Gốc Rễ Của Vấn Đề

27 Tháng Năm 20163:28 CH(Xem: 4358)
Gốc Rễ Của Vấn Đề

Sơ lược tiểu sử tác giả:

     Đây là bản dịch Chương 4 quyển “The Art Of Living” (“Nghệ Thuật Sống”), từ bản tiếng Anh do William Hart ghi lại những lời giảng dạy của Shri S. N. Goenka.

     Thiền sư S. N. Goenka nguyên là một cư sĩ, một kỹ nghệ gia hồi hưu trong giới lãnh đạo cộng đồng người Ấn ở Miến Điện. Được sinh ra và lớn lên ở Miến Điện trong một gia đình theo Ấn Độ giáo, ngài bị chứng đau nhức nửa đầu từ lúc còn nhỏ. Năm 1955, khi ngài đi tìm cách chữa trị bệnh nhức đầu này thì được gặp Thiền Sư U Ba Khin. Bằng cách học thiền Minh Sát (Vipassana) với ngài U Ba Khin, ngài Goenka không những tìm được cách chữa bệnh về thân mà về mặt tinh thần còn tìm thấy phương cách giúp vượt qua được những chướng ngại về văn hóa và tôn giáo. Ngài trải qua 14 năm tu tập dưới sự hướng dẫn của sư phụ và thiền Minh Sát đã chuyển hóa đời sống của ngài. Năm 1969, ngài Goenka được ngài U Ba Khin cho phép đi giảng dạy thiền Minh Sát. Năm đó ngài Goenka đi Ấn Độ và khởi đầu giảng dạy thiền Minh Sát ở đó, giới thiệu lại pháp môn tại đất nước mà pháp môn này đã từng xuất phát. Trong một đất nước còn chia cách nặng nề vì chế độ đẳng cấp và tôn giáo, các khóa thiền của ngài Goenka được hằng ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham dự. Ngày nay hằng trăm ngàn người khắp 5 châu cũng tham dự các khóa thiền Minh Sát nhiều nơi trên thế giới, được thu hút do tính chất thực tiễn của pháp môn này. Sau khoảng hơn 45 năm, pháp môn này phát triển rộng lớn nhiều nơi trên thế giới với các khóa thiền Minh Sát chú trọng về Quán Thọ dài 10 ngày, 30 ngày; đã có hơn 100 Trung Tâm Thiền theo truyền thống Goenka tại nhiều thành phố lớn, nhỏ trên thế giới. Các Trung Tâm Thiền này đều được tổ chức và điều hành bởi các thiền sinh thiện nguyện. Ngài Goenka thở hơi cuối cùng vào tháng 9 năm 2013 ở tuổi 89.

     Muốn tìm hiểu thêm về các Trung Tâm Thiền theo truyền thống Goenka và chương trình các khóa thiền tập, có thể vào mạng www.Dhamma.org .

  

     Đức Phật dạy rằng: “Khổ đế phải được thấu đáo đến tận cùng”. Trong đêm mà Ngài sắp giác ngộ, Ngài thiền tọa với quyết tâm là sẽ không đứng dậy cho đến khi hiểu rõ do đâu Khổ xuất phát và làm thế nào để tận diệt Khổ.

 

Định nghĩa Khổ

     Ngài đã thấy Khổ có thực một cách rõ rệt. Đây là một sự thực khó tránh khỏi, cho dù nó có khó chấp nhận đến như thế nào. Khổ bắt đầu khi đời sống bắt đầu. Chúng ta không nhớ được đời sống trong bụng mẹ, nhưng kinh nghiệm thông thường là chúng ta lọt lòng mẹ với tiếng khóc. Sinh ra đời là một chấn thương lớn.

     Đã sinh ra đời, tất cả chúng ta phải chịu đau khổ về bệnh tật và già yếu. Tuy nhiên, cho dù có bệnh tật cách mấy, cho dù có già yếu, lụ khụ cách mấy đi nữa, không ai trong chúng ta muốn chết, bởi vì sự chết thực là khốn khổ.

