Hướng Dẫn Hành Thiền - Căn Bản

21 Tháng Chín 201610:05 CH(Xem: 2676)
Hướng Dẫn Hành Thiền - Căn Bản

Hướng Dẫn Thiền Sinh Trình Pháp

U PANDITA SAYADAW - Dịch Giả: Trần Minh Tài & Lưu Bình

 

Dầu cho có được hướng dẫn kỹ càng cách hành thiền, thiền sinh vẫn chưa hành thiền đúng cũng như chưa biết cách trình bày kinh nghiệm mình cho thiền sư. Một số thiền sinh hành thiền rất khá nhưng cũng không biết cách diễn đạt cho đúng mình đã hành thiền như thế nào và đã kinh nghiệm ra sao. Mục đích của bài này là giúp thiền sinh trình bày đúng mình đã hành thiền như thế nào? Mình đã quan sát cái gì và đã kinh nghiệm ra sao?

Cố Hòa thượng Mahasi đã dạy những điều căn bản cho thiền sinh mới là phải quan sát một cách tỉnh thức phồng xẹp của bụng. Kinh điển đã giải thích rõ ràng là hiện tượng tâm, vật lý luôn luôn khởi lên qua sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm.


Chẳng hạn khi có một sự nhìn thì mắt nhìn và vật được nhìn là hiện tượng vật chất, và nhãn thức khiến ta biết được đó là vật gì là hiện tượng của tâm.
Tương tự như vậy, khi chúng ta nhận biết được âm thanh, mùi, vị, đụng chạm hay suy nghĩ cũng như những hoạt động khác của cơ thể như duỗi tay, co tay, bước đi v.v... Đều được ghi nhận đừng bỏ sót hành động nào.


Thiền sinh phải biết cách quan sát các đề mục chính, cũng như phải ghi nhận như thế nào trong trường hợp có đề mục phụ phát sinh (đề mục chính là sự phồng xẹp; đề mục phụ là suy nghĩ, liên tưởng khi có cảm giác phát sinh hoặc khi có ngoại cảnh kích thích như: hình sắc, âm thanh, mùi, vị v.v... cũng có khi là phản ứng của chính thiền sinh trước các đối tượng phụ đó).


Để giúp đỡ cho thiền sinh vượt qua những chướng ngại, các thiền sư đã đặt ra vài câu châm ngôn ngắn gọn, để thiền sinh dễ nhớ.

Châm ngôn đầu tiên nhắc nhở làm thế nào để ghi nhận đề mục chính và kết quả tâm thiền sinh lúc ấy như thế nào. Ví dụ: Bạn phải chú tâm vào cái gì? Câu trả lời là: Phồng và xẹp của bụng.

Đó là đề mục chính mà thiền sinh phải chú tâm vào. Nếu có đề mục thứ hai hiện ra phải ghi nhận và trở về đề mục chính ngay.

Thiền sinh phải cho thiền sư biết mình đã quan sát sự phồng xẹp như thế nào từ lúc khởi đầu cho đến lúc chấm dứt. Khi hít vào, bụng bắt đầu căng lên nhanh rồi tiếp tục căng cho đến lúc chấm dứt là lúc hít vào. Hãy quan sát từ lúc bắt đầu phồng, đoạn giữa của phồng và đoạn cuối của phồng (Sẻbhakẻya patisamvedi). Tâm quan sát phải đi song song với các giai đoạn của sự phồng ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Thiền sinh mới rất khó ghi nhận ba giai đoạn trên nhưng phải cố gắng. Nếu thiếu cố gắng thì không có kết quả gì cả.

Một khi thiền sinh đã biết ghi nhận đề mục một cách chánh niệm, biết cách chú tâm song song với diễn biến của đề mục, biết theo dõi các giai đoạn liên tiếp của phồng xẹp, biết ghi nhận những gì mình thấy, những gì mình kinh nghiệm thì sẽ biết cách trình pháp một cách chính xác. Có hai diễn biến song song trong khi thiền sinh hành thiền: Trước tiên là sự chú tâm quan sát hay ghi nhận đối tượng. Thứ hai là tâm liên quan đến sự quan sát đối tượng ấy. Ít nhất thiền sinh phải nhận ra được điều này thì mới có thể gọi là thấy hay kinh nghiệm.

