Luận sử tông Tịnh độ
Việt dịch: Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình
Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả
Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại
Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành
Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An
Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn
Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch: 2548 - 2004
--- o0o ---
04.
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ TỊNH ĐỘ TÔNG TRUNG QUỐC
Nguyên tác: Cao Vĩnh Tiêu
Việt dịch: Thích Quảng Bình
I. KHAI TỪ
Mục đích tu hành duy nhất của Phật giáo là giải thoát sanh tử, lìa khổ được vui. Nhưng phương pháp để tu hành thì có rất nhiều, trong đó có pháp môn niệm Phật. Hành giả tu hành theo pháp môn này là cầu vãng sanh về cõi Cực lạc ở phương Tây1. Đây chính là Tịnh độ tông.
Phương pháp và ý nghĩa của việc cầu sanh Tịnh độ sớm đã được đức Thế Tôn nói rõ trong các kinh. Ngài vì hạng người bình thường mà diễn bày pháp môn phương tiện, để khuyến họ phát nguyện tu hành. Pháp môn này mở bày con đường cho chúng sanh tiến thẳng vào bậc Chánh đẳng chánh giác. Chỉ cần hành giả tha thiết nhất tâm xưng danh hiệu Phật, mười niệm liên tục, làm cho sáu căn nhiếp phục, không vọng động, tán loạn. Công phu tịnh niệm liên tục không gián đoạn, đến khi lâm chung tự nhiên sẽ được đức Phật trợ lực tiếp dẫn sinh về cõi Tây phương Cực lạc, thành bậc A-bệ-bạt-trí.2
Trong các Kinh giáo mà đức Phật đã thuyết, như kinh Di-đà, kinh Vô lượng thoï3, kinh Quán vô lượng thọ Phật, kinh Bát-chu tam-muội, kinh Phật thuyết quán Phật tam-muội hải, kinh Bi hoa, kinh Đại bảo tích v.v… đều có nói rõ về đạo lý Tịnh độ, mà 3 bộ kinh trước (kinh Di-đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ Phật) là chỗ y cứ tu tập chủ yếu của Tịnh độ tông. Về sau, đại sư Ấn Quang là một vị cao tăng cận đại lại bổ túc thêm chương “Đại Thế Chí niệm Phật viên thông” trong kinh Lăng nghiêm và phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa nghiêm, làm thành 5 bộ kinh Tịnh độ để tu trì và niệm tụng cho tông này.
Do đó, chắc chắn đức Thế Tôn là Thủy tổ của Tịnh độ tông, còn người khởi xướng thì có các vị đại Bồ-tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm và Đại Thế Chí. Tại Ấn Độ đề xướng xiển minh tông này thì có ngài Mã Minh và ngài Long Thọ4. Ngài Thế Thân Bồ-tát thì y cứ theo kinh Vô lượng thọ mà tạo ra bộ Vãng sanh luận, gọi là Vô lượng thọ kinh Ưu-bà-xá-đề nguyện sanh kệ, nêu rõ 5 pháp môn tu niệm5, để mọi người nương vào đó tu tập đều được vãng sanh Cực lạc.
Tư tưởng về Tịnh độ tại Ấn Độ tuy không được mọi người hưởng ứng, nhưng tại Trung Quốc lại rất thịnh hành và còn đi sâu vào quần chúng nhân dân, trở thành một tông phái nổi bật của Phật giáo Trung Quốc. Tông phái này có sự liên hệ mật thiết tư tưởng văn hoá và căn cơ Đại thừa của người Trung Quốc. Cho đến nay, tuy đã trải qua hơn một ngàn năm mà vẫn “đâm chồi nảy lộc” không bị tán thất. Nó cùng phát triển song song với Thiền tông của Trung Quốc, đồng thời cũng trở thành đại biểu cho Phật giáo hiện nay trên thế giới, có thể nói hai tông phái này (Thiền, Tịnh) là tinh hoa của Phật giáo.
Tịnh độ tông không giống như các tông phái khác của Phật giáo là cần có thầy trực tiếp trao truyền, cho nên không có hệ thống tổ sư tiếp nối. Hơn nữa, trước đây đại sư Huệ Viễn không có ý khai tông lập phái. Do đó, hơn ngàn năm nay tuy tín đồ Phật giáo qui ngưỡng tông này rất đông và có các vị đại sư kiệt xuất xuất hiện cũng không phải là ít, tứ chúng đệ tử niệm Phật phát nguyện vãng sanh và có rất nhiều người đã đạt được kết quả tốt đẹp, (xin xem Tịnh độ thánh hiền lục) nhưng họ đều không có ý đồ lập phái xưng danh. Cho đến đời nhà Tống, có ngài Thạch Chi Tông Hiểu là một đại sư đức cao vọng trọng, chủ xướng liệt 7 vị đại sư tài đức, là những vị tu hành pháp môn niệm Phật rất nổi tiếng ở các thời đại, vào thành 7 vị tổ của Liên tông. Các vị ấy là Huệ Viễn, Thiện Đạo, Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiểu Khang, Diên Thọ và Tỉnh Thường. Đến đời nhà Minh, tứ chúng lúc bấy giờ lại suy tôn ngài Vân Thê, Trí Húc, làm tổ thứ 8 và thứ 9. Đến đời nhà Thanh lại một lần nữa suy tôn ngài Hành Sách, Tỉnh Am, Triệt Ngộ làm tổ thứ 10, 11, và 12. Người gần đây lại suy tôn ngài Ấn Quang làm tổ thứ 13, người đời sau theo đây mà tôn sùng, chẳng qua chỉ là ngưỡng mộ và tưởng niệm công lao hoằng dương Tịnh độ của người đi trước mà thôi. So với sự truyền thừa y bát và “Dĩ tâm ấn tâm” của Thiền tông, không thể đem ra so sánh được.
Phần tiếp theo tôi sẽ đem truyện ký của các vị đại sư đã nói ở trước và lịch sử Phật giáo Trung Quốc làm điểm y cứ để soạn thuật phần Tịnh độ giản sử này.
II. TÌNH HÌNH THỜI GIAN ĐẦU CỦA PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC
Khoảng 550 năm, sau đức Phật nhập diệt, tức là vào năm thứ 10 đời vua Hán Minh Đế, Trung Quốc (năm 67 TL), phụng theo lệnh của vua Minh Đế, Hán Trung Lang Tướng Thái Am, Tần Cảnh và Bác sĩ Vương Tuân cả thảy gồm 18 người lên đường qua các nước Tây Vực để tìm cầu Phật đạo. Khi tới nước Đại Nguyệt Thị ở Thiên Trúc, họ gặp 2 vị Sa-môn hoằng pháp là Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan. Nhóm quan Thái Am đảnh lễ cầu thỉnh và được 2 ngài chấp thuận. Bèn dùng ngựa trắng (Bạch mã) đưa kinh tượng cùng với 2 ngài về đến Lạc Dương, Vua Minh Đế mừng rỡ liền sắc dựng chùa Bạch Mã thỉnh 2 ngài cư trú6. Đến đây Phật giáo mới bắt đầu truyền nhập vào Trung Quốc, cũng là lúc Trung Quốc bắt đầu có chùa và Sa-môn. Cũng vào năm đó, 2 vị Pháp sư dịch xong bộ kinh “Tứ thập nhị chương”, đây là bộ kinh được phiên dịch sớm nhất tại Trung Quốc7.
Về sau, vào khoảng thời gian từ năm 220 đến 265 trước và sau đời Tam Quốc, Tăng chúng ở các nước Thiên Trúc và Tây Vực lần lượt đến Trung Quốc, như An Thế Cao, Chi-lâu-ca-sấm, Trúc Phật Sóc, Chi Khiêm, Khương-tăng-hội, Đàm-kha-ca-la, Trúc Pháp Hộ và Trúc Thúc Lan v.v… Các vị này đều nhận lãnh trách nhiệm chủ yếu là phiên dịch kinh điển. Tuy thời gian này kinh điển đã được dịch nhiều, nhưng chỉ là những đoạn giản lược rời rạc không có một hệ thống nhất định. Đây là giai đoạn phôi thai đặc trưng của Phật giáo Trung Quốc. Thời kỳ này ngài Chi-lâu-ca-sấm dịch bộ kinh Bát-chu tam-muội(3 quyển), kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác (2 quyển), ngài Khương Tăng Khải dịch bộ kinh Phật thuyết vô lượng thọ (2 quyển), ngài Chi Khiêm dịch bộ kinh Phật thuyết A-di-đà v.v… Đây là những bộ kinh Tịnh độ đầu tiên được truyền vào Trung Quốc.
