Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Chương 6 - Bốn kỳ kết tập

19 Tháng Sáu 20162:57 CH(Xem: 4454)
Chương 6 - Bốn kỳ kết tập

Phật Học Tinh Yếu 1
HT Thích Thiền Tâm

 

Thiên Thứ Nhất
Chương Sáu

Bốn Kỳ Kết Tập

Tiết mục:

  1. Kỳ kiết-tập thứ nhất
  2. Kỳ kiết-tập thứ hai
  3. Kỳ kiết-tập thứ ba
  4. Kỳ kiết-tập thứ tư
  5. Đại-thừa kiết-tập

 

Kinh sách tham khảo: Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự, Ma-Ha-TăngKỳ-Luật, Ấn-Độ-Phật-Giáo, Phật-Học-Đại-Cương, Phật-HọcChỉ-Nam, Ấn-Độ-Phật-Giáo-Sử-Lược, Tuyển-Tam-Tạng, PhậtGiáo-Ký-Lục.

 

Đề yếu: Khi Phật còn tại thế, giới hạn của Luật và Pháp chưa được khu phân rõ rệt. Luật và Pháp được phân chia rõ rệt khởi thủy từ kỳ kiết-tập đầu tiên. Theo Nguyên-thủy Phậtgiáo, kỳ kiết-tập nầy, Ngài A-Nan tụng tạng Kinh gồm bốn bộ A-Hàm, Ngài Ưu-Ba-Ly tụng tạng Luật, còn tạng Luận thì chưa được thành lập. Lần kiết-tập 100 năm sau Phật diệt độ, tuy khởi nguyên từ mười điều phi pháp do Bạt-Kỳ sáng chế, song chủ yếu của sự trùng tuyên Pháp-tạng là để ngăn ngừa mối tệ tương lai. Mười điều do Bạt-Kỳ sáng chế, đứng về mặt khoáng đại của giới luật mà xét, thì cũng dung hợp và không 85 xa giới pháp lắm. Song với thời gian cách Phật chưa bao lâu mà mở phương tiện quá sớm, tất chánh-pháp mau suy vong. Trưởng-lão Gia-Xá là bậc huệ nhãn A-la-hán sở dĩ bài bác, chính bởi lý do trên đây. Cũng chính trong thời gian nầy mới có hai phân phái: Thượng-Tọa-bộ và Đại-Chúng-bộ. Lần kiếttập thứ ba, vào thời vua A-Dục, mục đích chính là để xác định lại Tam-tạng. Ngoài ra còn một lý do không kém phần quan trọng là: ngăn ngừa sự tiềm nhập của tà thuyết ngoại-đạo. Kỳ kiết-tập sau cùng, vào thời vua Ca-Nị-Sắc-Ca, mục đích để dung hòa giáo nghĩa của hai mươi bộ phái, cho trong Phậtgiáo-đoàn không còn sự tranh chấp nhau.

 

Vì trong lần kiết-tập đầu tiên có nhiều thuyết sai biệt về sự có, không, trong việc trùng tuyên tạng Luận, nên cuối chương lại nêu ra ba cuộc kiết-tập Đại-thừa Phật-giáo ở thời kỳ nầy, để cho học giả thêm phần bác lãm và tài liệu tham khảo.

 

 

 

Tiết I: Kỳ Kiết Tập Thứ Nhất

 

Một hôm, trong giữa đại hội, Ngài Ma-Ha-Ca-Diếp nói với các vị Tỷ-khưu rằng: “Chư Đại-đức! Hai Tôn-giả Xá-Lợi-Phất, Đại-Mục-Liên cùng nhiều vị đại Bí-sô khác không nỡ thấy Đức Thế-Tôn nhập Niết-bàn, nên đều đã viên tịch trước. Và vừa rồi Đức Thế-Tôn cùng một muôn tám ngàn vị Bí-sô đồng vào Niết-bàn. Vì thế chư Thiên ở cõi Trường-Thọ đều buồn thương và bàn luận: “Pháp tạng chân chính của Đức Như-Lai chưa được kiết-tập, mà các Tôn-giả phần nhiều sớm nhập diệt. Nỡ để cho thánh-giáo thành ra tro bụi ư?” Nên nay tôi xin tỏ bày việc lớn ấy cho đại chúng biết”. Trong chúng nghe nói đều khen phải, và đồng lòng tùy hỷ.

 

Lúc ấy, Ngài Ca-Diếp lại bạch chư Tăng rằng: “Trong chúng đây, ai là bậc nhỏ nhất?” Một vị Đại-đức đáp: “Ngài Cụ-thọ Viên-Mãn”. Liền đó, Ca-Diếp Tôn-giả nhờ Viên-Mãn Tỷ-khưu đánh kiền chùy họp tất cả chư Tăng lại. Sau khi lãnh lệnh, Ngài Viên-Mãn vào Tứ-thiền quán sát, rồi xuất định đánh kiền chùy và bạch rằng: “Sẽ có 499 vị đại A-la-hán từ các nơi vân tập về đây”. Tôn-giả Ca-Diếp bạch: “Chư Cụ-thọ! Các Đại-đức đã tập hợp đủ chưa? Xin xét lại xem còn vị nào chưa đến?” Bấy giờ đại chúng dùng định lực quán sát rồi đồng thưa: “Duy còn Ngài Ngưu-Chủ (Kiều-Phạm-Ba-Đề) chưa đến”.

 

Khi đó Ngưu-Chủ Tỷ-khưu đang ở trên cõi trời, nơi cung Thi-Lợi-Sa. Tôn-giả Ca-Diếp bảo Ngài Viên-Mãn thay mặt đại chúng đi triệu thỉnh. Cụ-thọ Viên-Mãn liền vào thâm định, ẩn thân nơi thành Câu-Thi-Na, hiện ra giữa cung Thi-Lợi-Sa, đảnh lễ và bạch với Ngài Ngưu-Chủ rằng: “Ngài Đại-Ca-Diếp, vị thượng thủ trong đại chúng, xin thăm Tôn-giả thân tâm an vui, và nói nay Tăng-già có việc xin mời Tôn-giả đến gấp”. NgưuChủ Tỷ-khưu tuy đã ly dục, nhưng còn tập khí ái luyến, sau khi hỏi thăm biết Đức Thế-Tôn đã nhập diệt, liền giao y bát cho Ngài Viên-Mãn, bay lên hư không hiện ra mười tám cách thần biến, phóng các thứ ánh sáng, rồi dùng lửa Tam-muội tự thiêu mà viên tịch. Từ trong thân thiêu hóa, lại tuôn ra bốn ngọn nước đến giữa chúng hội nơi thành Câu-Thi-Na. Trong nước ấy có tiếng thuyết kệ rằng:

Ngưu-Chủ kính lễ khắp đại chúng,

Cúi xin từ bi thứ lỗi cho,

Nay vầng huệ nhật lặn về Tây,

Nguyện theo Từ-Tôn vào tịch diệt.

 

Lúc ấy, Viên-Mãn Tỷ-khưu đem xá lợi và y bát của Tôn-giả Ngưu-Chủ về bạch lại. Tôn-giả Ca-Diếp khuyên đại chúng nên trụ thế làm lợi ích cho quần sinh, đừng bắt chước theo Cụ-thọ Ngưu-Chủ mà viên tịch. Sau khi bàn định, Ngài cùng đại chúng đều đồng ý mở hội kiết-tập ở trong hang Tất-bát-la (Vebhàraguha - Thất-diệp-khốt) về phía nam thành Vương-Xá (Ràjagrha), vì nơi đó thuộc về nước Ma-Kiệt-Đà, vua A-Xà- Thế đã phát tâm nguyện cúng dường giúp đỡ chư Tăng trong mọi việc. Lúc ấy có một vị nói: “Chúng ta đều chứng quả A-lahán, duy có ngài A-Nan-Đà còn trụ nơi học địa; nhưng vị Cụ- thọ nầy làm thị-giả cho Đức Thế-Tôn, ghi nhớ tất cả pháp tạng của Phật. Vậy phải nên xử sự thế nào? “Ngài Ca-Diếp đáp: “Nếu lựa chọn như thế, e các vị hữu học khác sinh lòng bất nhẫn. Nên phương tiện sai A-Nan làm kẻ hành thủy, khi đi đến nơi rồi sẽ liệu định”.

 

Khi đại chúng đi đến thành Vương-Xá, vua A-Xà-Thế nghe biết được việc ấy, hoan hỷ lo tứ sự cúng dường. Tôn-giả ĐạiCa-Diếp quán sát biết có thể dùng phương tiện chiết phục cho Cụ-thọ A-Nan mau chứng thánh-quả, nên một hôm ở trong chúng hội, Ngài bảo: “A-Nan! Ông hãy ra khỏi đại hội, vì không thể cùng thánh-chúng ở đây chung nhau kiết-tập”. Thị- giả A-Nan nghe nói sợ hãi, cả mình run rẩy như tên bắn vào tim, bạch rằng: “Đại-đức Ca-Diếp! Tôi không phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng, tại sao lại đuổi tôi?” Tôngiả đáp: “Ông làm thị-giả luôn luôn ở gần Phật, việc ấy đâu lấy chi làm hy hữu. Nếu ông cho rằng mình không lỗi thì đứng lên nắm thẻ đi lại giữa chúng, rồi tôi sẽ kể cho nghe”. Ngài A-Nan tuân theo quy luật, phải vâng lời.

