thời gian tinh chuyên nỗ lực, cậu chứng quả A la hán.

Cảm nghiệm được niềm hỷ lạc siêu thoát, thầy nghĩ: “Nếu Rớt em tinh tấn tu học thì sẽ cũng được như vậy” . Thầy về nhà thưa nội cho phép Rớt em theo thầy vào Đạo, làm đệ tử Phật. Rớt em được Đức Thế Tôn thọ ký và được Thượng tọa Rớt anh giáo dục. Khốn nỗi Rớt em căn trí chậm lụt, học trước quên sau, nói đâu quên đó, bốn tháng trôi qua mà không thuộc nổi một bài kệ bốn câu.

Thượng tọa Rớt anh thấy vậy quyết định:

- Thôi! Cậu nên ra về. Hình như cậu không có căn cốt tu hành. Chậm lụt như vậy làm sao đạt đến thánh quả! Hãy ra khỏi chùa ngay.

Rớt em quỳ lạy anh ba lạy, mếu máo khóc cho thân phận u trệ của mình...

Bấy giờ có thí chủ Ji-va-ka Kô-ma-ra-ba-ka (Jivaka Komàrabhacca) đem hương hoa đến chùa lễ Phật cúng dường và thỉnh đại chúng trưa mai đến nhà thọ trai. Đức Phật chấp thuận. Thượng tọa Rớt anh, với tư cách là quản chúng, thông báo cho 500 Tỳ kheo ngày mai đi trai tăng, trừ Rớt em.

Được tin bị “lọt sổ”, Rớt em đau buồn, thầm nghĩ: “Vì ngu si đần độn nên phải chịu cảnh thấp hèn, cốt nhục ly cách. Thôi thì tép tôm theo phận tép tôm. Về thì về! Biết đâu về nhà mình lại được an lạc và làm nhiều việc phước thiện hơn ; thọ hưởng tứ sự cúng dường của thập phương bá tánh mà tu hành chiếu lệ, học tập lai rai thì chỉ có đọa” .

Sáng sớm hôm sau, Rớt em đảnh lễ Thượng tọa Rớt anh ba lạy rồi thỏng tay, lủi thủi ra về trong niềm cảm xúc nghẹn ngào, buồn tủi.

Vừa tới cổng chính, Rớt em gặp ngay Đức Thế Tôn, cậu liền chấp tay quỳ xuống với hai giọt nước mắt rưng rưng. Đức Thế Tôn ôn tồn hỏi:

- Con đi đâu sớm vậy?

- Bạch Thế Tôn, con không được ở chùa nữa! Rớt em mếu máo thưa. Con ngu quá nên Thượng tọa đuổi con, hu... hu!...

- Về hay ở là do Thầy chứ đâu phải do Thượng tọa của con. Sao con không đến nói cho Thầy biết.

Đoạn Đức Thế Tôn đưa tay xoa đầu Rớt em và dắt cậu về tịnh xá. Sau đó Ngài đưa cho cậu một tấm vải trắng tinh, dạy rằng:

- Con hãy ngồi đây, mặt quay về phương đông, dùng tay vuốt tấm vải này và nói: “Tẩy trừ cấu uế! Tẩy trừ cấu uế!”

Rớt em, theo lời Phật dạy, ngồi xoay mặt về phương đông, hai tay vuốt vuốt tấm vải, nói:

- Tẩy trừ cấu uế! Tẩy trừ cấu uế! 

Và sau một lúc làm như vậy thì cậu thấy tấm vải bị hoen ố. Cậu liền bừng sáng, nghĩ rằng: “Trước đây tấm vải trắng tinh, sau khi tay ta chà vuốt một hồi thì nó trở nên hoen ố. Cấu uế từ trong thân tâm này mà ra, không phải từ ngoài vào. Thế thì mọi thứ hiện hữu trên đời cũng vậy: vô thường, biến hoại!” .

Rớt em ngộ lý duyên sanh và phát huy thiền quán đến cội nguồn căn để của vạn pháp. Và, thấy cơ duyên đã đến, Đức Thế Tôn đến ngồi trước mặt Rớt em, nói:

- Rớt em, đừng nghĩ rằng chỉ có tấm vải này bị hoen ố, bất tịnh. Trong người con cũng dẫy đầy cấu uế. Hãy thanh tẩy chúng. Con biết đấy: Tham dục là cấu uế. Hận thù là cấu uế. Si mê là cấu uế.

Đức Thế Tôn vừa dứt lời thì Rớt em liền chứng quả A la hán, sung mãn thần thông diệu lực và thông đạt tam tạng giáo điển.

