Phụ Lục: Nguồn Gốc Các Giới Đơn Đề

05 Tháng Tám 20164:49 CH(Xem: 3019)
Phụ Lục: Nguồn Gốc Các Giới Đơn Đề

SỰ TÍCH GIỚI LUẬT
Thích Nữ Trí Hải

Phụ lục:

NGUỒN GỐC CÁC GIỚI ĐƠN ĐỀ 
(GIỚI BẢN TỲ KHEO)

Muốn hiểu rõ mỗi giới, ta cần hiểu các dữ kiện lịch sử làm căn bản cho giới luật. Sau đây xin trích dẫn một số tài liệu về các nguồn gốc ấy, rút từ Tứ Phần Giới Bổn Duyên Khởi sự nghĩa của ngài Quảng Mạc đời nhà Minh (thế kỷ thứ 14).

1. Giới tiểu vọng ngữ:

Do tôn giả Tượng lực phạm đầu tiên. Ông có tài biện luận mỗi khi thua thì nói ngược lại, chối phăng những điều đã nói. Các Tỳ kheo bất mãn bạch Phật. Phật chế giới này.

2. Mắng nhiếc (hủy tỷ ngữ):

Do Lục quần Tỳ kheo phạm. Phật kể truyện thú vật cũng không ưa nói lời mếch lòng nó, để khuyến cáo các Tỳ kheo.

3. Lưỡng thiệt:

Lục quần Tỳ kheo phạm, chuyên môn gây xáo trộn trong chúng bằng những lời thất thiệt. Phật kể chuyện sư tử và cọm mất tình thân thiện do sự đâm thọc của anh chồn, để khuyên răn các Tỳ kheo và chế giới.

4. Ngủ đêm cùng nhà với nữ:

Tôn giả A na luật hôm lỡ đường, ghé vào nhà một dâm nữ tá túc. Gặp lúc nguy hiến tôn giả phải vận thần thông bay lên hư không để thoát. Trở về, tôn giả thuật lại, Đức Thế Tôn nhân đấy chế giới để bảo vệ danh dự cho tăng đoàn.

5. Ngủ quá 3 đêm với người chưa thọ cụ:

Lục quần tỳ kheo ngủ thiếu uy nghi, để cư sĩ trông thấy, chê bai. Các Tỳ kheo bạch Phật, Phật chế giới cấm ngủ chung phòng với cư sĩ. Một hôm, trên đường du hóa của Ngài, sa di La hầu la phải đứng trong cầu vệ sinh suốt đêm, vì không đại đức nào dám chứa người chưa thọ cụ túc, sau khi Phật chế giới. Phật bèn dẫn vào cho ở với Ngài một đêm, và nhóm tăng quở trách không có lòng từ ái đối với trẻ nhỏ. Rồi Ngài chế lại giới này, cho phép người chưa thọ cụ túc được ở chung với Tỳ kheo dưới 3 đêm, khi gặp trường hợp đặc biệt.

6. Tụng giới với người chưa thọ cụ túc:

Lục quần Tỳ kheo bắt chước kiểu tụng đọc của bà la môn, làm cho những vị ưa thanh tịnh trầm tư phải khó chịu. Phật chế giới cấm.

7. Nói tội thô ác của Tỳ kheo cho người chưa thọ cụ túc: (khi chúng tăng chưa yết ma cho nói).

Lúc Phật ở Linh thứu, có vị Tỳ kheo đang hành sám, phải đi sau chót. Lục quần chỉ cho cư sĩ xem và kể vị ấy phạm tội như vậy như kia, phải làm như vậy như kia. Tỳ kheo có tội lấy làm sỉ nhục, hiền trách Lục quần. Phật chế giới. Về sau, khi được tăng sai đi nói tội phá tăng của Đề bà đạt đa cho cư sĩ biết, tôn giả Xá lợi phất sợ phạm giới. Phật thêm "trừ khi tăng sai".

8. Thật đắc đạo, cho người chưa thọ cụ túc biết:

Một Tỳ kheo ở Bà lý nói cho sa di và cư sĩ biết những gì mình đã chứng đắc vượt con người. Phật biết được, chế giới cấm nói.

9. Nói pháp cho nữ nhân quá năm, sáu lời:

Tôn giả Ca lưu đà di kề tai cô dâu mà nói trước mặt bà mẹ chồng, bà hỏi: "Ông ta nói cái gì thế?".

Cô dâu bảo, "Nói pháp".

- "Nói pháp thì sao không nói lớn cho ta nghe với, lại đi nói thầm?"

Câu chuyện tới tai Phật, Ngài bèn chế giới cấm nói pháp cho phụ nữ. Phụ nữ khiếu nại, Ngài bèn cho nói (pháp) nhưng không được quá 5, 6 câu nếu không có nam nhân biết điều (có đủ trí khôn để phân biệt phải trái, thanh thô) cùng ở đấy. Nếu có, thì cho nói nhiều hơn cũng được.

10. Đào đất:

Lục quần Tỳ kheo tu bổ nhà giảng, đào đất, bị cư sĩ chê vì làm chết côn trùng. Phật bèn chế giới. (Các giáo phái ở Ấn độ trước Phật giáo cũng kiêng sát sinh còn quá khích hơn đạo Phật, như Kỳ na giáo. Giới cấm này một phần vì từ bi, nhưng phần lớn hơn là để tránh cơ hiềm của ngoại đạo).

