Chương 2: Xem Xét Lại Về Sự Kiện Duṭugemuṇu

05 Tháng Tám 20161:08 CH(Xem: 2786)
Chương 2: Xem Xét Lại Về Sự Kiện Duṭugemuṇu
Nguyên cứu Phê bình
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO SRI LANKA THỜI KỲ ĐẦU
Chủ biên: Giáo Sư Dhammavihari Thera
Thích Huệ Pháp dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 2
XEM XÉT LẠI VỀ SỰ KIỆN DUṬUGEMUṆU

Giáo sư Dhammavihari Thera

Vào thời điểm như hiện nay, khi sự uyên bác mất đi tính lương thiện, khi trí tuệ không còn sáng suốt, các nhà trí thức đã không đủ khách quan để nói chuyện trước công chúng và nghiên cứu lại sự kiện gây tranh cãi có trong lịch sử: Sự kiện Duṭugemuṇu. Chúng tôi đưa ra những kết luận sau đây có thể khiến một số người không hài lòng, sau khi đã kiên nhẫn nghiên cứu vấn đề này trong suốt hai, ba thập kỷ gần đây. Chúng tôi cũng đã nỗ lực tìm hiểu những nguyên nhân góp phần tạo nên tình hình này.

Nguyên nhân được xếp vào hàng cao nhất dẫn tới những thành kiến sai lầm đối với sự kiện Duṭugemuṇu chính là sự phiên dịch sai, hiểu sai. Chúng tôi cực lực tuyên bố rằng, những nhận thức sai lầm như thế này, dù chúng bắt nguồn từ đâu, đó là dấu hiệu không bình thường của các nhà trí thức, còn hơn khối u ác tính có trong cơ thể. Và chúng tôi cũng ước muốn đi xa hơn bằng việc khám phá những nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa đã tạo nên những nhận thức tai hại đối với sự kiện này.

Trong khi đó, việc nghiên cứu các lĩnh vực về lịch sử, văn hoá và tôn giáo ở Sri Lanka hoá ra là công việc của mọi người, cả những người trong nước lẫn nước ngoài, có hay không có bằng cấp và năng lực. Lúc nào cũng vậy, các kiểu nghiên cứu này luôn đem lại những kết quả đạt được gần như không giống nhau. Trong quá trình nghiên cứu hầu như không bị giám sát này, thường được thực hiện dưới những dự án hấp dẫn như nghiên cứu về xã hội học, những nền tảng chính của văn hoá và tôn giáo đất nước bị phá hoại một cách có ý thức. Hoặc cách khác, đích đến chắc chắn của những nghiên cứu này là sự hỗn loạn và hoang tưởng. Tuy nhiên, chúng ta bắt buộc phải thừa nhận rằng, mọi người trong quốc gia này có quyền tự do ngôn luận, tự do diễn đạt ý tưởng, cho dù ý tưởng đó của con lừa hoang.

Bây giờ trước khi tôi đến với chủ đề chính, hãy để tôi chỉ ra một vài trường hợp đặc biệt về sự đánh phá lịch sử và tôn giáo bằng những lý lẽ và suy luận xuyên tạc có trong những lĩnh vực mà chúng ta đang nghiên cứu. Điều này sẽ chứng minh cho sự hỗn loạn mà chúng tôi đã nói ở trên. Hãy để tôi bắt đầu với một đoạn trích có trong tác phẩm dầy 629 trang của giáo sư Gananatha Obeyesekara, với tựa đề: ‘Sùng bái nữ thần Pattini’ được phát hành bởi nhà xuất bản danh tiếng University of Chicago Press. Ở trang 445, giáo sư Obeyesekara đề cập tới Phật giáo như sau:

Ví dụ, sự trong trắng và trinh tiết của người phụ nữ không đề cập trong đạo đức và giáo lý Phật giáo; và như vậy, hôn nhân là vấn đề thế tục không liên quan đến Phật giáo ở Sri Lanka. Trong khi đó, nó là vấn đề thiêng liêng theo những giá trị của Bà la môn giáo”.

Giáo sư Obeyesekera đôi lúc tuyên bố rằng, ông viết và nghiên cứu với tư cách là một người Phật tử và một nhà nghiên cứu về Sri Lanka [(xem thủ đoạn của ông ta viết trong quyển: The Death of the Buddha: The Anthropologist as Mythmaker (tạm dịch là Cái chết của đức Phật: Nhà nhân loại học cũng là người sáng tác chuyện thần thoại)]. Rất tốt. Nhưng ông ta đã thất bại trong việc củng cố thanh danh phẩm chất của mình. Bất cứ người Phật tử Sri Lanka không mất đi giá trị truyền thống đều biết rằng, trong năm điều giới cấm của người Phật tử tại gia có đề cập tới trách nhiệm và bổn phận của mối quan hệ vợ chồng, lưu ý mạnh mẽ tới sự trinh tiết và trong trắng của người phụ nữ. Vì thế không thể nói rằng, vấn đề đó không có ý nghĩa nào đối với đạo đức và giáo lý của Phật giáo.

Tương tự như một cái mác đâm vào Phật giáo khi một lần nữa, quan điểm của Phật giáo với người phụ nữ trong xã hội được các nhà xã hội học không chuyên viết trong một quyển sách tập hợp các bài viết với nhan đề: Ethnicity and social change in Sri Lanka (tạm dịch là: Tính cách sắc tộc và sự thay đổi xã hội ở Sri Lanka). Trong đó giáo sư Susantha Goonatilaka đã giải thích lại một ghi chép có trong Đại sử liên quan đến phần giới thiệu về Phật giáo và đưa ra lời bình luận nói về bản chất văn hóa Phật giáo Ấn độ như sau:

“Asoka, phản ứng lần lượt bằng cách gởi đến những món quà thú vị đủ để nói về bản chất của vương quốc Phật giáo. Các món quà bao gồm một trinh nữ xinh như hoa đang tuổi vị thành niên”[1]Những món quà quan trọng khác bao gồm “…tất cả những gì cần thiết cho việc dâng hiến một vị vua”[2].

Có thể nói rằng điều này hoàn toàn không được coi là lời bình luận mà chính là một sự ám chỉ thô tục và khiếm nhã đối với bản chất của vương triều Phật giáo Asoka. Ông ta chỉ ra những món quà mà hoàng đế Asoka gởi tặng người bạn thân của mình vua Devānampiya Tissa, bao gồm ‘một thiếu nữ trinh trắng xinh như hoa’ có lẽ là một sự kích thích ham muốn thể xác của kẻ nghiên cứu lịch sử non nớt này. Nhưng điều đó không gây ngạc nhiên lắm. Các kiểu học giả nghiên cứu non nớt này tự gán cho mình là nhà nhân loại học, xã hội học hay các nhà khoa học xã hội, dường như đã tìm ra được một quyền tự do mới trong hành vi sinh lý và cố gắng một cách khéo léo để tìm kiếm sự bao biện hành vi đó dưới sự ủng hộ về xã hội và tôn giáo.

Đây cũng là những gì mà giáo sư Edmund R. Leach của trường đại học Cambridge đã viết, người được mệnh danh là người thầy của các nhà xã hội học. Ông đã nhảy vào những lĩnh vực không được phép nghiên cứu tùy tiện như về tính dục và hành vi sinh lý, và còn bình luận một cách đoan chắn rằng: đức Phật mất đi nam tính vì đã trở thành một tu sĩ không tóc. Và rằng, trái ngược với hình ảnh đó, các vị thần Hindu Ganesh hay Pulleyar là biểu tượng của nam giới khi cầm trên tay biểu tượng của đàn ông (xem tác phẩm Pulleyar and the Buddha của giáo sư Edmund R. Leach). Hãy để giáo sư Leach tự hiệu đính điều này. Thứ mà thần Ganesh cầm trên tay không phải là biểu tượng của đàn ông mà là khúc ngà voi bị vỡ của một con voi ham chơi và nhẹ dạ khi lao tới nhặt trái xoài ở trên mặt đất. Việc giải thích lại để làm sáng tỏ lịch sử, văn hoá và tôn giáo trên đất nước này, chúng ta có thẩm quyền để làm điều đó.

