Phần 11

11 Tháng Giêng 20173:20 CH(Xem: 2487)
Phần 11
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 11

KHỞI TÂM KIÊU MẠN KHINH THƯỜNG

VIÊN THÀNH ĐẠO QUẢ CÒN VƯƠNG VẾT HẰN

Thuở nọ có một thanh niên mắc bịnh phong cùi, tên Xúp-pa-bút-đa (Suppabuddha), ngồi cách xa ngoài Tăng đoàn nghe Thế Tôn thuyết pháp và chứng đắc Thánh quả. Lòng lâng lâng khinh khoái, cậu muốn bày tỏ phước duyên thành đạt của mình cho Thế Tôn biết, nhưng thấy thân hình tiều tụy, lở loét chân tay, cậu không dám tự nhiên chen chân qua giữa Tăng đoàn, bèn kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi đại chúng đảnh lễ Thế Tôn, xá chào tạm biệt, cậu mới giả vờ theo họ đi được một đoạn, rồi quay trở lại, định vào tu viện Kỳ Viên  trình diện Đức Đạo Sư.

Bấy giờ thiên chủ Đế Thích (Sakka) thầm nghĩ: “Xúp-pa-bút-đa mắc bịnh phong cùi mà thành tựu thánh quả, lại còn muốn  minh chứng trí tuệ siêu việt của mình với Đức Thế Tôn. Ta phải thử xem!” .

Đế Thích hiện nguyên hình giữa không trung, ngay trước mặt Xúp-pa-bút-đa, nói:

- Này, Xúp-pa-bút-đa, ngươi đang mắc bịnh hiểm nghèo, bơ vơ lạc lõng, khốn khổ bần hàn. Ta sẽ ban cho ngươi vô số ngọc ngà châu báu, nếu như ngươi quả quyết khẳng định: “ Phật đó không phải Phật, Pháp đó không phải Pháp, Tăng đó không phải Tăng. Ta không cần Phật, không cần Pháp, không cần Tăng”.

Cậu cùi nhìn thẳng vào mặt Đế Thích, sắc giọng nói:

- Ngươi là ai?

- Ta là Đế Thích,  là vua của các cảnh giới chư thiên.

- Ngớ ngẩn! Nói vậy mà không biết xấu hổ! Ngươi không xứng đáng nói chuyện với ta. Ngươi bảo ta nghèo khổ, túng thiếu, đau buồn; ngược lại thì đúng hơn, ta đã đạt được niềm an lạc và bảy kho bảo vật. Đó là: chánh tín Tam bảo, huân tập đức hạnh, hành xử khiêm cung, sợ vương tội lỗi, ngộ đạt thánh trí, viễn ly tịch tịnh và thành tựu trí tuệ. Ai có bảy kho báu này, chư Phật không coi người ấy là nghèo khổ, và cuộc đời của họ tất nhiên là có ích cho mình, cho người, cho hiện tại và cho mai sau.

Thấy rõ sự thật, Đế Thích hân hoan đến gặp Thế Tôn, trình bày cung cách vấn đáp của bậc ngộ đạo, và được Thế Tôn xác định một lần nữa:

- Đế Thích, cho dù ngươi có tốn trăm ngàn lượng vàng nén bạc đi nữa thì cũng không thể nào thuyết phục được Xúp-pa-bút-đa nói: “Phật đó không phải Phật, Pháp đó không phải Pháp, Tăng đó không phải Tăng”.

Sau đó Xúp-pa-bút-đa đến tu viện, đảnh lễ Đức Thế Tôn, trình Phật ấn chứng sở đắc, rồi nhẹ nhàng quay gót ra về. Vừa đi được một đoạn thì bị một con bò cái tơ từ trong một lùm cây hùng hục xông ra, đâm hai sừng vào mạn sườn của cậu, hấc tung người lên, cậu rớt xuống đất và chết ngay tức khắc.

Thấy cảnh thương tâm, Tăng chúng hoảng hốt chạy đến gặp Phật, trình bày sự thể vừa mới xảy ra; nêu thắc mắc vì sao một người mắc bịnh nan y, hình hài ô uế lại sớm thành đạo quả, rồi bị ngộ nạn chết oan, khổ đau chồng chất, và được Thế Tôn giải thích:

- Này các thầy Tỳ kheo, các thầy thắc mắc là phải. Mọi việc diễn ra trên đời chưa hẳn do ngẫu nhiên hay tình cờ, mà thường bị chi phối bởi những mắc xích nhân quả, móc dính vào nhau. Trường hợp bất hạnh vừa qua cũng thế. Các thầy muốn biết lai lịch chuyện này sao?

- Vâng ạ, bạch Thế Tôn!

- Vậy thì hãy lắng nghe và chiêm nghiệm!

*

*      *

Vào một đêm trăng thanh gió mát, trong một tiền kiếp xa xưa, có bốn thanh niên con nhà giàu có đưa một cô gái làng chơi hạng sang đến một hoa viên hành lạc. Khi  đêm về khuya, bốn bề vắng lặng, cô gái cũng đã thật sự ngầy ngật với lạc thú men nồng, một tên rít giọng nói:

- Phải bế khẩu phi tang đi thôi, thượng sách đấy! Đêm hôm khuya khoắt thế này mấy ai hay biết mà lo sợ!

- Không được, tàn nhẫn quá! Dẫu sao chúng mình cũng đã tỏ tình và dan díu với nàng. Tên thứ hai ngỏ lời ngăn cản.

- Cậu lạc hậu quá! tên thứ ba lên tiếng. Ăn bánh khỏi trả tiền mà cậu còn thắc mắc cái nỗi gì!

- Đúng!... Không những được ăn ngon màø còn được tiền nữa chứ! Một trăm quan tiền mua vui chứ đâu phải năm cắc ba xu. Đó là chưa kể ngọc ngà châu báu nó đeo đầy tay đầy cổ kia kìa! Ra tay nhanh gọn là hợp lý. Tên thứ tư gằn giọng quả quyết.

Thế là bốn tên bất lương, gian ác kia ra tay giết chết cô gái mà chúng đã từng trao lời đường mật, ôm ấp nồng nàn. Sau đó chúng lấy lại tiền bạc và cướp hết vòng vàng của nạn nhân rồi bỏ đi. Trong cơn mê sảng, cô gái vẫn thấy loáng thoáng trong đầu những ý niệm trả thù: “Được rồi!... Nhớ đấy!... Bọn bay dày xéo thân thể tao, lường gạt tiền bạc tao, cướp đoạt tài sản tao ... Tao nguyện làm quỷ dạ xoa bám theo hồn ma bóng quế tụi bay cho đến ngày tụi bay tan xương nát thịt. Vì lời báo thù tuyệt hậu đó mà quỷ dạ xoa đã đầu thai dưới dạng con bò cái, và lần lượt húc chết bốn thanh niên đã một thời gây án mạng, trong đó có Xúp-pa-bút-đa, biệt danh là hai cùi, mà các thầy đã  từng nghe kể theo truyền thuyết.

