Bài này viết về ba bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng: bài kệ Kiến Tánh, bài kệ Vô Tướng trong Phẩm thứ ba của Kinh Pháp Bảo Đàn, và bài kệ thị tịch (kệ làm trước giờ lâm chung gọi là kệ thị tịch).
Lục Tổ Huệ Năng (638-713) là vị tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc. Một ngày nọ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Đông Thiền huyện Hoàng Mai xứ Kỳ Châu bảo các đệ tử làm một bài kệ kiến giải chân tâm để chọn người truyền pháp và truyền y bát cho làm tổ đời thứ sáu. Nhân dịp này Thượng Tọa Thần Tú là vị giáo thọ dạy giáo pháp cho môn đồ trong chùa làm bài kệ sau đây:
Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhá trần ai.
Bản dịch của Tô Quế:
Thân thiệt Bồ đề thọ,
Lòng như minh cảnh đài,
Hằng hằng lau phủi sạch,
Chớ để vướng trần ai.
Bồ đề thọ là cây Bồ đề. Bồ đề còn chỉ tánh giác ngộ.
Minh cảnh đài là đài gương sáng. Minh cảnh còn chỉ tâm.
Khi ấy ngoài Ngũ Tổ ra chỉ có ngài Huệ Năng (lúc đó còn là một cư sĩ làm công việc giã gạo ở nhà bếp sau chùa) hiểu rằng bài kệ ấy chưa thấy Bổn Tánh. Lành thay chính bài kệ ấy lại làm xúc tác cho Huệ Năng ứng khẩu đọc bài kệ Kiến Tánh, nhờ quan Biệt Giá Trương Nhật Dụng viết giùm lên tường như sau:
Kệ Kiến Tánh
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhá trần ai?
Bản dịch của Tô Quế:
Bồ đề đâu phải thọ,
Minh cảnh có chi đài,
Xưa nay không một vật,
Nào chỗ vướng trần ai?
Nhờ bài kệ Kiến tánh này mà Huệ Năng được Ngũ Tổ truyền y bát cho làm Lục Tổ.
Thế giới đa đoan của vật chất và tư tưởng thì sanh diệt biến đổi vô thường làm cho cõi đời vất vả gian truân. Trần ai là cõi đời vất vả gian truân. Tâm dính cảnh (tâm nhiễm ô vì vướng trần ai) thì gọi là còn ở bờ sanh diệt bên này. Tâm lìa cảnh (tâm thanh tịnh chẳng bợn trần ai) thì gọi là qua bờ bên kia. Tâm có thanh tịnh thì Trí Huệ mới phát sinh ra nhiều diệu dụng được.
Lục Tổ Huệ Năng giảng là để qua bờ bên kia cần dùng pháp "Đại Trí Huệ đáo bỉ ngạn" (người Tàu dịch từ tiếng Phạn "Ma ha Bát nhã Ba la mật đa"). Ma ha là lớn, diễn tả tâm lượng trống không thanh tịnh như hư không bao la (tâm thể trong sạch không có phiền não). Bát nhã là trí huệ niệm niệm chẳng mê, lui tới tự do, tâm thể trong sạch không chỗ nào trở ngại (trí huệ sáng suốt không mê muội không nhiễm ô). Trí Bát nhã là do Bổn Tánh mình sinh ra. Ba la mật đa là qua bờ bên kia thành Phật đạo (giác ngộ, an lạc). Bờ bên kia (bỉ ngạn) còn gọi là Niết Bàn ( Niết Bàn diệu tâm). Nói Phật tại tâm vì Bổn tánh là Phật (1).
Xem bài kệ của Thần Tú thì hai câu đầu chấp thân như cây Bồ đề, chấp tâm như đài gương sáng tức là còn trước tướng không phải là ý chỉ Ma ha. Hai câu sau cho thấy Thần Tú còn tốn nhiều công phu để dẹp dục dứt tình, thân căn chưa thanh tịnh nên Ngũ Tổ nói là chưa thấy Bổn tánh, chưa vào đặng cửa Đạo và không truyền y bát cho Thần Tú (theo Kinh Pháp Bảo Đàn).
Xem bài kệ của Huệ Năng, lúc đó ngài đã minh tâm kiến tánh và thân căn thanh tịnh không còn trước tướng nên không cầu cho thân như cây Bồ đề tâm như đài gương sáng giống Thần Tú. Vô trước nên tâm không bị ô nhiễm, không sanh vọng tâm. Bổn lai tự tánh (còn gọi là Bổn lai Diệu giác Chơn tâm) vốn trong sạch, trống không. Bổn lai tự tánh không phải là một vật nên không thể đem ra lau chùi. Câu "Bổn lai vô nhất vật" hay "xưa nay không một vật" là chỉ tâm lượng bao la không bị giới hạn, không bị mắc kẹt trong thế giới nhị nguyên của lành, dữ, thiện, ác, yêu, ghét, có, không... Còn "Hà xứ nhá trần ai" là chỉ tâm thể thanh tịnh không vướng trần ai.
