Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Chương 3 - Dòng dõi đức Phật

19 Tháng Sáu 201612:41 CH(Xem: 2582)
Chương 3 - Dòng dõi đức Phật

Phật Học Tinh Yếu 1
HT Thích Thiền Tâm

 

Thiên Thứ Nhất
Chương Ba

Dòng Dõi Đức Phật

Tiết Mục:

I. Chủng tộc Sát đế lỵ
II. Dòng Cam Giá
III. Họ Thích Ca
IV. Gia thuộc.

Pháp Tạng trích dẫn: Kinh Phật Thuyết Thất Phật, kinh Khởi Thế Nhân Bản, kinh Phật Bản Hạnh, kinh Phật Thuyết Thập Nhị Du.

Đề yếu: Chủng tộc Sát đế lỵ trong tiết thứ nhất, đại khái chỉ cho dòng dõi thống trị, viễn nhân của giai cấp Sát đế lỵ về sau, chớ lúc ấy chưa có giai cấp đó. Tiết thứ hai, thứ ba, lược thuật về trạng thái của kiếp giảm, con người dần dần kém phước, nên từ Đại chuyển luân vương truyền đến Tiểu chuyển luân vương rồi Túc tán vương. Trong hàng Túc tán vương này, đã sản xuất ra họ Thích Ca thuộc chủng tộc Cam Giá (Iksvàku). Tiết thứ tư mới chánh thức nói đến gia thuộc của đức Phật, do một mạch liên lạc từ khi kiếp sơ biến chuyển đến thời gian ấy.

Theo sử sách thì chủng tộc Thích Ca ở dưới chân núi Hy mã, về phía bắc sông La Bạt Đề (Rapti) chiếm một diện tích ước 320 dặm vuông. Giữa khu vực ấy lại có con sông Rô Hi Ni (nay là sông Rohana) chảy xuyên qua. Thành Ca Tỳ La Vệ vị trí ở về phía tây bắc sông này, nơi đã sản xuất ra bậc thánh nhân cứu thế.

Tiết I: Chủng Tộc Sát Đế Lỵ

Đức Phật bảo: Ta sinh nơi cung vua Tịnh Phạn, thuộc chủng tộc Sát đế lỵ (Kinh Phật Thuyết Thất Phật).

Này các Tỷ khưu! Vào thuở kiếp sơ, lúc thế gian mới phân chia ruộng nương, mới có danh tự, chưa thành lập sự trừng phạt, có một chúng sinh tiếc giữ lúa của mình, trộm lấy của kẻ khác. Có người trông thấy liền bảo rằng: "Này anh kia! Tại sao anh đã có lúa mà trộm lấy của kẻ khác? Anh đã làm chuyện xấu xa tội ác rồi! Thôi, tôi tha cho, từ rày đừng còn như thế nữa".

Kẻ trộm kia tuy đã được tha, song vẫn không hối lỗi, tái phạm nhiều lần. Sau cùng, anh bị chúng bắt lôi đến chỗ đông, trách mắng, đánh đập, rồi hô to lên rằng: "Đây là kẻ trộm đạo!" Nhưng anh trộm kia vẫn chối cãi, chống cự, và nói: "Tôi không có tội gì cả! Mấy người này dùng lời thô mắng chửi tôi, dùng tay đánh đập tôi". Bấy giờ đại chúng đang tụ tập ở đó, thấy thế đều sinh lòng buồn rầu. Nhiều người thương khóc nói: "Hôm nay trong bọn chúng ta có những kẻ đã đem nhau đến chỗ khổn ác, đã sinh ra pháp chẳng lành, đã bị phiền não làm tăng trưởng quả khổ đời sau, và sẽ hướng về ác thú. Tại sao thế? Vì chúng ta hiện thấy mấy người này co kéo, mắng chửi xua đuổi nhau. Bây giờ bọn ta nên công cử bậc chân chánh lên làm chủ để xử đoán mọi việc, kẻ nào đáng quở trách thì quở trách, đáng trừng phạt thì trừng phạt, đáng xua đuổi thì xua đuổi. Đối với vị ấy, chúng ta nên trích mỗi người một phần lúa để cung cấp". Sau khi đại chúng đã bình luận như thế rồi, đồng ưng thuận tìm cầu một vị làm Thủ hộ chủ.

