Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo
M
Ma.“Ma” cũng gọi là “ác ma”, có nghĩa là giết hại, phá hoại, chướng ngại, cướp đoạt mạng sống; dùng để chỉ cho những loài quỉ thần hung ác, chuyên cản trở các việc lành. Kinh điển thường nói, thiên ma (hay thiên ma ba tuần) ở cõi trời Tha-hóa-tự-tại là loại thần hay phá hoại chánh giáo. Ma là một thế lực mạnh, nên cũng được gọi là “ma vương”, hay “ma quân”. Kinh Phật Bổn Hạnh Tập liệt kê có 20 loại ma quân: ma ham muốn, ma không hoan hỉ, ma đói khát nóng lạnh, ma mê đắm, ma ham ngủ, ma sợ sệt, ma nghi hoặc, ma sân hận, ma tranh danh đoạt lợi, ma ngu si, ma kiêu căng ngạo mạn, và ma hại người. Nói chung, tất cả những phiền não, nghi ngờ, mê luyến, v.v... thường nhiễu hại chúng sinh, đều gọi là “ma”. Những thứ nhiễu loạn ấy, nếu từ trong tâm mình phát sinh thì gọi là “nội ma”; nếu từ ngoại giới vướng vào thì gọi là “ngoại ma”. Luận Đại Trí Độ cho rằng, tất cả những gì không phải là thật tướng của các pháp thì đều là “ma”. Luận Du Già Sư Địa phân “ma” làm bốn loại: ma ngũ ấm, ma phiền não, ma chết, và ma trời (thiên ma làm chướng ngại đạo giải thoát). Phiền não chướng và sở tri chướng cũng được coi là hai loại ma. Có thể nói tóm tắt một câu: “Ma là tất cả các thế lực vô minh, luôn luôn tìm mọi cách ngăn trở con đường tiến đến giác ngộ giải thoát”. Vì vậy, từ “bố ma” có nghĩa là hùng lực của hành giả làm cho tất cả các thế lực vô minh phải khiếp sợ. Cho nên, đã là đệ tử Phật thì nhất định không vì danh vị, lợi dưỡng mà tán đồng, dua nịnh, thậm chí còn khiếp sợ, phải tự nguyện sống nương nhờ vào các thế lực ác ma.
Ma Đăng Già (Matanga): là tiếng người Ấn-độ dùng gọi chung cho dân hạ tiện phái nam; dân hạ tiện phái nữ thì gọi là Ma Đăng Kì (Matangi). Loại tiện dân này sống bằng nghề quét đường. “Ma Đăng Già nữ” (được đề cập trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm) nghĩa là con gái của nhà Ma Đăng Già, hay nói vắn tắt là “nàng Ma Đăng Già”. Theo pháp sư Viên Anh, trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, “Ma Đăng Già” dịch ra Hán ngữ là “hạ tiện chủng” (dòng hạ tiện), là tên của người mẹ. Con gái của bà tên là Bát Kiết Đề, dịch là “bản tánh”, nghĩa là tuy mang thân làm dâm nữ, nhưng bản tính không mất. Nàng được gọi theo tên mẹ, nên gọi là nàng Ma Đăng Già.
Ma Ha Chỉ Quán: là một bộ luận thuộc pháp điển Trung-quốc, gồm 10 quyển, hoàn thành năm 594, do đại sư Quán Đảnh (561-627) ghi lại các thời thuyết giảng của sư phụ là đại sư Trí Khải (538-597), được thu vào quyển 42 của Tạng Đại Chánh.
Ma Ha Ma Da (Mahamaya) và Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati) là hai chị em, và đều là em ruột của vua Thiện Giác, vương quốc Câu-lị. Sau khi sinh thái tử được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Ha Ma Da tạ thế, lệnh bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (cũng gọi là Kiều Đàm Di – Gautami) liền được vua Tịnh Phạn đưa lên ngôi hoàng hậu, và được giao cho nhiệm vụ nuôi nấng thái tử. Bà vừa là dì ruột của thái tử, lại vừa đảm trách nhiệm vụ làm mẹ thái tử, nên bà thường được gọi là “di mẫu” của thái tử.