11. Hoại quỷ thần thôn:

Một Tỳ kheo ở đồng trống tự phá cây. Tất cả cây đều có quỷ thần và sinh vật ở, nếu phá thì các sinh vật ấy không có chỗ nương. Do thần cây khiếu nại, Phật chế giới.

12. Dư ngữ não xuất:

(Chọc tức người với những lời lẽ ngang bướng, không đúng vào đề tài, đánh trống lấp). Khởi từ Xiển đà Tỳ kheo có tội, bị cử, bèn hỏi vặn lại để xúc não.

13. Hiềm mạ tri sự: tự địa Tỳ kheo chê tri sự tăng là tôn giả Đáp-bà-ma-la lo về chỗ nằm, mền gối cho chúng, nói sau lưng tôn giả là "còn có thương, giận, sợ, si" (hiềm: chê sau lưng). Các Tỳ kheo trách cứ, Từ địa nói: "Tôi không chê, chỉ mắng thôi" (mạ: mắng, người kia nghe được). Đức Phật chế giới cấm cả hai lối nói.

14. Trải đồ nằm chúng tăng ở chỗ trống:

Nhóm 17 Tỳ kheo nhỏ tuổi, được thâu vào tăng đoàn một cách sơ suất, đ4 để bừa bãi đồ nằm của tăng chúng ngoài trời, khiến chim phá chuộc gặm. Phật nhân đấy chế giới. ("Thập thất quần Tỳ kheo" là nhóm 17 vị, lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi, gốc ở La duyệt thành, chơi với nhau từ bé được cha mẹ cưng chiều. Upàli đầu đàn, vốn là con một, cha mẹ mong cho cậu làm một nghề gì không nhọc mệt được sung sướng. Thấy tăng đoàn nhờ nấp bóng Phật được trọng nể, nên cả hai ông bà đều muốn cho con xuất gia. Cậu bé cũng thích ý ấy, rồi cả bọn bạn bè của cậu thấy cậu xuất gia cũng đi theo luôn. Các Tỳ kheo thâu nạp cho cả 17 trẻ làm Tỳ kheo ngay. Nửa đêm cả bọn khóc la kêu đói, đòi ăn đủ thứ. Từ am thất, Đức Phật nghe biết, quở trách ra lệnh cấm từ nay không được nhận kẻ dưới 20 tuổi vào làm Tỳ kheo. Vì làm sao bọn nhỏ chịu đựng được đói rét, ăn ngày một bữa, sức nắng mặt trời, các loài bò sát, các lời mạ lỵ phỉ báng trong lúc đi xin ăn? Nhưng đối với 17 vị đã lỡ nhận thì đành phải chịu, cũng như đối với Lục quần. Tăng đoàn thường gặp rắc rối do hai "băng" này gây ra).

15. Trải đồ nằm chúng tăng ở chỗ vắng:

Do một khách tăng đi vân thủy ghé Kỳ viên xin trọ, sáng ra đi không cáo từ, cũng không xếp trả đồ nằm, làm cho mối mọt ăn rách nát sau một thời gian bị bỏ quên. Chính Phật tìm thấy trong lúc ngài tuần hành qua các trú xứ của chư tăng khi họ đi phó trai, một mình Ngài ở nhà. Khi chư tăng trở về, ngào nhóm tăng chế ra giới này.

16. Trải đồ nằm lấn chỗ của người đến trước:

Lục quần Tỳ kheo cùng với đám 17 thiếu niên Tỳ kheo đi đường xa, đến một chùa xin trọ. Lục quần để cho các Tỳ kheo nhỏ đi trước xin chỗ xong, đến sau, cậy thế lớn cưỡng bức, trải đồ nằm ra choán chỗ. Các Tỳ kheo khác trông thấy, chê trách, bạch Phật.

17. Đuổi người khác ra khỏi phòng:

Cấm đuổi người khác ra khỏi phòng khi sân giận, không ưa. Cũng một lần khác, trên đường du hành 17 Tỳ kheo nhỏ đến một nơi xin được chỗ tốt, vừa trải đồ ra nằm, thì Lục quần đến sau đuổi ra dành chỗ. 17 Tỳ kheo nhỏ khóc la làm kẻ bàng quan cảm động, chê cười.

18. Ngồi ghế giường sút chân:

Tài Kỳ viên, các Tỳ kheo ở trên gác, ngồi giường sút chân, chưa an chỗ thì chân giường bị sút, và bởi ván gác mục, rớt trúng các Tỳ kheo ở dưới, gây thương tích.

19. Dùng nước có trùng tưới trên bùn, cỏ:

Xiển đà Tỳ kheo làm nhà ở, lấy nước có trùng hòa với bùn để trét vách, bị cư sĩ chê. (Xem giới thứ 10 ở trên).

20. Lợp nhà quá hạn:

Cấm chồng chất quá nhiều đồ lợp mái. Xiển đà làm chỗ trú, còn thừa nhiều tranh, tự nhủ, tranh này khó kiếm, bèn chồng nhiều lớp lên mái, làm nhà sụp vì không chịu nổi sức nặng. Cư sĩ chê cười, đến tai Phật.