Lúc đó trong đám đông có một người hình vóc đoan chánh, diện mạo tôn nghiêm, cử chỉ nghi dung rất là đáng mến. Chúng liền cử vị ấy lên làm Hộ chủ, người này cũng vui lòng ưng thuận. Từ đó về sau, việc xử phạt nghiêm minh, không còn ai tranh cải lấn hiếp ai, đại chúng cũng y theo lệ, chung nhau đóng góp để chung cấp cho vị Hộ chủ ấy. Cứ như thế đời này tiếp đời kia, thành ra chủng tộc Sát đế lỵ (Kinh Khởi Thế Nhân Bản).

Này các Tỷ khưu! Các ông nên biết, vua Sát đế lỵ cũng gọi là Điền chủ; bởi kiếp tối sơ do nhân duyên như thế, đại chúng mới công cử, nên thành ra vương chủng vậy (Kinh Phật Bản Hạnh).

Tiết II: Dòng Cam Giá

Đức Phật bảo: Bấy giờ vị vua do đại chúng công cử, về sau sinh được một hài nhi tên là Chân Thật. Đứa bé này đủ 32 tướng tốt, sau làm Chuyển luân vương, là bậc đại địa chủ, cai trị bốn châu thiên hạ, có một ngàn người con, bảy báu tự nhiên đầy đủ, oai đức rộng lớn, nhiếp phục tất cả giặc loạn. Khi vị vua ấy còn trị hóa ở đời, từ đất liền cho đến bờ biển, không có gai gốc và gò nổng cao thấp. Lúc đó nhân dân được an vui, không gặp sự sợ hãi khó khăn, ngũ cốc đều tươi tốt. Vua cai trị đúng theo chánh đạo, nên không cần động đao binh mà các nơi tự hàng phục.

Này các Tỷ khưu! Trong một ngàn người con của vua Chân Thật, có vị trưởng tử tên là Ý Hỷ, cũng gọi là Tự Dụng, sau nối ngôi làm Chuyển luân thánh vương. Vị Luân vương này cũng có bảy báu, một ngàn người con, oai đức và cách trị hóa y như vua cha. Kế Ý Hỷ luân vương là Đảnh Sanh luân vương, tương truyền như thế cho đến đời Đại Tu Di luân vương. Từ vua Chân Thật cho đến Đại Tu Di, kể ra có đến 29 đời Chuyển luân thánh vương.

Vua Đại Tu Di từ khi lên ngôi trị hóa, mỗi đời truyền nhau, được 101 vị Tiểu chuyển luân vương, đều cư ngụ ở thành Bao Đa na, hưởng nhiều phước lạc. Trong các vì vua ấy, vị rốt sau tên là Sư Tử Thừa lên nối ngôi, rồi truyền lại cho con cháu đến 61 đời Tiểu chuyển luân vương, đều cư ngụ ở thành Ba La Nại, trị hóa dân chúng, hưởng phước an vui. Từ vua Sư Tử Thừa truyền cho đến vua Đại Tự Đại Thiên ở thành Mỵ Di La, kể chung có đến 173.122 đời Tiểu chuyển luân vương, chỗ cư trụ tùy theo mỗi lớp, đều có thay đổi.

