Kiên Nhẫn và Nghị Lực

04 Tháng Tám 201610:08 CH(Xem: 2816)
Kiên Nhẫn và Nghị Lực

Yếu tố thứ tám: Kiên Nhẫn và Nghị Lực


Nếu bạn hành thiền một cách tinh tấn và thích thú, không quan tâm, không dính mắc vào cơ thể hay mạng sống của mình, thì bạn có thể phát triển năng lực giải thoát. Năng lực này sẽ đưa bạn đến những tầng mức cao hơn trong việc thực hành. Sự dũng cảm, tinh tấn không phải chỉ nằm trong yếu tố thứ bảy, mà nằm luôn trong yếu tố thứ tám giúp cho ngũ lực trở nên mạnh mẽ. Yếu tố thứ tám là kiên nhẫn và nghị lực để đương đầu với đau khổ, đặc biệt là cảm giác đau nhức trong cơ thể bạn.

Mọi thiền sinh đều quen thuộc với những cảm giác đau nhức hay khổ thọ trong lúc ngồi thiền, cộng thêm những đau khổ của tâm phản ứng trước những cảm giác này, và trên hết là sự đối kháng của tâm khi bị kiểm soát, bị kềm kẹp.

Trong một giờ ngồi thiền đòi hỏi nhiều việc phải làm. Trước tiên, bạn cố gắng chú tâm trên đề mục chính càng nhiều càng tốt. Sự thu thúc và kiểm soát này có thể là một đe dọa đối với tâm vì tâm có thói quen lang thang đây đó. Tiến trình để duy trì sự chú tâm đòi hỏi nỗ lực hùng mạnh. Nỗ lực kiểm soát và thu thúc để đương đầu với sự phản kháng của tâm là một hình thức đau khổ.

Khi tâm tràn đầy sự đối kháng, thường thì thân cũng phản ứng theo và sự căng thẳng phát sinh. Chỉ trong chốc lát, bạn bị cảm giác đau nhức vây phủ. Phản ứng đầu tiên sẽ như thế nào khi sự đau nhức này đạt đến cực điểm? Tâm bạn co thắt, thân bạn bị bóp rút lại như bị ai xiết vặn. Bạn mất hẳn kiên nhẫn để nhìn thẳng vào chỗ đau của thân. Bấy giờ bạn trở nên điên cuồng có thể tràn đầy phẫn nộ và sân hận. Sự đau khổ của bạn lúc ấy có ba thứ: Đầu tiên là tâm phản kháng, tiếp đến là thân đau khổ, sau cùng là tâm đau khổ bắt nguồn từ thân đau khổ.

Đấy là thời điểm tốt nhất để áp dụng biện pháp thứ tám giúp cho ngũ lực trở nên mạnh mẽ. Kiên nhẫn, nghị lực, và cố gắng nhìn trực tiếp vào sự đau. Nếu bạn không chuẩn bị để đương đầu với đau nhức một cách kiên nhẫn, thì bạn chỉ có nước mở cửa cho phiền não đi vào. Tham lam và sân hận sẽ ung dung tiến vào làm chủ thân tâm bạn: "Ôi, tôi ghét cái đau này quá. Nếu có thể trở lại sự thoải mái dễ chịu trước đây năm phút thì tuyệt biết mấy". Khi tham lam sân hận có mặt và kiên nhẫn đi vắng, thì tâm sẽ rối loạn và mê mờ, không có đề mục nào rõ ràng lúc ấy và bạn không thấy rõ bản chất thật sự của cái đau. Lúc bấy giờ, bạn sẽ tin rằng đau là một gai nhọn, một chướng ngại cho việc hành thiền nên bạn có thể quyết định đổi tư thế để sự định tâm tốt hơn. Nếu sự thay đổi trở thành thói quen, bạn sẽ mất cơ hội đi sâu vào thực hành. Sự an tịnh của thân tạo nên sự an tịnh và tĩnh lặng của tâm. Di chuyển thường xuyên che dấu mất bản chất thực sự của cái đau. Đau có thể ở ngay trước mắt bạn. Yếu tố nổi bật nhất là cái đau, nhưng bạn lại đổi tư thế để khỏi nhìn thấy nó. Thế là bạn đã bỏ lỡ một cơ hội vàng ngọc để hiểu biết bản chất thực sự của cái đau.

