- NỘI DUNG
- Lời Ngỏ
- Lời Nói Đầu
- LỜI NÓI ĐẦU
- Lời Giới Thiệu Của Dilgo Khyentse Rinpoche
- Dẫn Nhập Dẫn Nhập Của Các Dịch Giả Anh Ngữ
- Lịch Sử Của Bản Dịch Này
- Phật Giáo Tây Tạng Dẫn Nhập Tóm Tắt
- Tiểu Sử Patrul Rinpoche Tiểu Sử Của Đạo Sư Vĩ Đại
- Mở Đầu
- Phần Một Những Pháp Tu Dự Bị Thông Thường Hay Những Chuẩn Bị Bên Ngoài
- Chương I Tự Do Và Thuận Duyên Khó Tìm
- Chương Hai Lẽ Vô Thường Của Cuộc Đời
- Chương Ba Những Khổ Đau Của Cõi Luân Hồi
- Chương Bốn Nghiệp:* Luật Nhân Quả
- Chương Năm Lợi Ích Của Giải Thoát
- Chương Sáu Làm Thế Nào Để Theo Chân Một Vị Thầy Tâm Linh
- Phần Hai Những Pháp Tu Dự Bị Phi Thường Hay Những Chuẩn Bị Bên Trong
- Chương I Quy Y, Nền Tảng Của Mọi Con Đường
- Chương 2 Khơi Dậy Bồ Đề Tâm, Gốc Rễ Của Đại Thừa
- Chương 3 Trì Tụng Và Thiền Quán Về Bổn Sư Như Đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) Để Tịnh Hóa Tất Cả Chướng Ngại 172
- Chương Bốn Cúng Dường Mạn Đà La Để Vun Bồi Phước Tuệ
- Chương Năm Kusali Pháp Tích Tụ Công Đức Của Kẻ Hành Khất: Diệt Trừ (*) Bốn Ma Vương Bằng Một Độc Chiêu
- Chương 6 Pháp Bổn Sư Du Già,233 Cánh Cổng Dẫn Đến Năng Lực Gia Trì, Phương Pháp Tối Hậu Để Chứng Ngộ Tuệ Giác
- Phần Ba Pháp Chuyển Di Thần Tốc
- Chương Một Pháp Chuyển Di Tâm Thức, Giáo Huấn Dành Cho Người Hấp Hối: Phật Quả Không Cần Thiền Định
- CHÚ THÍCH
- Thuật Ngữ
CHƯƠNG 6
PHÁP BỔN SƯ DU GIÀ, 233
CÁNH CỔNG DẪN ĐẾN NĂNG LỰC GIA TRÌ,
PHƯƠNG PHÁP TỐI HẬU ĐỂ CHỨNG NGỘ TUỆ GIÁC
Trước tiên, Ngài đã theo chân một Đạo Sư siêu việt và tuân lời Thầy;
Ngài đã tu tập trải qua bao gian khổ lớn lao;
Cuối cùng, tâm Ngài và tâm của Đạo Sư đã hợp nhất,
và Ngài thừa kế dòng truyền thừa.
Bậc Thầy Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài.
I. LÝ DO CÓ PHÁP BỔN SƯ DU GIÀ (Guru Yoga)
Để có thể thực hành Chân Pháp, điều tối quan trọng trước tiên là phải đi tìm một vị thiện tri thức chân chính, một vị Chân Sư với tất cả các phẩm hạnh cần thiết. Sau đó bạn cần tuân theo từng giáo huấn của Ngài, khẩn cầu Ngài từ tận đáy lòng bạn và coi Ngài như một vị Phật đích thực. Như một trong các Kinh điển có nói:
Chính nhờ có tín tâm mà chân lý tuyệt đối được chứng ngộ.
Tương tự, Ngài Atisa đã nói:
Các bạn, cho tới khi đạt được giác ngộ, các bạn cần một vị Thầy, vì thế hãy đi theo một vị thiện tri thức siêu việt.
Cho tới khi chứng ngộ trạng thái như nhiên, các bạn cần phải học hỏi, vì thế hãy lắng nghe các giáo huấn của Ngài.
Tất cả hạnh phúc là năng lực gia trì của Thầy, vì thế hãy luôn luôn tưởng nhớ đến lòng tốt của Ngài.
Geshe Kharak Gomchung cũng nói:
Ta cần ý thức được rằng vị Thầy giống như suối nguồn của mọi thành tựu thế gian lẫn các thành tựu xuất thế gian.
và cũng nói:
Bạn có thể thông hiểu toàn bộ Tam Tạng, nhưng nếu không có lòng quy ngưỡng đối với Thầy của bạn thì những thứ đó sẽ chẳng có ích lợi gì cho bạn.
Điểm đặc biệt là trong tất cả các con đường của Mật Thừa, bậc Thầy có một tầm quan trọng vô song và tột bậc. Vì lý do này, tất cả mọi Mật điển đều dạy phương pháp thực hành Bổn Sư Du Già, và dạy rằng pháp này siêu vượt tất cả các pháp hành trì khác trong các giai đoạn phát triển và thành tựu. Trong một Mật điển có nói:
Lợi lạc hơn cả công phu thiền định về một trăm ngàn Bổn Tôn
trong mười triệu kiếp
Là việc ta nghĩ tưởng về Thầy mình trong một khắc giây.
Điều ấy đặc biệt đúng trong Thừa này, là tâm yếu của Đại Viên Mãn như nhiên, là giáo lý kim cương cốt lõi. Ở đây ta không được dạy rằng chân lý thâm diệu phải được thiết lập trên nền tảng của phân tích và luận lý, như các pháp thực hành trong các Thừa thấp hơn đã dạy.234 [Theo các chỉ dạy trong pháp Bổn Sư Du Già], ta không cần phải sử dụng các thành tựu thông thường để cuối cùng mới đạt đến được các thành tựu tối cao như trong các Mật điển cấp thấp đã dạy. Thông thường, qua lễ quán đảnh thứ ba – tức lễ quán đảnh về tâm của các Mật điển thượng thưà, ta sẽ được chỉ cho thấy đâu là Giác tánh nguyên sơ qua những dẫn dụ về tâm, và xuyên qua đó, ta sẽ đến gần hơn với Giác tánh nguyên sơ đích thực. 235 Nhưng trong pháp môn Guru Yoga thì cách thức quán đảnh và dẫn dụ như trên không phải là điều được chú trọng đến. Điều được dạy trong truyền thống Guru Yoga là hãy hướng tâm ta đến một vị Thầy đã chứng ngộ siêu việt và cầu nguyện Ngài với lòng quy ngưỡng nhiệt thành và với một tín tâm tuyệt đối. Vị Thầy ấy phải là người xuất thân từ một giòng truyền thừa không bị hoen ố vì bất cứ một vi phạm thệ nguyện nào, giống như một sợi giây xích bằng vàng ròng – hãy nương cậy nơi Ngài, chỉ độc nhất một mình Ngài, và hãy coi Ngài đích thực là một vị Phật.236 Qua phương cách này, tâm bạn sẽ hoàn toàn hòa nhập với tâm Ngài. Nhờ năng lực gia hộ mà Ngài trao truyền cho bạn, kinh nghiệm chứng ngộ sẽ nảy sinh.237 Như chúng ta đã trích dẫn trước đây:
Tuệ giác bẩm sinh viên mãn chỉ có thể hình thành
Như là dấu hiệu của công phu tích lũy công đức và tịnh hóa chướng ngại,
Và nhờ vào năng lực gia trì của một bậc Thầy chứng ngộ.
Hãy hiểu rằng nương tựa vào bất kỳ phương tiện nào khác là điên rồ.
Và Ngài Saraha có nói:
Khi lời dạy của Thầy đi vào trái tim của bạn,
Bạn sẽ thấy chẳng khác nào có một kho tàng trong lòng bàn tay.
Ngài Longchenpa, Pháp Vương Toàn Giác, trong tác phẩm luận giải An Trú Xa Lìa Ảo Giác ,238 đã viết:
Trong các pháp thực hành chẳng hạn như những pháp tu tập trong giai đoạn phát triển và thành tựu, không phải tự bản chất của những pháp tu này sẽ đem lại giải thoát, bởi vì điều đó còn tùy thuộc vào những yếu tố khác, chẳng hạn như là việc làm thế nào để ta có thể biến kinh nghiệm tu tập thành kinh nghiệm sống thực, giúp cho công phu thực hành của ta thêm phần sâu sắc. Tuy là như vậy nhưng trong pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga), tự ngay bản chất của con đường này đã có khả năng làm sống dậy kinh nghiệm chứng ngộ trạng thái chân như trong ta, và đem lại cho ta giải thoát. Bởi vì lý do như thế mà Guru Yoga là con đường thâm diệu nhất trong tất cả mọi con đường [trong tất cả các pháp tu].239
Trong Mật Điển Trình Tự Giới Nguyện có nói:
Lợi lạc hơn cả việc thiền định trong một trăm ngàn đại kiếp
Về một Bổn Tôn với tất cả các tướng chánh và phụ
Là việc ta hướng tâm về Thầy mình trong giây khắc.
Lợi lạc hơn cả một triệu câu trì tụng của các pháp tu trong giai
đoạn phát triển và thành tựu (của Bổn Sư Du Già).
Là một lời cầu nguyện độc nhất gửi tới Thầy ta.
Và trong Mật Điển Trình Tự Pháp Tu A-Ti Du Già có nói:
Bất kỳ ai thiền định về bậc Thầy từ ái của mình
Trên đỉnh đầu họ,
Nơi giữa trái tim họ
Hoặc trong lòng bàn tay,
Sẽ có được các thành tựu của một ngàn vị Phật.
Bậc tôn kính Gotsangpa đã nói:
Thực hành pháp tu Bổn Sư Du Già
Làm cạn kiệt mọi khiếm khuyết và hoàn thiện mọi thành tựu.
và cũng có nói:
Có vô số các pháp tu trong giai đoạn phát triển,
Nhưng không có pháp nào trong số đó vượt qua pháp thiền
định về Thầy.
Có vô số các pháp tu trong giai đoạn toàn thiện,
Nhưng không có pháp nào vượt qua niềm tin tuyệt đối và lòng quy phục kia.
Drikung Kyobpa Rinpoche nói:
Trừ phi mặt trời của lòng quy ngưỡng chiếu sáng
Trên đỉnh núi tuyết của bốn Thân của Thầy (four kayas),
Thì lực gia trì của Ngài sẽ không bao giờ tuôn chảy.
Vì thế, hãy hết lòng khơi dậy lòng quy ngưỡng trong tâm con!
Và Ngài Jetsun Rangrik Repa nói:
Muốn cho trí tuệ nguyên sơ siêu vượt tri thức ló rạng
Mà không có lòng tin nhiệt thành nơi Thầy
Thì giống như mong chờ ánh nắng mặt trời trong một cái hang quay về hướng bắc.
Theo đó, tướng và tâm sẽ không bao giờ hòa hợp được.240
Pháp tu quy ngưỡng của Bổn Sư Du Già là con đường duy nhất đánh thức được trong bạn trạng thái chứng ngộ như nhiên phi tạo tác. Không phương pháp nào khác có thể đem lại sự chứng ngộ như thế.