     Mỗi sinh vật đang sống phải đương đầu với những đau khổ này. Và khi chúng ta sống trong cuộc đời, chúng ta còn chịu những nỗi khổ khác, nhiều loại đau khổ về thân và tâm. Chúng ta bị dính dáng với những gì khó chịu và bị tách xa những gì dễ chịu. Chúng ta không có được những gì mình muốn, thay vào đó phải nhận lãnh những gì mình không muốn. Tất cả những hoàn cảnh bất toại nguyện này là Khổ.

     Những hoàn cảnh đau khổ quả là rõ rệt đối vối những ai suy tư sâu xa về nó. Tuy nhiên, khi chưa giác ngộ, Đức Phật không thỏa mãn với lối giải thích bằng suy tư. Ngài tiếp tục quán sát bên trong thân để kinh nghiệm được cái bản chất thực sự của Khổ và Ngài khám phá ra rằng “dính mắc vào năm uẩn là Khổ“. Ở một mức rất thâm sâu, Khổ chính là  sự dính mắc dai dẳng mà mỗi chúng ta đã phát triển đối với thân này (sắc uẩn) và tâm này với bốn tâm uẩn là Thức, Tưởng, Thọ, Hành. Con người bám víu vào cái nhân dạng của họ - cái tâm và cái thân – trong khi thực sự chỉ có các tiến trình đang diễn ra. Sự bám víu, dính mắc vào ý niệm không có thực của cái tự ngã, vào một cái gì luôn luôn thay đổi, chính đó là Khổ.

 

Dính mắc

     Có nhiều loại dính mắc. Trước tiên có sự dính mắc vào thói quen đi tìm thỏa mãn ham muốn ái dục. Một người ghiền dùng ma túy là vì người đó mong được kinh nghiệm cái cảm xúc do thuốc mang lại, mặc dù người đó biết dùng thuốc như thế là làm tăng thêm bệnh ghiền. Cũng cùng cách như thế, chúng ta bị ghiền vào Tham Ái. Một khi mà một sự ham muốn được thỏa mãn thì lại nẩy sinh ra một ham muốn khác; đối tượng ham muốn là điều thứ yếu, sự thực là chúng ta tìm cách kéo dài cái trạng thái ham muốn liên tục, bởi vì chính sự ham muốn tạo nên trong ta cái cảm xúc dễ chịu, mà chúng ta không bỏ được, một bệnh ghiền. Cũng giống như một người ghiền dần dần quen với thuốc và cần một độ nặng hơn để đạt được sự say sưa như mong muốn, những Tham Ái của chúng ta càng trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng ta càng tìm cách thỏa mãn chúng. Trong cách này, chúng ta chẳng bao giờ chấm dứt được Tham Ái. Và chừng nào còn Tham Ái, ta chẳng bao giờ có hạnh phúc.

     Một dính mắc lớn khác là dính mắc về cái “tôi”, cái bản ngã, cái hình ảnh mình có về chính mình. Đối với một chúng ta, cái tôi là người quan trọng nhất trên thế giới. Chúng ta xử sự giống như một thanh nam châm bao quanh với nhiều mảnh sắt vụn, nó sẽ tự động sắp xếp những mảnh sắt theo một mẫu mực mà nó là trung tâm điểm, và chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, tất cả chúng ta cũng cố sắp đặt mọi chuyện trên thế giới theo ý thích của mình, tìm cách thu hút những gì dễ chịu và đẩy xa những gì khó chịu. Tuy nhiên chẳng có ai trong chúng ta sống một mình, một cái tôi thế nào cũng có mâu thuẩn với một cái tôi khác. Cái khuôn mẫu mà mỗi chúng ta tìm cách tạo nên sẽ bị phá rối bởi từ trường của những kẻ khác, và chính chúng ta trở nên đối tượng của sự thu hút (ưa thích) và sự đẩy xa (ghét bỏ). Kết quả chỉ có thể là bất hạnh, đau khổ. 

