- Tổng Quan Sử Phật Giáo Thế Giới
- Bối Cảnh Văn Hóa, Tín Ngưỡng Ấn Độ Thời Tiền Đức Phật
- Đức Phật Xuất Hiện (623 Tr. Cn)
- Tình Hình Phật Giáo Sau Khi Đức Phật Nhập Diệt
- Phật Giáo Thời Đại Đế Asoka
- Các Bộ Phái Đương Thời
- Phật Giáo Ấn Độ Qua Các Thời Đại Kế Tiếp
- Các Vị Luận Sư Ấn Độ
- Phật Giáo Ấn Độ Suy Tàn
- Phật Giáo Ấn Độ Thời Phục Hưng
Tác giả: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Tình Hình Phật Giáo Sau Khi Đức Phật Nhập Diệt
Sau 45 năm hoằng hóa, tuyên thuyết một giáo pháp chưa từng có; vô lượng chư thiên, phạm thiên, loài người… đã giải thoát được khổ đau, phiền não. Giáo hội của đức Tôn Sư lúc ấy đã có đầy đủ các vị trưởng lão, mà, trí tuệ, thuyết pháp, thiền định, trì luật… gì gì cũng đã thâm uyên, tinh nghiêm, mãn túc. Các hàng cư sĩ cũng thế. Con thuyền giáo hội đã sẵn sàng có những viên thuyền trưởng dõng lực và tài ba lướt ra giữa biển sinh tử để cứu vớt chúng sanh. Đức Phật nhập diệt lúc giáo hội đang trưởng thành, có thể bước đi bằng đôi chân của chính mình – cũng là phải lẽ.
Tuy nhiên, mặt trời sang quá ngọ là đã báo hiệu xế chiều. Cùng rồi biến, thịnh rồi suy là định luật vô thường tự nhiên của thế gian pháp. Đạo Phật cũng thế thôi. Chắc chắn sẽ có những dấu hiệu của sự suy tàn.
1. Từ cuộc kết tập Phật ngôn lần đầu
Trước đây, các bậc đại Thinh Văn như ngài Sāriputta, Moggallāna… ra đi đã là niềm tiếc thương khôn nguôi và cả sự thiếu vắng sâu xa trong lòng tứ chúng. Bây giờ, sự viên tịch của đức Đạo Sư lại càng làm cho giáo hội bơ vơ, chông chênh dường như mất hẳn điểm tựa tin cậy. Chư Thánh Tăng thì vẫn điềm nhiên an tịnh nhưng chư phàm Tăng thì vật vả, khóc than. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có vị tỳ-kheo tên là Subhadda[1], xuất gia lúc đã lớn tuổi, chưa có niềm tịnh tín thiêng liêng với đức Đạo Sư, lại tỏ vẻ vui mừng, thốt lên những lời bất kính:
“- Chư hiền giả khóc thương ngài đại Sa-môn ấy mà làm gì! Ông ta mất rồi, vậy là tốt. Thế là từ nay, chúng ta hoàn toàn được tự do, thoải mái, không còn nghe những lời giáo giới, răn đe… hãy làm như thế này, không làm như thế kia… một cách nghiêm khắc, điếc cả con ráy”.
Đức Mahā Kassapa nghe những lời ấy, lấy làm lo ngại, tự nghĩ: “Rồi đây, những gì là phi pháp, phi luật sẽ ngoan cố nảy tược, đâm chồi; những gì là chân chính pháp, chân chính luật của đức Đạo Sư sẽ bị suy đồi, tàn tạ”.
Do vậy, sau khi tang lễ đức Phật hoàn tất, ba tháng sau, trưởng lão Mahā Kassapa triệu tập 500 vị Thánh Tăng A-la-hán tại thạch động Saṭṭapaṇṇa Vebhāra, ở thành Rājagāha để kết tập Phật ngôn[2].
Chư vị đại trưởng lão cố ý tuyển chọn giữa Tăng-già một số lượng nhất định như vậy, sau đó, ngăn cấm bất kỳ vị tỳ-khưu nào khác đến an cư tại Rājagāha là có lý do: Một là tránh bớt sự khó khăn trong tứ sự, hai là ngăn chặn một số vị thuộc thành phần bất hảo như vij tỳ-khưu Subhadda nói trên.
