Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

PHẬT GIÁO DƯỚI CÁC TRIỀU ĐẠI NHƯ ŚUNGA, KANVA, SATAVAHANA VÀ CÁC VỊ VUA KẾ VỊ CỦA SATAVAHANA.

09 Tháng Chín 201610:24 CH(Xem: 4946)
PHẬT GIÁO DƯỚI CÁC TRIỀU ĐẠI NHƯ ŚUNGA, KANVA, SATAVAHANA VÀ CÁC VỊ VUA KẾ VỊ CỦA SATAVAHANA.

PHẬT GIÁO DƯỚI CÁC TRIỀU ĐẠI NHƯ ŚUNGA, KANVA, SATAVAHANA VÀ CÁC VỊ VUA KẾ VỊ CỦA SATAVAHANA. 

Thích Thông Lý

---o0o---

 

I- Các vị vua thuộc triều đại Śunga:

1- Vua Pusyamitra:

Dựa vào một số tác phẩm Purāna (văn học của Bà-la-môn giáo)[1] và Harsacarita, chúng ta thấy rằng, vua Brhadratha chính là vị hoàng đế sau cùng thuộc triều đại Maurya. Vị vua này bị vua Pusyamitra xác hại để cướp ngôi. Vua Pusyamitra là người đã từng nắm chức tổng tư lệnh trong quân đội dưới triều đại của vua Brhadratha. Ông đã cướp lấy ngôi vua thuộc vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) và sáng lập nên triều đại Śunga. Kinh Divyāvadāna (A-dục-vương truyện) còn ghi lại rằng, vua Pusyamitra là người thuộc triều đại Maurya. Một số tác phẩm Purāna (văn học của Bà-la-môn giáo) cũng ghi rằng, vua này xuất thân từ dòng dõi Śunga. Một đoạn trích dẫn trong tác phẩm Mālavikāgnimitra của ông Kālidāsa có đề cập đến người con trai của vua Punyamitra, là thái tử Agnimitra. Ông ta là con cháu của bộ tộc người Naimbika thuộc dòng dõi Kāsyapa (Ca-diếp). Tác phẩm Punini còn đề cập đến các vị vua Śunga xuất thân từ dòng dõi Bà-la-môn (Brāhmana) thuộc bộ tộc người Bhāradvāja. Thủ phủ của vua Punyamitra là Pātaliputta (Hoa-thị-thành). Vua này thống lãnh một số thành phố như Pātaliputta (Hoa-thị-thành), Ayodhyā, Vidīsā và Vidarbha (Berar). Ông đã mở rộng bờ cõi của mình trải dài đến tận miền Nam của con sông Narmadā. Vị vua này còn bành trướng nhằm thống trị ở một số nơi như Jālandhar và Sākala nằm trong tiểu bang Punjab.[2]  

Divyāvadāna (A-dục-vương truyện) và Tāranātha (Pháp-tạng bộ) còn đề cập đến vua Pusyamitra, người được xem như là một kẻ ngược đãi tàn bạo đối với Phật giáo. Vị vua này chính là kẻ thù tàn bạo của Phật giáo. Ông đã hủy diệt nhiều ngôi tháp, đốt nhiều tu viện từ Madhyadesa chạy dài cho đến Jālandhar nằm trong địa phận của tiểu bang Punjab và đã sát hại nhiều Tăng sĩ uyên bác của Phật giáo. Vị vua này cố phá hủy tu viện Kukkutārāma, một tu viện nổi tiếng tại Pātaliputta (Hoa-thị-thành), nhưng ông lại không dám tiến vào bên trong khi nghe có tiếng la hét ầm ĩ và ông đã phải trở lui mà không phá hủy bất cứ một thứ gì bên trong ngôi chùa này cả.[3]  Divyāvadāna (A-dục-vương truyện) còn ghi thêm rằng, vua này đã loan báo một giải thưởng trị giá hàng trăm đồng tiền vàng cho những ai lấy được thủ cấp của bất kỳ một vị Sa-môn[4]của Phật giáo nào tại nước Sākala thuộc tiểu bang Punjab. 

Sau khi lên ngôi vua tại thủ phủ Pātaliputta (Hoa-thị-thành), vua Pusyamitra đóng một vai trò rất có ý nghĩa đối với công cuộc phát triển của Bà-la-môn giáo. Vị vua này là người ủng hộ đắc lực cho Bà-la-môn giáo và đã đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của Bà-la-môn giáo. Dưới triều đại của vị vua này, Bà-la-môn giáo trở thành một tôn giáo nổi bật tại vương quốc của ông. 

Nhìn chung, trong suốt triều đại của các vị hoàng đế Śunga,[5] người ta tin rằng, nhiều công trình của Phật giáo được xây dựng tại Bharhut. Dựa theo các dữ kiện này, thì hầu hết giới trí thức hoàn toàn phủ nhận lại truyền thuyết được ghi trong Divyāvadāva (A-dục-vương Kinh) mà cho rằng, vua Pusyamitri được xem như là một kẻ ngược đãi tàn bạo đối với Phật giáo. Hơn nữa, họ còn khẳng định Phật giáo được thịnh hành trong suốt giai đoạn thuộc triều đại Śunga. Một số vùng như Sāñcī, Bodh-gayā (Bồ-đề Đạo-tràng), Sārnāth (Ba-la-nại) và Lauriyā Nandangarh chính là những trung tâm quan trọng của Phật giáo trong suốt thời gian mà các vị vua thuộc triều đại Śunga đã từng thống trị. Thậm chí từ những chỉ dụ được khắc tại Bharhut và Sāñcī, chúng ta thấy rằng, những chủ nhân trong hoàng gia cũng như các thường dân đã cúng dường nhiều phẩm vật cốt yếu để xây dựng các công trình của Phật giáo. Nhưng một số giới trí thức khác lại cho rằng, cổng ra vào tại Bharhut được xây dựng không phải dưới triều đại của vua Punyamitra, mà là dưới triều đại thuộc những vị vua kế ngôi sau này của ông. Các vị vua sau đã áp dụng chính sách khoang dung của họ đối với Phật giáo và hàng Tăng lữ của Phật giáo. Họ còn cho rằng, vua Punyamitra đã sáng lập triều đại của ông vào khoảng năm 187 tr TL, và các cổng ra vào được xây dựng cho đến cuối giai đoạn thuộc triều đại Śunga.[6] 

2- Những người kế vị sau vua Punyamitra:

Vua Punyamitra đã trị vì trong suốt 36 năm (từ năm 187 đến năm 151 tr TL). Sau cái chết của vua Punyamitra, vua Agnimitra, người đã từng nắm chức tổng trấn tại Tỉnh Vidisā (hay còn gọi là Miền Đông của Mālavā) trong suốt triều đại của phụ vương ông và lên ngôi vua thuộc triều đại Śunga.[7] Vị vua này trị vì trong một thời gian suốt khoảng 8 năm. Sau đó, vua Jyestha (hoặc Sujyestha), vua Vasumitra (hoặc Sumitra) và vua Bhadraka (hay Andhraka hoặc Antaka hoặc Ardraka hay Odraka) là những người lần lượt chiếm ngôi sau vua Agnimitra và đã trị vì suốt 19 năm. Sử liệu được khắc trên đá tại Pabbosā gần tiểu bang Allahabad có đề cập tới vua Udāka, người được nhiều học giả xác định với tên gọi là Bhadraka, vị vua thứ năm thuộc triều đại Śunga.[8] Sử liệu còn diễn tả rằng, “…Một hang động được khởi xướng làm vào năm thứ 10 thuộc giai đoạn trị vì của vua Udāka để cho các vị A-la-hán thuộc trường phái Kāsyapīya (Ẩm-quang-bộ) dùng làm nơi tĩnh tu.” Nếu sự xác định trên đây được công nhận, thì sử liệu đó chỉ cho chúng ta thấy được tiến trình phát triển của Phật giáo dưới sự ủng hộ của thần dân trong suốt triều đại của vua Śunga, tước hiệu là Udāka. Sử liệu còn cho chúng ta biết thêm về sự ngưỡng mộ của quần chúng đối với trường phái Kāsyapīya (Ẩm-quang-bộ) trên khắp lãnh thổ Ấn Độ. Ba vị vua kế tiếp là Pulindaka, Ghosa (hoặc viết là Ghosavasu) và Vajramitra. Nhưng lại không có một sử liệu nào đề cập đến các sự kiện của ba vị vua này cả. Vị hoàng đế thứ 9 thuộc triều đại Śunga, hiệu là Bhāgavata đã trị vì trong suốt 32 năm.[9] Vị vua này được nhiều giới học giả khẳng định với tên gọi là Mahārāja Bhāgavata và ông được đề cập trong một đoạn văn thuộc sử liệu của vua Bhāgavata mà đã được tìm thấy tại Bhilsā thuộc tiểu bang Madhya Pradesh. Sử liệu này cho chúng ta thấy được tình trạng thịnh hành của đạo Vaisnavism (Bà-la-môn giáo) và sự ảnh hưởng của nó dựa trên tiếng Hy Lạp. Devabhūti, vị hoàng đế sau cùng thuộc triều đại Śunga đã lên ngôi sau vua Bhāgavata. Vị vua này đã trị vì trong suốt 10 năm. Các vị vua Śunga tiếp tục duy trì quyền lực của họ tại Vidiśā thuộc miền Trung Ấn mãi cho đến khi các vị vua thuộc triều đại Sātavāhana tràn vào và đã lật đổ triều đại Śunga. 

Nhiều sử ký được khắc trên một số vách tường và các cổng ra vào của ngôi tháp Phật giáo tại Bharhut thuộc miền Trung Ấn Độ cung cấp cho chúng ta một sự mô tả về công cuộc phát triển của Phật giáo dưới sự ủng hộ của thần dân trong suốt triều đại Śunga. Các bản văn này cho chúng ta thấy rằng, Phật giáo không chỉ hưng thịnh mà nhiều chấn song lan can đặt trên các hàng rào và các cổng ra vào của ngôi tháp Phật giáo tại Bharhut được xây dựng trong suốt thời kỳ thuộc triều đại Śunga.[10]  

II- Các vị vua dưới triều đại Kānva: 

Triều đại Kānva hay còn viết là Kānvāyana thống trị bao trùm khắp cả miền Bắc Ấn Độ trong một thời gian dài khoảng suốt 45 năm và đã xuất hiện trong lịch sử Ấn Độ sau sự sụp đổ của triều đại Śunga. Dựa theo truyền thuyết kể lại thì vua Devabhūti, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Śunga bị một tỳ nữ giết chết theo sự sai khiến từ một viên tướng của ông, là Vāsudeva.[11] Viên tướng này sau đó chiếm lấy ngôi vua và sáng lập nên triều đại Kānva vào năm 75 tr TL.[12] Một số tác phẩm Purāna (văn học của Bà-la-môn giáo) còn đề cập đến các vị vua Kānva không khác gì với một số vị vua Sungabhrtya hay còn gọi là những trung thần của các vị hoàng đế thuộc triều đại Śunga, có lẽ, điều này là do sự trợ giúp của họ trong bộ máy triều đình cho những vị vua thuộc triều đại Śunga. Nhìn chung, người ta tin rằng, các vị hoàng đế thuộc triều đại Kānva chỉ thống lãnh toàn bộ vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) mà thôi. Vua Vāsudeva là vị hoàng đế đầu tiên của triều đại này. Ba vị vua kế tiếp lần lượt lên ngôi sau vị vua này, đó là vua Bhūmimitra, vua Nūrāyana và vua Suśarman. 

Các vị vua của triều đại Kānva đều là tín đồ của Bà-la-môn giáo. Nhưng không có một sử liệu nào đề cập tới Phật giáo tại vương quốc của những vị hoàng đế thuộc triều đại Kānva cả. 

Bảng phả hệ:

(1)- Triều đại Śunga[13]:

  - Vua Pusyamitra.

 - Vua Agnimitra.

 - Vua Sujyestha hay Vasujyestha.

 - Vua Vasumitra (hay Sumitra).

 - Vua Andhraka (Bhadraka, Odraka, Ardraka, Antaka).

 - Vua Pulindaka.

 -  Vua Ghosa (hay Ghosavasu).

 -  Vua Vajramitra.

 - Vua Bhāgavata hay Bhaga.

 - Vua Devabhūmi hay Devabhūti.

(2)- Triều đại Kānva[14]:

 - Vua Vāsudeva.

 - Vua Bhūmimitra.

 - Vua Nārāyana.

 - Vua Suśarman.

 III- Các vị vua thuộc triều đại Sātavāhana: 

Những vị hoàng đế thuộc triều đại Sātavāhana là những nhà lãnh đạo lỗi lạc và tài ba xuyên qua Núi Vindhyan (Bửu-đà-lâm) của Ấn Độ trong suốt thời gian đầu của triều đại Maurya và họ đã chiếm được một vị trí rất quan trọng về chính trị cũng như lịch sử thuộc tôn giáo của Ấn Độ. Các vị vua này đã trị vì trong suốt gần 3 thế kỷ. Nhiều tác phẩm Purāna (văn học Ấn giáo) mô tả những vị vua này giống như những vị vua Andhrabhrtya (Án-phùng-la). 

1-Vua Simuka:

Vua Simuka được xem là người có công sáng lập nên triều đại Sātavāhana. Dựa theo các sử liệu Purāna (văn học Ấn giáo), chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, vua Simuka còn được biết với nhiều tước hiệu khác nhau như Sisuka, Sīpraka, Sindhaka… và vị vua này chính là người đã lật đổ vua Suśarman, vị hoàng đế cuối cùng thuộc triều đại Kānva[15]. Vua Suśarman dường như trị vì giữa năm 40 và năm 30 tr TL. Như vậy, các sử liệu thuộc Purānic (Bà-la-môn giáo) cho thấy rằng, vua Simuka trị vì trong thời kỳ đầu của năm thứ III thuộc thế kỷ thứ I tr TL. Nhưng theo ông V.A. Smith và ông E.J. Rapson, thì vua Simuka trị vì cho đến cuối thế kỷ thứ III tr TL.[16] Mặc dù trường phái Vaisnavism, trường phái Śaivism (Thấp-bà-vịnh) và một số trường phái thuộc Purānic (Bà-la-môn) khác được phồn thịnh trong triều đại của ông, nhưng Phật giáo và đạo Kỳ-na giáo chiếm một vị trí rất quan trọng trong lịch sử tôn giáo thuộc triều đại Sātavāhana và được hưng thịnh dưới sự bảo trợ đắc lực của vị vua này. Nhà vua đã xây dựng nhiều ngôi chùa Phật giáo và Kỳ-na giáo.[17] Gần cuối cuộc đời, nhà vua đã được Phật giáo ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống tâm linh của ông và ông ta đóng góp đắc lực cho tiến trình phát triển của Phật giáo.  

