Một cách tương đối, tổ hợp Thân - Tâm được chia thành ba cấp độ gồm: thô lậu, vi tế và rất vi tế.
Thân tâm thô lậu: Thân tâm thô lậu là phạm trù chúng ta đã quen thuộc và dễ cảm nhận nhất. Thân thô lậu được tạo thành từ da, thịt, máu, xương, ngũ quan,… trong khi tâm thô lậu bao gồm năm nhận thức giác quan mang tính thô lậu, hạn chế về sự vật hiện tượng.
Thân tâm vi tế: Thân vi tế hay thân Kim cương bao gồm các kinh mạch, khí năng lượng và các giọt minh điểm tồn tại ở trong các kinh mạch.
Kinh mạch: Những kinh mạch chính được sử dụng trong thiền định là kinh mạch trung ương chạy dọc cột sống và hai đường kinh mạch phụ chạy hai bên kinh mạch trung ương. Dọc theo kinh mạch trung ương có sáu luân xa chính, từ mỗi luân xa trong số này tỏa ra bảy mươi hai ngàn kinh mạch nhỏ chạy khắp cơ thể chúng ta.
Khí: Khí mà chúng ta đang bàn đến không dùng để chỉ đến không khí bên ngoài chúng ta hít thở mà đó là khí vi tế chảy xuyên qua các kinh mạch của chúng ta. Có hai loại khí chính là khí nâng đỡ tứ đại (thô lậu và vi tế) giúp cho thân chúng ta hoạt động; và khí nâng đỡ cảm xúc nghĩa là khí liên hệ với các cấp độ khác nhau của tâm thức. Nguyên lý Mật thừa dạy rằng: “tâm dựa trên khí” điều này có nghĩa là tâm chúng ta thì dựa vào các khí và các khí luôn dịch chuyển cùng tâm. Tâm và khí luôn dịch chuyển cùng nhau qua các kinh mạch vi tế.
Minh điểm: Thân Kim cương của chúng ta bao gồm các năng lượng lỏng vi tế đó là giọt đỏ và giọt trắng. Các Tantra cũng nhắc tới các giọt này là tinh chất Bồ đề tâm Đỏ (tựa mặt trời) và Trắng (tựa mặt trăng). Mặc dù những giọt Trắng và Đỏ luôn ở cùng nhau trong mọi kinh mạch nhưng giọt Đỏ năng lượng âm (năng lượng mẫu tính) thì chi phối tại luân xa rốn và giọt Trắng (năng lượng phụ tính) thì mạnh mẽ tại luân xa đỉnh đầu.
Theo quan kiến Kim Cương thừa, thân vi tế chính là Mandala bên trong tương ứng với Mandala bên ngoài là vũ trụ. Một số pháp thực hành Mật thừa cũng bàn đến các việc luồng nội hỏa là các Bản tôn, vì thế, các pháp thực hành này cho rằng các Daka và Dakini hiện diện và luân chuyển khiêu vũ trong toàn bộ thân thể bạn.
: bao gồm sáu căn bản phiền não, hai mươi tùy phiền não. Trong thực tế, tổng cộng có tám mươi tâm sở. Bởi những vọng tưởng phiền não này rất vi tế nên chúng ta khó có thể hiểu được những đặc điểm, chức năng và việc chúng nắm giữ các suy nghĩ cũng như đem lại những vấn đề rắc rối trong đời sống như thế nào.