Ngài Naropa là một học giả hết sức uyên bác trong cả ba Thừa, và sau khi đánh bại mọi thách thức của những kẻ ngoại đạo (tirthika), Ngài được ban cho tước vị của một vị Hộ Thần của các học giả ở cổng phía bắc của Vikramasila.100
Nhưng một ngày kia một Thiên Nữ Trí Tuệ (dakini) bảo Ngài: “Ông uyên bác trong ngôn từ, chứ không thâm nhập ý nghĩa của chúng. Ông vẫn cần phải theo chân một vị Thầy.”
Tuân theo những giáo huấn trên, Ngài đi theo Tổ Tipola và chịu đựng nhiều thử thách, cho tới một hôm Tilopa bảo Ngài: “Mặc dầu ta dạy ông mọi sự, ông vẫn chẳng hiểu gì cả!” và đánh một chiếc dép lên trán Ngài. Ngay khi đó, Naropa chứng ngộ bản tánh như nhiên và trí huệ của Ngài trở nên đồng nhất với trí huệ của Thầy.* * Để biết thêm chi tiết xin xem thêm Phần Một, Chương Sáu, Mục III.
Cũng có truyện kể lại rằng Ngài Nagabodhi đã đạt được thành tựu tối cao bằng cách chộp lấy và nuốt một bện nước mũi nhỏ xuống của Đạo Sư cao quý Nagarjuna. Và Rigdzin Jigme Lingpa nói:
Khi tôi xem các tác phẩm của Ngài Longchenpa, một vị Phật Thứ Hai - thì trong trí tôi lóe lên tư tưởng rằng Ngài đích thật là một vị Phật, và tôi cầu nguyện Ngài với lòng chí thành mãnh liệt. Ngài đã thị hiển trong một linh kiến và đã chấp nhận [lời khẩn cầu] của tôi. Kinh nghiệm chứng ngộ tự nhiên phát sinh trong tôi và từ ngày hôm đó trở về sau, tôi đã có thể dẫn dắt trên một trăm đệ tử. Những đệ tử tinh tấn lẽ ra không vượt quá khả năng nhập định tầm thường, những đệ tử thông minh lạc lối lẽ ra đã có thể lạc vào lối mòn trí thức; nhưng họ đã chứng ngộ được chân lý tuyệt đối vì họ được lòng quy ngưỡng dẫn dắt như một năng lực đối trọng [để đem lại cho họ sự quân bình trong tu tập].
Suốt thời kỳ tha hương ở Gyalmo Tsawarong, đại dịch giả Vairotsana đã dạy cho cụ già Pang Mipham Gonpo cách vận dụng năng lực gia trì của bậc Thầy như một con đường tu. Mipham Gonpo đã tám mươi tuổi và thân thể trì trệ vì tuổi già. Vì thế Ngài Vairotsana đã giúp ông giữ thân thể ngồi thẳng bằng một dây-đai-thiền-định và dựa đầu trên một giá-đỡ-thiền định.** Mipham Gonpo đã chứng ngộ kinh nghiệm thuần tịnh nguyên thủy của trekcho không chút sai lạc. Thân ông hòa tan thành vô lượng những hạt cực vi (infinitestimal particles) và đã đạt được Phật Quả.241** Dây-đai-thiền-định là một dây thắt lưng dài giúp thiền giả duy trì trong một tư thế ngay ngắn suốt thời gian dài ngồi thiền. Giá- đỡ- thiền-định là một cây gậy dài khum lại ở một đầu dùng như một giá đỡ cằm.
Bạn có thể so sánh giáo lý này với bất kỳ giáo lý nào khác của tất cả chín Thừa, nhưng bạn sẽ không bao giờ tìm ra được một con đường tốt đẹp hoặc thâm diệu nào hơn giáo lý này. Pháp tu Guru Yoga này có thể được gọi là một pháp tu sơ đẳng nhưng thực ra đây là chìa khóa then chốt tối hậu của toàn thể các pháp tu chính yếu. Trong bất kỳ tình huống nào cũng vậy, nếu bạn luôn lấy pháp tu này làm cốt tủy cho việc tu hành của bạn, thì chỉ mình pháp ấy thôi là đã đủ – ngay cả nếu bạn không thực hành pháp nào khác nữa. Vì thế, điều cực kỳ quan trọng là bạn hãy hiến mình cho pháp tu này từ tận đáy lòng sâu thẳm.
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HÀNH PHÁP BỔN SƯ DU GIÀ
Phần thực hành chính yếu của pháp tu Bổn Sư Du Già thâm diệu gồm có ba giai đoạn: quán tưởng ruộng công đức, cúng dường thất chi phổ hiền (seven-branch offering) và cầu nguyện với lòng tin chí thành.
1. Quán Tưởng Ruộng Công Đức
Để có thể chuyển hóa nhận thức của bạn về thế giới này, việc ấy đòi hỏi một tâm thức mạnh mẽ và khai phóng. Vì thế hãy bắt đầu bằng việc quán tưởng tất cả mọi thứ mà bạn có thể nhìn thấy trong tầm nhìn xa rộng của bạn chính là Cung Điện Liên Hoa Quang, với đầy đủ những đường nét đặc thù của một cung điện.
Hãy quán tưởng chính bạn ở ngay trung tâm của cung điện, và thấy rằng bạn đang hiển lộ những đặc tánh tự nhiên của Thiên Nữ Trí Tuệ (dakini) Yeshe Tsogyal. Việc quán tưởng như trên đảm bảo rằng bạn sẽ là một bình chứa thích hợp cho các lễ quán đảnh, sẽ giúp khơi dậy trí huệ nguyên sơ của đại lạc và tánh Không, và sẽ liên kết được với những hướng dẫn mà vị Thiên Nữ ấy đã được thọ nhận từ bậc Sư Phụ.242 Theo hình tướng thì thật ra, bạn phải quán chính bản thân bạn là vị Hộ Phật Kim Cang Thủ (Vajrayogini). Đấng Vajrayogini có sắc tướng màu đỏ, với một khuôn mặt, hai tay và ba mắt. Vajrayogini đang tha thiết hướng mắt nhìn vào trái tim của vị Thầy –“tha thiết” ở đây diễn tả một cảm giác nóng lòng, không thể kiên nhẫn chờ đợi trong việc hoà nhập với Thầy. Ngài là suối nguồn duy nhất của mọi hỉ lạc. Sử dụng bàn tay phải,
Vajrayogini đang đánh vào một cái trống nhỏ làm sọ người được giơ cao lên trong không trung, đánh thức chúng sinh ra khỏi giấc ngủ vô minh và lầm lạc. Bàn tay trái đặt lên hông, và cầm một lưỡi dao cong chặt đứt gốc rễ của tam độc. Vajrayogini không mặc y phục ngoại trừ những vật dụng bằng xương và các vòng hoa. Vajrayogini thị hiện ra trước mặt ta nhưng đó chỉ là giả hợp, không có thực chất, giống như một chiếc cầu vồng ở giữa bầu trời.
Lơ lửng trong không gian trên đầu vị ấy cách khoảng một mũi tên là một hoa sen trăm ngàn cánh làm bằng nhiều loại châu báu đang nở rộ. Trên (đoá sen) đó là một đĩa mặt trời, trên nữa là một đĩa mặt trăng. Trên pháp toà này, có vị Thầy gốc hay Bổn Sư vinh quang của bạn đang an tọa. Ngài thị hiện trong hình tướng của đại Đạo Sư xứ Oddiyana, là kho tàng của lòng đại bi vô song, là hiện thân của chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngài mang sắc trắng, pha đỏ. Ngài có một khuôn mặt, hai tay và hai chân. Ngài ngồi trong tư thế vương giả và choàng một vuông vải bằng gấm thêu kim tuyến, đắp thêm chiếc y của một vị tăng, cùng một áo choàng xanh lam dài tay, trên đầu đội một chiếc mũ hoa sen.
Có cả thảy ba chiếc mũ khác nhau có liên hệ với Guru Rinpoche. Ngài cũng được gọi là Đức Phật Thứ Hai của xứ Oddiyana. Chiếc mũ thứ nhất được các dakini cúng dường cho Ngài khi Ngài sinh ra đời. Ngài không được thụ thai bởi một người cha hay được sinh ra từ một người mẹ, mà được đản sinh ở phương tây-nam, trên Hồ Sữa, giữa một bông sen. Việc đản sinh này của Ngài đã xảy ra thình lình, là một nảy nở tự nhiên của giác tánh, là kinh nghiệm chứng ngộ rằng vạn pháp hữu vi đều phát sinh từ nền tảng nguyên sơ. Chiếc mũ miện mà các dakini cúng dường Ngài để tôn phong ngài như Pháp vương của họ, chiếc mũ miện ấy được gọi là Nụ-Sen.
Về sau, khi Ngài thực hành các hoạt động phi thường243 nơi Tám Mộ Địa Vĩ Đại và siêu vượt mọi hành động tốt hoặc xấu, các vị Không-Hành nữ (dakini) đã hiến dâng cho Ngài chiếc mũ gọi là Mũ Da-Hươu 244 như một biểu tượng cho sự vĩ đại của Ngài.
Chiếc mũ thứ ba do Arsadhara, Vua xứ Zahor cúng dường Ngài. Vua đã quyết tâm thiêu sống Đạo Sư, nhưng ông khám phá ra thân kim cương của Ngài không bị ngọn lửa làm cho tổn hại, thân này đang ngồi trần trụi, hoàn toàn tươi tắn, mát mẻ giữa một đoá sen kỳ diệu. Nhà vua hết sức kinh ngạc và đức tin xuất hiện trong lòng Ngài.
“Hãy mở kho quần áo lụa mới của ta ra,” vua ra lệnh, “và đem cho ta tất cả những mũ miện và y phục.” *Xem Thuật ngữ.
Cái mũ mà vua cúng dường (cho đức Liên Hoa Sanh) vào lúc đó, không những được cúng dường cùng với những của cải khác của nhà vua, mà còn cùng với quyến thuộc, vương quốc và thần dân của vua nữa. Mũ ấy được gọi là Hoa Sen Giải thoát Nương Nơi Cái Thấy, cũng được gọi là Mũ Cánh Hoa Thuộc Ngũ Bộ Phật. Chính cái mũ đặc biệt này là cái mũ mà chúng ta quan tâm đến ở đây. Mũ này có hai lớp, trong và ngoài, tượng trưng cho sự hợp nhất của các giai đoạn phát triển và thành tựu. Mũ có ba chỏm, tượng trưng cho ba Thân (three kayas). Năm màu của mũ tượng trưng cho năm Thân* làm việc vì lợi lạc của chúng sinh. Mũ được trang trí với một mặt trời và mặt trăng tượng trưng cho các phương tiện thiện xảo và trí tuệ. Mũ còn có thêm một viền xanh dương tượng trưng cho các mật nguyện vô giới hạn. Trên chóp đỉnh có một chiếc chày kim cương (vajra) là biểu tượng của công năng thiền định cao độ không gì lay chuyển được, và thêm một chiếc lông chim kên kên, tượng trưng cho kinh nghiệm chứng ngộ của cái thấy cao tột và là cực điểm của công phu tu hành.