Thật ra, chúng ta đang sống với cái đau từ lúc chúng ta được sinh ra trên mặt đất này. Cái đau gần gũi với chúng ta trong suốt cuộc đời. Tại sao chúng ta lại trốn chạy nó? Nếu đau phát sinh, hãy nhìn nó! Đó là cơ hội quí báu để ta hiểu được một vài điều quen thuộc qua một cái nhìn mới hơn và sâu xa hơn.

Vào những lúc bạn không hành thiền, bạn hãy tập kiên nhẫn đối với cảm giác đau. Đặc biệt là lúc bạn chú tâm vào những gì mà bạn ưa thích. Chẳng hạn, bạn là người thích chơi cờ. Bạn ngồi trước bàn cờ và chăm chú theo dõi nước cờ mà người đánh cờ với bạn đang đi. Có lẽ bạn đã ngồi trên ghế ấy hơn hai giờ rồi, nhưng bạn không cảm thấy đau nhức gì cả, bởi vì bạn đang cố gắng để giải những nước cờ khó khăn và rắc rối trên bàn cờ. Nếu bạn cảm thấy đau, có lẽ bạn cũng cố gắng để quên nó đi cho đến khi bạn đánh xong mấy ván cờ.

Tập kiên nhẫn trong khi hành thiền còn quan trọng hơn nhiều, vì hành thiền sẽ giúp bạn khai mở trí tuệ ở mức cao hơn là đánh cờ và hành thiền sẽ giúp chúng ta ra khỏi nhiều loại rắc rối hơn.

Chiến Thuật Đương Đầu Với Đau Nhức

Mức độ quán thấu bản chất thực sự của các hiện tượng tùy thuộc vào mức độ định tâm mà bạn khai triển. Tâm càng an trụ vào đề mục thì càng quán thấu và hiểu biết thực tại. Điều này cũng rất đúng khi ta tỉnh thức trước các cảm giác đau nhức. Nếu sự định tâm còn yếu, chúng ta sẽ không thật sự cảm giác được sự bất an luôn luôn hiện diện trong cơ thể chúng ta. Khi tâm định bắt đầu sâu hơn, thì một điểm không thoải mái nhỏ nhặt cũng trở thành to lớn và khó chịu. Như trường hợp một người cận thị, nếu không đeo kiếng cận thị, thì mọi vật dưới mắt họ sẽ lờ mờ hư ảo, khó phân biệt, nhưng khi đeo kiếng vào thì tất cả đều rõ ràng sáng sủa. Không phải là sự vật dưới mắt họ đã thay đổi hay trở nên rõ ràng hơn. Sự vật trước hay sau vẫn như vậy nhưng nhờ mắt họ đã được điều chỉnh.

Khi nhìn một giọt nước bằng đôi mắt thường, bạn không thấy gì khác lạ. Nhưng nếu đặt giọt nước vào kính hiển vi, bạn sẽ thấy nhiều sinh vật bé nhỏ nhảy múa, di chuyển, quay cuồng trong đó. Nếu trong lúc ngồi thiền, bạn có thể mang kiếng chánh định, bạn sẽ ngạc nhiên thấy nhiều sự thay đổi xảy ra trong một điểm đau nhỏ. Tâm càng tập trung sâu hơn, bạn càng hiểu rõ sự đau hơn. Bạn sẽ càng say mê hơn khi bạn thấy rõ cảm giác đau là một chuỗi dài biến đổi luôn luôn thăng trầm từ cái đau này đến cái đau khác, thay đổi mau lẹ, lúc tăng, lúc giảm, nhảy múa nhào lộn. Sự định tâm và chánh niệm của bạn càng bén nhọn và sâu xa hơn vào lúc mà cái đau hoàn toàn lôi cuốn bạn và làm bạn say mê theo dõi. Thế rồi cuối cùng, một điều bất ngờ xảy đến. Như tấn kịch đã đến hồi kết thúc, màn hạ, sự đau biến mất một cách kỳ diệu.