Đến thời Đông Tấn, Phật giáo mới bắt đầu thịnh hành. Đặc trưng của thời kỳ này chính là tư tưởng giáo lý của Phật giáo được phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Ngoài những vị kế tục công việc dịch thuật theo một hệ thống rất tiến triển, còn có chú thích về kinh điển cũng nhiều. Tư tưởng giáo lý dần dần đi sâu vào quần chúng nhân dân, rất được mọi người hưởng ứng đón nhận nghiên cứu và tu tập. Thời kỳ này có các vị dịch giả nổi tiếng xuất hiện như ngài Cưu-ma-la-thập, Phật-đà-bạt-đà-la, và Trúc Phật Niệm v.v…
Lại có thêm 2 vị Pháp sư trứ danh xuất hiện, vị thứ nhất là Pháp Hiển, ngài là hành giả đầu tiên sang Tây Vực cầu Pháp. Về sau có ngài Huyền Trang, ngài Nghĩa Tịnh, trở thành 3 nhân vật lớn của Trung Quốc lưu học tại Ấn Độ. Đặc biệt là Đạo An, ngài là người đầu tiên xây dựng nền mống cơ bản cho Phật giáo Trung Quốc.
Pháp sư Đạo An (?-389) – Sư họ Vệ, người đất Thường Sơn (tỉnh Hà Bắc), thuở nhỏ nổi tiếng là người thông minh, sau xuất gia với ngài Phật Đồ Trừng. Đến tuổi trung niên, sư đi du phương học đạo, làu thông kinh điển, mỗi khi mở hội giảng kinh thính chúng có đến hàng ngàn người, sư đều ân cần khuyên bảo giáo hoá cho cả. Tất cả mọi người theo sư tu học đều được lợi ích không thể kể xiết, vì thế danh tiếng của sư đồn vang khắp nơi.
Về sau Quan Trung (nay tỉnh Thiểm Tây) có loạn, sư và đệ tử của mình là Huệ Viễn cùng hơn 400 người đi tới Tương Dương (nay tỉnh Hồ Bắc), trú tại chùa Bạch Mã, rồi tiếp tục công việc hoằng dương Phật pháp. Sau Phù Kiên (Tiền Tần) nghe tiếng, bèn cung thỉnh sư đến Trường An (năm 372), đến đời Hiếu Vũ Đế cũng rất kính trọng sư. Tăng chúng bốn phương theo sư cầu học rất đông, có đến hàng ngàn người, mọi người ai ai cũng cảm mến tài đức của sư. Suốt đời sư chỉ tận tụy với công việc hoằng dương Phật pháp. Sư thị tịch năm thứ 14 niên hiệu Thái Nguyên, đời Hiếu Vũ Đế (năm 389), thọ hơn 90 tuổi. Sư Đạo An có trước tác bộ “Tịnh độ luận” (6 quyển), đây là tác phẩm tiêu biểu mở đầu cho công cuộc hoằng dương pháp môn Tịnh độ tại Trung Quốc. Đệ tử của sư là Huệ Viễn sáng lập Liên tông tại Lô Sơn, về sau nơi này trở thành trung tâm của Phật giáo phương nam. Trung tâm này có sự ảnh hưởng rất lớn của Huệ Viễn.
III. HUỆ VIỄN – NGƯỜI THẮP SÁNG NGỌN ĐUỐC TỊNH ĐỘ TÔNG TRUNG QUỐC
Đại sư Huệ Viễn họ Cổ, nguyên quán thuộc xứ Lâu Phiền, Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây. Sư sanh vào đời vua Tấn Thành Đế niên hiệu Hàm Hòa thứ 9 (năm 334). Lúc thơ ấu, bẩm tánh rất hiếu học, nổi tiếng là người thông minh mẫn tuệ, suốt thông cả Lục kinh8, đối với các học thuyết của Chu dịch, Lão Trang sư đều thông biện đến mức siêu quần. Niên hiệu Cảnh Bình, sư vừa được 21 tuổi, cảm thấy các học thuyết sở đắc của mình không thể giải quyết được vấn đề sinh tử, luân hồi mà trong thân tâm vẫn hằng luôn thao thức, nên sư cùng em của mình là Huệ Trì theo ngài Đạo An xuất gia học đạo.
Khi nghe ngài Đạo An giảng kinh Bát-nhã, tâm trí sư được mở thông tỏ ngộ, tinh tường diệu lý của Bát-nhã. Từ đó sư chuyên tâm sớm hôm đọc tụng, suy nghĩ nghĩa lý và tu tập, rất được ngài Đạo An quý trọng, khen ngợi tán thán.
Do trong nước có loạn, nên sư cùng với thầy của mình phải lánh về Tương Dương. Về sau, ngài Đạo An nhập Quan (vào Quan Trung), sư cùng với 10 người đệ tử xuôi về phía nam Kinh Châu, khi đến xứ Tầm Dương thấy cảnh Lô Sơn rộng rãi tĩnh mịch, thanh u, phải nơi hành đạo. Sư rất thích cảnh trí này, bèn lưu lại đây kết tranh làm thất mà nương ở tu tập, giảng kinh Niết-bàn.
Quan Thứ Sử Hoàn Y ở Giang Châu nghe danh kính mộ tài trí của sư, bèn phát tâm xây dựng Tòng lâm cho sư ở phía đông của núi Lô Sơn. Lúc đó “lấy đá làm nền, chặt cây dựng nhà, suối trong uốn quanh, mây trắng đầy nhà”, vì vậy mà có tên gọi là “Đông Lâm Tự”. Về sau nơi này trở thành một danh lam thắng cảnh của Phật giáo. Nhưng cũng vào thời gian này, ở phía Tây ngọn núi có sư Huệ Vĩnh là bạn đồng học với sư Huệ Viễn trú ở đó, có tên gọi riêng là Tây Lâm Tự, nhằm năm thứ 11 niên hiệu Thái Nguyên (386).
Khi ngôi Già-lam trang nghiêm thanh nhã đã được hoàn thành, sư lại xây dựng thêm Thiền đường. Bấy giờ Tăng chúng thỉnh sư hướng dẫn tu tập thiền định, khiến cho Thiền pháp của Giang Nam nhân đó mà toả sáng. Lần lần các bậc danh sĩ trí thức mộ đạo ở bốn phương tìm đến, qui tụ tham học ở Đông Lâm ngày càng đông. Đồ chúng vãng lai của sư có hơn 3000 người. Trong đó các bậc danh sĩ chơn tín có đến 123 người; trong 123 người này lại có 18 người thượng thủ gọi là Thập Bát Hiền như Bành Thành, Lưu Di Dân v.v… đều là những người từ bỏ danh lợi và lạc thú tầm thường của thế gian, thường qua lại tham học với sư Huệ Viễn.
Đến đời Hiếu Vũ Đế, niên hiệu Thái Nguyên năm thứ 15 (năm 390), đại sư cùng tất cả chúng kết lập Bạch Liên xã, lấy pháp môn Tịnh độ làm chỗ y cứ tu tập chung cho hội. Trước đức Phật Vô Lượng (Phật A-di-đà) lập thệ nguyện đồng sanh về cõi Tây phương Cực lạc. Như vậy, chúng ta có thể thấy được đại sư là người tiên phong đầu tiên sáng lập Bạch Liên tông ở Trung Quốc.
Đại sư ở Lô Sơn hơn 30 năm, mà chưa bao giờ bước chân xuống núi lần nào. Khước từ mọi liên hệ không cần thiết với thế gian, ngày như đêm, sư chuyên để tâm nơi Tịnh độ, lặng lòng quán tưởng. Vì thấy ở Giang Nam kinh điển thiếu nhiều, nên sư sai các đệ tử băng núi vượt rừng, đến các nước Tây Vực tìm các bộ kinh nguyên bản và cử người đứng ra phiên dịch.
Khi biết được ngài Cưu-ma-la-thập đã vào Trung Quốc, sư bèn viết thư đến hỏi đạo. Hai người cùng trao đổi thư tín, nghiên cứu pháp lý, thảo luận những điều nghi ngờ, rất tâm đầu ý hợp. Thường thỉnh ngài Phật-đà-bạt-đà-la, Tăng-già-đề-bà v.v… đến Lô Sơn phiên dịch Kinh tạng. Đại sư tinh thông nghĩa lý, hiểu làu các kinh. Sư vốn là người thuộc Bát-nhã không tông, nên tác phẩm do sư trước tác là “Pháp tánh luận”, nhằm thuật cái diệu lý của Bát-nhã thường trú. Ngoài ra còn có: Thi, Tự, Minh, Tán cộng lại gồm có 10 quyển, đều được chép vào ở trong Lô Sơn tập. Sư không những chỉ là một nhân vật được mọi người (Trung Quốc) lúc bấy giờ kính mộ, mà danh tiếng của Sư còn vang đến các nước Tây Vực, họ gọi sư là “Đại thừa đạo sĩ”. Cũng kể từ đó, chùa Đông Lâm ở Lô Sơn dần dần trở thành trung tâm Nam địa Phật giáo, so với Trung Tâm của ngài Cưu-ma-la-thập ở vườn Tiêu Diêu phía Bắc Trường An thì chẳng thua kém gì bao nhiêu cả.