Khi nghe Ngũ Tổ đọc tới câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" từ Phẩm "Trang Nghiêm Tịnh Độ" trong kinh Kim Cang chợt Huệ Năng ngộ được rằng tánh người vốn sẵn thanh tịnh, miễn là đừng sanh tâm chấp trước vào đâu cả (không chấp vào không, không chấp vào có, không chấp vào pháp) thì tâm hằng hằng thanh tịnh (2).
Theo Lục Tổ người học Tọa Thiền trước tiên phải thấy gốc tánh thanh tịnh, không bàn chuyện thị phi. Ngài còn chỉ rõ tập trụ tâm quán tịnh ngồi mãi không nằm để mong cầu đạo giác ngộ là sai lầm (3).
Ngài dạy đệ tử khi kiến tánh rồi thì phải khởi tu theo hạnh Bát Nhã. Vì nhất thời chưa thể trừ hết tập khí phiền não ô nhiễm lâu ngày nên người mới đốn ngộ (sơ cơ) cần tu theo hạnh Bát nhã chẳng ngừng trừ đi những lòng cố chấp để được thông suốt không ngăn ngại (triệt ngộ) (4).
Trên đường tu nếu tự tâm mình thường sanh trí huệ chẳng lìa tự tánh và khi gặp mọi cảnh giới tự mình có thể nhìn thấu để hóa độ tâm chúng sanh (tức là bỏ thói hư tật xấu và tâm bất thiện) nhà Thiền gọi là tự tánh tự độ (5).
Thiền phái Huệ Năng gọi là đốn ngộ do minh tâm kiến tánh mà nhập đạo để phân biệt với đường lối tiệm tu của Thần Tú vốn câu nệ nhiều về hình thức mà chưa minh tâm kiến tánh.
Lục Tổ nói:
" Phàm phu tức là Phật;
Phiền não tức là Bồ đề.
Vì niệm trước còn MÊ, tức là phàm phu, niệm sau được NGỘ, tức là Phật; niệm trước nương cảnh, tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh, tức là Bồ đề."
(Theo phẩm Bát Nhã trong Kinh Pháp Bảo Đàn bản dịch của Tô Quế.)
Người trong thế giới Ta Bà thường bị phiền não, khó lìa sanh tử (sanh tử là chỉ khổ đau). Nếu chìm đắm trong tham, sân, si và không bỏ được những thói quen xấu thì ắt là nhiều phiền não. Then chốt của đốn ngộ chính là phải nắm bắt được thiền cơ chớp nhoáng để chuyển mê khải ngộ. Người trí biết dùng phương tiện thiện xảo chuyển hoá được những khó khăn của mình làm hết phiền não hết khổ đau nên có câu: " Phiền não tức Bồ đề, Sanh tử tức Niết bàn."
Ghi chú: phương tiện thiện xảo là những phương pháp lành và khéo dựa theo chánh pháp để độ chúng sanh tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người.
Lục Tổ dạy đừng nghĩ đến cả thảy lành dữ tự nhiên tâm thể thanh tịnh, rồi diệu dụng vô cùng. "Cả thảy lành dữ đừng nghĩ đến" tức là tâm lượng bao la không mắc kẹt trong tư tưởng nhị nguyên chứ không phải là không biết gì cả. Người tu tâm khi thấy tâm vừa khởi phân biệt thiện ác, thị phi, tham, sân, si mà biết buông bỏ (không theo) tâm phân biệt nghĩ lường này thì tự nhiên vào được tâm thể thanh tịnh, sanh ra trí huệ Bát nhã đầy diệu dụng (6).
Lục Tổ còn dạy muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở chùa. Người tu tại gia cũng có thể theo lời dạy của Lục Tổ dùng tánh mình mà độ lấy mình. Sau đây là kệ Vô Tướng ngài làm để đại chúng y theo đó mà tu tại gia trong Phẩm Quyết Nghi (Phẩm thứ ba) của Kinh Pháp Bảo Đàn theo dịch giả Tô Quế:
Kệ Vô Tướng
Lòng thẳng lo chi giữ giới,
Nết ngay nào dụng tu thiền.
Ơn kia khá nuôi cha mẹ,
Nghĩa ấy hãy thương dưới trên
Nhường thì lớn nhỏ hoà thuận,
Nhịn lại các dữ dẹp yên.
Bằng biết cưa cây lấy lửa,
Bùn lầy mà trổ bông sen.
Đắng miệng mới là lương dược,
Trái tai hẳn thiệt trung nghiên.
Chừa lỗi sanh ra trí huệ,
Che chở lòng dạ đâu hiền.
Hằng ngày mở lòng rộng lượng,
Nên đạo đâu phải thí tiền.
Bồ đề tự lòng tìm thấy,
Nhọc chi ngoài tánh cầu huyền. (*)
Nghe giảng tu hành theo đó,
Thiên đường mắt thấy hiện tiền.