- Mô Phật, ghê quá!... Nhưng vì sao cậu ấy bị cùi mà chóng thành đạo nghiệp, và rồi cậu ấy sẽ thác sanh về đâu? bạch Thế Tôn. Một chú Sa di hỏi.

- Không phải nhanh chóng, đúng ra là lâu lắm, phải trải qua vô số kiếp tu hành thanh tịnh mới thành tựu đạo nghiệp; động cơ chính là cậu ấy đã khởi phát thiện tâm, ngăn chận các bạn giết người cướp của như trong truyện vừa kể, và dĩ nhiên là cậu ấy được thác sanh ở tầng trời thứ Ba mươi ba. Còn việc bị cùi là vì trong một tiền kiếp, cậu ấy thấy thân hình gầy gò đen đúa của Đức Phật độc giác Ta-ga-ra-xi-ki (Tagarasikhi) mà sanh tâm gớm ghiếc, khạc nhổ nước bọt sau lưng Ngài. Vì tâm khinh bạc ngạo mạn nên cậu bị đọa địa ngục lâu dài, và cũng chính vì hành động thô ác như thế mà mãn kiếp đọa đày, đầu thai làm người, tu hành tinh tấn, chứng đắc thánh trí, nhưng phải mang trọng nghiệp cùi hủi, bị mọi người nhờm tởm, xa lánh.

Dừng lại trong giây lát, Thế Tôn tiếp:

- Này các thầy Tỳ kheo, trên thế gian này, ai cũng có một thế giới nghiệp lực riêng biệt. Và nghiệp, như các thầy đều biết, là sự vận hành, tạo tác của thân khẩu ý. Chủ yếu là ý. Có tác ý là đã tạo nghiệp. Cho nên, giàu sang hay khốn cùng, hạnh phúc hay khổ đau, cao quý hay thấp hèn, tất cả đều do tâm tư  thiện ác mà dệt thành.

Ngài đọc kệ:

Kẻ ngu si thiếu trí,

Tự ngã hóa ra thù,

Ác nghiệp tạo lần hồi,

Phải chịu quả cay đắng.

(PC. 66)


 

NƯƠNG LỜI PHẬT TỔ THÁNH TĂNG

GIẢI TRỪ OAN KẾT, AN LÀNH THÂN TÂM

Tương truyền rằng thuở nọ có một nông phu đang cày xới trên cánh đồng cách thành Xá Vệ không xa thì có mấy tên trộm cướp lẻn vào thành bằng cách bơi qua dòng sông, mở đường hầm chui vào nhà một phú ông, cướp hết vàng bạc châu báu, rồi trốn thoát qua ngõ độc đạo đó. Một tên mưu lược hơn đồng bọn, lanh tay gói trọn một ngàn quan tiền và những bảo vật khác trong chéo áo lót của mình, rồi khẩn trương cùng nhau trực chỉ đến cánh đồng thanh vắng để phân chia tài sản cướp được. Khi xử lý xong, mỗi tên ôm một gói, hãnh diện ra mặt như ca khúc khải hoàn. Bất giác, một tên đánh rơi gói bạc  vàng của mình xuống một bờ mương mà không hề hay biết, cứ tiếp tục tiến bước với đầu óc lâng lâng trong phi vụ tiếp theo.

Sáng sớm hôm đó, Thế Tôn vận dụng Phật nhãn quán chiếu thế gian, thấy ngay  bác nông phu kia hiển hiện trong mạng lưới tri kiến của Ngài, và tai nạn nguy khốn sắp xảy ra. Ngài thầm nghĩ:

- Người nông phu này sẽ ra đồng cày bừa vào lúc sáng sớm. Chủ nhân tài sản bị đánh cắp chắc chắn sẽ truy tìm bọn đạo tặc, và khi nhìn thấy cái túi này, họ sẽ đánh đập và tóm cổ ông ngay tức khắc. Ngoài ta ra, ông không còn ai là nhân chứng. Vả lại ông đã quyết tâm nương theo Thánh Đạo, ta có bổn phận phải đến với ông ấy.

Ngay từ tờ mờ sáng bác nông phu đã ra ruộng. Thế Tôn và Trưởng lão A Nan cũng đến thẳng cánh đồng đó. Vừa thấy Thế Tôn, lão phu ngừng tay, đến đảnh lễ Ngài, và rồi trở lại tiếp tục công việc. Thế Tôn đáp lễ, rồi đi thẳng đến chỗ có chiếc túi rơi, đưa mắt nói với thị giả A Nan:

- Nhìn kìa, A Nan, một con rắn độc!

- Con thấy rồi, bạch Thế Tôn, đúng là một con rắn độc cực kỳ nguy hại!

Nghe nói rắn độc, bác nông phu liền nghĩ: “Trải bao mùa qua lại trên cánh đồng này, ta có bao giờ thấy rắn độc rắn hiền gì đâu; vậy mà nay thầy trò Thế Tôn nói có rắn độc, đúng thế sao?” .

Sau khi thả lời nhận xét, Thế Tôn ra hiệu cho A Nan tiếp tục khởi hành.

Sợ bị rắn độc cắn, bác nông phu thầm nghĩ: “Ta phải giết nó đi thôi”. Thế là ông cầm một cây cọc nhọn, xăm xăm đi thẳng đến nơi, nhưng chỉ thấy một cái túi vải căng phồng nằm bên bờ cỏ. Ông lại suy nghĩ: “Thế Tôn hẳn đã ám chỉ cái túi này là con rắn độc”. Không biết làm thế nào cho hợp lý, ông bèn vùi túi vải sâu trong bờ cỏ, lấy đất lấp lại, rồi tiếp tục công việc đồng áng.

Khi trời sáng hẳn, đám trai tráng của gia đình phú ông kia đã khám phá ra tông tích của bọn đạo tặc. Họ lần theo dấu vết, đến đúng nơi phân chia bảo vật, và thấy ngay những dấu chân của bác nông phu. Họ men men theo vết tích đó mà đến đúng mục tiêu. Họ bới đất và nhặt được túi vải đựng vàng bạc. Thế là họ vung tay trợn mắt xỉa xói lão phu, đánh đập ông, cáo buộc ông là phường đạo tặc khéo thay hình đổi dạng, và giải ông lên vương phủ.

Khi nghe trình tấu xong mọi việc, quốc vương khép lão phu vào tội tử hình vì đã manh tâm cướp đoạt tài sản của nhân dân. Sai nha liền trói gô tay ông ra sau lưng, và trên đường đưa ra pháp trường, họ chốc chốc lại quất roi vào người ông. Bị sai nha thẳng tay đánh đập nhưng ông vẫn thản nhiên và liên tục lập lại hai câu nhận định của thầy trò Thế Tôn:

- Nhìn kìa, A Nan, một con rắn độc!

- Con thấy rồi, bạch Thế Tôn, đúng là một con rắn độc cực kỳ nguy hại!