Ma-kiệt-đà (Magadha): là một trong 16 nước lớn ở lục địa Ấn-độ thời Phật tại thế, kinh đô đặt tại thành Vương-xá (Rajagrha). Tiếng Phạn “Maga-dha” đã được dịch ra Hán ngữ bằng nhiều tên: Ma-yết-đà, Ma-già-đà, Ma-ha-đà, Ma-kiệt-đề, v.v..., nhưng thông dụng nhất là tên Ma-kiệt-đà, nằm phía Nam xứ Bihar ngày nay. Nước này cùng với Kiều-tát-la (Kosala) là hai vương quốc lớn nhất và hùng mạnh nhất trong toàn lãnh thổ Ấn-độ thời Phật tại thế. Ma-kiệt-đà vào thời đó đã được coi là trung tâm của tư tưởng và tôn giáo của người Ấn-độ; riêng đối với Phật giáo, lại càng có quan hệ rất sâu đậm. Đức Thích Ca Mâu Ni, sau khi rời thành Ca-tì-la-vệ (ở phía cực Bắc Ấn-độ) đi xuất gia, đã tiến về vùng Phật-đà-già-da (Buddhagaya) của nước này để học đạo và tu hành cho đến ngày thành đạo. Vua Tần Bà Sa La của nước Ma-kiệt-đà là vị vua đầu tiên trong hàng vua chúa đã trở thành một Phật tử thuần thành, trung kiên của đức Phật, một đại thí chủ của giáo đoàn. Tinh xá Trúc-lâm là một tu viện đồ sộ, qui mô đầu tiên của giáo đoàn cũng đã được xây cất ở ngoại ô kinh thành Vương-xá của nước này. Ba vị tôn giả đệ tử thượng thủ của đức Phật, có khả năng thay Phật lãnh đạo giáo đoàn là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và Đại Ca Diếp, cũng là dân của nước Ma-kiệt-đà. Ba anh em tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, cùng với 1.000 đồ chúng của họ, là tập thể ngoại đạo đông đảo nhất đã qui hướng và xuất gia theo Phật, cũng đều là dân của nước Ma-kiệt-đà.
Trước khi đức Phật nhập niết bàn, vua Tì Lưu Li (Virudhaka – con của vua Ba Tư Nặc) của nước Kiều-tát-la đã đem quân sang thành Ca-tì-la-vệ giết sạch dòng họ Thích-ca. Trên đường về, ông dừng quân trên bờ sông A-chỉ-la (Aciravati) để nghỉ đêm, đã bị nước lũ từ dưới sông dâng lên thình lình, ông và cả đoàn quân tướng đều bị nước cuốn trôi, chết sạch. Thế là toàn bộ nước Kiều-tát-la và nước Ca-thi (Kasi – thuộc địa của Kiều-tát-la, kinh đô là thành Ba-la-nại) đều được sát nhập vào nước Ma-kiệt-đà, dưới quyền thống trị của vua A Xà Thế (vì ông là cháu của vua Ba Tư Nặc). Sau khi đức Phật nhập diệt được 3 năm, vua A Xà Thế đã đánh chiếm nước Bạt-kì, sáp nhập vào Ma-kiệt-đà. Vậy là, dưới thời vua A Xà Thế, vương quốc Ma-kiệt-đà đã được mở rộng, bao trùm một vùng lãnh thổ rộng lớn từ bản địa cho đến nước Kiều-tát-la ở phía Bắc. Dưới vương triều Khổng-tước (Maurya, khoảng từ năm 317-180 tr. TL), vua A Dục (Asoka) thống nhất gần khắp lục địa Ấn-độ, biến nước Ma-kiệt-đà thành đế quốc A-dục, làm cho thanh danh Ma-kiệt-đà vang dội khắp vùng Trung Á. Sau khi qui y Tam Bảo, nhà vua trở thành một vị hộ pháp đắc lực, đã cho các vị cao tăng sứ giả đem Phật pháp truyền bá rộng rãi, không những trên toàn khắp bán đảo Ấn-độ, mà còn lan ra khắp cả các nước xa xôi, phía Nam đến tận Tích-lan, phía Bắc là các nước vùng Trung Á, Tây đến Hi-lạp, Đông đến Miến-điện... Đến thế kỉ thứ 5 TL, chùa Na-lan-đà được kiến tạo tại Ma-kiệt-đà, thành viện đại học Phật giáo đầu tiên, và cũng là trung tâm của Phật giáo Ấn-độ.