Bàn tay phải của Ngài đặt nơi khoảng trái tim, phô diễn ấn phẫn nộ và trong tay có cầm một chiếc chày kim cang bằng vàng. Bàn tay trái đặt trong lòng trong ấn thiền định và trong tay có cầm một bình bát làm bằng sọ người. Bình bát chứa đầy nước cam lồ bất tử của trí tuệ và [bên trong bình bát có đặt] một bình trường thọ, trên bình trường thọ có cắm một chồi non của cây ước nguyện. Trong vòng tay trái, Đạo Sư (Guru Rinpoche) cầm cây chĩa ba khatvanga**— cây khatvanga này là biểu tượng bí mật của Mandarava, là vị Thiên Nữ Trí Tuệ (dakini) thủ hộ đứng đầu tất cả các Thiên Nữ. Ba ngạnh của khatvanga tượng trưng cho chân tánh tinh yếu, cho sự biểu lộ tự nhiên, và cho lòng bi mẫn, và ở dưới ba ngạnh này là là ba thủ cấp: một đầu đã khô tượng trưng Pháp Thân, một đầu thối rữa, tượng trưng Báo Thân, và một đầu mới cắt tượng trưng Hóa Thân. Chín vòng kim khí móc trên những ngạnh của khatvanga tượng trưng cho chín thừa; những giải cờ lụa năm màu tượng trưng cho năm trí tuệ. Khatvanga cũng được trang điểm bằng những mảng tóc của các mamo *** hoặc đã chết hoặc còn sống và của những vị Thiên Nữ, như một dấu hiệu cho thấy Đạo Sư đã nhiếp phục được họ trong suốt thời gian Ngài đã thực hành các hoạt động phi thường trong Tám Mộ Địa Vĩ Đại.245 **Một loại đinh ba đặc biệt *** Phạn: matrika, một loại thiên nữ (dakini) phẫn nộ
Khắp chung quanh Ngài, trong một khối cầu vồng chói lọi được vây quanh bởi một mạng lưới gồm vô số những tụ điểm ánh sáng năm màu, hãy quán tưởng Tám Vị Trì Minh Vương (Vidyadhara) của Ấn Độ, Hai Mươi Lăm Đại Đệ tử của Tây Tạng, cũng như hằng hà sa số các vị Bổn Tôn của Ba Nguồn
Guru Rinpoche và dòng truyền thừa
Tâm-yếu của Đại-Quảng-Trí (Longchen Nyingtik)
Jnanasutra Samantabhadra Trisong Detsen
Vajrasattva Garab Dorje
Sri Simha Manjusrimitra
Yeshe Tsogyal Guru Rinpoche Vairotsana
Longchenpa Vimalamitra Jigme Lingpa
Gia Trì (Three Roots) cùng các vị Hộ Pháp trung thành. Các ngài phải thật sự hoá hiện [trước mặt bạn] như thế nào để chính sự hiện hữu ấy có thể chặt đứt được những tư tưởng phàm tục trong bạn.
Nói rộng ra thì có ba phương cách khác nhau để quán tưởng dòng truyền thừa. Trong phần thực hành quy y, chúng ta đã quán tưởng các Lạt Ma vị này ở trên vị kia. Tất cả các Lạt Ma của dòng đại Viên Mãn xuất hiện vị này trên vị kia trên đỉnh đầu của Đạo Sư xứ Oddiyana. Còn cách thức chúng ta quán tưởng khi thiền định và trì tụng pháp Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) còn được biết đến như làø viên ngọc dung chưá tất cả. Tất cả các Lạt Ma gốc và các Lạt Ma thuộc dòng truyền thừa cùng xuất hiện trong hình tướng của duy nhất của đức Kim Cang Tát Đoả. Nhưng bây giờ, khi thiền định về Guru Yoga, chúng ta quán tưởng các Lạt Ma như một tổng hợp [cùng hội tụ lại]. Tất cả các Lạt Ma của dòng Đại Viên Mãn, đại dương của Ba Nguồn Gia Trì, cùng với các vị Hộ Pháp trung thành, tất cả đều tụ hội lại thành một thánh chúng xung quanh đại Đạo Sư xứ Oddiyana.
Hãy trì tụng bản văn quán tưởng, chú ý tới ý nghĩa của các ngôn từ:
Emaho! 246 Tất cả những gì con cảm nhận đều là một Phật cảnh đang được hình thành tự nhiên, thanh tịnh và vô tận...
xuống tới:
...được quán tưởng trong sự đồng nhất vĩ đại, bất khả phân của tánh sáng (clarity) và tánh Không (emptiness).
Rồi với lòng quy ngưỡng mãnh liệt, hãy trì tụng những giòng này:
Hum! Nơi biên địa Tây Bắc xứ Oddiyana..
xuống tới:
..Guru Padma Siddhi Hum.247
Khi bạn tụng đọc những dòng này, hãy tưởng tượng rằng tất cả các Bổn Tôn và Cung Điện Liên Hoa Quang ở Núi Đồng Đỏ Huy Hoàng như thực sự xuất hiện và tan hoà vào các Bổn Tôn thệ nguyện và vào cung điện 248 mà bạn đã quán tưởng, tất cả trở thành một như nước đổ vào với nước.
2. Cúng Dường Thất Chi Phổ Hiền
Con đường Kim Cương Thừa bao gồm nhiều phương pháp tu tập đa dạng, và không phải trải qua các gian khổ lớn lao. Con đường này được dành cho những người có căn cơ sâu sắc. Nếu chúng ta bền bỉ tu luyện bản thân để tích lũy công đức và trí tuệ với một quyết tâm mạnh mẽ, mọi sự lẽ ra phải mất cả một đại kiếp để tích lũy qua con đường hành trì sáu ba la mật, nhưng nay theo con đường của Kim Cương Thừa thì ta có thể thành tựu chỉ trong khoảnh khắc, và có thể đạt được giải thoát chỉ trong một đời.
Không còn gì phải nghi ngại vì thửa ruộng công đức tối hảo duy nhất, bí mật và vô song ấy chính là bậc Đạo Sư Kim Cương.249 Đó là lý do vì sao pháp vun bồi công đức được kết hợp với pháp tu Bổn Sư Du Già (Guru Yoga). Thất chi phổ hiền của pháp cúng dường cũng bao gồm toàn thể rất nhiều các phương pháp tích lũy công đức và trí tuệ.
2.1 LỄ LẠY,250 PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ TÁNH KIÊU NGẠO
Đối với pháp môn lễ lạy này, hãy quán tưởng là bạn đang phân thân thành một trăm, một ngàn, rồi thành ra vô số thân thể như thân thể bạn hiện nay, nhiều như vô lượng những hạt bụi trong thế giới. Đồng thời hãy quán tưởng rằng tất cả chúng sinh vô lượng như không gian vô lượng đang lễ lạy cùng bạn. Những câu tụng đọc được sử dụng trong phần này là:
Hrih! Con xin quy mạng lễ, hoá hiện thành nhiều thân,
Nhiều như những vi trần trong toàn thể thế giới.
Nói chung, khi bạn thực hành toàn bộ “năm trăm ngàn pháp tu chuẩn bị”,251 bạn có thể kết hợp phần lễ lạy với pháp thực hành quy y, làm như vậy là đúng chứ không sai, và truyền thống kết hợp cả hai phương pháp đó cũng thường được [các hành giả] noi theo. Nhưng riêng trong giáo lý giảng dạy về pháp lễ lạy được cắt nghiã ở đây thì việc kết hợp phần lễ lạy với pháp hành trì Bổn Sư Du Già mới chính là một phương pháp tuyệt hảo để tu tập.
Điều quan trọng cần chú ý khi thực hành pháp môn lễ lạy là phải liên kết thân, ngữ, và ý. Khi bạn lễ lạy bằng thân, hãy trì tụng lời cầu nguyện lễ lạy bằng ngữ của bạn. Trong khi đó, hãy dùng tâm để nhận biết rằng bạn đang thực hành lễ lạy cùng tất cả chúng sinh và thực hành lễ lạy với lòng tôn kính và quy ngưỡng, hoàn toàn nương tựa vào Thầy của bạn và hoàn toàn quy phục Ngài. Mặt khác, bạn sẽ phải hoàn toàn dứt bỏ việc phát ngôn bừa bãi theo sở thích, hoặc ngó quanh ngó quất khắp mọi nơi trong khi tâm bạn tiếp tục theo đuổi đủ loại hiện tượng đang xảy ra bên ngoài. Có một kẻ nào đó đi ngang qua, hay một người nào đó đang nói chuyện ở phía bên phải của bạn thì bạn sẽ chú ý về phía đó và đôi mắt bạn sẽ bị lôi kéo về phía đó, và bạn sẽ thấy mình đang chắp đôi bàn tay lại ép lên má trái. Khi có ai đó xuất hiện ở bên phiá trái của bạn, bạn sẽ nhìn quanh, lắng nghe về phía đó và đôi bàn tay chắp lại của bạn cuối cùng lại chạm vào má bên phải. Bạn phải hiểu rằng nếu bạn chỉ trình diễn bề ngoài bằng cách lễ lạy như thế, để cho tâm buông lung phóng dật trong khi thân bạn tự lắc lư lên xuống thì đó chỉ là một thứ thử thách cho xác thân mà không đem lại bất kỳ lợi lạc nào.
Khi lạy, bạn hãy chụm hai bàn tay lại trong hình dạng của một búp sen sắp nở, còn chừa một khoảng trống ở giữa [hai lòng bàn tay]. Không được ép sát hai bàn tay lại với nhau mà không để chừa khoảng không ở giữa, cũng như không được chắp hai tay bằng cách chỉ chạm các đầu ngón tay lại với nhau mà thôi. Kinh Đại Giải Thoát có nói:
Đôi bàn tay chắp lại trên đầu
Như một búp sen hé nở,
Và với vô lượng thân này tụ hội giữa trời mây
Con quỳ lạy mười phương chư Phật.
Và Kho Báu Thiện Đức có nói:
Hãy làm một biểu hiện tôn kính nơi tim,
Thân cúi xuống thấp, tâm không phóng dật,
Đôi bàn tay chụm lại như một búp hoa
Và gắn liền với nhau như chiếc hộp đựng xá lợi.
Hãy chắp hai bàn tay lại và đặt trên đỉnh đầu bạn, rồi đặt ở yết hầu (cổ họng) và đặt nơi tim bạn để tịnh hóa các chướng ngại của thân, khẩu và ý của bạn. Rồi bạn hạ người xuống trên nền nha,ø chạm vào nền nhà ở năm điểm trên thân thể là trán, hai lòng bàn tay và hai đầu gối,252 để tịnh hóa các chướng ngại của ngũ độc và nhận được năng lực gia trì cho thân, khẩu, ý, phẩm hạnh và hoạt động. Sau đó hãy đứng thẳng lên, lại chắp tay lại và tiếp tục thực hành lễ lạy theo phương cách như trên.
Việc đong đưa hai cánh tay mà không chắp hai bàn tay lại là việc sai trái. Còn nếu bạn chỉ cúi xuống phía trước mà đầu gối và trán không chạm đất thì cũng không đúng. Cũng không đúng nốt nếu khi đứng dậy, bạn cứ lom khom mà không đứng thẳng người lên. Lễ lạy như thế là thiếu tôn kính. Người ta nói rằng nghiệp trổ quả của việc lễ lạy mà không đứng thẳng là kẻ thực hành lễ lạy sẽ bị tái sinh làm một người lùn gù lưng. Chúng ta thực hiện việc lễ lạy với hy vọng công phu tu tập này sẽ đem đến cho ta lợi lạc – vì thế, chẳng có ý nghĩa gì trong việc thực hành lễ lạy nếu kết quả của việc làm ấy chỉ đem đến cho ta một thân thể méo mó biến dạng.