21. Giáo thọ ni:

Đại ái đạo xin Phật cho Tỳ kheo đến chùa ni giáo thọ cho ni. Phật sai chư thượng tọa thứ đệ sai tăng giáo thọ ni. Lục quần Tỳ kheo không được chư tăng sai, cũng tự tiện đến chùa ni để giáo giới, chỉ nói toàn chuyện thế tục. Bà dì lại đến kiện Phật, Phật ra lệnh, cấm đi giáo thọ cho ni chúng, trừ tăng sai.

22. Nói pháp đến tối mịt:

Cấm giáo giới ni sau khi mặt trời lặn. Tôn giả Nanda được tăng sai giáo thọ ni, dạy tới tối mới xong. Khi ni trở về chùa trong thành Xá vệ, thì cổng thành đã đóng, phải nghỉ đêm ở ngoài thành. Sáng sớm, ni trở về, bị cư sĩ đàm tiếu. Phật nhân đây chế giới.

23. Nhạo báng người giáo thọ ni:

Lục quần Tỳ kheo không được tăng sai giáo thọ ni, bè hủy báng những vị được tăng sai rằng: những vị này vì muốn ăn ngon nên thuyết pháp. Phật chế giới cấm nói vậy.

24. Tặng y cho ni:

Một Tỳ kheo trong chùa Kỳ viên khi vào thành khất thực, ni chúng thấy uy nghi khả kính nên thường cúng dường. Tỳ kheo không nhận. Một hôm được chúng chia y, vị Tỳ kheo bèn nghĩ, đem y này tặng cho ni cô thường cho mình vật thực, chắc cô ấy sẽ từ chối và như vậy từ nay ta khỏi bị quấy nhiễu. Nào nhè cô kia nhận liền, Tỳ kheo đi rêu rao hành vi kém tế nhị của cô kia. Câu chuyện đến Phật, Phật chế giới.

25. May y cho ni:

Ngoài những tài năng khác, tôn giả Ca lưu đà di còn là thợ may. Ông may giùm cho một ni cô thứ y phục giống phụ nữ thế gian. Mặc vào, ni bị cư sĩ chế nhạo. Bà gì tới kiện Phật, phật chế giới cấm may y cho ni.

26. Ngồi với ni:

Ca lưu đà di ngồi nói chuyện với Thâu la nan đà trước cổng, mọi người trông thấy, chê bai.

27. Hẹn ni cùng đi:

Lục quần Tỳ kheo cùng du hành với ni, cư sĩ chê. Phật chế giới cấm. Về sau, ni đi riêng bị giặc cướp, Phật chế lại giới này, là trừ lúc nguy hiểm.

28. Cùng ni ngồi một thuyền:

Lục quần Tỳ kheo cùng ngồi thuyền với ni để sang sông bị chê cười nên Phật cấm. Về sau, khi sông Hằng bị lụt, trời tối, các Tỳ kheo qua sông trước, ni ở lại bị giặc bắt. Phật chế giới lại, trừ trường hợp đặc biệt, và trừ khi thuyền lớn.

29. Ăn đồ cúng dường do ni ca tụng mình:

Ở Xá vệ, một cư sĩ mời Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thọ thực, đang sửa soạn, thì ni Thâu la nan đà đến, hỏi cúng dường ai đó, đáp hai tôn giả Xá Lợi Phất, và Mục Kiền Liên. Ni bảo: "Sao lại mời mấy người hạ tiện đó, nếu nói cho tôi biết tôi sẽ mời dùm bậc đại long tượng".

Cư sĩ hỏi: "Cô muốn nói ai vậy?"

Ni nói: "Đề bà đạt đa".

Vừa lúc ấy hai tôn giả đến, ni bèn đổi giọng: "Đây, bậc đại long tượng đã đến".

Cư sĩ nói: "Tại sao cô vừa nói "hạ tiện", bây giờ lại nói "long tượng"? Từ nay đừng tới nhà tôi nữa".

Xá Lợi Phất về bạch Phật, Phật chế giới cấmăn một bữa do ni ca tụng mình mà được.

Sau đó, ở thành La duyệt, một cư sĩ muốn mời tôn giả Lê sư đạt. Một ni cô biết chuyện này, khi tôn giả đến thành, cô bèn tới nhà cư sĩ để báo tin. Cư sĩ thiết trai xong đi mời tôn giả đến thọ, tôn giả hỏi, sao biết tôi đến thành này, cư sĩ đáp, nhờ ni cô cho hay. Tôn giả cẩn thận sợ phạm giới nên không ăn. Phật bèn chế lại giới, thêm câu "Trừ trường hợp thí chủ đã có ý muốn mời trước".

30. Hẹn cùng nữ nhân đi chung:

Một cô gái người Tỳ xá li làm dâu người ở Xá vệ, gây lộn với mẹ chồng nên bỏ về lại nhà cha mẹ ở Tỳ xá li đúng vào lúc tôn giả A na luật (Anurudha) cũng đi từ Xá vệ đến Tỳ xá li. Cô gái xin quá giang theo Ngài, tôn giả bằng lòng. Dè đâu nửa đường, chồng cô ta đuổi kịp trông thấy tôn giả, tưởng ông rủ rê vợ mình, nên đánh tôn giả gần chết. Tôn giả nhẫn thọ, ngồi kiết già bên đường, nhập "hỏa quang tam muội" người kia thấy sám hối. Tôn giả tha thứ bỏ đi, trợ về Kỳ viên thuật lại chuyện, Phật bèn chế giới. (so sánh với số 4 ở trên).