     Chúng ta không chỉ giới hạn sự dính mắc vào cái “tôi”: chúng ta còn mở rộng sự dính mắc vào cái “của tôi”, bất cứ thứ gì thuộc về tôi. Mỗi người trong chúng ta phát triển sự dính mắc nhiều về cái gì mà ta sở hữu, bởi vì nó liên hệ gắn bó với ta, nó hỗ trợ hình ảnh của cái “tôi”. Sự dính mắc có thể không tạo nên vấn đề gì nếu cái “của tôi” còn mãi, và cái “tôi” còn tiếp tục hưởng thụ mãi như thế. Tuy nhiên, sự thực thì sớm muộn gì cái “tôi” cũng xa lìa cái “của tôi”. Sự ra đi thế nào cũng đến. Khi nó đến, càng bám víu vào cái “của tôi” thì đau khổ sẽ càng nhiều.

     Sự dính mắc còn mở rộng ra thêm nữa: dính mắc vào quan điểm và tín ngưỡng. Bất cứ nội dung thực sự của quan điểm, tín ngưỡng là gì, có đúng hay sai, nếu chúng ta dính mắc vào chúng thì chúng sẽ làm ta đau khổ. Chúng ta đã khẳng định rằng quan điểm và truyền thống của ta là tốt nhất, khi nghe sự chỉ trích thì chúng ta trở nên bất bình. Chúng ta quên rằng mỗi người có tín ngưỡng riêng. Chẳng có ích lợi gì mà tranh cãi quan điểm nào là đúng hay sai; ích lợi hơn là để qua một bên những quan điểm đã có từ trước và cố gắng thấy được thực tại (Điều này cũng áp dụng cho sự khác biệt giữa các tông phái trong cùng một tôn giáo). Tuy nhiên sự dính mắc của chúng ta vào quan điểm ngăn chận không cho ta làm vậy, và như thế, nó giữ ta trong đau khổ.

     Cuối cùng, có sự dính mắc vào hình thức tôn giáo và lễ nghi. Chúng ta có khuynh hướng đặt nặng cái hình thức lễ nghi bên ngoài hơn là cái ý nghĩa thực sự của nó, chúng ta có cảm tưởng những ai không tham dự vào lễ nghi ấy thì không thể là người thực sự sùng đạo. Chúng ta quên rằng ngoài cái tinh túy của tôn giáo, phương diện hình thức chỉ là cái vỏ rỗng mà thôi. Lòng mộ đạo khi đọc lời cầu nguyện hay khi lễ bái chẳng có giá trị gì nếu tâm đầy giận dữ, đam mê và ý tưởng xấu xa. Thực sự sùng đạo thì phải có tâm trong sạch, từ và bi với tất cả. Tuy nhiên, sự dính mắc của chúng ta với hình thức bên ngoài của tôn giáo làm ta chú trọng tới chi tiết hơn là tinh thần tôn giáo. Chúng ta đánh mất cái tinh túy của tôn giáo và vì thế vẫn còn khốn khổ.

     Tất cả đau khổ của chúng ta, bất cứ là thứ gì, đều nối liền với nhau trong những loại dính mắc trên đây. Dính mắc và đau khổ luôn đi đôi với nhau.

 

Duyên Khởi: Chuỗi Nhân Quả

Khởi Sinh Đau Khổ

      Cái gì tạo nên dính mắc? Nó sinh khởi như thế nào? Phân tích bản chất của riêng mình, Đức Phật khi chưa thành đạo, tìm thấy rằng dính mắc phát triển bởi vì những phản ứng tức thời của tâm do sự ưa thích và sự ghét bỏ. Những phản ứng thật nhanh, vô ý thức của tâm được lập đi lập lại khoảnh khắc này rồi khoảnh khắc kế tiếp, được tăng dần vào các sự thu hút và đẩy xa mạnh mẽ, vào tất cả những dính mắc của chúng ta. Sự dính mắc chỉ là dạng phát triển của phản ứng quá nhanh của tâm. Đây là nguyên nhân trực tiếp của Khổ.  

