GIÁO DỤC PHẬT GIÁO QUA THANH TỊNH ĐẠO LUẬN

08 Tháng Chín 201611:40 CH(Xem: 6323)
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO QUA THANH TỊNH ĐẠO LUẬN

 

GIÁO DỤC PHẬT GIÁO QUA THANH TỊNH 
ĐẠO LUẬN

Thích Nữ Thuần Chánh

 

PHẦN DẪN NHẬP

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

“Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh

Đón mừng Bồ tát xuống trần gian”.

Thật là diễm phúc thay! Hạnh phúc thay! Một niềm sung sướng mà nhân loại cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ đã được đón nhận một bậc vĩ nhân giáng sanh vì đại nguyện: “Ta ra đời vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người”.

Thật đúng như vậy, trong suốt bốn mươi chín năm Ngài đã đi khắp mọi miền để tùy duyên khai ngộ. Ngài đã sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, quyền uy, thọ hưởng đầy đủ năm thứ dục lạc ở thế gian, nhưng Ngài đã sớm nhận ra sự nguy hại của chúng và tìm cách thoát ly. Chính sự ra đời của Ngài đã vạch ra cho nhân loại một con đường để tự thanh lọc thân tâm và hướng dẫn con người đi sâu vào lãnh vực giáo dục tâm linh, nhằm chuyển hóa nhân loại có một đời sống và lý tưởng cao đẹp.

Với một tinh thần cởi mở, bao dung và truyền cảm hết sức mầu nhiệm đượm sắc thái hiếu hòa và giải thoát, nên trên bước đường hoằng pháp độ sanh Ngài không bao giờ có một sự phân biệt nào về chủng tộc, vì Ngài cho rằng: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Vì lẽ đó nên từ nam nữ, già trẻ, cho đến những tầng lớp khác nhau trong xã hội kẻ bần cùng, khốn khổ, người phú quý, hạ tiện, học thức hay bình dân v.v … Ngài đều chỉ dạy tất cả về con đường an lạc và giải thoát.

Cuộc sống hôm nay, với bao vấn đề bức bách và cấp thiết trong xã hội, chúng ta phải đối diện với bao thăng trầm của cuộc đời, khoa học ngày càng phát triển, đời sống vật chất càng thăng hoa khiến cho đạo đức con người ngày càng suy giảm, thiên tai, chiến tranh, tệ nạn xã hội xảy ra liên miên tất cả đều do sự sinh hoạt của con người hàng ngày lấy tham dục làm gốc. Vậy hơn bao giờ hết, tiếng nói của Giáo dục qua Thanh Tịnh Đạo Luận là nền tảng để đưa con người trở về với Chân – Thiện – Mỹ. Đó cũng chính là lý do mà người viết muốn thực hiện đề tài này.

2. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU:

Từ nay cõi Thánh bước lần

Bồ đề thêm lớn muôn phần cao xa

Được vào trong pháp vương gia

Đủ duyên đủ phước nghe qua pháp màu.

Đó chính là mục đích cho những ai muốn đạt được hạnh phúc miễn viễn. Với đề tài này người viết chỉ muốn đem sự hiểu biết thiển cận của mình để nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi thêm. Đó chính là tâm niệm muốn tìm hiểu trong bốn năm qua. Bởi lẽ Thanh Tịnh đạo là một luận thư được đúc kết bởi những tinh hoa, yếu chỉ của Phật giáo Nam truyền, bộ luận được chia làm 23 chương, trong đó mỗi chương đều có những ý nghĩa rất đặc thù và những phương pháp tu tập riêng biệt, nhưng tất cả đều không ngoài Tam vô lậu học. Chính Ngài Buddhaghosa đã dùng phương tiện để dẫn dắt chúng ta đi từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng, nhằm thích ứng căn cơ cho mọi hành giả. Đây chính là phương pháp giáo dục căn bản nhất của Phật giáo. Pháp môn này đã được rút tỉa và đúc kết lại mà không một tôn giáo nào có được. Với ý nghĩa thiết thực và bổ ích như vậy, nhưng do số trang có hạn, cũng như sự hiểu biết của người viết còn nông cạn, nên người viết chỉ có thể trình bày trong phạm vi Tam vô lậu học, nhằm đưa ra một đường hướng giáo dục mới, nhắm thẳng vào tâm lý con người. Bởi lẽ sự giáo dục của Phật giáo chính là đào tạo và giáo dục những con người hoàn thiện đúng mức dựa trên tinh thần căn bản nhất. Đó chính là Tam vô lậu học.

3. PHƯƠNG PHÁP LUẬN:

Trong thời đại ngày nay, xã hội và con người đang hướng đến đỉnh cao của khoa học, văn minh vật chất đẩy con người vào vòng ham muốn của thác loạn vật chất và tìm kiếm miên viễn, đạo đức con người ngày càng xuống cấp trầm trọng, đứng trước một tình trạng thảm họa như vậy, người tu sĩ chúng ta phải đứng vững vàng trong tư thế Giới – Định – Tuệ. Đó chính là hành trang để chúng ta bước vào đời, ngõ hầu thiết lập một nền giáo dục mới cho con người và xã hội hiện tại. Với đề tài rộng lớn này, người viết chỉ muốn trình bày trong phạm vi: “Vài nét về Giáo dục Phật giáo qua Thanh Tịnh Đạo Luận” ở một số điểm chính:

1. Giới thiệu về Thanh Tịnh Đạo Luận.

2. Khái quát về giáo dục.

3. Giới, Định, Tuệ là nền tảng.

4. Giáo dục chuyển hóa tâm linh.

Mong rằng tập văn nhỏ bé này, sẽ phác họa được phần nào về mảng đề tài rộng lớn này.

 

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1: Ý NGHĨA CỦA THANH TỊNH ĐẠO

Có thể nói rằng Thanh Tịnh Đạo là một bộ sách kết tập những tinh hoa trí tuệ từ kinh tạng Nikàya do Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) người Ấn Độ mở rộng thành văn học Pàli vào giữa TK thứ V (TL). Bản luận này được trình bày theo thứ tự Giới, Định, Tuệ. Nói gọn hơn là con đường Thiền định với ba mươi bảy phẩm trợ đạo làm tiêu biểu, một điều đáng lưu tâm là bất cứ một phương thức tu tập nào cũng chứa đựng một nội dung Thiền định. Thế nên Thanh Tịnh Đạo là một tác phẩm kinh điển vĩ đại nhất cho những ai đang trên đường hướng đến tâm linh. Trước hết, Thanh Tịnh được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng tựu trung có mấy nghĩa chính như sau: Thứ nhất Thanh Tịnh Đạo được hiểu là Niết bàn; là sự vắng lặng hoàn toàn không còn cấu uế và phiền não, là sự tách rời dứt bỏ ra khỏi ái dục và sự thèm khát ái dục. Đạo là con đường đưa đến sự thanh tịnh giải thoát nên gọi là Thanh Tịnh Đạo (The Path of Purification). Kinh Pháp Cú miêu tả:

“Tất cả hành vô thường

Với tuệ quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh”. [4 – 227]

Nghĩa tiếp theo của Thanh Tịnh Đạo được hiểu như Tứ niệm xứ. Trong kinh Tương ưng V, Đức Thế Tôn dạy: “… Đây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh giúp vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý Niết bàn tức là Tứ niệm xứ”. [3 – 56]

Nói một cách đầy đủ và thiết thực hơn thì con đường dẫn đến sự thanh tịnh không gì khác hơn là ba môn học vô lậu: Giới, Định và Tuệ. Sự tu tập tăng thượng giới được nêu bằng Giới, sự tu tập tăng thượng tâm được nêu bằng Định giai đoạn cuối cùng chính là tu tập tăng thượng Tuệ bằng Tuệ.

Tóm lại, con đường thanh tịnh chính là ba pháp học không phiền não, thanh tịnh, dứt các mối ô trược, nhiễm trước. Nên trong kinh Tăng chi bộ Đức Phật dạy về vô lậu như sau: “… Này các Tỳ kheo! Thế nào gọi là vô lậu?” và Đức Phật dạy: “vô lậu là chánh kiến, ngược lại là tà kiến, tà đạo, tà ngữ”. Như vậy trên Giới Định Tuệ là ba pháp căn bản của Phật Giáo muốn chứng quả vô lậu phải tu vô lậu pháp. Chính bài kệ trong kinh Pháp Cú đã tóm tắt những ý kiến trên:

“Không làm các điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Giữ tâm ý trong sạch

Chính lời chư Phật dạy.” [4 – 183]

1.1.  Ý NGHĨA VỀ GIỚI:

“Người trú giới có trí

Tu tập tâm và tuệ

Nhiệt tâm và thận trọng

Tỳ kheo ấy thoát triền.” [2 – 13]

Như trên, Giới (Sìla) là sự khởi đầu tốt đẹp. Giới là khởi điểm của những thiện pháp đem lại những đức đặc biệt là bất hối v.v… Giới cũng chính là bước đi nền tảng. Nếu nền tảng tốt đẹp thì sự xây dựng được kiên cố, nếu nền móng yếu ớt thì sẽ có nguy cơ sụp đổ. Cũng giống như đất là nền tảng nếu không có nó thì các loài động vật không thể di chuyển. Giới cũng như mảnh đất lành, các hạt giống nhờ đó sinh ra, cũng như không có giới thì ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng không được tu tập viên mãn. Hướng đi của Giới là đem lại lợi ích và an lạc cho mình và cho người, nên giới này giúp đỡ người tu tập thấy nhẹ nhàng thân tâm, an lạc trong từng bước đi. Do vậy, giới không có ý nghĩa là tù túng hay ràng buộc ai cả, mà mỗi hành giả tự nguyện đi trên đường giải thoát của mình thì giữ giới là điều tối quan trọng như người qua sông phải cần chiếc bè, nếu chiếc bè bị hư hỏng thì nguời qua sông phải bị chìm đắm trong dòng nước sanh tử. Giới có tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực như vậy, nên trước khi nhập Niết bàn Đức Thế Tôn đã huấn thị: “Này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các ngươi phải tôn trọng trân quý Ba-la-đề-mộc-xoa (giới) như người đi trong đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu, dẫu ta có trụ ở đời cũng không có pháp gì khác”.  Nên biết giáo lý của Đức Phật không phải đem ra mà bàn tán hoặc lý luận suông mà phải tự thân hành giả hành trì, nỗ lực hằng sống với những chân lý ấy. Đức Phật chỉ là người chỉ đường còn đi hay không là tự chính mình, như người uống nước nóng lạnh tự biết, sự tu tập cũng vậy, không ai tu tập thay cho mình, cũng không ai hộ trì cho mình được. Thế nên, gặp được giới là như người qua biển gặp chiếc phao nổi vững chắc, phải tự mình cố bám vào và ý thức rằng mình đang đi trên con đường tiến đến giải thoát để tự mình chọn trách nhiệm về nhận thức và hành động của chính mình.

 

“Tự mình điều ác làm

Tự mình làm nhiễm ô

Tự mình ác không làm

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai.” [4 – 163]

 

1.2.  Ý NGHĨA VỀ ĐỊNH:

Từ những ý thức trách nhiệm đưa ra những kỷ luật tâm linh cần thiết gọi là Định. Định nguyên ngữ là Samādhi dịch âm là Tam ma địa là sự tập trung chú tâm có lợi ích. Theo Ngài Buddhaghosa có nói rõ về sự tập trung ấy như sau: “Tập trung là sự xoay quanh tâm và tâm sở một cách đều đặn chính đáng vào một đối tượng duy nhất và ở trong một trạng thái quân bình, không phân tán hay xao lãng”[10 – 129]. Như thế Định là bản thể vắng lặng nhất như, như thị của thực tại. Đối với một cá nhân thì Định là trạng thái thanh tịnh, không dao động, chuyên sâu. Định còn được dịch là chánh niệm, là sự thành tựu các hạnh lành ở chặng giữa đem lại các đức tính đặc biệt như thần thông v.v…  Như thế, tâm có định mới có sự an bình, sáng suốt không bị kéo theo những xu hướng xấu, có định mới thấy rõ thực tướng của vạn pháp, thông được thực tại. Trong kinh Satipatthàna, Đức Phật tán thán về định như sau: “Này các Tỳ kheo! Đây là con đường độc nhất đưa chúng sanh đến thanh tịnh, thắng được mọi phiền muộn bi thương, diệt trừ khổ đau sầu não đạt đến chánh đạo, chứng đắc Niết bàn”. Quá trình tu tập theo giáo lý của Phật giáo thì  Định được xem là nấc thang thứ hai sau giới. Vì nhờ có sự tuân thủ theo các giới điều Phật chế mà hành giả có được sự tập trung gọi là Định. Giới được ví như một bức tường thành kiên cố ngăn chặn các pháp bất thiện, nhất là sự buông xả, tán loạn của tâm. Muốn thành tựu định phải có ý chí mạnh mẽ, nỗ lực tối đa để điều phục tâm điên đảo vào một khuôn khổ nhất định. Ý chí ấy là tuân thủ giới, nhờ sự hỗ trợ của giới mà Định sanh. Trong khi trì giới nếu dùng các pháp quán như: quán thân thể, quán cảm thọ, biến xứ đất v.v… để nhận thấy rõ thật tướng của vạn pháp thì tâm không còn tham đắm, chấp trước. Khi tâm ly tham xuất hiện như một cảm giác khoái lạc, hoan hỷ thì mọi gánh nặng của tham ái, phiền muộn được đặt xuống. Đó chính là ý nghĩa Định.