Hãy lấy ví dụ về tham, một trong sáu căn bản vô minh. Cho đến giờ, chúng ta không thực sự hiểu được “tham” thực chất nghĩa là gì. Thông thường chúng ta chỉ hiểu tham ở mức độ thỏa mãn về cảm xúc, tuy nhiên theo quan kiến Phật giáo thì tham không phải là sự bám chấp, sự thèm khát của những giác quan mà đấy là những quan niệm do tâm phóng chiếu trên một đối tượng, do đó đem lại những rắc rối cho chính chúng ta. Tham sẽ làm sai lệch cách hiểu và cách nhìn nhận về đối tượng đó, sau đấy chúng ta sẽ bị ảo giác khiến cho bản thân trở nên ám ảnh, thèm khát đối tượng mong muốn. Để có thể hiểu biết được bản chất của tham muốn thực sự là điều không dễ dàng vì điều này đòi hỏi bạn phải có thời gian và thực sự kiểm soát được tâm mình, qua đó có thể đặt câu hỏi và hiểu được quan điểm của bản thân về những đối tượng của tham. Nếu không, chúng ta không thể thấy được những trò lừa gạt của tâm mình. Với điệp khúc lặp đi lặp lại “tôi cảm thấy, tôi muốn”, tham luôn đánh lừa, dẫn dụ và gây hỗn loạn cho cuộc sống của chúng ta.
Do vậy, bạn đừng vội suy nghĩ cho rằng mình đã biết hết mọi thứ về tham. Chúng ta có thể lắng nghe những lý giải về “tham” trong một năm trời nhưng vẫn sẽ chỉ hiểu được khái niệm này về mặt tri thức bên ngoài. Để nhận chân được “tham”, chỉ có một hiểu biết mơ hồ là không đủ mà chúng ta cần thâm nhập và tạo dựng một hiểu biết chắc chắn nơi nội tâm,qua nỗ lực tinh tiến thực hành Phật pháp.
Điều này đưa chúng ta quay trở lại với tâm của mình: tâm hòa đồng theo sự vận hành vô minh và nương theo đó. Nếu tâm không cộng hưởng như vậy, nếu tâm vận hành đúng đắn thì mọi việc vẫn ổn cho dù có xảy ra điều gì. Nhưng như đã giải thích, cho đến lúc này tâm vô minh là vị Vua sai sử mọi hoạt động, suy nghĩ, nhận thức từ thô đến vi tế của chúng ta, và đây là lý do vì sao chúng ta cần thực hành tịnh hóa qua các giai đoạn Phát triển và Thành tựu để nhận ra phẩm tính hoàn hảo của tâm. Sáng tạo là một phương diện của tâm, bản ngã là một phương diện của tâm và trí tuệ cũng vậy. Vì thế, tâm chứa đựng tất cả, bao gồm cả trí tuệ và vô minh. Chừng nào chúng ta còn chưa giác ngộ, tâm còn mang hai phương diện trí tuệ và vô minh, bởi thế chúng ta còn vô minh và bấn loạn.
Thân tâm rất vi tế (hay Tự tính tâm):
Thân rất vi tế: Khía cạnh thứ ba của thân là thân rất vi tế được thể hiện ở thời điểm chết sau khi chấm dứt tiến trình tan rã bên trong, lần lượt diễn ra ba giai đoạn xuất hiện, phát triển và thành tựu tương ứng với tiến trình tan rã bí mật của giọt Trắng, giọt Đỏ và hai giọt gặp nhau ở luân xa tim, sau đó, chúng ta sẽ lần lượt trải nghiệm các dấu hiệu các sắc trắng (Phổ quang nguyệt chiếu), đỏ (Quang minh nhật chiếu) và đen (Huyền quang tịch chiếu). Tiếp đến, ở giai đoạn thứ tư, Pháp tính diệu minh ló rạng. Bốn giai đoạn này tương ứng với Tứ không được đồng thời song hành với năng lượng khí vi tế. Năng lượng khí vi tế nhất là khí đồng hành cùng với tâm quang minh ở luân xa tim. Khí vi tế nhất này là thân vi tế nhất. Khi các hành giả Yogi xuất hiện dưới sắc tướng trải nghiệm về trí tuệ quang minh, khí rất vi tế này thể hiện thành thân huyễn ảo. Vào hiện tại, chúng ta không có sự liên hệ rõ ràng giữa thân và tâm, thân và tâm chúng ta có những năng lượng khác nhau, không thống nhất và hòa hợp với nhau. Điều này khác với các bậc Yogi thượng thừa, các vị đã chứng đạt sự hợp nhất giữa thân-tâm và cũng đồng thời chứng đạt được thân huyễn ảo.