Thế kỉ thứ 7, pháp sư Huyền Trang của Trung-quốc sang tu học ở học viện Na-lan-đà, có thuật vài nét về Ma-kiệt-đà (trong tác phẩm Đại Đường Tây Vực Kí) như sau: “Nước Ma-kiệt-đà chu vi rộng hơn 5.000 dặm, đất đai mầu mỡ, phong tục thuần phác, sùng tín Phật pháp, có hơn 50 ngôi già lam, tăng đồ hơn vạn người, phần nhiều tu học theo giáo pháp đại thừa; các di tích quan trọng còn thấy như nơi Phật tu khổ hạnh, nơi ba anh em Ca Diếp qui y theo Phật; gần kinh đô Hoa-thị còn thấy các di tích như phiến đá in bàn chân Phật, tháp vua A Dục, chùa Kê-viên, v.v...”
Mã Minh (Asvaghosa - khoảng 100-160): Ngài là người Ấn-độ, sinh trong một gia đình Bà-la-môn, thôn Ta-chỉ-đa, thành Xá-vệ. Gia tộc ngài có quan hệ sâu đậm với vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska - khoảng thế kỉ đầu TL, vua đời thứ ba của vương triều Quí Sương - Kusana, nước Nhục-chi – cũng đọc là Nguyệt-thị – kế thế vua A Dục, cai trị toàn vùng Bắc Ấn-độ). Lúc nhỏ ngài theo học ngoại đạo, sau được cơ hội đàm luận với Hiếp tôn giả (Parsva), bị tôn giả thuyết phục, bèn cảm kích mà xin qui y, thọ cụ túc giới, và được tôn giả phú cho pháp tạng, trở thành vị tổ thứ 12 kế thừa pháp tạng. Ngài tinh tường cả nội ngoại điển, thông suốt ba tạng, được coi là thế hệ tiền phong của nền văn học Phạn ngữ thời kì cổ điển, để lại danh tiếng lớn lao trong văn học sử Phạn ngữ. Ngài đem cuộc đời đức Phật viết thành tác phẩm tự sự Phật Sở Hành Tán (Buddhacarita) bằng thể thơ; lại lấy sự tích tôn giả Nan Đà (Nanda) dứt bỏ tình yêu với người vợ đẹp, viết thành thi phẩm lừng danh Tôn Đà La Nan Đà (Saundara-nanda). Bởi vậy ngài cũng được coi là một đại thi hào Phật giáo. Luận Đại Thừa Khởi Tín là một tác phẩm nổi danh của ngài, rất được mọi người biết đến; trong đó ngài nêu lên các giáo lí trọng yếu, cũng như chỉ bày đường lối tu tập theo giáo pháp đại thừa, mà phần cuối có đoạn khuyên người tu nên chuyên tâm niệm Phật và cầu vãng sinh về cõi Tịnh-độ.
Về niên đại của ngài Mã Minh, có nhiều thuyết nói khác nhau (như sau ngày Phật diệt độ khoảng 300 năm, 400 năm, hoặc 500 năm), không thể xác định rõ ràng. Lại nữa, theo luận Thích Ma Ha Diễn ghi chép, từ thời Phật tại thế cho đến 800 năm sau khi Ngài nhập diệt, có tất cả 6 ngài Mã Minh ra đời (2 ngài cùng thời đại với đức Phật; 1 ngài vào khoảng 100 năm PL; 1 ngài vào khoảng 300 năm PL, 1 ngài vào khoảng 600 năm PL; và 1 ngài vào khoảng 800 năm PL).