 

Lúc đó, cả cõi Đại-thiên ba lần rung động, chư Thiên có vẻ phẫn uất, nói to lên giữa hư không: “Ngài Ca-Diếp! Đại-đức A Nan đây vừa mới có sự buồn xa cách Thế-Tôn, sao Ngài lại dùng lời khổ thiết quở trách như thế?”

 

Tôn-giả Ca-Diếp không để ý, tiếp tục gọi Cụ-thọ A-Nan bảo:

 

- Đức Thế-Tôn đã nói: “Nếu cho người nữ xuất-gia, chánhpháp trụ không được lâu”. Ông đã biết như thế, sao còn cầu thỉnh Phật cho phép độ người nữ xuất-gia?

 

 - Xin Đại-đức khoan thứ, bà Di-mẫu của Đức Thế-Tôn nuôi Ngài từ lúc thơ ấu, nên cần phải nghĩ đến sự báo ân và tình thân tộc. Hơn nữa, cũng do chư Phật đời quá khứ đều có bốn chúng.

 

- Người xuất-gia phải xả ân ái, không nên vị tình thân tộc. Chánh-pháp đáng lẽ trụ được ngàn năm, do điều ông xin mà phải bị giảm bớt. Chư Phật đời quá khứ có bốn chúng, vì thời ấy người nữ nghiệp nhẹ, đời nay thì trái lại. Đức Thế-Tôn đã không cho, mà ông khổ cầu, cố xin cho được. Đó là lỗi thứ nhất, ông hãy bỏ xuống một thẻ.

 

- Ông đã biết, người được phép Thần-túc có thể muốn trụ thế bao lâu cũng được. Tại sao ông hầu gần Phật mà không vì chúng-sanh thỉnh Phật trụ thế một kiếp?

 

- Thưa Đại-đức! Lúc đó tôi không nghĩ kịp đến việc ấy, nên quên cầu thỉnh.

 

- Đó là lỗi thứ hai, ông hãy bỏ xuống một thẻ.

 

- Lúc Đức Thế-Tôn còn, khi đang thuyết pháp Ngài nói thí dụ, ông lại hỏi lảng qua việc khác. Đó là lỗi thứ ba, hãy bỏ xuống một thẻ.

 

- Đức Thế-Tôn từng đưa màu vàng bảo ông nhuộm áo. Tại sao lúc giặt nhuộm, ông dùng chân đạp lên y của Phật?

 

- Thưa Đại-đức! Vì y Phật rộng dài, lại lúc ấy không có ai khác để nhờ giúp tay, chớ không phải tôi có tâm khinh mạn.

 

- Nếu không người, tại sao ông không liệng y lên hư không, vì chư thiên lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Đó là lỗi thứ tư, hãy bỏ xuống một thẻ.

 

- Tại sao lúc Đức Thế-Tôn đến Sa-La-Song-Thọ để nhập diệt, giữa đường khát nước, ông lại đem nước đục dâng Phật?

 

- Thưa Đại-đức! Khi ấy dòng Cước-Câu-Đà bị thương khách vừa đẩy 500 cỗ xe lội qua nên vẩn đục, không còn chỗ nước trong nào khác.

 

- Lúc đó sao ông không đưa ngửa bát lên hư không cho chư thiên rót nước Bát-công-đức vào? Đó là lỗi thứ năm, hãy bỏ xuống một thẻ.

 

- Lúc sắp viên tịch, Đức Thế-Tôn có nói: “Những giới nhỏ trong Kinh-Biệt-Giải-Thoát của ta, tùy theo hoàn cảnh, thời gian, có thể giảm chế”. Khi đó ông ở gần Phật, sao không hỏi rành xem phải giảm chế giới nào? Rồi sau đây, sẽ có kẻ cho giới nầy là nhỏ, kẻ lại nói giới khác là nhỏ; người nào thích thì vâng theo, không thích lại bỏ. Sao ông không vì chúng-sanh đời vị lai mà thưa thỉnh?

 

- Bạch Đại-đức! Lúc thấy Đức Thế-Tôn sắp nhập diệt, tôi sầu khổ quá, nên không nghĩ đến việc ấy.

 

- Ông hầu hạ Phật, há lại không biết các hành là vô thường, mà sinh lòng ưu não để cho lầm lạc như thế? Đó là lỗi thứ sáu, hãy bỏ xuống một thẻ.

 

- Khi Phật nhập diệt, ông lại còn dùng phương tiện để cho người tục thấy ẩn tướng của Như-Lai. Đó là lỗi thứ bảy, hãy bỏ xuống một thẻ.

 

- Lúc Phật niết-bàn, sao ông tự ý dở thượng y để người nữ thấy thân kim sắc của Như-Lai khiến cho họ khóc lóc rơi lệ làm ô nhiễm tôn nghi?

 

- Thưa Đại-đức! Tôi nghĩ rằng nếu chúng-sanh thấy sắc thân mầu nhiệm của Đức Thế-Tôn, tất phát tâm nguyện cho thân tướng mình được như Phật.

 

- Ông chưa được tha tâm huệ nhãn, làm sao biết được chúng sanh phát nguyện như thế? Đó là lỗi thứ tám, hãy bỏ xuống một thẻ. Lại nay ông chưa ly dục, không thể ở chung trong chúng thù thắng để kiết-tập, vậy nên đi nơi khác.

 

Khi ấy, trên hư không chư thiên khen ngợi ngài Đại-Ca-Diếp đức gần với Phật, khéo dùng tám việc gạn trách vị thị-giả của Như-Lai. Bấy giờ Cụ-thọ A-Nan-Đà thưa rằng: “Bạch Đại-đức! Trước khi Thế-Tôn nhập diệt, có dặn tôi đừng sầu não và đem tôi phó chúc cho Ngài, xin Đại-đức hoan hỷ dung thứ cho lỗi mọn”. Tôn-giả Ca-Diếp đáp: “Ông đừng lo buồn, pháp lành sẽ do ông mà được tăng trưởng chớ không tổn giảm. Ông hãy đi nơi khác, chừng nào chứng quả A-la-hán sẽ trở lại đây”.

 

Lúc đó, ngài A-Nan rời khỏi đại chúng đi đến chỗ vắng, chuyên tâm tu tập. Một đêm nọ, trong người mệt mỏi, ngài vừa nghiêng mình nằm, thoạt nhiên phiền hoặc tiêu tan chứng quả A-la-hán, liền hiện thần thông đến thành Vương-Xá. Đại chúng biết ngài đã đắc quả, thảy đều khen ngợi.

 

Hôm sau Tôn-giả Đại Ca-Diếp cùng 500 vị A-la-hán đồng vân tập đến hang Tất-Bát-La. Sau khi làm phép yết ma, đại chúng đều công cử Cụ-thọ A-Nan-Đà lên pháp tọa trùng tuyên thánh-giáo, vì ngài là bậc đa-văn-đệ-nhất, thường theo Phật đi khắp nhân gian, hoặc nơi Thiên-cung, Long-cung, hoặc nghe thuật lại, ghi nhớ không sót một lời. Ngài A-Nan vâng mạng, lên pháp tòa chắp tay dùng tiếng phổ biến xướng lên rằng:

 

- Như thế, tôi nghe: Một thời đức Bạc-dà-phạm ở tại rừng Thí-Lộc. Bấy giờ Thế-Tôn bảo năm vị Tỷ-khưu rằng:

 

Các ông nghe pháp Khổ-thánh-đế nầy, như lý mà suy nghĩ, sẽ mở được mắt huệ sáng suốt...

 

Lúc ấy ngài A-Nhã-Kiều-Trần-Như chắp tay khen: “Diệu pháp nầy thật đúng với lời tôi đã thân nghe nơi Phật”. Chư thiên và đại chúng nghe ngài A-Nan trùng tuyên thánh-giáo, đều nhớ đến Phật, động lòng rơi lệ.

 

Sau khi Tôn-giả A-Nan tụng tạng Kinh rồi, ngài Ưu-Ba-Ly lại lên pháp tòa tụng tạng Luật. Vị Cụ-thọ nầy trùng tuyên lại các pháp: Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa, Bất-định, Xả-đọa, Badật-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Chúng-học, Diệt-tránh. Sau khi tụng xong mỗi pháp, đại chúng đều chắp tay, nhập vào biên tế định.

 

Cuộc kiết-tập kéo dài trong ba tháng an-cư mới xong. Lúc ấy Tôn-giả Ma-Ha-Ca-Diếp là vị thượng thủ trong các bậc Đại- đức Tăng-chúng; ngài chủ trì tất cả công việc kiết-tập thánhgiáo. Vì kỳ kiết-tập nầy có 500 vị A-la-hán, nên gọi là “Ngũ- bá-kiết-tập”.