Trưa hôm sau, khi Ji-va-ka Kô-ma-ra-ba-ka dâng nước cho Đức Thế Tôn, Ngài đưa tay che bát, nói:

- Ji-va-ka, ở tu viện không còn ai nữa sao?

- Bạch Thế Tôn, không còn thầy nào nữa ạ! Thượng tọa Rớt anh nhanh nhẩu đáp.

- Nhưng còn đấy, Ji-va-ka!

Thế là Ji-va-ka cho người đến tu viện và Rớt em được mời đến nhà thí chủ.

Thọ trai xong, Đức Thế Tôn bảo Rớt em thay mặt đại chúng có đôi lời hồi hướng công đức. Như một chú sư tử con với những biểu hiện thần thông kỳ lạ, Rớt em cất lên những lời hùng tráng, linh hoạt, xảo diệu và hoàn toàn phù hợp với giáo pháp. Mọi người chấp tay im lặng và thán phục khôn cùng.

Tối hôm đó, sau giờ hành thiền mà đại chúng vẫn còn ngồi trong chánh điện, họ bàn tán và không ngớt lời ca ngợi thành quả siêu việt của Rớt em. Thấy vậy Đức Thế tôn vào, hỏi:

- Quý thầy có gì mà thảo luận vui thế?

- Bạch Thế Tôn, một Trưởng lão đáp, hôm trước bài kệ bốn câu không thuộc, hôm sau biện tài vô ngại, diệu lực thần thông; đúng là niệm trước mê tức chúng sanh, niệm sau ngộ tức Phật.

- Hay thay! Hay thay! Này các thầy Tỳ kheo, Đức Thế Tôn nói, thầy nào nỗ lực tu hành, toàn tâm toàn ý với chánh  pháp thì sớm muộn gì cũng đạt đến thánh quả.

Ngài đọc kệ:

Nhờ nhiệt tâm cố gắng,

Tự chế, sống nghiêm trang,

Người trí xây hòn đảo,

Nước lụt khó ngập tràn.

(PC. 25)

Đại chúng hoan hỷ, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi sư đệ cùng lui về hậu thất.

 


 

NGU PHU THƯỜNG LỘNG NGỮ
TRÍ GIẢ LUÔN NHIẾP TÂM

Một hôm, tại Xá Vệ có những ngày lễ gọi là “ngu phu lễ hội”: ngày hội của bọn ngu si. Nhân dịp đó, những kẻ si mê đần độn hăm hở trét tro và phân bò lên đầy người, đi đứng nghênh ngang, nói năng thô tục, cử chỉ hỗn láo, và liên tục trong bảy ngày, họ không hề bày tỏ dấu hiệu thân thiện với bất cứ ai, kể cả bà con quyến thuộc, thân hữu láng giềng hay các vị Sa môn họ gặp; họ chỉ đứng trong cửa ngõ nguyền rủa, nhục mạ, tru tréo, chửi bới những ai họ thấy đi qua. Ai không chịu nổi thái độ hỗn xược, lời lẽ thô bỉ đó thì hối lộ cho chúng nửa xu hay một cắc, tùy theo khả năng của mình, và chúng sẽ hân hoan, vênh váo nhận tiền rồi ra khỏi nhà.

Bấy giờ tại Xá Vệ có hàng vạn Phật tử thuần thành, quyền uy chức tước ngỏ lời với Đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày này, Thế Tôn và Tăng đoàn đừng vào thành phố, nên an cư cấm túc tại tu viện.

Và trong bảy ngày đó, các đệ tử trung kiên luân phiên chuẩn bị trai phạn, rồi phái người đem đến chùa cúng dường Thế Tôn và Tăng đoàn chứ họ cũng không ra khỏi nhà. Tuy nhiên, đến ngày thứ tám, khi lễ hội kết thúc, các Phật tử thỉnh Tăng đoàn vào thành phố và cúng dường rất nhiều lễ vật. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn và cung kính ngồi sang một bên, họ trịnh trọng thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con đã phải trải qua bảy ngày bực tâm bực trí, phiền não khôn cùng. Tai của chúng con gần như bị vỡ ra vì phải nghe những lời ngông cuồng, thô lậu của bọn ngu si, thiếu trí. Bạch Thế Tôn, khổ quá! Không còn lễ nghi, thể thống gì cả! Không còn văn minh, lịch sự gì cả! Đúng là sống với kẻ si mê ắt bốn bề sầu tủi, gần với bọn ngu muội giống như gặp kẻ thù: không còn nể nang tử tế gì ráo! Chính vì thế mà chúng con không muốn Thế Tôn và Tăng đoàn vào thành hóa duyên truyền Đạo. Bản thân chúng con cũng không ra khỏi nhà.