Đối với đề mục chính thiền sinh phải nói được kết quả của tâm lúc đối tượng diễn biến, hay nói được sự diễn biến song song của tâm chánh niệm và đề mục. Nghĩa là thiền sinh thấy rõ được diễn tiến của đề mục và diễn tiến của tâm ghi nhận đề mục. Nếu cả hai xảy ra cùng lúc thì phải ghi nhận như thế nào? Ghi nhận chính cái bụng? Ghi nhận tư thế của bụng? Hay ghi nhận diễn tiến của bụng trong khi phồng?

Có ba yếu tố hiện hữu trong sự phồng:

  1. Hình dạng của bụng.
  2. Tư thế hay vị thế của bụng.
  3. Đặc tính của sự phồng.

Hình dạng là hình dạng của cái bụng mà tâm thiền sinh chú vào. Toàn thể thân hình của thiền sinh là hình dạng của thân thể. Hình dạng của cái bụng cũng như vậy.

Tư thế của bụng: điều này tùy thuộc vào vị thế riêng biệt từng lúc một của bụng. Nghĩa là bụng đang xẹp, phồng, hay đứng yên. Tiếng Palì gọi là akara: có nghĩa là tư thế hay vị thế. Ví dụ: bàn tay đang ở tư thế nắm lại hay đang xoè ra? Hoặc cơ thể đang ở tư thế đi, đứng, nằm, ngồi?

Nếu thiền sinh chú tâm quan sát bụng y sẽ thấy hoặc hình dạng hay tư thế trước khi thấy đặc tính. Nhưng thấy hình dạng hay tư thế thì không phải là thiền minh sát. Thiền sinh phải thấy đặc tính chủ yếu của bụng, như là sự căng thẳng, sự chuyển động của bụng (trong lúc phồng). Nếu quan sát kỹ thì thiền sinh sẽ thấy đặc tính này ngay mà có thể trình bày cho thiền sư một cách chính xác và rõ ràng khi trình pháp. Nhưng thiền sinh phải thấy chứ không phải nghĩ là thấy.

Khi trình pháp phải chú trọng đặc biệt vào những điểm căn bản này (nghĩa là thấy sự chuyển động của phồng xẹp, chứ không phải nghĩ hay tưởng tượng).

Giai đoạn xẹp, thiền sinh cũng phải chú tâm quan sát ghi nhận như thế.

Cũng vậy trong lúc kinh hành, khi dở chân, thiền sinh phải quan sát kịp thời và cùng lúc với diễn tiến của sự dở chân: Từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt. Nếu làm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì? Phải chăng y sẽ thấy cái chân hay tư thế của chân trong giai đoạn dở hay y cảm nhận rằng chân bắt đầu nhẹ và nâng lên hay chân bắt đầu căng và đang đưa tới?

Thiền sinh phải trình bày cả ba đặc tính trên và dĩ nhiên thiền sinh phải hết sức chú tâm để có thể trình bày một cách rõ ràng và chính xác.

Khi chân bước tới thiền sinh cũng phải quan sát kịp thời và cùng lúc với chuyển động của sự bước tới. Và y sẽ thấy gì? Phải chăng y thấy chính chân của y, hay tư thế của chân trong giai đoạn đưa tới, hay cảm nhận được sự chuyển động của chân được đưa từ sau tới trước.

Khi đạp chân xuống, thiền sinh cũng phải chú tâm quan sát từ lúc chân bắt đầu hạ xuống cho tới lúc chân chạm đất. Nếu chú tâm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì. Phải chăng y thấy chân y, hay trạng thái của sự đạp chân xuống, hay cảm nhận đặc tính chuyển động của sự đạp xuống, chẳng hạn như bắt đầu cảm thấy nhẹ và mềm?