Đức vua A-xà-thế phát tâm giúp đỡ bằng cách nới rộng 18 Tăng đường cho đại chúng kết tập có chỗ nghỉ ngơi; chịu đứng ra gánh vác toàn bộ mọi yêu cầu khác liên hệ đến tứ sự, Tăng sự và Phật sự.
Trong cuộc kết tập này, trưởng lão Mahā Kassapa làm vị thượng thủ chủ tọa, đưa ra từng câu hỏi tỉ mỉ về Kinh, về Luật. Đức Upāli – bậc đệ nhất trì Luật – trả lời về Luật. Ngài Ānanda – đa văn đệ nhất – trả lời về Kinh[3].
Sau buổi kết tập, ngài Ānanda trình Tăng, đại ý rằng, trước khi viên tịch, đức Đạo Sư có dạy: Sau khi Như Lai Niết-bàn, Chư Tăng có thể tùy nghi bỏ bớt những học giới xem ra quá nhỏ nhặt, xét là không cần thiết.
Trưởng lão Mahā Kassapa nghiêm nghị hỏi:
- Ví dụ những điều nào là nhỏ nhặt? Hiền giả có hỏi đức Tôn Sư không?
Ngài Ānanda thú nhận là lúc ấy mình bi lụy, sầu não quá nên quên hỏi. Trưởng lão Mahā Kassapa, vì kính trọng đức Đạo Sư nên xin Tăng-già đừng bỏ bất cứ một học giới nào, mà cũng đừng chế định, thêm thắt bất kỳ một học giới nào. Đại hội tán đồng quan điểm chính đáng ấy.
Cuộc kết tập Phật ngôn diễn ra trong 7 tháng, thành công mỹ mãn.
2. Mối bất đồng của ngài Purāṇa về 8 điều ngoại lệ: Dấu hiệu tiên khởi của sự phân phái
Trưởng lão Purāṇa[4] ở tại Dakkhiṇāgiri phương Nam xa xôi cùng 500 vị tỳ-khưu tùy tùng đến thành Rājagāha (Vương Xá) thì nghe đại hội kết tập đã xong. Ngài nói với chư vị trưởng lão:
- Đại hội kết tập Phật ngôn hoàn thành rồi, vậy là tốt, nhưng rất tiếc là tôi không được tham dự. Chẳng hay chư tôn giả có thể cho tôi biết Kinh và Luật ấy như thế nào?
Sau khi đàm đạo, đối chiếu tri kiến thì thấy giữa trưởng lão Purāṇa và nội dung Kinh, Luật trong cuộc kết tập không có gì sai khác, dị biệt. Duy có 8 điều sau đây, ngài Purāṇa xác nhận là được thọ trì từ đức Đạo Sư – mà không được đại hội nhắc đến:
- Được cất giữ thực phẩm qua đêm.
- Được có bếp núc trong chỗ ngụ cư.
- Được tự mình nấu nướng.
- Được thọ dụng thực phẩm mà thí chủ chưa dâng tận tay.
- Được mang về chỗ ngụ cư những thực phẩm lấy từ bàn ăn.
- Được dùng món nọ món kia tại nơi này nơi kia trước khi thọ thực bữa chính.
- Được tự do ăn trái cây hoặc các vật thực kiếm được trong rừng.
- Được tùy nghi dùng củ sen, củ súng giữa ao hồ thiên nhiên.
Trưởng lão Mahā Kassapa và chư Thánh Tăng đã cố gắng phân tích, giải bày cặn kẽ, rằng là 8 điều biệt lệ ấy đức Phật chỉ cho phép trong hai lần xảy ra nạn đói tại thành Vesāli và Rājagāha mà thôi. Sau nạn đói, bậc Đạo Sư đã nghiêm cấm Tăng chúng không được tùy tiện y chỉ 8 điều ấy nữa, ai phạm sẽ bị tội “tác ác” hay “ưng đối trị”.