Những gì mà tôi đã nói cho tới nay như là lời mở đầu tạo cơ sở để xem xét lại sự kiện Duṭugemuṇu. Trong nhiều thập kỷ gần đây có bằng chứng trong phạm vi rộng về chuyện giải thích sai về lịch sử, văn hoá và tôn giáo của Sri Lanka. Từ một trong các cách tiếp cận đó, nhiều trường hợp giải thích sai tập trung chủ yếu vào Phật giáo. Nói cách khác, quá trình có tính toán này đã tiếp tục góp phần truyền bá sự sai lầm này, đặc biệt tạo ra trong tâm trí của thế hệ trẻ, những người đang chạy theo một cách mù quáng sự hấp dẫn của nền công nghiệp thịnh vượng của phương Tây, coi thường và không thích Phật giáo. Điều này tiếp tục diễn ra qua quá trình bóp méo và xuyên tạc, qua quá trình giấu diếm và che đậy những điều tốt đẹp và sự đóng góp của Phật giáo đối với kinh tế và xã hội của loài người. Trước hết, tôi xin trích lời giáo sư B. A. Litvinsky nói về ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hoá thế giới như sau:

Theo lời của Barthold[3], “Không phải quốc gia Assanian cũng không phải tôn giáo chính thức của quốc gia đó là Zozoastrianism, thậm chí bao gồm toàn thể thế giới Iran, trong đời sống văn hoá giai đoạn sau của thế giới người Iran, Phật giáo Iran đã đóng góp không kém phần quan trọng hơn đạo Zozoastrian của Iran”.

Và ông viết tiếp: “Những điều ghi trên cho chúng ta cơ sở để xem xét các khái niệm về vai trò của Phật giáo trong lịch sử văn minh Tây Á. Trong quá trình hơn 500 năm, từ thế kỷ 1 – 2 đến thế kỷ 7 – 8 sau Tây lịch, Phật giáo và các yếu tố liên quan về văn hoá thế tục là một thành phần quan trọng trong đời sống xã hội Tây Á. Sự ảnh hưởng của nó chấm dứt khi người Arab xâm lược và Hồi giáo truyền bá đến vùng này. Phật giáo cung cấp một đầu mối về nguồn gốc và bản chất nhiều hiện tượng của nền văn hoá vật chất và tinh thần (đạo Hồi giáo) thời trung cổ. Vấn đề Phật giáo Tây Á thật sự là một phần của vấn đề rộng lớn hơn của di sản văn hoá tiền Hồi giáo của cư dân vùng Tây Á ngày nay”[4].

Hãy để những dòng này đi sâu vào tâm trí của người dân Sri Lanka, những người thừa hưởng hợp pháp về văn hoá Phật giáo, mặc dù một số người bất bình muốn phủ nhận hay từ chối điều này. Người dân Sri Lanka là người thừa hưởng một thứ văn hoá, thậm chí có trước kỷ nguyên Thiên Chúa, đã ít nhiều có ảnh hưởng ở tầm thế giới, nâng cao đời sống của nhiều quốc gia và cung cấp một cơ sở vững chắc cho giai đoạn thứ hai của sự phát triển văn hoá của quốc gia đó.

Bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi về cuộc chiến vĩ đại của vua Duṭṭhagāmaṇī mà nãy giờ chúng ta đang nói tới. Có một vài câu hỏi cơ bản mà chúng ta phải tìm câu trả lời.

1. Có phải cuộc chiến giữa vua Duṭṭhagāmaṇī và Eḷāra là một sự kiện riêng biệt trong lịch sử dân tộc Sri Lanka?

2. Có những tình huống và sự khiêu khích mang tính lịch sử nào dẫn đến điều đó không?

3. Những người nhìn lịch sử từ một góc độ khác có những bằng chứng chính xác và hợp lý không?

4. Chúng ta đã kiểm tra tính chính xác và tính xác thực của các bản dịch và kết quả của các bản dịch đó tới mức độ nào?

Hầu hết những người viết và nói về chủ đề này, nguồn thông tin chính họ lấy từ Đại Sử. Nhưng hầu hết họ không thể đọc và hiểu nó từ nguyên bản. Những bản dịch và chú giải bằng tiếng Anh mà các nhà nghiên cứu sử dụng có quá nhiều cạm bẫy. Trong một thời gian dài, Đại sử bị những người như thế xuyên tạc quá nhiều.

Theo những gì mà chúng ta được biết, chúng ta có thể có ít nhất ba nguồn văn hoá học thuật chính cho việc nghiên cứu lịch sử ở Sri Lanka. Chúng là:

(a) Những ghi chép về các sự kiện lịch sử hoàn toàn độc lập mà chúng ta thấy được ghi trong các quyển chú giải kinh tạng bằng tiếng Pali (Aṭṭhakathā) và nguồn văn học này được khẳng định là có tính xác thực và trung thực nhất. Chúng ta cho rằng những nguồn này vừa có độ tin cậy và ít có bất kỳ sự lệch chuẩn nào.

(b) Chúng ta cũng chứng kiến sự phát triển của một loại văn học dân gian dành cho tầng lớp thường dân được viết bằng tiếng Pali như Sīhalavatthu, Sahassavatthu và Rasavāhinī. Chúng đã có được khu vực ảnh hưởng của mình, nhưng điểm trọng yếu về truyền thống của chúng phải được xác định và kiểm chứng bằng các nguồn chính thống khác.

(c) Chúng ta lưu ý đến văn học Vaṃsakathā mà trong đó Mahāvaṃsa (Đại sử) là nổi tiếng nhất, là đặc biệt nhất, được viết với một ý thức đặc biệt của lối văn phong lịch sử. Vì thế thật là vô ích để mong có sự khách quan có thể của một nhà khoa học hay triết học. Giống như những tác phẩm lịch sử được viết ở Sinhala, chúng ta đặt nó vào thể loại thứ hai cùng với tác phẩm Rasavāhinī, bởi tính phổ cập của chúng. Chúng tốt và thực sự đại diện cho phần mở rộng phân đoạn cuối của tư tưởng về tôn giáo và lịch sử Sri Lanka.

Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất, liệu rằng cuộc chiến của Duṭṭhagāmaṇī là một sự kiện riêng biệt trong lịch sử? Chúng ta thấy rằng cuộc chiến này xảy ra trước triều đại của Duṭṭhagāmaṇī ít nhất một thế hệ. Trong Đại sử[5] đã chỉ rõ rằng, cha của Duṭṭhagāmaṇī là vua Kāvantissa, người thậm chí là mục tiêu nhạo báng ở vài nơi ghi trong Đại sử, đã nhận thức sự cần thiết bảo vệ sự đồng nhất về văn hoá và tính toàn vẹn chính trị của đảo quốc này.

Nhà vua Kāvantissa không chỉ thấy sự đe dọa trong hành động xâm lấn của những kẻ theo chủ nghĩa bành trướng hướng về phía nam đảo quốc mà còn có những bước đi thông minh và hiệu quả để ngăn chặn sự xâm lăng đó. Vua Kāvantissa đã thiết lập các chốt quân tiền đồn vững chắc dọc theo các thành phố là một trong những bước bảo vệ chống lại sự uy hiếp xâm chiếm của những kẻ xâm lăng. Người con trai thứ của nhà vua tên là Tissa, người anh em của hoàng tử Gāmaṇi (tức Duṭṭhagāmaṇī), chỉ huy của thành Dīghavāpi được mô tả là có đội quân hùng mạnh. Điều này dĩ nhiên thuyết phục chúng ta rằng, vua Kāvantissa là người đàn ông có tầm nhìn vĩ đại và nhạy cảm về chính trị và rằng nhà vua không phải là hạng người đặt kính viễn vọng trên đôi mắt mù loà. Đây là sự đe dọa mà đất nước Sri Lanka lúc đó phải giải quyết bằng cả một thế hệ trước thời của Duṭṭhagāmaṇi (101-77 trước Tây lịch).