Đức Thế Tôn lắng nghe tín tâm và thiện chí kính Phật trọng Tăng của họ, đoạn Ngài nói:

- Các Phật tử quan ngại là phải. Không ai muốn sư trưởng và thiện hữu tri thức của mình bị hủy báng, lăng nhục. Và như quý vị thấy đấy, hạng ngu si mê muội thì có những lễ lược và hành xử với nhau như vậy. Còn những ai thông minh trí tuệ, nỗ lực tinh cần, chuyên tâm chánh niệm như giữ kho bảo vật thì sẽ an lạc thân tâm, liễu sanh thoát tử và chứng đắc Niết bàn.

Ngài đọc kệ:

Kẻ đần độn ngu si,

Thích buông lung phóng dật,

Người trí luôn nhiếp tâm,

Như giữ kho bảo vật.

Không say sưa dục lạc,

Không phóng dật buông lung,

Người chuyên tu thiền định,

Được an lạc vô cùng.

(PC. 26, 27)

 


 

DUY CHỈ TRI KIẾN PHẬT
QUÁN TRIỆT VÒNG DUYÊN SANH

Thuở nọ, Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp (Mahà Kassapa) ẩn tu trong hang động Pi-pa-li (Pipphali). Một hôm, sau khi khất thực một vòng quanh thành Vương Xá, ngài trở về tịnh xứ thọ trai rồi tham thiền, quán niệm. Ngài dùng thiên nhãn quán sát tất cả chúng sanh: tinh cần hay phóng dật, dưới nước hay trên khô, trong núi hay ngoài gò, hiện còn hay đã mất.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang an trú tại tu viện Trúc Lâm, Ngài cũng dùng thiên nhãn quán sát thế gian và thấy Ma Ha Ca Diếp, đệ tử  vĩ đại của Ngài đang dốc tâm quán niệm cảnh sinh diệt của chúng sanh, Ngài nói:

- Nhận thức về cảnh sinh diệt của chúng sanh không thể lãnh hội được. Chúng sanh luân chuyển từ hiện hữu này sang hiện hữu khác và luôn có khái niệm mới trong bào thai của người mẹ mà không có nhận thức của người mẹ hay người cha, và nhận thức đó không thể nắm bắt được. Ca Diếp, tri kiến của ông chưa được sâu sắc lắm, chưa có thể quán triệt được chúng đâu. Chỉ tri kiến của chư Phật mới biết và thấy được toàn bộ quá trình sinh diệt của chúng sanh.

Nói xong, Ngài phóng quang sáng ngời và hiện thân rực rỡ trước mặt Ca Diếp, đọc kệ:

Nhờ diệt trừ phóng dật,

Người trí hết ưu phiền,

Lên lầu cao trí tuệ,

Nhìn chúng khổ triền miên,

Như người hiền trên núi,

Nhìn đám ngu đất liền.

(PC. 28)


 

TINH CẦN NÂNG ĐẠO NGHIỆP
GIẢI ĐÃI HẠI THÂN TÂM

Thuở nọ, có hai Tỳ kheo lãnh thọ yếu chỉ thiền quán từ Đức Thế Tôn rồi lui về rừng Khổ Hạnh tu tập. Sáng sớm hôm đó, một vị mang củi ra, chuẩn bị lò than chu đáo để suốt canh một đêm đó ngồi sưởi ấm, tán dóc với các chú sa di và các chú điệu, thôi thì bàn tán đủ thứ: chuyện trong chùa ngoài phố, chuyện thiện nam tín nữ, chuyện xuất gia hoàn tục, chuyện giải đãi trầm luân, chuyện cải trang khất thực, chuyện giả danh Sa môn, chuyện nghe kinh ngủ gục v.v... Các chú sa di và các chú điệu cứ há mồm ra nghe thầy nhận xét và luận chuyện phiếm mà không biết chán. Trong khi vị Sa môn kia thì nhứt tâm quán niệm, hạ thủ công phu. Thấy pháp hữu của mình phí phạm giờ giấc một cách oan uổng, thầy ngỏ lời nhắc nhở:

- Thưa huynh, xin huynh đừng giận nghe! “Trung ngôn nghịch nhĩ” đó. Thấy huynh đêm đêm ngồi chơi tán gẫu uổng quá. Huynh biết đấy, thời giờ như tên bắn, ngày tháng tợ thoi đưa; vả lại “Thị phi chỉ vị đa khai khẩu”. Nói nhiều thì lỗi nhiều. Chê khen nhiều thì tâm hồn mình bị rối rắm. Đức Thế Tôn từng dạy:

Vậy đó A tu la,

Xưa nay đều thế cả,

Ngồi im bị đả phá,

Nói nhiều bị người chê,

Nói ít bị người phê,

Không ai không bị trách,

Trên trần thế bộn bề!

