Ngài Xá Lợi Phất Sariputra - Trí Tuệ Đệ Nhất
Từ xưa đến nay, từ đông sang tây, đa phần các tôn giáo đều thiên về đức tin, riêng Phật giáo thì ngược lại, chỉ tin là khi đã dùng lý trí xét đoán, nói khác hơn Phật giáo thiên về trí tuệ. Bởi thế thông thường, Đạo Phật được gọi là đạo Trí Tuệ, đạo Giác Ngộ, đạo Bồ Đề. Đức Phật là một con người đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ, giác ngộ hoàn toàn. Người theo đạo Phật cần cầu trí giác cao tột của Phật Đà. Thời Phật còn tại thế, những đệ tử của Phật đều chứng Thánh quả. Trong số 1.250 vị, có mười vị đạt đến địa vị ưu tú bậc nhất, goị là mười vị đại đệ tử, gọi chung là Thánh Chúng. Đứng đầu là Ngài Xá Lợi Phất, Trí Tuệ Đệ Nhất.
Xá Lợi Phất Trước Khi Theo Phật
Gia thế Xá Lợi Phất:
Ở Nam Ấn Độ tại nước Ma Kiệt Đà, cách thành Vương Xá khoảng hai dặm, có một thôn trang tên là Ca La Tý, nơi đây có non xanh nước biếc, cảnh trí u tịch, Ngài đã ra đời trong bối cảnh địa dư này.
Xá Lợi Phất thuộc dòng dõi Bà La Môn, thân phụ là Ưu Ba Đề Xá hay Ưu Ba Thất Sa (Upatisya), một luận sư nổi danh trong hàng Bà La Môn. Thân Mẫu là bà Xá Lợi (Sàri) cũng là một người phụ nữ thông minh có tài biện luận. Bà là chị ruột của Câu Hy La (Kausthila), tức là Phạm Chí Trường Trảo. Những lúc luận bàn giáo lý với chị Trường Trảo luôn luôn bí lối. Không chịu thua chị, nhất là còn ngại về sau có thể thua đứa cháu ở trong bào thai của chị; với truyền thống của gia đình Trường Trảo tin con của Ưu Ba Thất sau sẽ thông minh tuấn tú. Vì tự ái, Trường trảo đến Nam Thiên Trúc quyết học 18 bộ kinh (xem chú thích ở cuối bài). Với lời thề, nếu chưa thông suốt thì không cắt móng tay, vì có móng tay dàI người đời tặng cho Phạm Chí, biệt hiệu là Trường Trảo. Xưa theo phong tục Ấn Độ, ngoài dùng tên cha để gọi con, phổ biến hơn người đời còn có thói quen gọi con bằng tên mẹ. Tiếng Phạn là Sàriputa, phiên âm là Xá Lợi Phất Đa La gọi tắt là Xá Lợi Phất, có nghĩa là con trai của bà Xá Lợi. Trung Quốc còn gọi là Xá Lợi Tử.
Tài biện luận và đạo giáo của Ngài Xá Lợi Phất:
Xá Lợi Phất là một thần đồng, lúc mới lên tám tuổi Ngài đã thuộc hết 18 bộ Kinh, biện tài vô ngại. Vào tháng hai, tại nước Ma Kiệt Đà, hai anh em trưởng giả Cát Lợi và A Già La hợp cùng dân chúng tổ chức lễ tế đà. Đàn tràng tiếp đón khách quý có 4 bậc:
Vua - Thái Sư - Đại Thần - Luận Sư .
Khi đến dự lễ Xá Lợi Phất ngồi vào đàn thứ tư và dõng dạc tuyên bố: - Ai muốn hỏi gì thì hỏi. Các Luận sư cho Ngài là một thiếu niên ngỗ ngáo. Để hạ bệ Xá Lợi Phất các Luận sư cho các đệ tử nhỏ tuổi đến chất vấn, nhưng với tài biện luận khúc chiết, Ngài đã làm cho mọi người phải kinh ngạc, các Luận sư đều thán phục. Quốc Vương vui mừng vì thấy đất nước có nhân tài lỗi lạc, nên đã đem một trang trại ban cho Ngài.