Ông cứ nói tới nói lui hoài những câu này khiến đám sai nha sanh nghi, hỏi:

- Ngươi đang lập lại lời lẽ của Đức Thế Tôn và A Nan phải không? Điều đó có nghĩa gì?

- Ta sẽ trình bày đầy đủ chi tiết, nếu ta được phép gặp quốc vương.- Bác nông phu yêu cầu.

Thế là họ đưa ông đến diện kiến quốc vương, và được quốc vương hỏi:

- Tại sao ngươi phải lập lại những lời như thế?

- Tâu quốc vương, thảo dân suốt đời cày sâu cuốc bẫm, làm ăn lương thiện, chưa hề không cho mà lấy của ai một cọng rơm ngọn cỏ, mong quốc vương lượng xét.

Sau đó ông kể lại trọn vẹn câu chuyện từ lúc ra ruộng đên khi gặp Đức Thế Tôn và A Nan.

Quốc vương nghe xong, nói:

- Thế là đã có nhân chứng vật chứng, mà nhân chứng ở đây là Đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư hiếm có trên đời. Thôi, hãy mở trói cho lão phu. Ta sẽ đích thân điều tra và giải quyết vụ việc rắc rối này.

Tối hôm đó, quốc vương đưa lão phu đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, hàn huyên tâm sự đôi điều và hỏi:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn và A Nan đã đi ngang qua một cánh đồng và thấy một nông phu đang cày ruộng?

- Đúng thế, thưa quốc vương!

- Thế Tôn có thấy gì nữa không?

- Một túi vải đựng vàng bạc châu báu.

- Khi thấy túi vải, Thế Tôn có nói gì không?

- Nhìn kìa, A Nan, một con rắn độc! Ta nói thế, và A Nan đáp: Con thấy rồi, bạch Thế Tôn, đúng là một con rắn độc cực kỳ nguy hại!

- Bạch Thế Tôn, nếu lão phu này không nói Thế Tôn là nhân chứng thì mạng sống của lão hẳn khó bề cứu thoát. Nhờ lập đi lập lại lời nói của Thế Tôn và A Nan mà sinh mệnh của lão còn tồn tại trên trái đất này. Hãy đảnh lễ Thế Tôn, hỡi lão phu có duyên với Phật.

Bác nông phu quỳ mọp dưới chân Thế Tôn khóc sướt mướt, rồi ông quay sang khấu đầu lạy tạ quốc vương với những lời chúc phúc nghẹn ngào: “Quốc vương anh minh vạn tuế, quốc vương anh minh vạn tuế!”

Sau đó Đức Thế Tôn nói:

- Quốc vương, chính ta nói ra những lời đó! Người khôn ngoan trí tuệ chớ bao giờ làm việc gì phải ân hận về sau.

Ngài tươi cười đọc kệ:

Người tạo nghiệp bất thiện,

Làm xong sanh ăn năn,

Mắt đẫm lệ than rằng,

Phải chịu quả cay đắng.

(PC. 67)


 

TUNG HOA DÂNG LỄ THẾ TÔN

QUỐC VƯƠNG TRỌNG THƯỞNG, LƯU TỒN THANH DANH

Truyện kể rằng Tấn Lài (Sumana), người làm vườn, sáng sớm nào cũng dâng cho quốc vương Tần Bà Sa La (Bimbisàra) tám phần hoa lài thượng hạng, và dĩ nhiên, chú được trả công mỗi phần hoa là tám quan tiền xứng đáng. Một hôm, Tấn Lài vừa mang hoa vào thành thì gặp ngay Đức Thế Tôn đang thả từng bước khất thực, thiền hành với hào quang sáu màu từ thân Ngài tỏa ra rực rỡ, theo sau là Tăng đoàn, tạo thành một hàng dài trông uy nghi và thánh thiện làm sao!

Thoáng nhìn thấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Đức Thế Tôn, Tấn Lài muốn tôn vinh Ngài bằng một hình tượng cụ thể, nhưng nhìn quanh, chả có gì, ngoài tám phần hoa dâng hiến quốc vương. Cuối cùng chú quyết định cúng dường hết giỏ hoa cho Phật dù phải bị tống lao, trục xuất hay thiệt mạng.

Tấn Lài hân hoan đến trước Thế Tôn, quỳ gối, dâng hoa lên ngang trán, đảnh lễ ba lần, đoạn đứng lên vốc hai nắm hoa tung lên trên không, và lạ thay, chúng kết thành một tràng hoa như chiếc lọng che trên đầu Ngài. Sau đó chú tiếp tục tung sáu nắm hoa còn lại lên không trung, và chúng cũng kết thành ba tấm rèm che lơ lửng bên phải, bên trái và sau lưng Ngài.

Dâng hoa xong, Tấn Lài cung kính đứng sang một bên, Thế Tôn và Tăng đoàn từ từ tiến vào thành. Những đóa hoa kết trên không cũng sừng sững đong đưa theo nhịp bước của của đấng đại giác Thế Tôn.

Thấy cảnh tượng huyền diệu đang diễn ra giữa kinh thành, không ai bảo ai, hàng vạn người  đổ xô ra phố, tay cầm cành hoa hay miếng vải, vừa đi vừa phất phất  trước Tăng đoàn theo nhịp điệu tôn vinh xưng tán Như Lai.

Để tuyên dương thiện tâm và công đức của người làm vườn, Thế Tôn cùng Tăng đoàn đi sâu vào thành khoảng ba dặm và dừng lại tại một công viên xinh đẹp, nơi trống kèn đàn địch đang được trổi lên nghinh đón Đạo Sư. Suốt buổi sáng hôm đó Tấn Lài như đi trong bồng lai tiên cảnh, ngây ngất lâng lâng. Và cuối cùng, chú sung sướng đảnh lễ tạm biệt Thế Tôn và Tăng đoàn, thong dong ra về với chiếc giỏ xách trống rỗng.

Vừa về tới nhà, Tấn Lài bị vợ lườm mắt, hỏi:

- Tiền đâu? Được quốc vương hậu đãi hay mon men theo con nào mà về trễ thế?!

- Mở miệng ra là nặng mùi tiền bạc với ghen tuông! Đúng là: nhứt thời vợ dại trong nhà, nhì thời nhà dột, thứ ba nợ đòi! Thay vì dâng hoa cho quốc vương, tôi đã cúng dường cả giỏ hoa đó cho Đức Thế Tôn rồi.- Tấn Lài hồn nhiên đáp.

- Ơ kìa!... ông muốn chết hả? Ông muốn tuyệt diệt cả nhà hả? Ai có quyền lực và đáng sợ hơn – quốc vương hay Đức Phật? Ông Phật từ bi hỷ xả, chả có gươm đao dáo mác. Còn quốc vương!... Trời ơi ông điên rồi!... Mẹ con tôi biết làm thế nào thoát nạn bây giờ!