Tác giả Shoma Gyokei của sách Ấn Độ Phật Giáo Sử thì xác quyết: “Ngài Mã Minh luận chủ luận Khởi Tín là tác giả tư tưởng thuần Đại thừa thì xuất hiện ở thời đại sau, riêng về ngài Mã Minh kiêm học cả Tiểu thừa và Đại thừa thì xuất thế ở khoảng thời đại giữa tuổi vãn niên của vua Kaniska, cho tới khoảng ngài Long Thọ xuất thế, tức là khoảng 700 năm sau khi Phật diệt độ, hậu bán thế kỷ thứ II Tây lịch.” (Trích trong sách Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ của Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, Thành Hội Phật Giáo TP HCM ấn hành, năm 1995, tr. 142.)
Trong sách vừa dẫn trên, sau khi nêu ra các tác phẩm của ngài Mã Minh hiện còn lưu truyền, hòa thượng Thích Thanh Kiểm nhận xét:
“Căn cứ vào nội dung giáo nghĩa của các bộ kể trên thì giáo nghĩa của luận Khởi Tín thuộc giáo lý thuần túy Đại thừa, còn các bộ khác hoặc thuộc giáo nghĩa thuần Tiểu thừa, hoặc thuộc giáo nghĩa kiêm cả Tiểu thừa và Đại thừa. Vì vậy, Kyono Tetsu, tác giả cuốn Ấn Độ Phật Giáo Sử Cương (trang 179) đã kết luận: ‘Ngài Mã Minh thuộc tư tưởng Tiểu thừa thì xuất hiện ở khoảng trước hoặc sau thế kỷ thứ I, còn ngài Mã Minh thuộc tư tưởng Đại thừa thì hoàn toàn là người xuất hiện ở thế kỷ sau.’ Như vậy tác giả cuốn sử kể trên nhận có hai ngài Mã Minh ra đời. Nhưng suy luận theo tác phẩm thì có thể chỉ là một ngài Mã Minh, vì lúc đầu ngài tin theo Tiểu thừa, nên trước tác của ngài thuộc về Tiểu thừa giáo, sau ngài chuyển hướng theo Đại thừa nên trước tác của ngài cũng là tư tưởng Đại thừa. Tức là, ngài là bậc kiêm học cả Tiểu thừa và Đại thừa.” (Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, sách đã dẫn trên, tr. 145.)
Mầm cháy hạt mục (tiêu nha bại chủng). Đây là một thành ngữ Phật học, dùng để chỉ cho hàng nhị thừa (Thanh-văn và Duyên-giác), không có khả năng phát tâm vô thượng bồ đề, chẳng khác gì mầm cây bị cháy khô, hay hạt giống bị hư mục. Kinh Duy Ma Cật nói: “Hàng nhị thừa giống như mầm cháy hạt mục, không thể phát đạo tâm vô thượng.”