Để quán thông triết lý của các đạo giáo đương thời, năm 20 tuổi Ngài rời thôn trang, thân thuộc, đến học đạo lý với San Xa Da Tỳ La Lê Tử, một trong sáu phái Lục sư ngoại đạo. Đây là phái hoài nghi cho chân lý có thể biến đổi, tu đạo là vô ích chỉ cần tu thiền định là được giải thoát. Trong một thời gian ngắn Ngài đã am tường hết đạo lý của phái này, nhưng tư tưởng vẫn chưa thỏa mãn. Xá Lợi Phất đem tâm sự thố lộ với bạn đồng học lúc bấy giờ là Mục Kiền Liên, cả hai cùng đồng chung một tâm trạng nên đều tính từ giã từ giả phái hoài nghi để làm một học đoàn riêng. Tuổi trẻ tài cao, hai thanh niên cho là ở đời không có người trí thức nào sánh kịp, và cũng chẳng có ai có tư cách để làm thầy mình. Chẳng bao lâu mỗi vị đều có 100 đệ tử, cả hai còn ước hẹn hễ ai đắc đạo trước thì thông báo lại đễ dẫn dắt nhau tiến theo một con đường.
Đạo Nghiệp Của Xá Lợi Phất Sau Khi Theo Đức Phật
Xá Lợi Phất Ngộ Lý Duyên Sinh:
Một hôm tại thành Vương Xá, Xá Lợi Phất gặp Ngài Mã Thắng tức A Xã Bệ Thệ đang đi khất thực. Đây là một tỳ kheo đã trải qua một thời gian dài tu khổ hạnh, khi gặp Phật Ngài đã nghe Pháp Tứ Đế mà ngộ đạo, trở thành một trong năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Thấy phong độ uy nghi của Mã Thắng, Xá Lợi Phất tỏ lòng kính phục và thân đến hỏi đạo, Mã Thắng cho Xá Lợi Phất biết ông là đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Xá Lợi Phất hỏi Ngài về đạo lý của Phật Thích ca, Ngài đem giáo lý duyên sinh để giảng giải. Theo Phật, tất cả các pháp trong thế gian đều do nhân duyên mà có sinh, rồi cũng hoại diệt khi nhân duyên đã hết. Giáo pháp đó được diễn tả qua bài kệ:
Chư Pháp tùng duyên sinh
Diệt tùng nhân duyên diệt
Ngã Phật Đại Sa môn
Thường tác như thị thuyết.
Nghĩa là:
Các Pháp do duyên sinh
Lại cũng do duyên diệt
Thầy tôi là Đức Phật
Thường giảng dạy như vậy.
Nghe thuyết duyên sinh, Xá Lợi Phất thấu suốt được sự thành hoại của vũ trụ duyên sinh và rất thán phục Đức Phật, nên theo Mã Thắng đến Trúc Lâm Tinh Xá bái yết Đức Phật. Để khai thị thêm cho Xá Lợi Phất, Phật thuyết đạo lý Vô Ngã Niết Bàn... Theo Phật "Các hành vô thường là pháp sanh diệt, sinh diệt diệt rồi tịch diệt là vui."
Trước Đức Phật Xá Lợi Phất xin được quy y và xin được đưa Mục Kiền Liên đến Tinh Xá Trúc Lâm.
Hôm sau, cả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn 200 đệ tử đến thọ giáo với Phật. Giáo đoàn của Phật không những chỉ tăng thêm số lượng mà còn tăng thêm về mặt chất lượng. Phật rất hài lòng vì thấy giáo pháp sâu xa nhiệm mầu, từ nay đã có Xá Lợi Phất tiếp thu. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai thủ lãnh tư tưởng tôn giáo cao thâm trong giới học đạo bấy giờ.
Xá Lợi Phất chỉ đạo xây dựng Tinh Xá Kỳ Viên:
Khi Phật đang ở Phương Nam Ấn Độ, có trưởng giả Tu Đạt, hiệu là Cấp Cô Độc, người thành Xá Vệ, nước Kiều Tát La ở Tây Bắc Ma Kiệt Đà, đến Tinh Xá Trúc Lâm nghe Phật thuyết giảng pháp Bố thí, bái phục Đức Phật, trưởng giả muốn xây dựng một tinh xá ở phương Bắc nước Ma Kiệt Đà, để thỉnh Phật về hoằng hóa. Sau khi trải vàng mua đất của Thái Tử Kỳ Đà, cạnh thành Vương Xá. Trưởng giả xin Phật đề cử một vị thiết kế và trông coi công trình xây cất tinh xá. Phật biết ở phương Bắc có nhiều triết nhân ngoại đạo, chỉ có Xá Lợi Phất mới có đủ sức thuyết phục, để có thể vừa trông coi công trình, vừa đối phó với ngoại đạo, Phật cử Xá Lợi Phất theo Tu Đạt về phương Bắc.