     Cái gì là nguyên nhân tạo nên sự ưa thích và sự ghét bỏ? Quán sát sâu hơn, Đức Phật thấy chúng xẩy ra bởi vì cảm thọ. Chúng ta có một cảm thọ dễ chịu và bắt đầu ưa thích nó; chúng ta có một cảm thọ khó chịu và bắt đầu ghét bỏ nó.

     Bây giờ thử hỏi tại sao lại do cảm thọ? Cái gì là nguyên nhân tạo nên cảm thọ? Đức Phật quán sát xa hơn bên trong, Ngài thấy cảm thọ sinh khởi là do xúc:  sự tiếp xúc của con mắt với một cảnh, tiếp xúc của lỗ tai với một tiếng động, tiếp xúc của lỗ mũi với một mùi, tiếp xúc của lưỡi với một vị, tiếp xúc của thân với một vật (đụng chạm), tiếp xúc của tâm với một đối tượng như ý tưởng, cảm xúc, ý kiến, sự tưởng tượng hay ký ức. Qua năm giác quan và tâm, chúng ta kinh nghiệm được thế giới. Bất cứ khi nào một đối tượng hay hiện tượng tiếp xúc với một căn nào trong sáu căn (lục nhập, six sense bases), một cảm thọ được tạo nên, dễ chịu hay khó chịu.

     Và tại sao xúc sinh khởi? Đức Phật thấy rằng chính vì có sự hiện hữu của lục nhập (năm giác quan và tâm) làm điều kiện mà xúc sinh khởi. Thế giới thì tràn đầy vô số hiện tượng: cảnh, thanh, hương, vị, xúc, nhiều ý tưởng và cảm xúc. Chừng nào mà lục nhập còn hoạt động thì phải có xúc.

     Rồi thì tại sao có lục nhập? Bởi vì lục nhập là  những phương diện cần thiết cho danh sắc trôi chảy. Và tại sao có dòng danh sắc này? Cái gì làm điều kiện cho danh sắc sinh khởi? Đức Phật hiểu rằng quá trình sinh khởi của danh sắc là do thức làm điều kiện. Thức là hay biết; nó phân chia thế giới ra người biết và cái được biết, chủ thể và đối tượng, “tôi” và “cái kia”. Từ sự phân chia này có kết quả là một thực thể, “sinh”. Mỗi khoảnh khắc thức sinh khởi và nhận lãnh một thực thể danh sắc riêng. Trong khoảnh khắc kế đến, thức lại lấy một hình thể hơi khác. Qua một đời người, thức trôi chảy và thay đổi. Cuối cùng cái chết đến, nhưng thức không dừng ở đó: chẳng có một khoảng hở nào, trong khoảnh khắc kế đến, thức nhận lãnh một hình thể mới. Từ đời này qua đời khác, kiếp này sau kiếp kia, dòng thức tiếp tục trôi chảy.

     Rồi thì cái gì tạo nên dòng thức? Ngài đã thấy rằng dòng thức sinh khởi là do hành (hành nghiệp) làm điều kiện. Tâm liên tục phản ứng, và mỗi phản ứng (hành) thúc đẩy dòng thức tiếp tục diễn tiến trong khoảnh khắc kế tiếp. Phản ứng càng mạnh thì xung lực đẩy càng mạnh. Phản ứng nhẹ của một khoảnh khắc giúp dòng thức duy trì chỉ trong một khoảnh khắc. Nhưng nếu phản ứng ưa thích hay ghét bỏ đó lớn mạnh thành tham ái hay thù nghịch thì nó sẽ giúp dòng thức tồn tại qua nhiều khoảnh khắc, qua nhiều phút, nhiều giờ. Và nếu phản ứng ưa thích hay ghét bỏ càng mạnh mẽ hơn nữa thì dòng thức sẽ tồn tại nhiều ngày, tháng, và có thể nhiều năm. Và trong suốt cuộc đời, nếu con người cứ tiếp tục làm như thế thì họ phát triển đầy đủ xung lực để giữ dòng thức, không những từ khoảnh khắc này qua khoảnh khắc kế tiếp, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, mà còn giữ dòng thức tồn tại kiếp này qua kiếp khác.