Về sau, vào khoảng tháng 8, năm thứ 12 niên hiệu Nghĩa Hy (năm 416), sư lâm bệnh nặng. Trong cơn nguy kịch, sức lực gần kiệt nhưng sư vẫn tinh tấn trì giới, niệm Phật không một mảy may lơ đễnh, rồi từ từ an nhiên thị tịch. Đại sư hưởng thọ được 83 tuổi.10
IV. ĐÀM LOAN - NGƯỜI TIẾP NỐI NGỌN ĐUỐC VÀ HOẰNG DƯƠNG TỊNH ĐỘ TÔNG
Khoảng 100 năm sau khi ngài Huệ Viễn viên tịch, lúc bấy giờ là đời Đông Ngụy thuộc Bắc Triều, có đại sư Đàm Loan là người chủ trương tu tập và xiển dương pháp môn Tịnh độ, không những chỉ niệm Phật mà còn nương vào nghĩa lý của kinh điển tu tập.
Đàm Loan sanh vào đời Hậu Ngụy vua Hiếu Văn Đế, niên hiệu Thừa Minh nguyên niên (năm 476). Sư là người Nhạn Môn, xuất gia năm 15 tuổi, vốn bẩm tính thông minh, nên đối với nội, ngoại điển sư đều tinh tường. Đến khi lâm bệnh nặng, sợ mạng người mỏng manh chết mất trong sớm tối, nên sư có ý định muốn học Tiên thuật để được trường sanh bất lão. Vào năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh An, sư qua Giang Nam khẩn cầu Tiên thuật nơi ông Đạo Hoàng Cảnh, một nhà tu Tiên chánh truyền. Ông Đào truyền cho 10 quyển kinh Tiên, sư hớn hở mang về, cho rằng nương theo 10 quyển kinh này mà tu tập ắt sẽ thành tựu. Trên đường đến Lạc Dương sư gặp ngài Tam tạng pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, qua đôi lời vấn đáp thưa hỏi, Tam tạng pháp sư bèn đem Phật pháp giảng giải cho sư và nói rằng: “Tu luyện Tiên thuật dù được trường sanh bất lão, nhưng rồi cũng còn luẩn quẩn trong ba cõi sáu đường, không thoát khỏi luân hồi sanh tử, chỉ có trong Phật pháp nếu tu hành thoát khỏi luân hồi sanh tử, không còn bị sanh tử trói buộc nữa thì đó mới là trường sanh.” Pháp sư bèn trao cho Đàm Loan quyển kinh “Quán vô lượng thọ” và bảo: “Tu học theo đây thì không còn rơi vào chốn luân hồi sanh tử nữa. Đây là pháp trường sanh rốt ráo của Phật pháp!”.
Đàm Loan như vừa tỉnh cơn mê, vén được màn sương mịt mờ che lối, khởi lên lòng tin vững chắc, vui mừng đón nhận, rồi đốt kinh Tiên mà dựa vào Quán kinh chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Từ đó về sau sư quán triệt được thâm nghĩa của Pháp môn Tịnh độ, tu Tam phước nghiệp11, quán tưởng Cửu phẩm liên hoa, đem pháp môn Tịnh độ khuyến hoá mọi người tu tập. Nhân đó, Tịnh độ tông được “Khai hoa nở nhụy” lưu hành rộng rãi trong chốn nhơn gian, được vua Hiếu Tĩnh Đế nhà Ngụy cung kính tôn trọng và khen ngợi chí nguyện, tài đức của sư, ban hiệu là Thần Loan.
Về cuối đời, tuy là tuổi già sức yếu nhưng đại sư vẫn hết mình hoằng dương Tịnh độ tông. Lúc bấy giờ Tịnh độ tông có sự ảnh hưởng của sư rất lớn, người tín ngưỡng ngày cũng đông nhiều. Trước tác của sư gồm có: Lược luận an lạc Tịnh độ nghĩa, Tán A-di-đà Phật kệ v.v…
Sư thị tịch tại chùa Diêu Sơn ở Phần Châu, vào năm thứ 4 niên hiệu Hưng Hoà, đời Đông Ngụy (năm 542), thọ 67 tuổi. Lúc sư thị tịch kẻ đạo người tục đều nghe tiếng nhạc du dương từ phía Tây vang đến rất lâu mới dứt12.
Tóm lại, tuy tình hình Phật giáo trong khoảng thời gian hơn 160 năm giữa 2 thời đại Nam-Bắc triều (420-588), do thời thế hỗn loạn, nhưng cũng có phần nào phát triển đáng kể. Như pháp sư Chơn Đế, dù sống trong thời cuộc thăng trầm nhưng ngài vẫn dịch được bộ Duy thức nhiếp luận v.v… và sáng lập Nhiếp luận tông. Tăng Duệ, Đạo Sinh là môn hạ của ngài Cưu-ma-la-thập thì xiển dương học thuyết của Tam luận tông. Ngài Huệ Quán thì sáng lập Niết-bàn tông. Còn về Thiên Thai tông thì do ngài Huệ Tư và Trí Khải thành lập. Ngài Bồ-đề-đạt-ma người Thiên Trúc đến Trung Quốc vào đời Lương Võ Đế, trở thành sơ tổ của Thiền tông. Nghệ thuật điêu khắc kinh tượng của Phật giáo tại 2 động lớn, một là tại động Vân Cương ở Đại Đồng (Sơn Tây), còn một là tại động Long Môn ở Lạc Thành đều đạt được đỉnh cao của nghệ thuật, rất nguy nga tráng lệ, trở thành bảo tạng của Phật giáo Trung Quốc.
Trong giai đoạn này, tuy Phật giáo chịu đựng một sự hủy diệt tàn khóc của Thái Võ Đế và Châu Võ Đế, nhưng kết quả vẫn có những vị vượt qua mọi bế tắc sóng gió của thế gian, đem hết sức mình xây dựng ngôi nhà chung của Phật giáo, có được những thành tựu đáng khen ngợi tán thán. Vả lại, đến đời nhà Tuỳ, nhà Đường Phật giáo lấy lại được khí thế ban đầu của mình và tiếp tục phát triển, huy hoàng rực rỡ.
Thời gian này, Thiền tông và Tịnh độ tông ở thời kỳ đầu có sự quan hệ mật thiết. Đây chính là do chủ trương Thai, Tịnh song tu của ngài Trí Khải. Về sau, các vị tổ sư kế tục của Thiên Thai tông, đều dùng 2 pháp môn dung hoà thành một nhịp mà tu trì, và cũng tích cực hoằng dương Tịnh độ. Ngài Trí Khải có trước tác những tác phẩm về Tịnh độ như: Tịnh độ thập nghi luận, kinh Quán vô lượng thọ sớ, A-di-đà kinh nghĩa ký, Ngũ phương tiện niệm Phật môn.13
V. ĐỜI NHÀ ĐƯỜNG, ĐẠO XƯỚC, THIỆN ĐẠO … TIẾP NỐI CHƯ VỊ TIỀN BỐI Ở QUÁ KHỨ VÀ MỞ ĐƯỜNG TƯƠNG LAI CHO TỊNH ĐỘ TÔNG
Hai triều đại nhà Tùy và nhà Đường là hai thời đại hoàng kim nhất của Phật giáo Trung Quốc. Các tông phái Đại thừa của Phật giáo Trung Quốc, có phần nào tự do phát triển hơn trước, có thể nói đạt đến một đỉnh cao không thể ngờ được. Kế tục Phật giáo Ấn Độ mà tại Ấn Độ lại bị suy kém, còn Trung Quốc thì lại lưu hành rộng rãi, rạng rỡ khác thường. Giáo nghĩa các tông phái của thời kỳ này, trở thành một biểu hiện thăng hoa của Phật giáo Trung Quốc.
Vào đời nhà Tùy, ngài Cát Tạng đã soạn thảo hoàn chỉnh giáo nghĩa của Tam luận tông. Đời nhà Đường, ngài Đỗ Thuận thành lập Hoa nghiêm tông, ngài Đạo Tuyên thì hoằng dương Luật tông, ngài Huyền Trang, Khuy Cơ thì truyền bá Pháp tướng tông. Đạo Xước, Thiện Đạo thì kế tục và phát huy Tịnh độ tông, Huệ Năng, Thần Tú thì thành lập Nam Bắc Thiền. Khai Nguyên Tam Đại Sĩ14 xây đắp mật đàn cứu tế mọi người. Có thể nói các tông phái thời kỳ này đã góp phần làm cho Phật giáo Trung Quốc huy hoàng rực rỡ, phong phú và đa dạng, từ trước đến nay chưa từng có.
Tuy rằng, các tông phái Phật giáo đời nhà Đường cùng phát triển song song, nhưng Tịnh độ tông thì phát triển hơn hết và tồn tại lâu dài. Người tích cực hoằng dương Tịnh độ tông nhất chính là Đạo Xước và Thiện Đạo.