Tinh xá bắt đầu khởi công, hàng ngoại đạo tìm phương cản trở, nhằm ngăn chận đà phát triển của Phật giáo. Họ yêu cầu Tu Đạt bỏ ý định xây dựng tinh xá và cũng yêu cầu ông không nên theo Phật. Vì đã thâm tín Phật Tu Đạt vẫn xúc tiến công trình; các nhà ngoại đạo tính hạ uy tín Xá Lợi Phất, để giúp Tu Đạt bỏ Phật. Tu Đạt rất lo ngại cho Xá Lợi Phất có thể không tranh biện nổi với ngoại đạo, ông trình bày nổi ưu tư với Ngài. Nhưng! Xá Lợi Phất cho đây là một cơ hội tốt để đạo Phật tuyên dương chánh pháp. Ngài nhờ Tu Đạt đến hàng ngoại đạo ước hẹn ngày tranh luận. Vốn xuất phát từ Bà La Môn và đã am tường các triết thuyết đương thời, ngay trong ngày tranh luận đầu tiên Ngài đã thắng 10 Luận sư danh tiếng của ngoại đạo. Xá Lợi Phất đã tạo nhiều thanh thế cho Phật ở phương Bắc. Vì Xá Lợi Phất đã chuyển hầu hết các tư tưởng gia ngoại đạo về với Phật, khi Phật chưa đến giáo hóa. Từ đó sau khi Tinh xá Kỳ Viên hoàn thành, giáo đoàn của Phật về nước Xá Vệ được đón tiếp vô cùng nồng hậu linh đình. Công trình xây dựng Tinh xá, Xá Lợi Phất thiết kế 16 tiểu đường, gồm có: phòng ngủ, nhà khám bệnh, nhà tắm, nhà kho, nhà nhóm họp, giảng đường... Đây là một trung tâm văn hóa thứ hai của Ấn Độ, gọi là trung tâm Kiều Tát La, còn trung tâm văn hóa thứ nhất được thành lập tại nước Ma Kiệt Đà.
Thọ thức ăn bất tịnh:
Khi về thành Ca Tỳ La Vệ, giáo hóa cho các bậc vương tôn, công tử, Phật cho La Hầu La xuất gia và ủy thác cho Xá Lợi Phất lo việc dạy dỗ, Xá Lợi Phất đã truyền thọ giới Sa Di cho La Hầu La. Một hôm Ngài dẫn La Hốu La đI khất thực, hàng đàn na tín thí dâng cúng các thức ăn ngon cho Ngài và các vị Tỳ kheo Trưởng lão, còn hàng Sa di chỉ thọ nhận các vật có ít dinh dưỡng như xác mè ép, rau đồng luộc... trộn với cơm hẩm. Lòng của La Hầu La rất bất mãn và có ý nghĩ rằng tuổi trẻ sức đang phát triển, ăn uống như thế cơ thể sẽ bị suy nhược, không có sức khỏe để tiến tu đạo nghiệp. Khi về đến Tinh Xá, lòng La Hầu La vẫn buồn rầu và lên trình với Phật sự cố. Phật khuyên La Hầu La không nên có niềm đố kyï, người xuất gia chỉ cầu Phật đạo chứ đâu cần sự ăn uống, người tu hành khi thọ nhận của cúng dường một hạt mè, một hạt cơm cũng nên tự thấy là đủ rồi. Có tam thường bất túc, mới xứng đáng là bậc có chí xuất trần thượng sĩ, đừng quá quan tâm đến việc ăn uống.
Tuy dạy La Hầu La như thế, nhưng Phật cũng cho mời Xá Lợi Phất đến và dạy rằng:
· Xá Lợi Phất! Hôm nay ông thọ thức ăn bất tịnh, ông có biết không?