 

Sau khi kiết-tập thánh-giáo, ngài Ca-Diếp giữ pháp tạng trong hai mươi năm rồi truyền lại cho Đại-đức A-Nan-Đà. Ngài A-Nan-Đà truyền lại cho Mạt-Điền-Địa, Mạt-Điền-Địa truyền cho Thương-Na-Hòa-Tu, Thương-Na-Hòa-Tu truyền cho ƯuBa-Cúc-Đa. Trong khoảng trăm năm, năm vị đại-đức truyền thừa pháp tạng cho nhau như nước đồng nguồn chảy ra, nên thuần là một vị thanh tịnh. Về sau người ta gọi đó là Ngũ- thánh-truyền-thừa.

 

Còn pháp tạng của ngài Ưu-Ba-Ly kiết-tập được biên thành bộ Luật-Thiện-Kiến. Năm ấy, ngày an-cư viên mãn, Đại-đức Ưu-Ba-Ly đem bộ Luật nầy ra dâng hoa cúng dường, rồi hạ bút ghi một điểm ở khoảng sau quyển, hàng năm cứ như thế. Trước khi viên tịch, Cụ-thọ Ưu-Ba-Ly truyền bộ Luật nầy lại cho đệ- tử là ngài Đà-Đả-Tật. Đại-đức Đà-Đả-Tật truyền lại cho ngài Tu-Câu, và cứ như thế tổ tổ tương truyền cho đến ngài TăngGià-Bạt-Đà-La. Vị Đại-đức nầy đem nguyên bổn sang TrungHoa vào đời Tề năm Vĩnh-Bình thứ bảy, và dịch ra Hán-văn tại chùa Trúc-Lâm ở Quảng-Châu. Đến ngày rằm tháng bảy năm ấy, ngài Tăng-Già-Bạt-Đà-La ghi điểm cuối cùng, tổng cộng được 976 điểm. Bởi bộ Luật nầy toàn do các bậc đã chứng thánh-quả ghi điểm nơi sau, nên lịch sử gọi đó là “Chúngthánh-điểm-ký”.

 

Về nguyên nhân của sự kiết-tập, có thuyết nói: Sau khi Đức Thế-Tôn nhập diệt, ngài Ca-Diếp cùng 500 vị Tỷ-khưu từ xứ Ba-Bà (Pàvà) đến thành Câu-Thi-La, giữa đường gặp một kẻ ngoại-đạo tên là Ưu-Ba-Ca đang cầm hoa sen trắng. Ngài hỏi: “Ông có thấy Đức Thế-Tôn ở đâu chăng?” Ngoại-đạo đáp: “Samôn Cù-Đàm nhập diệt đã bảy ngày tại Sa-La-Song-Thọ, cành hoa nầy tôi lấy được từ nơi đó”. Các vị Tỷ-khưu chưa dứt phiền não nghe nói thế đều buồn thảm khóc to lên. Những vị đã dứt phiền não xét thấy pháp hữu vi vô thường, lặng yên tự cảnh tỉnh. Tôn-giả Ca-Diếp xây qua khuyên nhắc các vị đang thương khóc: “Chư hành vô thường, có hội họp tất có phân ly, Đức Thế-Tôn đã hằng dạy như thế!” Lúc ấy có một vị Tỷ-khưu lớn tuổi, mới xuất-gia, tên là Tu-Bạt-Đà, nói với chúng: “Các nhân giả chớ lo buồn. Khi Phật còn tại thế, Ngài thường nói việc nầy đáng làm, việc kia không nên làm, do đó chúng ta thường bị bó buộc. Từ nay chư Tăng được tùy ý thong thả, không còn lo chi nữa!” Nghe lời nói của vị Tỷ-khưu si mê ấy, trong tâm ngài Ca-Diếp đã có sự quyết định. Sau khi đến chỗ Phật niết-bàn, dự lo cuộc lễ trà tỳ xong, ngài triệu tập 500 vị thánh-tăng học hạnh cao siêu đến thành Vương-Xá trùng tuyên lại pháp tạng, để ngăn ngừa kẻ si mê gây ra mối tệ về sau. Đem việc nầy so sánh với duyên khởi, theo bộ Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự ở đoạn trước, chúng ta thấy nguyên nhân cuộc kiết-tập cũng có thể là một hay gồm nhiều, vậy sự chỉ định do việc nầy hay việc khác đều không thành vấn đề để bàn luận.

 

Trong kỳ kiết-tập đầu tiên, có thuyết cho rằng có trùng tuyên tạng Luận, có thuyết lại bảo là không. Thuyết nói không như bộ Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự, Ma-Ha-Tăng-Kỳ-Luật; thuyết nói có như Tây-Vức-Ký của ngài Huyền-Trang, bộ Chấp-Luận-Sớ của 94 ngài Chân-Đế. Theo hai bộ sau nầy, thì cuộc kiết-tập đã diễn ra tại hang Thất-Diệp (Tất-bát-la), đại chúng tham dự có đến ngàn người, ngoài sự trùng tuyên Tu-Đa-La, Tỳ-Nại-Gia, lại có đọc tụng tạng A-Tỳ-Đàm. Về tạng A-Tỳ-Đàm (Luận), ngài HuyềnTrang bảo do Tôn-giả Ca-Diếp trùng tuyên, còn ngài Chân-Đế lại bảo là Phú-Lâu-Na.

 

Ngoài ra, lại có thuyết nói, lúc đó A-la-hán Bà-Sư-Ca ở ngoài hang Thất-Diệp cũng triệu tập mấy vạn phàm tăng trùng tuyên pháp tạng, trong đó ngài Phú-Lâu-Na trùng tuyên tạng Luận. Đó là Đại-Chúng-bộ kiết-tập, cũng gọi là Giới-ngoạikiết-tập. Còn cuộc kiết-tập trong hang Tất-Bát-La là ThượngTọa-bộ kiết-tập, cũng gọi là Giới-nội-kiết-tập.

 

Theo bộ Tam-Luận-Huyền-Nghĩa thì truyền thuyết trên đây, e rằng đã thoát thai từ câu nói của ngài Phú-Lâu-Na. Vì sau khi Phật nhập diệt, La-hán Phú-Lâu-Na dẫn 500 vị Tỷ-khưu đi khất thực đến Nam-Sơn, nghe nói Tôn-giả Ca-Diếp đã kiết-tập rồi. Ngài liền đến nơi tỏ ý tán đồng và nói: “Chư Đại-đức kiết-tập tự nhiên là đúng. Nhưng các pháp chính tôi nghe được nơi Phật cũng nên trọ trì”. Nếu nói rằng Thượng-tọa kiết-tập hay Đạichúng kiết-tập thì có lý, còn bảo: Thượng-Tọa-bộ, Đại-Chúngbộ e không đúng với sử liệu, vì hai danh từ nầy sau khi Phật diệt độ 100 năm mới được chánh thức thành lập để chỉ định cho sự phân chia của hai bộ phái lớn.

 

Tóm lại, dung hội các kinh sách mà suy luận, thuyết của hai bộ Tỳ-Nại-Gia và Ma-Ha-Tăng-Kỳ dường như nói về cuộc kiết-tập Tiểu-thừa-giáo, vì nội dung trùng tuyên chỉ trong bốn A-Hàm và Luật. Thuyết của hai ngài: Chân-Đế, Huyền-Trang, có lẽ chỉ cho cuộc kiết-tập về pháp Đại-thừa, vì cuộc kiết-tập 95 nầy có ba hội, do nhiều vị trùng tuyên; vả lại hai ngài đều là bậc bác học, lời nói tất có chỗ y cứ. Chi tiết về ba hội trùng tuyên pháp Đại-thừa, sẽ được trình bày ở cuối chương, trong đoạn Đại-thừa kiết-tập. Và truyền thuyết về danh từ ThượngTọa-bộ, Đại-Chúng-bộ trong thời kỳ kiết-tập đầu tiên, hiển nhiên là sai lầm.

 

 

 

Tiết II: Kỳ Kiết Tập Thứ Hai

 

Sau khi Đức Thế-Tôn niết-bàn 100 năm, tại thành Tỳ-Xá-Ly (Vaisàlì) (Quảng-Nghiêm-Thành), có thầy Tỷ-khưu tên Bạt-Kỳ (Vajji) sáng chế ra mười Tịnh-pháp khác hẳn giới luật xưa. Mười Tịnh-pháp ấy là:

 

1. Giác-diêm-tịnh: Theo giới luật, các Tỷ-khưu không được để đồ ăn cách đêm. Đó là trường hợp những thức ăn phổ thông khác. Nhưng riêng về muối thì có thể được chứa cất trong ống sừng (hoặc các ống khác) để thường dùng.

 

2. Nhị-chỉ-tịnh: Theo giới luật, các Tỷ-khưu phải thọ thực vào giờ ngọ. Nhưng nếu trường hợp đi đường xa, bữa ăn có thể được dùng quá ngọ một chút, nghĩa là lúc mặt trời xế bóng độ hai gang tay.

 

3. Tha-tụ-lạc-tịnh: Các Tỷ-khưu sau khi ăn xong đến tụ lạc khác, nếu không quá ngọ, gặp người mời ăn, có thể được ăn thêm.

 

4. Trụ-xứ-tịnh: Mỗi tháng hai kỳ, các Tỷ-khưu phải vân tập ở một trụ xứ để làm lễ bố-tát. Nhưng nếu trụ xứ ấy hẹp, có thể chia làm hai nơi mà hành lễ.