2- Vua Kānha: 

Vua Kānha (hay còn viết là Krsna) chính là một người em ruột của vua Simuka và lên ngôi vua thuộc triều đại Sātavāhana sau vị hoàng đế này. Một sử liệu[18] được phát hiện tại hang động số 19 tại Nāsik thuộc Thành phố Bombay và nó có đề cập đến triều đại của vị vua này với những từ ngữ như “Sādavāhana-kule kane rājini”. Sử liệu chỉ cho thấy được sự mở rộng triều đại của vị vua này cho đến tận Nāsik nằm về hướng Tây. Sử liệu này còn ghi rằng, “dưới sự trị vì của vua Kānha (Krsna) thuộc triều đại Sātavāhana, hang động tại Nāsik được một viên sĩ quan giám sát trong số những Tăng sĩ làm nên.”[19] Bản văn này cho chúng ta biết thêm rằng, vua Kānha có một viên sĩ quan đứng ra quản lý công việc của những vị sa môn, và chính điều này làm cho chúng ta nhớ lại, Vua Asoka, vị hoàng đế của triều đại Maurya chỉ thị cho các Dharmamahāmātra (Đại thần đảm trách về Tôn giáo), là những người nắm giữ một số chức vụ mang tính tôn giáo. Như vậy, bản văn trên cung cấp cho chúng ta một ý tưởng khá rõ ràng về sự phồn thịnh của Phật giáo tại vương quốc Sātavāhana dưới sự trị vì của vua Kānha.  

3- Vua Sātakarni I: 

Vua Sātakarni I là người kế vị sau vua Kānha (từ năm 27 đến năm 17 tr TL) và ông là một vị hoàng đế rất hùng mạnh thuộc triều đại Sātavāhana. Dựa theo sử liệu Hāthigumpha được tìm thấy tại Khāravela, chúng ta thấy rằng, nhiều khu vực sát biên giới nằm về hướng Đông đều thuộc dưới quyền thống trị của vua Sātakarni I và ông đã mở rộng quyền thống trị đó mãi cho đến biên giới thuộc hướng Tây Khāravela nằm trong địa phận Kalinga (Ca-lăng-giới)[20]. Vị vua này còn mở rộng quyền lực của mình bao trùm một phạm vi rộng lớn thuộc vùng Deccan cũng như một số nơi thuộc miền Trung và Tây Ấn. Vua này là một tín đồ của Bà-la-môn giáo. Ông đã cử hành hai buổi lễ Aśvamedha(Mã sát), nghĩa là tế thần bằng ngựa, đó là Rājasūya (Tức-giảo-lễ-sát), và Agnyādheya (Trí-hoả-sát), Anvārambhanīya, Gavāmayana, Angirasāmayana[21], điều đó đã chứng tỏ cho chúng ta thấy được sự hưng thịnh của Bà-la-môn giáo dưới sự bảo trợ của vị vua này, và điều này còn chứng tỏ cho thấy được sự phục hồi nhanh chóng của Bà-la-môn giáo (với Kinh điển Vệ-đà) tại Deccan sau một thời gian dài Phật giáo đã ảnh hưởng mạnh và chiếm ưu thế. 

4- Vua Gautamīputra Sātakarni: 

Theo các nhà sử học thì vua Gautamīputra Sātakarni (trị vì từ năm 106 đến năm 30 TL) là một vị hoàng đế vĩ đại nhất trong những vị hoàng đế thuộc triều đại Sātavāhana.[22] Vị vua này đã tiêu diệt những vị vua dưới triều đại Scythian, Ấn-Hy Lạp và Parthian (nước Pa-thi xưa ở Tây Á). Ông đã diệt trừ tận gốc triều đại Khaharāta hoặc Kahaharāta.[23] Vua này đã mở rộng quyền thống trị của ông trùm khắp cả vương quốc Asika (thị trấn bao quanh Rishika-nagara nằm sát cạnh Krsnā), Assaka (hay còn gọi là Asmaka nằm bên cạnh Godāvarī), Mulaka (dưới triều đại Paithan nằm bên cạnh Godāvarī), Suratha (hay còn viết là Surashatra), Kukura (nằm về mạn Tây của vùng Rajputana), Aparānta (nằm về mạn Bắc của Konkan), Anupa (châu thổ Narmadā), Vidarbha (còn gọi là Berar), Akara (nằm về mạn Đông của Mālavā) và Avantī nằm về mạn Tây của Mālavā. Một số tỉnh Ksatrapa thuộc những nơi như Anarta, Svabhra và Maru đều dưới quyền thống trị của vị vua này.[24] Vị vua này được xem như là vị hoàng đế thống lãnh toàn bộ các dãy núi từ những vùng Vindhya kéo dài mãi đến một số đồi núi Malaya hay Travancore và từ mạn Đông của Mahendra kéo dài đến mạn Tây của ghats (Sahya). 

Bản văn còn đề cập đến vua Gautamīputra Sātakarni như là “Ekabamhana” (Tín đồ thuần thành của Bà-la-môn giáo). Điều này chứng tỏ cho thấy vị vua này là một trong những tín đồ của Bà-la-môn giáo và đã làm nên một sự đóng góp rất có ý nghĩa cho tiến trình phát triển của Bà-la-môn giáo.  Nhưng nhiều bản văn lại cho chúng ta thấy rằng, vua, hoàng hậu và một số người khác trong hoàng cung đã ủng hộ rất đắc lực cho công cuộc phát triển của Phật giáo, và nó đã trở nên một tôn giáo nổi bật trong suốt triều đại của vị vua này. Một bản văn khác[25] lại xác nhận vào năm trị vì thứ 24 của vua Gautamīputra Sātakarni được phát hiện tại bức tường thành nằm về mạn Đông thuộc hang động số 3 tại Nāsik. Bản văn này mô tả rằng, vua Gautamīputra Sātakarni và mẫu hậu Mahādevī Jīvasutā Rājanātā đã cúng dường hang động này cho các Tăng sĩ Phật giáo đang ẩn tu trong các hang động tại thị trấn Govardhana (tức là Nāsik). Một bản văn khác[26] lại xác nhận vào năm trị vì thứ 19 của vua Vāsisthiputra Pulumāvi được tìm thấy trong một hang động tại Nāsik và nó cho rằng, vị vua này là người khởi xướng việc xây dựng một hang động trên đỉnh của ngọn núi Tiranhu và mẫu hậu Mahādevī Gotamī Balaśrī, tức là mẹ của vua đã cúng dường hang động này cho các vị Tăng sĩ thuộc trường phái Bhaddayāniya hay còn viết là Bhadrayāniya. Điều này chứng tỏ được sự hưng thịnh của trường phái này và chắc chắn nó chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử tôn giáo thuộc vương quốc của vua Gautamīputra Sātakarni. 