31. Ăn quá một bữa ăn:

Ở nước Câu tát la, có một cư sĩ nguyện cho ở lại một đêm, và cúng dường một bữa ăn cho các tu sĩ khi lỡ đường ngang đấy, vì ở đấy không có tăng xá. Lục quần Tỳ kheo đến thấy được tiếp đãi nồng hậu nên cố ở luôn, không chịu đi. Cư sĩ chê cười, các Tỳ kheo bạch Phật chế giới cấm quá một bữa. Sau, tôn giả Xá Lợi Phất đi qua đấy, nhuốm bệnh mà cũng không dám ở lại vì sợ phạm giới, do đó bệnh càng tăng. Phật bèn sửa lại, là trừ trường hợp bị bệnh.

32. Nhận ăn tại nhiều nhà (1 lần):

Phật cùng 1250 Tỳ kheo du hành đến nước A na tần lâu có một bà la môn chở nhiều xe thực phẩm để cúng dường, khi nào chư tăng không xin được gì, vì họ đang đi qua một vùng đói kém. Khi đoàn lữ hành đến biên giới nước A na tần lâu, thì dân chúng ồ ạt thiết cúng. Bà la môn Sa nâu không biết làm gì với thực phẩm còn lại, xin đổ giữa đường cho Đức Phật và tăng chúng dẫm lên để chứng cho lòng thành của ông, trước khi ông từ giã (vì sự đi theo không cần nữa). Phật bảo ông nấu tất cả đồ khô còn lại ấy, thành một thứ cháo thập cẩm, cúng dường chư tăng dùng sáng trc khi đi khất thực. Từ đấy, dân mộ đạo khi được biết Phật cho phép ăn cháo trước khi đi khất thực, bèn chia nhau nấu các thứ cháo nêm ngon lành để cúng. Một vị đại thần cũng thi đua cầu phước, làm một bữa ăn thịnh soạn để cúng tăng. Vì chư Tỳ kheo trước đã dùng cháo, nên lúc đến phó trai tại nhà vị đại thần, không thể nào ăn thêm được. Gia chủ rất phiền não vì cớ ấy, bạch Phật. Phật chế giới cấm ăn trước khi đến nhà cư sĩ thọ thực. Về sau có người bị bệnh đến nhà một cư sĩ thọ trai nhưng không ăn được một thứ gì, mà cũng không dám nhận thực phẩm tại nhà khác sau đó. lại có khi một nhà cho ăn không no. Rồi lại có khi, đã nhận lời mời ăn tại một nhà, sau đó lại có nhà vừa cúng thực phẩm, vừa cúng y. Nếu giữ lời hứa ăn tại nhà đầu tiên thì không có y. Phật bèn chế thêm là trừ những trường hợp đặc biệt ấy.

33. Biệt chúng thực:

Cấm vắng mặt trong các bữa ăn đông chúng. Để bà đạt đa là kẻ đầu tiên phạm điều này. Sau khi mưu hại Phật, tiếng ác đồn khắp. Lợi dưỡng không còn, Đề bà dùng dư đảng đi khất thực từng nhà, gọi là "biệt chúng thực". Việc khất thực riêng nhóm như vậy trở thành một dấu hiệu muốn ly khai với đại chúng (Đoàn thể), nên Phật cấm ăn biệt chúng, nghĩa là tụ họp nhau 4 người trở lên mà ăn. Về sau có người bị bệnh, được mời ăn riêng, không dám. Có thí chủ thiết trai và dâng y sau mùa an cư, cũng không dám. Có người đi đường, bạn đồng hành mời ăn, cũng không dám, để đi một mình đằng sau bị cướp... Phật nhân đây chế thêm, trừ trường hợp đặc biệt như vậy, đi đường, đi phó trai... thì có thể ăn biệt chúng.

34. Nhận ăn quá hạn:

Một cô gái ở Xá vệ lấy chồng xa về nhà thăm cha mẹ, đã khuyên mẹ quy y tam bảo, cúng dường chư tăng. Cô mải nấu ăn cúng dường, khi người chồng đến tìm, đợi mãi, nổi sân, bỏ đi cưới vợ khác. Gia đình cô vì thế mà phải tan nát. Một thương khách mộ đạo vì ham thí thực cho chư tăng, bị bỏ lại sau đoàn, bị giặc cướp. Phật nhân đấy chế giới, cấm lạm dụng hảo tâm của thí chủ (cấm ăn bữa ăn của cô dâu về nhà cha mẹ và ăn của người đi đường).

35. Ăn thêm trái phép:

Phật ở Kỳ viên, ca ngợi phương pháp "Nhất tọa thực" (chỉ ăn ngày một lần). Chư Tỳ kheo tuân theo, chỉ ăn một lần. Sau đó nhiều vị gầy ốm xanh xao, Phật hỏi A nan, tôn giả đáp vì Phật dạy chỉ nên ăn một lần, những người ấy hoặc ăn không đủ, hoặc gặp món ăn không được, mà vẫn không dám ăn lần khác. Phật cho làm phép Dư thực mà ăn thêm. Pháp này nghĩa là, một vị ăn đã no, nhận đồ ăn từ thí chủ, hãy ăn một ít, rồi bảo vị kia cứ tùy tiện mà dùng.