- Bụng làm dạ chịu. Dù bị quốc vương tra tấn, lưu đày hay xử trảm, tôi vẫn thấy trong lòng an lạc và hạnh phúc vô biên. Được chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Từ Phụ và được tắm mình trong ánh hào quang của Ngài thì thật là hy hữu trên đời. Cả hoàng thành rần rần đón tiếp Thế Tôn và tán dương pháp lực kỳ diệu của Ngài, chỉ một mình bà ngồi ở nhà chờ tiền và lắm mồm bậy bạ!

- Rồi ông sẽ bị cụt tay cụt chân cho mà coi, ở đó mà Phật tổ với Thánh tăng!

Sợ bị liên lụy, mụ vợ bế con te te đến hoàng triều, xin gặp quốc vương để tố cáo vụ việc.

Vừa bước vào vương phủ, bà dập đầu xuống đất lia lịa, mếu máo khóc và tâu rằng:

- Muôn tâu thánh thượng, chồng con hôm nay bỗng dưng điên loạn, đem hoa cúng dường cho Đức Thế Tôn. Ngu quá!... Con đã bỏ nó rồi. Mẹ con con vô tội, xin thánh thượng khai ân tha mạng!

Là một Phật tử thuần thành, anh minh và độ lượng, quốc vương thầm nghĩ: “Vì sợ vương pháp mà đoạn tình đoạn nghĩa với chồng con và gia tộc. Chao ôi, triều cương quốc chế ta ban hành cứng nhắc và độc ác lắm sao! Nhân tình thế thái thay đổi mau chóng vậy sao! Không!... xét cho cùng là do ấu trĩ, do ba tên giặc quái ác tham sân  si luôn bày mưu lập kế và nhuộm đen tâm trí con người” .

Suy nghĩ trong giây lát, quốc vương giả bộ giận dữ, phán:

- Được rồi! Ta sẽ trừng trị đích đáng những kẻ xem thường uy danh quốc thể, dám đem hoa của ta dâng cho Đức Thế Tôn. Nhà ngươi có thể ra về.

Biết tâm hồn quốc vương lúc nào cũng khoan hồng và dung dị, Thế Tôn hướng dẫn Tăng đoàn đến thẳng hoàng triều. Quốc vương đích thân ra tận ngọ môn nghinh đón Tăng đoàn vào hoàng cung, nhưng Thế Tôn ngỏ ý muốn dừng lại tại đó. Quốc vương thắc mắc:

- Sao hôm nay Thế Tôn không vào cung điện?

- Nếu ta vào thì quần chúng làm sao thấy được công đức nhiệm mầu của Tấn Lài, người làm vườn sáng nào cũng dâng hoa cho quốc vương.

Sau đó quốc vương cho người đem thực phẩm và lễ vật sang trọng ra cúng dường Tăng đoàn, và được Thế tôn hồi hướng công đức:

Thiện tai giải thoát hạnh,

Tịch tịnh tâm thường tu,

Tận trung hưng xã tắc,

Bách tánh nhuận công phu.

Quốc vương đảnh lễ Thế Tôn, tiễn Ngài và Tăng đoàn một đoạn đường, xong quay về truyền áp giải Tấn Lài đến hoàng cung luận tội:

- Nhà ngươi nói gì khi dâng hoa cho Đức Thế Tôn?

- Xin quy y và cúng dường Thế Tôn giỏ hoa này cho dù con bị vương pháp tống lao, biệt xứ hay tử hình. Thảo dân nói thế, tâu hoàng thượng!

- Ngươi biết khi quân phạm thượng bị tội gì không?

- Chém đầu hoặc lưu đày, tâu hoàng thượng!

- Biết thế nhưng ngươi vẫn cố tình vi phạm?

- Dạ... thảo dân biết nói sao cho sạch lòng trong mắt! Xin hoàng thượng định tội.

- Nói vậy chứ khanh là một thần dân trung tín, đáng khen! Thôi, về đi!

Tấn Lài lạy tạ ân vua, đưa tay lau nước mắt và bước lui ra ngoài vương cung.

Sau đó quốc vương ra khẩu dụ ban cho Tấn Lài tám thớt voi quý, tám con tuấn mã, tám nam nô lệ, tám nữ nô lệ, tám bộ bảo châu, tám ngàn quan tiền, tám vị cung nữ và tám thôn trù phú. Mỗi nón quà đều gấp tám lần.

Thấy người làm vườn dâng cho Thế Tôn chỉ một giỏ hoa mà được phước lộc to lớn, nhất là cả hoàng thành hân hoan nô nức suốt ngày, Trưởng lão A Nan sanh tâm thắc mắc hỏi:

- Bạch Thế Tôn, công đức Tấn Lài sẽ như thế nào?

- Vĩ đại lắm, A Nan! Vì đạo hữu đó đã cúng dường giỏ hoa cho ta, đã quy y ta, đã dâng hiến cả tánh mạng cho ta; người ấy sẽ không bị trôi lăn trong tam đồ lục đạo suốt trăm ngàn kiếp, sẽ được sanh vào thế giới chư thiên, rồi sẽ hiện thân nhân tướng, hội nhập ta bà, và sẽ tu hành thành Phật độc giác hiệu là Xu-ma-na (Sumana).

Thế Tôn sau đó trở về tu viện Trúc Lâm, vào trong tịnh thất, nhưng những đóa hoa kỳ diệu kia vẫn còn tươi màu, thoảng hương ngan ngát và máng trên những cành trúc lung linh hai bên lối đi.

Tối đến, sau thời tịnh niệm, nghe giọng bàn tán nhỏ to hưng phấn trong chánh điện, Thế Tôn bước vào, ngồi giữa Tăng chúng, nói:

- Chà... các thầy có gì vui hỷ!

- Bạch Thế Tôn, chúng con đang tán thán công đức của người làm vườn. Quả thật không gì kiên cố và nhiệm mầu bằng tín tâm và nguyện lực của hàng Phật tử chánh tín Tam bảo, Thượng tọa quảng chúng đáp.

- Đúng vậy, này các thầy Tỳ kheo. Hãy tu tập, và hướng dẫn Phật tử tu tập thế nào để khi một ý nghĩ, một lời nói hay một hành động dấy lên không những không dằn vặt, ân hận mà còn mang lại hạnh phúc, an lạc cho tâm hồn.

Ngài mỉm cười đọc kệ:

Người tạo được thiện nghiệp,

Làm xong không ăn năn,

Hoan hỷ, lòng phơi phới,

Hái quả phúc thường hằng.