Đại ý: Nếu ai bền chí tu hành như biết cưa cây lấy lửa thì tu tại gia cũng giác ngộ được. Lòng thẳng là tâm bình đẳng không có tham sân si cũng giống như là trì giới rồi đó; nết ngay là tâm ngay thẳng không có vọng tưởng phiền não tức là thiền rồi đó. Phải hiếu dưỡng cha mẹ, kính trên nhường dưới, nhẫn nhịn xử thế. Người tại gia vẫn tu tâm dưỡng tánh được. Nếu biết sửa đổi các lỗi lầm của mình ắt sanh trí huệ. Người tu hành hằng ngày nên mở lòng rộng lượng độ tất cả chúng sanh chứ không phải cứ bố thí tiền là thành đạo. Muốn giác ngộ phải nhờ tự tánh tự độ mới minh tâm kiến tánh được chứ đừng hướng ngoại cầu huyền, đừng mê tín dị đoan. (Sách "Tu Tâm Dưỡng Tánh" giảng: Hàng Phật tử phải dẹp trừ "tà kiến"; như thế mới gọi là "Tu Tâm.") Biết y theo lời giảng này mà tu hành thì thiên đường (ý nói cõi an lạc, tự tánh thanh tịnh) sẽ hiện tiền.
Thật là Phật pháp bất ly thế gian giác! Đạo Phật là đạo của Từ Bi và Trí Tuệ. Nếu người tại gia biết lấy tự tánh tự độ, bền chí tu hành theo bài kệ Vô Tướng này thì ví như bông sen mọc ở chốn bùn lầy.
Ghi chú: (*) Xem lời Huệ Năng chỉ giáo cho Huệ Minh trong Phẩm Hành Do trong sách Pháp Bửu Đàn Kinh của Minh Trực Thiền Sư: "Nếu ông trở soi vào trong (hồi quang nội chiếu), thì thấy chỗ mật nhiệm ấy ở bên ông."
Đây là chủ trương tu tâm dưỡng tánh để giác ngộ chứ không mê tín không cuồng tín. Hồi quang nội chiếu để phá những vọng căn vọng trần thì thấy chỗ mật nhiệm ấy là Niết Bàn diệu tâm.
Tiếp theo đây xin bàn tới bài kệ thị tịch Lục Tổ làm khi về thăm chùa Quốc Ân ở Tân Châu là quê hương của ngài trước khi viên tịch ở đó.
Kệ Thị Tịch
Ngột ngột bất tu thiện
Đằng đằng bất tạo ác
Tịch tịch đoạn kiến văn
Đảng đảng tâm vô trước (7).
Có thể dịch "bất tu thiện" là "không chấp thiện" theo tinh thần phá chấp ở phẩm "Trang Nghiêm Tịnh Độ" trong kinh Kim Cang. Tôi tham khảo Từ Điển Thiều Chửu và xin tạm dịch lại bài kệ này như sau:
Kệ Thị Tịch
Ngơ ngơ không chấp thiện
Lâng lâng không tạo ác
Lặng lặng xả thấy nghe
Thênh thênh chẳng bận lòng.
Ngơ ngơ không chấp thiện nghĩa là tu hành mà không chấp bề ngoài, dùng tâm thanh tịnh mà tu các pháp lành (8).
Lâng lâng không tạo ác nghĩa là thản nhiên thư thái, thân khẩu ý trong sạch không nghĩ không làm chuyện tà ác (9).
Hai câu trên là chỉ phép vô niệm.
Không chấp thiện không tạo ác là tánh không hai là Phật tánh, nghĩa là tánh mình chẳng động nơi các cảnh giới lành, dữ; chẳng nghĩ lành chẳng nghĩ dữ, tự tại, thư thái không có gì phải lo nghĩ, phiền não. Mình thấy cả thảy các pháp thiện ác mà lòng chẳng nhiễm tới, không động tâm cũng chẳng còn tạp niệm thì giống như thiền định (10).
Lặng lặng xả thấy nghe: buông xả các căn, trần, thức thì được thanh tịnh (phép vô tướng). Ví dụ: dù thấy cảnh ăn chơi sa đọa cũng không hùa theo, không bắt chước, dù nghe ngoại đạo chỉ trích hay chê bai cũng không để tâm, không tranh luận hơn thua. Người tu hành lẳng lặng xả hết tà kiến tà văn nên dù ở đâu thân tâm cũng thường an lạc.
Ghi chú: Sáu căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đối tượng tiếp xúc của sáu căn là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn làm cơ sở tiếp xúc với sáu trần để sinh ra sáu thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức là nói chung cho ý niệm và tư tưởng.
Theo âm thanh sắc tướng là theo tướng bên ngoài. Dùng phép vô tướng không phóng tâm theo âm thanh sắc tướng bên ngoài thì tự nhiên giữ được giới thanh tịnh. "Đoạn" là buông bỏ không bám víu, không phân biệt, không tranh luận, không tranh giành tức là "Xả" trong Tứ vô lượng tâm. (Tứ vô lượng tâm gồm có: Từ, Bi, Hỷ, Xả nhằm đem lại hạnh phúc cho chúng sanh.)