Ngay cả nếu bạn không thể lễ lạy được nhiều lần, thì hãy nỗ lực bằng mọi cách để bảo đảm rằng bất kể cái lạy nào của bạn cũng sẽ là một cái lạy hoàn hảo, không thể chê vào đâu được. Thật là vô nghĩa nếu bạn cố tình làm cho công việc lễ lạy trở nên dễ dàng hơn bằng cách thực hiện lễ lạy trên một chỗ dốc, chẳng hạn ở sườn một ngọn đồi, hoặc bằng bất kỳ phương pháp nào khác.
Hơn nữa, ngày nay khi người ta tỏ lòng tôn kính một ai, ví dụ như khi viếng thăm một Lạt Ma, họ thi lễ và lạy một cái lạy tạm coi như là đúng cách, và rồi sau đó bồi thêm hai cái lạy nữa chẳng khác nào hai cái « nghiêng mình ». Đại khái cứ cho như đó là cách lễ lạy của những kẻ có tầm vóc quan trọng đi - và hầu hết những kẻ ngu dốt lại noi theo gương của họ. Nhưng đó là một cách lễ lạy cực kỳ thô tục. Mục đích của việc thỉnh cầu giáo lý, ngay cả trong những sự việc đơn giản như cách quỳ lạy ra sao, là để nghe Đạo Sư giảng dạy bất kỳ điều gì ta không biết, và sau đó luôn luôn đưa những giáo huấn đó vào thực hành mà không bỏ quên bất kỳ chi tiết nào. Nếu ta không thể đưa vào thực hành ngay cả một điều thật dễ học và dễ làm thì việc học hỏi về Phật Pháp sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa và không đem lại kết quả nào. Những người đã từng nghiên cứu Phật Pháp phải giỏi giang thành thạo hơn những người không nghiên cứu Pháp, kể cả trong cách thức họ thi lễ, cách lạy những cái lạy thật đơn giản.
Khi Ngài Jetsun Mila đến cầu Pháp với Lạt Ma Ngokpa, Ngài tới vào lúc Lạt Ma Ngokpa đang giảng Mật điển Hô Kim Cương (Hevajra Tantra) cho một tập hội tăng sĩ đông đảo. Ngài Mila tỏ lòng tôn kính bằng cách quỳ lạy từ xa. Vị Lạt Ma rất hài lòng.
Bỏ mũ miện xuống khỏi đầu, vị Lạt Ma lạy trả ngài Mila và nói: “Đây thật là một việc gián đoạn tốt lành! Người quỳ lạy đằng kia đang lạy theo cung cách của các đệ tử của Ngài Marpa xứ Lhodrak.* Hãy hỏi xem ông ta là ai.” * Vị thầy gốc (bổn sư) của Milarepa, và cũng là bổn sư của Ngokpa.
Bất kỳ ai đi theo một vị Thầy nào và nhận giáo lý của Ngài thì cũng phải giống như một miếng vải được ngâm trong thuốc nhuộm. Khi anh ta học tập để noi theo những hành động của vị Thầy đáng kính của mình, thì chắc chắn sẽ có một vài chuyển biến đáng lưu ý xảy ra so với anh ta trước kia. Khi một miếng vải được nhuộm màu, thể nào màu mới cũng sẽ ít nhiều ngấm vào miếng vải— làm sao mà miếng vải đó lại không thay đổi màu sắc chút xíu nào cho được? Ngày nay, có những người từng thọ nhận Pháp hàng trăm lần, nhưng họ vẫn không cải thiện bản thân được chút nào, và xử sự hoàn toàn như một người thế tục trên mọi phương diện. Tất cả những gì Giáo Pháp sản sinh ra lại chỉ là những hành giả trơ lì, là những kẻ vi phạm mật nguyện. Có câu nói rằng:
Đạo Pháp có thể là nguồn cảm hứng khiến những kẻ xấu ác biến đổi, nhưng không thể truyền cảm hứng cho những hành giảû trơ lì đối với Pháp – giống như mỡ có thể làm loại da cứng trở nên mềm mại, nhưng không thể làm mềm da của túi đựng bơ.253
Một khi bạn đã học hỏi về lợi lạc của các thiện hạnh, về tai hại của các ác hạnh và về phẩm hạnh của chư Phật, thì điều đó sẽ không bao giờ đủ nếu bạn chỉ đơn thuần tán đồng tin tưởng ; bạn còn phải khơi dậy sự xác quyết và lòng tín tâm để có thể thực sự chuyển hoá cái nhìn của bạn. Nếu không thì ngay cả vị Phật Toàn Giác bằng xương bằng thịt cũng sẽ chẳng thể nào cứu giúp bạn. Đấng Vĩ Đại xứ Oddiyana đã ban lời cảnh cáo sau đây:
Đừng tham dự vào giữa đám đông những kẻ đệ tử lạc lối chuyên bàn suông về Giáo Pháp trong khi tâm họ đã trở nên trơ lì với Pháp.
Đừng liên kết với những bằng hữu nào muốn giới hạn các mật nguyện của họ.
Cho dù bạn chỉ hiểu một chữø duy nhất của Giáo Pháp thì bạn cần nhận biết ra được cách nào để cho chữ ấy chan hoà trong tâm bạn và đưa được chữ ấy vào trong thực hành. Mục đích của việc đi theo một vị Thầy là quan sát tư tưởng, lời nói và hành động của Ngài và học cách hành pháp như Ngài hành pháp. Như tục ngữ có câu:
Mọi hành động chỉ là noi gương: Những người hành động tuyệt hảo là những người noi gương giỏi nhất.
Theo cách này, bạn nên để cho những phẩm hạnh bên ngoài, bên trong và ẩn mật của Thầy in dấu lên bạn, giống như một mẫu tượng tsa-tsa hình thành từ chính cái khuôn của nó.
“Lễ lạy” là một từ tổng quát mô tả một cử chỉ tôn trọng và kính phục. Có nhiều cách khác nhau để lễ lạy, và những tập tục lễ lạy biến đổi từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Thầy của bạn đã hướng dẫn bạn cách thức lễ lạy cho phù hợp với lời dạy của Đấng Chiến Thắng. Vì thế, nếu bạn cố ý lễ lạy theo một cách thức sai lầm, dù bởi kiêu ngạo hay dù để giúp cho việc lễ lạy dễ dàng hơn, thì cả hai đều là một hành vi thiếu tôn kính và là một biểu hiện của sự khinh thường. Bạn cũng cần phải hiểu rõ rằng nếu chỉ thực hành lễ lạy như thể để thanh toán một món thuế thì việc làm này sẽ không có nghiã lý gì cả và chỉ đem lại những kết quả sai lầm.
Trái lại, nếu lễ lạy đúng đắn thì việc này đem lại vô lượng lợi lạc. Một lần, khi một nhà sư đang lễ lạy một cái tháp đựng những mẩu tóc và móng chân tay của Đức Phật, Ngài Ananda hỏi Đức Phật một hành động như thế có thể có lợi lạc gì. Đức Phật đáp:
Kết quả gặt hái được từ một cái lạy duy nhất có oai lực khủng khiếp nhiều đến nỗi nếu như ta được trở thành một vị đại đế vô lượng lần nhiều bằng số lượng hạt bụi ở dưới thân ta xuống cho đến vực sâu nhất của trái đất,254 thì lợi lạc của cái lạy đó vẫn không cạn kiệt.
Và trong Kinh điển có nói:
Nhục kế không thể nghĩ bàn trên đầu Đức Phật hình thành từ việc Ngài đã lễ lạy Đạo Sư của Ngài với tất cả lòng tôn kính.
Cuối cùng, lễ lạy cũng sẽ dẫn dắt chúng ta đến việc có được nhục kế (usnisa) không thể nghĩ bàn trên đỉnh đầu của chư Phật Toàn Giác.
2.2 CÚNG DƯỜNG 255
Hãy sắp đặt những phẩm vật cúng dường trong khả năng tài chánh của bạn cho phép, như đã được giảng dạy trong chương viết về cúng dường mạn đà la – nói cách khác, hãy cúng dường các phẩm vật trong sạch, hoàn toàn thanh tịnh, và không để cho mình vướng mắc vào tính keo kiệt, đạo đức giả hay tính khoe khoang. Các phẩm vật cúng dường này chỉ là phương tiện hỗ trợ cho công phu thiền định của bạn.
Sau đó, hãy cúng dường trong tâm tưởng theo cách thức của Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra),256 để cho toàn thể thế giới và toàn bộ không gian tràn ngập với tất cả những phẩm vật cúng dường của các cõi người và Trời: hoa, hương, đèn, nước hoa, thực phẩm, cung điện, phong cảnh, lâu đài, lạc viên, bảy vật tượng trưng cho vương quyền và tám biểu tượng tốt lành, với mười sáu Thiên Nữ kim cương nhảy múa và ca hát, mỗi vị sử dụng một nhạc cụ riêng của mình.
Nhờ năng lực của thiền định, Bồ Tát Phổ Hiền phóng ra hàng trăm triệu tia sáng đủ màu sắc từ tim Ngài, như vô số những hạt bụi trong hằng hà sa số các cõi Phật. Ở cuối mỗi tia sáng, Ngài phóng ra một thân tướng đồng nhất với bản thân Ngài, rồi cũng phóng ra các tia sáng đồng nhất từ tim của các thân tướng đó. Ở cuối mỗi tia sáng đó, còn lần lượt xuất hiện thêm các đức Phổ Hiền, và như thế tiếp tục tăng trưởng vô hạn, cho tới số thân tướng hiển lộ thì hoàn toàn không thể nghĩ bàn. Mỗi một vị trong những thân tướng Phổ Hiền này đang cúng dường chư Phật và chư Bồ tát khắp mười phương vô số những phẩm vật cúng dường vô vàn đủ thứ loại. Đây là cái được gọi là “những đám mây cúng dường của đức Phổ Hiền cao quý.” Hãyï cúng dường bằng cách quán tưởng nhiều Hoá Thân hiển lộ trong tâm bạn tuỳ theo mức độ quán tưởng mà bạn có thể đạt được theo cách này, vừa quán tưởng vừa đọc những lời tương ứng như sau:
Với những phẩm vật cúng dường được chuẩn bị bằng cả vật chất lẫn quán tưởng, Con cúng dường tất cả mọi thứ trong vũ trụ như một động tác cúng dường bao la.