5-Vua Vāsisthiputra Pulumāvi: 

Vua Vāsisthiputra Pulumāvi (trị vì từ năm 130 đến 159 TL) đã lên ngôi sau phụ vương của ông là vua Gautamīputra Sātakarni. Bản văn của ông và một số đồng tiền được tìm thấy tại Amarāvatī thuộc vương quốc Deccan. Bản văn thừa nhận rằng, vị vua này đã bành trướng quyền lực của ông mãi cho đến cửa sông của xứ Krsnā.[27] Một số sự kiện được khắc trên đá và những đồng tiền chỉ cho chúng ta thấy rằng, vùng Krsnā Godāvarī cũng như Mahārāstra đều dưới quyền cai trị của vị vua này. Baithan hay Paithan hoặc Pratisthāna nằm bên cạnh con sông của vùng đất Godāvarī chính là thủ phủ của vị vua này.

Triều đại của vua Vāsisthīputra Pulumāvi là một thời kỳ quan trọng trong lịch sử của Phật giáo. Vua, hoàng hậu, hoàng tử, các công nương tỳ nữ thuộc hoàng gia, những nhà quý tộc và các thần dân đều bảo trợ cho Phật giáo. Một bản văn thuộc triều đại của vua Vāsisthīputra Pulumāvi ghi lại rằng, vào năm thứ 22, nhà vua truyền sắc lệnh cho vị tướng lĩnh của vùng Goverdhana (hay còn gọi là Nāsik) phải giao nạp ngôi làng có tên là Sudasaṇa cho ngôi làng có tên là Sāmalipāda vào năm thứ 19 để tiếp ứng vật thực cho hang động của hoàng hậu và chính tại đây các Tăng sĩ thuộc trường phái Bhadrayāniya (Tiểu-thừa-nhị-thập bộ) đang tu tập. Một bản văn khác thuộc triều đại của vị vua này ghi rằng, vua Gautamīputra Sātakarṇi đã cho xây một hang động trên đỉnh núi Tiraṅhu và nó được hoàng hậu Gautamī Balaśrī giao cho các vị Tăng sĩ thuộc trường phái Bhadrayāniya (Tiểu-thừa-nhị-thập bộ). Nhưng dựa theo bản văn này, chúng ta thấy rằng, vua Vāsiṣṭhīputra Pulumāvi cúng dường ngôi làng Pisājipadaka nằm về mạn Tây Nam của núi Tiraṅhu cho hang động.[28] Điều này rõ ràng cho chúng ta thấy được vua Vāsiṣṭhīputra Pulumāvi đã thực hiện nhiều sự đóng góp rất có giá trị của ông cho tiến trình phát triển của Phật giáo. Nhiều bản văn khác đã chứng tỏ cho chúng ta thấy được tiến trình phát triển của Phật giáo dưới sự hỗ trợ của thần dân trong suốt triều đại của vua Vāsiṣṭhīputra Pulumāvi. Nhiều trường phái của Phật giáo như Mahāsaṃghika (Đại-chúng-bộ), Bhadrayāniya (Tiểu-thừa-nhị-thập-bộ)… được phồn thịnh tại vương quốc của vị vua này. Một bản văn được phát hiện trong một hang động tại Karle ghi rằng, vào năm trị vì thứ 24 của vua Vāsiṣṭhīputra Pulumāvi, một Đạo hữu của Phật giáo, pháp danh là Harpharana đã xây dựng một sảnh đường và ông đã cho bao xung quanh nó bằng 9 bức tường thành để cúng dường cho Tăng già Phật giáo làm chỗ nghỉ ngơi đặc biệt của các trường phái thuộc Đại chúng bộ.[29] Một bản văn khác[30] tại Karle thì mô tả rằng, Mahārathī Somadeva cúng dường một ngôi làng tương đương với các khoản thuế thông thường và đặc biệt với tổng thu nhập bình quân đầu người được ấn định cho tăng đoàn Tỳ Kheo thuộc trường phái Valūraka. 

6-Vua Yajñaśrī Sātakarṅi:   

Thái tử Vāsiṣṭhīputra Pulumāvi được vua Śiva Śrī Pulomā Sātakarṅi truyền ngôi (từ năm 159 đến năm 66 TL)[31]. Vị hoàng đế kế tiếp chính là Śivaskanda Sātakarṇi (trị vì từ năm 167-74 TL)[32]. Sau vị vua này, vua Yajñaśrī Sātakarṇi lên ngôi. Vua này là vị Đại đế cuối cùng thuộc triều đại Sātakarṇi.[33] Các bản văn của vị vua này được phát hiện tại những nơi như Nāsik thuộc tiểu bang Mahāraṣṭra, Kanheṛi thuộc tiểu bang Aparānta (thuộc Miền Bắc Konkan) và Chinna-Ganjam ở thị trấn Kṛṣṇā và các đồng tiền đúc của vị vua này được khai quật tại các tiểu bang như Gujarat, Kāṭhiāwar, Aparānta, thị trấn Chaṇḍa thuộc tiểu bang Madhya Pradesh và thị trấn Kṛṣṇā thuộc tiểu bang Madras. Sự khai quật về các bản văn và những đồng tiền đúc của vị vua này tại các khu vực đó đã khơi dậy cho chúng ta có được một sự nhận định là vị hoàng đế này đã để mất tiểu bang Mahārāṣṭra, vương quốc Andhra, tiểu bang Gujarat và một số nơi thuộc châu thổ Narmada dưới sự trị vì của ông, nhưng trong cùng một thời điểm, nhà vua đã chiếm lại vùng Aparānta từ những vị vua Saka thuộc vương quốc Rudradāman I. Những đồng tiền đúc của ông in dấu hình dáng của một chiếc tàu, điều này đã xác nhận cho chúng ta thấy rằng, vị vua này thậm chí còn mở rộng thêm quyền lực của ông bao trùm cả đại dương.[34] Ông Bāṇa cho rằng, vị vua này là một người bạn rất thân của một Tăng sĩ, pháp hiệu của Ngài là Nāgārjuna (Long-thọ Bồ-tát).

Một bản văn[35] được tìm thấy trong hang động tại Nāsik và nó ghi lại rằng, vào năm thứ 7 của vua Lord Śrīyajña Sātakarṇi, một hang động được làm xong và nó được cúng dường chung cho Tăng già Phật giáo. Một tảng đá trong ngôi tháp có khắc lại một đoạn văn về triều đại của vua này và nó được phát hiện tại Chinna-Ganjam.[36] Bản văn này ghi lại tiến trình phát triển của Phật giáo trong triều đại của vị vua này tại nơi đó. Bản thân nhà vua quan tâm rất sâu sắc về những vấn đề của Phật giáo và đã ủng hộ rất đắc lực cho tiến trình phát triển của Phật giáo. Người cháu ruột của ông còn tạc hai tượng Phật. Một số vị danh Tăng như: Acala, Gopāla, Vijayamitra, Bo, Dharmapāla, Aparnu, Sahao rất được nhiều người ngưỡng mộ về tài năng trong việc viết và phiên dịch nhiều tác phẩm và Kinh sách Phật giáo. Các Ngài thường tu tập trong hang động tại dãy núi thiêng, có tên là Kaṇha. Tất cả những sự kiện này chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng, Phật giáo rất được hưng thịnh tại vương quốc của vua Yajñaśrī Sātakarṇi.

 

Bảng phả hệ:

Triều đại Sātavāhana:[37]

1Vua Simuka.