Đại sư Đạo Xước họ Vệ, người ở Tấn Dương, Tinh Châu15, sanh vào đời Bắc Tề niên hiệu Thiên Bảo thứ nhất (năm 562). Năm 14 tuổi, sư xuất gia và hằng ngày chỉ tập trung vào việc nghiên cứu kinh luận, đặc biệt tinh thông kinh Đại Niết-bàn. Về sau sư đến trụ trì chùa Huyền Trung, ở núi Thạch Bích, huyện Vấn Thủy, đây là ngôi chùa mà ngài Đàm Loan đã khai sơn trước kia. Vì Đạo Xước kính mộ ngài Đàm Loan chuyên tu pháp môn Tịnh độ đến khi lâm chung có các điềm lạ xuất hiện, ánh sáng chói loà khắp cả hư không, nên bỏ Niết-bàn mà quy tâm về Tịnh độ. Ngày đêm 6 thời chuyên tâm niệm Phật Di-đà hơn bảy vạn biến liên tục chẳng dứt.
Đại sư giảng dạy Quán vô lượng thọ kinh gần 200 hội, mọi người khắp nơi qui y học đạo với sư rất đông có đến hàng trăm hàng vạn, tất cả đều được đại sư ân cần dạy bảo và dùng pháp môn niệm Phật khuyên hoá họ tu tập, lợi ích không thể nghĩ bàn.
Đại sư thị tịch vào năm thứ 19 niên hiệu Trinh Quán (năm 645) đời nhà Đường, thọ 84 tuổi. Sư có trước tác bộ An lạc tập, người đời thường gọi sư là Tây Hà Thiền Sư.16
Thiện Đạo là đệ tử của ngài Đạo Xước, người Lâm Truy, sanh vào năm thứ 9 niên hiệu Đại Nghiệp (năm 613). Sư xuất gia lúc còn niên thiếu và thường đọc tụng, nghiên cứu kinh Pháp Hoa, kinh Duy-ma. Về sau sư nghiên cứu sâu vào Tam tạng giáo điển, thấy được sự giá trị của bộ kinh Quán vô lượng thọ, từ đó sư tinh cần sớm hôm chuyên tâm niệm Phật, tu mười sáu pháp diệu quán17.
Trong niên hiệu Trinh Quán thứ 15 (năm 641), sư đến chùa Huyền Trung ở Tây Hà tham vấn ngài Đạo Xước, nghe giảng Quán kinh tại đạo tràng Tịnh độ cửu phẩm, cảm kích ân đức của ngài Đạo Xước, sư càng nhất tâm chuyên chí phát tâm niệm Phật hơn, nhân đó mà đắc được niệm Phật tam-muội. Không lâu sau sư lại đến chùa Ngộ Chơn ở núi Chung Nam huyện Lam Điền, rồi vào Trường An, trụ tại chùa Quang Minh, thuyết pháp khuyến khích tứ chúng phát tâm niệm Phật. Hơn 20 năm, sư không phân biệt chỗ nằm tốt xấu, ít khi ngủ nghỉ, chỉ trừ lúc tắm rửa, chẳng bao giờ giải y, ngày cũng như đêm đều hành trì tinh nghiêm, mỗi lúc nhập thất sư đều nhất tâm niệm Phật, nếu chưa thiệt đuối sức thì không dừng nghỉ. Lúc ra thất, sư lại vì mọi người mà diễn bày pháp môn Tịnh độ. Hàng ngày sư nghiêm trì giới hạnh, không để sai phạm mảy may, xem danh lợi như bèo trôi bọt nổi có đó rồi không, xa lìa các hý luận điên đảo, viết hơn 10 vạn quyển kinh Di-đà, họa cảnh Tịnh độ trên 300 bức.
Khi đến xứ này, đại sư nhìn thấy các cảnh già lam và chùa cổ, Tháp gạch hư hoại rất nhiều, sư đều ra sức sửa sang tất cả, kẻ đạo người tục được sư giáo hoá rất đông, không thể kể xiết. Mỗi khi sư niệm một danh hiệu A-di-đà, liền theo câu niệm đó có một tia hào quang từ miệng sư phóng ra, kế tiếp sư lại niệm liên tục từ 10 đến 100, 1000 câu, mỗi câu đều có ánh quang minh dài phóng ra nối nhau không dứt. Cho nên người đời gọi sư là Quang Minh đại sư.
Đại sư viên tịch vào năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Long (năm 681), thọ 69 tuổi. Những tác phẩm do sư trước tác gồm có: Quán kinh sớ, Quán niệm pháp môn, Bát-chu tán, Vãng sanh lễ tán, Pháp sư tán … đều lấy Liên tông làm mực thước để hành nghĩa.18
Tiếp nối ngài Thiện Đạo có ngài Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiểu Khang.
Đại sư Thừa Viễn, sanh vào năm thứ nhất niên hiệu Diên Hòa (năm 712) đời nhà Đường.
Sư đến Kinh Châu tham học với pháp sư Chân Công ở chùa Ngọc Tuyền. Một thời gian sau, Chân Công dạy sư nên đến Hoành Sơn để ứng duyên hoằng hoá, đây là một nơi giáo pháp có thể hưng thịnh. Khi đến nơi đây, sư dùng mọi phương kế chỉ bày khuyên bảo mọi người tu theo pháp môn niệm Phật, sư viết lời Phật dạy bên đường, bên khe, khắc giáo pháp lên trên đá, trên vách, tận tụy khuyên bảo người, không câu nệ, mệt nhọc.
Do ân đức giáo hoá của sư, mọi người quanh vùng đều được sống chan hoà trong giáo pháp của đức Phật. Từ đó không cần sư chỉ dẫn, mọi người đều tự bảo nhau, kẻ mang vải, gạo, người khiêng gỗ, đá, tiền của càng lúc càng nhiều, sư vẫn thản nhiên không khước từ, không khuyến khích, chẳng mấy lúc đã hoàn thành một ngôi Tùng Lâm uy nghiêm, tên gọi là Di-đà Tự. Còn lại những tài vật dư ra thì sư bảo đem cứu giúp cho kẻ nghèo đói tật nguyền.
Năm thứ 18 niên hiệu Trinh Nguyên (năm 802), sư thị tịch tại chùa Di-đà, thọ 91 tuổi. Về sau, vua Đại Tông vì kính mộ tài đức của sư, nên vua truyền chỉ sắc phong cho trú xứ của sư là “Bát-chu Đạo Tràng”.19
Đại sư Pháp Chiếu – Vào năm thứ 2 niên hiệu Đại Lịch (năm 767), sư đến chùa Vân Phong ở Hoành Châu xuất gia tu học, sư lấy các pháp Từ bi, Nhẫn nhục, Giới, Định làm pháp ấn tu tập hằng ngày cho mình. Mùa hạ năm thứ 4, tại chùa Hồ Đông ở Hoành Châu, sư mở đạo tràng niệm Phật được năm hội. Ngày khai hội, liền cảm ứng thấy đức Di-đà hiện ra với thân sắc vàng sáng chói khắp cả hư không, sư bèn phát nguyện sanh về cõi Tây phương, luôn luôn gần gủi hầu hạ lễ bái đức Phật Di-đà. Cũng vào tháng 8 năm ấy, sư cùng với một số bạn đồng học do ngài Nam Nhạc dẫn đầu, cho đến ngày 6 tháng 4 năm sau (Năm đại lịch thứ 5) mới đến được chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Đài. Vào khoảng nửa đêm, sư bỗng nhiên nhìn thấy chùa Đại Thánh Trúc Lâm, và được đức Văn Thù Bồ-tát và Phổ Hiền Bồ-tát thọ ký, khuyên sư nên gắng chuyên chí nơi pháp môn niệm Phật thì công đức không thể nghĩ bàn, tất sẽ được vãng sanh Cực lạc, mau chứng quả vị Vô thượng Bồ-đề. Từ đó ngày cũng như đêm sư lại càng tinh tấn niệm Phật hơn, và sư lại nhờ thợ khắc đá đánh dấu chỗ ấy. Về sau, tại nơi đó một cảnh chùa trang nghiêm được xây dựng lên như đã thấy và cũng lấy hiệu là Trúc Lâm. Chẳng bao lâu, đại sư an nhiên thị tịch. Đại sư có trước tác bộ: Ngũ hội niệm phật pháp sự nghi tán, Đại thánh trúc lâm ký.20
Đại sư Thiếu Khang – họ Châu, người ở vùng núi Tiên Đô thuộc xứ Tấn Vân (nay thuộc tỉnh Chiết Giang), năm 15 tuổi xuất gia, chuyên tụng trì 5 bộ kinh: kinh Pháp hoa, kinh Lăng nghiêm v.v… sau đến đất Việt nghiên cứu Tỳ-ni và nghe giảng kinh Pháp hoa, kinh Di-đà.
Năm thứ nhất niên hiệu Trinh Nguyên (năm 785), sư đến chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, thấy được tập “Tây phương hoá đạo văn” xưa kia của ngài Thiện Đạo, bèn quyết tâm chuyên tu Tịnh độ. Về sau sư đến Mục Châu, thấy người xứ này chưa ai biết đến Phật pháp là gì, sư mới dùng phương tiện, rồi dẫn dụ các trẻ nhỏ niệm Phật, các trẻ niệm một câu thì sư thưởng một tiền, 2 câu thì sư thưởng 2 tiền. Như vậy hơn 1 năm sau, không cần thưởng tiền mà chúng nó vẫn cứ niệm, cũng từ đó tất cả dân cư trong vùng, ai ai cũng đều biết niệm Phật.
