Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Đời Sống Sau Khi Chết Theo Quan Điểm Phật Giáo

27 Tháng Năm 20163:18 CH(Xem: 4678)
Đời Sống Sau Khi Chết Theo Quan Điểm Phật Giáo

Bài này được dịch từ cuốn “An Exposition of Buddhism” của Đại Đức Pidiville Piyatissa, do ‘The Corporate Body of the Buddha Educational Foundation’ ấn tống tại Đài Loan năm 1995. Đây là bản dịch một chương trong sách này, ‘The Buddhist Approach to Life After Death’. Những chữ in nghiêng trong dấu ngoặc và Chú thích là do người dịch thêm vào. Người dịch xin lỗi độc giả về dấu của vài từ Pali không được đầy đủ vì phần mềm VietSpell để gõ chữ Việt-Phạn bị mất, chưa cài đặt lại khi dịch bài này.    

Hầu hết các đức tin hiện đại và ngay cả vài tôn giáo cổ xưa cũng tin tưởng có đời sống sau khi chết. Các đạo Cơ-Đốc, đạo Hồi và đạo Do Thái tin tưởng chỉ có một đời sống sau khi chết, ở mãi trong địa ngục hay trên thiên đàng tùy thuộc vào hành động của mình khi còn sống. Đạo Phật thì không giống như vậy mà cùng quan điểm với Ấn-độ giáo và các nhánh Jainism, Sikhism, tin đời sống còn tiếp tục nhiều kiếp cho đến khi đạt được mục đích tối hậu (như là được giác ngộ, giải thoát…). 

Chúng ta không nên quên rằng, cũng giống như các dữ kiện khác của Phật Giáo, quan điểm về đời sống sau khi chết theo Phật Giáo rất khác biệt với các tôn giáo khác và có tính cách độc đáo mặc dầu rằng có vẻ như là giống nhau. Vì thế, cần phải hiểu sự khác biệt giữa những giáo pháp tương tự đó.

Có ba thuật ngữ Pali đặc biệt nói về “đời sống sau khi chết”. Đó là ‘Punaravatara’(Reincarnation, Hóa Thân), ‘Punarutpatti’ (Rebirth, Tái Sinh) và ‘Punabbhava’ (Re-becoming, Hiện hữu mới). Đó là những thuật ngữ khác nhau được dùng để giảng giải những hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên cả ba thuật ngữ đều nói về đời sống sau khi chết. Hầu hết các tự điển Anh ngữ đều định nghĩa Hóa Thân và Tái Sinh là đồng nghĩa (theo quan điểm của người soạn tự điển). Thí dụ, tự điển Oxford Reference Dictionary có định nghĩa như sau: “Reincarnation: the rebirth of a soul” (Hóa Thân: sự Tái Sinh của một linh hồn); “Rebirth: a new incarnation” (Tái Sinh: một sự hóa thân mới). Trong bất cứ tự điển Anh ngữ nào, tôi cũng không thể tìm ra chữ  “re-becoming” là chữ phản ảnh đúng quan điểm của Phật Giáo về đời sống sau khi chết. Chỉ có tự điển Phật Giáo của Nyanatiloka Thera có định nghĩa từ Pali ‘Punabbhava’ là “renewed existence” (hiện hữu mới hay kiếp sống mới). Tôi xin giảng giải những từ ngữ này xa hơn để minh định sự khác biệt về ý nghĩa của mỗi từ.

 

Punaravatara (Re-incarnation, Hóa Thân)

Ở đây ‘Puna’ có nghĩa là “lần nữa”. ‘Avatara’ là danh từ của ‘Avatarana’ có nghĩa là ‘hiện xuống’, coming down. Ta có thể kết luận ý nghĩa của chữ ‘Punavatara’ là hiện xuống hay ai đã hiện xuống. Trong bối cảnh này, ai  hiện xuống? Thượng Đế là kẻ hiện xuống. Người theo Ấn Độ Giáo tin rằng Thượng Đế tối cao của họ (Vishnu) hiện xuống khi nào và nơi nào cần thiết. Họ nhận biết mười hiện thân (embodiments) như thế của Thượng Đế và gọi là ‘mười hóa thân’(Das Avatar). Theo họ, Thượng Đế hiện xuống từ một nơi cao cả như Thiên đàng và xuống nơi thấp hơn như là trái đất, do đó có chữ ‘Avatarana’ -  hiện xuống. Vì thế, sự hóa thân là sự biểu tượng của Thượng Đế dưới những hình thể khác nhau.