     Và cái gì làm điều kiện cho hành sinh khởi?     Quán sát thâm sâu vào thực tại, Đức Phật hiểu rằng hành sinh khởi là do vô minh làm điều kiện. Chúng ta không biết là chúng ta đang phản ứng, và chúng ta không biết bản chất thực sự của cái gì mình phản ứng. Chúng ta vô minh, không biết cái bản chất vô thường, vô ngã của đời sống và không biết rằng dính mắc vào đời sống chẳng mang lại gì ngoài đau khổ. Không biết cái bản chất thực sự của chính mình, chúng ta phản ứng mù quáng. Chẳng biết mình đã phản ứng, chúng ta cứ phản ứng trong mù quáng và để cho phản ứng lớn mạnh dần. Như thế, chúng ta bị thằng thúc trói buộc trong thói quen phản ứng, bởi vì vô minh.

 

Bánh Xe Đau Khổ vận chuyển như sau:

  1.Vô Minh duyên Hành: do Vô Minh làm điều kiện, Hành Nghiệp sinh khởi.

      2. Hành duyên Thức: do Hành Nghiệp làm điều kiện, Thức sinh khởi.

     3. Thức duyên Danh Sắc: do Thức làm điều kiện, Danh Sắc sinh khởi.

     4. Danh Sắc duyên Lục Nhập: do Danh Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sinh khởi.

     5. Lục Nhập duyên Xúc: do Lục Nhập làm điều kiện, Xúc sinh khởi.

     6. Xúc duyên Thọ: do Xúc làm điều kiện, Thọ sinh khởi.

     7. Thọ duyên Ái: do Thọ làm điều kiện, Ái sinh khởi.

     8. Ái duyên Thủ: do Ái làm điều kiện, Thủ sinh khởi.

     9. Thủ duyên Hữu: do Thủ làm điều kiện, Hữu sinh khởi.

     10. Hữu duyên Sinh: do Hữu làm điều kiện, Sinh sinh khởi.

     11. Sinh duyên Lão, Tử Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não: do Sinh làm điều  kiện, Lão, Tử Sầu, Bi, Khổ, Ưu , Não sinh khởi.

     “Đó là toàn bộ một khối khổ đau sinh khởi”.

     Do cái chuỗi nhân quả này, gồm 12 nhân duyên, còn gọi là Pháp Duyên Sinh, chúng ta đã được đưa vào trạng thái hiện tại của đời sống và đối diện với đau khổ trong tương lai.

     Cuối cùng sự thực đã rõ rệt đối với Ngài: Khổ bắt đầu với sự vô minh về thực tại của bản chất thực của chúng ta, vô minh về “cái tôi”. Và cái nguyên nhân kế tiếp của khổ hành (sankhara), cái thói quen phản ứng của tâm. Mù quáng do vô minh, chúng ta phản ứng với tham ái và sân hận, phát triển thành dính mắc, dẫn đến mọi khổ đau. Thói quen phản ứng chính là nghiệp (kamma) và nghiệp nặn lên tương lai của chúng ta.

     Phản ứng (hành) chỉ sinh khởi vì vô minh về cái bản chất thực sự của chúng ta. Vô minh, tham ái và sân hận là ba gốc rễ từ đó mọi đau khổ trong cuộc đời sinh khởi.