Sách "Tu Tâm Dưỡng Tánh" của Thích Thiện Hoa giảng thêm: "Cái xả ở đây không phải chỉ là sự tha thứ, khoan dung đối với những ai đã làm ta đau khổ, không phải chỉ là sự vứt bỏ ra khỏi lòng ta những bực bội, xót đau mà người khác đã gieo vào lòng ta; không phải chỉ là bỏ qua những gì trái tai gai mắt đối với ta. Xả ở đây có tánh cách tuyệt đối, nghĩa là bỏ ra ngoài tất cả, không chấp trước một cái gì, dù là vật chất hay tinh thần, dù là xấu xa hay tốt đẹp, dù là ở địa vị phàm phu hay đã chứng được quả thánh. Nếu còn chấp trước nắm giữ một cái gì là còn cái ngã, mà còn cái ngã là còn tất cả, nghĩa là còn chưa giải thoát.
Nói như thế không có nghĩa là người tu hành phải nhắm mắt bịt tai để không thấy, không nghe gì cả; không phải là dửng dưng trước mọi sự mọi vật như đá, như gỗ, không phải là không làm gì cả, đứng khoanh tay như tượng đá. Không! Người theo hạnh Xả vẫn thấy, vẫn nghe, nhưng không đắm sắc, mê thanh, không để cho lòng mình vương vấn vào cái thấy cái nghe ấy; người theo hạnh Xả vẫn làm việc, làm việc nhiều hơn ai cả, nhưng vẫn không thấy mình có làm gì cả, nhất là khi làm được những việc có kết quả tốt đẹp."
Thênh thênh chẳng bận lòng: tâm lượng rộng lớn, không vọng tưởng chấp trước, đến khi không còn phiền não chướng và sở tri chướng là có được trí huệ Bát Nhã (phép vô trụ).
Phiền não chướng bao gồm: tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến làm che lấp Chơn Tánh.
Sở tri chướng là những sự hiểu biết không chân thật làm che lấp trí huệ Bát Nhã. Ví dụ: tà thuyết, tà kiến, lòng cố chấp đều thuộc về sở tri chướng.
Không sanh tâm trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì thênh thênh chẳng bận lòng.
Muốn qua được bờ bên kia không phải chỉ nghĩ tới bàn tới là đủ mà còn phải biết nhờ vào tự tánh tự độ. Trong bài kệ cuối cùng này Lục Tổ nhắc nhở đệ tử nhờ vào tự tánh tự độ mà tiếp tục tu hành theo hạnh Bát Nhã. Không chấp thiện và không tạo ác: Tự tánh không hai tướng thiện ác, không lòng các việc trần lao ấy là vô niệm; dù thấy cả thảy pháp thiện ác mà lòng chẳng nhiễm tới bởi thế Chơn Tánh bao giờ cũng tự tại. Thường buông xả thấy nghe, ngoài lìa cả thảy tướng ấy là vô tướng; lấy vô tướng làm thể thì cái thể của các pháp tự nhiên thanh tịnh. Tâm thường thanh tịnh không tranh giành không thù hận ấy là vô trụ; lấy vô trụ làm gốc thì khỏi bị phiền não buộc ràng, lúc đó trí tuệ Bát Nhã hiện ra (11).
Lục Tổ nhờ nghe giảng Kinh Kim Cang mà ngộ đạo nên dạy đệ tử phải trì tụng Kinh Kim Cang (12). Tinh hoa của Kinh Pháp Bảo Đàn không tách rời nội dung Kinh Kim Cang. Trong phẩm "Trang Nghiêm Tịnh Độ" trong Kinh Kim Cang có câu "Ưng Vô Sở trụ, nhi sanh kỳ tâm" tức là Vô Trụ. Còn " Lặng lặng xả thấy nghe" (Vô Tướng) tức là ý giống như bài kệ phá chấp trong phẩm "Pháp Thân Phi Tướng" trong Kinh Kim Cang:
Nếu thấy ta bằng sắc tướng
Nghe ta bằng âm thanh
Người này đi đường tà
Không thấy được Như Lai.
Ngoài ra có thể xem thêm phẩm " Pháp Nầy Bình Đẳng Không Có Cao Thấp" (tức là: "Tịnh Tâm Hành Thiện") trong sách "Kinh Kim Cang Dịch & Giảng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa" để hiểu ý Lục Tổ nói "Ngơ ngơ không chấp thiện" là dạy phải dùng trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ các chấp ngã chấp pháp mà tu các pháp lành. ("Pháp Nầy" chỉ Bổn Tánh.)