(PC. 68)


 

RẮP TÂM CHIẾM HỮU TƯ TÌNH

XẢO NGÔN MƯU MẸO ĐIÊU LINH TÀN ĐỜI

Truyện kể rằng trải qua trăm ngàn kiếp luân hồi sanh tử, khi hiện thân ở nhân gian, lúc thác sanh nơi thiên giới; khi là thiện nam, lúc là tín nữ; cuối cùng Thanh Liên (Uppalavannà) đầu thai vào nhà một thương gia giàu có tại thành Xá Vệ dưới dạng một ái nữ kiều diễm, nổi bật nhất là nước da xanh tươi mơn mởn tợ đài sen nên nàng được đặt tên là Thanh Liên. Đến tuổi lập gia đình, tất cả các công tôn vương tử, nghệ sĩ thương nhân từ khắp nơi tranh nhau đến nhà nàng xin cầu hôn. Thấy con gái mình mỗi ngày một rực rỡ như đóa sen xanh dưới ánh nắng hồng, rồi ong bướm tới lui, rập rờn qua lại, nhất là khái niệm: “Trai chưa vợ như ngựa không cương, gái dễ thương như bom mìn nổ chậm” cứ lảng vảng trong đầu, nơm nớp ái ngại, khiến cha nàng thầm nghĩ:

- Đúng là mỗi nhánh mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh. Có đứa con gái thông minh tú lệ thế này mà nhỡ xảy ra bề gì thì không những tội nghiệp cho con mà còn tổn thương danh giá đến gia tộc. Tuy không thể đáp ứng hết nguyện vọng của con nhưng ta đã có cách.

Ông gọi Thanh Liên đến, ôn tồn nói:

- Con ơi, con biết đấy!... Cha mẹ chỉ có một mình con duy nhất. Gia nghiệp đồ sộ, uy thế vững vàng. Lâu nay biết bao thanh niên thuộc dòng trâm anh thế phiệt, vương tuớng công hầu đến cầu hôn con, nhưng con vẫn một mực từ chối. Cha mẹ không đoán ra ước vọng của con, không thỏa mãn được chí nguyện của con. Cha mẹ buồn lắm! Nếu con thấy trần gian tạm bợ, thế sự vô thường; con chán cảnh tay xách nách mang, chân quàng duyên nợ thì con nên xuất gia đầu Phật, gia nhập Ni chúng, tinh tấn tu hành cho đạt thành chánh giác. Được thế là con đã dương thanh danh, hiển phụ mẫu, báo hiếu cửu huyền thất tổ, đền đáp trọn vẹn bốn ân. Ý con thế nào?

Như  hạn hán gặp mưa rào, khổ nghèo được châu báu, nàng sung sướng đáp:

- Thưa cha, con muốn tu hành phạm hạnh, tránh nghiệp hồng trần. Con muốn xuất gia.

- Hay quá!... Vậy là ý nguyện của con hợp với hoài vọng của cha rồi.

Sáng hôm sau, hai cha con đến yết kiến Thế Tôn, và Thanh Liên được vào Ni viện.

Nếp sống tu hành khiêm cung, dung dị và rất phù hợp với những người cùng chung chí hướng. Ít lâu sau, cô được phân công chăm sóc một thiền thất đặc biệt, dành riêng cho việc tịnh tâm quán  niệm. Một hôm, sau khi quét dọn và thắp đèn xong, cô nhìn ngọn đèn dầu bập bùng nhảy múa một lát rồi đứng yên sừng sững như một mũi kiếm tỏa ánh hào quang. Cô ngồi lặng người, nhìn trân trân ngọn đèn không chớp mắt. Cô tập trung tư duy quán tưởng về những nguyên tố tạo ra ánh lửa và từ từ đi vào chánh định lúc nào không hay. Đến khi xả thiền, cô chứng quả A la hán với thần thông diệu dụng, pháp lực cao cường.

Ít hôm sau, cô vào làng thiền hành khất thực, rồi vô rừng ẩn cư dưới một tàng cây bên vách đá. Thấy cô quyết tâm hành đạo, tịch tịnh công phu, các Phật tử chung nhau xây cho cô một thảo am tương đối ổn định. Thế là cô ngày ngày vào thành Xá Vệ khất thực, xong lui về trú xứ nỗ lực tinh cần,  phát huy đạo nghiệp. Bấy giờ có A-nan-đa (Ànanda), một thanh niên Bà la môn, anh họ của cô, đã âm thầm phát điên vì cô, từ khi cô chưa xuất gia, nhưng chưa có cơ may tiếp cận. Nay được tin cô sinh hoạt một mình trong rừng, cậu quyết ra tay thực hiện mưu kế để thỏa mãn dục vọng. Cậu manh tâm rình rập, chờ đến một sớm mai nọ, như thường lệ, cô bê bát thiền hành khất thực, cậu bí mật lẻn vào thảo am, chui nằm dưới gầm giường, chờ giây phút nồng nàn mà cam chịu kiến vàng đốt chích thân thể.

Khất thực xong, cô về am thất, đóng cửa, thay đồ, và vừa ngồi xuống giường thì A-nan-đa từ dưới gầm giường chui vọt ra, chụp hai vai nàng lật ngửa và đè nàng xuống. Mặc cho nàng vùng vẫy, quát mắng: “ Đồ khốn nạn!... Đồ khốn nạn!... Buông ta ra!... Buông ta ra!... Bà con ơi cứu tôi với!... Bà con ơi cứu tôi với!...” . Rất tiếc, lời cầu cứu của cô quá lẻ loi, đơn độc, mất hút giữa núi rừng. A-nan-đa tha hồ tung hoành bạo lực, vung vít ngôn từ, rồi vội vã ra đi, mặc cho cô ngất xỉu trên tấm ván gỗ.

Vừa lo sợ, vừa ân hận, A-nan-đa cắm đầu cắm cổ đi một mạch. Bất giác cậu sa chân xuống một hố sâu. Cậu cũng cất giọng thất thanh cầu cứu: “ Bà con ơi cứu tôi với!... Bà con ơi cứu tôi với!...” nhưng giọng điệu của cậu cũng lẻ loi, đơn độc và mất hút giữa núi rừng. A-nan-đa chết thê thảm dưới lòng hố lạnh, và chắc chắn đọa vào địa ngục A tỳ.

Đến lúc tỉnh dậy, Thanh Liên, vì đau buồn ấm ức, đem chuyện riêng kể cho một  thân hữu nghe. Cô này mau miệng mách chuyện với các thầy, và các thầy liền trình vụ việc lên Thế Tôn. Được tin, Thế Tôn họp chúng, dạy rằng:

- Này các thầy Tỳ kheo, kẻ ngu si thiếu trí, thô lậu hồ đồ, dù xuất gia hay tại gia, Tăng Ni hay Phật tử, vương tử hay thường dân; nói chung, những ai ham mê khoái lạc, sắc dục trần gian đều buông lung phóng túng, nhếch nhác bê tha; không biết rượu nồng là thuốc độc, mỹ vị là bùa mê; cứ ngửa cổ khề khà, dang tay bấu víu. Họ đang phóng tâm tạo tội, hủy diệt giống nòi mà cứ tưởng như  thể đang nhắm nháp đề hồ, ngậm nghe đường mật. Tiếc thay!  Ngài đọc kệ:

Ác nghiệp chưa chín muồi,

Kẻ ngu tưởng đường mật,

Ác nghiệp khi chín thật,

Kẻ ngu gánh khổ đau.

