Đạo Binh Ma Thứ Tám: Kiêu Mạn và Vô Ơn
Chinh phục được hoài nghi, thiền sinh bắt đầu hiểu được một vài khía cạnh của giáo pháp. Bất hạnh thay, Đạo Binh Ma Thứ Tám đang sẵn chờ dưới hình thức kiêu mạn và vô ơn. Kiêu mạn khởi sinh khi thiền sinh bắt đầu cảm nhận được an lạc, thư thái, khinh khoái, và những lợi lạc khác trong việc hành thiền. Đến đây, thiền sinh phân vân không biết thầy mình có đạt được thành quả kỳ diệu như mình chưa. Không biết các thiền sinh khác có hành thiền tích cực như mình không, vv...
Kiêu mạn phần lớn xảy ra khi thiền sinh ở vào giai đoạn nhất thời thấy được sự sanh diệt của các hiện tượng. Đây là một kinh nghiệm kỳ diệu ngay trong hiện tại, thấy rõ sự sinh ra rồi diệt ngay tức khắc của các đối tượng dưới ánh sáng chánh niệm. ở giai đoạn này, hàng loạt phiền não sẽ kéo đến. Chúng được gọi là Vipassana Kilesa, phiền não của minh sát, bởi vì các loại phiền não này có thể trở nên những chướng ngại tai hại. Vì vậy, thiền sinh cần phải hiểu chúng một cách rõ ràng. Mẻna, hay kiêu mạn, mang đặc tính của một tâm tinh tấn tràn đầy hỉ lạc và nhiệt tâm cao độ. Khi thiền sinh tràn đầy năng lực, tràn đầy hỉ lạc, cảm thấy mình thành công lớn lao, nên có ý nghĩ, "Ta thật vĩ đại, không ai bằng được mình".
Một khía cạnh trội hẳn của kiêu mạn là sự thô cứng, ngưng đọng, tâm của thiền sinh sẽ căng phồng và cứng ngắc như con trăn vừa nuốt một con vật nào. Khía cạnh này của kiêu mạn cũng tạo nên sự căng thẳng trong cơ thể và trong tư thế của thiền sinh. Nạn nhân của kiêu mạn có cái đầu rất to, nhưng có cái cổ cứng ngắt nên rất khó cúi đầu thi lễ người nào.
Quên Ơn Người Đã Giúp Đỡ Mình
Kiêu mạn là một tâm sở đáng sợ. Nó hủy diệt lòng biết ơn, làm cho ta khó có thể thừa nhận được rằng mình đã nợ biết bao nhiêu người. Nó khiến ta quên đi những việc tốt đẹp mà người khác đã làm cho ta trước đây. Ta coi thường các vị ân nhân và chê bai, dèm pha đức hạnh của họ. Không những thế, ta còn tìm cách che dấu đức hạnh của ân nhân mình để không ai coi trọng họ. Thái độ đối với ân nhân như thế này là khía cạnh thứ hai của kiêu mạn.
Tất cả chúng ta đều có ân nhân. Đặc biệt là lúc còn bé, cha mẹ thương yêu nuôi nấng, dạy dỗ và hỗ trợ ta những khi cần thiết. Thầy giáo giúp ta có kiến thức. Bạn bè giúp ta những lúc ta gặp khó khăn. Hãy nhớ những món nợ mà ta đã nhận từ các bậc ân nhân này. Luôn luôn khiêm nhường biết ơn và cố gắng tìm cơ hội để giúp đỡ các bậc ân nhân là vũ khí lợi hại để chiến thắng đạo binh ma kiêu mạn.
Thật là dễ dàng tìm thấy những kẻ vô ơn này. Một người được bạn giúp đỡ trong lúc khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ này, họ đã giải quyết được những bế tắc đương thời, nhưng về sau, họ lại phủi ơn và còn thốt lên những lời bạc nghĩa. "Bạn đã giúp tôi được gì nào?" Đây là thái độ thường gặp trên thế gian này.
Ngay cả một nhà sư cũng trở thành kiêu mạn. Cảm thấy đã nổi tiếng và được mọi người biết mình là một giáo sư qua sự nỗ lực của mình, vị sư này quên mất thầy tế độ và giáo thọ, những vị ân sư đã giúp đỡ lúc mình mới bước chân vào chùa làm chú sa di. Những vị ân sư này có thể đã chỉ dẫn vị sư kia học hỏi, cung cấp những phương tiện cần thiết khi nhà sư tu học, hoặc chỉ dẫn nhà sư hành thiền, khuyên bảo hay quở trách những lúc thích nghi để sau này nhà sư trở thành một vị đại đức trẻ tuổi có trách nhiệm, hiểu biết và đức độ.
Lúc đứng tuổi có thể ra sống một mình nơi khác. Có thể nhà sư này lúc bấy giờ mới phát triển tài năng. Nhà sư trở thành một vị pháp sư tài ba được nhiều người mến mộ. Mọi người kính nể nhà sư, dâng cúng nhà sư nhiều lễ vật và mời nhà sư đi đến nhiều nơi để giảng dạy. Khi đạt được địa vị cao trọng, nhà sư có thể sẽ trở thành kiêu mạn. Có thể một ngày nào đó, vị thầy cũ của nhà sư đến gần nhà sư và vui mừng nói: "Chà, mới đây mà mau quá. Mới lúc nào sư còn là chú sa di, tôi lo dạy dỗ cho sư, giúp đỡ sư mọi điều. Nay thấy sư thành công như vậy, tôi thiệt là vui mừng hết sức". Nhà sư trẻ có thể cười mỉa trả lời: "Lúc nhỏ chỉ học với thầy vậy thôi, chứ tôi chưa biết được gì nhiều. Sau này nhờ tôi tự cố gắng học hỏi đó chớ".