· Nghe Đức Phật nói, Xá Lợi Phất kinh hãi liền cho thức ăn ói ra hết, rồi bạch Phật:
· Bạch Đức Thế Tôn! Từ khi xuất gia, con luôn luôn y pháp khất thực, chưa bao giờ con trái nguyên tắc và thọ thức ăn bất tịnh.
· Tuy biết rõ tâm của Xá Lợi Phất, nhưng Phật giải thích:
· Xá Lợi Phất tuy ông khất thực không trái phép nhưng không quên săn sóc các Tỳ kheo nhỏ tuổi và Sa di. Khi khất thực phải lưu tâm đến họ, để họ khỏi sinh tâm đố kyï và phát tâm tôn kính bậc Trưởng thượng. Nhân cơ hội này, Phật chế phép Lục Hòa để làm nguyên tắc sinh hoạt cho Tăng đoàn:
1. Thân hòa đồng trú Cùng chung với nhau một chỗ.
2. Khẩu hòa vô tranh Không nên tranh cãi với nhau
3. Ý hòa đồng duyệt Thông cảm và cởi mở với nhau
4. Lợi hòa đồng quân Lợi lộc nên đem chia đều cho nhau
5. Giới hòa đồng tu Giới luật cùng nhau giữ gìn
6. Kiến hòa đồng giải San sẻ hiểu biết cho nhau
Nghe xong, Xá Lợi Phất hoan hỷ tín thọ và tuân hành áp dụng.
Kẻ phản nghịch kính sợ:
Trong số đệ tử của Phật, Đề Bà Đạt Đa luôn luôn muốn hạ Đức Phật để làm thầy, ông vốn là con nhà thúc bá với Đức Phật. Dù đã xuất gia, ông xúi thanh niên hại Phật, dụ dỗ A Xà Thế thả voi say chà Phật, ngay cả ông cũng đả xô đá làm cho Phật bị thương ở chân, và ông cũng đã tách rời giáo đoàn để làm giáo chủ.
Một hôm Đức Phật và Thánh chúng đi khất thực về và đang nghỉ ngơi, Đề Bà cầm đầu một nhóm Tỳ kheo la lối om sòm, yêu cầu Phật nhường quyền lãnh đạo cho ông, Đức Phật vẫn im lặng mặc cho Đề Bà làm náo động. Không thể chịu đựng được, Ngài A Nan là một bào đệ của ông lên tiếng chỉ trích Đề Bà.
A Nan dõng dạc nói:
· Xin Đề Bà hãy im lặng, Đức Phật là bậc chí tôn anh không thể thay thế Phật được. Anh phỉ báng Phật, anh làm mất sự hòa hợp của Tăng đoàn anh sẽ mang tội rất nặng. Giờ này, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ở đây anh không sợ sao? Chắc chắn hai vị sẽ không để anh tung hoành như thế được?
· Thấy không lay chuyển được Phật, Đề Bà chuyển hướng, đem lợi lộc của vua A Xà Thế cúng dường để dụ dỗ các Tỳ kheo ham lợi, tách khỏi đại chúng và thành lập một giáo đoàn riêng do ông thủ lãnh. Sau một buổi đI khất thực về, bè nhóm của Đề Bà Đạt Đa tụ tập phân chia phẩm vật của đàn việt một cách ồn ào. Thấy trái đạo lý Xá Lợi Phất lên tiếng:
· Này chư vị! Chúng ta đi xuất gia với mục đích giác ngộ, giải thoát hay vì lợi lộc cúng dường?
Cả nhóm đồng đáp:
· Thưa Xá Lợi Phất! Vì mục đích tu đạo, cầu giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
· Thế! Các ông hãy loại bỏ tâm tham thực, ăn năn sám hối trở về giáo đoàn tu theo pháp lục hòa.
Nghe Ngài khuyến hóa, cả nhóm đều bỏ rơi Đề Bà, trở về với Đức Phật. Từ đó uy tín của Ngài được tăng thêm, Đề Bà Đạt Đa cũng kính sợ Xá Lợi Phất hơn cả Phật.