 

Con đường thoát khổ

     Đã hiểu Khổ và nguồn gốc của nó, Đức Phật phải đối diện bới câu hỏi kế tiếp là làm thế nào có thể chấm dứt Khổ. Bằng cách nhớ lại luật về Nghiệp, luật Nhân Quả, như sau: “Cái này hiện hữu thì cái kia xẩy ra; cái kia sinh khởi từ sự sinh khởi của cái này. Nếu cái này không hiện hữu, cái kia không xẩy ra; cái kia ngừng nghỉ từ sự ngừng nghỉ của cái này”. Chẳng có cái gì xẩy ra mà không có nguyên nhân. Nếu nguyên nhân bị diệt đi thì sẽ không có quả. Trong cách này, tiến trình sinh khởi của Khổ có thể trở ngược lại, như sau:

     - Nếu vô minh được tận diệt và hoàn toàn dừng lại thì hành dừng lại;

     - Nếu hành dừng lại thì thức dừng lại;

     - Nếu thức dừng lại thì danh sắc dừng lại;

     - Nếu danh sắc dừng lại thì lục nhập dừng lại;

     - Nếu lục nhập dừng lại thì xúc dừng lại;

     - Nếu xúc dừng lại thì thọ dừng lại;

     - Nếu thọ dừng lại thì  ái  dừng lại;

     - Nếu ái dừng lại thì thủ dừng lại;

     - Nếu thủ dừng lại thì hữu dừng lại;

     - Nếu hữu dừng lại thì sinh dừng lại;

     - Nếu sinh dừng lại thì lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não dừng lại.

     Như thế, toàn bộ khối khổ đau dừng lại.

     Nếu chúng ta chấm dứt vô minh thì sẽ không có phản ứng mù quáng đem lại mọi thứ khổ đau. Và nếu không có khổ đau thì chúng ta sẽ thấy an bình thực sự. Bánh xe khổ đau có thể đổi thành bánh xe giải thoát.

     Đây là những gì ngài Siddhattha Gotama đã làm để được giác ngộ. Đây là điều ngài dạy những ai muốn giác giác ngộ:

            Tự mình làm điều ác

            Tự mình sanh nhiễm ô

            Tự mình không làm ác

            Tự mình thanh tịnh

 (Kinh Ph áp Cú, câu 165, ngài Thích Minh Châu dịch)

     Mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về những phản ứng tạo nên khổ đau. Bằng cách nhận trách nhiệm đó, chúng ta có thể học cách loại bỏ khổ đau.

 

Dòng hiện hữu liên tục

     Bằng Bánh xe Duyên Khởi, Đức Phật giải thích tiến trình của sự tái sinh hay luân hồi (samsara). Trong xứ Ấn Độ thời đó, ý niệm về luân hồi được chấp nhận như là một sự thực hiển nhiên. Đối với nhiều người thời bây giờ, ý niệm này dường như còn xa lạ, cho rằng đây có lẽ là một lý thuyết khó biện hộ. Tuy nhiên, trước khi chấp nhận hay bác bỏ, hãy nên hiểu về ý niệm này.

     Samsara là chu kỳ những đời sống lập đi lập lại, sự nối tiếp liên tục của đời sống quá khứ và đời sống tương lai. Hành động của chúng ta là sức mạnh thúc đẩy chúng ta từ đời này qua đời sau. Mỗi đời sống, thấp hay cao, tùy thuộc vào hành động tầm thường hay cao thượng. Về phương diện này chẳng khác gì nhiều tôn giáo  khác dạy về một đời sống tương lai có sự thưởng phạt do hành động của chúng ta trong đời này. Tuy nhiên, Đức Phật nghiệm thấy rằng ngay trong đời sống được đề cao nhất cũng có đau khổ. Vì thế chúng ta không nên tìm kiếm để được tái sanh trong một đời sống may mắn vì chẳng có một sự tái sanh nào mà hoàn toàn may mắn. Mục đích của chúng ta nên tìm cách giải thoát đau khổ.

     Khi chúng ta thoát khỏi vòng đau khổ, chúng ta tìm thấy một hạnh phúc thuần khiết, cao cả hơn những thú vui ở thế gian. Đức Phật dạy cách tìm thấy hạnh phúc đó ngay trong kiếp sống này.