Một người không đủ dũng cảm và kiên trì tinh tấn để nhìn sự đau thì không bao giờ hiểu được tiềm lực ẩn tàng bên trong sự đau này. Chúng ta phải phát triển hùng tâm, hùng lực và dũng cảm tinh tấn để quan sát sự đau. Hãy tập đi vào trong cơn đau, đối diện với sự đau mà đừng trốn chạy nó.

Khi sự đau phát sanh, chiến thuật đầu tiên là đưa sự chú tâm ngay vào nó, vào ngay chính trung tâm của nó. Cố gắng để thấu suốt cốt lõi của sự đau. Thấy rõ đau chỉ là đau. Kiên trì theo dõi ghi nhận những diễn tiến của sự đau. Cố gắng xuyên thấu vào bên trong sự đau chứ đừng quan sát hời hợt bề ngoài. Khi xuyên thấu vào bên trong sự đau, thì bạn sẽ không bị phản kháng. Nhưng nếu chỉ hời hợt bên ngoài, thì bạn sẽ chịu nhiều phản ứng.

Mặc dù bạn cố gắng dữ dội, nhưng bạn cũng bị mệt mỏi vì nó. Sự đau có thể làm tâm bạn kiệt quệ. Nếu bạn không thể kiên trì giữ vững một mức độ tinh tấn, chánh niệm và chánh định thích nghi thì bạn sẽ sớm đầu hàng.Chiến thuật thứ hai để đương đầu với sự đau là hãy đùa với chúng. Bạn đi vào trong cơn đau rồi xả hơi một chút. Nghĩa là bạn vẫn chú tâm vào sự đau, nhưng giảm bớt niệm và định. Làm như thế sẽ giúp tâm bạn nghỉ ngơi. Sau đó, bạn lại chú tâm chánh niệm mạnh mẽ vào cơn đau. Nếu bạn không thành công thì hãy lập đi lập lại chiến thuật này nhiều lần. Lúc căng, lúc dùn, lúc vào, lúc ra, hai hay ba lần như thế.

Nếu cái đau vẫn còn khốc liệt và bạn thấy tâm mình bắt đầu bị thắt lại và co rút mặc dầu bạn đã xử dụng chiến thuật này thì hãy rút lui. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ thay đổi tư thế ngay khi bạn quyết định. Bạn phải rút lui có kế hoạch mới được. Bạn phải thay đổi tư thế một cách chánh niệm, hoàn toàn bỏ qua sự đau, đừng quan tâm gì đến nó nữa mà hãy đưa tâm về chuyển động của bụng hay đề mục chính của bạn. Cố gắng chú tâm mạnh mẽ vào đề mục mới này.

Chữa Lành Thân và Tâm

Chúng ta phải cố gắng chế ngự tâm nhút nhát, yếu đuối. Chỉ khi nào tâm bạn mạnh mẽ và dũng cảm, như một anh hùng, bạn mới có thể chế ngự được sự đau bằng cách hiểu nó đúng theo thực trạng của nó. Trong lúc hành thiền, nhiều loại cảm giác đau đớn của thân rất khó chịu đựng sẽ khởi sinh. Hầu như mọi thiền sinh đều thấy rõ những sự khó chịu có mặt thường xuyên trong cơ thể, nhưng họ không bị ảnh hưởng bởi chúng nhiều. Nhưng khi hành thiền, vì có sự tập trung tâm ý, nên những khó chịu này được phóng đại ra. Trong lúc hành thiền tích cực, sự đau cũng thường hiện khởi từ những vết thương cũ, từ những bất hạnh lúc tuổi thơ hay những bệnh kinh niên trong quá khứ. Những loại bệnh thông thường trong hiện tại bỗng nhiên trở nặng. Nếu hai loại bệnh kinh niên và thông thường trở thành nặng hiện khởi thì bạn hãy mừng vì mình có dịp may để diệt trừ chúng. Bạn có thể trừ bệnh kinh niên hay một vài loại bệnh nào đó nhờ sự tinh tấn mà chẳng cần phải uống một giọt thuốc. Nhiều thiền sinh đã hoàn toàn dứt hẳn bệnh nhờ tham thiền.