Khoảng thời gian này, một thành phần văn hoá có nguồn gốc từ bắc Ấn Độ tức Phật giáo đã được hình thành vững chắc ở đảo quốc này thông qua sự bảo trợ của hoàng gia. Tương tự như vậy, ở Ấn Độ thông qua sự bảo trợ của vua Asoka, Phật giáo đã lan truyền xuống phía nam của lục địa Ấn Độ. Chúng ta được biết rằng, có các kênh Phật giáo được tôn giả Mahinda thiết lập giữa Sri Lanka và Nam Ấn Độ. Như các ghi chép của văn học và di tích khảo cổ học cho thấy, tôn giáo mới này (ý nói Phật giáo) và sự đóng góp về văn hoá của nó chắc hẳn đã có một sức hút rất lớn với cả tầng lớp thượng lưu và dân thường. Các tác phẩm của các nhà chú giải Pali nổi tiếng ở phiá Nam Ấn Độ như Dhammapāla, Kassapa và Buddhappiya đến từ nước Chola, và sự viếng thăm của họ đến nơi đây là bằng chứng về sự phong phú cho điều này.

Lịch sử đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, sự lớn mạnh của quyền lực tôn giáo gây ra nhiều đố kỵ và hiềm thù giống như thắng lợi của quyền lực chính trị. Thông qua nghiên cứu lịch sử, chúng ta khám phá sự thăng trầm của Phật giáo ở miền Nam Ấn Độ trong nhiều thế kỷ mà sau đó, hầu như đến một thời điểm bị trục xuất hoàn toàn khỏi khu vực đó.

Tất cả các ghi chép về văn học và khảo cổ học của đất nước này có những bằng chứng rõ ràng về các cuộc xâm lấn và sau đó là tấn công vào các thành tựu văn hoá Phật giáo Sri Lanka. Các mô hình huỷ diệt thậm chí không thay đổi cho đến ngày nay. Vào thời điểm đó, vinh quang của đất nước Sri Lanka chính là vinh quang của Phật giáo. Sri Lanka đã có mặt trên bản đồ Phật giáo thế giới và có sự kết nối với Tây Á, với các quốc gia như Iran. Ngân hàng thế giới Sri Lanka và Quỹ tiền tệ IMF đã nối kết với những quốc gia Phật giáo khác mà giáo sư Litvinsky, người đã cho tôi biết sự thành lập như vậy.

Các vị Tăng, những người bảo vệ đức tin và các công trình kỷ niệm Phật giáo, ví dụ như nơi thờ tự, các tháp thờ xá lợi, và cây Bồ đề, đã trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ ngoại xâm và các thế lực thù địch. Xem Đại Sử, chương 23, nói về các cuộc phá huỷ các chùa tháp và tác phẩm Rasavāhinī [K. Nanawimala ed. P 198] nói về các cuộc tấn công các cây Bồ đề và chùa tháp. Paranavitana viết trong cuốn Lịch sử trường đại học Ceylon, quyển 1, phần 11, trang 563, nói về các cuộc tàn phá triền miên này như sau: “Đại hoạ đối với Phật giáo trong thời chiếm cứ của người Chola, những tu viện rộng lớn ở Anurādhapura và những nơi khác được xây dựng và phát triển trong thế kỷ thứ 10 bị bỏ hoang phế. Các điện thờ hình vòm nơi lưu giữ xá lợi của các vị cao tăng Sri lanka bị sụp đổ, xá lợi thì bị đánh cắp”.

Cuộc chiến của Duṭṭhagāmaṇī, quả thực, trong ý nghĩ của mình, là một cuộc chiến giải phóng quốc gia, ngăn chặn mối đe dọa của những kẻ xâm lăng, những kẻ đang rắp tâm phá hoại sự phát triển thống nhất của một nền văn hoá và xã hội Sri Lanka.

Xuất hiện từ hoàn cảnh lịch sử đó, không thể chấp nhận trong một quốc gia hưng thịnh này lại có những nhịp đập về văn hoá, tôn giáo và chính trị như thế, và chúng ta không ngạc nhiên rằng, Duṭṭhagāmaṇī đã hạ quyết tâm để hành động, mặc dù không có sự chấp thuận của phụ vương lúc ban đầu. Không có một chút nghi ngờ gì về việc Duṭṭhagāmaṇī đã nghiên cứu kỹ lưỡng mọi việc dự liệu cho cuộc chiến và tự tin dấn thân vào việc đó. May mắn thay, Duṭṭhagāmaṇī đã không thừa hưởng từ các bậc tiền bối của mình quá nhiều vấn đề rộng lớn phải suy nghĩ. Đó là điều tốt cho nhà vua để giải quyết công việc theo thực tế. Nhờ cha mình, ông đã nắm được các chiến thuật và kế hoạch hành động. Với tất cả những việc đó, chúng ta có thể đi xa hơn để trả lời cho câu hỏi thứ hai liên quan đến những hoàn cảnh lịch sử và sự khiêu khích dẫn tới cuộc chiến của Duṭṭhagāmaṇī.

Bây giờ chúng ta xem lại các nhà lịch sử, các nhà chú giải về lịch sử nói gì về cuộc chiến của Duṭṭhagāmaṇī. Quyển Lịch sử Phật giáo Ceylon của tiến sĩ Walpola Rahula Thera, xuất bản năm 1956 đã từng là một trong những nguồn sách chính để sinh viên nghiên cứu về lịch sử Sri Lanka. Tác phẩm của tiến sĩ E. W. Adikaram, Lịch sử thời kỳ đầu của Phật giáo Sri Lanka (năm 1946) được Tiến sĩ Rahula nói trong phần giới thiệu của mình, quan điểm của tiến sĩ Adikaram là quan điểm của một người mộ đạo, đáng thương hơn là một kẻ suy đồi, biến chất về đức tin. Và tiến sĩ Rahula nói rằng, về quan điểm và phương pháp nghiên cứu của tiến sĩ Adikaram có phần khác với người khác. Với những nhận xét mở đầu của tiến sĩ Rahula Thera và quan điểm của mình, chúng ta hãy xem bình luận của ông đối với cuộc chiến gây tranh cãi của Duṭṭhagāmaṇī. Ông xứng đáng là người khám xét sổ sách đầu tiên bởi vì sách của ông được trích dẫn cho sự kiện này trong thời gian gần đây nhiều hơn sách của tác giả khác, đặc biệt là những ai đang giương nòng chỉa vào Duṭṭhagāmaṇī. Tôi cầu xin lòng độ lượng của bạn lắng nghe phần đánh giá nghiên cứu của ông đối với tình huống lịch sử đã trải qua cách đây ít nhất hai ngàn năm.

Duṭṭhagāmaṇī…tổ chức một chiến dịch lớn để giải phóng Phật giáo thoát khỏi sự cai trị của ngoại bang. Khẩu hiệu của nhà vua là “Không vì vương quốc mà hãy vì Phật giáo”. Toàn thể dân tộc Sinhala đồng lòng thống nhất dưới khẩu hiệu này của vị hoàng tử trẻ tuổi Gāmaṇī. Đây là thời kỳ đầu của chủ nghĩa dân tộc của Sri Lanka. Đó mà một cuộc cạnh tranh mới với nhiệt huyết tuổi trẻ được tổ chức theo trật tự mới của Phật giáo. Loại chủ nghĩa dân tộc tôn giáo này hầu như chẳng khác gì là sự cuồng tín, đã khuấy động toàn thể dân tộc Sinhala”[6].