Này các Tỷ khưu! Các vì vua ấy tương truyền cho đến vị sau rốt là Ngư Vương. Nên biết các bậc Tiểu chuyển luân vương như thế, đều có nhiều phước đức căn lành, hưởng đủ phước báo ở đời, thống trị từ miền đất liền cho đến mé biển, cùng tất cả vùng rừng núi. Những Luân vương ấy, mỗi vị đều có nhiều Túc tán vương. Nay ta kể tiếp cho các ông nghe:

Ngư vương có người con làm vua một cõi, tên là Chân Sanh. Vị hoàng vương này nhân từ đời tổ phụ cho đến bản thân đều có tu tập căn lành, nên mới được ở địa vị cao; nhưng không bao lâu vì phước báo hết nên mất ngôi. Dân chúng thời ấy thấy vua phước đức kém, đáng thương xót, nghèo nàn đơn bạc hơn các đời vua trước, nên lại đặt hiệu là Khả Quật vương. Song vua Khả Quật may có được người con phước đức lên nôi ngôi, tên là Bình Đẳng Hạnh vương. Rồi từ vua Bình Đẳng hạnh mỗi đời truyền nhau cho đến vua Đại Mâu Thảo kể được 142 đời vua, đều cư trụ ở thành Bao Đa Na. Chẳng may tới đời vua Đại Mâu Thảo lại không có con truyền nối. Ông nghĩ rằng: "Các vị Túc tán vương trong dòng họ của ta, mỗi khi thấy tóc trên đầu điểm bạc, liền hội các con lại làm lễ quán đảnh, tùy theo vị thứ phong cho vương tước. Riêng mình thì đem sản vật của một châu trù phú nhất để bố thí, rồi cạo râu tóc, từ ngôi vua, xuất gia tu hành. Nay ta không có con, ai sẽ nối ngôi ta? Ai sẽ nối dõi dòng họ của ta? Nhưng lại tự nghĩ: "Nay nếu ta không xuất gia tu hành, tức là làm mất chủng tộc hiền thánh". Suy nghĩ cùng cạn như thế, vua Đại Mâu Thảo liền đem việc nước gia cho các vị đại thần, rồi cạo râu tóc xuất gia.

Sau khi xuất gia, ông giữ giới thanh tịnh, tu hành tinh tấn, chứng được tứ thiền, có đủ ngũ thông, thành bậc vương tiên. Vị vương tiên ấy sống rất lâu, da nhăn lưng còm, thân thể suy yếu, tuy chống gậy nhưng không đi được xa. Mấy đệ tử của vương tiên, khi muốn khất thực hay có việc đi đâu, thường dùng cỏ nhuyển lót trên cái giá để thầy ngồi, rồi treo rút lên cây, vì sợ các loài thú đến khuấy nhiễu tiên nhơn trong cơn thiền định. Một hôm, sau khi hàng đệ tử đi khất thực, có anh thợ săn ở xa trông thấy vương tiên, ngỡ là loài chim, trương cung bắn chết. Các môn đệ lúc khất thực trở về, thấy thầy bị tuẫn nạn, liền chất củi làm lễ trà tỳ, rồi thâu linh cốt xây bảo tháp, thường dùng hương hoa để cúng dường.

Trong lúc vương tiên bị tên, có hai giọt máu nhỏ xuống đất. Chỗ hai giọt máu ấy, về sau sinh ra hai mục mía (cam giá). Hai mục mía này dần dần cao lớn, nắng rọi mưa chan, không bao lâu đã đến thời kỳ thuần thục. Ngày nọ, nơi hai thân cây bỗng nổ vang lên tiếng lớn, xuất hiện một đồng nam và một đồng nữ, tư dung sinh đẹp vô cùng. Hàng đệ tử của vương tiên thấy thế, nghĩ rằng thầy mình lúc còn tại tục không có con cái, nay hai đứa bé này cũng là huyết thống của người, liền hết lòng nuôi dưỡng và báo cho các vị đại thần hay. Khi mấy vị đại thần nghe nói, rất đổi vui mừng, cùng nhau đến rừng rước hai đứa bé đem về cung, rồi thỉnh một vị Bà la môn đến xem tướng và đặt tên. Vị Bà la môn xem xong, khen là phước tướng, lại nhân đứa đồng tử này do ánh mặt trời rọi vào thân cây mía, đến ngày thuần thục mà được xuất sanh, nên đặt họ là Cam Giá Sanh, tên là Thiện Sanh, cũng gọi là Nhật Chủng. Còn đứa đồng nữ thì đặt tên là Thiện Hiền, cũng gọi là Thủy Ba. Về sau, Cam Giá Sanh được tôn lên làm vua, và Thiện Hiền thì làm đệ nhất vương phi của vua (Kinh Phật Bản Hạnh).