Tuy nhiên, đáng tiếc làm sao, trưởng lão Purāṇa đã không chịu nghe lời phải, còn thốt lời bất kính với đức Tôn Sư:
“- Chẳng lẽ nào đức Chánh Đẳng Giác, là bậc Nhất Thiết Trí lại muốn cấm chế thế nào cũng được, lúc vầy lúc khác một cách bất nhất như vậy”.
Trưởng lão Mahā Kassapa nghiêm khắc chỉnh lại:
“- Này hiền giả! Chính vì Đại Tôn Sư là bậc Nhất Thiết Trí nên ngài biết rõ lúc nào nên cấm và lúc nào nên cho phép tạm thời”.
Cố chấp, trưởng lão Purāṇa vẫn không chịu phục thiện, khư khư bám giữ quan điểm của mình; dẫn 500 tùy tùng ra đi, còn lôi kéo thêm một số tỳ-khưu trẻ khác nữa, đều là phàm Tăng xốc nổi, ưa phóng túng, tự do.
Thế là khi đức Đạo Sư viên tịch chưa được bao lâu, dấu hiệu tiên khởi của sự phân phái đã manh nha. Điều cần đặc biệt lưu ý ở đây là, sự bất đồng giữa ngài Purāṇa và đại hội chỉ nằm trong phạm vi “bỏ bớt hoặc không bỏ bớt những học giới nhỏ nhặt” chứ chưa đến mức dị biệt tri kiến để đến nổi phải kết tập Phật ngôn một lần nữa như một vài phái thuộc Đại chúng bộ sau này đã nói[5].
3. Kết tập Phật ngôn lần thứ II: Sự phân phái lại nẩy mầm thêm
Một thế kỷ sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, tại Vesāli, hội chúng tỳ-khưu Vajji (Bạt-kỳ), thuộc nhóm của ngài Purāṇa trong lần kết tập trước, đã đề xướng 10 điều sai lầm về giới luật:
- Có thể dự trữ muối trong một chiếc sừng để ăn nhiều ngày.
- Được thọ thực khi bóng mặt trời chếch xế hai ngón tay.
- Được dùng thêm một bữa ăn khác sau bữa chính.
- Trên một Sīmā lớn rộng, có thể chia ra nhiều nhóm để làm lễ phát-lồ (bố-tát).
- Khi làm lễ phát-lồ, không phải cần vào một lượt với nhau, miễn những vị sau được sự chấp thuận của những vị trước là được.
- Có thể noi theo tiền lệ của người trước đã làm (Bất luận là đúng hay sai).
- Được uống sữa đặc sau bữa ăn.
- Được uống rượu hòa với đường và nước nóng.
- Có thể dùng tọa cụ không có viền tua, to nhỏ cũng được.
- Được nhận tiền, vàng và bạc và cất giữ chúng[6].
Hôm kia, truởng lão Thánh Tăng Yasa từ Kosambī đến Vesāli, ngạc nhiên thấy chư Tăng ở đây kêu gọi dân chúng dâng cúng vàng bạc bỏ vào chậu bằng vàng. Trưởng lão đã la rầy, khiển trách chư vị nhưng họ không nghe. Còn thiện tín thì xem như cúng dường vàng bạc là việc bình thường.
Vàng bạc nhận xong, theo thứ tự hạ lạp họ chia nhau, trưởng lão Yasa cũng được chia một phần nhưng ngài từ chối. Nhóm tỳ-khưu Vajji tức giận, họp nhau tụng tuyên ngôn xử phạt trục xuất ngài và buộc ngài phải đi xin lỗi hàng cư sĩ. Trước áp lực ấy, ngài phải đến từng nhà, thay vì xin lỗi, ngài giảng giải, phân tích cho hàng cư sĩ thế nào là chơn chánh luật của đức Thế Tôn. Để kết luận, ngài đọc câu Phật ngôn:
“- Mặt trăng, mặt trời không tỏa sáng được là do bụi bặm, mây mù, khói sương và A-tu-la vương Rāhu che khuất. Cũng vậy, vị tỳ-khưu trong giáo pháp của đức Tôn Sư không tỏa sáng được là do: Uống rượu, hành dâm, thọ lãnh và cất giữ vàng bạc, sống tà mạng như muốn làm thầy nầy thầy nọ… lợi dụng lòng tin của hàng cư sĩ nhẹ dạ”[7].