Năm thứ 10 niên hiệu Trinh Nguyên (năm 794), sư thành lập đạo tràng Tịnh độ tại núi Ô Long, xây đàn Tam Cấp, nửa đêm tập hợp mọi người lại và bảo tất cả đều hướng về phía Tây mà niệm Phật. Đại sư ngồi trên tòa xướng một câu thì đại chúng thấy một Đức Phật từ trong miệng sư phóng ra, mười câu thì mười vị Phật, nối liền nhau như xâu chuỗi chẳng dứt.
`Ngày 3 tháng 10 năm thứ 21 niên hiệu Trinh Nguyên (năm 805), đại sư an tường thị tịch.
VI. TỊNH ĐỘ TÔNG ĐỜI NHÀ TỐNG
Sau đời nhà Đường, tình hình Phật giáo Trung Quốc bắt đầu mai một dần. Nguyên nhân của sự suy lạc này, chủ yếu là do vua Võ Tôn nhà Đường hạ lệnh triệt phá Phật giáo vào năm Hội Xương thứ 5 (năm 845) và cộng thêm sự nổi loạn của Hoàng Sào (năm 881), Phật giáo phải gánh chịu một sự hủy diệt tàn khốc từ trước đến nay chưa từng có, cũng từ đó Phật giáo chia ra làm 2 miền Nam Bắc.
Đến thời Ngũ Đại, triều đình chia năm xẻ bảy, chiến tranh xảy ra liên miên, đã loạn rồi càng loạn hơn, lại cộng thêm nạn vua Thế Tôn nhà Hậu Chu (năm 955) không thích Phật giáo. Nhà vua hạ lệnh phá huỷ tất cả các tự viện, do đó kinh điển cũng bị tán thất rất nhiều, “lâu đài nguy nga tráng lệ” khoảng một ngàn năm của Phật giáo đời nhà Đường đến đây coi như đã tan thành mây khói. Các tông phái lớn nhỏ cũng theo vận mệnh đó, tán rã, tản mát khắp nơi khó bề vực dậy được. Duy chỉ có Thiền tông, do chủ trương không nương vào kinh điển (Bất lập văn tự), thích ứng với những cảnh thanh u như bên khe suối trong núi rừng, dù cho hành giả đi đứng hay nằm, ngồi, đều có thể tham chứng, cho nên mới tồn tại. Ngoài ra còn có chia ra năm phái21, công án của Thiền tông cũng nhơn đó mà liên tục phát triển không ngừng. Còn Tịnh độ, thì phương pháp rất đơn giản, nó làm lợi ích cho cả 3 căn (thượng, trung, hạ), gồm thâu cả kẻ thượng trí người hạ ngu; chỉ cần hành giả chấp trì danh hiệu, liên tục không dứt, đến khi lâm chung lại còn nhờ nguyện lực của Phật, mang nghiệp vãng sanh, đối với người bình thường rất dễ dàng tiếp nhận. Vì vậy người tu học theo tông này ngày càng đông nhiều, rất đáng mừng thay!
Tình hình Phật giáo đời nhà Tống tương đối bình yên. Đồng thời có người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm khắc ấn kinh tạng, coi như kinh điển cũng đã được lưu giữ chẳng phải là ít. Còn các tông phái như Thai, Thiền, Luật, Mật đều có manh nha phục hưng, nhưng do hoàn cảnh hạn chế và “vết thương” quá lớn, cho nên chưa có thể khôi phục hoàn toàn. Phật giáo thời kỳ này, so với Phật giáo thời kỳ thịnh Đường thì khác nhau một trời một vực.
Do đó, ở trong Phật giáo sử Trung Quốc, khoảng trăm năm về sau, chỉ là một trang sử mờ nhạt mà thôi.
Đời nhà Tống, các vị Đại sư chuyên tu pháp môn Tịnh độ, có rất nhiều, nhưng trong đó chỉ có 3 vị nổi tiếng, đó là: Vĩnh Minh Diên Thọ, Tĩnh Thường và Nguyên Chiếu.
Đại sư Diên Thọ
Đại sư Diên Thọ tự là Xung Huyền, người Đan Dương22, sanh vào năm thứ nhất niên hiệu Thiên Hữu (năm 904) đời nhà Đường. Cha họ Vương, lớn lên sư theo con đường nho học, mới 16 tuổi mà đã nổi tiếng là một người học rộng, biết nhiều. Muốn đi xuất gia mà cha mẹ không đồng ý.
Đến năm 34 tuổi, sư đến thiền sư Tứ Minh Thúy Nham xuống tóc thọ Cụ túc giới, rồi sư đến tham học với quốc sư Thiên Thai Đức Thiều, về sau lại chuyển sang chuyên tu Tịnh độ. Năm thứ 2 niên hiệu Kiến Long đời nhà Tống (năm 961), sư được thỉnh23 trụ trì một đạo tràng lớn đó là chùa Vĩnh Minh. Khi đến trú xứ này, sư lại tận lực hoằng pháp độ sanh, đồ chúng của sư có đến 2 ngàn người, học giả khắp nơi nghe tiếng đều tìm đến tham vấn.
Mỗi ngày đại sư chia công khóa của mình ra 108 việc. Ban đêm thì qua núi khác niệm Phật, với một tấm lòng tha thiết nhứt tâm xưng danh hiệu Phật. Sư đã có cảm ứng đối với việc cầu nguyện vãng sanh Tây phương Cực lạc, vì thế mà đại sư xây dựng điện Tây Phương Hương Nham.
Đại sư sưu tập các kinh luận Đại thừa gồm 60 bộ và ghi chép lại những lời dạy của 3 trăm nhà Thánh hiền ở 2 quốc độ (Trung Quốc, Ấn Độ), chứng tông chỉ duy tâm, viết thành trăm quyển, gọi là Tông cảnh lục.
Đại sư thị tịch vào năm thứ 8 niên hiệu Khai Bảo (năm 975), thọ 72 tuổi.
Tác phẩm đại sư trước tác là Vạn thiện đông quy tập chỉ quy Tịnh độ, Thần lâu an dưỡng phú (97 quyển), Duy tâm quyết … hơn 60 bộ. Tất cả đều xướng lên thuyết Thiền Tịnh song tu, với những lời lẽ rất là tha thiết. Người đời gọi tông môn của đại sư là Bạch My, tức là cái chuẩn mực cho Tịnh đôï vậy.24
Đại sư Tĩnh Thường
Đại sư Tĩnh Thường tự là Tạo Vi, họ Nhan, người Tiền Đường. Đại sư sanh vào năm thứ 6 niên hiệu Hiển Đức (năm 956), đời vua Thế Tông nhà Hậu Chu, năm 17 tuổi xuất gia và thọ cụ túc giới.
Bình sanh sư giữ gìn giới luật tinh nghiêm, thông suốt Đại thừa khởi tín luận và thường tu tập pháp môn Chỉ quán của Thiên thai. Vì kế tục di phong của ngài Lô Sơn Viễn Công (Huệ Viễn) nên trong khoảng niên hiệu Thuần Hoá nhà Tống (năm 992) sư đến chùa Chiếu Khánh ở Tây Hồ, Hàng Châu, chuyên tâm tu hành pháp môn Tịnh độ và kết tập Tịnh hạnh xã. Tự xưng là Tịnh hạnh đệ tử, sư đã từng tự lấy máu của mình hòa với mực chép phẩm Tịnh hạnh trong kinh Hoa nghiêm. Và lấy bột hương chiên đàn nắn tượng Tỳ-lô-giá-na Phật, rồi sư quì trước tượng chắp tay thành kinh phát nguyện: “Nay con cùng một ngàn đại chúng đây, trong đó có 80 vị Tỳ-kheo, kể từ giờ phút này phát Bồ-đề tâm, nguyện cùng tận đời vị lai hành Bồ-tát hạnh, nguyện khi dứt hết báo thân này, sanh về cõi An lạc”.
Đại sư Tĩnh Thường thường giao thiệp với những bậc danh sĩ hiền đức, tướng quốc đại phu, cho nên ở trong bia ký đặc biệt có nói về chuyện này rất nhiều. Sư thị tịch vào ngày 12 tháng giêng năm thứ 4 niên hiệu Thiên Hi (năm 1020), thọ 62 tuổi.
Đại sư Nguyên Chiếu
Đại sư Nguyên Chiếu người Dư Hàng, sanh vào năm thứ 8 niên hiệu Khánh Lịch (1048).
Lúc nhỏ sư đến chùa Tường Phù, đảnh lễ thiền sư Huệ Giám cầu xin xuất gia và chuyên tâm nghiên cứu Tỳ-ni (luật). Sau theo ngài Thần Ngộ Xử Khiêm tham học Thiên Thai giáo quán, đến khi gặp ngài Quảng Từ Tuệ Tài thọ Bồ-tát giới, rồi lại nghiên cứu rộng thêm về Nam sơn luật tông.