1.3. Ý NGHĨA VỀ TUỆ:

Chặng đường cuối cùng và giáo lý tốt đẹp được nêu bằng Tuệ (Panõnõa) vì tuệ có khả năng đem lại đức tính bình thản đối với những điều vừa ý và không vừa ý. Trong kinh có dạy:

“Như núi đá kiên cố

Không bị gió lay động

Hủy báng hoặc tán dương

Không lay động bậc trí.”[4 – 81]

Thật vậy, khi vạn pháp đã hoàn toàn lộ rõ dưới cái “thấy” hay “tư duy” như thật thì không còn gì vướng bận về mặt tâm lý của người tu tập. Ý thức hay quan niệm về “ngã” cũng không còn và hòa nhập vào tánh giác đại đồng tức là trí huệ chân thật phát sanh. Đó chính là Tuệ. Một khi đã nhận chân được rõ ràng nghiệp chướng của mình tạo thì tự thân sẽ quay về với sự chân chánh. Cho nên, Tuệ đóng vai trò tiên quyết định hướng phá vỡ mọi chấp chặt sai lầm, để thắp sáng hiện hữu tạo nên định lực phá vỡ bức tường vô minh đưa đến tuệ giác. Qua những ý nghĩa trên ta thấy có trình tự thứ lớp nhưng trong giới luôn có Định và Tuệ, trong Tuệ luôn có Giới và Định. Trong kinh Sodadanda, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Ở đâu có giới hạnh ở đó có trí tuệ. Ở đâu có trí tuệ ở đó có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem tối thắng nhất ở trên đời”.

Như vậy, con đường thanh tịnh được thể hiện qua Tam vô lậu học là trụ thế ba chân luôn hỗ tương cho nhau và không thể tách rời nhau được. Đi trên đường Tam vô lậu học là đi đến con đường thánh đạo tám ngành, vì tất cả đều có khả năng gột rửa mọi cặn bã, cấu uế, phiền não của nội tâm và làm tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý.

Như trên, vì mục đích đoạn tận khổ đau, đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và người, là đệ tử Phật luôn luôn thực hành đúng theo tinh thần của Giới Định Tuệ, ngõ hầu mở ra một hướng đi mới cho xã hội hiện tại và bước đường mà mỗi người xuất gia phải kinh qua để tiến đến giải thoát.

“… Ở đây chỉ có giới

Là pháp Phật tối thượng

Nếu vị nào có Tuệ

Vị ấy là tối thượng

Người có giới và Tuệ

Chiến thắng giới nhân thiên”.

  

Chương 2: KHÁI QUÁT VỀ GIÁO DỤC

Chúng ta có thể khẳng định giáo dục là vấn đề muôn thuở mà trong mỗi chúng ta không ai lại không được tiếp nhận. Từ thuở thiếu thời cho đến lúc trưởng thành… chúng ta được tiếp nhận nhiều cách thức và hoàn cảnh giáo dục khác nhau tùy thuộc vào mỗi thời đại. Và con người có hoàn thiện được nhân cách hay không phần nhiều đều do giáo dục mà nên. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển thì giáo dục cũng chuyển biến theo hoàn cảnh của xã hội ấy. Cho nên, có những nền giáo dục với nhiều hình thức lẫn nội dung đều khác nhau, nhằm đáp ứng những mục tiêu chung cho con người trong cuộc sống ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

Như chúng ta đã biết, lịch sử của Phật giáo là sự truyền bá và giáo dục trong suốt bốn mươi chín năm mà đức Thế Tôn đã dày công hoằng hóa. Sự hình thành đó được phát triển theo tinh thần giáo hóa của Ngài đối với hàng đệ tử. Sự truyền dạy của Ngài luôn nhắm thẳng vào đối tượng. Ngài không những dạy con người biết cách sống đẹp, cách làm người mà (sự truyền dạy đó) còn tùy theo từng trường hợp, căn cơ và trình độ khác nhau của mỗi người, nhằm mục đích là xoa dịu nỗi đau và hướng dẫn con người tu tập hướng đến giác ngộ. Có thể nói rằng Đức Phật là một nhà tâm lý, một mẫu người giáo dục lý tưởng nhất. Nhờ những phương pháp giáo dục tuyệt vời của Ngài mà con người thoát được khổ đau do tham, sân, si chi phối. Một nền giáo dục hữu ích như vậy, chúng ta phải hiểu rõ rằng: Sự giáo dục của Phật giáo không gì hơn là giúp con người giải thoát đạt được niềm an vui trong đời sống bình nhật. Do những ý nghĩa thiết thực như trên mà Phật giáo đã ảnh hưởng trên toàn thế giới, từ chúng xuất gia cho đến Phật tử tại gia, các nhà trí thức, các nhà khoa học v.v… đều học hỏi nghiên cứu và thực hành trong giáo pháp của đấng Từ phụ.

Nhìn chung, giáo dục Phật giáo không gì hơn là phát triển và cải thiện đời sống. Với tinh thần từ bi – vô ngã chỉ mong sao với hành trang Giới – Định – Tuệ này giúp hành giả trong cuộc sống hiện tại được an lạc và đạt mục đích tối thượng trong tương lai.

2.1. ĐỊNH NGHĨA:

Có lẽ trong chúng ta ai cũng biết, khi nói về giáo dục là nói đến việc dạy dỗ, truyền trao những kinh nghiệm, kiến thức v.v… mà người thầy truyền lại cho học trò.

Nhưng khi định nghĩa về giáo dục thì có nhiều cách khác nhau.

Giáo dục theo viện ngôn ngữ Việt Nam định nghĩa: “Giáo dục là những hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra”.

Trong quyển “Muốn làm nên” ông Phạm Cao Tùng đã định nghĩa giáo dục một cách ngắn gọn nhưng thiết thực hơn: “Sự giáo dục là một nghệ thuật làm nên một người”.

Hòa thượng Hiệu trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đường hướng giáo dục của Đức Phật chính là sự hoàn thiện hay giải thoát của con người trên cơ sở đánh thức, nuôi dưỡng và phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức của mỗi cá nhân. Do đó một môi trường tu học đáp ứng được mục tiêu trên cần phải có đủ Giới – Định – Tuệ và các điều kiện hỗ trợ cho việc phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức. Đạo Phật chú ý kiến tạo các môi trường giáo dục, khuyến khích sự phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức của cá nhân”.[19 – 261]

Do vậy, khó có một khuôn mẫu để nói về giáo dục một cách chung nhất, vì qua mỗi thế hệ, thời đại đổi thay. Nên chúng ta chỉ có thể nói giáo dục giúp phát triển về tinh thần đạo đức con người có liên hệ đến cá nhân và tập thể, thái độ và nhân cách của mỗi người.