Dù khả năng cúng dường của ta ra sao thì chư Phật và Bồ Tát vẫn có đủ oai lực để thu nhiếp. Vì vậy, trong tâm tưởng, hãy vận dụng tất cả của cải không có sở hữu chủ trong toàn thể các cõi người và trời khắp thế giới, và dâng cúng tất cả. Sau đó, bằng trí tưởng tượng, hãy tưởng tượng ra thật nhiều của cải càng tốt trong mức độ bạn có thể tưởng tượng ra được, và hãy cúng dường tất cả. Theo cách này bạn có thể vun bồi công đức tương đương với lượng công đức mà bạn cóù thể cóù được nếu như những vật cúng dường đó là tài sản của riêng bạn. Đừng bao giờ cho rằng bạn không có gì để cúng dường. Bất kỳ thứ gì bạn hay những người khác có và bất cứ điều gì bạn thấy, hãy để cho ý nghĩ đầu tiên của bạn luôn luôn là ý nghĩ cúng dường những phẩm vật đó cho Tam Bảo, cho các Bổn Sư và các Đạo Sư thuộc dòng truyền thừa. Bằng chính tâm bạn, hãy cúng dường cho Tam Bảo bất kỳ điều gì bạn thấy đẹp đẽ khi đi ngang qua, thậm chí một dòng nước trong trẻo hay những cánh đồng hoa, như thế bạn sẽ hoàn thiện công phu vun bồi công đức và trí tuệ ngay giữa các hoạt động thường nhật của bạn.
2.3 SÁM HỐI ÁC HẠNH 257
Trước tiên, hãy sám hối bằng việc suy tưởng như sau: “Với lòng hổ thẹn và ân hận mãnh liệt, con phát lồ sám hối việc con đã phá giới và sám hối những ác hạnh của con, những gì con còn nhớ và những gì con đã quên, tất cả những hành vi tiêu cực không thể tưởng tượng nổi mà con đã từng làm trong tất cả các kiếp sống trong vòng sinh tử từ vô thủy: mười ác hạnh của thân, khẩu và ý, năm tội bị quả báo tức thời (ngũ nghịch trọng tội) và năm tội nặng gần bằng ngũ nghịch trọng tội, bốn lỗi lầm nghiêm trọng, tám hành vi độc ác, tội lạm dụng tiền của được hiến cúng cho Tam Bảo và v.v... Từ giờ trở đi, con sẽ không bao giờ lập lại những hành vi xấu ác này.”
Với những ý nghĩ như trên, hãy sám hối như đã được giảng dạy trong chương viết về Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), trong khi ghi nhớ trong tâm cách đối trị của bốn công năng sám hối. Rồi hãy tưởng tượng rằng tất cả những hành động sai lầm và những chướng ngại của bạn cùng tập hợp lại trong hình dạng một nhúm đen trên lưỡi bạn. Hãy quán tưởng các tia sáng đang tuôn chảy ra từ thân, khẩu, ý* của các Bổn Tôn trong ruộng công đức, chạm vào chỗ nhúm đen, và tẩy sạch tất cả các ô nhiễm của bạn như thể tất cả bụi đất đều được cuốn trôi đi. Hãy tụng đọc những lời này: * Ánh sáng trắng từ giữa trán, tượng trưng cho thân; ánh sáng đỏ từ giữa cổ họng, tượng trưng cho ngữ; ánh sáng xanh dương từ giữa trái tim tượng trưng cho tâm.
Trong Pháp Thân chói lọi
Con sám hối mọi tư tưởng, lời nói và hành vi sai trái.
2.4 HOAN HỈ, PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ TÁNH GANH TỊ
Hãy phát tâm hoan hỉ sâu xa và chân thành trước công cuộc chuyển Pháp Luân Vĩ Đại đã được các Đấng Chiến Thắng khởi động vì lợi lạc của chúng sinh. Hãy hoan hỉ trước các hoạt động bao la, đầy uy dũng của chư Bồ Tát, và trước các thiện hạnh của chúng sinh là những việc đáng tán thán và đưa tới giải thoát.258 Hãy hoan hỉ trước bất kỳ điều tốt lành nào mà bản thân bạn đã làm trong quá khứ, đang làm trong hiện tại và chắc chắn sẽ làm trong tương lai. Hãy tụng đọc:
Con hoan hỉ trước tất cả các thiện hạnh
Được gói trọn trong hai chân lý (chân đế và tục đế)
Chúng ta hoan hỉ trước tất cả các thiện hạnh bao gồm trong hai chân lý,259 dù được thực hiện bởi chúng ta hay bởi người khác, dù bị các cảm xúc làm cho ô nhiễm hay dù thanh tịnh hoàn toàn, bởi vì không một giáo lý nào trong tất cả chín Thừa mà không được bao gồm trong chân lý tương đối (tục đế) hay chân lý tuyệt đối (chân đế).
Việc phát khởi tâm hoan hỉ theo cách này sẽ đem đến lợi lạc vô hạn. Có một lần vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) thỉnh mời Đức Phật và chúng đệ tử của Ngài dùng bữa hằng ngày tại cung điện trong thời gian bốn tháng. Trong thời gian này ông đã cúng dường hội chúng tất cả tài sản của mình. Một bà lão hành khất đi ngang qua đó tràn ngập lòng hoan hỉ trước hành động này.
“Vua Ba Tư Nặc đã đạt được mọi của cải này nhờ công đức vua đã tích tập trong quá khứ,” bà lão nghĩ, “và giờ đây vua đã được gặp Đức Phật. Đức Phật là người mà nhà vua chú tâm gửi đến hết tất cả mọi cúng dường, và công phu tích lũy công đức của nhà vua thực là cực kỳ to lớn. Kỳ diệu thay!”
Nhờ lòng hoan hỉ chân thành và hoàn hảo mà bà lão đã tạo được vô lượng công đức. Đức Phật thấu suốt điều này.
Chiều hôm đó, khi đến lúc hồi hướng công đức, Đức Phật nói với vua: “Ngài muốn ta hồi hướng nguồn mạch công đức mà Ngài đã thâu đạt được cho Ngài, hay muốn ta sẽ hồi hướng công đức ấy cho người xứng đáng hơn Ngài ?”
Nhà vua đáp: “Xin hồi hướng công đức cho bất kỳ ai có nguồn mạch công đức to lớn nhất.”
Vì thế Đức Phật đã hồi hướng công đức cho bà lão hành khất. Việc này xảy ra trong ba ngày liền. Quá bực tức, nhà vua thỉnh ý các thượng thư để tìm cách chấm dứt tình trạng này.
“Đức Vua quyết định về việc này thế nào ?” họ hỏi. “Ngày mai, khi thỉnh mời đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài đến để cúng dường, chúng ta sẽ đánh đổ một số thực phẩm và thức uống quanh những cái nồi. Khi những người hành khất đến nhặt thực phẩm rơi rớt, chúng ta sẽ đánh họ thật nghiêm khắc để ngăn cản họ.”
Và họ đã làm như thế. Khi bà lão hành khất hoan hỉ đến nhặt thực phẩm bị đánh đổ, họ ngăn lại và đánh bà. Bà trở nên giận dữ, vì vậy tiêu hủy nguồn mạch công đức của bà.
Như tôi đã lập lại ở đây nhiều lần, chỉ duy nhất tác ý của người thực hiện công việc ấy sẽ quyết định được là các hành động người đó làm là hành động tích cực hay tiêu cực – chứ không phải việc thật sự thực hiện công việc bằng vật chất hay bằng những lời lẽ dựa vào tác ý trên. Vì lý do này, trong Thắng Quân Vương Sở Vấn Kinh, Đức Phật đã giảng giải tỉ mỉ rằng việc chỉ đơn thuần nhìn thấy điều tốt người khác đã làm với một tâm thức thanh tịnh, chân thành hoan hỉ trước điều đó và hồi hướng năng lực của việc làm đó cho Giác Ngộ viên mãn của tất cả mọi chúng sinh, thì hạnh hoan hỉ ấy sẽ đem lại công đức còn nhiều hơn những hành vi tốt đẹp có tính phô trương, là những hành vi đã bị tám mối quan tâm thế tục làm cho băng hoại, bị ô nhiễm bởi các tham vọng đối với cuộc đời này, bởi tánh kiêu ngạo về các hành vi tốt đẹp của mình, bởi ước muốn ganh đua với đức hạnh của người khác và v.v... Chagme Rinpoche có nói:
Khi nghe nói về điều tốt của người khác,
Nếu như ta đuổi được đi mọi niệm tưởng ganh tị tiêu cực
Và thực sự hoan hỉ tận sâu thẳm trong tim ta,
Thì công đức của ta sẽ ngang bằng công đức của họ.
Bát Nhã Tập Kệ cũng có nói:
Sức nặng của tất cả các núi Tu Di trong một tỉ thế giới có thể cân đo được, Nhưng không thể đo lường được với công đức của việc tùy hỉ công đức.
Hãy luôn luôn hoan hỉ trước điều tốt mà những người khác đã làm, vì hạnh hoan hỉ rất dễ thực hiện và thật lợi lạc.
2.5. KHẨN CẦU CHƯ PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN260
Hãy tưởng tượng trước mặt bạn hiện ra tất cả chư Phật và Bồ Tát, chư Đạo Sư và tất cả những bậc thầy có thể đảm đương gánh nặng to lớn để làm lại lợi lạc cho chúng sinh. Hãy tưởng tượng rằng các Ngài đã chán ngán vì thái độ vô ơn và ngã lòng của những chúng sinh đo,ù và các Ngài không có ý định giảng dạy gì nữa hết mà sẽ an trụ vĩnh viễn trong trạng thái an bình. Bạn hóa hiện thành hàng trăm và hàng ngàn triệu thân, hãy cúng dường bánh xe, châu báu và các báu vật khác cho toàn thể chư vị, và khẩn thiết kêu nài các Ngài hãy chuyển Pháp Luân với những lời nguyện sau đây:
Con khẩn nài các Ngài chuyển Pháp Luân của ba Thừa.
Phật Pháp được phân chia tổng quát thành ra ba Thừa: Thanh Văn Thừa, Độc Giác Thừa, và Bồ Tát Thừa. Hợp nhất lại thì ba Thừa này bao gồm toàn thể giáo lý của Đức Phật. Nhưng Giáo Pháp ấy cũng có thể được chia nhỏ thành chín Thừa: ba Thừa bên ngoài là các Thừa của chư vị Thanh Văn, Phật Độc Giác và Bồ Tát, với giáo lý giải thoát gốc rễ của đau khổ;* ba Thừa bên trong, Kriya, Upayoga và Yoga có liên quan tới các pháp tu khổ hạnh giống như theo truyền thống Vệ Đà;** và ba Thừa bí mật, Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga, hướng dẫn các phương pháp mãnh liệt để chuyển hóa. Khi chúng ta thỉnh cầu các Ngài chuyển Pháp Luân, điều ta đang cầu khẩn là khẩn cầu Giáo Pháp của ba Thừa này, Giáo Pháp ấy được phân chia xa hơn nữa thành chínThừa, và chín Thưà ấy có thể cung cấp các giáo lý thích hợp cho đệ tử [với nhiều loại căn cơ khác nhau]. *Theo một cách hiểu khác: “giáo lý này dẫn dắt chúng ta biết cách vận dụng nhân đau khổ như một khởi điểm [để giúp ta tu tập].” ** Trong đó có một điểm nhấn mạnh rất quan trọng về sự sạch sẽ thuần tịnh có tính cách nghi lễ và về cung cách cư xử bên ngoài.
2.6. KHẨN CẦU CHƯ PHẬT ĐỪNG NHẬP NIẾT BÀN 261
Hãy hướng những lời khẩn cầu của bạn đến chư Đạo Sư, chư Phật và chư Bồ Tát là những bậc đã hoàn thành công hạnh của các Ngài vì lợi ích của chúng sinh, hiện đang ở trong cõi Phật này và những cõi Phật khác, và giờ này các Ngài đều muốn nhập Niết Bàn. Giống như cư sĩ Cunda262 đã làm trong quá khứ, hãy nài xin các Ngài bằng cách quán tưởng trong tâm bạn hiện ra nhiều Hóa Thân của chính mình. Hãy thỉnh nài như sau:
Cho tới khi vòng luân hồi trở nên trống rỗng,
Xin ở lại với chúng con và đừng nhập Niết Bàn!