Khoảng 30 năm sau, sư đến trụ trì chùa Linh Chi ở Hàng Châu. Đến xứ này sư lại hết mình phụng sự chánh pháp, giáo hoá quần cơ, đồ chúng
của sư có đến hàng trăm người. Đại sư đặt hết lòng tin của mình nơi cõi Tịnh lạc, ngày đêm sáu thời hằng trì danh hiệu đức Phật Di-đà cầu nguyện vãng sanh Tây phương Cực lạc, không biết mỏi mệt. Đại sư thường nói: “Lúc sống thì hoằng truyền giới luật, khi xả thân này thì về nơi Cực lạc, cái sở đắc trong cuộc sống bình nhật của tôi duy chỉ có 2 pháp môn mà thôi!”. Đại sư mở ra rất nhiều hội giảng kinh, diễn giải tất cả các việc.
Đến năm thứ 6 niên hiệu Chính Hoà (năm 1116), đại sư tập hợp đệ tử lại và dạy bảo tụng kinh Quán vô lượng thọ và phẩm Phổ hiền hạnh nguyện, sư ngồi kiết già lắng nghe giây lâu rồi an nhiên thị tịch, thọ 69 tuổi.
Những tác phẩm do Sư trước tác gồm có: Hành sự sao, Quán vô lượng thọ Phật kinh nghĩa sơù, A-di-đà kinh nghĩa sớ … Đệ tử của sư là Đạo Ngôn, cũng chuyên tu pháp môn Tịnh độ.
Trong hàng cư sĩ thì có Vương Nhật Hưu là người hơn hết. Vương Nhật Hưu tự là Hư Trung, người Long Thư, Lô Châu. Vào đời vua Cao Tông nhà Tống, ông đổ tiến sĩ nhưng không chịu làm quan. Ông không chỉ là một người rộng thông các điển, dạy truyền lục kinh25, mà còn chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Ông thường mặc vải thô, ăn chay mỗi ngày, lễ Phật ngàn lạy.
Ông có soạn bộ “Long thư Tịnh độ văn”, lưu truyền khắp thiên hạ. Trong tác phẩm này ông đem pháp môn Tịnh độ khuyến khích mọi người tu tập, trên từ vua, quan, đại phu dưới cho đến hàng tôi tớ, ăn mày, hàng thịt, kỹ nữ…, văn dễ lời cạn, rất rõ rất thiết, đọc đến là dễ cảm dễ hiểu. Ngoài ra ông ta còn lấy bộ kinh Vô lượng thọ được dịch ra vào 4 giai đoạn, từ đời nhà Hán, Ngô, Ngụy và nhà Thục tổng hợp thành một bộ, gọi là Đại A-di-đà kinh.
VII. BA VỊ THIỀN SƯ ĐỜI NHÀ MINH
Vào đời nhà Nguyên, Lạt-ma giáo và Thiền tông rất thịnh hành. Do Thế Tổ (Hốt-tất-liệt) chinh phục Tây Tạng, vì thế mà Lạt-ma giáo từ Tây Tạng mới được truyền vào Trung Quốc. Từ đó, thịnh hành nhất là ở Mông Cổ và Mãn Châu. Sau khi vua Thế Tổ lên ngôi, bèn lấy Lạt-ma giáo làm quốc giáo và tôn ngài Phát-tư-ba làm Quốc sư, nhận chức Trung nguyên giáo chủ, thống lĩnh các giáo môn trong thiên hạ. Cũng kể từ đó, Lạt-ma giáo có một địa vị tối cao và rất thuận tiện cho việc hoằng truyền so với các tông phái khác. Lạt-ma giáo thịnh hành tại Trung Quốc trải dài qua các triều đại: Nguyên, Minh và Thanh … đồng thời được vua chúa các triều đại này đặc biệt tôn sùng. Có thể nói một tông phái của Phật giáo (Tây Tạng) mới truyền vào mà có sự phát triển rất mạnh.
Đến đời nhà Minh, trừ Lạt-ma giáo còn phát triển ra, các vị thiền sư của Thiền tông cũng dần dần kế tục nhau mà xuất hiện và Tịnh độ cũng dần dần đi sâu vào quần chúng nhân dân. Do đó, các vị trí thức đương thời đều có cùng một quan điểm, nhất trí xướng lên luận thuyết Thiền Tịnh song tu, nhưng lấy Tịnh độ làm chỗ y cứ căn bản. Những vị này là Vân Thê Châu Hoành, Hám Sơn Đức Thanh và Linh Phong Trí Húc…
Vân Thê Châu Hoành
Châu Hoành họ Trầm tự Phật Tuệ, hiệu là Liên Trì, người Nhơn Hòa, Hàng Châu. Năm 17 tuổi, được bổ làm chức giáo thọ, nổi tiếng là người học hạnh kiện toàn. Vì thấy một bà lão láng giềng ngày ngày lần chuổi hạt niệm Phật vài ba nghìn câu, lấy làm lạ, bèn hỏi duyên cớ? Biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn, từ đó về sau Châu Hoành luôn để tâm nơi pháp môn Tịnh độ. Năm 31 tuổi xuất gia. Sau khi xuất gia sư đi khắp nơi tham học với các bậc Cao tăng danh đức của Thiền tông đương thời, tham cứu câu “niệm Phật là ai”. Một hôm sư vừa đi vừa tham cứu hốt nhiên đại ngộ.
Năm thứ 5 Niên hiệu Long Khánh (năm 1571), sư đến núi Vân Thê ở Hàng Châu, thấy cảnh nước non cực kỳ u nhã, nên quyết lòng kết tranh cất am ở tu. Ít lâu sau được Thái học sinh26 Trần Như Ngọc và thôn dân quanh vùng quyên góp tài vật tạo nhà, xây dựng đại điện, thiền đường và phục hồi lại cảnh trí xưa của chùa Vân Thê, vì thế nơi đây dần dần trở thành một đạo tràng niệm Phật căn bản. Xa gần đều nghe tiếng, quy tụ ngày càng nhiều và cũng nhân đó mà biến thành một ngôi Đại tòng lâm. Châu Hoành tinh thông niệm Phật tam-muội, chuyên chú nơi pháp môn Tịnh độ. Bộ sách A-di-đà kinh sớ sao do sư trước tác dung hoà cả sự lẫn lý, thâu nhiếp 3 căn và sư còn ghi chép lại những lời dạy của các bậc Cổ đức soạn thành một tập, gọi là Thiền quan sách tấn, nhằm để chỉ bảo cho mọi người tham cứu những điều quan trọng cốt yếu. Trên từ triều đình dưỡi đến muôn dân đều kính mộ đức phong của thiền sư Châu Hoành.
Vào năm thứ 40 niên hiệu Vạn Lịch (năm 1612), đại sư hướng về phía Tây niệm Phật mà thị tịch, thọ 81 tuổi.
Hám Sơn Đức Thanh
Đức Thanh tự Trừng Ấn, hiệu là Hám Sơn Lão Nhân. Sư là người ở vùng Toàn Tiêu, sanh vào năm thứ 25 niên hiệu Gia Tĩnh (năm 1546). Năm 12 tuổi đến chùa Báo Ân lễ Hoà thượng Tây Lâm Vĩnh Ninh làm thầy, tụng tập kinh giáo, lại nghiên cứu thêm nho học.
Năm 19 tuổi, được ngài Vĩnh Ninh cho phép xuống tóc và thọ Cụ túc giới. Nhơn vì kính mộ cung cách sống, ứng xử thế nhơn của ngài Thanh Lương Trừng Quán, vì thế mà ngài Đức Thanh còn tự là Trừng Ấn.
Năm thứ 44 niên hiệu Gia Tĩnh (năm 1565), sư tham dự pháp hội, được sự ấn khả.
Năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh (năm 1571), sư đi tham quan các danh lam thắng cảnh và tìm đến núi Ngũ Đài tu tập thiền định.
Năm thứ 11 niên hiệu Vạn Lịch (năm 1583), sư khôi phục lại đạo tràng Na-la-diên27, từ đó mới bắt đầu có hiệu là Hám Sơn.
Năm thứ 14 (năm 1586), Lý Thái Hậu ban tặng bộ Đại tạng kinh ở vùng Đông hải và bố thí vàng bạc xây dựng chùa, ban cho bức hoành phi, sắc hiệu là Hải Ấn.
Năm thứ 24 (năm 1596), sư đến Tào Khê lễ Lục Tổ.
Năm thứ 45 (năm 1617), sư trở về Lô Sơn xây dựng chùa Pháp Vân và đến chân ngọn Ngũ Nhũ, theo ngài Huệ Viễn ngày đêm 6 thời, học tập chuyên tâm tu hành pháp môn Tịnh độ.
Đại sư thị tịch vào năm thứ 3 niên hiệu Thiên Khải (năm 1623), thọ 78 tuổi.
Trí Húc
Trí Húc tự Ngẫu Ích, hiệu là Bát Bất Đạo Nhân, sư người Mộc Độc, Cổ Ngô28, sanh vào năm thứ 27 niên hiệu Vạn Lịch (năm 1599).