36. Mời ăn thêm trái phép:

Tỳ-kheo nào, biết Tỳ-kheo kia ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ân cần mời vị kia ăn, nói rằng: "Trưởng lão, hãy dùng món ăn này". Chỉ với mục đích này chứ không có gì khác, tức là muốn người khác phạm giới, phạm Ba-dật-đề.

37. Ăn phi thời:

Nhằm tiết Trung thu có hội chợ, hai Tỳ kheo Nan đà và Bạt nan đà cố đi khất thực thật muộn, để tiện dịp xem hội, khi về chùa thì đã tối mịt. Các Tỳ kheo tra hỏi biệt được liền bạch Phật. Lại thêm tôn giả Ca lưu đà di chờ trời tối mới khi khất thực, vào một nhà nọ phụ nữ có thai đi ra tưởng là con quỷ, sợ quá, té ngửa mà truỵ thai. Phật bèn cấm đi khất thực phi thời. Các Tỳ kheo phải đi xin sáng sớm, và ăn trước ngọ.

38. Ăn đồ cách đêm:

Tôn giả Ca na ở núi Linh Thứu, một hôm nảy ra ý kiến, tội gì đi khất thực hàng ngày cho nhọc xác. Đồ ăn còn hôm nay, để tới mới mốt ăn. Chư Tỳ kheo thấy vắng tôn giả vào các bữa tiểu thực, hỏi, biết lý do, bèn bạch Phật chế giới cấm để dành.

39. Cấm ăn đồ không ai mời:

Một Tỳ kheo ở Kỳ viên nảy ra ý, nay ta hãy thực hành hạnh mặc y phấn tảo và xin ăn để sống. Bèn hành hạnh ấy. Khi đi trông thấy các gia chủ cúng thí thực cho người quá cố bên bờ sông hoặc dưới bức thành, Tỳ kheo bèn lấy đồ thí thực để ăn, khỏi đi xin. Các gia chủ chê bai, Tỳ kheo gì mà người ta không cho, lại cứ lấy ăn. Phật nghe, bèn chế giới Tỳ kheo không được bỏ vào miệng bất cứ cái gì không do người ta cúng. Sau đó có người sợ phạm giới, lại còn không dám uống nước và xỉa răng. Phật lại thêm: trừ tăm và nước thì được bỏ vào miệng.

40. Xin ăn đồ ngon:

Tôn giả Bạt nan đà đến một thương gia thí chủ, xin ăn đồ ngon. Cư sĩ hỏi: "Đại đức có bệnh gì không".

Đáp: "Không".

Cư sĩ bảo: "Không bệnh mà đòi ăn ngon cái gì? Chúng tôi đây làm việc cực nhọc, không có đồ ngon mà ăn, sao Tỳ kheo lại đòi ăn ngon?"

Các Tỳ kheo bạch Phật, Phật chế giới.

41.Cho ngoại đạo ăn:

Phật và đại chúng đi từ Câu tát la đến Xá vệ, giữa đường, cư sĩ cũng rất nhiều bánh đa (bánh tráng). Phật bảo A nan chia cho chúng tăng, còn thừa thì cho hành khất (thường đi từng đoàn theo sau đoàn khất sĩ, cốt chờ những dịp như vậy). Trong đám hành khất có một cô gái ngoại đạo lõa thể, dung mạo dễ coi, chìa tay ra xin bánh. Tôn giả A nan vô tình phát cho cô ta 1 cái bánh kép (2 cái dính liền). Những kẻ bàng quan bảo nhau, cô gái đã lọt mắt xanh của tôn giả rồi đó. Tôn giả nghe, lấy làm bực. Các Tỳ kheo bạch Phật, Phật chế giới cấm cho ngoại đạo ăn. Sau ngoại đạo khiếu nại, Phật thấy có lý, nên chế lại, rằng "Cấm cho ngoại đạo ăn, bằng cách cho tận tay".

42. Ăn rồi mới vào chỗ mới:

Không được làm cho người khác hụt nhận sự cúng dường bằng cách để họ đợi hoặc bằng cách khác.

Một thí chủ ở Xá vệ mời tôn giả Bạt nan đà cùng một số Tỳ kheo đến nhà thọ trai. Chư tăng đều tề tựu sốt ruột đợi nhân vật chính thế mà tôn giả Bạt nan đà còn ở mãi nơi nao? Trời gần đứng bóng, chư tăng đành phải yêu cầu khổ chủ cho ăn trước, sợ quá giờ ngọ. Đương sự lúc ấy đang thọ trai ở nhà khác.

Lần khác, người ta cúng dường trái cây cho tôn giả lúc ấy lại đang vắng mặt nên chư Tăng không dám chia. Đương sự lại về trễ, khiến chúng tăng bị phạm giới ăn phi thời và tích trữ đồ ăn.

43. Ngồi nán lại ở nhà ăn:

Ăn xong không được nấn ná ở nơi có đàn bà đẹp. Trường hợp tôn giả Ca lưu đà di cứ dùng dằng ở nhà người bạn gái cũ, mặc chồng cô ta đuổi khéo nhiều lần.

44. Chỗ vắng cùng nữ giới:

Tôn giả trở lại ngồi nói chuyện với cô ta sau cánh cửa. Phật chế giới.

45. Ngồi với nữ chỗ trống:

Lần sau tôn giả ngồi ngay ngưỡng cửa nói chuyện với người đẹp. Phật thêm điều này.