Từ những ý nghĩa trên, giáo dục Phật giáo không chỉ day cho con người hoàn thiện nhân cách mà còn đánh thức con người đưa đến chuyển hóa tình trạng đau khổ, giúp con người nhận diện được đâu là chân hạnh phúc và thấu triệt được khổ đau. Nói cách khác, con người phải được giáo dục như thế nào để trở thành tự mình làm chủ, chứ không bị xoay chuyển bởi các đối tượng xung quanh.

2.2. MỤC ĐÍCH

Giáo dục dù được nhìn ở góc độ nào cũng có phần quan trọng. Trong cuộc sống, mục đích của giáo dục cũng chính là một điểm của mọi hoạt động con người. Những hoạt động ấy mang tính lâu dài và góp phần không nhỏ vào việc phát triển thể chất, tinh thần. Mục đích được hiểu theo Aristotle – một học giả phương tây – là “Mục đích giáo dục là đạt được hạnh phúc và hạnh phúc hoàn toàn”. Còn theo Platon định nghĩa; “Mục đích giáo dục là đem lại cho thể xác và linh hồn sự toàn hảo”. Nhưng theo Socrates – một học giả kiến thức uyên thâm của Hy Lạp – thì “mục đích giáo dục là làm cho tiêu tan sự lầm lẫn và khám phá chân lý”. Những định nghĩa trên ít nhiều cũng nói lên được những mục đích mà con người trong cuộc sống muốn đạt đến, tùy theo từng chí hướng và lý tưởng của mỗi người.  Nhưng theo Phật giáo mục đích được hiểu một cách thiết thực hơn, đó là sự giáo dục đào tạo con người có đầy đủ trí tuệ, nhận diện được khổ đau, đạt được hạnh phúc chân thật. Đó cũng chính là mục đích mà tự thân Đức Phật đã đạt đến bằng những sự thực nghiệm tâm linh và quá trình tu tập của mình. Ngài như một vị lương y tùy bệnh mà cho thuốc. Nên khi sắp vào Niết bàn, Ngài đã từ bi huấn thị:

“Ta, ví như lương y

Biết bệnh chỉ thuốc hay

Nếu uống hay không uống

Lỗi không phải nơi Thầy

Giống như người chỉ đường

Hướng dẫn con đường thẳng

Đi theo hay không đi

Lỗi không nơi người dẫn”.

Như vậy, mục đích của giáo dục Phật giáo là người học Phật phải tự mình hiểu rõ giáo lý của mình và chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, tự mình tu tập. Vì giáo lý của Phật nếu muốn đạt mục đích thì phải tự mình thực nghiệm chứ không phải đem ra mà lý luận suông, Đức Phật đã là người chỉ đường, thì tự mình phải cảm nhận được những thực tế khách quan trong cuộc sống, phải biết vận dụng khế lý, khế cơ để đạt đến một giá trị tuyệt đối và mục đích cuối cùng đó là “chân hạnh phúc”.

 2.3. MỤC TIÊU

Trong cuộc sống, con người luôn có một mục tiêu để mà hướng đến những thành tựu, những lý tưởng cao đẹp. Vì chỉ có lý tưởng mới bẻ lái cho thuyền đời và trổ hoa cho cuộc sống. Xưa nay, quan niệm Đông Tây đều có những mục tiêu đào tạo khác nhau, nhưng vẫn có những điểm chung là đào tạo ra mẫu người lãnh đạo về trí tuệ, chính trị, đạo đức, v.v… Ở Trung Quốc thời xưa chính là hướng đến mục tiêu đào tạo các bậc thánh có trí tuệ, đạo đức cao vời. Theo Platon, ông quan niệm đào tạo đến ba phương diện: trí tuệ, đạo đức và xã hội. Riêng Socrates thì chỉ chú trọng đến con người đạo đức.

Ngày nay, xã hội và khoa học phát triển cuộc sống được nâng cao thì mục tiêu đào tạo của giáo dục là đào tạo ra những con người chuyên môn hóa theo từng ngành nghề, có khả năng làm cho xã hội phát triển phù hợp với xã hội hiện đại là điều thiết yếu. Tuy nhiên, vật chất càng nhiều nhưng tinh thần đạo đức con người càng suy giảm. Nên mục tiêu chính của Phật giáo là giúp mỗi cá nhân tự nhận diện khổ đau, nguyên nhân đưa đến sự đau khổ và con đường diệt khổ, tự thân hành giả phải từ bỏ tham, sân, si, loại trừ năm triền cái, thành tựu năm thiền chi, dần dần đạt đến các tầng thiền và tiến đến giải thoát giác ngộ thể nhập pháp thân. Vậy nên, sự giáo dục của Phật giáo không những đề cập đến mục tiêu giải thoát của từng cá nhân mà còn đề cập đến con người xã hội. Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã nói: “Một đường hướng giáo dục tốt luôn nhắm đến hai mục tiêu chính là đào tạo con người xã hội và con người chính nó, con người xã hội đáp ứng với những yêu cầu cho xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa. Con người chính nó là con người toàn diện phát triển tâm lý, sinh lý, ý chí, tình cảm và trí tuệ đang trôi chảy. Nếu như một hệ thống giáo dục mà thiếu một trong hai mục tiêu ấy thì nền giáo dục không được hoàn chỉnh”.[13 – 60]

2.3.1Cá nhân:

Đức Phật dạy: “Con người sinh ra đều có sự khác nhau về vật lý, tâm lý, các khả năng về trí tuệ và giai cấp  trong xã hội, nên con người phải chịu trách nhiệm về nhận thức và hành động của chính bản thân mình, không phải lệ thuộc hay phó thác đời mình cho một đấng quyền năng nào cả. Ngài dạy: “Ngươi phải làm công việc của ngươi vì Như Lai chỉ dạy con đường”. Thật vậy, Ngài không thể biến hóa cho một kẻ tội lỗi thành một người trong sạch khi chính bản thân người ấy luôn chìm đắm trong khát vọng, đam mê, suy nghĩ và hành động lỗi lầm. Chỉ vì lòng từ bi mà Ngài đã dạy cho họ những con đường giáo dục khác nhau trên cơ sở tinh thần giáo dục cá nhân nhằm thích hợp với từng căn cơ của mỗi người. Và chính bản thân người đó phải tự mình nỗ lực. Bởi vì trong đạo Phật tinh thần tự giác rất quan trọng, vì chỉ có khả năng tự giác thì người ấy mới có thể dễ dàng thành tựu được nhân cách của chính mình. Bằng những ví dụ cụ thể Đức Phật đã minh định rất rõ ràng:

“Dầu tại bãi chiến trường

Thắng vạn ngàn quân địch

Tự thắng mình tốt hơn

Thật chiến thắng tối thượng” [4 – 103]

Vì thế, theo đạo Phật, giá trị tinh thần của một cá nhân phải thực hiện tốt để hoàn thiện được giới đức, tâm đức và tuệ đức. Bên cạnh đó, Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện, ngôn ngữ để giáo hóa chúng sanh. Đối với người bình dân ít học, Ngài sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, cử chỉ, ví dụ cụ thể gần gũi với người nghe như:

Ai sống ở đời này

Ái dục được hàng phục

Sầu rơi khỏi nơi ấy

Như nước rơi lá sen. [4 – 336]

Đối với các tu sĩ hoặc giới trí thức, học giả, Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, mắt của ngươi là biển cả. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý của ngươi là biển cả. Lực kích thích của nó là làm bằng các sắc. Ai điều phục được các xung lực bằng các sắc ấy. Này các Tỳ kheo, người ấy được gọi là người đã vượt qua biển cả của mắt, với các sóng và nước xoáy, Bà la môn ấy đã đến bờ bên kia và đứng trên đất liền”.

Như thế, các lời dạy trên, ứng với tinh thần tu tập của Phật giáo, luôn luôn nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm cá nhân. Nhờ có tinh thần trách nhiệm cá nhân thì luật nhân quả mới được hình thành. Nếu không có tinh thần trách nhiệm cá nhân thì luật pháp của xã hội sẽ không được thi hành và nước nhà sẽ rơi vào đại loạn. Như trên, tinh thần trách nhiệm cá nhân cũng chính là một trong những nhân tố chính yếu để thành lập các hệ thống giáo dục. Đó chính là một trong những tinh thần căn bản nhất của giáo dục Phật giáo và xã hội.

Và mỗi người hãy tự nỗ lực bản thân, tự học, tự hành, tự chịu trách nhiệm, phải tự mình tỉnh giác thực hiện theo Tam học thì sẽ được những kết quả tốt đẹp.

2.3.2.    Xã hội:

Vạn vật trong cuộc sống luôn trôi chảy với mối tương quan tương duyên vô cùng vô tận. Con người cũng không ngoài quy luật đó. Nghĩa là con người luôn có liên hệ đến môi trường xung quanh. Xã hội chính là do những tế bào cá nhân xây dựng nên, sẽ không có xã hội nếu không có sự độc lập, tự do của cá thể. Như vậy, cá nhân là của tập thể và tập thể là của cá nhân, cả hai cùng nương nhau mà tồn tại. Do vậy, không thể xem nhẹ cá nhân hay tập thể. Trang Tử bàn: “Mỗi vật đều có cái tính phận riêng, nên mỗi vật đều có cái tận thiện của nó. Cái tận thiện của hạt ngọc trai khác với cái tận thiện của đóa hoa hồng… không ai có quyền nêu một cái tận thiện lý tưởng nào để làm mẫu mực cho người khác phải theo”. Như trên, để giáo dục con người cá nhân thành con người xã hội là một vấn đề nan giải. Vì xã hội thì muôn màu, muôn vẻ, và mỗi người sinh ra đều mang những biệt nghiệp khác nhau nên hành động cũng luôn sai khác. Nếu cá nhân đó hành động theo chiều hướng thiện thì xã hội sẽ tốt đẹp và ngược lại thì chính là mối hiểm họa và tai ương cho nhân loại. Nên Đức Phật là một nhà tâm lý, Ngài hiểu rõ muốn thành lập một xã hội có được nền trật tự và đạo đức phải bắt đầu từng cá nhân. Ngài luôn tạo cho cá nhân có một niềm tin sâu sắc, một sự thông cảm sâu xa và hiểu biết đúng đắn. Theo Ngài, một xã hội có tốt đẹp hay không là tự thân của mỗi người  phải có sự hiểu biết và hành động đúng đắn. Nói khác hơn, đó chính là chánh kiến, chánh ngữ … chánh định. Bởi vì một xã hội toàn diện chỉ được xây dựng khi con người thoát khỏi tham, sân, si và thành tựu được tinh thần vô ngã vị tha mà thôi.

2.4. ĐỐI TƯỢNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO:

Xưa nay, đối tượng của giáo dục chính là con người nhưng khi định nghĩa về con người thì không có một định nghĩa nào hoàn chỉnh. Theo quan niệm của các học giả phương Tây thì cho rằng: “Con người là một sản phẩm đặc biệt cao cấp của Thượng đế và là một sinh vật có lý trí”. Mác nói: “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Theo Phật giáo con người là do năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp lại mà thành, nó được hình thành trên tinh thần vô ngã. Theo lý thuyết về nhân tính qua kinh tạng Pàli, Thượng tọa Thích Chơn Thiện viết: “Con người là thế! Do các duyên thuộc thế giới vật lý và tâm lý mà sanh. Mỗi người có liên hệ mật thiết với tha nhân, xã hội và thiên nhiên mà không bao giờ tự nó có thể hiện hữu”. Như vậy, mỗi con người có những nhân tính riêng nên hình thành những nhân cách riêng biệt mà có thể trau dồi chuyển hóa đến chân – thiện – mỹ.

Như trên, đối tượng của giáo dục Phật giáo chính là con người vì con người là trên hết, con người có thể thực hiện mọi việc tốt lành. Cho nên, hễ những ai chưa thoát khỏi xiềng xích của tham ái trói buộc và vô minh dục vọng làm điên đảo thì những nguời ấy chính là đối tượng cần được tiếp nhận ánh sáng của đấng Từ Phụ, ngõ hầu giúp họ vẹn toàn được giới đức, tâm đức và tuệ đức. Đây chính là mục tiêu mà giáo dục Phật giáo hướng đến giúp con người tự thân và con người xã hội tiếp xúc gần hơn với ánh sáng giác ngộ.