Rộng lượng khoan dung:
Tại Tinh Xá Kỳ Viên, sau ba tháng hạ Xá Lợi Phất tạm biệt Đức Phật để lên đường đi hóa đạo. Khi Ngài ra khỏi cổng Tinh xá, một Tỳ kheo thưa với Đức Phật rằng: - Xá Lợi Phất vô cớ nhục mạ ông, rồi bỏ đi với lý do đi giáo hóa, thực sự Xá Lợi Phất không đi truyền bá Phật pháp. Phật cho gọi Xá Lợi Phất trở lại và yêu cầu cho biết dữ kiện. Xá Lợi Phất trình Phật:
· Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi theo Đức Thế Tôn học đạo đến nay tuổi gần 80, con chưa bao giờ làm tổn hại sinh mạng kẻ khác, chẳng biết dối trá chăm lo thăng tiến đạo nghiệp, kể cả 40 năm qua, đưoợc vinh dự làm môn đệ của Đức Thế Tôn, dù nhiều lần được Đức Thế Tôn khen ngợi, nhưng con chưa bao giờ tỏ ý kiêu mạn coi thường người khác, từ đó đâu dám nhục mạ người trong giáo đoàn.
· Con thiết nghĩ: Đất luôn luôn nhận lãnh hết tất cả những sự dơ uế của thế gian, con tự nguyện làm đất luôn luôn nhẫn nhịn tất cả những điều tráI ý, không hạ nhục bất cứ ai. Dòng nước cuốn trôi, rửa sạch tất cả những vết dơ bẩn của trần gian, con tự nguyện rửa sạch trần cấu cho mọi người. CáI chổi quét sạch hết tất cả rác rưởi không hề phân biệt con tự nguyện làm cáI chổi quét sạch bụi trần của chúng sanh. Bấy lâu con chưa hề khinh khi ai, chưa hề có ý niệm phân biệt, cố gắng không để tâm vọng đọng thường an trú trong chánh niệm. Bởi thế nếu con còn có lỗi lầm nào, xin các tỳ kheo từ mẫn chỉ bảo con xin thành khẩn y pháp sám hối.
Để thỏa mãn cho tất cả các môn đệ, Phật cho gọi các tỳ kheo đương cáo ra đối chứng. Trước giáo đoàn, vị tỳ kheo đã nói dối rất hổ thẹn, xin Phật và Xá Lợi Phất rộng lượng khoan dung. Phật bảo trong đời có hai hạng người mạnh nhất đó là người không có tội, người có tội mà biết ăn năn sám hối. Riêng Xá Lợi Phất không những không oán giận mà còn hoan hỷ khoan dung.
Phẩm hạnh nhường nhịn:
Một hôm Xá Lợi Phất đi truyền giáo ở phương xa, đến trời tối mới trở về, các phòng xá đều bị các tỳ kheo lục quần chiếm hết. Ngại lục quần làm ồn ào, Ngài lẳng lặng ra ngoài sân ngủ dưới gốc cây. Sáng ngày biết được sự ngủ nghỉ mất trật tự, Đức Phật gọi nhóm lục quần đến hỏi lý do. Nhóm lục quần bạch với Phật rằng:
·Xá Lợi Phất không xuất thân từ hàng Bà La Môn, cũng không phải dòng dõi Sát Đế Lợi, do đó Xá Lợi Phất không có quyền có chỗ ngủ riêng, sàng tòa tốt đẹp...
Để ngăn chặn sự sai trái của nhóm lục quần, Đức Phật dạy:
· Ngày xưa trong núi tuyết có chim chóc, khỉ, voi đồng chung ở. Tuy là bằng hữu nhưng cả ba loài không nhường nhịn nhau, con nào cũng tự cao tự đại định hại nhau. May có một vị tiên giải thích sự phải trái, cả ba loài mới biết kính nhường loài lớn tuổi. Các Tỳ kheo! Giáo pháp của ta xương minh phép bình đẳng, nhưng không vì thế mà mất trật tự. Những ai có đạo hạnh cao, pháp lạp nhiều, tuổi lớn phải được cung kính cúng dường, ưu tiên nơi ăn chốn ở được tốt nhất, thực phẩm ngon tươi nhất.
Nghe Đức Phật nói đại chúng đều y giáo phụng hành. Xá Lợi Phất không vì thế mà ngã mạn, lại cảm ơn sự ưu ái của Phật và sự trọng nể của giáo đoàn.