Rồi hãy nghĩ tưởng rằng do công phu cầu nguyện của các bạn mà tất cả chư Phật đều ở lại trụ thế để làm việc lợi lạc cho chúng sinh cho tới khi vòng luân hồi trở thành trống rỗng!
2.7. HỒI HƯỚNG 263
Hãy theo gương mẫu của Đức Văn Thù bằng cách hồi hướng cho tất cả chúng sinh bất kỳ công đức nào bạn hay bất kỳ ai khác đang tích lũy qua hành động mà giờ đây bạn và những người ấy đang làm. Hãy niêm phong bằng dấu niêm của trí tuệ vô niệm. Hãy tụng đọc những dòng dưới đây:
Tất cả những thiện căn đã được tích lũy trong suốt quá khứ, hiện tại và vị lai, Con hồi hướng như là một hạt nhân đưa đến đại Giác Ngộ.
Đừng quên hồi hướng vào lúc cuối, trước khi bất kỳ hành động đáng khen nào chấm dứt, dù lớn hay nhỏ. Bất kỳ thiện căn (nguồn mạch công đức) nào không được hồi hướng theo lối này thì sẽ chỉ kết trái một lần và sau đó sẽ bị cạn kiệt. Nhưng bất cứ điều gì được hồi hướng cho Giác Ngộ tối hậu thì sẽ không bao giờ bị khô cạn, thậm chí khi đã kết trái một trăm lần. Thay vào đó, công đức đó sẽ tăng trưởng và phát triển cho tới khi bạn thành tựu được Phật Quả toàn hảo. Trong Kinh Sagaramati có nói:
Giống như một giọt nước rơi vào đại dương
Sẽ không bao giờ biến mất cho tới khi đại dương khô cạn,
Công đức được hoàn toàn hồi hướng cho Giác ngộ
Sẽ không bao giờ biến mất cho tới khi đạt được Giác Ngộ.
Bạn có thể ước muốn đạt được mức độ tu chứng của một vị Thanh Văn hay Phật Độc Giác, hay đạt được thành tựu Toàn Giác. Bạn có thể chỉ ước muốn được tái sinh trong các cõi giới cao, như một vị Trời hay một con người. Hoặc bạn có thể chỉ ước muốn một kết quả nhất thời như một cuộc đời trường thọ hoặc dồi dào sức khỏe. Nhưng khi bạn làm điều gì đáng khen, thì dù trong cái nhìn của bạn có mục đích nào chăng nữa, điều quan trọng là hãy hồi hướng việc ấy cho mục đích Giác Ngộ. Ngài Drikung Kyobpa Rinpoche có nói:
Trừ phi bạn nguyện cầu
Bằng cách xoa tay vào viên ngọc như ý của hai công
năng tích tụ (hai bồ công đức),
Thì kết quả bạn mong ước sẽ không bao giờ xuất hiện:
Vì vậy, khi kết thúc, hãy phát tâm hồi hướng với tất cả tấm lòng.
Chính công năng hồi hướng sẽ quyết định được xem những thiện hạnh mà bạn đã làm có sẽ dẫn tới Toàn Giác hay không. Còn những hành động tạo tác thiện lành mà bạn tích lũy dù có khổng lồ đến đâu chăng nữa, cũng không thể dẫn tới giải thoát trừ phi bạn giúp cho những hành động này có được một hướng đi tốt bằng cách hồi hướng hết thảy mọi việc. Geshe Khampa Lungpa có nói:
Không một thiện hạnh nào do tạo tác có được một định hướng riêng,264 Vì thế hãy phát tâm nguyện rộng lớn vì lợi lạc của chúng sinh.
Tương tư như vậy, đối với một hành động tích cực hay một hạnh lành mà bạn có thể thực hiện nhân danh cha, mẹ hoặc nhân danh những người thân yêu của bạn, hoặc cho người đã chết, thì bạn cũng phải phát tâm hồi hướng y như trên.265 Không hồi hướng thì hành động đó không có hiệu quả. Nhưng nếu bạn hồi hướng việc đã làm thì những người mà bạn muốn hướng tâm đến sẽ được lợi lạc một cách tương ứng.
Một lần kia những cư dân ở Vaisali đến mời Đức Phật tới dùng bữa vào ngày hôm sau.
Sau khi họ ra về, năm trăm quỷ đói đến và khẩn cầu Ngài: “Xin hồi hướng cho chúng tôi công đức bố thí mà dân chúng ở Vaisali sắp cúng dường cho Ngài và cho chúng đệ tử của Ngài vào ngày mai.”
“Các ông là ai ?” Đức Phật hỏi, mặc dù Ngài đã biết câu trả lời. “Tại sao nguồn công đức của dân chúng ở Tỳ Xá Li (Vaisali) lại phải hồi hướng cho các ông?”
“Chúng tôi là cha mẹ họ,” các quỷ đói đáp. “Chúng tôi bị tái sinh làm quỷ đói là hậu quả của thái độ bủn xỉn của chúng tôi.”
Đức Phật nói: “Trong trường hợp này, hãy đến đó trong phần hồi hướng và ta sẽ làm như các ông yêu cầu.”
“Điều đó không thể được,” họ nói. “Chúng tôi rất xấu hổ vì thân hình xấu xí của mình.”
Đức Phật đáp: “Các ông nên xấu hổ khi làm những hành động xấu ác đó. Lúc ấy không cảm thấy xấu hổ thì có gì là khôn ngoan đâu, nhưng bây giờ lại thấy xấu hổ khi các ông đã bị tái sinh trong thân tướng khốn khổ này ư ? Nếu các ông không đến, ta sẽ không thể hồi hướng công đức cho các ông.”
“Nếu thế chúng tôi sẽ tới,” họ nói và cáo biệt.
Ngày hôm sau, khi đã đến lúc, chúng quỷ đói tới để nhận hồi hướng. Những cư dân ở Vaisali khiếp sợ và bắt đầu chạy trốn.
“Không có lý do gì phải sợ,” Đức Phật trấn an họ. Đây là cha mẹ quý vị đã bị tái sinh làm quỷ đói. Chính họ đã nói với ta như thế. Ta có nên hồi hướng nguồn công đức của quý vị cho họ hay không ?”
“Tất nhiên là Ngài nên làm như vậy!” họ la to lên.
Đức Phật liền nói:
Nguyện xin hồi hướng công đức của hạnh cúng dường cho chúng quỷ đói này.
Cầu mong họ thoát khỏi thân tướng xấu xí
Và đạt được hạnh phúc của những cõi cao hơn!
Vừa khi đức Phật mở lời nói thì tất cả quỷ đói đã lăn ra chết. Đức Phật giảng rằng họ đã được tái sinh ở cõi Trời thứ Ba Mươi Ba.
Ngài Jetsun Mila nói:
Giữa một ẩn sĩ thiền định trong núi non
Và kẻ cúng dường cung cấp lương thực cho Ngài
Có một mắt xích đưa họ cùng nhau đến bờ Giác Ngộ.
Việc hồi hướng công đức chính là tinh túy của mắt xích đó.
Muốn cho bất kỳ công phu hồi hướng công đức nào đưa dẫn tới Toàn Giác thì việc hồi hướng ấy phải được đi kèm với trí huệä, hoàn toàn tách khỏi ba ý niệm [đối đãi]. Nếu ta bám chấp vào các ý niệm đó như thật có thì việc ta hồi hướng công đức sẽ bị ô uế và việc hồi hướng đó sẽ bị gọi là hồi hướng độc hại. Bát Nhã Tập Kệ có nói:
Đấng Chiến Thắng đã dạy rằng ta làm việc tốt chung với các ý niệm tạo tác
Thì giống như ăn thực phẩm dinh dưỡng pha lẫn thuốc độc.
Ba ý niệm được đề cập ở đây là các ý niệm sau đây: có một nguồn mạch công đức (thiện căn) để hồi hướng, có người được hồi hướng và có mục đích mà ta nhắm tới cho việc hồi hướng. Nếu ta có thể hồi hướng công đức trong trạng thái trí tuệ, hoàn toàn thấu hiểu rằng ba điều trên không thực sự hiện hữu, thì việc hồi hướng đó quả thực không có pha lẫn chất độc. Điều đó có lẽ vượt quá khả năng của những người bình thường với căn cơ như của chúng ta. Tuy nhiên, nếu ta chỉ đơn giản nghĩ rằng ta đang hồi hướng công đức theo đúng phương cách mà chư Phật và chư Bồ tát trong quá khứ đã làm thì công phu hồi hướng của ta sẽ hoàn toàn thoát khỏi ba ý niệm tạo tác. Trong Kinh Sám Hối (một tên khác của Đại Thừa Sám Hối Tam Tụ Kinh) có nói:
Giống như tất cả chư Phật Thế Tôn trong quá khứ đã hồi hướng công đức một cách toàn hảo; giống như tất cả chư Phật Thế Tôn chưa xuất hiện sẽ hồi hướng công đức một cách toàn hảo; và giống như tất cả chư Phật Thế Tôn trụ thế đang hồi hướng công đức một cách toàn hảo; thì cũng như thế, con cũng xin hồi hướng tất cả mọi công đức một cách toàn hảo.
và trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Tán có nói:
Noi gương đấng anh hùng Văn Thù,
Phổ Hiền và tất cả những Bậc đại trí,
Con cũng xin hồi hướng thật toàn hảo
Tất cả mọi hành động thiện lành.
Bất cứ lúc nào cũng phải luôn luôn niêm phong các hành động thiện lành của bạn bằng việc hồi hướng đúng đắn, bởi đó là phương pháp duy nhất không thể sai lầm để bảo đảm rằng công đức ấy sẽ dẫn tới Toàn Giác.
3. Khẩn Cầu266 Với Lòng Tin Kiên Quyết Chí Thành
Điều này giúp cho tâm ta đạt được chân tánh của bốn Pháp Thân kim cương267 qua việc ta khẩn cầu Đạo Sư với lòng tin kiên quyết chí thành.
Hãy quán chiếu rằng bậc Thầy đáng kính của bạn, bậc Hộ Thần vinh quang, bậc quyền uy toàn hảo như có mang trong mình bản tánh uy mãnh của Heruka268 trong mỗi mạn đà la của các Bổn Tôn. Chỉ đơn thuần nhìn thấy Ngài, nghe Ngài nói, chạm được đến Ngài hay nghĩ tưởng về Ngài là đã gieo trồng hạt giống giải thoát. Bởi những việc làm của Ngài cũng tương tự như việc làm của tất cả chư Phật nên Ngài là viên Ngọc Quý thứ tư (đệ tứ Bảo). Đối với bạn, lòng tốt của Ngài vĩ đại hơn lòng tốt của tất cả chư Phật. Nương vào lực gia trì đến từø lòng từ bi của Ngài và nương vào con đường tu thâm diệu nay đang trổ quả và đưa bạn đến giải thoát, Ngài đã nhanh chóng dẫn dắt bạn – trong một đời duy nhất và trong chính thân xác này – đạt đến quả vị của Kim Cương Trì (Vajradhara). Đối với các phẩm hạnh của Ngài, kinh nghiệm chứng ngộ của Ngài thì bao la như bầu trời, trí tuệ và từ tâm của Ngài thì vô hạn như đại dương. Lòng bi mẫn của Ngài mãnh liệt như một con sông lớn. Chân tánh của Ngài vững chắc như Núi Tu Di. Ngài như một người cha và một người mẹ của tất cả chúng sinh, bởi trái tim Ngài thương yêu tất cả đồng đều không phân biệt. Bất kỳ một khiá cạnh nào trong mỗi một phẩm hạnh của Ngài đều không thể đo lường. Ngài giống như một viên ngọc như ý. Bạn chỉ cần đặt niềm tin trên Ngài và khẩn cầu Ngài, và bất kỳ thành tựu nào mà bạn đang tìm kiếm sẽ xuất hiện mà không phải dụng công.