Sau khi Lục Tổ được giao phó y pháp chính ngài cũng nhờ vào tự tánh tự độ, dùng Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa tức là Đại Trí Huệ qua được bờ bên kia vào cõi Phật thanh tịnh quang minh. Người đầu tiên được ngài truyền pháp đốn ngộ là Huệ Minh; ngài dạy Huệ Minh không để niệm thiện ác nhị nguyên làm khởi phiền não để thấy tự tánh thanh tịnh là bước đầu kiến tánh, sau đó lại dạy Huệ Minh hồi quang nội chiếu tức là lấy tự tánh tự độ, tức là sau khi kiến tánh thì phải khởi tu, tự mình tu tâm dưỡng tánh mà không để ý đến chuyện thị phi ở đời nữa. Thuở sinh tiền Lục Tổ từng nhiều lần thí pháp cho đủ mọi hạng người và làm nhiều bài kệ dạy đệ tử tu hành còn lưu lại trong Đàn Kinh được giải thích trong các bản dịch của HòaThượng Tuyên Hóa và Hòa Thượng Minh Trực Thiền Sư. Tu tâm dưỡng tánh theo Đàn Kinh là phù hợp với tinh thần phá chấp của kinh Kim Cang.
Chú thích:
(1) Xem Phẩm Bát Nhã trong Lục Tổ Đàn Kinh của Hòa Thượng Tuyên Hóa:
"Chư Thiện tri thức! Ma ha Bát nhã Ba la mật là tiếng Phạn, có nghĩa là đại trí huệ đáo bỉ ngạn. Ấy là do nơi tâm làm, chớ chẳng phải do niệm nơi miệng. Miệng niệm và tâm không làm theo, tức như huyễn hóa, sương chớp; nếu miệng niệm, tâm hành theo thì tâm và miệng hiệp nhau. Bổn tánh là Phật, lìa tánh thì không có Phật nào khác.
...Tự tánh có thể bao hàm hết muôn pháp, ấy gọi là lớn. Muôn pháp đều ở trong tự tánh mỗi người. Nếu thấy cả thảy các điều dữ cùng các điều lành của người, mà chẳng chấp chẳng bỏ, cũng không nhiễm trước, tâm như hư không, ấy gọi là lớn, cho nên gọi là Ma ha.
...Tâm lượng quảng đại, châu biến pháp giới, có công dụng hiểu biết rõ ràng. Tâm lượng khi ứng dụng ra, tức biết hết tất cả sự vật. Tất cả tức quy về một, một tức gồm tất cả, tới lui tự tại, tâm thể suốt thông, không ngưng trệ, tức là Bát nhã vậy.
...Sao gọi là Ba la mật? Ấy là tiếng Tây Thiên Trúc, nhà Đường gọi là đáo bỉ ngạn, nghĩa là ra khỏi sự sanh diệt. Tâm dính cảnh, sự sanh diệt dấy lên, như nước nổi sóng, tức là thử ngạn (bờ bên này). Còn tâm lìa cảnh, không có sự sanh diệt, như nước thường lưu thông, tức gọi là bỉ ngạn (bờ bên kia). Cho nên gọi là Ba la mật.
...Các ngươi phải dùng đại trí huệ để phá tan năm uẩn và các sự phiền não trần lao. Tu hành như thế ấy, chắc thành Phật đạo. Phải biến ba độc thành Giới, Định, Huệ."
(2) Xem Phẩm Tự Tự (phẩm thứ nhứt) trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Tô Quế:
"Huệ Năng nầy liền hội được ý Tổ, nên khi trống trở canh ba bèn vào thất. Tổ lấy áo cà sa choàng đắp cho Huệ Năng nầy, không cho người thấy , lại vì Huệ Năng mà nói kinh Kim Cang. Vừa tới câu "Ưng Vô Sở trụ, nhi sanh kỳ tâm", nghĩa là: Ưng không chỗ trụ, mà sanh thửa lòng.
Huệ Năng nghe qua câu đó liền ngộ, cả thảy muôn pháp chẳng lìa nơi tánh mình , bèn bạch với Tổ rằng :
Chẳng dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh;
Chẳng dè tánh mình vốn chẳng sanh diệt;
Chẳng dè tánh mình vốn sẵn đủ cả;
Chẳng dè tánh mình vốn không động lay;
Chẳng dè tánh mình hay sanh muôn pháp."
(3 Xem các Phẩm Tọa Thiền, Đốn Tiệm và Định Huệ trong Pháp Bửu Đàn Kinh của Minh Trực Thiền Sư:
Phẩm Tọa Thiền:
"Pháp môn Tọa Thiền nầy nguyên là chẳng trước tâm (dính níu theo tâm), cũng chẳng trước tịnh (dính níu theo cảnh tịnh), cũng chẳng phải chẳng động."
"Chỉ bởi vọng niệm nên Thể Chơn như mới bị lấp che. Nếu không có vọng tưởng thì tánh tự nhiên thanh tịnh (trong sạch)."