Năm 20 tuổi, cha mất, sư tụng kinh Địa tạng nhân đó mà phát chí xuất thế. Năm 22 tuổi, sư ngày đêm chuyên tâm niệm Phật. Năm 23 tuổi, sư quyết ý xuất gia học đạo, thể nghiệm nghiên cứu đại sự. Năm 24 tuổi, đến Lô Sơn cầu xin xuất gia, và đi thẳng lên núi tham thiền nhập định, cho đến mùa hạ năm thứ 3 niên hiệu Thiên Khải (năm 1623), sư hốt nhiên bừng tỉnh. Qua năm sau sư thọ Bồ-tát giới, rồi đi khắp nơi nghiên cứu Luật tạng. Năm thứ 6 niên hiệu Thiên Khải (năm 1626) mẹ qua đời, sư đến một rừng thông kết tranh cất am mà nhập thất đêm ngày tu tập, chẳng may bệnh nặng, khi ngọa bệnh sư càng nhất tâm tu hành pháp môn Tịnh độ hơn.
Đến năm thứ nhất niên hiệu Sùng Trinh (năm 1628), lúc này đã 30 tuổi, sư ở tại chùa Long Cư giảng luật, cho tới năm thứ 4 (năm 1631) sư mới rời chùa Long Cư đến chùa Linh Phong ở Phong Châu. Rồi sau đó, sư lần lượt trải qua trụ trì các tòng lâm đạo tràng nổi tiếng. Cuối đời sư trở lại chùa Linh Phong.
Đại sư thị tịch vào năm thứ 11 niên hiệu Thuận Trị (năm 1654), thọ 57 tuổi. Thế nhân gọi sư là đại sư Linh Phong Ngẫu Ích. Sanh bình sư trước tác rất nhiều, hợp lại hơn 40 thể loại, trong đó phần Duyệt tạng tri tân là nổi tiếng hơn hết. Ngoài ra còn có những tác phẩm như: Tịnh độ thập yếu (18 quyển), A-di-đà kinh yếu giải, Cầu sanh Tịnh độ kệ, Tác nguyện văn …
VIII. TỊNH ĐỘ TÔNG ĐỜI NHÀ THANH.
Tình hình Phật giáo Trung Quốc vào đời nhà Thanh cùng với đời nhà Minh có sự tương đồng. Lạt-ma giáo, Thiền tông và Tịnh độ tông vẫn là thế chân vạc chủ yếu, còn Hoa nghiêm và Thiên Thai thì có đôi chút trỗi dậy, nhưng càng về sau thì không có người kế thừa. Hơn nữa từ niên hiệu Gia Khánh trở về sau, trải qua thời kỳ binh biến của Thái Bình Thiên Quốc, con thuyền Phật giáo mới được bình yên đôi chút lại gặp sóng to gió lớn nổi lên, làm cho Tăng chúng, tự viện và kinh điển sớ chương bị “lật nhào”. Phật giáo đến đây coi như đã bị tàn rụi khó bề vực dậy được.
Bây giờ tôi xin giới thiệu sơ lược về truyện ký 3 vị đại sư của Tịnh độ tông là Hành Sách, Thật Hiền và Tế Tĩnh vào đầu đời nhà Thanh.
Hành Sách
Hành Sách tự Tiệt Lưu, họ Tương, cha tên là Toàn Xương, là một bậc lão nho của vùng Nghi Hưng, ông Toàn Xương là bạn thâm giao với ngài Hám Sơn Đức Thanh.
Năm thứ 6 niên hiệu Thiên Khải (năm 1626), sau khi ngài Hám Sơn viên tịch được 3 năm, vào một đêm nọ, Tương Toàn Xương nằm mộng thấy ngài Hám Sơn đi vào nhà mình, nhân đó mà sanh ra Hành Sách, vì vậy sư được thân phụ đặt cho ngoại hiệu là Mộng Hám (mộng thấy ngài Hám Sơn). Đến khi lớn khôn, cha mẹ lần lượt qua đời, thấy không còn vướng bịu gì cuộc đời nữa, sư quyết chí giũ áo ra đi tìm con đường xuất gia học đạo. Năm 23 tuổi, sư đến chùa Lý An ở huyện Võ Lâm, đảnh lễ Hoà thượng Vấn Công cầu xin xuất gia. Suốt 5 năm trường, sư tinh tấn tu hành, ngày đêm 6 thời không biết mỏi mệt, do sự miệt mài không dừng nghỉ đó, một hôm sư bừng tĩnh cơn mê, thấu rõ được nguồn chơn vào biển pháp tánh.
Sau khi ân sư viên tịch, sư đến trụ trì chùa Báo Ân, thời gian này sư gặp được bạn đồng hành là thiền sư Tức Am Anh khuyên sư nên tu pháp môn Tịnh độ. Năm thứ 2 niên hiệu Khang Hy (năm 1663), sư đến núi Pháp Hoa ở tỉnh Hàng Châu cất am bên bờ sông Tây Khê, chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Năm thứ 9 niên hiệu Khang Hy (năm 1670), sư đến trú trì chùa Phổ Nhân ở núi Ngu và xương hưng lại hội Liên xã. Học giả khắp nơi đều hưởng ứng chủ trương xiển dương lại tông này của đại sư.
Hành Sách trú ở chùa Phố Nhân trọn 13 năm, đến ngày 9 tháng 7 năm thứ 21 niên hiệu Khang Hy (năm 1682), sư an tường thị tịch, thọ 55 tuổi. Đại sư có trước tác bộ Khuyến phát chơn tín văn.
Thật Hiền
Thật Hiền tự Tư Tề, hiệu là Tĩnh Am, con nhà họ Thời ở đất Thường Thục. Sư sinh vào năm thứ 25 niên hiệu Khang Hy (năm 1686).
Ngay từ thuở bé sư đã không ăn cá thịt. Đến năm 15 tuổi xuất gia, năm 24 tuổi thọ Cụ túc giới và tham cứu câu “Niệm Phật là ai” được tỏ ngộ. Sư hành trì giới luật tinh nghiêm và nghiên cứu rộng các kinh, thông suốt cái học của 2 tông Tánh và Tướng.
Kế đến sư nhập thất 3 năm, ban ngày thì xem Kinh tạng, ban đêm thì chuyên trì Phật hiệu, rồi trước tượng Phật đốt ngón tay, phát 48 lời đại nguyện, ngay lúc ấy cảm ứng được xá-lợi phóng ánh quang minh rực rỡ. Nhân đó sư soạn ra tác phẩm “Khuyến phát Bồ-đề tâm văn”, với những lời lẽ rất tha thiết, ân cần khuyến khích tứ chúng phải tinh tấn dõng mãnh phát tâm tu hành.
Về cuối đời, sư đến trú trì chùa Tiên Lâm ở Hàng Châu. Năm thứ 7 niên hiệu Ung Chánh, đại sư kết giao với Liên xã, làm bài văn cảnh sách đại chúng, lấy một đời làm kỳ hẹn, chia thời khoá ra làm 20 phần, 10 phần trì danh, 9 phần tác quán, 1 phần lễ sám, cho đại chúng nương theo đó tu tập.
Ngày 14 tháng 4 năm Ung Chánh thứ 12 (năm 1734), đại sư chắp tay hướng về phía Tây xưng niệm danh hiệu của Phật mà an tường thị tịch, thọ 49 tuổi.
Tế Tĩnh
Tế Tĩnh tự Triệt Ngộ, hiệu là Mộng Đông, người huyện Phong Nhuận. Trong khoảng thời gian từ niên hiệu Càn Long đến niên hiệu Gia Khánh, sư đã dựng cây “pháp tràng” của Tịnh độ.
Lúc ấu thơ vốn đã tinh thông kinh sử, nên sau khi xuất gia sư đi khắp nơi khai hội giảng giải Kinh tạng, sư còn nghiên cứu thấu suốt cặn kẽ 2 tông Tánh, Tướng. Kế đến sư đến tham học với ngài Túy Như ở chùa Quảng Thông và trình lên ngài Túy Như về những cái sở tri của mình, được ngài Túy Như ấn khả làm tổ đời thứ 7 ở Bàn Sơn.
Về sau sư kế tục trú trì chùa Quảng Thông, sách tấn hàng hậu học. Sư rất kính mộ ngài Vĩnh Minh và thường suy gẫm rằng: “Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là một bậc Long tượng của chốn Thiền môn mà còn quy tâm về Tịnh độ, huống chi nay là thời kỳ mạt pháp. Ta phải nên noi gương đó mà phụng hành”. Kể từ đó, ngày đêm 6 thời sư thường chuyên tâm tu hành pháp môn Tịnh độ, chủ trương Liên tông.
Chẳng bao lâu, sư lại quay về trú trì chùa Tư Phước ở núi Hồng Loa, Tăng chúng bốn phương vì mến tài đức của đại sư nên hội về đây tu học mỗi ngày thêm đông, dần dần chùa Tư Phước trở thành một Tòng Lâm lớn. Đại sư vì pháp vì người lòng không chút mỏi nhàm, trước sau đều lấy pháp môn Tịnh độ làm “kim chỉ nam” để nương tựa khuyến khích chúng tu học.