Trưởng lão Yasa, sau đó, quyết tâm ngăn chặn không để cho sự việc phi pháp đi đến chỗ tồi tệ hơn. Ngài cùng với đệ tử thân tín tùy tùng, chia thành từng nhóm lẻ, lần lượt đi đến các thành Pāṭhā, Avantī, Dakkhiṇāpatha để thông báo cho chư Tăng các nơi ấy biết sự việc phi pháp, phi luật xảy ra ở Vesāli của nhóm tỳ-khưu Vajji. Riêng trưởng lão Yasa, ngài lặn lội lên tận núi Adhogaṅgā thưa chuyện với trưởng lão Sāṇasambhūta rồi xin ý kiến. Bậc Thánh Tăng này nhất trí với ngài Yasa trên mọi điểm.
Ít hôm sau, 60 vị A-la-hán ở thành Pāṭhā, 80 vị A-la-hán ở thành Avantī và Dakkhiṇāpatha đồng vân tập đến đây – núi Adhogaṅgā để cùng với hai vị trưởng lão giải quyết sự vụ. Ai cũng biết sự nghiêm trọng của vấn đề, cần phải xử lý khéo léo và tế nhị. Họ quyết định cùng nhau đến tận thành Soreyya thỉnh mời thêm ngài Revata. Đấy là một vị Thánh Tứ quả thông suốt Phật ngôn, nhiều từ tâm, có uy tín lớn lao trong Tăng chúng.
Sau khi lắng nghe diễn tiến sự việc – dĩ nhiên là ngài biết trước rồi – Trưởng lão Revata đồng ý tham gia Tăng sự, ngài nói:
- Chư hiền giả hãy thông báo rộng rãi chuyên này với Tăng chúng thập phương. Mười điều sai trái phát sanh tại Vesāli, chùa Vāḷukārāma – thì hội nghị chấn chỉnh pháp và luật cũng nên tổ chức tại chỗ ấy.
Nhóm tỳ-khưu Vajji thấy sự việc có vẻ bắt đầu nghiêm trọng, mang lễ vật hậu hĩ, đi ngõ sau, đến dâng trưởng lão Revata, những mong được sự chiếu cố, ủng hộ, ngài lắc đầu từ chối. Uṭṭara – đệ tử của trưởng lão – cũng bị mua chuộc, thoái thoác không được, phải nhận tạm bộ y, lên xin thầy mình đứng về phe Vajji, cũng bị ngài khiển trách. Hết đường chạy chọt, nhóm ác tỳ-khưu vội vã đến hoàng cung, tâu dối với vua Kāḷāsoka – dòng dõi vua A-xà-thế – rằng là họ đang yên tĩnh tu hành thì một số đông khách Tăng không biết từ đâu đến, ngang nhiên chiếm chùa. Vì thiểu trí, chẳng điều tra sau trước, đức vua ra thông báo cấm tất cả thập phương Tăng lai vãng đến khuôn viên chùa Vāḷukārāma.
Đêm ấy, nhà vua nằm mộng thấy mình bị quỷ sứ địa ngục bắt dìm trong chảo đồng. Vua bàng hoàng lo sợ. Em gái vua là tỳ-khưu ni Nandā, một vị thánh Tứ quả, biết chuyện, giải thích trắng đen cho vua nghe và yêu cầu vua giúp đỡ chư Thánh Tăng chấn hưng Phật giáo.
Y lời, vua triệu thỉnh chư Tăng họp lại, lắng nghe toàn bộ câu chuyện, sau đó, xác định quan điểm, việc làm của chư Thánh Tăng là đúng. Vua sẵn sàng giúp đỡ quý ngài chấn chỉnh giáo pháp, hết lòng hộ trì cho cuộc kết tập – theo yêu cầu của đại hội.