Đối với các đối tượng khác cũng phải chú tâm ghi nhận kỹ càng như vậy, chẳng hạn: khi co tay, duỗi tay, cúi mình, đổi chân, ngồi xuống, đứng dậy v.v.. cũng phải chú tâm ghi nhận như vậy.

Thiền sinh cũng phải hiểu ý nghĩa ba đặc tính của các hiện tượng tâm vật lý. Đó là: Đặc Tính Riêng (Sabhava Lakkhana), Nhân Duyên hay điều kiện (Sankhata Lakkhana), Đặc Tính Chung hay Tam Tướng (Sannanna Lakkhana)

1)    Đặc Tính Riêng của hiện tượng vật chất và tâm:

a)     Đặc Tính Riêng của Vật Chất hay Sắc: vật chất hay Sắc có các đặc tính căn bản sau đây:

i) Sự cứng, mềm, đó là yếu tố bành trướng (đất), là đặc tính của xương và thịt.
ii) Lạnh và nóng đó là yếu tố nhiệt độ (lửa), là đặc tính nóng lạnh của cơ thể.
iii) Sự kết hợp và tính chất lỏng (nước), đó là đặc tính dính chặt hay liên hợp của cơ thể, của các yếu tố...
iv) Sự chuyển động đó là yếu tố lưu chuyển (gió) đó là đặc tính của hỏi thở, của sự phồng xẹp, của sự di chuyển v.v...

b)    Đặc Tính Riêng của Tâm hay Danh: Đặc Tính Riêng của Tâm hay Danh là nhận biết, bao gồm: xúc (sự tiếp xúc của Tâm với đối tượng), Thọ (cảm giác), cùng các trạng thái và phản ứng của Tâm (vui, buồn, giận, chánh niệm, tinh tấn, ganh tỵ, phóng tâm vv...).

2)    Nhân duyên hay điều kiện là đặc tính: khởi lên kéo dài và biến mất. Các diễn biến tâm vật lý (danh và sắc) đều có điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối. Tiếng Pali gọi ba giai đoạn này là uppada, thiti và bhanga. Uppada có nghĩa là bắt đầu hay khởi lên. Thiti có nghĩa là diễn tiến hay trải dài cho đến khi chấm dứt. Bhanga có nghĩa là chấm dứt hay biến mất. Cả ba đặc tính này (Lakkhanas) được gọi là Sankhata Lakkhana (Sankhata: bao gồm hay tương duyên).
3) Tam tướng là ba yếu tố vô thường, khổ và vô ngã. Mọi hiện tượng, mọi pháp trong thế gian (danh và sắc) đều mang ba đặc tính này.

Trong ba đặc tính của các hiện tượng trên, thiền sinh phải hướng đến đặc tính đầu tiên trong khi thực hành thiền, tức là phải chú ý đến đặc tính chuyện biệt của hiện tượng vật chất (đất, nước gió, lửa). Làm thế nào để nhận thức được hay thấy các hiện tượng vật chất chuyên biệt này? Nghĩa là làm thế nào để nhận thức hay thấy các hiện tượng đất, nước, gió, lưả? Chúng ta phải chú tâm quan sát, ghi nhận kịp thời khi chúng xuất hiện. Khi chú tâm quan sát ghi nhận ta sẽ thấy đặc tính chuyện biệt này, chứ chẳng có cách gì khác hơn. Khi hít vào bụng phồng lên. Trước khi hít vào bụng chưa phồng. Thiền sinh phải quan sát sự phồng của bụng từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt. Thiền sinh phải thấy được bản chất của sự chuyển động. Nhưng thế nào là bản chất của sự chuyển động? Khi hít vào: gió vào Nhưng thế nào là gió? Đó là yếu tố bành trướng hay chuyển động. Yếu tố bành trướng hay yếu tố chuyển động chính là bản chất của gió mà thiền sinh phải nhận ra hay phải thấy. Thiền sinh sẽ thấy được ba bản chất của gió (chuyển động) khi nào thiền sinh chăm chú theo dõi sự chuyển động của bụng từ lúc khởi đầu, diễn tiến cho đến lúc chấm dứt. Không chịu chú tâm quan sát, theo dõi thì ngay đến hình dáng hay tư thế cũng không thấy được, nói chi đến chuyện thấy được bản chất. Cứ cố công theo dõi các hiện tượng phồng xẹp một cách chánh niệm thì năng lực tập trung tâm ý sẽ càng ngày càng mạnh lên. Khi khả năng tập trung tâm ý hay định lực mạnh mẽ thì thiền sinh sẽ không còn thấy hình dáng hay tư thế của phồng xẹp mà sẽ thấy được sự bành trướng, sự căng phồng của chuyển động phồng, thiền sinh sẽ thấy cường độ phồng tăng đến một điểm nào đó rồi chấm dứt. Khi thở ra thiền sinh cũng sẽ thấy cường độ căng phồng giảm xuống đến một điểm nào đó rồi biến mất. Đối với chuyển động trong khi kinh hành: dở, bước đạp đều phải được quan sát như thế.