     Samsara chẳng phải là cái ý tưởng thông thường để chuyển một linh hồn hay tự ngã, một cái thực thể cố định, xuyên qua sự hóa thân. Điều này, Đức Phật dạy rõ rệt là không xẩy ra được. Đức Phật nhấn mạnh rằng không có một thực thể bất biến nào đi từ kiếp này qua kiếp khác:

     “Chỉ giống như là sữa từ con bò mà ra, sữa đông từ sữa mà ra, bơ thường từ sữa đông mà ra, bơ trong từ bơ thường mà ra... Tương tự như thế, ở một thời điểm nào chỉ có trạng thái hiện tại của đời sống mới được coi như là thực có, và không phải là quá khứ hay là tương lai”.

     Đức Phật chẳng những đã không chấp nhận có một thực thể cố định được chuyển qua nhiều đời liên tục mà Ngài cũng không chấp nhận có đời sống quá khứ hay đời sống tương lai. Thay vì như thế, Ngài khám phá ra và dạy rằng chỉ có cái tiến trình “hữu” tiếp tục từ đời này qua đời khác, chừng nào chúng ta còn có hành động để thúc đẩy cái tiến trình này.

     Cho dù ta có tin rằng chẳng có sự hiện hữu nào ngoài kiếp hiện tại thì Bánh Xe Duyên Khởi vẫn còn hợp lý. Mỗi một lúc mà ta còn vô minh về các phản ứng mù quáng của mình, ta tạo nên đau khổ cho mình bây giờ và ngay đây. Nếu ta ra khỏi vô minh và ngừng nghỉ phản ứng mù quáng ta sẽ được an bình bây giờ và ở đây. Thiên đàng và địa ngục có ngay bây giờ và ở đây; chúng ta có thể kinh nghiệm thiên đàng và địa ngục trong đời này và trong thân này. Đức Phật dạy rằng: “Cho dù ta tin không có thế giới nào khác, không có sự thưởng hay phạt cho các hành động tốt hay xấu, ngay trong chính đời này chúng ta vẫn có thể sống hạnh phúc, bằng cách tránh xa sân hận, điều xấu và lo âu“.

     Không kể đến sự tin tưởng hay không tin vào kiếp quá khứ hoặc kiếp tương lai, chúng ta phải đối diện với các vấn đề của kiếp hiện tại, đó là vấn đề do phản ứng mù quáng của chính chúng ta tạo nên. Điều quan trọng nhất của chúng ta là giải quyết những vấn đề này ngay bây giờ, tìm cách chấm dứt khổ đau bằng cách chấm dứt cái thói quen phản ứng, và để được hưởng ngay bây giờ hạnh phúc giải thoát ./-

 

Lời người dịch:

     Những điểm sau đây cần lưu ý để hiểu rõ hơn về kinh Mười Hai Nhân Duyên (Paticca Samuppada):

     - (1): Kinh Mười Hai Nhân Duyên có 11 tương quan. Mỗi nhân duyên có thể là “nhân” (nguyên nhân gây ra) hay là “duyên” (điều kiện hỗ trợ) tùy từng trường hợp. Ngoại trừ 2 trường hợp giữa Hành Thức, hay giữa Hữu Sinh là tương quan “nhân quả”, còn 9 tương quan kia chỉ là “duyên” tức là điều kiện hỗ trợ mà thôi.

     - (2): Pháp Duyên Sinh bao gồm cả 3 kiếp sống. Kiếp sống quá khứ gồm Vô Minh và Hành. Kiếp hiện tại gồm Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu. Kiếp tương lai gồm Sinh và Lão, Tử.

     - (3): Có 3 điểm nối kết quan trọng trong Bánh Xe Luân Hồi:

     a) Sự nối kết thứ nhất là giữa Hành và Thức hay là tương quan giữa nhân quá khứ và quả hiện tại.

     b) Sự nối kết thứ hai là giữa Thọ và Ái hay là tương quan giữa nhân hiện tại và quả hiện tại.

     c) Sự nối kết thứ ba là giữa Hữu và Sinh hay là tương quan giữa nhân hiện tại và quả tương lai.