"Chư Thiện trí thức, người mê muội, thân tuy chẳng động mà khi mở miệng ra, thì nói chỗ phải quấy, hay dở, tốt xấu của người, thế làm trái nghịch với Đạo. Bằng trước tâm chấp tịnh, tức là làm ngăn lấp cái Đạo vậy."
Phẩm Đốn Tiệm:
"Sư nói: "Trụ tâm quán tịnh, ấy là bịnh, chẳng phải Thiền. Thường ngồi là câu thúc cái thân, đối với Đạo lý có ích chi đâu!"
Phẩm Định Huệ:
"Bằng nói rằng thường ngồi chẳng động, thì cũng như Xá Lợi Phất ngồi im lặng trong rừng, mà bị Duy Ma Cật quở vậy.
Chư Thiện trí thức, lại có người dạy ngồi xem cái tâm, quán tưởng tâm cảnh vắng lặng, ngồi yên chẳng dậy, bảo y theo đó mà lập công phu. Người mê chẳng hiểu, cố chấp làm theo, rồi thành điên dại. Số người lầm như thế chẳng phải là ít. Truyền dạy nhau như vậy, thiệt là lầm to!"
(4) Xem trong Phẩm Bát Nhã bản dịch của Tô Quế:
"Miệng chớ trọn ngày luống nói KHÔNG, mà trong lòng chẳng tu theo hạnh BÁT NHÃ ấy, giống như một kẻ phàm nhơn kia, tự xưng mình là vị Quốc vương, mà trót chẳng làm đặng: ấy chẳng phải đệ tử của ta.
...Bằng tỏ ngộ được PHÉP ĐỐN GIÁO này, thì không chấp giữ sự tu theo bề ngoài, chỉ nơi lòng mình hằng dấy chỗ thấy chánh; những điều phiền não, trần lao thường không nhiễm được, mới gọi là KIẾN TÁNH.
Thiện tri thức! Trong ngoài chẳng ngừng, lui tới thong thả, hay trừ những lòng cố chấp, thông suốt không ngăn ngại. Tu được hạnh này thì theo kinh BÁT NHÃ, vốn không sai khác."
(5) Xem Phẩm Hành Do và Phẩm Sám Hối trong Lục Tổ Đàn Kinh của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
Phẩm Hành Do:
Tổ đưa ta thẳng đến trạm Cửu Giang, bảo ta lên thuyền, rồi Ngũ Tổ tự cầm chèo mà đưa.
Huệ Năng nầy nói: “Thỉnh Hòa Thượng ngồi, để cho đệ tử chèo mới đúng.”
Ngũ Tổ nói: “Ta độ ngươi mới phải.”
Huệ Năng nầy nói: “Lúc mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ.” “Độ” tuy tên là một nhưng chỗ dùng không đồng. Huệ Năng nầy sanh nơi biên địa, giọng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp, nay đã được tỏ ngộ, thì chỉ nên ngay tánh mình mà độ mình mới phải.”
Phẩm Sám Hối:
"Chư Thiện tri thức! Chúng sanh trong tâm mình tức là: lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm nầy đều gọi là chúng sanh. Mỗi người phải tự tánh tự độ, mới gọi là thiệt độ.
Sao gọi dùng tánh mình mà độ lấy mình (tự tánh tự độ)? Nghĩa là các chúng sanh trong tâm là tà kiến, phiền não, ngu si, nên phải đem chánh kiến mà hóa độ các tánh xấu ấy. Đã có sẵn chánh kiến thì phải dùng trí Bát nhã để đánh dẹp các chúng sanh ngu si, mê vọng. Mỗi mỗi mình phải độ lấy mình: Tà đến lấy chánh độ; mê lại, dùng ngộ mà độ; ngu đến, lấy trí mà độ; dữ lại dùng lành mà độ. Độ như thế, mới gọi là thiệt độ.
Lại nữa, phiền não vô tận thệ nguyền đoạn, nghĩa là đem Trí Bát nhã của tánh mình mà dứt bỏ lòng nghĩ tưởng giả dối. Thế mới gọi là thiệt độ.
Lại còn, pháp môn vô lượng thệ nguyền học, nghĩa là tự mình phải thấy tánh, thường thực hành chánh pháp. Thế mới gọi là thiệt học.
Và Phật Đạo vô thượng thệ nguyền thành, tức thường hay hạ tâm (khiêm cung), làm việc chơn chánh, lìa mê lìa giác, thường sanh Bát nhã, bỏ chơn trừ vọng, tức khắc thấy tánh Phật. Ấy là nghe nói pháp rồi, liền thành Phật đạo. Thường thường tưởng đến việc tu hành tạo nên pháp nguyện lực vậy."
(6) Xem Phẩm Hộ Pháp trong Kinh Pháp Bảo Đàn bản dịch của Tô Quế nói về tánh Bổn lai: " ...Ngươi bằng muốn biết chỗ tâm yếu, thì cả thảy lành, dữ đều chớ nghĩ đến, tự nhiên vào được cái tâm thể thanh tịnh, trong trẻo bằng lặng , rồi diệu dụng nhiều như cát sông Hằng."