 

5. Tán-đồng-tịnh: Theo quy định của Giáo-hội, cần phải đủ số Tăng để giải quyết pháp sự. Nhưng gặp trường hợp thiếu người, tuy số Tăng không đủ, cũng có thể quyết nghị. Những quyết nghị ấy vẫn có hiệu lực và sẽ thông cáo sau.

 

6. Cựu-sự-tịnh: Những việc các Tỷ-khưu trước đã làm, chư Tăng sau có thể noi theo cựu lệ, không cần phải quá nệ theo giới luật (chẳng hạn như việc đào đất).

 

7. Sanh-hòa-hợp-tịnh: Sau giờ ngọ, chư Tăng không được ăn phi thời. Nhưng để giữ sức khỏe, các Tỷ-khưu có thể dùng sữa hòa lẫn với nước mà uống, không cần để cho sữa lắng xuống (sữa hơi đặc, có đóng váng).

 

8. Trị-bệnh-tịnh: Các Tỷ-khưu không được uống rượu. Nhưng gặp trường hợp bệnh hoạn, có thể dùng thứ rượu XaLâu-Già pha với nước mà uống, xem đó như là món thuốc (XaLâu-Già: thứ rượu nấu chưa được chín lắm).

 

9. Vô-duyên-tọa-cụ-tịnh: Tọa-cụ của chư Tăng, có thể tùy theo thân thể người mà may lớn hay nhỏ, không cần phải có đường viền xung quanh.

 

10. Kiêm-tiền-tịnh: Theo luật, các Sa-môn không được cầm tiền. Nhưng trong trường hợp cần thiết, thì có thể giữ tiền để dùng đổi chác các vật dụng khác.

 

Mười điều trên gọi là “tịnh”, chữ “tịnh” ở đây có nghĩa là “cho phép”. Về phương diện nghiêm khắc của giới luật thì mười điều nầy thật ra là vi phạm, trái phép. Nhưng chư Tăng ở phương Đông đứng về phương diện khoan đại mà giải thích giới luật, nên thừa nhận mười điều đó.

 

Bấy giờ ở Tụ-Lạc-Bà-Táp-Bà thuộc phương Tây, có Trưởnglão Gia-Xá (Yasas) nhân đi du hành giáo hóa nhân gian, lần đến thành Tỳ-Xá-Ly. Lúc ấy nhằm ngày Bố tát, đại chúng của Tỷ-khưu Bạt-Kỳ đem các đồng bát đựng nước (dùng tượng trưng cho sự kiết tường) để trước chỗ đông người. Khi có ai đi đến, họ liền nói: “Các vị nên tùy ý cúng dường, để chư Tăng đem ra đổi chác các vật dụng cần thiết”. Khi ấy có kẻ cúng tiền vào bát nước, có kẻ lại chê trách bảo: “Thầy Sa-môn không nên làm như vậy!” Trưởng-lão Gia-Xá là một học giả tinh thông giới luật, thấy thế làm kinh ngạc, hỏi ra mới biết chư Tăng ở địa phương nầy tuân hành theo mười tịnh pháp. Với mục đích duy trì chánh-pháp, ngài đối trước đại chúng mà tuyên bố: “Việc Tỷ-khưu nhận tiền là một cấm giới nghiêm trọng trong Phật-pháp”. Chư Tăng ở địa phương không nghe lời khuyến cáo đó, lại cho là Trưởng-lão Gia-Xá lăng mạ đại chúng và làm trở ngại sự cúng dường của tín đồ. Họ bắt Trưởng-lão phải xin lỗi chư Tăng và tín chúng. Nhưng ngài Gia-Xá không thuận đi ngay vào thành Tỳ-Xá-Ly, công nhiên phát biểu mười điều phi pháp trước số đông người. Quần chúng đều khen ngợi, cho rằng Trưởng-lão giữ đúng tác phong của bậc chân tu, giới hạnh. Tỷ-khưu Bạt-Kỳ thấy thế, liền họp Tăng lại làm phép tẫn xuất ngài Gia-Xá, không công nhận Trưởng-lão là người ở trong giáo đoàn.

 

Cảm khái giới luật của Phật chóng suy tàn, Trưởng-lão GiaXá trở về phương Tây, lưu trú tại thành Câu-Diệm-Di (Kosambi). Tại nơi đây, ngài cho chư Tăng đến các địa phương như Ma-Thâu-La (Mathurà), A-Bàn-Đề (Avanti), thỉnh các bậc danh đức đến thành Tỳ-Xá-Ly để quyết nghị về việc ấy. Rồi chính mình ngài đi đến núi A-Hô-Hằng-Già (Ahoganga) yết 98 kiến Trưởng-lão Tam-Phù-Đà (Sambhùta), tới địa phương SaHa-Xà-Để (Sahayàti) yết kiến Trưởng-lão Ly-Bà-Đa (Revata) mục đích để thỉnh ý về việc đó. Được mọi nơi đều tán đồng, ngài cùng với chư đại-đức đi đến thành Tỳ-Xá-Ly. Sau khi đến nơi, ngài Gia-Xá lại cầu thỉnh Trưởng-lão Tát-Bà-Ca-Ma (Sabhakàmi), một bậc danh đức tại địa phương, đến tham dự.

 

Tỷ-khưu Bạt-Kỳ biết được tin ấy, cũng đi mời các vị Trưởng-lão ở Đông phương đến biện giải hộ.

 

Lúc đó, tại thành Tỳ-Xá-Ly, các bậc danh đức của hai phương Đông Tây câu hội gồm 700 vị. Hội nghị nầy nhằm mục tiêu giải quyết mười điều kể trên là đúng hay phi pháp và kiếttập lại Kinh-điển. Cuộc đại hội đã diễn ra ở vườn Bà-Ly-Ca. Trong hội trường, vì nhiều người, ý kiến phân vân, nên ngài Ly-Bà-Đa đề nghị mỗi bên cử bốn đại biểu để giải quyết những nghi vấn. Đề nghị nầy được đại hội tán đồng. Sau khi bàn luận, chư Tăng thuộc Tây phương cử Cụ-thọ Ly-Bà-Đa làm trưởng đoàn, vì ngài tinh thông bốn tạng: Kinh, Luật, Luận, Tạp-tụng, và ba vị phó là Tam-Phù-Đà, Gia-Xá, Tu-Ma-Na (Samana). Chư Tăng thuộc Đông phương cử Cụ-thọ Tát-Bà-Ca-Ma làm trưởng đoàn, vì ngài là một bậc tài đức được 120 tuổi hạ, và ba vị phó là Sa-Lan (Sàtha), Khuất-Xà-Tu-Tỳ-Đa (Khujjasobhita), Bà-Tát-Bà-Già-Mi (Vasabhagàmi). Sau khi đại diện hai bên đối tọa, Trưởng-lão Ly-Bà-Đà nêu ra từng khoản trong mười điều để hỏi là hợp pháp hay phi pháp. Trưởng-lão Tát-Bà-Ca Ma y vào giới luật để chiếu hợp từng điều và đều đáp là phi pháp. Mười điều đã giải quyết xong, trong đại hội còn hợp tụng lại những pháp tạng, trải qua thời gian tám tháng mới viên mãn.

 

Cuộc hội nghị nầy tuy do mười điều làm duyên khởi, nhưng điểm chủ yếu là kiết-tập pháp tạng để xác định lại giới luật của Đức Thích-Tôn đã quy chế và ngăn ngừa mọi sự phi pháp xen lẫn vào chánh đạo. Và kỳ kiết-tập nầy vì có 700 bậc thánh hiền-tăng, nên được gọi là Thất-bá-kiết-tập.

 

Về mười điều phi pháp, các bộ: Thiện-Kiến-Luật, Tỳ-Bà-Sa, Ngũ-Phần, Tứ-Phần, Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự, Thập-Tụng-Luật, Ma-Ha-Tăng-Kỳ-Luật, Tây-Tạng-Truyện, nội dung biên chép về số thứ tự, danh mục, cùng lối giải thích đều có đôi chút khác nhau. Mười điều nêu ra trên đây là y theo nguyên bản Ba-Ly mà dịch ra.

 

Về cuộc kiết-tập lần thứ hai, theo bộ Châu-sử và quyển Ký- thuật của ngài Giác-Âm, thì sở dĩ Bạt-Kỳ Tỷ-khưu được đắc thế là do sự giúp đỡ rất nhiều của vị quốc-vương đương thời. Theo tập bộ Chấp-Luận-Sớ của ngài Chân-Đế và Tạp-TạngTruyện, thì sau khi giải quyết mười điều, 700 Đại-đức Tăng hợp tụng ba tạng: Kinh, Luật, Luận. Bấy giờ đa số Tỷ-khưu thuộc Đông-bộ lại nhóm riêng một nơi khác kiết-tập pháp tạng, gọi là Đại-đẳng-tụng hoặc Đại-kiết-tập (Mahàsamgiti). Nội dung của cuộc kiết-tập nầy, gồm có 4 tạng là: Kinh, Luật, Đạipháp và Tạp-tạng. Bộ Phân-Biệt-Công-Đức-Luận nói ngoài bốn tạng lại có thêm Bồ-Tát-tạng. Còn bộ Tây-Vức-Ký thì nói ngoài bốn tạng, có thêm Cấm-chú-tạng gọi chung là ngũ tạng. Vì nguyên nhân trên, nên giáo đoàn đạo Phật chia thành hai bộ phái là Thượng-Tọa-bộ (Thera) và Đại-Chúng-bộ (Mahàsanghikà). Thượng-Tọa-bộ thuộc phái bảo thủ, Đại Chúng-bộ thuộc phái canh tân.