Bạn nên nhớ lại rằng, chúng ta đã xem xét những tình huống dẫn tới cuộc chiến của Duṭṭhagāmaṇī, trong khi đó Rahula đang cố tình quay lưng lại với sự thật lịch sử. Lời bình đầu tiên của chúng ta ở đây là Rahula đã không phân tích dữ liệu một cách cẩn thận, sử dụng nguồn không chính xác nên đã đưa ra nhiều sự suy xét sai lầm và mơ tưởng. Ở trang 63, Rahula lại nói:

Thậm chí ngay cả người Dranvidian[7], đôi khi phải theo đạo Phật vì mục đích chức vụ, thì liệu rằng họ thật sự thích Phật giáo hay không. Ví dụ, vua Eḷāra, người Chola cai trị vùng Anurādhapura vào thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch được nói là đã tới tịnh xá Cetiya Pabbata để tỏ lòng kính trọng và thăm viếng chư Tăng để cúng dường…như là một tục lệ”.

Trong những trường hợp này, phong tục tập quán như là luật bất thành văn đã ảnh hưởng đến tận chính trị, thì vai trò của người ngoại quốc chính nó có thể không bao giờ gây ra khó chịu đối với Phật giáo để mà cần đến một chiến dịch giải phóng Phật giáo. Mối đe dọa không đến trực tiếp từ vai trò của người ngoại quốc nhiều bằng từ chính thủ đoạn âm mưu của những người gây mối bất hoà. Sau đó, như bây giờ, chúng ta đã sớm thấy được điều ấy. Sự thách thức này như là một sự bất lực là làm sao kiểm soát được tình huống mà không có bất kỳ sự hận thù riêng tư, mang tính cá nhân hay tập thể. Những kẻ phạm tội phải được trừng phạt thông qua luật pháp. Chúng ta nghi ngờ liệu rằng những ai xem trọng vấn đề chủ nghĩa dân tộc, thì những kẻ âm mưu gây bất hoà có thể trở thành những kẻ phạm tội công khai. Điều đó là một sự nhơ bẩn của quốc gia, những thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ tôn giáo của đất nước này.

Nhà luận giải lịch sử học của chúng ta, Rahula đang đưa ra những ngôn từ sáo rỗng không đáng tin cậy nào là: dân tộc chủ nghĩa – tôn giáo (religio-nationalism), cuồng tín (fanaticism), khẩu hiệu tranh đấu (war-cry) v.v.., rõ ràng rằng đã đi quá xa ở nhiều nơi trong bài viết nghiên cứu của mình. Ông nói về những người Sri Lanka dưới thời vua Duṭṭhagāmaṇī như là cả dân tộc Sinhala: ‘một dân tộc mới với dòng máu trẻ nhiệt huyết’. Chúng ta không chắc liệu rằng Rahula đã từng đi xét nghiệm máu của mình chưa, giao trường hợp của ông ta đến chuyên gia tâm thần học hay nhà tiên tri để giải quyết. Hơn nữa ông ta còn viết: “Toàn thể dân tộc Sinhala đoàn kết dưới khẩu hiệu của nhà vua trẻ Gāmaṇi”.

Nhưng trong khi đó, khi nói về cuộc chiến của vua Duṭṭhagāmaṇī, Đại sử không bao giờ sử dụng từ Sinhala ở bất cứ điểm nào. Tác giả rõ ràng rằng đang làm tính toàn vẹn của Sri Lanka bị lâm nguy, và di sản văn hoá người Sri Lanka bị đe dọa. Rahula quả thực đang cố gắng sử dụng ống kính lúp công suất lớn để tìm kiếm các vấn đề gây tranh cãi trong ghi ghép lịch sử kiểu như: nhà cầm quyền cuồng tín, mấy ông A-la-hán bất thiện và bất cứ ai mà ông ta có thể chộp được. Lẽ dĩ nhiên đó là một nhu cầu có thực, vì nhiều nguyên nhân, vào thời điểm mà ông ta bắt đầu nghiên cứu. Hãy nhìn cách mà ông ta viết những khẩu hiệu và trương áp phích quảng cáo.

Khẩu hiệu chiến tranh của ông ta (ý nói Gāmaṇi) là “Không vì đất nước mà vì Phật giáo”. Đây là một sự giải thích có thêm một chút gia vị nguy hiểm. Câu tuyên bố rõ ràng trong Đại sử là: “Không vì sự ưa thích với quyền thống trị mà tôi làm việc gian nan này, mà là vì bảo vệ giáo pháp của đức Chánh biến tri trên đảo quốc này”[8].

Bây giờ bạn đã thấy rằng, đó là một sự xuyên tạc, hoặc nói đúng hơn là sử dụng tài liệu nguồn cơ bản một cách hiểm độc của những kẻ nghiên cứu với cái tâm bất chính đã tạo ra một chương nói về vua Duṭṭhagāmaṇī quá mức bệnh hoạn trong lịch sử. Cho nên, điều này đã dẫn tới nhiều lời phỉ báng đối với một nhân vật lịch sử. Nhiều học giả người Sri Lanka, thậm chí trước thời của Rahula, phải chịu trách nhiệm cho việc tạo ra tình huống như thế này. Liệu rằng đây là hậu quả của sự nhiệt tình lầm lạc, hay vì lợi ích nhóm đã xem xét một cách hời hợt dữ liệu nghiên cứu, hay đó là vì nội dung của văn bản được viết bằng văn phong cổ xưa không rõ ràng. Trong bài nghiên cứu xem xét lại sự kiện của vua Duṭugemuṇu, các ví dụ cho mỗi điều đó có thể được chỉ ra.

Mọi người dường như bị bắt ép phải trở mặt với vua Duṭṭhagāmaṇī vì sự lạm dụng có mục đích về tôn giáo, vì hư ảo và vì những lý do cá nhân của Rahula. Chúng ta đã từng chỉ ra chỗ hiểu sai trong tác phẩm của Rahula nói về động cơ của vua Duṭṭhagāmaṇī như kiểu ‘không vì vương quốc mà hãy vì Phật giáo khiến cho cuộc chiến tranh bảo vệ tính thống nhất đất nước của vua Duṭṭhagāmaṇī trông giống như một kiểu thánh chiến. Trang 80 trong tác phẩm của mình, ông ta còn thêm rằng, chính vua Gāmaṇī lấy viên xá lợi của đức Phật gắn lên đầu ngọn mác của mình. Mọi người khi viết về vua Duṭṭhagāmaṇī đều nhắc lại vấn đề này, cả trước và sau thời Rahula, sử dụng chứng cứ ấy để chống lại vua Duṭṭhagāmaṇī và nói rằng nhà vua đã khai thác tối đa tôn giáo và tình cảm dân tộc cho mục đích riêng tư. Bất kể Rahula là ai, nhiều người theo ông ta, vì kính trọng ông ta trong mối quan hệ thầy trò, chính họ đã đi theo lối mòn kiến thức sai lầm của ông và như người trượt vỏ chuối, té ngã, không bao giờ biết và có cảm giác cần thiết để lấy lại tư thế thẳng đứng của mình.

Trong bản dịch Đại sử của mình từ tiếng Pali sang tiếng Anh vào năm 1908, giáo sư Geiger sử dụng từ ‘spear’ tức cái giáo cái mác dịch cho từ ‘kunta’ của tiếng Pali[9]. Nhưng với sự thận trọng của một học giả lỗi lạc, giáo sư đã thêm chú thích đặc biệt cho phần dịch của từ ‘kunta’ là cái mác được dùng như là ngọn cờ hoàng gia, luôn được mang đi trước đoàn rước nhà vua, chứ không phải dùng để chiến đấu như thanh gươm, thanh kiếm. Những kẻ hậu học đã ném phần chú ý này của giáo sư vào không khí. Ở đây phải công nhận giáo sư Geiger rằng, ông là người vừa tôn trọng truyền thống vừa nhạy cảm với dữ liệu có tính logic và cơ sở hợp lý. Trong bộ Sử liệu về bảo tháp xá lợi Phật bằng tiếng Pali (Thūpavaṃsa) khi kể về câu chuyện tháp Mirisavaṭiya có một tham khảo tương tự như trong Đại sử khi nói về việc gắn xá lợi lên trên đầu của ‘kunta’, và được mang đi đầu đoàn rước mỗi khi hoàng đế đến tham dự lễ hội tại hồ nước Tissa.