 Chương 3: ĐƯỜNG LỐI GIÁO DỤC CỦA PHẬT GIÁO

 

Có lẽ nỗi băn khoăn lớn nhất xưa nay của các nhà giáo dục là tìm ra một đường hướng giáo dục, dạy cho con người những gì và phương pháp dạy đó như thế nào, để đem lại một kết quả tốt đẹp. Các nhà giáo dục luôn nghĩ đến việc đào tạo một con người có một trình độ nhất định để phù hợp với nếp sống văn hóa, văn minh đang phát triển, nhằm mục đích xây dựng cho con người có một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Thế nhưng nền văn minh vật chất ấy phát triển đến đâu thì lại làm băng hoại đời sống và tư tưởng của con người đến đó. Thánh Gandhi đã nói: “Tri thức của con người tiến đến đâu thì sự ngu dốt cũng tiến theo đến đó”. Vậy nên, Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại, Ngài nhận thấy thân này, của cải, vật chất .v.v… đều do nhân duyên tác hợp mà thành nên Ngài đã vạch ra cho nhân loại một đường hướng tốt đẹp, phù hợp với lẽ sống mà suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua đến bây giờ vẫn luôn sống động. Con đường ấy chủ yếu là nhắm vào mặt tâm linh, nhằm giải thoát những chướng ngại trong cuộc sống thường nhật. Đường hướng ấy không phải áp đặt những tri thức từ bên ngoài mà khơi dậy cái tri thức vốn có ở bên trong. Con đường ấy, xuyên suốt mọi đối tượng, được xây dựng trên nền móng căn bản nhất đó là Thiền và Luật. Đây chính là một phong cách sống đạo vị và an lạc cho mọi người mà không một nền giáo dục nào có được.

3.1. GIỚI ĐỊNH TUỆ LÀ NỀN TẢNG

Từ định nghĩa trên chúng ta có thể nhấn mạnh rằng: Giới là nền tảng của người con Phật. Đó chính là nền tảng của sự phát triển tinh thần. Nếp sống thực hành giới là nếp sống đạo đức. Chính giới đã giúp chúng ta chế ngự được ba nghiệp. Do vậy, nếu hành giả quyết tâm thực hành tham thiền thì dẫn đến sự an lạc, ổn định tâm lý, sáng suốt tâm hồn thì cuộc sống sẽ vững vàng an trú trong hiện tại. Nhờ vậy mà định phát sanh, nếu hành giả thực hành định chơn chánh thì tâm sẽ được hoàn toàn an trụ, vượt qua các chướng ngại không còn bị lục trần làm xao động, người thực hành thiền định sẽ có tác dụng tăng trưởng được ký ức, ổn định tâm lý, phục hồi năng lượng, đem đến sự thoải mái cho tâm hồn, giúp cá nhân khai mở nguồn sáng tạo tâm lý, tiếp xúc được với hạnh phúc của nội tâm đưa đến sự thành tựu thiền quán, đoạn trừ các lậu hoặc. Nền tảng thứ ba được thành lập chính là Tuệ. Tuệ giúp hành giả thành tựu chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ v.v … Sự thành tựu này là nhân tố quyết định trong việc xây dựng văn hóa Giáo dục của nhân bản và trí tuệ dẫn đến giải thoát tri kiến thể nhập sự thật như như của vạn hữu pháp giới. Vậy nên, nền tảng của giáo dục Phật giáo không gì hơn là Giới – Định – Tuệ, điều này được thể hiện rất nhiều trong các kinh điển. Trong bài diễn văn khai mạc, Hòa thượng Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam có nói: “Có thể nói rằng toàn bộ giáo lý của Đức Phật là một hệ thống khai triển nội dung Giới – Định – Tuệ”. Và cũng trong một bài tham luận khác Hòa thượng cũng có bài viết với nhan đề “Giới, Định, Tuệ là con đường chấm dứt khổ đau, sanh tử luân hồi”. Trong đó, Hòa thượng đã nhấn mạnh: “Tam vô lậu học là một chương trình giáo dục, một hệ thống tu học cho hàng xuất gia đã được Đức Phật truyền dạy trong nhiều kinh điển”. Do vậy, người thực hành đầy đủ ba môn học này sẽ chế ngự được ba nghiệp (thân, miệng, ý) dẫn đến sự an lạc, ổn định tâm lý, sáng suốt cho tâm hồn. Cố Hòa thượng Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni cũng đã nhấn mạnh về điều này: “Để thực hiện giải thoát phải tu tập nội dung giáo lý của Giới, Định, Tuệ”.

Như vậy, nền giáo dục của Phật giáo luôn dựa vào giáo lý căn bản Giới, Định, Tuệ để làm phương hướng giáo dục. Đó là nền tảng của sự phát triển tinh thần và nền tảng ấy được xây dựng vững chắc bởi các đệ tử xuất gia, quyết tâm thực hành pháp tham thiền hay định tâm, trang nghiêm trì giới. Chính pháp thực hành định chơn chánh luôn giữ tâm ở trạng thái quân bình, không giao động, tâm hoàn toàn an trụ không còn bị ngoại cảnh làm xao xuyến. “Đã thấu triệt cái gì phải thấu triệt, phải trau dồi những gì được trau dồi, phải dứt bỏ những gì đã dứt bỏ”. Đó chính là nền tảng của một nếp sống cao đẹp hướng thượng. Bởi vì, theo đạo Phật đó chính là con đường hữu ích, là một nền tảng được xây dựng bằng đời sống tâm linh, một tinh thần thiết yếu để có được một đời sống trong sạch, tinh khiết dẫn đến nhàm chán sinh tử, dứt bỏ tham sân, thấu đạt được tâm ý an tịnh.

“Người tâm ý an tịnh

Lời an nghiệp cũng an

Chánh trí chơn giải thoát

Tịnh lạc là vị ấy” [4 – 96].

3.2. ỨNG DỤNG GIỚI – ĐỊNH – TUỆ VÀO NỀN GIÁO DỤC

Sách có câu: “Học đi đôi với hành” hay “Học mà không tu là cái đãy đựng sách”. Thế nên, mỗi chúng ta phải ý thức rằng, dù có học rộng hiểu nhiều mà không áp dụng vào cuộc sống thì sự học ấy chỉ đáp ứng về mặt “giải” mà thôi. Giáo lý của đạo Phật cũng thế không phải đến để mà thấy mà phải sống và thực nghiệm chân lý ấy mới mong có lợi ích. Khi một hành giả nguyện đi trên con đường giới luật thì đồng nghĩa với việc vị ấy phải biết sống và áp dụng ba pháp học vào cuộc sống. Vì lẽ đó nên người sống đúng với tinh thần của giới học là phải biết thực hành các đức tính ít ham muốn, biết vừa đủ, sống viễn ly, độc cư, tinh cần v.v… Phải biết hổ thẹn, sợ hãi những điều ác mình đã gây tạo, phải sống không để ngoại cảnh chi phối tâm của mình, khi đã ý thức như vậy tức là đã đứng vững trên đất giới, người đó đã có hàng rào vững chắc được bao bọc bởi giới luật như người trồng trọt có hàng rào quanh khu vườn của mình thì không sợ trộm cướp và trâu bò phá hoại. Kinh dạy:

                                    “Như mái nhà khéo lợp

                                    Mưa không xâm nhập vào

                                    Cũng vậy tâm khéo tu

                                    Tham dục không xâm nhập”. [4 – 14]

Một khi tham dục không còn, hành giả an tâm hành thiền nhờ chế ngự các căn mà loại trừ các triền cái dần dần hưởng được hỷ lạc của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Đức Phật dạy: “Như có hoa sen xanh, sen đỏ, sen trắng từ đáy hồ lớn lên trong nước. Các hoa sen ấy không có chỗ nào trên toàn thân không bị hồ nước ấy thấm nhuần”. [18 – 20]

Với tâm không còn phiền não trong sáng như vậy, hành giả hiểu biết rõ khổ, tập, diệt, đạo và con đường chấm dứt chúng, đoạn trừ các lậu hoặc thành tựu an lạc, giải thoát.