 

Dung hội các kinh sách trên, ta thấy trong kỳ kiết-tập thứ hai, đã có thêm các pháp tạng khác. Và danh từ Thượng-Tọa-bộ, Đại-Chúng-bộ đến thời gian nầy mới được chính thức thành lập.

 

 

Tiết III: Kỳ Kiết Tập Thứ Ba

 

Sau khi Đức Thế-Tôn niết-bàn 218 năm, ở ấn Độ có vua ADục (Asoka) ra đời.

 

Trước đó, miền Tây-bắc Ấn-Độ đã bị tàn phá trong 12 năm trường bởi quân đội viễn chinh của A-Lịch-Sơn-đại-đế (Alexandre). Còn nhiều trung bộ cũng vừa trải qua các cuộc nội loạn liên tiếp do sự tương tranh của Thích-Ca-Vương ở phương nam, Gia-Bàn-Na-Vương ở phương bắc, Đâu-Sa-LaVương ở phương đông và Bát-La-Bà-Vương ở phương tây. Bốn ông vua nầy ngày ngày đeo đuổi theo việc chiến chinh, phá chùa chiền, giết tăng ni, khiến cho dân chúng chịu nhiều nỗi lầm than cơ cực. Trong đó, riêng Phật-giáo là bị thiệt hại nặng nề nhất.

 

Theo lịch sử, vua A-Dục tại vị vào khoảng 272 - 226 năm trước kỷ nguyên, tức là trong thời gian 47 năm. Tổ phụ của ngài là ông Chiêm-Đà-La-Cúc-Đa (Chadragupta - Nguyệt-hộ). Ông nầy thuộc dòng dõi Mạo-Ly (Maurya), cũng gọi là KhổngTước-Chủng. Sau khi A-Lịch-Sơn-đại-đế rút lui, Chiên-Đà-LaCúc-Đa nổi lên ở miền Tây-bắc Ấn-Độ, đánh đuổi các tướng soái Hy-Lạp còn lại, dẹp bốn ác vương, thống nhất xứ Trung Ấn-Độ, lập ra Khổng-Tước-Vương-triều. Chiên-Vương tại vị được 24 năm, rồi truyền lại cho con là Tân-Đầu-Sa-La (Bindusàra). Vị quốc-vương nầy trị vì được 25 năm, mới 101 truyền ngôi cho con là A-Dục. Đến khi A-Dục-Vương lên kế vị, thế lực lại càng mạnh hơn. Vua dẹp giặc Yết-Lăng-Già (Kalinga) ở phương nam, quân Kiền-Đà-La ở phương tây, kết cuộc năm xứ Ấn-Độ đều quy thuận. Sau khi bình định các nơi, oai danh của A-Dục-Vương lừng lẫy đến nước ngoài. Vua đóng đô ở thành Ba-Tra-Lỵ-Phất (Pàtaliputra) xứ Ma-Kiệt-Đà (Magadha). Thành nầy cũng gọi là thành Hoa-Thị, ở cách phía tây thành Vương-Xá chừng hai trăm dặm. Khi Phật còn tại thế, đây là nơi ngài thường đi qua.

 

Tương truyền, vua A-Dục khi mới lên ngôi thì hung tàn bạo ngược, nhưng sau khi quy-y Phật-pháp, ngài thi hành những chính sách rất nhân từ. Nguyên nhân của sự chuyển hướng nầy là do trong thời chiến chinh, vua đã gây nên cuộc tàn sát lương dân quá nhiều, tự mình đã biết lỗi lầm, lại nhân được bậc caotăng điểm hóa cho. Ngài mới phát tâm tín ngưỡng Phật-giáo. Trong các văn chiếu ở những bia đá còn lưu lại, vua đều có cho khắc câu nầy: “Sự thắng lợi chánh đáng vẻ vang nhất của tôi là ở đạo đức chớ không phải ở vũ khí”. Xem như thế thì đủ biết tính tình, sự kiến giải về đạo lý, và chủ tâm của ngài đối với xã hội là thế nào? Khi đã nương về chánh-pháp, vua tôn A-la-hán Mục-Liên-Đế-Tu (Moggaliputta - Tissa) làm Quốc-sư. Ngài lại cho hoàng-đệ, hoàng-nam và công-chúa xuất-gia, phát nguyện hết sức hoằng dương Phật-giáo. Quốc-sư cũng giúp vua làm nhiều việc quan trọng đối với chánh-pháp. A-Dục-Vương lại tuân theo chủ nghĩa từ bi của đạo Phật, ra sắc lệnh bãi bỏ việc chài lưới, săn bắn. Một điều đáng nói, tuy rất nhiệt tâm bảo vệ Phật-pháp, song đối với các đạo khác, ngài đều hết lòng ủng hộ. Những nơi nào có các vị Sa-môn hoặc Bà-La-Môn hữu 102 đức, vua đều đi đến viếng thăm, giúp đỡ, hoặc hỏi han về đạo lý.

 

Sau khi lên ngôi được hai mươi năm, nghe lời khuyên của Trưởng-lão Ưu-Ba-Cấp-Đa (Uppagutta), vua phát tâm đi tuần bái các thánh tích của Phật-Đà, khởi đầu từ thành Ba-Tra-Lỵ- Phất hướng về phương bắc, trải qua thành Tỳ-Xá-Ly đến chỗ Đức Thích-Tôn đản sinh. Rồi từ đó vua lại noi theo con đường mà khi xưa Đức Phật sắp niết-bàn đã đi qua thành Câu-Thi-NaYết-La. Trong khoảng lộ trình trải qua, ngài có cho xây năm trụ đá lớn để ghi dấu các nơi thánh tích. Năm thánh tích ấy là:

 1. Vườn Lâm-Tỳ-Ni, nơi Đức Thích-Tôn giáng sinh.

 2. Thôn Ưu-Lâu-Tần-Loa, nơi Đức Thích-Tôn tu khổ hạnh.

 3. Bồ-Đề- Đạo-Tràng, nơi Đức Thích-Tôn thành đạo.

 4. Vườn Lộc-Dã, nơi Phật chuyển pháp-luân lần đầu tiên.

 5. Rừng Sa-La-SongThọ, nơi Phật nhập niết-bàn.

 Riêng về trụ đá ở vườn Lâm-Tỳ- Ni, trên có chạm hình con ngựa (các trụ khác chạm hình sư tử), đến nay hạ phần vẫn còn, khắc văn cũng rõ ràng có thể phân biệt. Sau cùng, vua đến thăm Kỳ-Viên tinh-xá, nơi có di tháp của các vị đại đệ-tử Phật như: ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-KiềnLiên, Đại-Ca-Diếp, A-Nan-Đà.... Ngoài ra, vua còn cho xây dựng nhiều già lam và bảo tháp.

 

Theo bộ A-Dục-Vương-Truyện-Ký, thì vua đã khải phát kho tàng của A-Xà-Thế-Vương, lấy ra được 84.000 viên xá lợi, dùng các bảo vật hòa với nhiều thứ danh hương tạo ra 84.000 ngôi bảo tháp. Ngài lại nhờ Da-Xá Tôn-giả dùng thần lực phóng 84.000 tia sáng, rồi sai các Quỷ-thần mỗi vị bưng một bảo tháp theo chiều hướng mỗi tia sáng mà bay đi, đến chỗ cuối cùng của ánh quang minh, thì an trí bảo tháp nơi lòng đất. Các ngôi bảo tháp ấy được đặt để ở khắp châu Nam-Thiệm-Bộ. 103 Riêng về xứ Trung-Hoa có được 19 chỗ, nhưng vì phước đức chúng-sanh kém, nên chỉ có hai nơi hiện lên, một ở núi Ngũ- Đài, một ở chùa A-Dục. Bảo tháp ở Ngũ-Đài-Sơn được bao trùm trong ngôi tháp lớn. Còn bảo tháp ở chùa A-Dục (sau đổi là chùa Quảng-Lợi) tại huyện Cần, tỉnh Ninh-Ba, hiện nay vẫn còn. Có kẻ cho truyền thuyết trên khó tin, điều ấy chưa biết thế nào? Nhưng riêng về xá lợi ở tháp chùa A-Dục-Vương, sự thật có nhiều điểm linh dị. Tùy theo biệt-nghiệp, cũng một xá lợi ấy mà những người đến chiêm bái đều thấy khác nhau: hoặc lớn hay nhỏ, hoặc một hay nhiều viên, hoặc màu nầy màu kia, hoặc hình nầy hình khác, hoặc di động hay đứng yên. Các bậc caotăng cận đại ở Trung-Hoa như: Hư-Vân, Ấn-Quang, Thái-Hư đều chứng về việc nầy.