Trong các bản dịch xưa của người Sinhala thuộc thế kỷ thứ 13 có câu ‘dhātu sahita jayakontaya’ nghĩa là quyền trượng của hoàng đế có gắn các viên xá lợi trên đó. Vật mà vua Duṭṭhagāmaṇī cho gắn xá lợi trên đó chính là quyền trượng của nhà vua, một biểu tượng của hoàng gia. Vì thế, nhà vua đã cho mang nó đi luôn theo mình cả trong chiến tranh lẫn hoà bình. Không thể tin được rằng, trong truyền thống Phật giáo Sri Lanka chân chính, với sự đánh giá chính xác và tỉnh táo của mình lại có thể tưởng tượng được rằng, vua Duṭṭhagāmaṇī ra chiến trận với vũ khí giết người có gắn xá lợi của đức Phật. Ngoài ra, không ở đâu trong Đại sử nói về từ ‘kunta’ như là vũ khí giết người. Hơn nữa, theo văn học Sinhala của giai đoạn đầu, cũng nhấn mạnh đến định nghĩa của từ ‘kunta’ là quyền trượng hoàng gia. Trong khi đó, tác phẩm Saddharmālankāraya (thế kỷ 14) có nhắc lại cụm từ trong Thūpavaṃsay là Dhātu sahita jayakontaya, còn thêm vào cụm từ magul kontaya, và Saddharmaratnākaraya (thế kỷ 15) có cụm từ dhātupihiṭavu jayamaha kontaya.

Sau này, tại sao các học giả người Sri Lanka cứ phải lựa chọn kiểu nhắm mắt làm ngơ những sự thật không thể chối cãi, không bị vết nhơ của lịch sử? Các học giả đầu tiên dịch Đại sử sang tiếng Anh vào năm 1837, mặc dù họ không phải là những đứa con của đất mẹ Sri Lanka, mà dường như đã nắm được và đánh giá một cách rõ ràng tình huống lịch sử của cuộc chiến giữa Duṭṭhagāmaṇī và Eḷāra. Các học giả đó đã dịch từ ‘kunta’ thành một loại quyền trượng của hoàng đế, biểu tượng của hoàng gia. Một ấn bản thứ hai của Wijesinghe về Đại sử xuất bản năm 1889, tức hơn 50 năm sau, vẫn là bản dịch tương tự, y nguyên như thế.

Khoảng năm 1887, giáo sư Hikkaduwe Sri Sumangala Thera dường như đã hoàn thành bản dịch bằng tiếng Sinhala của mình về Đại sử và cho xuất bản thành sách vào năm 1912. Trong bản dịch này, từ ‘kunta’ tiếng Pali lần đầu tiên được ông sử dụng từ ‘kuntaya’ bằng tiếng Sinhala để chuyển nghĩa (Ch. 25. v 1), và lần thứ hai tìm thấy trong chương 25, đoạn 9, từ kuntāyudhaya tức là vũ khí kunta. Chúng ta bị ép buộc phải gọi điều này là hậu quả của sự ngớ ngẩn rất nghiêm trọng, và tác giả phải chịu trách nhiệm về sai lầm tai hại này bất kể nó xuất phát từ sự tận tâm nghiên cứu của tác giả. Nếu người nào đó đi xa hơn biện hộ dùm tác giả và nói rằng tác giả là một sản phẩm của thời đại, thì chúng ta sẽ không phàn nàn gì. Nhưng những gì mà ông làm đã đặt cả một dòng học giả người Sri Lanka, thậm chí bao gồm các học giả người Anh vào lối suy nghĩ sai lầm, và điều này dẫn tới sự đối đầu nhau trong nghiên cứu.

Hình như được ông ta hậu thuẫn, các học giả Sri Lanka làm việc trong môi trường Anh ngữ bắt đầu dịch từ ‘kunta’ là cây mác, cây thương như giáo sư Geiger đã từng dịch. Nhưng giáo sư Geiger đã thêm vào phần chú thích rằng ‘cây thương được dùng như biểu tượng của hoàng gia’. Thế mà các học giả người Sri Lanka chúng ta đã lờ đi điều này một cách vui sướng và ném chúng vào gió.

Giáo sư Gunapala Malalasekera nói về câu chuyện tháp Mirisavaṭiya trong từ điển Pali Danh từ Riêng (Proper Names) (1938), trong phần Maricavaṭṭi, quyển 11, trang 448, ghi chữ ‘kunta’ một cách rõ ràng là một cái mác (spear). Ông ta thậm chí đi xa hơn một tí. Chúng ta nên nói rằng một tí nhưng quá xa. Đây là cách ông ta viết: “…nơi cây thương của nhà vua, được gắn viên xá lợi của đức Phật do các vị tỳ kheo dâng tặng, đã được đặt…” ông trích dẫn trong Đại sử. Nhưng chúng ta phải xác định một cách rõ ràng rằng, cái ý ‘xá lợi Phật được các vị tỳ kheo dâng tặng nhà vua’ hoàn toàn không có trong Đại sử. Bằng cách diễn đạt điều đó trong hình thức này, ông ta đang đặt các vị tu sĩ Phật giáo thời vua Duṭṭhagāmaṇī trong một vai trò mới tai hại nguy hiểm, ngay cả trong Đại sử không nhắc tới. Nếu ý này có trong Đại sử, vậy tại sao chúng ta không thành thực mà nói về thời gian, địa điểm và chỗ trích dẫn của nó? Sự chểng mảng hay ách tắc này, bất kỳ nó là gì, đã gây sự hiểu lầm đối với người nghiên cứu.

Năm 1971, giáo sư N.A. Jayawickrama, trong bản dịch sang tiếng Anh của tác phẩm tiếng Pali Sử liệu về bảo tháp xá lợi Phật, đã thay thế một cách khéo léo từ ‘spear’ bằng từ ‘lance’ và tạo ra một hình tượng hoàn toàn mới về toàn bộ ngữ nghĩa; bằng cách nói rằng ‘cây thương của vua gắn xá lợi’. Với sự kiêu hãnh và tự đại, một bộ phận người Sri Lanka đang dần trở nên khoác lác, đi ngược lại sự nghiêm túc và thận trọng của các bản dịch tương tự nhưng xuất hiện sớm hơn của một số học giả khi nói tới vấn đề này ‘Trịnh trọng đặt viên xá lợi thiêng liêng trong vương trượng của nhà vua’.

Bây giờ chúng ta đưa ra lời nhận xét sau khi đã phân tích một tình tiết đặc biệt trong lịch sử bị nghiên cứu sai lệch. Lời bình luận này không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu mà còn là những người của công chúng có trách nhiệm, có tâm sáng suốt nên nghiêm túc lưu ý. Khi đó và chỉ khi đó mới có thể có sự lãnh đạo đáng tin cậy cả cho giới nghiên cứu và trong đời sống công chúng. Nhận xét của chúng ta ở đây là:

Hầu hết các điều gây tác hại đến lịch sử là khi lịch sử có liên quan đến thứ gì đó mà nó đi qua một giai đoạn gây xôn xao, thì những sự kiện của lịch sử giai đoạn ấy, đặc biệt là lịch sử thời kỳ đầu, chúng ta nên coi nó là do ‘bàn tay của người nấu rượu’. Các nhà viết sử thời kỳ đầu như thể đã được huấn luyện một cách hoàn hảo nghệ thuật nấu rượu. Cho đến khi nào người Sri Lanka quan tâm đến hai hạng người nấu rượu thì họ sẽ thấy được một cách rõ ràng sự việc trên. Hai hạng người đó, có cả thời xưa lẫn thời nay. Có người trong quá trình nấu rượu đã thêm vào tính tự cao của mình vào đó; trong khi nhóm khác cạnh tranh bằng cách thêm vào ý kiến riêng không dựa vào kinh nghiệm hay lý lẽ để cho ra một mẻ rượu có vẻ tốt hơn.