Ở Vesāli, chùa Vāḷukārāma hôm ấy, số Tăng hội bỗng Tăng lên đột ngột: có 700 vị A-la-hán tham dự. Chư Tăng đề cử 4 vị đại diện bị cáo, 4 vị đại diện ban giám luật. Trưởng lão Revata chủ tọa hội đồng.
Kết quả, Tăng sự này không những chấn chỉnh lại 10 điều sai trái của nhóm tỳ-khưu Vajji, mà sau đó, còn tổ chức luôn đại hội kết tập Phật ngôn, theo cách thức, như lần thứ nhất, kéo dài 8 tháng mới xong.
Sự việc tưởng thế là yên ổn. Theo sách Dīpavaṃsa (Đảo sử) nói rằng, nhóm tỳ-khưu Vajji, sau đó, bất mãn, tổ chức một đại hội khác để kết tập Phật ngôn, có 10.000 vị tỳ-khưu tham dự, gọi là Đại chúng bộ (Mahāsaṇghika).
Sách “Lịch sử Phật giáo thế giới”[8] lại có quan điểm khác: “Thật ra, nếu căn cứ vào tư tưởng Phật-đà để đánh giá thì 10 việc này nằm trong phạm vi những giới điều nhỏ nhặt… Các Thượng tọa đã cứng nhắc khuôn mình trong tính chất tôn nghiêm của Phật chế mà đứng về phe Da-xá, và trong lời văn luật đã bổ sung điều này thành pháp luật thành văn. Có thể thấy rõ, lần kết tập thứ hai gọi là kết tập, nhưng chỉ có 10 điều phi pháp mà thôi”.
Tuy vậy, các tỳ-khưu Bạt-kỳ (Vajji), mặc dù thất bại, nhưng trong lòng vẫn bất bình. Truyền thuyết nói rằng: “Đại chúng bộ của Đông phương làm một cuộc kết tập khác, thế là phái Thượng tọa phân chia làm hai. Đáng chú ý hơn là quốc vương Tỳ-xá-ly cũng bất mãn với một số ít Thượng tọa, đã ra lệnh trục xuất các vị. Thế là Đại chúng bộ của hệ Đông phương và Thượng tọa bộ của hệ Tây phương đã ngấm ngầm xuất hiện”.
Rõ ràng, sự kiện lịch sử là một nẻo nhưng kiến giải sự kiện lại phân ra nhiều đường. Học sử Phật cần có trí tuệ để phân định đúng sai. Ở đây, vào thời điểm này, 100 năm sau Phật Niết-bàn, tất cả mọi sử liệu đều đi đến kết luận giống nhau: Đã có Thượng tọa bộ (Theravāda) và Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika).
4. Sự xuất hiện của Mahādeva (Đại Thiên – Ma-ha-đề-bà): tạo thêm hố sâu giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ (140 Phật Niết-bàn)
Trong bộ Dhammabhedacakkasutta của ngài Vasumitra (Thế Hữu), quyển 9 Đại-tỳ-bà-sa luận của Hữu bộ[9], cùng một số tư liệu khác nữa[10], kể chuyện về vị Đại Thiên này như sau:
“- Mahādeva quê ở Mathurā, thông minh, đẹp trai, tư thông với mẹ rồi giết cha, trốn đến Pāṭaliputta. Tại đây, hai mẹ con gặp lại vị A-la-hán mà họ từng cúng dường ở quê nhà, sợ bị lộ, bèn âm mưu giết hại. Mẹ Mahādeva sinh chứng tư thông với thanh niên khác, y giết luôn cả mẹ. Thấy mình tội ác quá nhiều, ăn năn, hối hận, y đến xin xuất gia tại chùa Kukkutārāma. Bẩm chất mẫn tuệ, học hỏi giáo pháp rất nhanh, sớm trở nên uyên bác, thành một pháp sư nổi tiếng, đệ tử và đồ chúng rất đông. Để củng cố địa vị và lợi danh, Mahādeva tự xưng mình là A-la-hán. Và rồi để lấy lòng đệ tử, y chứng nhận cho tỳ-khưu này là thánh Hữu học, tỳ-khưu kia là thánh Vô học”.