Phép ăn của Tỳ kheo:
Một ngày nọ, sau khi khất thực về Xá Lợi Phất quay mặt vào vách mà ăn, thấy vậy nữ Phạm Chí Tịnh mục chất vấn:
· Ông đang ăn?
· Không, Xá Lợi Phất đáp.
· Ông cúi miệng mà ăn?
· Không.
· Ông ngữa miệng mà ăn?
· Không.
· Vuông miệng mà ăn?
· Không.
· Quay miệng bốn phương mà ăn?
· Không.
· Không phải 4 phép ăn như trên, thế thì ông ăn bằng cách nào?
Xá Lợi Phất giải thích:
+ Người xuất gia đem thảo mộc đổi thức ăn mà ăn, gọi là cúi miệng mà ăn.
+ Dùng phép xem tinh tú để có ăn, gọi là ngửa miệng mà ăn.
+ Nịnh bợ nhà giàu để được ăn, gọi là vuông miệng mà ăn.
+ Bói toán bùa chú để có ăn, gọi là quay miệng bốn phương mà ăn.
Ta không ăn theo 4 phép đó. Người tu hành chỉ đI khất thực mà ăn một cách thanh tịnh.
Nghe Ngài giảng giải, nữ Phạm chí sinh tâm hoan hỷ, chứng quả Tu Đà Hoàn.
Khen một cái chết đẹp:
Thấm nhuần tư tưởng bình đẳng dù đã chứng Thánh quả, đối với nữ giới, Ngài vẫn kính trọng. Gần thành Vương Xá trong một khu rừng khi đang ngồi thiền định, bỗng nghe tiếng Tỳ kheo ni Ưu Ba Tiên Na kêu cứu ở một khu rừng đối diện, Xá Lợi Phất liền xả thiền, vội vàng đi tiếp cứu. Khi Ngài đến, Ưu Ba Tiên Na lấy lại được sự bình thản và trình bày:
· Thưa Tôn Giả! Vừa rồi trong lúc đang tọa thiền, con nghe một vật gì láng trơn chạm vào cơ thể, con liền nghĩ có thể đó là một con rắn, tức thì con liền bị rắn cắn, nọc đọc của rắn đã ngấm vào người con và con sẽ lìa đời. Xin Tôn Giả thông báo cho chư ni quy tụ về đây để con tỏ lời cáo biệt.
Bấy giờ sắc diện của Ưu Ba Tiên Na vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Thấy thế Xá Lợi Phất nói với Ưu Ba Tiên Na rằng:
· Chắc không hề gì vì sắc diện của Tỳ kheo không biến đổi.
Ưu Ba Tiên Na thưa rằng:
· Bạch Tôn giả! Với đạo lý của Đức Phật, thân do 4 đại, 5 uẩn, hư vọng hợp thành, không có chủ tể là vô thường, là không, rắn làm sao cắn được cái "Không". Con thầm hiểu như thế nên con không cảm thấy đau đớn. Nhờ đó mà nét mặt con không biến sắc.
Xá Lợi Phất hết lời khen ngợi Ưu Ba Tiên Na và thông báo cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni ở trong khu rừng tập họp và đưa Ưu Ba Tiên Na ra khỏi hang động. Khi nọc độc của rắn đã ngấm khắp cơ thể, Ưu Ba Tiên Na xã bỏ báo thân vào cõi tịch diệt Niết Bàn. trước các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, Xá Lợi Phất ca ngợi Ưu Ba Tiên Na, do đạt được giới thân tuệ mạng nên có một cái chết thật đẹp, sắp chết mà sắc diện vẫn không bị biến đổi, tâm hồn lại rất bình thản, đáng cho người tu hành phải noi gương.