Tiết III: Họ Thích Ca

Vua Cam Giá có bà vương phi thứ hai, tư dung rất xinh đẹp. Bà này sinh được bốn người con tên là: Cự Diện, Kim Sắc, Tượng Chúng và Biệt Thành. Còn Thiện Hiền vương phi chỉ sinh một con tên là Trường Thọ. Luận về dung mạo, Trường Thọ vương tử rất khôi ngô tuấn tú, ít có người hơn; nhưng theo tướng sư, thì vương tử không đủ cốt cách làm vua một nước lớn.

Cũng vì lẽ ấy, nên Thiện Hiền vương phi hằng đem lòng lo buồn. Bà nghĩ: "Bọn Cự Diện bốn đứa thảy đều oai dũng, ta chỉ có một người con, phải làm thế nào cho nó được nối ngôi? Hiện thời vua rất yêu quí ta, hằng quyến luyến ít khi xa rời. Vậy ta phải trang điểm cực kỳ xinh đẹp làm cho ngài say mê, rồi nhân lúc vắng vẻ ta sẽ cầu xin điều đó". Sau khi suy nghĩ như thế, tóc tẩm dầu thơm, chải bới vén khéo, điểm phấn thoa son, đầu kết vòng hoa, cổ đeo chuỗi anh lạc, rồi đi đến chỗ vua. Cam Giá vương thấy bà kiều diễm như vậy, càng thêm say đắm. Trong lúc đi nghĩ, chỉ có hai người, vương phi tâu rằng: "Thưa đại vương! Thiếp may mắn được nhờ ơn yêu dấu, nay có một điều tâm nguyện, xin đại vương thuận cho". Vua bảo: "Ái phi! Nàng có điều chi mong ước, cứ nói ra, ta sẽ chấp thuận". Vương phi lại tâu: "Nếu đại vương hứa nhận sự yêu cầu của thiếp, xin chớ cải hối, bằng có như thế thì thiếp không dám tỏ ra". Vua nói: "Ta nhất định thuận theo sở nguyện của Ái phi, nếu về sau mà cải hối thì đầu của ta sẽ bị vở ra làm bảy mảnh". Sau khi nghe vua đã hứa như thế, vương phi tâu xin đuổi bốn anh em Cự Diện ra khỏi nước, để cho con mình được nối ngôi. Cam Giá vương biết bốn con không có lỗi lầm, khó lấy cớ chi mà đuổi ra khỏi nước, nhưng vì vương phi nài nỉ, nhắc lại lời thề, nên kết cuộc vua phải theo.