Mật chú. “Mật chú” (cũng gọi là chú, thần chú, cấm chú, hay chân ngôn) là thứ ngôn ngữ bí mật, có sức linh cảm đặc biệt, mà ngôn ngữ người thường không thể giải thích được. Nguyên thỉ, chữ “chú”, hay “chú thuật”, là những lời được người ta tụng niệm trước các vị thần, hoặc để cầu xin thần phù hộ cho tai qua nạn khỏi, hoặc xin thần giáng họa cho kẻ cừu địch của mình. Thời cổ Ấn-độ, chú thuật đã từng xuất hiện trong kinh điển Phệ Đà. Trong Kinh Trường A Hàm, đức Phật đã từng bài xích chú thuật; nhưng trong Kinh Tạp A Hàm có lúc đức Phật cũng dùng đến chú thuật ở những trường hợp cần thiết (như câu chú “Độc Xà Hộ Thân” do Phật nói, ghi trong Kinh Tạp A Hàm, quyển 9). Điều đó cho thấy, chú thuật vốn đã được phổ biến rất sớm trong khắp lãnh thổ Ấn-độ; và có lúc cũng được Phật giáo dùng đến. Trong các bộ kinh đại thừa thuộc loại “Hiển giáo”, như Bát Nhã, Pháp Hoa, Bảo Tích, Lăng Già, v.v... đều có ghi chép các câu cấm chú, hoặc có nguyên một phẩm về “đà-la-ni”. Nói chung, trong các kinh luật, mật chú được đề cập rất nhiều, Mật giáo lại càng coi trọng mật chú, cho rằng, mật chú biểu thị cho pháp tánh thường trú, nếu chuyên tâm đọc tụng và quán tưởng, sẽ thành tựu được quả Phật. Mật chú có thiện có ác. Thiện chú có thể trị bệnh hoặc hộ thân; ác chú dùng để thư, ếm, hại người. Đức Thế Tôn luôn luôn cấm chỉ các vị đệ tử dùng các loại ác chú, chỉ được dùng các loại thiện chú trong trường hợp cần thiết mà thôi.
Mật thừa. Theo kinh điển Mật giáo, Phật giáo gồm có ba thừa: Tiểu thừa, Đại thừa và Kim-cương thừa. Với các đệ tử có trí tuệ thấp kém, Phật dạy cho giáo pháp Tiểu thừa; với các đệ tử có trí tuệ trung bình, thêm vào giáo pháp Tiểu thừa, Phật dạy cho giáo pháp Đại thừa; với các đệ tử có trí tuệ cao siêu, sau các giáo pháp Tiểu và Đại thừa, Phật còn dạy cho giáo pháp Kim-cương thừa. Bởi vậy, Kim-cương thừa mới là tối thượng thừa. Mật giáo cho rằng, trong khi giáo pháp Tiểu và Đại thừa chỉ là giáo pháp phương tiện, đã được đức Phật dùng loại ngôn ngữ thông thường để giảng dạy, dễ hiểu, dễ nhận, thì giáo pháp Kim-cương thừa là loại giáo pháp “bí mật”, thù thắng nhất, sâu xa nhất, không thể phát biểu bằng ngôn ngữ thông thường, mà được nói bằng chính ngôn ngữ chân thật (chân ngôn) của Phật; vì vậy, Kim-cương thừa cũng được gọi là Mật thừa, hay Bí-mật thừa.
Mê sự (sự hoặc) - Mê lí (lí hoặc). Mê sự là chỉ cho tư hoặc, là những phiền não tham, sân, si v.v... làm cho tâm ý mê đắm theo sự tướng trần cảnh; trái lại là mê lí, tức kiến hoặc, là các thứ phiền não làm cho thấy biết sai lầm tà ngụy, không thấy được chân lí, không tỏ ngộ bốn sự thật, không có chánh kiến.
Mê tín: là tin tưởng một cách mù quáng, tin mà không cần suy xét xem có đúng với chân lí hay không; như tin vào sự an bài của định mệnh, tin vào sự ban phước giáng họa của thượng đế hay thần linh, tin vào sự sống đời đời ở hỏa ngục hay thiên đàng sau khi chết, tin chết rồi là tất cả đều hư vô, không có nhân quả nghiệp báo, không có sinh tử luân hồi, v.v...
Minh Thắng (?-?). Sự tích của pháp sư Minh Thắng không được tài liệu nào ghi lại rõ ràng, chỉ biết ngài sống và hành đạo cùng thời với đại sư Cát Tạng (549-623); và cả hai cùng là môn nhân của đại sư Pháp Lãng (507-581), một trong những ngôi sao sáng của Tam Luận tông. Đó là thời kì từ giữa thời đại Nam-Bắc-triều (420-581) sang nhà Tùy (581-618), đến đầu nhà Đường (618-907). Trong khi ngài Cát Tạng xiển dương tông Tam Luận ở Nam-địa (Nam-triều) thì ngài Minh Thắng xiển dương tông Tứ Luận ở Bắc-địa (Bắc-triều). Theo Phật Quang Đại Từ Điển (mục “Tứ Luận Tông”) thì Tứ Luận tông nguyên đã được đại sư Đàm Loan (476-531) khai sáng từ thời Bắc-Ngụy (386-534). Ngài Đàm Loan đã kế thừa Không Luận của ngài Tăng Triệu (đệ tử lớn của ngài Cưu Ma La Thập), đem Luận Đại Trí Độ thêm vào Ba Bộ Luận, hoằng dương Không nghĩa, sáng lập Tứ Luận tông.