2Vua Kaṇha (Kṛṣṇā).

3Vua Sātakarṇi.

4Vua Pūrṇotsaṅga.

5Vua Skandhastambhu.

6Vua Sātakarṇi.

7Vua Lambodara.

8Vua Apilaka.

9Vua Meghasvāti.

10-  Vua Svāti

11-  Vua Skandasvāti.

12-Vua Mṛgendra Svātikarṇa.

13-Vua Kuntala Svātikarṇa.

14-Vua Svātikarṇa.

15-Vua Pulomāvi.

16-Vua Ariṣtakarna.

17-  Vua Hāla.

18-  Vua Mantalaka hay Pattalaka.

19-  Vua Purikaṣena hay Purindraṣeṇa.

20-  Vua Sundara Sātakarṇi.

21-  Vua Chakora Sātakarṇi.

22-  Vua Śivāti.

23-  Vua Gautamaputra.

24-  Vua Pulomā.

25-  Vua Śivaśrī Pulomā.

26-  Vua Śivaskandha Sātakarṇi.

27-  Vua Yajñaśrī Sātakarṇi.

28-  Vua Vijaya.

29-  Vua Chandaśrī Sātakarṇi.

30-  Vua Pulomāvi. 

IV-Những vị vua kế vị thuộc triều đại Sātavāhana:

1- Các vị vua Ikṣvākus: 

Rất có thể các vị vua Ikṣvāku là chư hầu của một số hoàng đế Sātavāhana. Đến cuối một phần tư thế kỷ thứ III TL, những vị vua này đã xâm chiếm nhiều khu vực nằm rải rác xung quanh các cửa của những con sông Kṛṣṇā và con sông Godāvarī.[38] Các vị vua Ikṣvāku thuộc bang Andhra có sự bang giao với các vị vua Ikṣvāku thuộc bang Ayodhyā, thủ phủ của vương quốc Kosala Janapada nằm về mạn Bắc. 

2- Vua Vāsiṣṭhīputra Cāṃtamūla I (Santamūla): 

      Vua Vāsiṣṭhīputra Cāṃtamūla I trị vì vào giữa thế kỷ thứ III TL và được xem là một vị vua sáng lập triều đại Ikṣvāku thuộc bang Andhra.[39] Một số tác phẩm Purāṇa (văn học Ấn giáo)[40] đề cập đến những vị vua Ikṣvāku giống như Śrī Pārvatiya Andhra. Thành phố thuộc Vijayapurī nằm tại ngôi làng Nāgārjunikoṇḍa chính là thủ đô của những vị vua này. Vua Cāṃtamūla I là một đệ tử thuần thành của Svāmi Mahāsena, có nghĩa là Skanda Kārtikeya là một tín đồ của Bà-la-môn giáo.   

3- Vua Māṭharīputra Vīrapurīṣadata: 

Vua Māṭharīputra Vīrapurīṣadata (Vīrapuruṣadatta) sau phụ vương của ông là vua Vāsiṣṭhīputra Cāṃtamūla I lên ngôi thuộc triều đại Ikṣvāku vào đầu thế kỷ thứ III TL (ba phần tư của thế kỷ này).[41]

Phật giáo chiếm một vị trí nổi bật trong lịch sử tôn giáo thuộc Miền Nam Ấn Độ trong suốt triều đại của vua Māṭharīputra Vīrapurīṣadata. Vị vua này là một người bảo trợ đắc lực của Phật giáo và đã mang lại nhiều sự đóng góp có giá trị cho công cuộc phát triển của Phật giáo. Từ một bản văn của vua Vīrapurīṣadata,[42] chúng ta thấy rằng, bản văn có đề cập đến một lời thỉnh cầu của vua thuộc bộ tộc Thích Ca giống như Đức Phật. Bản văn không chỉ xác nhận niềm tin mạnh mẽ của vị vua này mà nó còn cho biết vị vua này chính là người luôn ngưỡng mộ Đức Phật. Một số bản văn thuộc triều đại của vị hoàng đế này được tìm thấy tại Jaggayyapeta thuộc thị trấn Kṛṣṇā và Nāgarjunikoṇḍa thuộc thị trấn Guntur và chúng đề cập tới những sự cúng dường riêng của các cận sự nam và cận sự nữ cho nhiều ngôi chùa của Phật giáo tại Jaggayyapeta và Nāgārjunikoṇḍa. Các bản văn này cung cấp cho chúng ta một số sự kiện phong phú để chứng tỏ cho thấy rằng, Phật giáo hưng thịnh trong triều đại của vua Māṭharīputra Vīrapurīṣadata, và thủ đô của vị vua này trở thành một trung tâm lớn về các hoạt động của Phật giáo. Bản văn được khắc trên trụ đá số 3 tại Ayaka thuộc triều đại của vua Śrī Vīrapurīṣadata[43] ghi lại rằng, tại ngôi chùa Mahācetiya, bà Mahātālavarī Cāmtaśrī chính là người chị cùng mẹ khác cha của vua Mahārāja Vāsiṣṭhīputra Śrī Cāṃtamūla đã cho xây dựng trụ đá này vào năm thứ VI thuộc triều đại của vua Śrī Vīrapurīṣadata. Bản văn được khắc trên trụ đá Ayaka số 2 C thuộc triều đại của vua Śri Vīrapurīṣadata[44] khẳng định rằng, tại ngôi chùa Mahācetiya, bà Mahādevī Bapasirinikā chính là con gái của vua Hammasiriṇikā, chị gái cùng cha khác mẹ của vua Mahārāja Vāsiṣṭhīputra Ikṣvāku Śrī Cāṃtamūla đã xây dựng trụ đá này vì lợi ích của những vị Thầy thuộc trường phái Aparamahāvinaseliya. Hầu như, trường phái Aparamahāvinaseliya hay còn viết là Aparamahāvanaśailiya chính là Aparaśaila là một trường phái nhỏ thuộc trường phái Mahāsaṃghika (Đại-chúng bộ).[45] Bản văn được khắc trên trụ đá Ayaka số 2 B thuộc triều đại của vua Śri Vīrapurīṣadata ghi rằng, bà Mahātalavarī Adavichātistrī chính là con gái của vua Mahārāja Vāsiṣṭhiiputra Ikṣvāku Śrī Cāṃtamūla, đã xây dựng trụ đá này tại ngôi chùa Mahācetiya của đức Thế Tôn, Đấng giác ngộ hoàn toàn.[46] Bản văn được khắc trên trụ đá Ayaka số 4 B thuộc triều đại của Śri Vīrapurīṣadata mô tả rằng, tại ngôi chùa Mahācetiya, bà Mahāsenāpatini Chulachātasiriṇik đã đạt được sự hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống thế tục và nguồn an lạc trong cảnh giới Niết bàn và bà còn cho xây dựng một trụ đá này vào năm thứ 6 thuộc triều đại của vua Śri Vīrapurīṣadata.[47] Còn có một số bản văn khác thuộc triều đại của vua Mātharīputra Vīrapurīṣadata nhưng chúng cung cấp cho chúng ta một sử liệu về các phẩm vật cá nhân được nhiều nam và nữ cư sĩ tín tâm cùng một số các cung tần mỹ nữ thuộc hoàng gia cúng dường và ủng hộ cho nhiều ngôi chùa của Phật giáo. Bản văn F của ngôi chùa thứ hai thuộc triều đại của vua Śri Vīrapurīṣadata[48] thật rất quan trọng đối với sự nghiên cứu về lịch sử của Phật giáo. Bản văn này còn ghi rằng, vì sự lợi ích và hạnh phúc dài lâu của chư Thiên và loài người, một sảnh đường tại ngôi chùa Kulaha, một điện Phật đặt trước cây bồ đề tại ngôi chùa Sihala, một cái am thất tại Dhammagiri lớn, một trụ đá maṇḍava tại Mahāvihāra (ngôi chùa lớn), một sảnh đường dành cho việc tu tập tại Devagiri, một hồ nước, hành lang và maṇḍava tại Kaṇṭakaśaila, ba cái am thất tại Hiramuṭhuva, bảy cái am thất nhỏ tại Papilā (Bồ đề), một maṇḍava làm bằng đá tại Puṣpagiri và một maṇḍava bằng đá tại vihāra (ngôi chùa), tất cả đều được làm để tưởng nhớ.[49] Dựa theo bản văn này, chúng ta biết rằng, Nāgārjunikoṇḍa tại Śri Parvata gần Dhānyakaṭaka và nhiều nơi kế đó ở miền Nam Ấn đã trở thành những trung tâm quan trọng của Phật giáo mà được nhiều nhà hành hương từ mọi miền khác nhau ở Ấn Độ và nhiều nước khác đến chiêm bái. Nhiều Tăng sĩ từ những nơi này đã từng đi nhiều nơi khác nhau để truyền bá Phật giáo. Nhiều vihāra (ngôi chùa), tháp và đền thờ được xây dựng nên và được sửa chữa lại và hầu hết những bản văn Ikṣvāku được tìm thấy tại Nāgārjunikoṇḍa và Jaggeyyapeta được khắc chạm với nhiều bia ký có tính cách đề tặng trong thời đại của vua Māṭharīputra Vīrapurīśadata. 