Sáng ra, vua gọi bốn hoàng tử đến bảo: "Các con hãy sắp đặt rời khỏi xứ này, đi đến nơi khác mà ở". Bốn vương tử quì xuống tâu: "Bạch phụ vương! Chúng con không có lỗi chi, cớ sao phụ vương lại nỡ đuổi đi nơi khác?". Vua nói: "Đó là ý kiến của Thiện Hiền vương phi, cha đã hứa lỡ, nên trót phải theo". Khi ấy đệ nhị vương phi, mẹ của bốn hoàng tử, và các bà phi khác, biết được tin ấy, cũng xin vua đem con cái và quyến thuộc đi theo. Kế đó, các hàng đại thần, các quan văn võ, quân giữ voi ngựa, quân cung nổ, quan quân giữ kho tàng, cũng xin đem bè đảng quyến thuộc đi theo. Trước tình cảnh ấy, không biết nói sao, vua cũng đành chấp thuận. Rồi cho đến các thợ làm đồ bằng tre, thợ mộc, thợ da, thợ đúc ngói gạch, thợ gầy rượu, thợ cạo, thợ nhuộm, các dược sư, y sĩ, hàng nông, mục, ngư, tiều, nghe vua đuổi bốn hoàng tử, cũng xin đem tất cả quyến thuộc đi theo. Trước khi khởi hành, vua bảo bốn hoàng tử rằng: "Từ nay về sau, nếu muốn kết hôn, các con đừng chọn người ngoại tộc, chớ để cho dòng Cam Giá phải bị đoạn tuyệt". Bốn vương tử cúi lạy vâng lời, rồi hướng dẫn đoàn người đi về phía bắc, dưới dãy Tuyết sơn.

Đoàn người đi chầm chậm, dọc đường săn bắn các loài cầm thú dùng làm thức ăn, sau rốt đi đến một chỗ đất đai phì nhiêu bằng phẳng, thảo mộc xanh rậm tốt tươi. Nơi đây có những ao đầm rộng lớn, nước dẫy đầy trong sạch. Lại có các loại cây như: cây Đa la, cây A thuyết tha, cây Ni câu đà, cây Ưu đàm bà la, cây Ca lê la v.v... gốc cao tàn lớn, cành lá giao nhau, phủ che rậm mát cả một vùng. Lại có những thứ hoa đẹp như: hoa A đề mục đa, hoa Chiêm ba, hoa A du ca, hoa Ba đa la, hoa Bà lỵ sư ca... và các thứ cây có quả, các loại tạp cầm, dã thú rất nhiều, cành sắc rất nên xinh đẹp. Chỗ này nguyên xưa là nơi cư ngụ của một vị tiên tên là Ca Tỳ La (Kapila: Kiếp Tỷ La).

Các vị vương tử tìm được chỗ tốt, liền quyết định ở đó lập thành ấp để trị hóa. Mỗi vị đều vâng lời cha, lựa người trong họ mà kết hôn. Sau vua Cam Giá hay được, trong lòng vui mừng, khen rằng: "Các con ta khéo lập quốc kế, hay đem nhân đức trị hóa thần dân". Nhân đó, bốn vương tử mới lấy họ là Thích Ca (Năng Nhân cũng gọi là Kiều Đáp Ma, xưa dịch Cù Đàm), lại nhớ gốc tích của vị tiên xưa ở đó, nên đặt tên thành là Ca Tỳ La. Về sau ba vị vương tử lần lượt qua đời chỉ còn một vị trụ thế trị vì, lấy hiệu là Ni Câu La vương. Vua Ni Câu La sau truyền ngôi cho con là Câu Lư, Câu Lư truyền cho Cù Câu Lư, Cù Câu Lư, truyền cho Sư Tử Hiếp. Sư Tử Hiếp vương sanh được bốn trai một gái, khi lớn tuổi truyền ngôi cho người con cả là Duyệt Đầu Đàn, đời đời nối tiếp ở tại thành Ca Tỳ La, trị hóa nhân dân, hưởng nhiều phước lạc. (Thành ấy bây giờ là xứ Piprawa, phía đông bắc là tỉnh Ba La Nại, Bénarès, phía nam là xứ Népal) (Kinh Phật Bản Hạnh).

Tiết IV: Gia Thuộc

Bấy giờ vị quốc chủ xứ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) là Tịnh Phạn vương (cũng gọi là Bạch Tịnh vương). Cách thành Ca Tỳ La không xa, lại có một thành tên là Thiên Tý. Nơi thành này hiện cư ngụ một nhà Thích chủng rất hào quí, tên là Thiện Giác trưởng giả. Trưởng giả giàu lớn, đầy đủ oai đức, tư sản to tát, các kho châu báu rất nhiều, nhà cửa đẹp lộng lẫy như cung điện Tỳ Sa Môn thiên vương.