Đại sư viên tịch vào năm thứ 15 niên hiệu Gia Khánh (năm 1810), thọ 70 tuổi.
IX. ĐẠI SƯ ẤN QUANG - BẬC TÔNG TƯỢNG THỜI PHẬT GIÁO CẬN ĐẠI
Tình hình Phật giáo Trung Quốc đầu năm Dân Quốc, đã có hiện tượng phục hưng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là do lúc bấy giờ có cư sĩ Dương Nhân Sơn, ông là một người nổi tiếng đương thời, ôm ấp một chí nguyện lớn, phát đại tâm, tận lực hộ trì Phật pháp, và sáng lập xứ Kim Lăng khắc kinh tại Nam Kinh. Ông ta lấy việc trùng ấn kinh điển Phật giáo làm “hơi thở, nhịp sống” của mình. Ông cũng đã từng qua Nhật bản, nhờ bạn mình là Bác sĩ Nam Điều Văn Hùng (người Nhật Bản), tìm kiếm những kinh sách Phật giáo bị thất lạc từ đời nhà Đường trở về sau. Do sự nỗ lực của 2 người, những tác phẩm bị thất lạc đã tìm lại được 2, 3 ngàn thứ, lần lượt được ấn hành xuất bản. Ngoài ra, ông ta còn bỏ tiền bạc của mình ra xây dựng giảng đường Kỳ Hoàn, dạy dỗ cho những kẻ hậu học.
Đối với tình hình Phật giáo đương thời vốn dĩ từ lâu đã vắng lặng, nhưng đến đây ánh dương của Phật giáo lại dần dần tỏ rạng (phục hưng). Dương Nhân Sơn không chỉ đóng góp sức mình vào công cuộc vực dậy các tông phái của Phật giáo mà ngày bản thân ông ta cũng là một người chuyên tu pháp môn Tịnh độ, dù cho đến khi gặp nguy ách ông ta vẫn luôn luôn niệm Phật cầu nguyện vãng sanh.
Phật giáo từ năm Dân Quốc trở về sau, do sự ảnh hưởng của Dương Nhân Sơn nên có sự phát triển mạnh mẽ trở lại. Như Hoa nghiêm tông của ngài Nguyệt Hà, Thiên Thai tông của ngài Đế Nhàn, Duy thức tông của ngài Thái Hư, Nam sơn luật tông của Ngài Hoằng Nhất, Thiền tông của ngài Lai Quả và Hư vân, Tịnh độ tông của ngài Ấn Quang, Pháp tướng tông của Âu Dương Cảnh Vô và Hàn Thanh Tịnh … đều là long tượng một thời, trùng hưng Phật giáo Trung Quốc.
Nhân đây, tôi xin giới thiệu sơ lược về truyện ký của đại sư Ấn Quang.
Đại sư Ấn Quang húy là Húy Lượng, họ Triệu, sanh ngày 3 tháng 12 năm thứ 11 niên hiệu Hàm Phong, đời nhà Thanh (năm 1861), người ở thôn Xích Thành Đông huyện Cáp Dương, tỉnh Thiểm Tây.
Thuở ấu thơ được gia đình dạy dỗ theo nghiệp nho học. Lúc đầu sư đọc sách của Trình Châu Thị, vì thế vô tình ảnh hưởng theo tà thuyết bài bác Phật giáo của ông bà. Ít lâu sau sư lâm bệnh nặng, có nhân duyên được xem kinh Phật, mới nhận ra lỗi lầm của mình trước kia. Kể từ đó, sư dần dần nghiên cứu sâu vào nội điển, biết được cái sâu xa vô bờ của Phật pháp.
Vì thế, vào mùa Xuân năm thứ 7 niên hiệu Quang Tự (năm 1881), lúc này đã 21 tuổi, sư quyết chí đến chùa Liên Hoa Động ở núi Chung Nam, phía nam Ngũ Đài Sơn, lễ hoà thượng Đạo Thuần xuất gia học đạo. Ngày đêm 6 thời, sư đều tinh tấn đối với việc học và công khoá tu tập, đọc Phát nguyện văn và Tiểu Tịnh độ văn, biết được sự khó dễ của việc thành tựu công phu tu tập Thiền tông và Tịnh độ tông, bèn quyết tâm chuyển tu pháp môn Tịnh độ.
Về sau, nhân khi sư đến chùa Liên Hoa, ở huyện Trúc Khê, tỉnh Hồ Bắc, được xem Long thơ Tịnh độ văn, biết lợi ích của pháp môn Tịnh độ, chỉ một pháp thôi mà bao dung của muôn hạnh, nhiếp phục tất cả căn cơ, đại sư liền phát nguyện đem hết đời mình hoằng dương Tịnh độ.
Qua năm sau, sư quay về chùa Song Khê ở huyện Hưng An, Thiểm Tây, thọ Cụ túc giới với ngài luật sư Ấn Hải Định Công. Năm thứ 12 niên hiệu Quang Tự (năm 1886), sư đến nhận chức trú trì chùa Tư Phước ở núi Hồng Loa. Sư đọc Đại tạng cho nên có duyên gặp được bộ “Tịnh độ thập yếu”, lấy đó làm “kim chỉ nam” để tiến tu.
Sư từng trải qua trú trì các chùa như chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh, chùa Viên Quảng, Phổ Đà Sơn, chùa Pháp Vũ, chùa Đầu Đà ở Ôn Châu. Sư lấy hiệu là Thường Tàm Quý Tăng (nghĩa là ông Tăng thường biết tàm quý) để mà khích lệ mình luôn luôn phải tiến lên. Và Sư đã 2 lần nhập thất cộng chung lại gồm 6 năm.
Năm Dân quốc thứ 7 (năm 1918), cư sĩ Từ Úy Như xuất bản các tác phẩm của đại sư hơn 20 thiên gọi là “Ấn Quang pháp sư văn sao”. Khoảng vài năm về sau tập “Văn sao” này lại được ấn hành thêm rất nhiều, trong đó có phần Tịnh độ quyết nghi luận … rất nổi tiếng. Tự nhiên đạo phong của sư lan rộng, xa gần đều nghe tiếng, tìm đến nơi trú xứ của sư tu học ngày càng đông, sư ân cần khuyến hoá dạy bảo, khắp được lợi ích.
Năm Dân quốc thứ 19 (năm 1930), lúc này đã 70 tuổi, Sư đến chùa Báo Ân ở Tô Châu nhập thất, và sáng lập Hoằng hóa xã, in ấn lưu hành các kinh sách về Tịnh độ, không biết mỏi mệt.
Năm Dân quốc thứ 29 (1940), đã 80 tuổi, sư còn đến nhận chức trú trì chùa Linh Nham, trú xứ này là một đạo tràng Tịnh độ nổi tiếng tại Tô Châu.
Ngày 3 tháng 11 năm ấy, biết trước mình sẽ ra đi, vì vậy sư bèn tập hợp đại chúng lại và dạy tất cả đồng thanh niệm Phật. Đại sư ngồi lắng nghe giây lâu rồi an tường thị tịch, vãng sanh về cõi Tây phương.29
Từ đó đến nay, pháp môn Tịnh độ rất thịnh hành ở Trung Quốc. Đồng thời tín ngưỡng Tịnh độ cũng phổ biến rộng rãi và tứ chúng tu học theo pháp môn này cũng rất nhiều.
X. KẾT LUẬN
Dựa theo lịch sử Tịnh độ như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy pháp môn Tịnh độ, là một tông phái có bề dày và lưu hành rộng rãi trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.
Kỳ thật, ở trong 8 tông phái Đại thừa của Phật giáo Trung Quốc thì giới luật là căn bản mà mỗi tông đều phải chú trọng và nghiêm chỉnh phụng hành. Còn về phương diện giáo pháp của 2 tông Tánh, Tướng (đứng trên lập trường của Tam luận tông thì Thiên Thai thuộc Tánh tông, Hoa nghiêm, Duy thức thuộc Tướng tông), mỗi Phật tử nên tìm hiểu cho kỹ.30 Nhưng đối với việc tu hành thì chỉ có 3 tông là Thiền, Tịnh, Mật mà thôi. Mật tông thì cần phải có thầy trực tiếp hướng dẫn. Thiền tông thì bậc lợi căn thượng trí mới dễ dàng lĩnh ngộ. Duy chỉ có Tịnh độ thì phương pháp đơn giản hơn, 3 căn phổ lợi, chỉ cần đầy đủ 3 điều kiện là Tín, Nguyện, Hạnh thì có thể vượt qua tam giới, mang nghiệp vãng sanh. Vã lại còn được tha lực tiếp dẫn, cho nên đây là một pháp môn rất an toàn, dễ dàng nương tựa tu tập, khó sai lạc mà hiệu quả nhanh chóng.
Do đó, nhiều vị Cao tăng các tông phái trong nhiều thời đại đều cực lực suy tôn tông này và khuyên người niệm Phật, vãng sanh Tịnh độ. Vậy nay tôi kính mong mọi người hãy nên noi theo gương của chư vị lịch đại tiền bối mà phụng hành!
--- o0o ---