4- Vua Ehuvula Cāṃtamūla II:

Vua Vāsiṣṭhīputra Bāhubala Cāṃtamūla hay còn viết là Ehuvula Cāṃtamūla II chính là con trai của vua Sri Māṭharīputra Vīrapurīśadata và ông đã lên ngôi vào cuối một phần tư của thế kỷ thứ III TL (tức là cuối thế kỷ thứ III). Ông đã trị vì ít nhất là 11 năm. Phật giáo tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tôn giáo của đất nước này trong suốt triều đại của vị vua này. Một vài sử liệu thuộc triều đại của vị vua này được tìm thấy và chúng chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng, vùng Kṛṣṇā Guntur thuộc bang Andhra trở nên một trung tâm về những hoạt động của nhiều trường phái khác nhau như Bahuśrutīya (Tiểu-thừa Thập-nhị bộ) và Mahīśāsaka (Đại chúng bộ) rất được hưng thịnh dưới sự ủng hộ của những người thuộc hoàng gia. Mẹ của nhà vua là bà Bhaṭṭidevī đã xây một ngôi chùa Devī và người con gái của ông là bà Kaṇḍabiśrī đã xây dựng một ngôi chùa cho những nhà Ẩn tu.   

  Nhiều sử liệu được khắc trên trụ đá Ayaka số 2 G và số 3 G thuộc triều đại của vua Ehuvula Cāṃtamūla II ghi lại rằng, bà Mahādevī Bhaṭṭidevī đã xây dựng một tu viện vì lợi ích của tất cả các Tăng sĩ thuộc trường phái Bahuśrutīya.[50] Một sử liệu khắc trên trụ đá G đứng riêng lẻ thuộc triều đại của vua Ehuvula Cāṃtamūla II cung cấp chúng ta một sử liệu về những phẩm vật cúng dường cho trường phái Bahuśrutīya.[51] Ba sử liệu này đã làm khơi dậy sự ngưỡng mộ của quần chúng đối với trường phái Bahuśrutīya trong lịch sử Phật giáo tại bang Andhra trong suốt triều đại của vua Cāṃtamūla II. Một sử liệu khác thuộc năm thứ 11 dưới triều đại của vua này ghi lại rằng, em gái của vị vua này là bà Kaṇḍabiśrī (Kodabalisarī) đã xây dựng một trụ đá và một tu viện vì lợi ích cho các Tăng sĩ thuộc trường phái Mahīśāsaka.[52] Trường phái Mahīśāsaka là một trường phái khác rất được hưng thịnh trong triều đại của vua Ehuvula Cāṃtamūla II. Một sự phát hiện của một vài sử liệu tại Nāgārjunikoṇḍa cung cấp cho chúng ta những chứng cứ khá đầy đủ nhằm chứng tỏ rằng, Nāgārjunikoṇḍa đưa tầm quan trọng của nó trở thành một trung tâm lớn của Phật giáo dưới sự trị vì của các vị vua Ikṣvāku mà họ lại là những hộ pháp đắc lực của Phật giáo, mặc dù dựa theo các sử liệu, chúng ta không biết gì về vai trò trực tiếp của họ đối với sự phát triển của Phật giáo.  

Bảng phả hệ:

Triều đại Ikṣvāku:

1- Vua Vāsiṣṭhīputra Cāṃtamūla I.

2- Vua Māṭharīputra Vīrapurīṣadata.

3- Vua Ehuvula Cāṃtamūla II hay Bahubala Cāṃtamūla. 

V- Những vị hoàng đế Ânanda thuộc vương quốc Kaṇḍarapura: 

Các vị vua Ânanda (A-nan-đà) trị vì tại những nơi xung quanh thị trấn Guntur giữa năm thứ hai của thế kỷ thứ IV và giữa năm thứ nhất của thế kỷ thứ V TL. Kaṇḍara[53] (hay còn viết là Kanhdara hoặc Kanhara hoặc Kannara) chính là vị vua sáng lập triều đại Ânanda. Kaṇḍarapura[54] được nhiều nhà học giả đồng nhất với tên gọi là Kantaru tại thị trấn Guntur và nó là thủ đô của vị vua này. Sử liệu Goraṇṭla[55] thuộc triều đại của vua Attivarman được phát hiện tại thị trấn thuộc Guntur còn ghi rằng, các vị hoàng đế Ânanda đều là tín đồ thuần thành của Ấn giáo và là dòng dõi của Thượng-đế. Vua Attivarman nối ngôi sau vua Kaṇḍara. Ông chính là vị hoàng đế hùng mạnh và là một tín đồ thuần thành của Ấn giáo. Ông Dāmodaravarman cướp ngôi sau vua Attivarman. Những tấm bảng bằng kim loại Mattepad của vua Dāmodaravarman được tìm thấy tại ngôi làng thuộc Mattepad tại vùng Ongole taluk thuộc thị trấn Guntur có đề cập đến vua này như là “Mahārāja Śrī Dāmodaravarmano”, “Mahārāja Dāmodaravarman vĩ đại”. Những tấm bảng bằng kim loại đó còn diễn tả vị vua này như là “bhagavataḥ samyaksaṃbuddhasya pādānudhyāta - nhà vua đã ngồi nhập định trên hai bàn chân của đức Phật Samyaksaṃ”. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng, vị vua này chính là một Phật tử tín tâm của Phật giáo. 

Bảng phả hệ:

Triều đại Ânanda:[56]

1- Vua Kaṇḍara (Kanhadāra hay Kanhara hoặc Kannara).