(PC. 69)

Nhưng rồi một đêm nọ, sau thời tịnh niệm, một số sư trẻ còn thắc mắc, ngồi nán lại trong chánh điện, tiếp tục luận bàn và đánh giá sự thể. Sư Quảng Diễn ra vẻ thông thái, nhanh nhẩu phát biểu:

- Quý huynh đệ thấy đấy, ngay cả những bậc đạo cao đức trọng, suốt đời ẩn cư trong hang động núi rừng, đã vượt ra ngoài vòng vây hãm của lạc thú đam mê; vậy mà mỗi khi gặp nữ sắc là tâm can dồn dập, huyết mạch căng phồng. Còn họ ... chưa phải thánh nhân! Họ đâu phải là cây khô gỗ mục, gò mối đá ong. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, cũng ăn uống ngủ nghỉ và hỷ nộ ái ố như mọi người. Họ có quyền yêu thương hưởng thụ và say đắm với nhau. Tự nhiên và dễ hiểu quá! Thấy ngôn từ của Quảng Diễn thao thao, sắc bén, các sư khác ngồi im re, không biết nói gì thêm.

 Ngay lúc đó, Thế Tôn bước vào, mỉm cười hỏi:

- Các thầy còn luận bàn chuyện gì mà chưa về phòng nghỉ?

Các sư nhìn nhau, im lặng.

Để xua tan nghi hoặc, Thế Tôn tiếp:

- Này các thầy Tỳ kheo, những ai đã vượt ra ngoài vòng vây hãm của lạc thú đam mê, ái ân trần thế thì không còn vướng kẹt trong sắc dục nhân tình. Giống như giọt nước rơi trên lá sen, nó sẽ lăn mất chứ không thể đọng lại trên đó. Cũng thế, hạt cải không thể nằm gọn trên đầu mũi kim; nó sẽ vuột mất. Cho nên, tình yêu đôi lứa, ái dục nhân quần có tăng lên gấp đôi, gấp ba lần cũng không khuấy động được tâm trí của người đã đoạn trừ  lậu hoặc, dứt bặt ái nhiễm. Các thầy thấy sao? Hết phân vân rồi chứ?!

- A Di Đà Phật! Các sư đồng chấp tay và cúi đầu niệm.

Ngài đọc một kệ trong phẩm Bà la môn:

Như nước trên lá sen,

Đầu kim hạt cải mèn,

Dục lạc không vướng mắc,

Ta gọi Bà la môn.

Sau đó Thế Tôn cho mời quốc vương Pa-xen-na-đi, Kô-xa-la (Pasenadi Kosala) đến tu viện Kỳ Viên, nói:

- Quốc vương, như ngài đã thấy, càng lúc càng có nhiều nam nữ thanh niên từ giã gia đình, xuất gia học đạo, tu hạnh giải thoát, ẩn cư trong rừng. Nhưng phụ nữ tu tập trong rừng thì bất tiện quá. Những gã lông bông mất nết, ngôn hạnh hoang sơ cứ lảng vảng rình rập, chờ cơ hội là đột nhập vào am thất mà tung hoành, gây rối. Các cô khó bề an tâm lập nguyện. Nếu có một tu viện dành cho Ni chúng tu học trong thành thì hay quá.

- Sao Thế Tôn không cho con biết sớm!

Quốc vương hoan hỷ nhận lời và hứa sẽ ban hành một đạo luật nghiêm phạt những ai xâm phạm thiền môn và đạo hạnh Ni phái.

Từ đó, nhiều Ni viện mọc lên trong thành, và Ni chúng không được phép ẩn cư tu tập trong rừng nữa.

 


 

ĐANG TÂM NGUYỀN RỦA THÁNH TĂNG

CHUNG THÂN HIỂN HIỆN VẾT HẰN TRẦM LUÂN

Từ lúc biết đi, Sơn Cẩu (Jambuka) không nằm trên giường, không ăn thực phẩm bình thường mà chỉ ăn toàn phân giải của chính mình. Cha mẹ đau lòng, không nỡ vất con, đành bốp bụng nuôi dưỡng và thầm an ủi với nhau: “Nó còn nhỏ, đã biết gì mà trách mắng!” Nhưng khi lớn lên, nó không chịu mặc quần áo, đi đứng trần truồng, nằm lăn dưới đất, chải tóc bằng mảng gai bốm, và cũng chỉ ăn  cứt của nó. Cha mẹ thấy hiện tượng quái đản, xấu hổ với bà con láng giềng, bèn nghĩ: “Thằng nhỏ này khác thường, không thích ứng với nếp sống gia đình; cho nó xuất gia, theo nhóm ẩn sĩ khổ hạnh A-ji-va-ka (Àjivakas), sống lõa lồ trong rừng núi thì phù hợp hơn.

Họ đem con đến gặp vị thượng thủ A-ji-va-ka, thưa rằng:

- Thưa đạo sĩ, cháu này thích sống khổ hạnh, muốn theo hầu hạ đạo sĩ cho trí tuệ  ngày thêm minh mẫn. Xin đạo sĩ từ bi hóa độ cho cháu!

- Được thôi!... nhưng không chịu nổi nếp sống tu hành khổ hạnh thì trả cháu về với gia đình đấy nhé!

- Vâng ạ!... Xin đội ơn đạo sĩ.

Trút được gánh nặng, ông bà mừng thầm, vái chào tạm biệt đạo sĩ, lui gót ra về với đầu óc lâng lâng như  bay theo mây gió.

Ngày hôm sau, A-ji-va-ka gọi Sơn Cẩu đến, nói:

- Sáng nay chúng ta vào làng hóa duyên, hãy theo thầy cho quen với nếp sinh hoạt đạo giáo.

- Thầy đi đi. Con muốn ở yên một chỗ! .- Sơn Cẩu trả lời với hai mắt nhắm nghiền.

Họ thúc giục hai ba lần mà Sơn Cẩu vẫn khăng khăng từ chối.

Khi nhóm ẩn sĩ đi rồi, Sơn Cẩu đến cạy nắp hố xí, chui xuống hầm, hai tay vốc phân, vắt từng cục và cho vào mồm ăn ngon lành. Trưa đến, A-ji-va-ka đưa thức ăn xin được của dân chúng trong làng, nhưng Sơn Cẩu vẫn một mực từ chối, nói:

- Con không cần những thức ăn này. Con có thức ăn riêng của con.

- Thức ăn riêng của con tìm đâu ra?

- Ngay tại đây!

Mấy ngày sau, Sơn Cẩu cũng nhất quyết không đi khất thực. Sanh nghi, A-ji-va-ka cho người mai phục để xem Sơn Cẩu tìm kiếm thức ăn bằng cách nào. Thế là họ bắt quả tang cậu ta chui xuống hố xí ăn cứt. A-ji-va-ka nghe tin, điếng người, nói với đồ chúng:

- Khiếp nhỉ!... Hắn là người hay súc vật? Nhỡ ra đồ đệ của Sa môn Gô-ta-ma biết được chuyện này, rồi họ rêu rao rùm beng lên rằng: “ Nhóm ẩn sĩ khổ hạnh A-ji-va-ka đang luyện tập pháp môn ăn cứt”, thì chúng ta còn mặt mũi nào đối diện với mọi người và phát huy đạo nghiệp! Nghiệt quá!...