Thiền sư sẽ không nói cho biết thiền sinh sẽ thấy gì mà chỉ hướng dẫn cho thiền sinh cách quan sát và ghi nhận. Cũng như khi làm toán thầy giáo chỉ dạy phương pháp làm chứ không cho đáp số.

Sự chỉ dẫn này cũng được áp dụng trong những loại chuyển động khác của cơ thể, trong cảm thọ, hay khi có một tư tưởng hiện khởi trong tâm. Tất cả đều được ghi nhận ngay từ lúc chúng khởi lên. Có như thế mới bảo đảm thấy được bản chất của chúng.

Chúng ta đã đề cập đến câu châm ngôn đầu tiên: Bản chất thật sự sẽ hiển lộ khi các hiện tượng được ghi nhận kịp thời ngay khi chúng xuất hiện.

Câu châm ngôn thứ hai nói: Chỉ khi nào bản chất thật sự được thấy thì đặc tính nhân duyên mới hiển lộ. Nghĩa là khi đã thấy được bản chất của sự vật thì sẽ thấy được ba giai đoạn: khởi lên, diễn biến và chấm dứt. Khi đã thấy được ba giai đoạn này thì sẽ thấy được Tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Thực ra một khi đã thấy được đặc tính của tứ đại thì sẽ thấy được yếu tố nhân duyên và Tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã.

Bởi vậy câu châm ngôn thứ ba là: Chỉ khi nào đặc tính nhân duyên hiển lộ thì Tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã mới được thấy.

Và tiếp đến châm ngôn thứ tư sẽ là: Khi đã thấy được Tam tướng thì tuệ minh sát mới xuất hiện. Sau khi xuất hiện, tuệ Minh Sát (Vipassananana) sẽ dần dần phát triển và chín mùi. Và thiền sinh sẽ đạt được tuệ ariyamagganana (Tuệ thấy được thánh đạo). Với tuệ này thiền sinh có đủ khả năng để "thấy" Niết Bàn, chấm dứt danh, sắc và đau khổ.

Cần phải nhắc lại một lần nữa điều quan trọng sau đây: trong lúc trình pháp, thiền sinh phải cho thiền sư biết mình đã thực sự thấy gì, chứ không phải đã nghĩ là mình có thấy gì. Chỉ những gì thiền sinh thấy mới là tuệ giác. Nghĩ là mình thấy chỉ là vay mượn tuệ giác. Sự vay mượn tuệ giác không phù hợp với đặc tính của các hiện tượng mà thiền sinh phải quan sát và ghi nhận.