Như vậy, muốn thăng hoa trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai hãy ứng dụng Giới, Định, Tuệ vào cuộc sống để điều phục tâm ý, ngăn chặn những rối loạn điên đảo của tâm lý, sống tỉnh thức trong từng ý niệm, thấy rõ từng sát na trong cuộc sống đang vận hành theo nhân duyên sanh diệt là một tinh thần sống rất thiết thực. Ứng dụng Giới, Định, Tuệ vào đời sống để ý thức rằng giữa thời đại văn minh vật chất đầy dẫy nhưng đời sống tâm linh và nhu cầu tinh thần không được thỏa mãn, con người luôn cảm thấy bất an. Hãy áp dụng Giới, Định, Tuệ vào đời sống để ngăn chặn những rối loạn điên đảo của tâm lý, đồng thời lập lại một trật tự đạo đức cho con người và xã hội hiện đại. Ứng dụng Giới, Định, Tuệ vào đời sống cũng chính là đồng nghĩa với giáo dục, nhằm tịnh hóa thân tâm qua sự nỗ lực của mỗi người, tự mình ý thức trách nhiệm việc của mình đã làm chứ không phải ai khác. Trong buổi khai giảng khóa IV, Hòa thượng Hiệu trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM đã nói:

- Là sinh viên Phật giáo trong thời kỳ xã hội hóa, hiện đại hóa, tiến lên văn minh toàn cầu hóa, với tinh thần “Duy Tuệ Thị Nghiệp” sống bằng pháp hạnh vô ngã, vị tha bổn phận và trách nhiệm chúng ta phải luôn tinh cần phát huy toàn triệt khả năng giới đức, tâm đức và tuệ đức, phải tập trung chuyên sâu hơn nữa các môn Phật học lẫn thế học, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời nêu cao gương hạnh Phật trong sứ mệnh lịch sử giao phó là “Truyền trì mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai, hoằng pháp độ sanh, báo Phật ân đức” ngay trong cuộc sống này.

Như vậy, ứng dụng Giới, Định, Tuệ vào cuộc sống chính là tạo cho mỗi hành giả một nền tảng vững chắc như kiềng ba chân dù sóng gió cuộc đời vùi dập, hành giả vẫn như như bất động, đứng thẳng trên tâm địa mà không hề bị lay chuyển.

3.3.  GIÁO DỤC CHUYỂN HÓA TÂM LINH

“Lang thang làm khách phong trần mãi

Ngày vắng xa quê vạn dặm trường”.

Không biết tự bao giờ chúng ta cứ lang thang mãi trong bao kiếp tái sanh trùng phùng của vòng luân hồi sanh tử. Chúng ta như một gã cùng tử lang thang nơi phương trời vô định mãi đi tìm châu báu mà không biết mình có sẵn ngọc châu trong chéo áo. Kinh dạy:

 

Trong nhà của báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm hỏi chi Thiền!

Thật đúng như vậy! Kho tàng giáo lý của Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhiệm vụ của chúng ta là phải định hướng và chọn lựa cho mình một pháp môn thích hợp phù hợp với căn cơ của mình, nhằm mục đích là giải thoát mọi sự ràng buộc của thân tâm, quay về với sự tự chứng tự nội nói khác hơn là ngôi nhà tâm linh thật sự của chính mình. Đó mới chính là niềm hạnh phúc vô biên.

Khi nói đến tâm linh là nói đến một lãnh vực của tâm thức muôn màu muôn vẻ, giống như một vườn hoa lộng lẫy có đủ sắc hương. Kinh Pháp cú có dạy:

“ Tâm khó thấy tế nhị

Theo các dục quay cuồng

Lành thay điều phục tâm

Tâm điều an lạc đến”. [4 – 36]

Như thế, tâm là một địch thủ nguy hiểm nhất mà cũng là một người bạn tốt nhất. Tâm có thể vân du khắp mọi nẻo đường. Willam James một nhà Tâm lý học, một chuyên gia Triết học đã nhận xét như sau: “Tâm linh là một dòng sông, một sự nối  tiếp những trạng thái, những đợt sóng, những hiểu biết, những cảm giác, những ước muốn, những ý định … đi qua và trở lại không ngừng tất cả những cái đó làm nên đời sống bên trong của chúng ta”. Đời sống nội tâm chính là tất cả đang hình thành một dòng chảy cảm xúc, những ý tưởng vi tế nhưng rất thật của con người.

Con đường chuyển hóa tâm linh chính là những pháp môn, phương tiện để mỗi cá nhân tự mình thực nghiệm nhằm khám phá thực tại nhiệm mầu. Giáo lý của đạo Phật không chủ ý là dạy cho chúng ta các pháp môn, mà chủ yếu là hướng dẫn chúng ta thấy rõ tinh thần cốt lõi của các pháp môn dưới cái nhìn duyên sinh vô ngã. Giáo lý ấy đặt trên nền tảng tâm linh và giải thoát. Giáo lý ấy như một biểu đồ hướng dẫn tuy có muôn vạn nẻo nhưng trong đó:

“Ý về muôn vạn nẻo

Thiền lộ tâm an nhiên

Từng bước gió mát dây

Từng bước nở hoa sen”.

Con đường Thiền quán như một con thuyền để chúng ta vượt qua bến bờ tri thức, giúp chúng ta có khả năng tự phản tỉnh, tự kiểm soát và thanh lọc thân tâm.