(7) Tô Quế dịch như sau:
Trơ trơ không tu lành;
Hằm hằm chẳng làm ác;
Lặng lặng dứt thấy nghe;
Thinh thinh lòng không chác.
Tôi tra cứu Từ Điển Thiều Chửu để tạm dịch lại bài kệ thị tịch. Đằng đằng tôi dịch là lâng lâng, giống ý chữ dùng trong câu thơ " Đằng đằng thanh mộng nhiễu yên ba " của Nguyễn Trãi nghĩa là giấc mộng thanh lâng lâng xoay vần trên khói sóng.
Tinh thần vô trước hay phá chấp: Tinh thần không câu chấp, không nô lệ vào các hình thức, ngôn ngữ.
(8) Xem Phẩm Bát Nhã trong Pháp Bửu Đàn Kinh của Minh Trực Thiền Sư:
"Chư Thiện trí thức, cả thảy trí Bát Nhã đều do trong tánh mình mà sanh, chớ chẳng phải do nơi ngoài mà vào. Chớ lầm dùng cái ý thức. Ấy gọi là Chơn tánh tự dụng ...
...Cái Trí Bát Nhã vốn không lớn nhỏ, chỉ vì cái tự tâm của chúng sanh mê ngộ chẳng đồng mà thôi. Lòng mê chỉ thấy bề ngoài, tu hành tìm Phật mà chưa tỏ sáng Bổn Tánh của mình, tức là người tiểu căn. Hiểu rõ pháp Đốn Giáo tu hành mà không chấp bề ngoài, trong tâm mình thường khởi chánh kiến, những sự phiền lao thường chẳng nhiễm Bổn tâm mình tức là người thấy tánh."
(9) Xem lời giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa ở Phẩm Nghi Vấn trong Lục Tổ Đàn Kinh:
"Thập ác gồm ba điều ác của thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), ba điều ác của ý (tham, sân, si 'tà kiến') và bốn điều ác của khẩu, là những điều tệ ác nhất tức ỷ ngữ (nói lời ô trọc không thanh tịnh, chuyên nói về vấn đề nam nữ); vọng ngôn: nói láo, đặt điều; ác khẩu: tức chửi mắng người; lưỡng thiệt: chuyên bới móc, ly gián, nói chuyện thị phi."
(10) Xem Phẩm Tự Tự, Phẩm Bát Nhã, Phẩm Diệu Hạnh và Phẩm Sám Hối trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Tô Quế:
Phẩm Tự Tự:
" cái tánh không hai tức là Phật tánh."
Phẩm Bát Nhã:
" Dẹp bỏ lòng tà quấy,
Đánh phá phiền não ấy.
Ghét thương chẳng bận lòng,
Giuỗi cẳng nằm an nghỉ. "
(Có thương ghét thì có phiền não, vọng niệm tức là chưa giải thoát sanh tử; điều này sẽ làm đạo tâm suy sụt.)
Phẩm Diệu Hạnh:
"Sư tỏ cùng chúng rằng: cácThiện tri thức! Sao gọi là TOẠ THIỀN? Trong pháp môn ấy, không lấp không ngăn, ngoài nơi cả thảy cảnh giới lành, dữ mà chỗ TÂM NIỆM chẳng dấy tưởng, ấy gọi là TOẠ. Trong thấy tánh mình chẳng động, ấy gọi THIỀN.
Thiện tri thức! Sao gọi là THIỀN ĐỊNH? Ngoài lìa tướng là THIỀN, trong chẳng loạn là ĐỊNH. Bằng ngoài còn trước tướng, thì trong lòng ắt loạn; bằng ngoài lìa tướng thì trong lòng ắt chẳng loạn. Gốc tánh mình TỰ TỊNH TỰ ĐỊNH; chỉ vì thấy cảnh, tưởng cảnh mà phải rối loạn. Ví bằng thấy các cảnh mà lòng chẳng rối loạn ấy mới thiệt là CHƠN ĐỊNH vậy.
Thiện tri thức! Ngoài lìa TƯỚNG tức là THIỀN, trong chẳng loạn tức là ĐỊNH; ngoài THIỀN trong ĐỊNH, ấy là THIỀN ĐỊNH. Trong kinh BỒ TÁT GIỚI có câu rằng: " Gốc tánh ta vốn sẵn thanh tịnh".
Thiện tri thức! Trong niệm niệm mình, mình thấy gốc tánh thanh tịnh, mình tu, mình hành, mình thành PHẬT ĐẠO."
PHẨM SÁM HỐI:
"...nơi lòng mình không theo chỗ leo chuyền, chẳng nghĩ lành, chẳng nghĩ dữ, tự tại không chỗ ngăn trở, danh là GIẢI THOÁT HƯƠNG."
(11) Xem bản dịch của Tô Quế.