 

Trong thời gian tại vị, vua A-Dục đã cho 256 vị Tuyên-giáosư đi truyền bá chánh-pháp ở các nơi. Do đó, ảnh hưởng của đạo Phật không những phổ cập khắp Ấn-Độ, mà còn lan rộng: phía bắc đến dãy Tuyết-Sơn xứ Ni-Ba-La, đông lần đến Miến- Điện và Mã-Lai, nam vượt biển vào Tích-Lan, tây bắc ra APhú-Hãn đến Trung-Á-Tế-Á, cực tây đến Ba-Tư cùng miền đông Địa-Trung-Hải và mon men đến Ai-Cập.

 

Bởi vua quá nhiệt tâm về sự bố thí và ủng hộ các tôn-giáo, nên các quan-đại-thần sợ quốc khố thiếu hụt, đều tỏ ý không tán thành. Vì thế, nên niên đại cuối cùng là năm thứ 47 ở ngôi, vua bị Thái-tử và triều thần quản thúc, khiến cho chí nguyện không được toại, rồi ít lâu sau ngài mãn phần.

 

Những tinh-xá Phật-giáo do A-Dục-Vương lập ra, hiện thời đã tiêu tan không còn. Duy các Tốt-Đổ-Ba (tháp) thì lúc ngài Huyền-Trang qua du học ở Ấn-Độ, còn mục kích được 500 104 ngôi. Nhưng bây giờ cũng chỉ sót lại có hai ngôi là tháp TangKỳ (Sànchi) và tháp Ba-Nhĩ-Hô (Bharhùrt). Còn các trụ đá của vua dựng lên chia ra hai loại: có ghi khắc và không ghi khắc. Khi mới qua, ngài Huyền-Trang thấy được 16 chỗ, song hiện thời chỉ còn chín thạch trụ mà thôi.

 

Đại khái, đối với Phật-giáo, vua A-Dục đã gây một ảnh hưởng quan trọng, tạo một công đức lớn lao, nên người học Phật cũng cần biết lược qua. Trong một đời hộ pháp của nhà vua, sự kiện trọng yếu là kỳ kiết-tập pháp tạng lần thứ ba. Việc nầy đã tác khởi ngọn gió từ bi lan tràn trong công cuộc truyền bá Phật-giáo, mà hiện thời quần chúng các nơi cũng một phần nhờ đó nên được gội nhuần ánh chân lý. Dưới đây là duyên khởi của cuộc kiết-tập.

 

Sau khi đã phát tâm tín phụng Tam-bảo, vua A-Dục hằng để lòng hộ trì Phật-pháp. Lúc bấy giờ giữa giáo đồ đạo Phật và Bà-La-Môn luôn luôn xảy ra những cuộc tranh luận. Hơn nữa, trong giới Tăng-già, hai bộ Thượng-Tọa, Đại-Chúng cũng có quan điểm bất đồng về lý thuyết hữu vô trên phương diện truyền giáo. Muốn cứu vãn mối tệ và điều chỉnh tình trạng trên, vua mới tổ chức cuộc kiết-tập pháp tạng lần thứ ba để minh định lại giáo nghĩa.

 

Cứ theo Thiện-Kiến-Luận của ngài Giác-Âm và bộ ChấpLuận-Sớ của ngài Chân-Đế, thì lòng thành tín của vua A-Dục đã đem lại cho Phật-giáo sự cúng dường rất dồi dào. Nhìn thấy điểm ấy, nhiều kẻ ngoại-đạo cải trang làm Tăng-lữ ở lẫn lộn trong đại chúng. Rồi do tông chỉ và kiến giải bất đồng, họ gây ra tình trạng rối loạn trong Phật-giáo, có thể phá hoại chánhpháp. A-Dục-Vương hay được việc ấy, cho lọc lựa lại, đưa 105 những kẻ tặc-trụ-tỷ-khưu trở về đạo của họ. Tuy nhiên, trong nhóm ấy cũng có vài trăm người bát đạt, thông thuộc Tam-tạng của Phật-giáo, mà phe đảng của ngoại-đạo lại thạnh, nếu đuổi hết e có hại cho Phật-pháp. Do đó vua mới cất một tịnh xá riêng ở Chế-Đa-Sơn cho họ ở. Sau khi ấy, nơi ngôi đại già lam Ma-Yết-Đà (Kỳ-Viên-tự) của vua kiến lập, Tăng chúng có sự bất đồng ý kiến, mỗi lần thuyết giới chia ra hai nhóm ở trong và ngoài Kê-Viên không chịu hòa hợp. Tình trạng như thế kéo dài đã bảy năm. Vua sai sứ đến khuyên bảo hợp nhất, chúng Tăng không chịu. Sứ-giả nổi giận giết Tăng đồ. Vua hay tin cả kinh, vội vã đến chùa xin sám hối, và hỏi nên xử sứ-giả về tội nào? Trong chư Tăng có người nói do vua sai nên vua đắc tội: có vị bảo vua không có ý giết, tội về sứ-giả; có kẻ cho rằng cả hai đều đắc tội. Vua nghe nói phân vân nghi hoặc, không biết xử sự ra sao. Lúc ấy có vài vị lớn tuổi khuyên vua nên hỏi Quốc-sư. A-Dục-Vương y lời, đến núi A-Hô-Hằng-Già thỉnh ý ngài Mục-Liên-Đế-Tu. Tôn-giả Đế-Tu xét biết có kẻ lẫn lộn dùng lý thuyết phân biệt để chia rẽ đại chúng và gây ra sự rối ren, nên tra gạn và trục xuất những người phá hoại. Xong việc ấy, ngài tập họp các vị thánh-tăng và những vị tài đức đến thành Ba-Tra-Lỵ-Phất, bố tát thuyết giới, và kiết-tập pháp tạng lần thứ ba. Công cuộc tổ chức nầy do nhà vua ủng hộ. Trong đại hội lúc ấy có đến 1.000 vị đại-đức Tỷ-khưu do Tôn-giả Mục-Liên-Đế-Tu làm thượng thủ. Việc kiết-tập đã diễn ra trong vòng chín tháng, nhằm thời gian A-Dục-Vương tại vị năm thứ mười tám. Sau khi kiết-tập pháp tạng, Tôn-giả Đế-Tu lại nêu ra yếu nghĩa của các tông và viết đại cương thành quyển Luận-Sự-Luận (Kathavattuppakanara).

 

Qua cuộc kiết-tập, ngài Mục-Liên-Đế-Tu nghĩ rằng: “Sau nầy noi gương nào Phật-pháp sẽ được tồn tại lâu dài?” Nghĩ đoạn, Tôn-giả liền nhập định quán sát, thấy chánh giáo sẽ hưng thạnh nơi miền biên địa. Sau khi xuất định, ngài khuyên các vị Trưởng-lão đi đến những nơi ấy để tuyên dương Phật-pháp.

 

Lúc đó, Đại-đức Mạt-Văn-Đề (Majjhantika) lãnh phần đến nước Kế-Tân (Kasmir) và Kiền-Đà-La (Gandhara) tức CaThấp-Di-La và nam bộ A-Phú-Hãn.

 

Ngài Ma-Ha-Đề-Bà (Mahadeva) đến nước Ma-Hê-Sa-Mạt- Đà-La (Mahisamandala) tức miền Nam-Ấn, sông Kỳ-Sĩ-Mã.

 

Ngài Lặc-Khí-Đa (Rakkhita) đến nước Bà-Tư (Vanavasa) tức miền biên cảnh Nam-Ấn.

 

Ngài Đàm-Vô-Đức (Dhammarakkhita) đến nước A-Ba-Lan- Đa-Ca (Aparantaca) tức miền duyên hải bắc bộ Mạnh-Mãi.

 

Ngài Ma-Ha-Đàm-Vô-Đức (Mahà Dhamma-Rakkhita) đến nước Ma-Ha-Lặc-Tra (Maharattha) tức miền tây Trung-Ấn.

 

Ngài Ma-Ha-Lặc-Khí-Đa (Mahà Rakkhita) đến Du-Na-Thế- Giới (Yonaloka) tức miền Tây-bắc Ấn-Độ, lãnh thổ người HyLạp, xứ A-Phú-Hãn.

 

Ngài Mạt-Thị-Ma (Majjhima) và Ca-Diếp-Ba (Kàsyapa) đến biên cảnh Tuyết-Sơn (Himavanta).

 

Ngài Tu-Na-Ca (Sonaca) và Uất-Đa-La (Uttra) đến nước Kim-Địa, tức Miến-Điện.

 

Ngài Ma-Sấn-Đà (Masandra) và Nhất-Địa-Tẩu đến nước Đồng-Diệp cũng gọi là Sư-Tử-quốc, tức xứ Tích-Lan.

 

Các vị Trưởng-lão khi đi đều có đem đệ-tử theo. Từ đó về sau, đúng như lời tiên đoán của ngài Mục-Liên-Đế-Tu, Phậtgiáo tiến triển theo hai đường nam bắc. Đường phía bắc truyền qua Tây-Vức vào Trung-Hoa. Đường phía nam thì phát triển mạnh ở Tích-Lan. Về nội địa Ấn-Độ, Phật-pháp cũng bành trướng tùy theo giáo khu, sắc thái địa phương ngày một rõ rệt, sự tranh chấp nổi lên rất nhiều.