Họ quyết định trục xuất Sơn Cẩu ra khỏi đoàn thể ngay tức khắc.

Bơ vơ lạc lõng, không biết về đâu, Sơn Cẩu đành tạm ẩn trong một hang núi, và ngày đêm đến hố xí công cộng ăn cứt.

Một hôm, có mấy người trên đường đến cầu tiêu, thấy Sơn Cẩu đứng thẳng người, chân trái gác trên đùi chân phải, tay vịn tảng đá, miệng hả toang hoác, mắt trợn ngược nhìn thẳng hướng gió như đang luyện tập bùa phép.

Thoáng thấy Sơn Cẩu, ngỡ rằng đạo sư đang phù chú phong vũ, họ rón rén tiến đến gần, thi lễ và hỏi:

- Thưa đạo sĩ, sao ngài trợn mắt, hả miệng thế?

- Ta là người ăn gió, ngoài ra không dùng một loại thực phẩm nào khác.

- Ngài đứng co chân như vậy để làm gì?

- Tu luyện khổ hạnh. Nếu ta đi hai chân, trái đất sẽ rung chuyển và vỡ ra từng mảnh. Ta đứng một chân vì thương các ngươi đấy! Ta nguyện suốt đời đứng như thế này, không ngồi và chẳng bao giờ nằm.

Thế là họ tin lời Sơn Cẩu. Và chẳng mấy chốc, nguồn tin ẩn sĩ thánh thiện dị thường loan truyền khắp kinh thành Ma Kiệt Đà (Magadha). Dân chúng đua nhau dâng hiến thực phẩm đủ thứ, nhưng Sơn Cẩu dửng dưng đáp:

- Ta chỉ ăn gió thôi. Ta không thọ dụng thực phẩm. Vì nếu ta dùng thực phẩm như các ngươi thì còn gì là ẩn sĩ khổ hạnh, hy hữu trên đời.

Nghe thế, dân chúng lại càng kính trọng hơn. Họ tha thiết khẩn cầu:

- Kính bạch đạo sĩ, xin thương tình chiếu cố chúng con. Nếu như đạo sĩ nhận từ tay chúng con chút quà nhỏ mọn này thì chúng con chắc chắn sẽ được giàu sang phú quý, phúc thọ khang an.

Trước sức ép van nài, và để đề cao tâm nguyện từ bi, Sơn Cẩu ngắt một lá cỏ cô-xa, quẹt một chút mật ong và mạch nha họ dâng cúng, đặt trên đầu lưỡi của mình, và nghiêm giọng nói:

- Đủ rồi!... Các ngươi hãy ra về với trọn lời nguyện ước.

Sơn Cẩu đi lại lõa lồ, ăn uống phân giải, chải tóc bằng mảng gai bốm, và nằm lăn trên đất đá suốt năm mươi lăm năm như vậy.

Như thường lệ, sáng nào Thế Tôn cũng vận dụng Phật nhãn quán sát thế gian, xem ai có duyên với Phật pháp trước khi Ngài ôm bình thiền hành, khất thực. Một hôm, ẩn sĩ lõa thể Sơn Cẩu lọt vào mạng lưới tri kiến của Ngài. Và ngay tức khắc, Ngài nhận ra tiềm năng giác ngộ siêu việt của Sơn Cẩu đã đến lúc chín muồi. Ngài thầm nghĩ: “Ta chỉ đọc một câu kệ mà Sơn Cẩu và tám muơi bốn ngàn chúng sanh ngộ đạt chánh pháp, giũ sạch vô minh” .

Ngày hôm sau, Thế Tôn  khất thực một vòng thành Vương Xá, xong trở về tịnh thất, nói với Trưởng lão A Nan:

- A Nan, Thầy định đến gặp ẩn sĩ lõa thể Sơn Cẩu.

- Thế Tôn đi một mình?

- Ờ, một mình tiện hơn.

Và Ngài lên đường vào lúc chạng vạng tối.

Đến nơi Sơn Cẩu ẩn cư, Thế Tôn báo hiệu bằng cách đằng hắng giọng, gọi:

- Sơn Cẩu!... Sơn Cẩu!...

- Thằng quỷ nào biết mình mà gọi vậy hè! .- Sơn Cẩu lầm bầm, đáp:

- Ai đó?

- Ta đây! Một Sa môn đây!

- Đại sư muốn gì?

- Xin vui lòng cho ta trú một đêm.

- Không còn chỗ!

- Chỉ một đêm thôi, Sơn Cẩu. Làm phước mà!...

- Chớ nói nhiều. Đây không phải nhà trọ. Sa môn có chỗ Sa môn, ngựa trâu có chỗ sinh tồn ngựa trâu. Thế gian lắm chuyện ưu sầu, lưu manh xỏ lá biết đâu mà lường!

- Ta van xin Sơn Cẩu!...

- Ơ, hay nhỉ!... Thế... Sa môn mà bình bát và túi lọc nước đâu?

- Đi nơi nào cần ta mới mang chúng theo.

- Vậy thì đến nơi nào cần mà ở!...

Bấy giờ cách nơi ẩn cư của Sơn Cẩu không xa có một hang núi, Thế Tôn đến nghỉ đêm tại đó.

Canh một, Tứ Đại Vương đến hầu Thế Tôn, tỏa hào quang rực rỡ bốn hướng. Canh hai, Đế Thích thay phiên. Canh ba, đến lượt Đại Phạm Thiên, và cả dãy núi sáng mát như ánh trăng rằm. Thấy hiện tượng kỳ lạ, Sơn Cẩu kinh ngạc, cả đêm không sao chợp mắt.

Sáng sớm hôm sau, Sơn Cẩu đến gặp Thế Tôn, vái chào thân thiện, rồi trịnh trọng đứng sang một bên, hỏi:

- Đại sư, đêm qua ai đến với đại sư mà cả dãy núi sáng rực lên thế?

- Tứ Đại Vương, Đế Thích và Đại Phạm Thiên.

- Họ đến để làm gì?

- Hầu hạ ta!

- Đại sư cao quý hơn Phạm Thiên, Đế Thích?

- Dĩ nhiên!... Ta là nhơn thiên chi Đạo Sư. 

- Đại sư không đùa đấy chứ!

- Mỗi lời nói của Như Lai, muôn ngàn năm vẫn không sai lời nguyền.

- Ngài cao siêu và huyền diệu quá! Ta đã năm mươi lăm năm nhọc nhằn khổ luyện trên cõi đời này, nhất là những năm tháng gần đây, ta đứng một chân, sống nhờ không khí, vậy mà được mấy ai đoái hoài thương tưởng!