Phẩm Bát Nhã: "Sao gọi là VÔ NIỆM? Bằng thấy cả thảy phép, mà lòng chẳng nhiễm tới, ấy là VÔ NIỆM; dùng tới thì khắp cả thảy chỗ, cũng chẳng chấp cả thảy chỗ. Nhưng sạch lòng mình, khiến SÁU THỨC ra SÁU CỬA, ở trong SÁU TRẦN không nhiễm không xen, thì tới lui thong thả, thông dùng không ngăn trở, tức là BÁT NHÃ TAM MUỘI vậy; tại mình GIẢI THOÁT gọi là HẠNH VÔ NIỆM. Bằng trăm việc chẳng nghĩ đến, hằng khiến dứt niệm, tức là PHÁP PHƯỢC (Phép trói) gọi là BIÊN KIẾN (thấy một bên)."
Phẩm Định Huệ: "...VÔ TRỤ ấy: là bổn tánh của người thế gian, lành, dữ, tốt, xấu, cho đến kẻ thù, người thân, cùng khi lời nói xúc phạm, dối giành, đều coi như không có, chẳng lo trả oán hại người. Trong lúc niệm niệm chẳng nhớ cảnh trước. Ví bằng trước niệm, nay niệm, sau niệm; niệm niệm nối nhau chẳng dứt, gọi là trói buộc. Nơi trên các pháp, niệm niệm chẳng trụ, tức là không trói buộc vậy. Ấy thiệt lấy VÔ TRỤ làm gốc.
Thiện tri thức! Ngoài lìa cả thảy TƯỚNG gọi là KHÔNG TƯỚNG. Hễ lìa được tướng thời pháp thể thanh tịnh, ấy thiệt lấy VÔ TƯỚNG làm vóc.
Thiện tri thức! Gồm cả các cảnh, lòng chẳng nhiễm tới mới rằng VÔ NIỆM...
...Thiện tri thức! Sao gọi lập VÔ NIỆM làm chủ? Chỉ vì người mê, miệng nói thấy tánh theo TRÊN cảnh mà có niệm, trên chỗ niệm mà dấy lên thấy tà, cả thảy trần lao vọng tưởng theo đó mà sanh ra; tánh mình vốn không một pháp khá đặng. Nếu có chỗ đặng, thì chạ nói điều phước họa, tức là trần lao tà kiến, cho nên PHÁP MÔN này lập KHÔNG NIỆM làm chủ.
Thiện tri thức!
KHÔNG ấy, KHÔNG việc gì?
NIỆM ấy, NIỆM vật gì?
KHÔNG ấy : là KHÔNG HAI TƯỚNG, KHÔNG LÒNG các việc trần lao.
NIỆM ấy: là NIỆM BỔN TÁNH CHƠN NHƯ, tánh chơn như tức là cái vóc của sự niệm, mà niệm tức là chỗ dụng của tánh chơn như. Chơn như tự tánh mình dấy niệm, chẳng phải mắt, tai, mũi, lưỡi hay niệm được; chơn như có tánh, để dùng dấy niệm...
... Thiện tri thức! Chơn như tự tánh mình khởi niệm, sáu căn tuy có thấy, nghe, rõ, biết, muôn cảnh chẳng nhiễm, mà tánh chơn thường tự tại."
Tra Từ điển Thiều Chửu chữ Chơn như:
如 - như: Nguyên như thế, trong kinh Phật cho rằng vẫn còn nguyên chân tính không nhiễm trần ai là như.
Chơn như là chỉ cái đạo thật đời đời không đổi.
(12) Xem Phẩm Bát Nhã trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Tô Quế:
"...niệm niệm chẳng MÊ, hằng theo TRÍ HUỆ, tức là HẠNH BÁT NHÃ.
...muốn vào đến PHÁP GIỚI rất sâu thâm cùng TRÍ BÁT NHÃ chánh định, phải tu theo HẠNH BÁT NHÃ trì tụng kinh Kim cang Bát nhã, bèn đặng thấy tánh."
Tài liệu tham khảo:
1) Kinh Pháp Bảo Đàn bản dịch của Diên Sanh Cư Sĩ Tô Quế. Ấn tống ở Hoa Kỳ.
2) Lục Tổ Đàn Kinh Hòa Thượng Tuyên Hóa Lược Giảng. Bản Việt Ngữ in lần thứ nhất 2004.
3) Pháp Bửu Đàn Kinh Huệ-Năng Lục-Tổ của Hòa Thượng Minh Trực Thiền Sư. Phật Giáo Hòa Hảo San Jose ấn tống 1987.
4) Từ Điển Thiều Chửu. Nguồn từ Internet.
5) Kinh Kim Cang Dịch & Giảng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Chùa Khánh Anh ở Pháp ấn tống.
6) Tu Tâm Dưỡng Tánh của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Trung Tâm Phật Giáo Hayward ấn hành 2001.
Quảng Trí Nguyễn Bỉnh Quân.
27/12/2015.