Trên thực tế, sự hóa thân không cắt nghĩa được đời sống sau khi chết của những loài chúng sinh khác. Ý tưởng này của Ấn Độ Giáo dường như chỉ được chia sẻ với một vài tôn giáo khác (như là Cơ Đốc Giáo: Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con - Jesus - là một).  

 

Punarutpatti (Re-birth, Tái Sinh )

Chữ ‘tái sinh’ liên kết rất nhiều với ý niệm của một linh hồn thường còn, vĩnh cửu. Như chúng ta thấy những định nghĩa trong các tự điển Anh ngữ, ‘tái sinh’ có nghĩa là sự dời chỗ của linh hồn (qua một thân xác hay hình thể khác). Ý niệm về linh hồn này, tiếng Pali là ‘attà’, tự ngã (Xem Chú thích 1), từng là nguồn gốc tranh luận suốt quá trình lịch sử của tôn giáo. Theo sự giảng giải của vài tôn giáo, khi một người chết đi, linh hồn được thoát khỏi thân xác và tiếp tục sống trong một hình thể mới ở một nơi nào khác. Phật Giáo thì không chấp nhận bất cứ một linh hồn trường cửu nào như thế. Theo Đức Phật, tin tưởng vào sự vĩnh hằng trường cửu của vật chất (tứ đại) và tâm là một cực đoan; tin tưởng rằng  tất cả thân tâm đều hủy diệt khi một người chết đi (Nihilism, thuyết Hư Vô) là một cực đoan khác. Đức Phật đã hiểu được thực tại của sự vật mà không theo hai cực đoan này. Con đuờng của Đức Phật được gọi là con đường Trung Đạo. Một cách đơn giản, Đức Phật phủ nhận ý tưởng thường còn vĩnh cửu và ý tưởng hủy của thân tâm khi một người chết đi. Khỏi cần phải nói, ý niệm tái sinh với một linh hồn vĩnh cửu chẳng phù hợp gì với quan điểm Phật Giáo về đời sống sau khi chết. ( Xin xem Chú thích 2).

 

Punabbhava (Re-becoming, Hiện hữu mới)

‘Hiện hữu mới’ hay ‘đời sống mới” có thể xem như là quan điểm của Phật Giáo về đời sống sau khi chết. (Bhava - Becoming là hữu, đời sống. Punabbhava - Re-becoming là đời sống mới, hiện hữu mới- Xem Chú thích 3).

Một khi ta đã phủ nhận ý tưởng về một linh hồn trường cửu hay sự thường còn của sự vật thì đương nhiên phải có câu hỏi, “Nếu không có linh hồn thì ai là người được sinh ra?” Trước khi trả lời câu hỏi này thì một câu hỏi khác nên được đặt ra. Đó là “Ai đang sống đây?” Khi chúng ta tìm ra câu trả lời cho câu hỏi sau thì chúng ta cũng thấy được câu trả lời cho câu hỏi đầu.

Ai là kẻ đang hiện hữu? Chính đời sống là đang hiện hữu. Theo Đức Phật, chẳng có gì tồn tại như nó hiện là, cho dù chỉ trong một giây thôi. Mọi sự vật đều đang ở trong một tình trạng thay đổi liên tục không ngừng nghỉ (incessant state of flux). Lý thuyết này được gọi là Vô Thường – Anicca.  Nếu sự vật đang thay đổi, chúng ta không thể xem chúng là hạnh phúc, tốt đẹp hoàn toàn. Nếu sự vật luôn luôn thay đổi và khó chịu, làm sao mà ta có thể xem chúng như là một linh hồn bất diệt? Nói một cách khác, làm thế nào mà  chúng ta có thể xem sự vật thay đổi liên tục và bất toại nguyện đó như là “Tôi” hay “Của Tôi” được (vì chẳng ai làm chủ hay kiểm soát được những gì xảy ra ngoài ý muốn). Cho đến khi chúng ta hiểu được bản chất thực này của sự vật (bản chất thay đổi liên tục), chúng ta phải hiện hữu trở lại, tái sinh nhiều lần, cho dù chúng ta có chấp nhận thuyết Vô Thường hay không (Chú thích 4). Vì thế cho nên câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người đang hiện hữu?” là: “Chính đời sống (đang thay đổi không ngừng đó) là đang hiện hữu”. Thí dụ khi ta nói : “Có phải đang mưa?”, chẳng có ai mà nghĩ rằng câu hỏi “Cái gì đang mưa?” là một câu hỏi có nghĩa lý. Bởi vì ai cũng biết mưa chỉ là mưa (có đủ nhân duyên, điều kiện thì có mưa). Tương tự, nếu có ai hỏi “Cái gì hay ai là người tái sinh hay hiện hữu trở lại ?”, câu trả lời của chúng ta là: “ Đời sống đó chính là hiện hữu” (Chẳng có ai sống, chẳng có ai hiện hữu cả; chỉ có sự hiện hữu, rồi sự hiện hữu mới).