46. Đuổi bạn ra khỏi làng:

Không được bỏ đói một Tỳ kheo khác để trả thù.

Tôn giả Bạt nan đà rủ một Tỳ kheo mà ông ta thù hận đi theo mình đến trưa rồi bỏ rơi vị này, khiến đương sự phải nhịn đói luôn cho đến sáng mai. Phật chế giới.

47. Nhận thuốc quá thời gian thí chủ cúng:

Không được nhận thuốc nhiều hơn số cần dùng trong 4 tháng. Thí chủ Ma ha nam dòng họ Thích ở Ca tỳ la vệ xin cúng dường thuốc cần dùng cho chư Tăng. Rủi thay khi Lục quần Tỳ kheo đến thì kho thuốc đã cạn. Lục quần Tỳ kheo không tin và chê Thích Ma ha nam là nói láo. Bất mãn, vị khổ chủ này ngưng cúng dường Tăng. Đức Phật quở trách Lục quần Tỳ kheo và chế giới chỉ cho thọ thuốc trong bốn tháng. Về sau, nhiều thí chủ khác cúng dường dài hạn đủ loại thuốc cho chư tăng, có vị không dám nhận quá giới hạn bốn tháng, Phật chế lại giới, thêm: "Trừ khi thí chủ cúng dài hạn".

48. Xem quân đội:

Cấm tham dự những buổi duyệt binh, kiến người ta phải đuổi khéo (trường hợp Lục quần Tỳ kheo). Vua Ba Tư Nặc phải nhờ đem đường đến cúng dường Thế Tôn, kèm theo lời tán thán để được rảnh nợ với Lục quần.

49. Ở lại trong quân trại quá ba đêm:

Không được ở lại trong quân đội quá 2 hoặc 3 ngày. Lại cũng là trường hợp Lục quần.

50. Xem quân tập trận:

Không được quá chú ý đến những cuộc tập trận. Cũng lại là Lục quần Tỳ kheo. Một trong những vị này nghịch ngợm bị một mũi tên vào người.

51. Uống rượu:

Không được uống bất cứ thứ nước nào có men.

Tôn giả Sa gia đà xin ngủ nhờ nhà một bà la môn. Ông này chỉ còn căn phòng thường bị một con rồng quấy phá. Tôn giả nói không sao.

Nửa đêm, con rồng xuất hiện, nổi giận thổi tắt hết đèn. Tôn giả lúc ấy đang nhập định bèn thổi mạnh hơn. Rồng hết hơi chịu thua. Tôn giả thâu kẻ chiến bại vào bình bát đưa cho chủ nhà.

Vua Kausambi hay tin, dặn người bà la môn mời tôn giả đến thọ trai tại hoàng cung khi vị này trở lại. Nhà vua cho thiết những món ăn và ngay cả rượu - cái mà chư tăng chưa bao giờ khất thực được. Kết quả là tôn giả chập choạng trở về Tinh xá nôn oẹ tùm lum, chim và quạ tranh nhau mổ những đồ thổ ra đó, chúng làm ồn đến nỗi Đức Phật phải quở "Đồ ngu! Thắng con rồng lớn mà thua con rắng nhỏ!" và chế giới cấm nếm rượu.

52. Đùa giỡn trong nước:

Vua Ba tư nặc và hoàng hậu Mallikà đứng trên lầu cao nhìn xuống sông Aciravati thấy Thập thất quần Tỳ kheo nhào lộn đùa giỡn. Vốn là Phật tử thuần thành, luôn luôn thấy khía cạnh tốt, hai vị vương giả cười khoan hồng đám Tỳ kheo nhi đồng chưa được hoàn toàn vào khuôn phép. Nhưng sau đó, Hoàng hậu phái một Bà la môn đến tán dương Phật và cúng dường đường rồi thuật lại chuyện trên cho Phật nghe. Phật chế giới.

53. Thọc lét người khác:

Một vị trong Lục quần Tỳ kheo thọc lét một trong nhóm Thập thất quần Tỳ kheo làm chết người. Do đó Phật chế giới.

54. Không nghe can:

Tỳ kheo Đơn đà muốn phá giới, các Tỳ kheo can không nghe, bạch Phật.

55. Nhát Tỳ kheo khác:

Không được làm người khác sợ hãi.

Tôn giả Na ca la muốn Đức Phật bỏ những cuộc đi kinh hành ban đêm nên hóa trang làm ma để dọa ngài. Phật chế giới.

56. Nửa tháng tắm:

Trừ trường hợp đặc biệt, 15 ngày mới được tắm một lần.

Vua xứ Ma kiệt đà cho phép chư tăng tắm trong dòng suối ấm dành riêng cho hoàng gia. Chư tăng lạm dụng phép đặc biệt này, nhất là Lục quần Tỳ kheo còn ra suối cả ban đêm, khiến nhà vua và các cung phi không còn biết tắm vào lúc nào. Phật chế giới.

57. Đốt lửa chỗ trống:

Cấm nhóm lửa ở bất cứ chỗ nào, trừ trường hợp đặc biệt.