Chuyện tương tự như vầy có thể xảy ra trong cộng đồng tăng lữ hay gia đình người đời. Trong mỗi gia đình, mỗi người đều mang ân của người khác: từ tình thương yêu cho đến những cảm thông giúp đỡ lúc gặp khó khăn. Thử tưởng tượng một cá nhân trong gia đình sống với các người khác trong tình thương yêu đùm bọc và tương trợ, rồi một ngày nào đó có sự bất hoà xảy ra...
Trên thế gian này có nhiều cách giải quyết vấn đề chẳng có hiệu quả chút nào, nhưng bất hạnh thay, lại có tánh cách phổ biến. Thay vì giải quyết vấn đề một cách trực tiếp với nhau trong tình thương, những người trong gia đình lại đem chuyện bất hoà ra bêu xấu với thiên hạ. Họ than trách, nguyền rủa hoặc coi thường anh chị em hay bà con trong gia đình một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Trước khi nhục mạ hay kết tội một người nào đó trong gia đình mình, hãy xem kỹ tâm mình và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Những hình thức nói móc, đá hậu, bẻ giò lái, hạ uy tín, hay coi thường người khác là một khía cạnh của kiêu mạn. Kinh điển đưa ra hình ảnh một người nổi nóng bốc phân ném vào người khác. Người này đã tự bôi bẩn mình trước khi làm bẩn đối phương. Vậy khi có chuyện bất hoà trong gia đình thì hãy cố gắng giải quyết với thiện tâm trong kham nhẫn, tha thứ và từ ái.
Thử tưởng tượng một khách lữ hành, với một hành trình vất vả, vào một buổi trưa nóng bỏng, đến nghỉ chân dưới một cội cây rợp bóng bên đàng. Người lữ hành cảm thấy thoải mái dựa vào gốc cây ngủ một giấc ngon lành. Bạn sẽ nghĩ thế nào nếu lúc thức dậy, trước khi tiếp tục hành trình, người lữ hành đốn ngã cội cây. Kinh điển gọi đây là một kẻ vô ơn. Người như vậy thì chẳng biết gì đến ơn nghĩa. Không phải chỉ tránh làm hại ân nhân mình là đủ, chúng ta phải có bổn phận đền ơn trả nghĩa nữa.
Cũng có trường hợp chúng ta không có dịp để đền ơn người đã giúp đỡ mình. Tuy vậy, chúng ta cũng được coi như kẻ biết ơn, nếu ít nhất chúng ta nhớ đến những việc mà họ đã giúp đỡ chúng ta trước đây. Nếu có dịp để đền ơn thì ta hãy thực hiện. Chuyện đền ơn nghĩa chẳng liên quan gì đến đức hạnh hay tư cách của người thi ơn. Dầu ân nhân có đức hạnh hơn ta, kém ta, hay bằng ta, chuyện ấy chẳng ăn nhằm gì. Một điều cần thiết để họ trở thành ân nhân của ta đó là họ đã giúp đỡ ta trước đây, thế thôi.
Chuyện xưa có kể lại rằng, có một thanh niên nọ làm việc vất vả để nuôi mẹ, nhưng mẹ chàng thanh niên này là một người đàn bà không đứng đắn. Bà ta muốn giấu con điều này. Nhưng ngày nọ, một kẻ mách lẻo trong làng cho chàng biết rõ sự thật. Chàng thanh niên trả lời: "Ông bạn ơi, mẹ tôi muốn làm gì thì làm theo ý thích. Bổn phận của tôi là phải làm việc để nuôi bà ta". Đây là một chàng thanh niên rất hiểu biết. Anh ta biết được phạm vi làm việc của mình, đó là đền ơn sanh thành dưỡng dục; còn tánh tình của bà ta thế nào đó là chuyện của bà ta. Người thanh niên này là một trong hai loại người hiếm có và quí báu trên thế gian: người thi ân và người đền ân. Người thi ân là người có hảo tâm và tử tế giúp người khác với lý tưởng cao thượng.
Đức Phật là một trong những người thi ân cao cả. Ngài không ngừng cố gắng giúp đỡ chúng sanh bằng cách chỉ rõ con đường giải thoát để họ có thể tự thực hành hầu thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mọi người chúng ta đều chịu ơn Ngài nên phải có bổn phận nhớ ơn và đền ơn. Một trong những cách đền ơn và nhớ ơn cao quí là tích cực hành thiền. Người đền ơn là người nhớ đến những việc làm tốt đẹp mà ân nhân mình đã làm cho mình, và cố gắng đền ơn khi có cơ hội. Tôi hy vọng rằng các bạn có được đức tính của hai hạng người hiếm hoi cao quí trên, và chiến thắng vẻ vang Đạo Binh Kiêu Mạn Thứ Tám.