Mõ: được đẽo bằng gỗ (mộc), có khắc hay vẽ hình con cá (ngư), là có ý cảnh tỉnh người tu hành không nên giải đãi, mà hãy chế ngự tính hôn trầm, luôn luôn tỉnh giác, tinh tấn. Con cá ngày đêm mở mắt, nói lên ý nghĩa đó. Có khi con cá lại được thay bằng con rồng, đó là ý nghĩa “cá hóa rồng” (ngư hóa long); ý nói, do tinh tấn tu tập mà hành giả từ phàm phu tiến lên làm hiền thánh.
Môn đình. Từ “môn đình” được dùng trong thiền môn với nhiều nghĩa: các nơi tòng lâm, đạo tràng của Thiền tông; tông chỉ, tông phong của Thiền tông; pháp phương tiện dùng để dẫn dắt môn đồ ở bước đầu.
Mộng Đông (1741-1810): tức đại sư Tế Tỉnh, vị tổ thứ 12 của tông Tịnh Độ. Ngài họ Mã, tự Triệt Ngộ, hiệu Mộng Đông, lại có hiệu là Nạp Đường, quê huyện Phong-nhuận, tỉnh Hà-bắc. Ngài từ nhỏ đã thông minh hiếu học, năm 22 tuổi bị bịnh nặng, nhân đó mà thấy rõ thân huyễn hóa vô thường. Sau khi khỏi bịnh, ngài đến am Tam-thánh (huyện Phòng-sơn, tỉnh Hà-bắc), lạy hòa thượng Vinh Trì xin xuất gia. Năm sau ngài thọ cụ túc giới với luật sư Hằng Thật ở chùa Tụ-vân. Kể từ năm 21 tuổi, ngài đã học kinh Viên Giác với pháp sư Long Nhất ở chùa Hương-giới, học Duy Thức với pháp sư Tuệ Ngạn ở chùa Tăng-thọ, học Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cang với pháp sư Biến Không ở chùa Tâm-hoa, nhờ đó mà thông suốt yếu chỉ của cả hai tông Tánh, Tướng. Năm 28 tuổi, ngài đến chùa Quảng-thông, tham yết thiền sư Túy Như, tỏ ngộ thiền cơ, được truyền tâm ấn, trở thành đệ tử đời 36 của tông Lâm Tế. Năm ngài 38 tuổi, thiền sư Túy Như về an dưỡng tại chùa Vạn-thọ, ngài kế nhiệm trú trì chùa Quảng-thông, hướng dẫn đồ chúng vừa tham thiền vừa tu pháp môn niệm Phật, đề xướng “Thiền Tịnh song tu”, ròng rã 14 năm, tông phong sáng rỡ, danh tiếng vang dội Bắc, Nam. Năm 52 tuổi, ngài dời về chùa Giác-sinh, lãnh đạo đồ chúng tu Tịnh Độ. Ngoài Niệm-Phật-đường, ngài còn lập Niết-bàn-đường để lo việc tống táng, An-dưỡng-đường để nuôi dưỡng người già, và Học-sĩ-đường để đào tạo chư tăng. Do công đức đó mà tiếng tăm ngài càng thạnh, tăng tục các nơi đều qui về y thác. Năm 60 tuổi, ngài lui về ở chùa Tư-phúc (trên núi Hồng-loa, huyện Hoài-nhu, tỉnh Hà-bắc – vùng phụ cận thành phố Bắc-kinh), đồ chúng ngưỡng vọng, lại kéo nhau theo về. Ngài không nỡ bỏ, lại tiếp tục giảng diễn và khuyên tu Tịnh Độ, khiến nơi này trở thành một ngôi đại tòng lâm của tông Tịnh Độ. Năm 70 tuổi, đầu năm ngài về chùa Vạn-thọ, quét tháp tổ Túy Như, khuyên tăng chúng niệm Phật, rồi từ biệt mọi người, trở về núi Hồng-loa. Đến cuối năm, ngài viên tịch. Trước tác của ngài có: Niệm Phật Di Đà, Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục.