 

 

Tiết IV: Kỳ Kiết Tập Thứ Tư

 

Sau khi A-Dục-Vương qua đời, con là Thiện-Xưng, cháu là Thập-Xa-Vương kế tiếp lên nối ngôi. Hai ông vua nầy đều sùng tín ngoại-đạo. Đến trước tây-lịch kỷ nguyên 184 năm, nhằm đời vua Đa-Xa, quan-đại-thần đương triều là Bổ-Sa-Mật- Đa-La (Pusyamitra) chấp chưởng binh quyền rồi thí vua mà tự lập. Vương triều Khổng-Tước từ đây đã đổ, nhường cho vương triều Huân-Ca (Sunga) lên thay thế. Triều nầy đến đời vua thứ mười là Thiên-Địa-Vương, lại bị viên đại-thần là Tài-Thiên soán ngôi mà kiến lập ra vương triều Ca-Tư-Bà (Kànva). Các vương triều trên chỉ cuộc hạn trong phạm vi Trung-Ấn, và đều sùng tín ngoại-đạo, nên những bậc thạc đức của Phật-giáo đều đi truyền đạo ở nước ngoài.

 

Từ khi vua A-Dục băng hà, cách khoảng thời gian 300 năm sau, ở miền Bắc-Ấn có vua Ca-Nị-Sắc-Ca (Kaniska) ra đời, tiếp tục ủng hộ chánh-pháp. Điều nên nhắc nhở, trước vua CaNị-Sắc-Ca, ở miền Bắc-Ấn đã có vua Di-Lan-Đà (Milinda) cũng là người của đạo Phật. Vị quốc-vương nầy gốc người Hy-Lạp, đem quân xâm nhập vào Bắc-Ấn, vượt qua sông Tín-Độ, đóng đô ở xứ Xá-Kiệt, chiếm hữu các vùng đất dọc theo thượng lưu sông Hằng. Vua Di-Lan-Đà nghe theo Long-Quân luận-sư (Na-Tiên Tỷ-khưu - Nagasena) quy-y Phật-pháp. Giữa vua và luận-sư có cuộc vấn đáp về Phật-giáo, được người bấy giờ ghi chép, tức là Kinh Na-Tiên-Tỷ-Khưu của Bắc-tông hay Kinh Di-Lan-Đà-Hỏi-Đạo (Milinda - panha) của Nam-tông. Đây là bằng chứng minh xác người Hy-Lạp theo Phật-giáo mà chính vua là kẻ đầu tiên. Vua Di-Lan-Đà lên ngôi khoảng 150 năm trước kỷ nguyên, về sau quốc thổ bị vua nước Nguyệt-Thị (Ueti - Tukhàra, cũng gọi là Nguyệt-Chi) đánh chiếm.

 

Vua Ca-Nị-Sắc-Ca tại vị vào khoảng 124 - 150 sau kỷ nguyên. Ngài thuộc giòng Nguyệt-Thị, một dân tộc ở miền Tây-Vức. Nguyệt-Thị vốn là giống dân du mục trú đóng ở biên cảnh Trung-Hoa, gần tỉnh Cam-Túc. Vào đầu nhà Hán, dân tộc nầy di cư đến Thông-Lãnh, chiếm đoạt cựu lãnh thổ của HyLạp, đánh đuổi hậu duệ của vua Di-Lan-Đà, lập ra vương triều Quý-Sương-Hầu (Kunasa). Ca-Nị-Sắc-Ca chính là vị vua thứ ba của triều nầy. Trước tiên vua đóng đô ở thành Bá-Lộ-Xa (Purusapura - Phú-Lâu-Sa-Bổ-La) thuộc xứ Kiền-Đà-La (Gandhàra), sau thiên đô về thành Ca-Nị-Sắc-Ca (Kanishapura), tại nước Ca-Thấp-Di-La (Kasmira). Theo lịch sử, đây là một thời vua đại thạnh, chiếm lãnh toàn xứ Ấn-Độ, thế lực rất hùng mạnh; phương nam chinh phục Trung-Ấn chiếm thành Hoa-Thị, phương tây hàng nước An-Tức (Parthia) thuộc Ba-Tư bây giờ, phương đông chiếm xứ Ba-Mễ-La của Tây-Tạng, đồng thời lại còn chiếm cả lãnh thổ của nhà HậuHán như Sớ-Lặc (Kashgar), Xa-Sa (Yarkand) và Vu-Điền (Khotan).

 

Thời kỳ trước đó, xứ Ấn-Độ trải qua nhiều phen loạn lạc, Phật-giáo bị ngoại-đạo áp bức, các vị Trưởng-lão thuộc bộ phái Tát-Bà-Đa (Thuyết-Nhất-Thế-Hữu-Bộ) di cư sang lánh nạn ở xứ Ca-Thấp-Di-La. Hoàn cảnh nầy đã đưa vua Ca-Nị-Sắc-Ca đến chỗ tín ngưỡng Phật-giáo. Về dấu tích hộ pháp, vua có kiến tạo rất nhiều tháp để thờ xá lợi của Phật và các vị A-la-hán, đặc biệt là tòa tháp cao hơn bốn mươi trượng, trong có thờ Phật, ở tại thành Bá-Lộ-Xa. Ngoài ra, Ca-Nị-Sắc-Ca-Vương lại còn khuyến khích duy trì nền mỹ thuật Phật-giáo của Kiền-Đà-La. Nhưng sự nghiệp đáng kỷ niệm hơn hết của vua là lần kiết-tập thứ tư tại xứ Ca-Thấp-Di-La.

 

Theo Tây-Tạng-Truyện, cứ mỗi ngày vua Ca-Nị-Sắc-Ca thỉnh một vị tăng vào cung để thuyết pháp, và chính mình duyệt lãm các kinh, luận. Thấy giáo nghĩa trong các bộ không giống nhau, vua lấy làm ngờ vực, đem hỏi ngài Hiếp Tôn-giả (Pàrsva - Ba-Lật-Thấp-Phạ, Ba-Xa). Tôn-giả giảng giải cho vua biết, vì lý do Phật-giáo có 20 bộ phái, nên cách trình bày giáo nghĩa của mỗi bộ đều khác nhau. Tuy nhiên, đường lối quy hướng chung cũng đồng về một trung tâm điểm. Vua nghe thấy thế, nảy ra ý nghĩ dung hội giáo nghĩa mở đại hội kiết-tập pháp tạng.

 

Trước tiên, vua hạ lệnh chiêu tập các học giả khắp trong nước để tuyển lấy những bậc học rộng tài cao, tinh thông Tam tạng. Kết quả sự hiệu triệu nầy, được 500 bị Bồ-Tát, 500 vị Ala-hán và 500 bậc học giả tại-gia. Sau khi đó, cuộc kiết-tập đã diễn ra ở tinh-xá Nhĩ-Hoàn-lâm (Kundalavana - Samgharàma) thuộc phạm vi thành Ca-Nị-Sắc-Ca. Trong pháp hội nầy, đại chúng suy tôn ngài Thế-Hữu (Vasumitra) làm thượng thủ. Ngoài ra lại còn có bốn vị phó là các đại đức: Hiếp Tôn-giả, 110 Pháp-Cứu (Dharmatràta), Diệu-Âm (Ghosa), Giác-Thiên (Buhadeva). Các vị trên đây chú thích Kinh, Luật, Luận, mỗi thứ 10 vạn bài tụng, tất cả là 30 vạn bài, gồm 660 vạn lời. Kỳ kiết-tập nầy, Tam-tạng đều được khắc vào bản bằng đồng, trước sau phải mất 12 năm mới xong. Sau khi hoàn thành, vua cho xây cất một bảo tháp rộng lớn để tàng trữ, cắt cử người giữ gìn để ngăn ngừa sự lẫn lộn của học thuyết ngoại-đạo. Nếu ai muốn học hỏi và nghiên cứu, chỉ được xem ở trong tháp, cấm không cho đem ra bên ngoài. Tuy thế, Kinh và Luật tạng cũng đã sớm bị thất lạc, duy có phần chú thích của A-Tỳ-Đạt-Ma- Đại-Tỳ-Bà-Sa-Luận (Abhidharma - mahavibhàsa), gồm 200 quyển do ngài Huyền-Trang dịch là hiện còn lưu truyền. Nội dung của bộ luận nầy, tổng hợp giáo nghĩa dị đồng của các bộ phái để hoàn thành học thuyết của Hữu-bộ.

 

Sau cuộc kiết-tập, các bộ phái đều nhận chân giáo lý của Phật, không còn tranh chấp nhau nữa. Vua tuy tín ngưỡng Nhất-Thiết-Hữu-bộ, song đối với các bộ phái khác cũng đều công nhận và ủng hộ một cách bình đẳng.

 

Đương thời, do Mã-Minh Bồ-Tát (Asvaghosa), Đại-thừa Phật-giáo ở Ấn-Độ bắt đầu hưng thạnh. Về phần trị hóa thì các nước trong và ngoài Thông-Lãnh đều ở dưới quyền của vua Ca-Nị-Sắc-Ca. Cho nên xét về phương diện chính-trị và tôngiáo, sự du nhập của đạo Phật sang Trung-Hoa cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi hai điểm trên.