Rồi chuyện kể về năm điều – mà kinh sách của nhiều bộ phái thường gọi là “Đại Thiên ngũ sự”, do lai là như sau:
“Hôm kia nằm ngủ, Mahādeva bị xuất tinh. Đệ tử giặt y thấy, bèn hỏi:
- Thầy đã là bậc A-la-hán sao lại còn bị xuất tinh?
Mahādeva thản nhiên đáp:
- Các vị A-la-hán đều có thể bị ác ma khuấy phá làm cho xuất tinh trong lúc ngủ.
Có một đệ tử khác được Mahādeva xác chứng cho là đã đắc thánh Tứ quả, nhưng tự cảm thấy mình không biết gì cả, đến hỏi thầy. Mahādeva ân cần giải thích:
- Có một hạng Tứ quả được gọi là Aññāṇārahata (bất tri A-la-hán), tức là A-la-hán mà không biết gì cả.
Đệ tử hỏi tiếp:
- Thầy đã chứng nhận cho con là A-la-hán nhưng sao con thấy con còn nhiều hoài nghi quá, cái đó có phải là phàm phu tánh không?
Mahādeva tiếp tục sự gian dối của mình:
- Có một số vấn đề, vị A-la-hán vẫn còn thắc mắc và hoài nghi. Ấy là sự thường.
Người học trò lại càng nghi ngờ:
- Thường thì ai chứng ngộ đạo quả cũng đều do mình tự biết lấy. Ở đây, thầy xác nhận con là A-la-hán, mà quả thật, con không biết mình đã chứng quả hay chưa? Hóa ra, sự chứng quả của mình phải cần có người khác xác nhận hay sao?
- Đúng vậy, tự mình không thể biết, phải do người khác xác chứng cho mình, mình mới biết.
Thế rồi, một đêm kia, khi thấy cơ thể mình mệt mỏi, khó chịu, Mahādeva buột miệng than thở: “Aho! Aho! Dukkhaṃ! (khổ quá, thật là khổ). Có người đệ tử nghe vậy, ngạc nhiên hỏi:
- Thầy là bậc A-la-hán sao lại còn than khổ như thế?
Mahādeva lại càng lún sâu vào trò gian dối, ngụy biện:
- Không đâu con ạ! Khi phát xuất than khổ như vậy là lúc thánh quả hiển lộ.
Thế rồi, Mahādeva trí cuồng đem 5 điều ấy viết thành bài kệ rồi tuyên bố rộng rãi trong đệ tử, đồ chúng của mình.
Hán dịch là:
“Dư sở dụ vô tri
Do dự tha linh nhập
Đạo nhân thanh cố khởi
Thị danh chân Phật giáo”
Tạm dịch nghĩa: “Cái dơ bẩn dụ dỗ mà ta không biết. Nghi ngờ (do dự, băn khoăn) chưa hiểu, chỉ có người khác xác chứng cho ta thành thánh quả . Chân thành kêu khổ, nhờ vậy làm cho thánh đạo hiện lên. Gồm tất cả điều ấy mới thực là đạo Phật chơn chánh”.
“Đại Thiên ngũ sự”[11] không mấy chốc mà được lan truyền. Những bậc có chánh tri kiến phản bác, xem như đấy là sự mạ lỵ, phỉ báng Phật giáo cùng chư vị A-la-hán. Các bậc Thánh Tăng thì đau lòng cho tâm địa con người, vì lợi danh mà không từ nan cả những hành động và kiến giải ngông cuồng nhất. Nhóm Tăng chúng chùa Kukkutārāma thì hưởng ứng, đồng tình; chúng còn thêm mắm, thêm muối cho câu chuyện thêm đậm đà mùi vị để lôi kéo chư Tăng trẻ nhẹ dạ, thiểu trí vào cùng phe cùng phái với mình nữa.
Mahādeva thấy khí thế lên cao, quyết định tụng tuyên ngôn để trưng cầu ý kiến của đại đa số. Dĩ nhiên, y lại giở trò ranh ma, quỷ quyệt là huy động đệ tử thân tín len lỏi khắp nơi để mua chuộc phàm Tăng hầu chiếm đa số Tăng hội.