Khi ngồi thiền, quan sát đề mục chính là sự phồng xẹp của bụng, nhiều tư tưởng và đối tượng của tâm sẽ đến với thiền sinh, đó là chuyện tự nhiên. Tâm có khuynh hướng rời đề mục đích chính để tiến đến tất cả mọi ý niệm: một số là tư tưởng thiện, một số là tư tưởng bất thiện. Thiền sinh phải làm thế nào? Chỉ cần ghi nhận bất cứ những gì đã đến với tâm. Bạn có thể làm được điều đó không? Bạn phải làm điều đó, nghĩa là phải ghi nhận sự suy nghĩ hay sự phóng tâm. Nếu đã ghi nhận được chúng, bấy giờ chuyện gì sẽ xảy ra. Phải chăng sự suy nghĩ sẽ tiếp tục diễn biến? Sự suy nghĩ sẽ dừng lại hay đã biến mất tất cả? Lúc ấy thiền sinh có trở về được với đề mục chính không? Tất cả những điều đó đều phải được nói rõ trong lúc trình pháp.


Vậy câu châm ngôn thứ năm là
: Tất cả mọi tư tưởng hay ý thức đều phải được trình bày cho thiền sư biết.


Đối với những thiền sinh mới, mọi cảm giác hay cảm xúc sẽ không khởi lên khi thiền sinh đang chú tâm vào đề mục chính. Nhưng sự suy nghĩ sẽ xảy ra nhiều hơn. Thiền sinh mới cũng chưa đủ khả năng ghi nhận được tất cả mọi tư tưởng đang khởi dậy đó. Để giảm thiểu những sự suy nghĩ này, nên cố gắng chú tâm khắn khít vào đề mục chính, càng nhiều càng tốt. Nhưng khi thiền sinh đã ngồi thiền được chừng năm, mười, hay mười lăm phút, một vài cảm giác khó chịu trên cơ thể sẽ đến, tương hợp với những gì đã diễn biến trong tâm. Khi cảm giác hay xúc cảm xuất hiện thiền sinh phải ghi nhận. Khi trình pháp nên mô tả chúng bằng những ngôn ngữ thông thường như: "ngứa", "đau", "tê", v.v... chứ đừng dùng danh từ kinh điển như "cảm thọ" (Vedanẻ). Những cảm giác khởi lên cũng phải được ghi nhận từ lúc chúng xuất hiện, diễn tiến cho đến khi biến mất. vậy câu châm ngôn thứ sáu là: mọi cảm giác phải được quan sát, ghi nhận và trình bày với thiền sư.

Tiếp theo, phải ghi nhận những hiện tượng nào nữa? Phải ghi nhận hình sắc, âm thanh, mùi, vị và những trạng thái khác của tâm như: ưa thích, nóng giận, đã dượi buồn ngủ, phóng tâm, ân hận, hoài nghi, nhớ, thương, thấy rõ, chú tâm, thỏa mãn, dễ chịu, nhẹ nhàng, yên tĩnh v.v...


Đức Phật đã gọi chúng là "đối tượng của tâm" (Dhammarammana). Giả sử có sự ưa thích xuất hiện; khi đã ghi nhận được nó thì chuyện gì sẽ xảy ra? "ưa thích" là một hình thức của ái dục. Thiền sinh phải biết trình cho thiền sư điều này. Lấy một thí dụ khác: Thiền sinh cảm thấy đã dượi buồn ngủ. Khi thiền sinh ghi nhận được trạng thái này thì sự phóng tâm xuất hiện. Lúc bấy giờ thiền sinh phải ghi nhận như thế nào? Thiền sinh phải ghi nhận phóng tâm. Tóm lại thiền sinh phải quan sát ghi nhận tất cả mọi đối tượng của tâm.

Tóm lại, thiền sinh phải quan sát ghi nhận đề mục qua bốn pháp quán: Thân, thọ, tâm và pháp. Ba trường hợp sau đây sẽ kế tiếp xảy ra:

1)    Sự xuất hiện của hiện tượng.

2)    Sự quan sát, ghi nhận hiện tượng xuất hiện.

3)    Thiền sinh thấy và biết được gì.


Mỗi đối tượng quan sát đều phải được ghi nhận qua ba trường hợp kể trên. Câu châm ngôn này là: Những gì xuất hiện, những gì quan sát và những gì thấy đều phải được trình bày cho thiền