 

 

Tiết V: Đại Thừa Kiết Tập

 

Khi Đức Như-Lai còn tại thế, đối với hạng dung thường, Ngài chỉ thuyết pháp một cách phổ thông bình đẳng, không 111 phân chia là Đại-thừa, Tiểu-thừa chi cả. Tuy nhiên, trong lời thuyết pháp của Phật, đôi khi có hàm ẩn giáo lý Đại-thừa. Chẳng hạn như trong kinh Tiểu-thừa, chúng ta thấy có danh từ A-Đà-Na-thức; A-Đà-Na là thức thứ tám, thức nầy không phải cảnh giới Thanh-Văn có thể thấu triệt được. Cho nên khi đọc tới danh từ trên đây, họ chỉ hiểu là thức thứ bảy của ngã chấp mà thôi. Sự dẫn chứng Đại-thừa-pháp hàm ẩn trong kinh giáo Tiểu-thừa, quyển Nhiếp-Đại-Thừa-Luận có phân tích rành rẽ.

 

Sở dĩ Đức Thế-Tôn không đem giáo nghĩa Đại-thừa mở rộng giảng cho hạng tiểu căn nghe, vì sợ họ không hiểu rồi sinh lòng phỉ báng mà mang đọa. Theo trong kinh, chấp nhận được giáo lý Đại-thừa, chỉ có ba hạng:

1. Hạng Đăng-Địa Bồ-Tát: Bậc Bồ-Tát khi đã chứng phápthân, thấy vô số Tịnh-độ, Uế-độ ở mười phương, được nghe chư Phật mười phương thuyết pháp. Bởi lý do nầy, đối với Phật-bảo, Bồ-Tát tin chắc có vô lượng chư Phật ở tha phương thế-giới, không như hàng Thanh-Văn chỉ biết trong phạm vi tam-thiên-giới của cõi Ta-Bà và chỉ tôn thờ một vị Phật là Đức Thích-Ca-Mâu-Ni. Đối với Pháp bảo, Bồ-Tát tin hiểu có vô lượng pháp môn độ sinh, không như hàng Thanh-Văn chỉ chấp nhận pháp Tứ-đế, Thập-nhị-nhân-duyên và các tiểu pháp khác. Đối với Tăng-bảo, Bồ-Tát hiểu rằng có vô lượng chư Bồ-Tát ở mười phương, không như hàng Thanh-Văn chỉ biết có Di-Lặc Bồ-Tát sau sẽ thành Phật và các vị A-la-hán như Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên...

2. Hạng Thanh-Văn tin nơi lời của Phật và phát tâm Đại thừa: Đại-thừa tuy không phải là cảnh giới của hàng ThanhVăn, nhưng do họ tin lời của Phật mà chấp nhận. Như trong 112 kinh Pháp-Hoa, Đức Thế-Tôn bảo: “Xá-Lợi-Phất! Pháp môn nầy với đạo quả của ông, hãy còn nương nơi ta mà tin hiểu... Bao nhiêu hàng Thanh-Văn khác, chỉ tùy thuận Như-Lai mà tín thọ, chớ không phải do trí huệ của chính mình”.

 3. Hạng phàm-phu có chủng tử Đại-thừa: Đây là những hạng Đại-thừa chủng tánh trong năm tánh theo kinh Phật. Hạng nầy nhiếp luôn cả Sơ-phát-tâm Bồ-Tát và Hiền-vị Bồ-Tát. Tuy chưa chứng đạo quả nhưng hàng Đại-thừa chủng tánh do nhiều kiếp về trước đã huân tập pháp Đại-thừa, nên một khi nghe đến pháp nầy liền tín thọ. Như kinh Kim-Cang, kinh Vô-Lượng Thọ đều nói: “Nếu có người nào nghe pháp nầy mà tin thuận, nên biết kẻ ấy không phải chỉ gieo căn lành nơi một hai Đức Phật, mà đã từ vô lượng chư Phật về trước rồi”. Lại, Đại-thừa có nhiều pháp môn, nên sự huân tập của hàng Đại-thừa chủng tánh cũng có ít nhiều sai biệt. Như cũng đồng Đại-thừa chủng tánh mà có kẻ tin pháp Bát-nhã, song không tin pháp Bí-mật, hay tin pháp Bí-mật nhưng không tin pháp Tịnh-độ, hoặc tất cả đều tin. Còn hạng không có chủng tánh nầy, dù đọc hết bao nhiêu pháp tạng, kết cuộc sự tin hiểu và lối giải thích nếu không Tiểu-thừa cũng thế gian, không thế gian cũng ngoại-đạo. Thật đúng như câu:

“Nhất đại-tạng-kinh đô khán tận.

Bất tri thùy thị cá trung nhơn?”

(Một đại-tạng-kinh xem đã hết.

Biết ai là kẻ ở trong đây?).

 

Trong một đời giáo hóa, Đức Thế-Tôn phần nhiều nói giáo pháp thông thường. Tuy nhiên, đối với hạng đại căn, Ngài lại diễn môn Đại-thừa đặc biệt. Những kỳ thuyết pháp nầy, có khi 113 Đức Phật nói ở Thiên-cung, Long-cung, hay nơi hải đảo, non cao, hoặc riêng trong chúng hội có căn cơ kham tin nhận đại pháp. Từ trước đến đây, sở dĩ có cuộc dẫn giải dài dòng, là để học giả tin pháp Đại-thừa có thật, nhưng rất khó tin, nếu không phải là người đã sẵn đại căn. Vì khó tin nên khi Phật nói kinh Pháp-Hoa ở non Linh-Thứu, đã có 5000 vị Thanh-Văn chứng tứ-đạo-quả, rút lui ra khỏi pháp hội. Và đã có Đại-thừa pháp, tất nhiên có cuộc kiết-tập giáo nghĩa nầy.

 

Căn cứ theo kinh, cuộc kiết-tập Đại-thừa-giáo đã diễn ra ba lần ở ba nơi:

 

Lần thứ nhất, như kinh Bồ-Tát-Xử-Thai nói: Sau khi Đức Thế-Tôn diệt độ bảy hôm, ngài Ma-Ha-Ca-Diếp dùng thần thông chiêu tập 500 vị A-la-hán đến Sa-La-Song-Thọ. Đồng thời lại có các bậc Đại A-la-hán ở mười phương vân tập tới bản xứ. Lúc ấy trong đại hội có tám ức bốn ngàn chúng A-la-hán. Sau khi thỉnh Tôn-giả A-Nan lên tòa thất bảo, ngài Đại CaDiếp nói: “Pháp tạng của Phật, nhân giả đã thọ trì. Vậy xin trùng tuyên lại đừng để sót mất một lời một chữ. Về các tạng: Bồ-Tát, Thanh-Văn, Giới-luật, xin tập hợp mỗi bộ loại cho rành rẽ”.

 

Khi ấy, giữa chúng hội, ngài A-Nan trùng tuyên pháp tạng chia thành ba bộ loại: Bồ-Tát, Thanh-Văn và Giới-luật. Riêng về tạng Bồ-Tát, tôn-giả lại phân ra tám biệt tạng là: Thai-Hóa, Trung-Ấm, Đại-Phương-Đẳng, Giới-Luật, Thập-Trụ-Bồ-Tát, Tạp-Tạng, Kim-Cang và Phật-Tạng.

 

Lần thứ hai, như Luận-Trí-Độ nói: Sau khi Phật nhập diệt, các vị Bồ-Tát Văn-Thù, Di-Lặc dùng thần thông đem ngài A- 114 Nan đến núi Thiết-Vi. Tại nơi đây đã có vô lượng chúng Bồ- Tát, Thanh-Văn cùng Thiên-long-bát-bộ vân tập. Lúc đó, giữa chúng hội, ngài A-Nan kiết-tập ba tạng Kinh, Luật, Luận, của Đại-thừa. Kế đó các Bồ-Tát lại đem ngài đến núi Kỳ-Xà-Quật, kiết-tập ba tạng Tiểu-thừa.

 

Lần thứ ba, như Đại-Nhật-Kinh-Sớ nói: “Cuộc kiết-tập Bí- mật-tạng chia làm ba bộ phái:

1. Bộ phái Tự-môn: Bộ nầy do ngài A-Nan kiết-tập gồm hai môn loại: Kim-Cang-giới và Thai-Tạng-giới.

2. Bộ phái Sơn-môn: Bộ nầy cũng kiết-tập hai môn loại trên, nhưng Bồ-Tát Kim-Cang-Thủ làm Chánh-hội-chủ, Tôn-giả ANan làm Phó-hội-chủ.

3. Bộ phái Đông-tự: Bộ nầy do Kim-Cang-Thủ Bồ-Tát kiếttập lại Tạp-bộ của hai môn loại trước.

 

Tóm lại, hai kỳ kiết-tập trước gọi chung là Đại-thừa-kiết-tập, xứ sở là Sa-La-Song-Thọ và Thiết-Vi-Sơn. Kỳ kiết-tập sau gọi là Bí-mật-kiết-tập, xứ sở chưa được rõ.