Chư Thánh Tăng, các vị có chánh kiến, các bậc chấp trì luật biết mình bị cô lập, không làm gì được giữa đám chợ búa ồn ào ấy, lặng lẽ, lục tục bỏ Pāṭaliputta sang xứ khác.
Vua Kāḷāsoka lại một lần nữa phạm sai lầm, nghe lời xu nịnh của nhóm ác tỳ-khưu, cho người giữ chân các trưởng lão uy tín, nhưng các ngài vẫn kiên quyết ra đi. Thấy không khuất phục được, chạm tự ái, vua Kāḷāsoka lệnh đem dìm chết tất cả các ngài dưới sông Gaṅgā. Bất đắc dĩ, chư trưởng lão hiện thần lực, phất phới bay lên giữa hư không và vân du về thành Kashmire. Đức vua bây giờ mới hối hận, biết mình si mê suýt nữa làm hại các vị Thánh Tăng; nên cử người đến xin sám hối và thỉnh quý ngài nên trở lại Pāṭaliputta. Các ngài lắc đầu bảo là không bao giờ trở lại chỗ bẩn thỉu, dơ uế ấy nữa. Vua Kāḷāsoka bèn cho xây cất tại Kashmire một ngôi tịnh xá để các ngài có chỗ ngụ cư. Từ đó, Tăng chúng đã phân thành hai phái Theravāda (Thượng tọa bộ) và Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ).
Cũng từ hai phái này, đã lác đác thấy tách rời thành nhiều bộ phái khác nữa.
Chú thích:
(1) Vị này khác với Subhadda, 120 tuổi, xuất gia cuối cùng tại Kusinārā trước khi đức Phật Nhập diệt.
(2) Ban đầu chỉ có 499 vị. Lúc ấy, đại đức Ānanda chưa đắc quả A-la-hán; sáng hôm kết tập, ngài Ānanda đắc quả rồi mới đủ túc số 500. Tư liệu Cullavagga và Dīpavaṃsa còn chú thích rằng: 499 vị này đã được tuyển chọn (qua một cuộc bỏ phiếu bằng hình thức nào đó).
(3) Chỉ có Kinh và Luật, tuy nhiên, có tư liệu nói là tạng Abhidhamma nằm trong phần Tiểu bộ kinh.
(4) Vị này là bạn của trưởng lão Yasa – có nhiều tư liệu nói là ngài mới đắc quả Tu-đà-hoàn.
(5) Có một số tư liệu Đại chúng bộ nói rằng:
- Trưởng lão Phú-lâu-na (Purāṇa) bất đồng quan điểm, sau đó mở đại hội kết tập khác, có 700 vị (?) A-la-hán tham dự, đa phần là thành phần trẻ, có học thức.
- Đại Ca Diếp là người bảo thủ nhất trong các vị bảo thủ, ông ta củng cố địa vị và phe nhóm của mình. cố gạt trưởng lão Phú-lâu-na ra ngoài cùng những nhóm người khác nữa.
(6) 10 điều phi pháp này, nhiều tư liệu khi giải thích có sai khác chút ít – như Luật thiện kiến, Cullavagga, Ngũ phần luật…
(7) Theo Phật giáo sử của Thitaññāṇathera – sư Giác Nguyên dịch, trang 138.
(8) Của pháp sư Thánh Nghiêm – nhóm Thanh Minh biên dịch, NXB Hà Nội, năm 1995.
(9) Tức là Nhất thiết hữu bộ, cũng tách ra từ Thượng tọa bộ, rất gần với Thượng tọa bộ về Phật ngôn.
(10) Như “Phật giáo sử” của sư Giác Nguyên – dịch từ Thái ngữ của Thitaññāṇathera.
(11) Những tư liệu thuộc các bộ phái chính thống như Theravāda hoặc gần chính thống như Nhất thiết hữu bộ thì phản bác Đại Thiên ngũ sự; nhưng có nhiều tư liệu của Đại chúng bộ lại bênh vực, nói những điều Đại Thiên đưa ra là đúng – nhằm ý đồ chứng minh lý tưởng A-la-hán là đần độn, thấp thỏi.