Thật là không thoả đáng vì rằng sự tự cao của một nhóm người hoá ra là nguyên nhân gây thiệt hại cho người khác. Việc chúng ta có thể làm ở đây là cảnh báo sớm hậu quả của tính khoác lác thường tạo ra sản phẩm độc hại ở cả hai hình thức tinh thần và vật chất. Vì việc làm sai lầm của các sử gia đã đặt chúng ta vào mớ bồng bông này, chúng ta phải tìm kiếm giải pháp để gỡ rối ấy ở chỗ nào? Sự cứu rỗi của chúng ta nằm ở đâu? Trong việc giải quyết vấn đề hằng ngày, về tinh thần hoàn toàn không được thiếu tính lương thiện, sự trong sáng và điềm tĩnh. Đối đãi với người bằng một sự tôn trọng thuần khiết và thánh thiện, và thừa nhận người đó có thiện tâm. Tất cả những điều đó thậm chí có thể đặt nền móng căn bản cho việc sống chung hoà bình. Chúng ta tin rằng đây là cách duy nhất để đạt được tính đoàn kết thống nhất trong cùng một nhóm và các nhóm với nhau. Trong nỗ lực đạt được những đức tính cơ bản này, ít nhất là vì lợi ích sống còn của nhân loại, chúng ta nhắc nhở chính mình về nhu cầu khôi phục các giá trị con người đã mất bấy lâu nay.

Ở đây thêm một ví dụ để cho thấy những lý do khiến cho sự thật lịch sử bị biến dạng và chệch hướng từ sự hiện thực của chúng đến phạm vi ảo giác và tưởng tượng phi thực tế, từ đó bằng việc bao phủ chúng trong nhiều hình thức đa dạng của tôn giáo, hãnh diện quốc gia và tính ưu việt của từng sắc dân v.v.. Ở đây, chúng ta phải đưa ra nhận định rằng tác hại lớn này tấn công loài người không phải do những người làm biến dạng lịch sử mà vì những người chấp nhận nó một cách điên cuồng.

Điều này diễn ra qua việc truyền bá rộng lớn trong các trại giam người, bất cứ thứ gì từ tôn giáo, ý thức hệ chính trị hoặc những điều gì tồn tại căn bản trong xã hội loài người. Nó không phải là hướng đạo nhưng những ai được truyền bá điều đó thì tăng lên nhanh chóng, và họ là những người chấp nhận dễ dàng không có định hướng; và chính vì điều đó, họ tạo ra mối bất hoà và sự đau khổ trong công chúng.

Bây giờ chúng ta hãy xem phân tích của các nhà sử học nói về tâm trạng sau cuộc chiến của vua Duṭṭhagāmaṇī. Đây là một ví dụ rất tốt về sự phân chia làm hai của một truyền thống lịch sử. Nói về nguồn chính của lịch sử Sri Lanka, chúng ta đã biết về hai nguồn chính yếu là: 1. chú giải kinh tạng bằng tiếng Pali (Aṭṭhakathā) và 2. Chú giải Biên niên sử Sri Lanka (Vaṃsakathā). Chúng ta cũng đã biết Aṭṭhakathā là nguồn có tính độc lập và không thành kiến, đáng tin cậy. Liên quan đến vấn đề này, tức tâm trạng sau cuộc chiến của vua Duṭṭhagāmaṇī, chú giải Trường Bộ Kinh (Sumangalavilāsinī) quyển hai[10] nói rằng, tâm trạng của vua Duṭṭhagāmaṇī rất vui mừng sau khi đánh bại 32 vị vương cai trị người Tamil; và còn nói thêm rằng, vì chuyện đó, nhà vua đã mất ngủ cả tháng trời. Các nhà bình luận lấy điều này để minh hoạ và giải thích một tâm trạng phấn khích nhất của một người. Từ những gì chúng ta đã thảo luận cho tới bây giờ về cuộc chiến của vua Duṭṭhagāmaṇī và Eḷāra, có thể thừa nhận một cách hợp lý rằng, sau khi kết thúc cuộc chiến, nhà vua đã trải qua giai đoạn vui mừng chiến thắng, hoàn thành sứ mệnh. Đây là một truyền thống xác thực, không bị làm sai lệch, được khẩu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong khi đó, Đại sử, một bản ghi chép lịch sử có tính định hướng, lại giới thiệu tâm trạng ngược lại của vua Duṭṭhagāmaṇī sau cuộc chiến là buồn rầu và hối hận. Đại sử ghi rằng[11]: “Làm sao có được sự an ủi nào dành cho trẫm, bạch chư Đại đức, vì trẫm đã giết quá nhiều người trong cuộc chiến”. Ở đây, ngay lập tức nhắc ta nhớ lại tâm trạng sau cuộc chiến của hoàng đế Asoka sau khi cuộc chiến tranh xâm lược Kalinga, được ghi trên thạch pháp dụ thứ XIII: “Nay Thiên tử, rất xúc động và lấy làm hối hận vì đã chinh phục Kalinga. Thực vậy Ngài rất buồn và hối tiếc việc chinh phục một dân tộc bất khuất qua tàn sát, chết chóc và đầy ải”. Điều đó không người Sri Lanka nào mà không biết. Từ lâu, đối với người dân Sri Lanka, vua Asoka của Ấn Độ là hình mẫu của đạo đức vương quyền, một nhà lãnh đạo đáng để noi theo. Nhiều đạo đức Phật giáo như tôn trọng sự sống của mọi loài (ví dụ: tôn trọng sự sống các loài chim muông và thú vật trên hòn đảo) dường như đã được vua Asoka truyền bá đến đây. Nguồn cảm hứng từ Phật giáo Ấn Độ mà người dân Sri Lanka yêu thích đang được tiếp tục và duy trì.

Chúng ta được thuyết phục nhiều hơn rằng, các chính sách hình mẫu và chải chuốt có ý thức và vô ý thức được các triều đại Sri Lanka sao chép chi tiết từ hoàng đế Asoka - Ấn Độ; và rằng, cách mà vua Duṭṭhagāmaṇī thể hiện sau cuộc chiến với vua Eḷāra cũng giống cách hoàng đế Asoka làm sau cuộc chiến thôn tính xứ Kalinga. Họ xem xét hai vị vua Asoka và Duṭṭhagāmaṇī với một tầm nhìn rất hẹp hòi đặc biệt. Dĩ nhiên, họ đã không thể làm hơn và tốt hơn thế. Những tình huống lịch sử liên quan đến quá khứ xa xôi, hình như họ đã không thể nắm bắt và đánh giá một cách chính xác. Họ sẽ chọn một nhân vật xuất hiện từ những tình huống này, tập trung ống kính của họ lên cái mũi khằm hay chòm râu hoa râm của một vị vua, rồi nghĩ tưởng đến những ngôn từ mà họ sẽ dùng như kiểu của vua Vankanāsika Tissa và vua Bahalamasu rồi nhấn nút quay phim.Và đó là tất cả những ghi chép mà họ gìn giữ cho thế hệ sau. Nhưng từ những nỗ lực phân tích của chúng ta, thì rõ ràng rằng, cuộc chạm trán của vua Duṭṭhagāmaṇī với Eḷāra là do hoàn cảnh lịch sử của đất nước dẫn tới điều này, không giống như cuộc chiến thôn tính vùng Kalinga của vua Asoka. Cuộc chiến của vua Duṭṭhagāmaṇī đối với chúng ta đó là sự thực hiện nghĩa vụ của một vị vua đối với đất nước, một vị vua cảm thấy rằng đã đến lúc thực hiện một sứ mệnh lịch sử, và rằng ông không thể mài đá trên tấm lụa để giải quyết vấn đề phức tạp này. Trong khi đó, với vua Asoka, cuộc chiến đó là sự đeo đuổi không ngừng của một chính sách mở rộng chính trị, và tại một thời điểm thích hợp, hoàng đế Asoka đã phải quyết định chấm dứt chính sách đó.