Với nước mắt của lòng quy ngưỡng, hãy nghĩ tưởng rằng: “Con hoàn toàn nương cậy Ngài, con đặt hết thảy hy vọng nơi Ngài, con phó mạng con chỉ duy nhất nơi Ngài!” Hãy đọc những giòng này khi thực hành pháp thọ nhận các thành tựu, bắt đầu từ câu:
Đức Bổn Sư Tôn Quý (Guru Rinpoche),
Trong tất cả chư Phật, Ngài là..
cho tới câu:
...Con xin nương cậy nơi Ngài, đức Liên Hoa Sanh vĩ đại!
Kế đó, hãy tập trung tư tưởng trì tụng thần chú Vajra Guru (Đạo Sư Kim Cương), như một lời khẩn cầu. Sau mỗi một trăm lần trì tụng câu chú thì hãy đọc bài cầu nguyện “Đức Bổn Sư Tôn Quý...” thêm một lần nữa. Khi đã qua được một nửa thời gian bạn dành cho việc trì tụng này, thì sau mỗi lần hoàn tất một chuỗi trì tụng, hãy khẩn cầu [để được thọ nhận] công năng thành tựu bằng cách tụng đọc bài cầu nguyện bắt đầu bằng câu dưới nay:
Con không hy vọng vào ai khác ngoài Ngài...
và chấm dứt:
Ôi, đấng vĩ đại, xin tịnh hóa con khỏi hai chướng ngại!
4. Thọ Nhận Bốn Pháp Quán Đảnh (Bốn pháp gia lực)
Khi đã đến lúc để khẩn cầu những thành tựu, bạn hãy tự thọ nhận bốn pháp quán đảnh hay gia lực bằng cách quán tưởng chữ om ở giữa cặp lông mày của đức Bổn Sư Guru chiếu sáng như một vầng trăng-pha lê, phóng toả ánh sáng thấm nhập vào đỉnh đầu bạn và tịnh hóa hết nghiệp quả của ba ác hạnh thuộc về thân –sát sinh, lấy cắp thứ gì không được cho, và tà dâm – và tịnh hóa mọi che chướng của các đường khí mạch của bạn, từ đó thân (kim cương) sẽ phát khởi.269 Hãy đọc những giòng chữ bắt đầu bằng câu:
Năng lực gia trì của thân kim cương tan hoà trong con...
và hãy nghĩ tưởng rằng tiềm năng để thành đạt quả vị tu chứng của Hóa Thân (nirmānakāya) đã được thiết lập trong bạn.
Rồi từ trong cổ họng đức Bổn Sư Guru, một chữ ah, chói lọi như một viên hồng ngọc phóng toả ánh sáng vào cổ họng bạn, tịnh hóa nghiệp quả của bốn hành động ác hại thuộc ngữ - nói dối, gieo mối bất hòa, nói ác và nói tầm phào – và tịnh hóa mọi chướng ngại trong năng lực của bạn, từ đó ngữ hay khẩu (kim cương) sẽ phát khởi. Đọc tụng những giòng chữ bắt đầu bằng câu sau đây:
Năng lực gia trì của ngữ kim cương tan hoà trong con…
và nghĩ tưởng rằng tiềm năng để đạt được quả vị tu chứng của Báo Thân (sambhogakāya) đã được thiết lập trong bạn.
Rồi chữ hum màu xanh dương đậm trong tim Đạo Sư phóng toả ánh sáng vào tim bạn, tịnh hoá nghiệp quả của ba ác hạnh thuộc về ý - tham lam, ước muốn làm hại người khác và tà kiến - và tịnh hoá mọi chướng ngại trong phần tinh túy của bạn, từ đó tâm thức (kim cương) sẽ phát khởi. Hãy trì tụng những giòng chữ bắt đầu bằng câu:
Năng lực gia trì của tâm kim cương tan hoà trong con…
và nghĩ tưởng rằng tiềm năng đạt được quả vị tu chứng của Pháp Thân (dharmakāya) đã được thiết lập trong bạn.
Rồi từ chữ hum trong tim Đạo Sư một chữ hum thứ hai, giống như một ngôi sao băng, phóng vụt xuống và hoàn toàn hòa lẫn với tâm bạn, tịnh hóa mọi chướng ngại của nghiệp và của vọng niệm, là những chướng ngại đã ngăn che thức nền tảng A-lại-da (the ground of all), là thức nền tảng của thân, khẩu, và ý. Hãy đọc những giòng bắt đầu bằng:
Năng lực gia trì của trí tuệ kim cương nguyên thuỷ tan hoà trong con...
và nghĩ tưởng rằng từ giây phút đó, tiềm năng để đạt được kết quả tối hậu, quả vị tu chứng của Tự Tánh Pháp Thân (svabhavikakāya), được thiết lập trong bạn.
Sau cùng, hãy hoàn toàn hoà lẫn tâm bạn với tâm Đạo Sư, và an trụ ở trong trạng thái đó. Vào cuối thời khóa, hãy trì tụng với lòng quy ngưỡng và khao khát mãnh liệt bài cầu nguyện bắt đầu bằng câu:
Khi cuộc đời con đến lúc kết thúc..
và chấm dứt với câu:
...xin gia hộ cho con viên thành ước nguyện, con khẩn cầu Ngài.
Đức Bổn Sư Tôn Quý (Guru Rinpoche) mỉm cười, đôi mắt Ngài tràn đầy lòng bi mẫn. Từ tim Ngài, một tia sáng màu đỏ ấm áp chiếu tỏa ra. Cho tới bây giờ bạn vẫn quán tưởng chính mình là Vajrayogini (Nữ Kim Cang Du Già)ø – và ngay giây khắc tia sáng này chạm vào người bạn, bạn chuyển hóa thành ra một viên ánh sáng màu đỏ có kích thước bằng một hạt đậu. Hạt đậu màu đỏ đó phóng vọt hướng về Guru Rinpoche như một tia lửa xẹt, và tan hòa vào tim của Ngài. Hãy an trụ trong trạng thái đó.
Sau cùng, hãy nhìn thấy tất cả những gì hiện hữu đều không khác gì là những hoá hiện của Đạo Sư, và hãy kết thúc bằng cách trì tụng bài kệ hồi hướng sau đây:
Nhờ công đức của pháp tu này, nguyện con nhanh chóng đạt được
Quả vị của Đạo Sư vinh quang, vị Hộ Thần của con..
cũng như đọc tụng bài Nguyện Vãng Sanh Quốc Độ Đồng Sơn (nguyện tái sinh vào cõi Núi Đồng Đỏ của đức Liên Hoa Sanh).
Bất kỳ khi nào bạn đang đi tới đi lui đây đó, bạn vẫn có thể thực hành pháp Bổn Sư Du Già bằng cách quán tưởng Thầy của bạn hiện ra trên trời ở trên vai phải của bạn và tưởng tượng rằng bạn đang đi nhiễu quanh Ngài. Bất kỳ khi nào bạn ngồi xuống, hãy quán tưởng Ngài ở trên đầu để hướng tâm và hướng lời cầu nguyện của bạn đến Ngài. Khi bạn đang ăn uống, hãy quán tưởng Ngài ngự ở nơi cổ họng và cúng dường Ngài phần đầu tiên của thức ăn hay thức uống của bạn. Khi đi ngủ, hãy quán tưởng Ngài ở giữa trái tim bạn: đây là tinh tuý của kỹ thuật thực hành du già trong giấc ngủ (sleep yoga), “rót đầy mọi sự có thể biết được vào chiếc bảo bình.”270
Tóm lại, hãy khơi dậy lòng quy ngưỡng của bạn trong mọi lúc, trong mọi tình huống. Hãy vững tâm tin tưởng rằng cho dù bạn đang ở bất kỳ nơi đâu thì nơi đó cũng thực sự là núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ, và hãy tịnh hóa tất cả mọi quan kiến bằng cách nhìn thấy tất cả chính là thân tướng của Đạo Sư.
Bất cứ khi nào bệnh tật, các chướng ngại từ các thế lực tiêu cực hay những hoàn cảnh bất như ý khác xuất hiện, đừng cố gắng vùng vẫy để thoát ra. Hãy hoan hỉ nghĩ rằng bệnh tật, chướng ngại và mọi sự bất như ý đang được Đạo Sư đem đến cho bạn trong tình thương yêu của Ngài như một phương cách giúp cho các ác hạnh trong quá khứ của bạn phải cạn kiệt. Bất cứ khi nào niềm hạnh phúc, sung sướng thoải mái và đức hạnh của bạn trội vượt thì hãy nhận thức rằng bạn có được những điều này cũng là nhờ vào lòng từ bi của Đạo Sư, và đừng kiêu ngạo hay kích động thái quá. Trong khi thiền định, bất cứ khi nào bạn cảm thấy sự xuất hiện của các tâm thái như ngã lòng, mệt mỏi, hôn trầm và trạo cử (kích động), hãy hợp nhất tâm tỉnh giác của bạn vào với tâm của Đạo Sư. Hãy an trụ trong cái thấy của trạng thái như nhiên, duy trì tánh sáng nguyên sơ của tâm tỉnh giác ấy. Đồng thời, hãy đọc thần chú Vajra Guru như một phương pháp cầu nguyện và trì tụng. Theo phương cách này, mọi sắc tướng sẽ xuất hiện như đây chính là Đạo Sư và các Bổn Tôn. Tất cả những gì bạn làm sẽ trở nên tốt lành tích cực. Như Ngài Jetsun Mila có nói:
Khi tôi đi, tôi dùng mọi tri giác như con đường ;
Đó là cách đi thế nào để cho sáu thức tự giải thoát.271
Khi tôi nghỉ, tôi nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên bất biến;
Đó là phương cách tinh chuyên và tuyệt đối để nghỉ ngơi.
Khi tôi ăn, tôi ăn thực phẩm của tánh Không;
Đó là cách ăn không có ý niệm đối đãi.
Khi tôi uống, tôi uống nước của chánh niệm và cẩn mật;
Đó là cách uống bất tận không bao giờ dứt.