Một lẽ chân thật (nhất thật): chỉ cho lí chân thật, tuyệt đối, tức là thật tướng chân như. “Thật” nghĩa là không điên đảo, không hư dối, là thật tướng bình đẳng không hai. Dùng lí thể chân thật để giáo hóa chúng sinh, đem chúng sinh về đạo nhất thừa, gọi là “nhất thật giáo pháp”, “nhất thừa giáo pháp”, hay “nhất thật đế”.
Một và nhiều ở trong nhau (nhất đa tương nhập): cũng tức là “một và nhiều dung chứa nhau” (nhất đa tương dung) là một trong những giáo nghĩa trọng yếu của kinh Hoa Nghiêm. Kinh này có câu: “Một thế giới nằm trong vô lượng thế giới, vô lượng thế giới nằm trong một thế giới.” Nói cách khác: một sự vật có mặt trong tất cả các sự vật, tất cả các sự vật có mặt trong một sự vật. Một cuốn sách chẳng hạn, không phải tự nó có ra, nhưng đã do tất cả những yếu tố “không phải là sách” hợp lại làm thành (như giấy, mực, máy in, nhân công; rồi những vật liệu làm ra giấy như gỗ, thợ gỗ, nhà máy, nhân công v.v...; rồi những thứ đã làm nên gỗ như hạt giống, đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí v.v...; rồi những thứ đã nuôi sống thợ in, nhân công làm giấy như cơm, thịt, rau, cá v.v...; rồi những gì liên quan đến cơm, thịt, rau, cá ..., nhiều lắm, cùng khắp vũ trụ, không thể nào kể ra hết được). Bởi vậy, giữa cuốn sách và chiếc máy in, mặt trời, người nông dân, con cá v.v... không có gì ngăn cách; trong cuốn sách có tất cả mọi thứ giấy, mực, máy in, thợ gỗ, thợ nề, con bò, hạt gạo, đám mây, không khí v.v...; và đồng thời cuốn sách cũng có mặt trong tất cả mọi thứ kia. Hành giả khi đã đạt được cái thấy này thì tâm ý tức khắc được giải thoát khỏi những ràng buộc, những hạn chế, những chướng ngại của ngã chấp và pháp chấp, chấm dứt đau khổ.
Mục Kiền Liên (Maudgalyayana): là một trong mười vị đệ tử lớn của Phật, và được mọi người tôn xưng là vị có “thần thông bậc nhất” trong tăng đoàn. Tôn giả là con của một gia đình Bà-la-môn, ở làng kế cận làng của tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả cùng với tôn giả Xá Lợi Phất vốn là bạn chí thân, cùng là bậc thông minh tài trí hơn người, lớn lên cùng học một thầy là đạo sĩ San Xà Da, rồi cùng theo Phật xuất gia làm tì kheo. Sau khi chứng quả A-la-hán, tôn giả cũng cùng tôn giả Xá Lợi Phất thường kề cận bên đức Phật để giúp Ngài trong công việc hoằng hóa. Cả hai vị đều là bậc thượng thủ trong tăng đoàn. Tôn giả Mục Kiền Liên, ngoài sở trường về thần thông, còn nổi tiếng là người có hiếu, vì đã cứu được mẹ thoát khỏi cảnh khổ Ngạ-quỉ. Công tác hoằng hóa đặc sắc của tôn giả là việc hóa độ cho thiếu phụ Liên Hoa Sắc (Utpalavarna), từ một nàng kĩ nữ lừng danh trở thành một vị tì kheo ni gương mẫu, chứng quả A-la-hán, có thần thông số một trong hàng ni chúng. Cuối đời, tôn giả đã bị ngoại đạo, vì ganh ghét, đã chận đường và dùng gạch đá gậy gộc hành hung cho đến chết. Chính đức Phật đã cho xây tháp bên cổng tu viện Trúc-lâm để thờ tôn giả. Sự việc này xảy ra chỉ vài tháng trước khi tôn giả Xá Lợi Phất viên tịch.