Để kiểm tra những tình huống lịch sử này thật hay giả, chúng ta hãy phân tích một số giải pháp đã được đưa ra. Ở đây, việc quyết định chấm dứt chính sách đế quốc và loại bỏ chiến tranh của vua Asoka là cách để xây dựng quyền lực. Bởi nó chẳng phục vụ cho ai ngoại trừ tính tự cao tự đại của chính ông. Trong khi đó, là một thành viên của hoàng gia hợp pháp của nhà nước Sri Lanka, đang bị chia cách phần lớn giữa Anurādhapura và Rohana, vua Duṭṭhagāmaṇī phải xung phong để bảo vệ thần dân của mình, bảo vệ quyền con người và tài sản của họ. Tài sản đang bị đe dọa nhiều hơn những thứ khác đó chính là di sản văn hoá Phật giáo của họ.

Là người cầm quyền chính ở Anurādhapura, Duṭṭhagāmaṇī chắc chắn là một vị quan cấp tỉnh, vì thế chiến thắng của ông đáng khen gấp bội phần, và toàn thể người Sri Lanka đã ủng hộ ông ta hết lòng.

Như vậy, rõ ràng rằng, thắng lợi của vua Duṭṭhagāmaṇī chính là thắng lợi của toàn dân Sri Lanka, và một lần nữa xác quyết tính toàn vẹn về chính trị, tức là toàn vẹn về lãnh thổ cũng như thống nhất về tôn giáo của đất nước Sri Lanka. Vì thế thật khó để chúng ta tin rằng, nhà vua đang hối tiếc về việc giết người trong cuộc chiến. Và một khi đã xem xét lại việc bao nhiêu người chết vì cuộc chiến thì tại sao chỉ đếm số binh sĩ chết ở một bên. Thật là khó mà tưởng tượng được rằng, vua Duṭṭhagāmaṇī phát động cuộc chiến mà lại không nhận thức được hậu quả của nó. Nói về sự hối hận của vua Duṭṭhagāmaṇī, tác giả của Đại sử một mặt thì nói vua Duṭṭhagāmaṇī mộ đạo, có tính nhạy cảm về tôn giáo; mặt khác, bằng cách tính toán số lượng quân địch bị giết, tác giả dùng cơ hội đó để bêu xấu những kẻ bị giết trên chiến trường như là súc vật chỉ vì họ khác tín ngưỡng. Thật sự, không thể chấp nhận lập trường và sự phán xét này ở mọi mức độ. Đó là sự tự ý thêm vào vô đạo đức. Cả hai điều trên, chúng ta nên xem đó như là một sự phán xét không thận trọng và không có suy nghĩ. Dưới những áp lực khác nhau, lịch sử đang đi chệch hướng. Trong tình huống này, chúng ta nên xem sự hối hận của vua Duṭṭhagāmaṇī là một kế hoạch không thấu đáo, làm xuyên tạc lịch sử và lời giải thích mang tính giáo dục và kiêu ngạo đặt vào kim khẩu của các vị A-la-hán[12] làm hư hỏng phép tắc nhà Phật. Nhưng trong câu truyện rơi nước mắt của vua Duṭṭhagāmaṇī ghi trong Đại sử, nhà vua đã bị lừa gạt để tin rằng, ông ta chỉ giết hơn một nữa kẻ thù trên chiến trường, đã đi tiên phong cho nhiều bài tranh luận của giới nghiên cứu như: nhà viết sử, nhà nhân loại học và nhiều giới khác, vin vào điều này như sự thật của lịch sử và kết tội các vị A-la-hán Sri Lanka là những kẻ bất lương và thiếu hiểu biết.

Theo cách đó, giáo sư Gananath Obeyesekera xem lương tâm của vua Duṭṭhagāmaṇī như là sự xung đột dục vọng vô ý thức (oedipal). Cho dù ủng hộ hay chống lại vua Duṭṭhagāmaṇī, thì những suy đoán đó cũng không hơn gì cuộc phiêu lưu viễn vông của Quixotic (Đông-ki-sốt).

Nhưng nếu chúng ta theo dõi một cách cẩn thận trong Đại sử những gì mà vua đã làm sau khi thống nhất toàn cõi Sri Lanka, chúng ta không thể không ấn tượng. Một trong những điều đầu tiên nhà vua làm sau khi lên ngôi của một nước Sri Lanka thống nhất là quyết định xây dựng tịnh xá Mirisavaṭiya[13]. Vương trượng có gắn viên xá lợi, thứ mà theo nhà vua trong cuộc chiến tranh với Eḷāra, được tôn trí trong một bảo tháp được xây dựng trong khuôn viên tịnh xá này. Việc này được ghi chép lại hết sức thú vị và đầy ý nghĩa. Trong một tuần sau khi đăng quang ngôi vị, nhà vua đã đi đến hồ nước Tissa, được trang hoàng theo đúng phong tục của lễ hội. Đức vua mang theo vương trượng của mình. Trong khi lễ hội hoàng gia diễn ra tại đây, nhà vua sai người hầu cận để cây vương trượng của mình ở vị trí thẳng đứng, nơi cao ráo sạch sẽ. Vào lúc chiều tối, nhà vua muốn trở về hoàng cung và ra lệnh mang vương trượng đi, nhưng những người hầu cận đã không thể mang vương trượng ra khỏi chỗ cắm của nó được. Nhà vua thấy điều kỳ diệu này nên đã xây dựng một bảo tháp trùm lên vương trượng, và xây dựng ngôi tịnh xá Mirisavaṭiya để bảo vệ bảo tháp này.

Vì tự tin đã chấm dứt hoàn toàn mối đe dọa của ngoại xâm đối với tôn giáo và văn hoá của đất nước, nên nhà vua bắt đầu đi những bước kế tiếp cho sự phát triển đất nước và nâng cao đời sống của người dân.

Kính trọng Tăng già vì Tăng già là biểu tượng của trí tuệ và đức hạnh của vương quốc, cho nên nhà vua đã cho xây dựng bảo tháp Thanh Đồng Điện (Lohaprāsāda) cao chín tầng như là biểu tượng quốc gia. Khi hoàn thành, với mái vòm được lát bằng những tấm kim loại đồng, nó dường như là một công trình kiến trúc tráng lệ ngang bằng với bất kỳ công trình uy nguy nào từ trước đến nay. Với bốn tầng trên cùng dành riêng cho chư vị đạt quả giải thoát từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, toà tháp này có lẽ là một sự khích lệ thật sự đối với Tăng già. Điều này, chúng ta xem nó như là một sự nỗ lực đầu tiên của nhà vua trong việc nâng cao Phật giáo. Chú ý thích đáng tới điều này, nhà vua đã đi bước kế tiếp trong việc xây dựng các đài kỷ niệm hoành tráng ở thủ đô để nói lên thành tựu văn hoá của Phật giáo ở Sri Lanka. Chúng ta tin rằng, đó là lý do mà đại bảo tháp Mahāthūpa mới này do vua Duṭugemuṇu dựng lên, quy mô nhất so với bảo tháp Thūpārāma của thời đại trước. Cũng có bằng chứng về việc cộng đồng Phật giáo quốc tế trong thời gian này bày tỏ niềm hoan hỷ đối với kế hoạch này. Ở đây, chúng ta mong muốn chỉ ra rằng, đóng góp của vua Duṭugemuṇu cho sự hưng thịnh Phật giáo ở Sri Lanka đã đạt được sự thừa nhận của quốc tế. Sự tham gia có quy mô lớn của Phật giáo các nước vùng Tây Á trong những công trình Phật giáo của vua Duṭugemuṇu đã chứng minh điều này.