Xá Lợi Phất Viên Tịch
Lại một hôm, khi nghe tin người lão hữu Mục Kiền Liên bị bọn lõa hình ngoại đạo ám hại tại thành Thất La Phiệt (tức Xá Vệ), lúc đang đi thuyết giáo. Xá Lợi Phất vô cùng buồn rầu, suốt mấy ngày liền. Bấy giờ Đức Phật, Xá Lợi Phất và một số Tỳ kheo ở tại thành Vương Xa¸, thấy Xá Lợi Phất vì thương bạn mà ủ rủ, Phật phải khuyên răn. Sau đó Phật tập họp tất cả tăng chúng báo cho tất cả biết tin Mục Kiền Liên đã vào Niết Bàn và nhân đó Phật cũng báo cho chúng Tăng hay sau ba tháng nữa là Phật sẽ vào Niết Bàn. Cùng lúc nhận được hai tin buồn, Mục Kiền Liên đã chết một cách bi thảm và Phật cũng sắp ra đi, lòng Xá Lợi Phất vô cùng chua xót. Bởi thế liền ngày hôm đó, Xá Lợi Phất xin được về quê thăm mẹ và nhập Niết Bàn trước Phật. Vì theo Xá Lợi Phất trong quá khứ các đệ tử hàng đầu đều nhập Niết Bàn trước vị giáo chủ đương thời. Hơn nữa, Ngài không muốn chứng kiến cảnh đau buồn khi Phật nhập Niết Bàn.
Sau khi tạ từ Đức Phật và giáo đoàn, Xá Lợi Phất lên đường về quê nhà tại thôn Ca La Tỳ Ma Ca với một Sa di tên là Quân Đầu, lúc nầy Ngài đã 80 tuổi, mẹ của Ngài cũng đã ngoài 100 tuổi. Vì đã 40 mươi năm xa cách, mẹ con gặp nhau trong cảnh mừng mừng tủi tủi ... dù đã già bà vẫn xem Tôn Giả như hồi còn thơ ấu, bà sai cháu gái là Ưu Ba Ly Bà Đa thu dọn cho Tôn Giả một căn phòng thật khang trang. Ngay trong đêm gặp mẹ già ngoài vấn đề giảng giải đạo lý của Đức Phật, Xá Lợi Phất bày tỏ tâm sự: trước là về quê thăm mẹ, sau cũng xin phép mẹ được từ giả cõi đời tại quê nhà. Tuy có đau buồn nhưng bà Xá Lợi cũng thấy vinh dự có được một người con đạo cao đức trọng, biết trước ngày giờ rời bỏ xác thân để sửa soạn giờ biệt ly vô cùng chu đáo. Sau đêm tâm sự với mẹ già, Ngài cho gọi dân làng đến để bố giáo và tỏ lời từ biệt. Trước dân làng, trước môn đồ tứ chúng và có cả vua A Xà Thế, Ngài bày tỏ tâm tình thiết tha yêu quê hương xứ sở và đem giáo pháp của Phật khuyên bảo mọi người.
Xá Lợi Phất bày tỏ mục đích ra đời của Phật là: Vì một đại sự nhân duyên chỉ rõ tri kiến Phật cho chúng sinh. Con nguời cần tiến tu Giới, Định, Tuệ để giải thoát sinh tử luân hồi. Nhưng trước hết phải xây dựng con người, tạo lập một quốc gia xã hội an bình tốt đẹp là chính yếu, con người nên noi gương từ bi nhẫn nhịn của Phật để sinh hoạt. Vào đến nữa đêm, mọi vật hoàn toàn yên lặng, Ngài lạy chào mẹ già, vua A Xà Thế và tất cả những người hiện diện rồi nhập đại định Niết Bàn. Sau khi làm lễ Trà Tỳ, Sa di Quân đầu mang hàI cốt Ngài trở về trình với Đức Phật. Để giáo đoàn được chiêm bái và nhân thể tán dương Xá Lợi Phất, Đức Phật tập họp đại chúng Tỳ kheo lại và dạy rằng:
· Đây là hài cốt của Xá Lợi Phất, một bậc trí tuệ hàng đầu. Xá Lợi Phất là người đã tiếp thu trọn vẹn giáo pháp cao huyền của ta được truyền bá đầu tiên ở phương Bắc, đó là công lao của Xá Lợi Phất. Trí tuệ của Xá Lợi Phất thật là trí tuệ cao tuyệt, trừ Đức Phật ra không ai bì kịp. Qua trí tuệ đó, Xá Lợi Phất đã thành tựu đạo nghiệp. Bậc đại trí nầy đã chứng pháp tính, ít muốn biết đủ, siêng năng dũng mãnh, tiến tu thiền định, không cố chấp trước, đối với ngoại đạo luận bàn vô ngại, hoằng truyền chính pháp lợi lạc mọi người, thoát ly sanh tử khổ đau, chứng nhập Niết Bàn.