Tâm rất vi tế: Tâm rất vi tế là tâm quang minh bất khả phân với thân rất vi tế. Tâm này trụ trong ở trong giọt bất hoại nằm ở luân xa tim và mọi người đều trải nghiệm tâm rất vi tế này khi họ qua đời. Sở dĩ như vậy vì Thân và Tâm vi tế và rất vi tế đều nằm trong thân của mỗi người, chúng ta ai ai cũng có những đặc điểm và tiềm năng này. Chúng ta phải học cách kích hoạt những cấp độ vi tế này của thân và tâm trong thực hành giai đoạn thành tựu nội hỏa để sau đó chúng ta dùng thân và tâm vi tế này để đạt thành giác ngộ
Lợi ích của việc hiểu được thân tâm vi tế:
Trước hết, việc hiểu được thân vi tế và thân rất vi tế giúp chúng ta nhận ra rằng bên cạnh thân vật lý thô lậu, chúng ta còn có những thân khác ở bên trong mình. Việc hiểu được bản chất của thân Kim cương và thân vật lý hoạt động như thế nào là điều rất hữu ích vì sau đó chúng ta có thể học cách để điều khiển các năng lượng khác nhau của thân này, chúng ta có thể biết được làm thế nào để tiếp cận với những trung tâm tạo ra cảm giác hỷ lạc và khổ đau và làm thế nào để khơi dậy và chấm dứt sự hoạt động của các trung tâm đó.
Theo Mật thừa thì sự đau đớn của thân thường do sự tắc nghẽn về năng lượng gây ra, và sự tắc nghẽn này có mối liên hệ với các trạng thái tâm bị tắc nghẽn. Nếu hiểu được cơ cấu căn bản của thân mình, chúng ta sẽ biết làm thế nào để loại bỏ sự căng thẳng xuất hiện.
Thân chúng ta có tính hữu cơ và chúng ta cần hiểu học cách lắng nghe những nhịp điệu của thân cho đến khi chúng ta cảm nhận rằng mỗi tế bào trong hệ thần kinh của chúng ta đang trò chuyện với chúng ta. Khi đã trưởng dưỡng một nhận thức nhạy cảm như vậy về thân mình thì gần như chúng ta có thể điều khiển được từng tế bào phải làm gì. Do đó, toàn bộ thân chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và hỷ lạc tựa thể chúng ta đang đi trên không trung, đây chính là sự giải thoát bởi đơn thuần chỉ nhờ hiểu được bản thân thì sẽ tạo ra hỷ lạc. Chúng ta hoàn toàn có năng lực này. Thay vì thấy thân là nguồn gốc của khổ đau, chúng ta hiểu được rằng thân có thể trở thành nguồn gốc của hỷ lạc.
Khi mà thân và tâm chúng ta kết hợp lại một cách hoàn hảo đến mức thân là tâm và tâm là thân thì chúng ta sẽ chứng đạt được sự hợp nhất của thân và tâm. Hiện tại, chúng ta chỉ biết quan tâm nhiều đến thân vật lý bên ngoài qua việc trau chuốt hình thức bề ngoài hay giữ gìn vệ sinh bề mặt cơ thể.
Trong giai đoạn thành tựu, qua các pháp thực hành về thân vi tế như Sáu Yoga của Naropa, chúng ta sử dụng những kỹ thuật thiền khác nhau để làm việc với thân vi tế, học cách kiểm soát năng lượng của thân Kim cương này, đặc biệt là năng lượng khí bởi vì tâm đi trên khí, tâm di chuyển nhờ khí. Chúng ta có thể hướng tâm tới bất cứ nơi đâu chúng ta muốn. Cuối cùng, chúng ta có thể điều khiển tâm đạt tới giác ngộ. Đó là lý do tại sao việc đào tạo bản thân về bản chất của thân vi tế lại có tầm quan trọng đến vậy.
http://daibaothapmandalataythien.org/giao-phap-kim-cuong-thua-phat-giao-giai-doan-thanh-tuu/hop-tam