2- Vua Attivarman.

3- Vua Dāmodaravarman. 

VI- Những vị vua dưới triều đại Bṛhatphalāyana thuộc vương quốc Kudarāhāra hay Kudūra.

 Các vị vua Bṛhatphalāyana đã làm cho vùng Masulipatam hoặc ngày nay được gọi với tên là taluk thuộc thị trấn Kṛṣṇā và vùng lân cận đều nằm dưới sự thống trị của họ mãi cho đến cuối thế kỷ thứ III TL.[57]Pithuṇḍa hay Pitundra chính là thủ phủ đầu tiên của những vị vua này và về sau Kudūra (hiện nay là Gudura gần Masulipatam) là thủ phủ của họ. Dựa theo sử liệu được khắc trên đá hay thuộc khảo cổ học, chúng ta không thể biết được tước hiệu của các vị vua tiền nhiệm trước vị vua này hoặc những người kế vị trị vì trước hay sau vua Jayavarman. Từ những tấm bảng kim loại Kondamudi của vua Jayavarman[58] được phát hiện tại Kondamudi tại vùng Tenali Taluk thuộc thị trấn Kṛṣṇā, chúng ta biết được vua Jayavarman là một tín đồ thuần thành của Maheśvara (Śiva) (Ấn giáo). Điều này làm cho chúng ta có một sự nhận định là Ấn-giáo (Śaivism) chiếm một vị trí rất quan trọng trong lịch sử tôn giáo của đất nước này trong suốt triều đại trị vì của vị vua này. Không có một sử liệu nào đề cập đến sự hưng thịnh của Phật giáo tại vương quốc của các vị hoàng đế Bṛhatphalāyana cả. 

Bảng phả hệ:

Các vị vua Bṛhatphalāyana:

   1- Vua Jayavarman. 

VII-   Các vị vua dưới triều đại Śālaṅkāyana thuộc vương quốc Veṅgī: 

Người sáng lập triều đại Śālaṅkāyana thuộc vương quốc Veṅgīpura chính là vua Devavarman hay còn gọi là Vijayavarman. Theo một số học giả, thì Veṅgīpura hay Veṅgī chính là Peddavegi và Chinnavegi nằm gần sát với hang động Ellore tại thị trấn Godāvarī thuộc Nam Ấn.[59] Các vị vua dưới triều đại Śālaṅkāyana thống trị bao trùm miền Tây Godāvarī và thị trấn Kṛṣṇā cùng với một vài vùng lân cận.[60] Các tấm bảng bằng kim loại tại hang động Ellore thuộc năm trị vì thứ 13 của vua Devavarman[61] đề cập đến vị vua này như là một người biểu diễn cho việc tế thần (Aśvamedha) có lẽ vì sự thành công của ông để chống lại những người Pallava. Vua Hastivarman kế ngôi sau vua Devavarman. Ấn giáo (Śaivism) phát triển mạnh tại vương quốc của một số hoàng đế Śālaṅkāyana và các vị vua này chính là những tín đồ thuộc Maheśvara hoặc Śiva (Ấn giáo). 

Bảng phả hệ:

Các vị vua dưới triều đại Śālaṅkāyana:

1- Vua Devavarman (hay Vijayavarman).

2- Vua Hastivarman. 

VIII- Các vị vua dưới triều đại Âbhīra: 

Nhìn chung, người ta tin rằng, các vị vua dưới triều đại Âbhīra đến Ấn Độ từ một vài nơi thuộc miền Đông Iran và đã lấy tước hiệu của họ từ Âbīravan được nằm giữa Heart và Kandakar.[62] Sau đó, chính những vị vua này đến định cư tại mạn Tây Bắc của Deccan và miền Bắc Konkan. Dựa theo một số sử liệu được khắc trên đá, chúng ta có thể biết được các vị vua này chính là những đại thần của triều đình dưới triều đại của các vị hoàng đế S’aka Mahākṣatrapa thuộc miền Tây Ấn. 

 Từ sử liệu được khắc trên đá, chúng ta chỉ biết được tước hiệu của vua Māṭharīputra Īśvarasena, người chính là con trai của vua Âbhīra Śivadatta (hay còn viết là Śivadata). Vị vua này là người sáng lập nên triều đại Âbhīra và thành công vào giữa thời kỳ đầu của thế kỷ thứ III TL. Bản văn của vị vua này được tìm thấy tại Nāsik mà có thể là một nơi thuộc vương quốc của vị vua này. Dựa vào bản văn đó, chúng ta thấy rằng, Phật giáo thịnh hành trong suốt triều đại của vua Māṭharīputra Īśvaravena dưới sự bảo trợ của thần dân. Nó còn giúp chúng ta nhận thấy một cách rõ ràng, Phật giáo là một tôn giáo được nhiều người ngưỡng mộ tại Nāsik trong triều đại của vị vua này và Phật giáo chắc chắn chiếm một vị trí quan trọng tại Deccan dưới sự trị vì của triều đại Âbhīra.  

Bảng phả hệ:

1- Vua Abhīra Śivadatta (Śivadata).

2- Vua Māṭharīputra Īśvarasena. 

IX- Những vị vua dưới triều đại Bodhi: 

Các vị vua Bodhi là những người rất lỗi lạc vào thế kỷ thứ III TL và họ đã thống trị bao trùm một số nơi thuộc miền Tây Bắc Deccan. Dựa vào một số đồng tiền, chúng ta biết đến tước hiệu của một vị vua, tên của ông là Bodhi hay còn viết là Śrībodhi mà được xem như là một vị vua sáng lập nên triều đại này.[63] Ông D.C. Sircar cho rằng: “Từ Bodhi không chắc là để ám chỉ đến cây Bồ đề và các vị vua Bodhi chính là những Phật tử tín tâm...”[64] Có thể, Phật giáo hưng thịnh tại vương quốc của các vị hoàng đế Bodhi. Śivabodhi, Chandrabodhi và Vīrabodhi là những vị hoàng đế quan trọng khác thuộc triều đại Bodhi.  

Bảng phả hệ:

1- Vua Bodhi hay Śribodhi.

2- Vua Śivabodhi.

3- Vua Chandrabodhi.

4- Vua Vīrabodhi. 