Phân tích, mổ xẻ, phê bình, chỉ trích thì dễ lắm, nhưng bắt tay vào việc, âm thầm hành đạo, mang lại lợi ích cho mình cho người, cho hiện tại và cho tương lai thì khó khăn vô cùng. Đúng là:

Khó thay sống khiêm tốn,

Thanh tịnh tâm vô tư,

Giản dị đời trong sạch,

Sáng suốt trọn kiếp người.

Tỳ kheo mà buông lung cẩu thả, lộng ngữ phóng tâm, lững thững qua ngày thì nhứt định phải đắm chìm khốn khổ. Không thể dùng xảo ngôn, lợi khẩu mà lường gạt ân đức của Phật Tổ, Tôn Sư. Chỗ huynh đệ thâm giao, xin huynh tha cho những lời chân tình, thắm thiết.

Động lòng tự ái, vị Sa môn giải đãi buông lời hờn mát:

- Ôi!... Phật pháp nhiệm mầu, thậm thâm vi diệu, tám vạn bốn ngàn pháp môn; ông tu ông đắc bà tu bà đắc, hơi đâu mà bận tâm đến gia phong đạo nghiệp của người khác. Xin cảm ơn thiện tâm, hảo ý của đại sư. Thấy mình chưa đủ sức cảm hóa thân hữu, vị Sa môn tinh chuyên, cần mẫn liền nhập từ bi quán, cất bước hành thiền và đi vào chánh định.

Sau canh tán dóc bên lò lửa, vị Sa môn thích ba hoa đi vào cùng lúc với vị Sa môn tinh tấn, đã xả thiền và về am riêng của mình. Lát sau, thấy vị sư tinh tấn nằm ngủ, vị giải đãi đến thả giọng đâm hông:

- Ủa! Đại sư lãnh thọ yếu chỉ thiền tông của chư Phật để rồi vào rừng ăn no, ngủ kỹ như vậy à?! Đại sư không chuyên tâm tỉnh thức, nội quán thanh lương nữa sao?

Nói xong, sư về phòng nằm đánh một giấc ngon lành tới sáng. Còn sư tinh tấn thì canh ba thức dậy, quán niệm, thiền hành, và sau một thời gian nỗ lực tu tập, sư chứng quả A la hán, đầy đủ thần thông diệu dụng; trong khi sư ba hoa kia thì mãi lún sâu vào nếp sống buông lung, phóng dật.

Sau giai đoạn ẩn tu trong rừng khổ hạnh, hai sư cùng về thăm Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn rất hoan hỷ và ngỏ lời thăm dò:

- Ta tin là các thầy đã nỗ lực trong nếp sống tinh tấn tu hành. Ta tin là các thầy đã thành tựu đạo  nghiệp.

Vị sư phóng túng đáp:

- Bạch Thế Tôn, làm sao thầy ấy có thể được gọi là tinh chuyên cần mẫn! Từ khi xa Đức Thế Tôn, thầy ấy chỉ biết trưởng dưỡng sắc thân, ngủ nghỉ thoải mái.

- Còn thầy thì sao? .- Đức Thế Tôn hỏi.

- Con ấy à! Bạch Thế Tôn, sáng sớm con đem củi ra chuẩn bị một lò than tươm tất để đêm đêm ngồi sưởi ấm và luận chuyện đông tây kim cổ chứ không ngủ.

- Thầy đã hoang phí thời giờ trong buông lung thất niệm mà gọi là chuyên tâm thiền định sao?! .- Đức Thế Tôn nói. Thầy đã lầm hạnh nỗ lực tinh cần với tính buông lung cẩu thả. Thầy biết đấy, trong cuộc so tài, con tuấn mã bao giờ cũng bỏ xa con ngựa hèn.

Ngài đọc kệ:

Tinh cần giữa phóng dật,

Tỉnh thức giữa ngủ mê,

Người trí như tuấn mã,

Bỏ xa con ngựa hèn.

(PC. 29)

 

--- o0o ---