Lục quần Tỳ kheo trốn ra ngoài tinh xá, gặp trời đông lạnh nhóm lửa dưới gốc cây rỗng. Khó từ trong cây tỏa ra, làm một con rắn độc đang trú ngụ ở đó bò ra. Hoảng sợ, Lục quần Tỳ kheo bỏ chạy, để lửa lan đến tinh xá cháy tiêu giảng đường. Cư sĩ bàn tán nhà cháy làm chết côn trùng. Phật chế giới.

58. Giấu đồ người khác:

Không được tinh nghịch giấu đồ vật của người khác. Trường hợp Lục quần Tỳ kheo giấu y của Thập thất quần làm họ không đi dự trai tăng được.

59. Chân thật tịnh thí:

Không được lén lấy lại y đã cho người khác. Cũng là trường hợp Lục quần chơi xấu với Thập thất quần.

60. Mặc y mới:

Chư tăng phải mặc áo nhuộm, không được mặc áo dành cho cư sĩ, gọi là bạch y. Phật cho nhuộm ba màu hòa lại: xanh lá cây, đen, vàng nghệ, vừa dễ nhuộm vừa ít tốn. Các nhà luận sư Trung Hoa nói: lấy đồng nhuộm xanh, lấy bùn nhuộm đen, lấy tinh chất của lá cây rubia cordifolia mà nhuộm vàng. Những thứ thuốc này dễ nhuộm nên mỗi lần giặt đều có thể nhuộm lại.

61. Hại mạng súc sinh:

Không được uống nước có trùng mà phải lọc trước. Việc lọc nước bằng đãy lọc đã được thi hành trước khi Phật chế giới. Chư tăng vì lòng từ đối với chúng sinh bé nhỏ phải luôn luôn mang đãy lọc theo mình.

63. Làm người ta nghi và buồn:

Không được làm các bạn đồng tu lo lắng, nghi ngờ.

Thập thất quần hỏi Lục quần Tỳ kheo về những pháp để đắc bốn thiền và bốn quả. Lục quần bảo: "Hỏi như thế là phạm tội đại vọng ngữ". Nghi ngờ, Thập thất quần đến hỏi các vị trưởng lão, chư vị này đáp: "Không phạm" và bạch Phật chế giới.

64. Che giấu tội thô của người khác:

không được che giấu tội thô của người khác. Tôn giả Bạt nan đà chơi thân với một Tỳ kheo và tâm sự cho vị này nghe vài chuyện bậy của mình, không quên dặn người bạn cố tri đừng kể lại cho người thứ ba. Về sau, hai vị giận nhau, người bạn đem kể hết cho mọi người. Phật chế giới.

65. Trao giới cho người chưa đủ tuổi:

Không được trao giới cho sa di dưới 20 tuổi thọ cụ túc giới. Đây là trường hợp nổi tiếng của Thập thất quần một nhóm trẻ con từ 12 đến 17 tuổi. Đức Phật vừa cho phép tăng đoàn nhận thêm thì các vị trưởng lão vội cho 17 vị này thọ giới. Các chuyện phiền phức xảy ra ngay trong đêm sau. Phật quở và chế giới, nhưng không nỡ đuổi các vị tân Tỳ kheo này.

66. Gợi lại việc tranh cãi:

Không được nhắc lại chuyệt bất hòa đã qua. Lục quần Tỳ kheo phạm.

67. Đi với giặc:

Không được tháp tùng đoàn lữ hành bất chánh. Chư tăng ở Xá vệ, trên đường đến Vaisali, nhập bọn với một băng cướp. Rủi tahy, cả đoãn lữ hành bị bắt. Chư tăng bị ghép tội đồng lõa. Bọn cướp bị xử tử. còn chư tăng được vau Ba Tư Nặc ân xá. Phật chế giới.

68. Có ác kiến không nghe can:

Tỳ kheo A lê tra ở tinh xá Kỳ viên có ác kiến rằng: dâm dục không trở ngại đạo. Các vị khác can ba lần mà ông vẫn không bỏ. Phật chế giới.

69. Theo Tỳ kheo bị cử tội:

A lê tra đã bị khai trừ mà Lục quần vẫn chấp chứa ông ta. Phật chế giới.

70. Theo Sa di bị đuổi:

Không được nhận, giữ một sa di đã bị đuổi. Ở tinh xá Jetavana, hai sa di của Bạt nan đà phạm giới bị đuổi. Lục quần chứa chấp. Phật chế giới.

71. Cự khuyến học giới:

Không được bất tuân giới cấm mà biện hộ là "tôi không biết trước" như Tỳ kheo Xiển đà.

72. Chê luật:

Không được coi thường luật, chỉ trích giới bổn. Lục quần tuyên bố rằng: vào thời tụng giới mỗi tháng, chỉ nên tụng bốn giới trọng và 13 tăng tàn, những giới còn lại chỉ tổ làm rối đầu và làm những kẻ cả lo thêm hoang mang. Phật quở và chế giới.

73. Sợ bị cử tội, nói chận:

Không biết giới thì tội nặng gấp hai. Một trong số Lục quần cãi mình không biết việt đã làm thuộc một điều cấm trong giới bổn. Đức Phật tuyên bố "vừa phạm tội, vừa không biết tội là phạt gấp đôi".

74. Dự yết ma rồi hối:

Không được vu khống vị yết ma là thiên vị hoặc bất công.