Tuy nhiên, câu hỏi thực sự có ý nghĩa là tại sao và thế nào mà chúng sinh phải hiện hữu trở lại, tái sinh qua nhiều kiếp sống. Câu trả lời như sau:

“Chúng ta hiện hữu trở lại bởi vì sự tham ái khắc sâu trong ta giữ chúng ta trong vòng sinh tử luân hồi. Những tham ái rất mạnh mẽ này (tanhà) gồm có ba phần. Đó là Dục Ái (kàma tanhà), Hữu Ái (bhava-tanhà) và Vô Hữu Ái (vibhava-tanhà). (Xem Chú thích 5). Những tham ái này có nhiệm vụ tạo nên sự hiện hữu mới, bởi vì chừng nào mà chúng ta còn bị ảnh hưởng của tham ái thì chúng ta còn ở trong quá trình của vòng luân hồi (bhava-cakka): cũng giống như khi chúng ta ném vật gì lên cao thì vật đó sẽ rơi lại xuống mặt đất. Chúng ta biết lý do tại sao, đó là ảnh hưởng của trọng lực. Tuy nhiên, nếu ta bắn một hỏa tiễn đi quá ảnh hưởng của trọng lực thì hỏa tiễn sẽ không bao giờ trở lại trái đất. Tương tự như thế, tham ái tạo nên một từ trường giam giữ con người trong vòng hiện hữu. Khi chúng ta nhổ hết được gốc rể của những tham ái này, chỉ có khi đó chúng ta mới giải thoát khỏi hiện hữu trở lại. Đức Phật chỉ rõ rằng con người không thấu hiểu được điều này bởi vì sự Vô Minh (avijjà). Chúng sinh bắt buộc phải trải qua nhiều lần quá trình hiện hữu cho đến khi vượt qua được những tham ái cố hữu sâu xa của họ. Họ tiếp tục sản xuất thêm nhiên liệu cần thiết cho cuộc hành trình sinh tử luân hồi dài lâu của họ. Nhiên liệu này được gọi là ‘vipàka’ - quả của hành động tự ý (kamma - nghiệp) . Quả có thể tốt (phước) hoặc xấu (họa). Quan điểm của Phật Giáo là chủ ý tốt tạo nên thiện nghiệp, trong khi chủ ý xấu mang lại bất thiện nghiệp. Mỗi một hành động được ghi nhận và chúng ta chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nghiệp có ảnh hưởng rất lớn trên chúng ta, như thế kiếp sống tới của chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào những gì ta làm trong kiếp sống này.   

Một điểm rất thích thú là người theo Phật Giáo không những chỉ tin tưởng có đời sống sau khi chết mà họ còn tin tưởng mạnh mẽ có đời sống trong quá khứ trước sự hiện hữu hiện nay. Giống như đã có nhiều ngày đã qua và sẽ só nhiều ngày sắp tới, chúng ta sẽ có nhiều kiếp sống sau khi chết và đã có nhiều kiếp sống trước đây.  Có người có thể cải rằng họ không chấp nhận lý thuyết này vì họ không thể hiểu được. Điều này giống như là một người mù nói rằng “Bạn nói về màu sắc như màu đen, trắng, nâu... nhưng tôi không thấy màu nào cả, vì thế cho nên chẳng có màu nào trên thế giới cả”. Chỉ vì người mù không có khái niệm về màu sắc, phải chăng ta nên đồng ý với lời họ nói? Điều này không có hàm ý rằng chúng ta phải tin tưởng mù quáng tất cả những gì tôn giáo nói – chúng ta không nên quên rằng niềm tin mù quáng (amùlika saddhà) không có chỗ đứng trong Phật Giáo. Nếu chúng ta nhìn vào xã hội, có nhiều bằng chứng để tin rằng có một năng lực vô hình kiểm soát đời sống chúng ta – phải chăng đó là nghiệp ( kamma) hay ý muốn của Thượng Đế?