- Sơn Cẩu, ngươi có tài ứng khẩu đấy!... Ngươi đã lừa được nhiều người khờ khạo. Giờ đây ngươi định lừa ta nữa sao? Chẳng phải suốt năm mươi lăm năm qua ngươi sống nhờ phân người, đi đứng lõa lồ, nằm trên đất đá, và chải tóc bằng mảng gai bốm? Ngươi đã dài hơi lừa bịp mọi người rằng: “Ta ăn không khí; chỉ đứng một chân; không bao giờ ngồi; chẳng bao giờ nằm”. Ngươi đang tìm cách maø mắt ta nữa đấy chắc! Ngươi biết nguyên do vì sao ngươi bị đọa đày hèn mạt, khốn nạn như vậy không?

- Không biết, xin Đại sư chỉ cho!

- Vì gian tâm tà kiến, vọng ngôn ác khẩu của ngươi trong tiền kiếp!

- Trời ơi!... Con đã làm gì, bạch Đại sư!

- Vậy thì hãy lắng nghe:

*

*    *

Từ thuở xa xưa, trong thời Đức Ca Diếp (Kassapa) chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, có một cư sĩ thuần thành, chánh tín Tam bảo, thiết lập một thảo am và dâng hiến tứ sự cúng dường cho một Trưởng lão tu tập. Bấy giờ có một Thánh tăng, đã chứng quả A la hán, thiền hành khất thực trước nhà cư sĩ. Thấy phong thái uy nghi, dung nhan hiền hòa của vị du Tăng, gia chủ sanh tâm cung kính, mời sư vào nhà cúng dường thực phẩm sang trọng, và một khổ vải để may y hậu. Sau đó ông gọi thợ hớt tóc đến cắt tóc cho sư, và tự tay kê giường cho sư nằm nghỉ trong một phòng biệt lập ngoài vườn.

Kịp lúc Trưởng lão đến nhà cư sĩ khất thực như thường lệ, thấy cảnh du Tăng được đãi ngộ đặc biệt, sư nổi máu ganh tị; và trên đường về thảo am, sư cứ ấm ách trong lòng:

- Mới từ đâu đến mà được trọng vọng thế sao! Ta có còn là Trưởng lão nữa không! Bấy lâu nay ta chưa được cái ưu ái đó!

Đêm đến, vì ngọn lửa tham lam, sân hận, si mê cứ nung nấu tâm can, không sao chợp mắt, sư thường trụ bèn chống gậy đến gặp du Tăng, chỉ tay vào mặt, và gằn giọng nhục mạ:

- Ông khách, đừng giả vờ nghiêm trang đạo mạo để được tứ sự cúng dường nhé! Ngươi nên ăn cứt còn hơn ăn cơm của thí chủ! Tóc tai như ngươi mà cắt tỉa, chỉ cào bừa bằng loại gai bốm thôi! Hạng người như ngươi mà cũng y hậu chỉnh tề, tứ thời trần truồng trùng trục thì phải phép hơn!  Còn nữa, thân xác đó mà nằm trên giường chiếu thì phí quá, trên đất cát sỏi đá thì phù hợp hơn!

Với lòng từ bi lân mẫn, Trưởng lão du tăng chỉ biết im lặng và thầm niệm:

- Nguyện cầu hồng ân Tam bảo phù hộ độ trì cho pháp hữu của con khỏi bị quả báo vì tội lộng ngôn ác khẩu, ganh ghét tị hiềm. Con xin hỷ xả tất cả.

Nửa đêm hôm đó, Trưởng lão du tăng lặng lẽ rời khỏi nhà thí chủ với lòng thông cảm bao la.

Vì ác tâm tà kiến, ngôn hạnh thô lậu, Trưởng lão thường trụ tuy đã trải qua hai mươi ngàn năm thiền định tu tập nhưng vẫn chưa đủ công năng hiệu lực, hết kiếp vẫn bị đọa vào địa ngục A tỳ, chịu nhiều thống khổ. Nay được đầu thai làm người thì phải cưu mang bốn nghiệp: ngày ngày ăn cứt, đi đứng trần truồng, tóc chải gai bốm, nằm trên sỏi đá. Hủy báng Thánh tăng, trọng tội thế đấy, Sơn Cẩu!

Như sét đánh ngang tai, Sơn cẩu khuỵu người, ôm chân Phật khóc sướt mướt, van xin:

- Thế Tôn ơi, cứu con với!... Cứu con với Thế Tôn ơi!... hu... hu...

Động lòng bi mẫn, Thế Tôn dang hai tay nói:

- Hãy đến đây, Tỳ kheo!... Hãy sống đời phạm hạnh!

Nhờ uy lực nhiệm mầu của Đức Thế Tôn, nhất là nhờ hai mươi ngàn năm tu tập thiền định, Sơn Cẩu đột nhiên hiện tướng Sa môn với phong thái trang nghiêm, y bát đầy đủ.

Hôm đó dân chúng đua nhau đến kinh thành Ma Kiệt Đà cúng dường lễ vật cho Sơn Cẩu. Thoáng thấy Thế Tôn, họ liền nghĩ:

- Ai vĩ đại hơn? Ẩn sĩ cao minh Sơn Cẩu của chúng ta, hay Sa môn Gô-ta-ma?

Rồi họ đi đến kết luận:

- Gô-ta-ma đích thân đến tìm Sơn Cẩu, vậy thì ẩn sĩ dứt khoát phải được tôn vinh hơn Sa môn.

Đọc được tâm ý của dân chúng, Thế Tôn nói:

- Sơn Cẩu, hãy giải nghi cho những ai còn thắc mắc.

Sơn Cẩu vọt lên quỳ giữa không trung, chấp tay hướng về chính diện Thế Tôn, nói:

- Ngưỡng bạch Thế Tôn, Thế Tôn là Đạo Sư, là đấng cha lành của chúng sanh, vinh hạnh cho con được làm đệ tử Ngài.

Sơn Cẩu đáp xuống đất và lễ Phật ba lạy.

Dân chúng thấy vậy, hân hoan tán thán:

- Kỳ diệu thay thần lực của Thế Tôn. Chúng con xin kính lễ Ngài.

Và Thế Tôn đáp lời:

- Này thiện nam tín nữ, lâu nay Sơn Cẩu sống nhờ lá cỏ cô-xa mà quý vị đã mang đến. Nay ta hoàn tất đạo nghiệp cho ẩn sĩ. Có điều nếu như  Sơn Cẩu kiêng khem thực phẩm qua cảm nghĩ ăn năn hối lỗi, thì những khổ luyện như thế không bằng một phần mười sáu chánh niệm công đức trang nghiêm.

Ngài đọc kệ:

Kẻ ngu sống hằng tháng,

Nhờ ngọn cỏ cô-xa,

Chưa bằng phần mười sáu,

Người hiểu chánh pháp mà!

(PC. 70)

 

--- o0o ---