Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

DINH DƯỠNG ĐẾN TỪ NHỮNG THỨC ĂN CHAY

21 Tháng Bảy 20163:03 CH(Xem: 3947)
DINH DƯỠNG ĐẾN TỪ NHỮNG THỨC ĂN CHAY

  

Hiện nay ăn chay được rất nhiều người ủng hộ nhưng ăn đúng cách, tốt cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết. Trong quá trình ăn chay, không nên: ăn quá no, không sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường hấp thu nhanh.

 

dinh duong cua thuc an chay Dinh dưỡng đến từ những thức ăn chay

Ăn chay phòng, chống bệnh

Theo y học hiện đại cũng như nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng, ăn chay phù hợp với cách ăn trong khuyến cáo phòng, chống các bệnh mạn tính không lây của Hoa Kỳ. Cụ thể sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Giảm nguy cơ béo phì. Ít bị rối loạn tiêu hóa. Giảm nguy cơ cao huyết áp và nguy cơ loãng xương. Phòng ngừa và điều trị tiểu đường. Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và đặc biệt giảm tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ.

Dinh dưỡng của thức ăn chay

Thức ăn chay có rất nhiều chất dinh dưỡng. Đầu tiên phải kể đến nhóm chất bột đường, chứa chất đạm, vitamin nhóm B, C, E, nhiều chất xơ. Có nhiều trong gạo, khoai, bắp, lúa mì… Nhóm chất đạm có nhiều trong các loại đậu. Trong đó, đậu nành là thực phẩm được sử dụng nhiều nhất để chế biến các món chay. Nếu so sánh thì đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao hơn thịt heo, bò, gà. Nhóm thực phẩm giàu chất béo thực vật được chiết xuất từ các hạt có dầu (đậu nành, mè, đậu phộng, hạt hướng dương, hạt gấc…). Nhóm này chứa acid béo không no, beta caroten (tiền chất vitamin A), vitamin E. Nhóm rau, củ quả và trái cây cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng. Trong đó: Thực phẩm có lá màu xanh đậm, củ quả có màu vàng, cam, đỏ, cà rốt, cà chua, khoai lang, bí đỏ, dưa hấu cung cấp vitamin C, A và chất xơ. Bông cải xanh, rau cần tây… cung cấp vitamin B9, vitamin C, beta caroten. Bông cải còn chứa sulphoraphan ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư, apigenin có trong cần tây tác dụng giảm huyết áp, hạ cholesterol máu. Hành tỏi có tác dụng diệt khuẩn mạnh, ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng, giảm cholesterol, phòng ngừa bệnh tim mạch, giảm đường trong máu, chống lão hóa…

Ăn chay đúng cách

BS Kim Huệ khuyên: Nên ăn nhiều bữa trong ngày (ba bữa chính và 2-3 bữa phụ). Những trường hợp thừa cân, béo phì nên ăn khi đói và ăn nhiều bữa nhỏ. Ăn cơm vừa đủ (trung bình 1-2 chén/bữa), có thể thay thế cơm gạo trắng bằng cơm gạo lức, các loại khoai hoặc bắp. Chế biến đa dạng các món ăn từ các loại đậu đỗ, đậu hũ, sữa đậu nành, yaourt đậu nành, chè đậu, cháo đậu… Thực đơn mỗi ngày nên có thức ăn được chế biến từ các loại đậu hoặc trứng, cá 1-2 ngày/tuần. Sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa (yaourt, phô mai) mỗi ngày để tăng lượng đạm, bổ sung canxi. Ăn thường xuyên các loại rau cải, củ quả (200-300 g/người/ngày), mỗi ngày nên ăn ít nhất một lần trái cây theo mùa. Chúng là nguồn thực phẩm giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, tăng hấp thu chất sắt, chống táo bón vì hàm lượng chất xơ cao. Sử dụng các loại nấm (nấm mèo, nấm hương, nấm đông cô, nấm rơm…). 1-2 lần/tuần để chế biến món ăn, vừa giàu chất sắt, vừa ngon và bổ dưỡng. Bổ sung iot bằng cách dùng muối iot và các loại rong tảo biển.

Trong quá trình ăn chay, không nên: ăn quá no, không sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường hấp thu nhanh (cơm gạo trắng, bánh mì, bánh, kẹo, các loại chè). Không nên sử dụng các loại ngũ cốc chà xát quá trắng để hạn chế mất vitamin nhóm B, E. Không nên dùng quá nhiều chất béo để chế biến bữa ăn (quá 20 g chất béo, tức bốn muỗng cà phê). Không nên sử dụng thường xuyên các thức ăn chứa nhiều muối (củ cải muối, dưa cải muối…). Giảm lượng muối khi nêm nếm thức ăn (ít hơn một muỗng cà phê/ngày/người). BS Kim Huệ cũng lưu ý, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em, thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì, vận động viên, bệnh nhân đang mắc các bệnh cấp vì những đối tượng này rất cần được bổ sung năng lượng, vitamin B12, vitamin D, canxi, sắt, kẽm.