Vấn đề đã được đặt ra, nhiệm vụ của chúng ta phải hiểu rõ sự vận hành của tâm thức và những cơ chế hoạt động của chúng. Bởi lẽ, xưa nay tâm ta vẫn đang bị phủ kín bởi bức tường vọng kiến, vô minh mà không gì phá vỡ. Phương châm “liên tục và hành trì” là lời di huấn tối hậu của đấng Từ phụ. Ngài dạy không có một sự giải thoát nào, không có một sự thanh lọc nào có thể thực hiện được nếu không có sự nỗ lực của cá nhân. Nên phương pháp tham thiền giúp chúng ta nhận ra được những tham muốn, khát ái, đam mê, chấp thủ, những lạc thú tầm thường của thế gian. Từ đây, ý niệm tỉnh giác được hình thành và chỉ có chánh niệm tỉnh giác mới có sức mạnh vô biên giúp chúng ta vượt ra ngoài thế giới ảo mộng, nhận thức được thân này do năm uẩn, mười hai nhân duyên, v.v… hòa hợp mà thành, chúng vô thường vô ngã, không có một chủ thể nhất định hay “thân này không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Hiểu rõ như vậy, để chúng ta dễ dàng tiếp xúc với cuộc sống hiện tại đầy dẫy khổ đau. Đức Phật đã từng dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Thắp lên ánh sáng hiện hữu phá tan  màn vô minh đưa đến tuệ giác. Hay:

“Quay về nương tựa

Hải đảo tự thân

Chánh niệm là Bụt

Soi sáng xa gần”.

Như thế, con đường chuyển hóa tâm linh chính là nền tảng để bước lên thềm thang giác ngộ. Nền tảng ấy chỉ được xây đắp khi chúng ta quay về với con đường thanh tịnh, với tự  tâm của mình diệt trừ cố chấp vô minh, phát triển trí huệ bát nhã thì cánh cửa giải thoát sẽ hé mở, chúng ta mới thật sự tiếp xúc được với những nguyên lý nhiệm mầu của thực tại.

 

PHẦN KẾT LUẬN

 

Giáo lý Thanh Tịnh Đạo được trình bày là một giáo lý căn bản của Phật giáo Nam truyền, toàn bộ nội dung của bộ luận lấy ba môn học Giới, Định, Tuệ làm cương lĩnh. Bản luận được trình bày rất khúc chiết, rõ ràng, mạch lạc làm cho chúng ta thấy rõ tính chất vô thường, khổ, không vô ngã của vạn pháp. Song song với sự trình bày đó, các phương pháp tu tập cũng được sắp xếp thành một hệ thống từ thấp đến cao, từ dễ đến khó khăn nhằm tạo mục đích dễ dàng cho những ai có hoài bão thám hiểm đại dương chánh pháp và khát khao hương vị tinh truyền của hệ thống giáo lý Nguyên thủy. Chính thông điệp này đã hướng dẫn kẻ phàm phu đi vào Tam học, hiểu rõ hơn về chân tướng của cuộc đời và tìm cách thoát khỏi cuộc đời đầy tham vọng ấy. Đây chính là một cơ sở giáo dục nhằm thiết lập một hệ thống tâm linh đạo đức cao cả bằng cách nhìn nhận sự tướng của các pháp và sự chứng đạt qua lý duyên sinh.

Hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã phát triển cả hình thức lẫn nội dung. Hướng phát triển giáo dục ấy làm nên văn hóa văn minh hiện tại. Tuy nhiên, nền đạo đức đang bị xuống cấp trầm trọng và xã hội đang ở thời điểm báo động. Hiện tại, nhân loại đang đối mặt với làn sóng của toàn cầu hóa và sự bùng nổ về những quyền lợi và tham vọng, mâu thuẫn giữa con người ngày càng vi tế và quyết liệt hơn. Đây chính là thời điểm mà nền giáo dục cần phải chỉnh đốn lại, đánh giá mục tiêu và hướng phát triển của chính giáo dục. Nhân đây, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò của Phật giáo và giáo dục Phật giáo quan trọng như thế nào. Chính nền giáo dục qua Giới, Định, Tuệ là một nếp sống đạo đức và đồng thời đó cũng chính là một nhân tố quyết định giúp cá nhân khai mở được nguồn sáng tạo trong việc xây dựng văn hóa giáo dục và văn hóa trí tuệ.

Như thế, giáo lý của đạo Phật nói chung và Tam vô lậu học nói riêng đã được chuyển tải vào cuộc đời bằng nhiều phương tiện khác nhau nhằm thích ứng với từng căn cơ, sở trường và mức độ tiếp nhận, với khả năng tự mình ứng dụng làm lợi ích cho tự thân, tự tâm và giải thoát trong cuộc sống hiện tại tốt đẹp. Đồng thời góp phần xây dựng một xã hội an lạc hạnh phúc miên viễn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]        Thích Minh Châu – Tăng Chi Bộ Kinh I – trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II ấn hành năm 1987.

[2]        Thích Minh Châu – Tương Ưng Bộ Kinh V – Tu thư Phật học Việt Nam ấn hành 1982.

[3]        Thích Minh Châu – Trung Bộ Kinh – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1992.

[4]        Thích Minh Châu – Kinh Pháp Cú – Thiền viện Vạn Hạnh ấn hành 1996.

[5]        Thích Minh Châu – Đức Phật nhà giáo dục vĩ đại – Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành 2005.

[6]        Thích Quảng Độ – Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận – Khuông Việt ấn hành 1971.

[7]        Thích Quảng Độ – Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận – Khuông Việt ấn hành 1971.

[8]        Kim Định – Triết lý giáo dục – Ca dao xuất bản 1975.

[9]        Thích Nhất Hạnh – Đạo Phật con đường thực nghiệm tâm linh – www.daophatngaynay.com

[10]      Thích Nữ Trí Hải – Thanh Tịnh Đạo Luận – chùa Pháp Vân Ponoma, USA ấn hành năm 1992.

 [11]     Nguyên Hồng – Giáo dục học Phật giáo– Nhà xuất bản Tôn giáo – 2004.

[12]      Phạm Kim Khánh – Đức Phật và Phật Pháp – Nhà xuất bản TPHCM ấn hành 1998.

[13]      Phạm Kim Khánh – Phật giáo một nguồn hạnh phúc – Nhà xuất bản TPHCM ấn hành 1995.

[14]      Thích Chơn Thiện – Phật học khái luận – Ban giáo dục Tăng Ni ấn hành năm 1993.

[15]      Thích Giác Toàn – Giáo dục Phật giáo – Tài liệu học tập năm 2003.

[16]      Thích Phước Sơn – Thanh Tịnh Đạo Luận Toản Yếu – Nhà xuất bản Tôn giáo năm 2004.

[17]      Thích Phước Sơn – Tính chất Giáo dục của Giới luật Phật giáo – www.daophatngaynay.com

[18]      Nhiều tác giả – Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại – Nhà xuất bản TPHCM năm 2001.

[19]      Báo Giác Ngộ số 74, 80, 88 năm 2001.

[20]      Báo Giác Ngộ số 251 năm 2004.

 

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

@ Tuyển tập các bài luận văn@

---o0o---