Vị Thích trưởng giả này sinh được tám người con gái đẹp là: Vi Ý, Vô Tỷ Ý, Đại Ý, Vô Biên Ý, Kế Ý, Hắc Ngưu, Sấu Ngưu và Đại Huệ. Nàng con gái thứ tám, trong buổi sơ sinh, có vị Bà la môn đến xem tướng và nói: "Cô bé này lớn lên, nếu có gia thất, sẽ sinh một người con làm Chuyển luân thánh vương, bảy báu tự nhiên, oai đức đầy đủ, cho đến không cần dùng hình phạt mà trị dân".

Vua Tịnh Phạn (Suđhodana) nghe nói cô gái thứ tám của Thiện Giác trưởng giả có tướng sanh con quí, liền nghĩ: "Ta sẽ cưới người con gái ấy làm hoàng hậu, để cho ngôi Chuyển luân của dòng Cam Giá ta không đoạn tuyệt". Nghĩ rồi, ngài sai sứ đến nhà Thiện Giác trưởng giả hỏi xin Đại Huệ. Trưởng giả trình với sứ rằng: "Ông về tâu lại cùng đại vương, nói tôi có tám con gái, đứa lớn là Vi Ý đứa út là Đại Huệ, tại sao đại vương lại hỏi đứa nhỏ nhất? Vậy xin đại vương chờ tôi gả bảy đứa lớn xong, việc ấy sẽ định sau". Sứ giả về thưa lại, Tịnh Phạn vương bảo: "Nếu như thế, ta sẽ rước luôn tám nàng về cung". Hai bên ưng thuận xong xuôi, đến ngày nghinh hôn, Tịnh Phạn vương cưới cô lớn là Vi Ý và cô út là Đại Huệ. Còn ba hoàng đệ của ngài thì cưới sáu cô kia, mỗi vị hai nàng, đem về làm phi. (Kinh Phật Bản Hạnh).

Vua Bạch Tịnh có ba người em trai, kể theo thứ tự là: Cam Lộ Tịnh Vương, Hộc Tịnh vương, và Thiết Tịnh vương. Hai vị phối thất của ngài, mỗi người sinh một con, hoàng hậu Ma Gia (Maya) sinh ra thái tử Tất Đạt Na, còn bà Kiều Đàm Di (cũng gọi là Ba Xà Ba Đề: Prajàpati) sinh ra Nan Đà. Cam Lộ Tịnh vương có hai con, con lớn là Điều Đạt (Đề Bà Đạt Đa), con thứ là A Nan. Hộc Tịnh vương có hai con, con lớn là Thích Ma Nạp, con thứ là A Na Luật. Thiết Tịnh vương cũng có hai con, con lớn là Thích Ca Vương, con thứ là Thích Thiếu Vương.

Thái tử Thích ca Tất Đạt Đa (Sakya Siđhàrtha) sinh vào tháng tư, lúc mặt trời mọc, nhằm ngày trăng tròn (theo lịch Trung Hoa thì mùng 8, tháng 4) trước Gia Tô 624 năm). Điều Đạt sinh ngày mùng 7 tháng 4, Nan Đà ngày mùng 9 tháng 4, A Nan ngày mùng 10 tháng tư.

Thái tử thân cao một trượng sáu thước (thước một), Điều Đạt cao một trượng năm thước tư, A Nan cao một trượng năm thước ba. Trong họ Thích Ca, hàng quí tộc phước đức thường thường cao một trượng bốn thước. Còn nhân dân trong nước mức cao trung độ một trượng ba thước (Kinh Phật Thuyết Thập Nhị Du).