Năm 1969, có một người đàn ông bị bệnh sưng dạ dày nhiều năm. Khi chụp hình quang tuyến, bác sĩ nói ông ta có bướu trong bụng cần phải mổ. Ông ta rất sợ mổ vì nghĩ rằng mổ sẽ rất dễ chết.

Ông ta muốn tìm một cách trị bệnh an toàn hơn. Ông tự nhủ "Nên đi hành thiền tốt hơn". Ông ta đến hành thiền dưới sự hướng dẫn của tôi. Chẳng bao lâu sau, ông ta đau dữ dội. Lúc đầu thì không đến nỗi nào, nhưng khi việc hành thiền của ông tiến bộ, ông đạt đến mức mà sự minh sát dính liền với sự đau nên ông ta bị đau đớn kinh khủng. Ông ta nói với tôi điều này. Tôi trả lời: "Dĩ nhiên, ông có thể tự do về gặp bác sĩ. Tuy nhiên, sao không cố gắng ở thêm vài ngày nữa xem sao".

Ông ta suy nghĩ về lời đề nghị của tôi và lý luận rằng, có mổ thì cũng không sống được. Thế là ông quyết định ở lại để hành thiền. Cứ hai giờ là ông uống một muỗng thuốc. Cũng có lúc cơn đau giảm bớt, có lúc ông ta hoàn toàn chinh phục được cơn đau. Một trận chiến kéo dài và hai bên đều thiệt hại, nhưng người đàn ông này có một sự can đảm mạnh mẽ. Có lúc, trong một lần ngồi, cái đau hành hạ ông dữ dội. Toàn thân ông rung chuyển và mồ hôi ra ướt đẫm cả áo quần. Cục bướu trong bụng ông càng lúc càng cứng và càng co rút lại. Bỗng nhiên ý niệm về cái bụng của ông biến mất khi ông chú tâm vào nó. Bây giờ chỉ có tâm ghi nhận về cái đau mà thôi, không còn bụng nữa. Rất là đau, nhưng cũng rất thích thú. Ông chú tâm theo dõi và sự đau càng lúc càng dữ dội hơn.

Thế rồi một tiếng nổ lớn như bom nổ. Ông ta nói rằng ông ta có thể nghe tiếng bom nổ lớn này, sau đó thì không còn đau nữa. Ông đứng dậy lau mồ hôi. Ông ta sờ vào bụng và không thấy cục bướu đâu nữa. Thế là ông lành bệnh. Thêm vào đó, ông đã hoàn tất việc hành thiền của mình.

Sau đó không bao lâu, ông ta rời thiền viện, đến gặp bác sĩ để khám lại. Bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy cục bướu đã biến mất. Ông ta trở lại ăn uống bình thường, không đã phải kiêng cữ thứ gì như suốt hai mươi năm nay ông đã kiêng cữ. Hiện bây giờ ông ta vẫn còn sống và rất khỏe mạnh. Ông bác sĩ sau đó cũng đã trở thành một thiền sinh.

Tôi đã gặp nhiều người nhờ hành thiền mà hết bịnh nhức đầu kinh niên, đau tim, lao phổi và ngay cả ung thư. Một số trong họ bệnh nặng đền nỗi bác sĩ đã phải bó tay. Tất cả đều trải qua những cơn đau khủng khiếp. Nhưng nhờ lòng kiên trì và dũng cảm tinh tấn lớn lao, họ đã tự cứu mình. Điều quan trọng hơn là nhiều người đã hiểu rõ sâu xa chân lý thực tại nhờ quan sát sự đau với một lòng can đảm bền dai và sau đó, xuyên thấu trí tuệ nội quán.

Thế nên các bạn đừng chán nản trước cảm giác đau. Thay vào đó, phải có đức tin và kiên nhẫn. Kiên trì cho đến khi tự mình thấy bản chất thật sự của mình.