Ở đây chúng ta thất vọng vì rằng, một tình huống như vậy trong lịch sử và một con người như vậy trong lịch sử, vua Duṭugemuṇu, đã trải qua quá nhiều xuyên tạc trên con đường thời gian, không chỉ ở điểm không thể chấp nhận mà còn mâu thuẫn một cách khác thường. Và lưu ý với bạn rằng, điều này là do trong tay một nhóm người thỉnh thoảng núp dưới danh nghĩa là các nhà sử học hay những nhà viết sử nghi ngờ những giá trị đó, rồi gán cho những người, những sự kiện trong lịch sử cho các thế hệ trước và họ phê bình những quan điểm đó trên vũ đài quốc gia. Việc ca ngợi một cách ồn ào quan điểm mới của mỗi thế hệ học giả tiếp nối có thể biến anh hùng trở thành kẻ phạm tội và ngược lại; và sức mạnh của bộ máy tuyên truyền thiết lập thương hiệu chân lý riêng của nó.

Bây giờ tôi chỉ cho bạn thấy sự phức tạp của sự phát triển những truyền thống lịch sử mới, những truyền thống đó thường có thể phân thành những phe phái đối nghịch nhau. Từ khi lịch sử liên quan đến con người, và con người thỉnh thoảng lại bị những cảm xúc chi phối, cả những yếu tố chủ quan và cá nhân, hoặc là cá nhân hoặc là tập thể lù lù hiện ra của việc viết sử. Thêm vào đó, là sự can thiệp của yếu tố thời gian, sự thật bị mất đi trong lãng quên và hư cấu từ nhiều nguồn không rõ về phạm trù của sự xuất xứ, chiếm ngay vị trí nổi bật phía trước. Hoặc sử dụng cách diễn đạt khác nhau, chúng ta cũng đã xác định rằng sự tự kiêu và định kiến như là những cơn gió thổi những đám mây mang tính bạo lực cộng đồng vào giữa chúng ta. Những điều này đưa ra một hướng mới cho tư tưởng mang tính lịch sử và buộc chúng ta phải phân loại thấp hoặc cao đối với những người và sự kiện phù hợp chung với ý thức hệ chính trị và lý tưởng hiện hành.

Cuối cùng, trước khi tôi kết luận về bài này, để tôi giới thiệu cho bạn trích đoạn gần đây về thành kiến tương tự như nghi ngờ, không tin tưởng, tấn công mãnh liệt vào kẻ thù, quyết tâm tiêu diệt và loại bỏ kẻ thù ảo tưởng. Đây là những gì mà một người bạn cùng thời, cùng lớp với tôi, giáo sư S. Arasaratnam đã viết từ năm 1964: “Câu chuyện này nhấn mạnh rằng, vua Duṭugemuṇu là nhà vô địch của Phật giáo chiến đấu để thiết lập lại đức tin và tiêu diệt Hindu dị giáo được hỗ trợ bởi giới thống trị Tamil”[14].

Rõ ràng rằng đây là một sự khái quát hóa tai hại xuất phát từ một nhận định thành kiến cá nhân, cho rằng những người Phật tử quyết tâm loại trừ Hindu giáo. Điều này đã đi quá xa sự thật. Chúng ta cũng đã biết rằng, các vị vua người Tamil cai trị Sri Lanka cũng đã có sự tôn trọng thích hợp đối với tôn giáo chính (Phật giáo) của quốc đảo. Và ngược lại, các nhà vua Phật tử cũng đã tôn trọng hết mực Hindu giáo, tôn trọng những nơi thờ tự và các vị lãnh đạo tôn giáo của họ như Bà la môn Tivakka, người thường xuyên được mời tham dự những buổi lễ của Phật giáo. Chúng ta chia buồn cùng giáo sư Arasaratnam đã nói về ‘câu chuyện’ của vua Duṭugemuṇu với rất nhiều sai lầm. Phật tử Sri Lanka, giống như Phật tử ở những vùng đất mới mà Phật giáo du nhập vào, luôn nồng nhiệt chào đón những tín ngưỡng, tập quán và tính cách của các tôn giáo bạn, và sống chung một cách hoà hợp với các tôn giáo bạn. Vì thế, chúng ta có đền thờ bách thần quốc tế Phật giáo trong đó có thần Hachiman của Nhật Bản, thần Skada của Sri Lanka, cả hai đều có nguồn gốc xuất thân từ thần chiến tranh. Cả hai sau đó đều trở thành đệ tử mộ đạo của đức Phật. Phật tử Sri Lanka tin rằng, thần Skada đã phát nguyện thành Phật trong một kiếp tương lai. Thần Skada đã được nâng lên một cách không do dự vị trí cao quý nhất. Đó là những trường hợp rõ ràng về sự điều chỉnh nội tâm của người Phật tử, được thúc đẩy bởi mong muốn sống chung hoà bình và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Được sự hậu thuẫn bởi niềm tin tôn giáo và tinh thần thích nghi cao, nên sự thâm nhập của Hindu giáo và Phật giáo ở cấp độ xã hội và trong nước đã được mở rộng đáng kể. Người Sri Lanka cũng đã có những lợi ích rất lớn từ các vị tu sĩ Phật giáo uyên bác có nguồn gốc là người Hindu ở Nam Ấn. Là người Hindu hay người Tamil bản thân nó chưa bao giờ là nguyên nhân bất hoà ở Sri Lanka trong thời vua Duṭugemuṇu. Điều này chúng ta xem như là một tiến trình không bị thao túng, được thực hiện trong một cách tự nhiên lành mạnh nhất để thích nghi và tồn tại trong lịch sử.

Nhìn lại những gì mà tôi đã chỉ ra cho đến nay, tôi cảm thấy mình đã thực hiện một phân tích hợp lý của một tình huống đã bị hoá thành than không còn nhận ra qua các thời đại. Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật, có thể thấy rõ điều đó, và nếu quan sát với một sự suy xét khách quan cần thiết, thì nó có nghĩa là một sự xúc phạm không sao sánh kịp.

Vì lịch sử có nồng độ đốt cháy cao và nguy hiểm nên ngay từ bây giờ hãy cầu nguyện cho sự minh mẫn và tỉnh táo trong các phân tích và đánh giá các vấn đề của nhân loại, những vấn đề bất luận về nguồn gốc, nhu cầu không đáng quan tâm và những ước muốn chưa thực hiện được.

Cuối cùng, sau tất cả những gì về bài nghiên cứu sự kiện Duṭugemuṇu, lời nhắc nhở thất vọng của tôi, với niềm đau không thể tả trong trái tim mình rằng ‘Những người làm nên lịch sử đã bị một số nhà sử học với sự trung thành đảng phái và một ít ảo giác kiên quyết đè bẹp cho bằng được’.

(Dựa trên các văn bản của một bài giảng được cung cấp vào năm 1987 tại Hội Hoàng gia Á Châu của Sri Lanka bởi giáo sư Jotiya Dhirasekara, hiện giờ là Tỳ kheo Dhammavihari)



[1] Mhv. xi. v. 31

[2] Ibid. v. 32

[3] Barthold tên đầy đủ là Barthold Georg Niebuhr (1776-1831) là một chính khách và nhà sử học nổi tiếng của Đan Mạch và Đức – ND.

[4] Encyclopaedia of Buddhism IV.151f

[5] Mhv. Ch xxiii, vv 16-17

[6] P.79

[7] Người thuộc một dân tộc vốn là dân bản xứ Ấn Độ, di cư và sống ở miền Đông bắc Sri Lanka (ND)

[8] Mhv. Ch. xxv. v.17

[9] Mhv. Ch. xxv. v.1

[10] DA. II. 640

[11] Mhv. Ch. xxv. v.108

[12] Câu này là do trong chương 25 Đại sử nói về chiến thắng của vua Duṭṭhagāmaṇī; khi nhà vua tỏ ra hối hận về giết quá nhiều người, các vị A-la-hán đã giải thích rằng việc giết đó không gây chướng ngại cho việc về cõi trời của đức vua…(ND)

[13] Mhv. Ch. xxvi, v. 6-17

[14] Ceylon by S. Arasaratnam, in Modern Nations in Historical Perspective, 1964, p52