Mục Kiền Liên Đế Tu: tức là Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Maudgaliputra Tisya), gọi tắt là Đế Tu, vị thánh tăng Ấn-độ, tinh thông Ba Tạng, sống cùng thời đại với vua A Dục. Năm 16 tuổi ngài xuất gia, thọ giới sa di với sa môn Tư Già Bà (Siggava), khi trưởng thành, thọ giới cụ túc với sa môn Chiên Đà Bạt Xà (Candavajji); nhưng lại đắc pháp với sa môn Tư Già Bà, chuyên hộ trì tạng Luật, chứng quả A-la-hán, được vua A Dục tôn làm thầy, giúp nhà vua trong việc giáo hóa nhân dân. Năm thứ 6 sau ngày lên ngôi, vua A Dục đã khuyến khích con mình là hoàng tử Ma Thẩn Đà (Mahinda), theo ngài Đế Tu xuất gia, tham học Ba Tạng. Ba năm sau, ngài Đế Tu vào núi A-hô-hằng-hà (Ahoganga) ẩn tu, giao trách nhiệm thống lĩnh tăng già cho Ma Thẩn Đà. Lúc bấy giờ, vì được sự ngoại hộ nhiệt thành của vua A Dục, mà Phật giáo ở Ấn-độ cực kì hưng thịnh. Nhân đó, rất nhiều ngoại đạo (sách sử ghi con số có tới sáu vạn) đã lợi dụng tình hình này để mưu cầu cơm áo, cũng giả làm tăng để trà trộn vào tăng đoàn, vừa có cơm áo để sống, vừa gây ra nhiều mối phân tranh để phá hòa hợp tăng, phá hoại chánh pháp, đến nỗi, tăng chúng trong chùa A-dục-vương ở ngay kinh thành Ba-liên-phất, trong 7 năm liền đã không hề cử hành lễ bố-tát.
Vua A Dục thấy tình thế như vậy, rất lo sợ cho tiền đồ Phật pháp, liền quyết tâm muốn xác định lại kinh giáo của đức Phật, bèn sai sứ giả vào núi cung thỉnh ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu làm thượng tọa, trục xuất ma tăng, tịnh hóa tăng đoàn, triệu tập hàng vạn tì kheo để thuyết giới bố-tát. Rồi từ trong đại chúng ấy, 1.000 vị tì kheo thượng trí, thông suốt Ba Tạng, được tuyển chọn để cử hành đại hội kết tập thánh điển, trong 9 tháng thì hoàn thành. Đó là vào năm thứ 17 của vua A Dục trị vì; và Phật giáo Nam truyền gọi đây là kì kết tập kinh điển lần thứ ba. Sau kì kết tập này, ngài Đế Tu đã cho ra đời cuốn Luận Sự (Kathavatthu), nội dung thuyết minh những nghị luận giữa ngoại đạo và Phật giáo. Ngài viên tịch khi pháp lạp được 80. Phật giáo Nam truyền tôn ngài là tổ thứ năm truyền thừa Luật Tạng (kể từ sơ tổ Ưu Ba Li).
Mượn cảnh tu tâm: tức là nương vào các hình thức lễ sám, tụng kinh, niệm Phật v.v... mà sửa đổi tính tình, làm cho tâm ý thuần thục, mở mang trí tuệ, thấy được chân lí. (Xem mục “Sự và Lí”.)