X-  Những vị hoàng đế Vākāṭaka: 

Vào giữa thế kỷ thứ VI TL, các vị vua Vākāṭaka là những người lỗi lạc và là những vị hoàng đế rất hùng mạnh trong lịch sử của Ấn Độ cổ đại. Những vị vua này chiếm cứ nhiều khu vực rộng lớn thuộc tiểu bang Madhya Pradesh và tiểu bang Berar và họ còn mở rộng sự ảnh hưởng của họ mãi cho tới một số nơi thuộc bang Deccan. Vua Vīndhyaśakti chính là người sáng lập nên triều đại Vākāṭaka. Ông ta là một vị hoàng đế hùng mạnh. Bản văn tại hang động Ajantā của vua Harisena[65] có đề cập đến vị vua này như là một dvija (Brāhmaṇa (Bà-la-môn)). Puranic (Văn học Ấn giáo) ghi lại rằng, vua Mahārāja Pravarasena I hay còn viết là Pravira đã chiếm lấy triều đại Vākāṭaka sau phụ vương của ông là vua Vindhyaśakti.[66] Vua Pravira mở rộng quyền lực của ông từ Bundelkhand tại miền Bắc thuộc tiểu bang Hyderabad ở miền Nam Ấn.[67] Ông ta chính là một tín đồ của Bà-la-môn giáo và đã cử hành các buổi lễ Aśvamedha (mã sát), Agniṣṭoma, Âptoryāma, Bṛhaspatiśava.. Từ sự cử hành những buổi lễ mang tính tế thần linh thuộc vệ đà (Vedic), chúng ta kết luận rằng, các vị hoàng đế Vākāṭaka chính là những tín đồ của Bà-la-môn giáo. Nhưng không có một sử liệu nào được khắc trên đá đề cập đến tiến trình phát triển của Phật giáo dưới sự thống trị của những vị hoàng đế Vākāṭaka trong thời kỳ đầu. Nhưng chúng ta biết rằng, một số hang động đẹp nhất cùng với những bức tranh (tại hang động Ajantā) có được nguồn gốc của chúng đối với tính hào phóng của những đại thần và các chư hầu thuộc triều đại của những vị hoàng đế Vākāṭaka thuộc vương quốc Vatsagulma (hiện nay gọi là Basin, thị trấn Akola, Berar).[68] Chính tại đây, một số hang động tráng lệ tại hang động Ajantā với nhiều tu viện được tu bổ và xây dựng dưới sự bảo trợ của những vị vua Vākāṭaka sau này và một số tướng lĩnh và các chư hầu của họ. 

Trích dịch từ nguyên tác “Buddhism During the Reign of the Śuṅgas, the Kāṇvas, the Sātavāhanas and the Successors of the Sātavāhanas” chương IV trong tác phẩm “The Rise and Decline of Buddhism in India” của Kanai Lal Hazra (Delhi, Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd. 1998, pp. 46-61).

Bodhgaya ngày 23 tháng 03 năm 2004.


 

[1] - Tác phẩm “The Purāna Text of The Dynasties of the Kali Age”, xuất bản tại New Delhi, năm 1975, trang 30-31.

[2] - Tác phẩm “Political History of Ancient India (Lịch sử chính trị thuộc Ấn Độ cổ đại)”, tác phẩm, H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1957, trang 379. 

[3] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K. A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 99.

[4] - Tác phẩm “Dipyāvadā”, tác giả E.B. Cowell và R.A. Neil, xuất bản tại Cambridge, năm 1886, trang 433-34;

[5] - Tác phẩm, “Bārhut Inscriptions”, tác giả B.M. Barua và K.G. Sinha, tại Đại học Calcutta vào năm 1926, trang 1.

[6] - BCLCV, I, 215.

[7] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 100.

[8] -  Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 394, dòng chú thích 1.

[9] -  Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 395.

[10] -  Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 395.

[11] - HC, VI, 193.

[12] -   Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 396.

[13] - EHNI, 281; AIU, 706-7.

[14] - EHNI, 281; AIU, 707.

[15] -  Tác phẩm “The Purāṇa Text of The Dynasties of the Kali Age”, xuất bản tại New Delhi, năm 1975, trang 71. 

[16] - Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 403.lKB

[17] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 301.

[18] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 93.

[19] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 93.

[20] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 198.

[21] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 302.

[22] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 200.

[23] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 201; Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 312; Tác phẩm, “Political History of Ancient India”, tác giả H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 491; Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 60.  

[24] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 61.

[25] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 60.

[26] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 204-5. 

[27] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 60.

[28] - Tác phẩm “Buddhism in India and Abroad”, tác giả Banerjee, A.C. xuất bản tại Calcutta, năm 1973, trang 99.

[29] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 61.

[30] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 61.

[31] - Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả. H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 497.

[32] - Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả. H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 497.

[33] - Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả. H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 497.

[34] - Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả. H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 498. 

[35] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, VIII, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 94.

[36] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 319.

[37] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 701-8. 

[38] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 333; Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 224.

[39] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang, 224; Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 334; Tác phẩm “Political History of Ancient India”, tác giả H.C. Raychaudhuri, xuất bản tại Calcutta, năm 1953, trang 500, dòng chú thích thứ 1.

[40] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 333; Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 224.

[41] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 334; Tác phẩm, “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 225.

[42] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 1929-30, 22.

[43] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 17.

[44] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 16.

[45] - Tác phẩm “Buddhism in South India”, tác giả Nilakanta Sastri, K. A., xuất bản tại Calcutta., trang 54.

[46] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả. Bhandarkar, D.R. trang 1929-30, 18.

[47] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả. Bhandarkar, D.R. trang 18-19.

[48] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả. Bhandarkar, D.R. trang 23.

[49] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả. Bhandarkar, D.R. trang 23.

[50] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 62.

[51] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 23.

[52] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XX, tác giả Bhandarkar, D.R. trang 24.

[53] - Kaṇḍara là một sự sửa đổi của chữ Prākṛta được viết theo tiếng phạn là Kṛṣṇa: Tác phẩm “The Successors of the Sātavāhanas in the Lower Deccan”, tác giả D.C. Sircar., xuất bản tại đại học Calcutta, trang, 56.

[54] - Tác phẩm “The Successors of the Sātavāhanas in the Lower Deccan”, tác giả D.C. Sircar., xuất bản tại đại học Calcutta, trang 56.

[55] - Tác phẩm “Inscpritions of Asoka”, tác giả, Barua, B.M., xuất bản tại Calcutta, năm 1934, trang 1880, 102-3.

[56] - Tác phẩm “The Successors of the Sātavāhanas in the Lower Deccan”, tác giả D.C. Sircar., xuất bản tại đại học Calcutta, trang, 56; Tác phẩm, “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XVII, tác giả. Bhandarkar, D.R. trang 1923-24, 328. Ceylon Today, 202.

[57] - Tác phẩm “The Successors of the Sātavāhanas in the Lower Deccan”, tác giả D.C. Sircar., xuất bản tại đại học Calcutta, trang, 41; Tác phẩm, “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 226.

[58] - Tác phẩm “A list of the Inscription of Northern India in Brāhmī”, Epigraphia India, XVII, tác giả. Bhandarkar, D.R. trang 1900-1901, 315-16.

[59] - Tác phẩm “ Buddhist Remains in Andhra and the History of Andhra between A.D. 225 and 610”, tác giả Subramanian, K.R., xuất bản tại Madras, năm 1932, trang 90-92.

[60] - Ceylon Today, trang 206.

[61] - Tác phẩm “The Successors of the Sātavāhanas in the Lower Deccan”, tác giả D.C. Sircar, xuất bản tại đại học Calcutta, trang, 41; Tác phẩm, “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 86.

[62] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 333; Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 331; Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 221. 

[63] - Tác phẩm “A Comprehensive History of India”, tác giả K.A. Nilakanta Sastri, xuất bản tại Calcutta, trang 333; Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 331; Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 223.

[64] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 223-24.

[65] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 124.

[66] - Tác phẩm “Ancient History of the Deccan”, tác giả. Dubreuil. J., xuất bản tại Pondicherry, năm 1920, trang 72.

[67] - Tác phẩm “The Age of Imperial Unity”, xuất bản tại Bombay, năm 1953, trang 220.

[68] - Tác phẩm “Ajanta”, tác giả, Mitra, D., xuất bản tại Delhi, năm 1959, trang 4.