Tuy nhiên lý thuyết về nghiệp này không có nghĩa là mọi việc xẩy ra đều do nghiệp (kamma) mà còn có vài nguyên nhân khác liên hệ vào. Chúng được gọi là ‘Pancaniyàmadhamma’ – những định luật thiên nhiên có năm phần (Xin xem Chú thích 6). Định luật về nghiệp không phải là  thuyết định mệnh, cũng chẳng phải thuyết tiền định bác bỏ khả năng tự quyết định của loài người. Có rất nhiều chi tiết về nghiệp cần được nghiên cứu thêm trong các tài liệu về Phật Pháp (Xin xem Chú thích 7).

 

Phần Chú thích:

1.Chú thích 1: Tác giả dùng chữ attà ( tự ngã, self ) để chỉ ý niệm về linh hồn như là một cái ngã “thường hằng”; theo một vài tôn giáo, sau khi chết linh hồn lìa khỏi xác và tiếp tục sống trong một hình thể khác ở một nơi khác; tuy nhiên có từ ngữ Pali để chỉ linh hồn theo nghĩa này, đó là chữ ‘jìva’( individual soul ). Tinh túy của Phật Giáo nằm ở thuyết Vô Ngã ( anattà, not-self, còn gọi là Tánh Không ), không chấp nhận bất cứ cái gì có một tự ngã riêng. Ngài Dalai Lama XIV dạy rằng “ người tu Bát nhã ba la mật đa phải thấy rõ điều này: đến cả năm uẩn cũng không có tự tánh”. (Xin xem 2 sách về Vô Ngã giới thiệu dưới đây: Chú thích 7c và 7d).  

2. Chú thích 2: Theo Phật Giáo, tái sinh - jàti - được định nghĩa là “biểu hiện đầu tiên của ngũ uẩn trong kiếp sống của chúng sinh hữu tình”; đối với con người, đó là lúc thụ thai, không phải là lúc lọt lòng ra đời. Tái sinh là Sinh ở nhân duyên thứ 11 của kinh Thập Nhị Nhân Duyên, trong tương quan thứ 10: ‘do Hữu làm điều kiện, Sinh sinh khởi’. Khi dùng các tự điển  không phải là tự điển Phật học, chúng ta phải để ý tới định nghĩa của các từ ngữ theo quan điểm của người soạn tự điển có thể không đúng với kinh sách Phật Giáo và nên tham khảo, tìm hiểu định nghĩa của các từ ngữ gốc trong kinh bằng tiếng Pali hay Sanskrit.  

3. Chú thích 3: Hữu ( Becoming – Bhava ) là nhân duyên thứ 10 trong 12 nhân duyên của kinh Thập Nhị Nhân Duyên (còn gọi là Pháp Duyên Sinh, Chuỗi Nhân Duyên Sinh hay là Lý Duyên Khởi – Paticca samuppàda – Chain of Conditioned Arising ). Ý nghĩa thông thường của Hữu là hiện hữu, đời sống. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa thông thuờng là hiện hữu (Upapatti bhava), Chú Giải Vi Diệu Pháp (Atthasàlini) còn giải thích nghĩa thứ hai của Hữu là nguyên nhân của tái sinh gọi là nghiệp hữu (kamma bhava).  

4. Chú thích 4: Thực sự, Vô Thường không chỉ là lý thuyết, hành giả hành thiền Minh Sát đúng cách và kiên trì sẽ chứng tuệ Phân biệt danh-sắc, tuệ Phân biện nhân duyên, tuệ thấu đạt Khổ, Vô Thường, Vô Ngã, tuệ Sinh Diệt, tuệ Suy-tư, tuệ Xả... ( trong 16 tầng tuệ của Thiền Minh Sát ).