     - (4) Chánh Niệm và Lối thoát ra khỏi vòng luân hồi: Bánh xe Luân Hồi gồm 3 sự nối kết trên làm ta trôi lăn mãi qua bao nhiêu kiếp sinh tử. Câu hỏi tối quan trọng là có lối thoát nào ra khỏi vòng luân hồi không?

     - Câu trả lời là các tương quan thực quá chặt chẽ, không có thể ngừng nghỉ hoặc làm gì được ở mỗi nhân duyên và các điểm nối kết, ngoại trừ ở điểm nối kết thứ hai, giữa Thọ và Ái, chúng ta có hy vọng làm ngừng lại vòng tái sinh của Pháp Duyên Sinh: Sau Cảm Thọ là Ái hay ưa thích. Cho dù có cảm thọ nhưng có thể tránh được ưa thích hay ghét bỏ. Lạc thọ có thể sinh khởi, nhưng nếu biết cách chúng ta có thể không khao khát đối tượng. Dù có khổ thọ, như có cơn đau, nếu biết cách, chúng ta sẽ không bực bội, sân hận. Cho nên ngay ở đây sự nối kết này có thể bị phá vỡ.

     - Nhưng làm thế nào để có thể làm được như vậy? – Bằng Chánh Niệm. Ở đây nổi bật vai trò quan trọng của Thiền Minh Sát Niệm Xứ. Bằng cách thực tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ, chúng ta có thể phá vỡ được Bánh Xe Luân Hồi nhờ chánh niệm ghi nhận kịp thời bất cứ cảm thọ nào, dù lạc thọ, khổ thọ hay thọ trung tính, ngay vào lúc chúng xảy ra. Làm được như vậy, ưa thích hay sân hận sẽ không sinh khởi mỗi khi có cảm thọ. Khi hành thiền có cơn đau thì hành giả được căn dặn là phải chánh niệm ghi nhận liền. Như vậy sẽ không bực bội và tránh sự mong cầu lạc thọ. Do đó, Ái sẽ không sanh khởi. Không có Ái làm điều kiện, Thủ sẽ không sinh khởi... Vì thế, ngay tại điểm nối kết giữa Thọ và Ái, ta có thể phá vỡ vòng Luân Hồi.

     (Những điểm trên đây được trích dẫn từ các bài    giảng của Cố Hòa Thượng U Silananda Sayadaw giảng về kinh “Mười Hai Nhân Duyên”, do Phạm Anh Phạm Phú Luyện soạn dịch, Như Lai Thiền Viện ấn tống. Muốn tìm hiểu về Thiền Minh Sát Niệm Xứ, có thể tham khảo:

     - Căn Bản Thiền Minh Sát, Mahasi Sayadaw, Như Lai Thiền Viện ấn tống

     - Đại Niệm Xứ, U Silananda Sayadaw, Tỳ Kheo Khánh Hỷ dịch, NLTV ấn tống

    - Ngay Trong Kiếp Sống Này, U Pandita Sayadaw, Tỳ Kheo Khánh Hỷ dịch, NLTV ấn tống

     - Sức Mạnh Của Chánh Niệm, Thiền Sư Nyanaponika, Tỳ Kheo Tâm Pháp dịch

     - Tứ Niệm Xứ, Thiền Sư Aachan Naeb, Tỳ Kheo Supanno dịch

     - Chân Đế Và Tục Đế, Thiền Sư Thondara, Tỳ Kheo Khánh Hỷ dịch

     - The Process Of Insight Meditation, Chanmyay Sayadaw, NLTV biên soạn

     - Meditation Now, Inner Peace Through Inner Wisdom, S.N. Goenka

     - Ba Mươi Ngày Thiền Quán, Joseph Goldstein, Nguyễn Duy Nhiên dịch

     - Bhavana: Thiền Phật Giáo Toát Yếu, Bhikkhu T. Seelananda, Liễu Pháp dịch).

 

Liễu Pháp chuyển ngữ