Tôn giả Đạp bà ma la hết lòng xả thân lo cho chúng, không hề nghĩ đến tư lợi. Thấy y tôn giả quá rách nát, đại chúng vừa được chúng dường một y tốt, đem tặng cho tôn giả theo đúng luật. Lục quần vốn ghét Đạp bà ma la, vu khống tăng chúng là thiên vị và đặt đủ điều nói xấu. Phật biết chuyện chế giới.

75. Không gởi dục:

Không được cản trở đại chúng nhóm họp.

Ở tinh xá Jetavana, chư tăng sửa soạn nhóm chúng. Lục quần Tỳ kheo bảo nhau: "Thế nào chúng ta cũng bị cử tội, bây giờ chúng ta đi ra, họ sẽ chẳng làm gì được" Chư tăng thiếu mặt họ nên buổi nhóm chúng bất thành. Phật chế giới không họp phải gởi dục.

76. Gởi dục sau hối:

Không được ngăn trở chúng tăng thi hành các quyết định.

Vì sợ bị cử tội, Lục quần đã ngăn cản tăng nhóm họp. Một hôm, khi đại chúng gọi đến, họ viện cớ đang bận vá áo không đi được. Đại chúng bắt phải có một vị trong nhóm đi họp thay cho cả bọn. Chính vị này bị cử tội, Lục quần nghe vậy bảo rằng quyết định của chúng tăng là vô hiệu quả vì họ không đồng ý. Phật chế giới.

77. Nghe lỏm bốn việc tranh chấp:

Không được kể lại những chuyện cãi nhau giữa tăng chúng.

Lục quần nhắc lại những chuyện cãi vã, làm tăng thêm các mối bất hòa.

78. Nổi sân đánh Tỳ kheo:

Không được đánh đập, đối xử tàn nhẫn như trường hợp Lục quần hành hạ Thập thất quần.

79. Nắm tay dọa Tỳ kheo:

Cũng nhân trường hợp Lục quần.

80. Vu khống tàn tệ:

Không được gây buồn phiền người khác bằng những lời xỉ vả vu khống. Trường hợp Lục quần đối với nhóm Tỳ kheo Thập thất quần.

81. Đột nhập vương cung:

Không được đột nhập vào cung vua.

Trường hợp tôn giả Ca lưu đa di đột nhập cung vua Ba tư nặc, lúc đó đang nghỉ trưa cùng hoàng hậu Mallika. Tình thế xảy ra rất lúng túng, vì hoàng hậu không kịp sửa y phục cho tề chỉnh. Tôn giả vội thối lui.

82. Lượm châu báu:

Không được nhặt cất tiền bạc, nữ trang, đồ quý giá, trừ ở trong tinh xá hay trong chỗ nghỉ đêm.

Một du khách mất túi tiền, chư tăng nhặt được đưa lại cho ông. Ông vu khống chư tăng lấy bớt một phần. Phật dạy: "Đáng lẽ cứ để yên túi vàng ở giữa đường. Trừ khi người ta vào viếng tinh xá làm rớt nữ trang thì được nhặt giữ giùm, hoặc khi đến ngủ nhà thợ vàng thì được lấy đồ trang sức đang để bừa bãi cất vào tủ cho người ta".

83. Vào làng trái thời:

Không được vào làng không phải lúc.

Tôn giả Bạt nan đà buổi tối hay vào làng đánh bài với cư sĩ. Tôn giả được bài mãi, khiến họ tức giận đi tố cáo. Phật chế giới.

84. Giường cao quá lượng:

Chân ghế và giường không được cao quá 8 ngón tay Phật như trường hợp tôn giả Ca lưu đà di làm. Phật chế giới.

85. Nằm nệm bông tơ:

Không được làm nệm ghế và giường bằng lông mịn màng. Trường hợp Lục quần.

86. Ống kim bằng xương, răng, sừng:

Không được có hộp đựng kim chỉ bằng trân bảo, khắc hoặc mài.

Một nhà thủ công nghệ ở Vương xá muốn tỏ lòng thành với tăng đoàn, nên cúng dường tăng chúng những sản phẩm của mình làm ra. Chư tăng xin quá nhiều, tới nỗi thí chủ bị sạt nghiệp.

87. Quá lượng ngọa cụ:

Vải bao ngọa cụ không được quá kích thước ấn định.

Một hôm chư tăng đi khất thực. Phật đi kiểm soát tinh xá Kỳ viên thấy các ngọa cụ bị ướt sũng nước mưa và dính đầy bùn (trời nóng chư tăng ra ngủ ngoài vườn). Ngài chế cách xử dụng vải bao và ấn định kích thước.

88. Vải băng ghẻ quá lượng:

Cho phép sử dụng miếng vải với kích thước ấn định để băng bó vết thương, vết phỏng. Chư tăng bị các ung nhọt mà không băng bó nên rất đau đớn và bẩn thỉu. Phật cho họ xử dụng loại vải mềm và nhẹ. Phật phải ấn định kích thước mới được cất giữ.

89. Áo tắm mưa quá lượng:

Cũng vì lý do trên, ngài ấn định kích thước áo tắm mưa.

90. Ba y quá lượng:

Tất cả chư tăng dù vóc dáng thế nào, đều không được đắp y dài hơn y của Phật, để tỏ lòng tôn kính. Người ta kể là tôn giả Sunanda có vóc dáng hơi giống Thế tôn nên hay bị chư tăng nhìn lầm. Phật bắt tôn giả luôn luôn đắp y đen, còn Ngài thì đắp y vàng.