5. Chú thích 5: Ái có 3 cách sinh khởi: (a) sinh khởi vì khao khát các đối tượng ưa thích, gọi là Dục Ái (kàma tanhà); (b) sinh khởi cùng với tà kiến về sự thường còn của đối tượng, gọi là Hữu Ái (bhava tanhà); (c) sinh khởi với đoạn kiến là chúng sinh bị hủy diệt ngay khi chết, gọi là Vô Hữu Ái (vibhava tanhà). Theo Vi Diệu Pháp, có 52 tâm sở, Ái là tâm sở Tham; cùng một tâm sở nhưng đôi khi gọi là Tham, (lobha), đôi khi là Ái (tanhà), là Dục (kàma), là Ô nhiễm (ràga). Theo kinh Mười Hai Nhân Duyên, tương quan giữa Thọ và Ái là ‘Do Thọ làm điều kiện mà Ái sinh khởi’, Ái quả là nguyên nhân của mọi đau khổ của chúng sinh. Trong 11 tương quan của 12 nhân duyên, tương quan thứ 7 này giữa Thọ và Ái quả cần phải được phá vỡ, phải bẻ gãy bánh xe luân hồi ở giữa hai nhân duyên Thọ và Ái, vì để chấm dứt vòng luân hồi, điều cần thiết phải làm là không cho Tham Ái sinh khởi sau Cảm Thọ. Cách để loại bỏ Tham Ái là tu tập theo con đường giải thoát Giới, Định, Huệ, là  giữ giới, hành thiền, phát triển trí huệ. Đặc biệt trong việc hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, nhờ chánh niệm ghi nhận, hành giả không bị dính mắc vào Thọ cho nên Ái không sinh khởi (theo kinh Mười Hai Nhân Duyên, như giới thiệu dưới đây – Chú thích 7b).

6. Chú thích 6: Panca-niyàma là một từ trong Chú Giải để chỉ rõ định luật thiên nhiên có sẳn trong mọi sự vật, gồm có năm phần:    (a) luật về nhiệt độ, các mùa nóng lạnh và các hiện tượng nóng lạnh (utu-niyàma); ‘utu’ là nhiệt độ, như yếu tố ‘lửa’ trong tứ đại.    (b) luật về đời sống cây cỏ, thực vật (bìja-niyàma).

 (c) luật về nghiệp (kamma-niyàma).

 (d) luật về tâm, như thứ tự vận hành của thức trong quá trình nhận biết (citta-niyàma).

 (e) luật về một số sự kiện liên hệ tới Giáo Pháp (Dhamma), như những biến cố tiêu biểu trong cuộc đời của các vị Phật.     

7. Chú thích 7: Để có một sự hiểu biết Phật-Pháp căn bản cũng như để am hiểu các đề tài quan trọng, như Nghiệp, Tái Sinh, Vô Ngã... , xin đề nghị đọc hoặc tra cứu các tài liệu sau đây:

  - a)“ Người Phật Tử Am Hiểu Giáo Pháp Căn Bản” ( Kalyàna ) của Hòa T hượng U Sìlànanda do Thiện-Anh Phạm-Phú-Luyện soạn dịch, Như Lai Thiền Viện ấn tống 2012; sách này giảng giải Giáo Pháp căn bản, gồm cả “37 Phẩm Trợ Đạo”(Bodhi-pakkhiya) và “24 Điều Kiện Tương Quan”(Patthàna) rất cần thiết để hiểu rõ   Pháp Duyên Sinh. (xem sách ấn tống của Như Lai Thiền Viện ở  www.tathagata.org).

  - b)“ Mười Hai Nhân Duyên” của U Silananda Sayadaw do Phạm Phú Luyện soạn dịch, Như Lai Thiền Viện ấn tống 2008. Có thể đọc bản tiếng Anh “Dependent Origination” do U Hla Myint hiệu đính, Như Lai Thiền Viện ấn tống năm 2010. Địa chỉ Như Lai Thiền Viện: 1215 Lucretia Avenue, San Jose, CA 95122.

 - c)“Kinh Vô Ngã Tướng ( The Great Discourse on Not-Self – Anattalakkhana Sutta ) của Ngài Mahasi Sayadaw biên soạn bằng tiếng Miến Điện, do U Ko Lay chuyển Anh ngữ và do Phạm Kim Khánh chuyển Việt ngữ; Thích Ca Thiền Viện ấn tống (địa chỉ: 15950 Winters Ln, Riverside, CA 92504).

 - d)“Tinh Túy Bát Nhã Tâm Kinh” (Essence of the Heart Sutra của Đức Dalai Lama XIV) do Hồng Như Thubten Munsel chuyển Việt ngữ 2008. Sách do “Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition” ấn hành.

 -  e)“Buddhist Dictionary – Manual of Buddhist Terms and Doctrines” của Nyanatiloka, 4th Revised Edition, Buddhist Publication Society, Kandy-Sri Lanka; ISBN 955-24-0019-8.

 - f)“Chú Giải Thuật Ngữ  Pali-Anh”, do Bhikkhu Nànamoli biên soạn và do Bhikkhu Bodhi hiệu đính, Buddhist Publication Society in năm 1994, Kandy - Sri Lanka: “Pali-English Technical Glossary”, ISBN 955-24-0086-4.

 

                                                                               Liễu Pháp

                                                                  Minnesota, tháng 6/2014