Trong hàng Thánh chúng nay trong mười đại đệ tử của Phật, Xá Lợi Phất đứng hàng đầu, vì đạo Phật là đạo của trí tuệ. Mục đích của Phật là khai thị cho chúng sanh cáI tri kiến của chư Phật (Kinh Pháp Hoa-Phẩm Tựa). Mặt khác với triết lý của đạo Phật, thuyết duyên sinh là một thuyết thâm áo nhất. Đạo Phật giải thích sự hiện hữu của mọi hiện tượng, sự vật khách quan, thế giới hữu hình qua thuyết duyên sinh, sự vật sinh sinh hóa hóa, liên hệ chằng chịt với nhau, Kinh Hoa Nghiêm gọi là trùng trùng duyên khởi. Cái nầy có thì cái kia có, cái nầy diệt thì cái kia diệt. Có lần Tỳ kheo Mang Đồng Tử hỏi Đức Phật về thế giới thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên, Phật cho là không nên hý luận nhưng không vì thế mà Phật không giải thích thế giới hiện tượng. Chính thuyết duyên sinh nầy đã giải thích sự sinh tồn của vũ trụ vạn vật. Xá Lợi Phất đã thấu rõ thuyết duyên sinh. Bởi thế Xá Lợi Phất là bậc Trí Tuệ Đệ Nhất đứng đầu trong hàng Thánh chúng.
Nhờ có trí tuệ số một biện tài vô ngại, Ngài đã chinh phục được các Luận sư của Bà La Môn ở phương Bắc Ấn Độ, khi Ngài đến Ma Kiệt Đà để xây dựng Tinh Xá Kỳ Viên. NgoàI trí tuệ, Ngài còn là nhà kiến trúc đại tài. Tôn giả đã thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tinh Xá Kỳ Viên. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa ngang hàng với trung tâm văn hoá Kiều Tát La, thời Phật còn ở Ấn Độ có hai trung tâm văn hóa lớn nhất là Ma Kiệt Đà và Kiều Tát La. Khi Đức Phật còn tại thế, Xá Lợi Phất được tín nhiệm và được cử đi bố giáo đầu tiên. Vì ngoài trí tuệ biện tài, Ngài còn am tường mọi tập tục, truyền thống của dân tộc Ấn Độ, hơn nữa là ngôn ngữ đương thời của Ấn Độ, thời cổ đại tư tưởng tôn giáo đã nhiều mà ngôn ngữ các địa phương không phải là một. Bởi thế Ngài mới đại diện Phật tuyên dương giáo pháp khi Phật còn hiện diện. Mặt khác, Xá Lợi Phất còn là vị có phẩm hạnh cao, khi bị chỉ trích là đã thọ thức ăn bất tịnh, con người khinh mạn, bị Lục quần chiếm chỗ ngủ nghỉ ... Ngài vẫn từ áI khoan dung không tranh chấp thù oán. Trí tuệ đã cao mà từ ái lại bao la, Xá Lợi Phất được giáo đoàn kính nể. Đề Bà Đạt Đa là một con người có nhiều tác oai tác quái, đòi thay Phật lãnh đạo giáo đoàn, nhưng đối với Xá Lợi Phất vẫn kính sợ hơn cả Phật. Sau hết Ngài là con người tha thiết với quê hương với thôn xóm, với mẹ già, với mọi người dân quê. Khi 80 tuổi, Ngài quay về với quê hương để ban bố giáo pháp cho tất cả mọi người rồi mới vào Niết Bàn.
Nhìn chung, với những người xuất gia theo Phật để được gọi là toàn bích phải được đầy đủ 3 đức: An Đức, Trí Đức và Đoạn Đức. Xá Lợi Phất đã thể hiện trọn vẹn, cho nên xứng đáng là vị đứng đầu trong giáo đoàn của Phật. Nhưng không vì đạo nghiệp giải thoát mà quên mất mẹ già, quê hương thôn xóm, dù đã 80 tuổi Ngài vẫn về quê nhà truyền bá nếp sinh hoạt vị tha vô ngã... Xá lợi Phất xứng đáng là một biểu tượng cho tất cả mọi người noi theo./.