Hơn nữa, một khi bạn đi vào Kim Cương Thừa, điều thiết yếu là phải thọ nhận các lễ quán đảnh hay gia lực (empowerment), vì các pháp ấy sẽ ngày một tăng trưởng và đem lại giải thoát.272 Các pháp gia lực sẽ hàn gắn các vi phạm mật nguyện, và khiến bạn có thể thiền định về tất cả các pháp tu của giai đoạn phát triển, của giai đoạn thành tựu, và của Đại Viên Mãn. Các pháp ấy sẽ ngăn ngừa những chướng ngại và không để cho lỗi lầm sinh khởi, giúp cho tất cả những thành tựu của bạn phát triển thêm mãi. Có câu nói rằng:
Trong Mật Thừa, không thể có thành tựu mà không cần quán đảnh,
Bởi điều ấy cũng giống như người lái đò không có mái chèo.
và cũng có câu nói:
Không có quán đảnh thì không có thành tựu;
Bạn không thể ép cát để lấy dầu.
Pháp quán đảnh (điểm đạo hay gia lực) mà ta nhận lãnh trước tiên khi chúng ta mới bước chân vào một mạn đà la do một vị Đạo Sư Kim Cương chân chính ban truyền thì đó gọi là gia lực nền tảng (ground empowerment). Pháp quán đảnh bốn năng lượng (fourfold empowerment) mà ta tự thọ nhận khi chính ta thực hành pháp môn Bổn Sư Du Già mà không cần lệ thuộc vào bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì khác, đó là gia lực đường tu (path empowerment). Pháp quán đảnh mà ta có được vào giây phút của thành tựu tối hậu được gọi là “ánh sáng vĩ đại của gia lực tịnh quang” (great ray of light empowerment) hay “gia lực của tánh vi diệu và tánh sáng bất khả phân,” (empowerment of indivisible profundity and radiance), đây chính là gia lực quả vị thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác (fruit empowerment, perfect and total Buddhahood).273
Các pháp quán đảnh (điểm đạo hay gia lực) này có ba đặc điểm sâu xa không thể nghĩ bàn: đó là tịnh hóa, toàn thiện hoá và trổ quả . 274 Ngay cả khi bạn đang thực hành một pháp môn chính yếu nào đó, nếu bạn bỏ qua bất kỳ một pháp tu dự bị căn bản nào thì đó làø một việc sai lầm. Điều đặc biệt quan trọng là khi bạn đang thiền định về các pháp môn tu tập, chẳng hạn như các pháp môn trong giai đoạn phát triển và thành tựu, thì hãy luôn luôn bắt đầu mỗi thời khóa với pháp gia lực đường tu (path empowerment) của Bổn Sư Du Già.
Bất kỳ một ai có lòng quy ngưỡng và có mật nguyện hoàn hoàn thanh tịnh và đã hoàn tất con đường tu đến giai đoạn Bổn Sư Du Già (Guru Yoga) thì ngay cả khi không thực hành các pháp môn chính yếu, họ cũng sẽ được tái sinh nơi núi Huy Hoàng ở đại châu Tây Nam.275 Trong cõi Phật thanh tịnh đo,ù họ sẽ bước trên con đường của bốn đạo quả của bậc Minh Trì (Vidyādhara), còn nhanh chóng hơn cả những chuyển động của mặt trời và mặt trăng, và họ sẽ đạt tới quả vị của đức Phật Phổ Hiền.
III. LỊCH SỬ CHÀO ĐỜI CỦA CỰU PHÁI DỊCH THUẬT
Ngay bây giờ, để giúp người nghe có thêm chút vui vẻ thư giãn cũng như vì một số lý do khác, những giải thích về lịch sự chào đời của giáo pháp nói chung, và của ba pháp tu “nội du già” (inner yogas) nói riêng, thường thường được đem ra trình bày ở đây một cách không quá vắn tắt mà cũng không quá tỉ mỉ. Do đó, bây giờ tôi sẽ giải thích một cách vắn tắt về lịch sử ra đời và truyền thưà của ba pháp tu “nội du già (inner yogas) của Cựu Phái Dịch Thuật (Old Translations), gồm có Mahāyoga, Anuyoga và Atiyoga, và làm thế nào mà ba pháp tu này – tương ứng với các giai đoạn phát triển, thành tựu và Đại Viên Mãn, đã được truyền xuống đến tận chúng ta ngày hôm nay. Có tất cả ba dòng truyền dạy khác nhau: (1) dòng tâm truyền (mind lineage) [hay biệt truyền] của các Đấng Chiến Thắng, (2) dòng truyền dạy qua biểu tượng (symbol lineage) của các bậc Minh Trì (Vidyādhara) và (3) dòng nhĩ truyền (hearing lineage) (hay khẩu truyền) của các chúng sinh bình thường.
1. Dòng Tâm Truyền (Biệt Truyền) Của Các Đấng Chiến Thắng
Đức Phật Phổ Hiền* đã giác ngộ từ vô thủy. Những cõi tịnh độ của toàn thể chư Phật, những nơi chốn mà giáo lý được giảng dạy và toàn thể chư đạo sư của tất cả bốn Thân Phật (four kāyas), tất cả đều đã xuất hiện nhờ vào vô lượng vô số những hoá hiện nhiệm mầu phát xuất từ lòng từ bi của đức Phật Phổ Hiền. Tập hội những đệ tử của Ngài bao gồm những vị Minh Trì (Vidyadhara) của năm Thân Phật và của hằng hà sa số các Đấng Chiến Thắng không thể nghĩ bàn; không có gì khác biệt giữa các vị ấy và bản thân của đức Phật Phổ Hiền. Đức Phật Phổ Hiền giảng dạy không qua giáo lý; ngài truyền dạy tất cả các giáo thuyết không qua ngôn từ hay qua các biểu tượng thông thường mà truyền dạy một cách hết sức tự nhiên không cần dụng công hay tạo tác, qua tánh sáng rất tự nhiên của lòng đại từ bi đến từ tuệ giác nguyên sơ của Ngài. Chúng đệ tử của Ngài tự thể nhập yếu nghĩa của giáo lý viên mãn này không chút sai lạc, và phẩm hạnh cùng quả vị tu chứng và giải thoát của các vị ấy 276 trở thành nhất như với phẩm hạnh và quả vị tu chứng và giải thoát của đức Phật Phổ Hiền. * Tây Tạng: kun tu bzang po, xem Dẫn nhập: Đại Viên Mãn
Đối với những ai không có may mắn thấu hiểu được dòng truyền dạy đầu tiên này thì đã có những Thừa khác hướng dẫn họ tu theo một con đường tiệm tiến hay con đường tuần tự tu chứng (progressive path). Đức Phật Phổ Hiền đã truyền dạy những Thừa này bằng cách hóa hiện ra thành vô số thân tướng trong hằng hà sa số các thế giới không thể nghĩ bàn trong vũ trụ để làm lợi lạc cho chúng sinh, dẫn dắt từng chúng sinh một bằng phương tiện thiện xảo thích hợp nhất. Ngài đã dạy dỗ sáu loài chúng sinh qua sáu thân tướng đặc biệt gọi là Sáu Đức Mâu Ni. Trong cõi Diêm Phù Đề này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp Luân ở ba mức độ khác nhau cho các vị Trời và người. Ngài đã giảng dạy Quả Thừa, bao gồm Luật (Vinaya), Kinh (Sūtra) và A-tì-đàm Luận (Abhidharma), và truyền dạy ngoại Mật Thừa (outer Mantrayana) gồm có Tác
Mật điển (Kriya Tantra), Hạ Du Già Mật điển (Upayoga Tantra), Du Già Mật điển (Yoga Tantra), v.v…
Để đối trị cảm xúc tham đắm
Đức Phật dạy hai mươi mốt ngàn phẩm trong Luật Tạng;
Để đối trị cảm xúc sân hận
Ngài dạy hai mươi mốt ngàn phẩm trong Kinh Tạng ;
Để đối trị cảm xúc u mê
Ngài đã dạy hai mươi mốt ngàn phẩm trong Luận Tạng;
Để đối trị và điều phục tam độc cùng một lúc
Ngài đã dạy hai mươi mốt ngàn phẩm của Tứ Tạng
(Fourth Pitaka).
2. Dòng Truyền Dạy Qua Biểu Tượng Của Các Bậc Minh Trì (Vidyadhara)
Vào thời điểm Ngài nhập Niết Bàn, chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tiên đoán về sự hình thành của giáo thuyết Mật Thừa vô song:
Hai mươi tám năm
Sau khi ta ngừng xuất hiện trong thế giới này,
Tinh túy tột vời của Giáo Pháp,
Được tôn vinh khắp ba cõi vi diệu,
Sẽ được giảng dạy ở phương Đông cõi Diêm Phù Đề
Cho một người được gọi là đức Vua Ja,
Một người cao quý và may mắn,
Được báo trước bởi các điềm lành.
Và trên đỉnh núi mang tên Đáng Sợ
Đức Kim Cương Thủ sẽ truyêàn dạy
Cho vị Pháp Vương của Lanka
Cùng với bằng hữu dưới quyền và những người khác.
Sau khi ban phát lời tiên tri này, Đức Phật đã thị hiện nhập Niết Bàn. 227 Sau đó, ba pháp du già của giáo thuyết nội điển (inner doctrine) vô song, cùng các giai đoạn phát triển, thành tựu và Đại Viên Mãn đều xuất hiện như Đức Phật đã tiên tri.
2.1 CÁC MẬT ĐIỂN ĐẠI DU GIÀ (MAHAYOGA)
Hai mươi tám năm sau khi Đức Phật nhập diệt, Vua Ja nhận được bảy điềm triệu trong các giấc mơ của mình. Sau đó, trên mái cung điện, nhà vua tìm thấy một số lượng to lớn gồm các pho sách quý báu của các kinh Mật điển (tantra), được viết bằng bột đá màu xanh biếc trên các phiến vàng, cũng như tìm thấy một pho tượng Kim Cương Thủ (Vajrapani) cao một cubit (khoảng 46cm). Nhà vua đã hết lòng cầu nguyện và sau đó đã có thể thông hiểu được phẩm viết về Linh Kiến của Kim Cang Tát Đoả (Vajrasattva). Nhà vua đã hành trì pháp môn này trong sáu tháng ròng, vận dụng những giảng dạy trong phẩm đó và bức tượng Kim Cương Thủ như Pháp bảo hỗ trợ cho công phu thiền định của mình. Sau đó, nhà vua đã có được một linh kiến của Kim Cang Tát Đoả, Ngài đã gia lực cho nhà vua khiến vua hoàn toàn thông suốt ý nghĩa của toàn bộ ba pho Giáo Pháp này. Từ đó trở đi, các giáo pháp ấy dần dần lan rộng.
2.2 LỊCH SỬ TRUYỀN DẠY A-NẬU DU GIÀ (ANUYOGA)
Trong cùng thời gian đó, trên đỉnh núi Malaya,278 Năm Đấng Tuyệt Hảo Cao Quý Siêu Phàm279 đã định tâm hướng về tất cả chư Phật ở mười phương và tụng đọc một bài kệ ai oán gồm hai mươi ba câu, bắt đầu bằng câu:
Than ôi! Than ôi! Than ôi!
Giờ đây mặt trời của đức Phật đã biến mất
Ai sẽ xua tan bóng tối của thế gian?
Tất cả chư Như Lai đồng khẩn cầu vị Pháp Vương của Mật Pháp, đức Kim Cương Thủ:
Xin hãy lắng nghe, Pháp Vương của Mật Pháp, chúng con
khẩn cầu Ngài! Lẽ nào Ngài đã quăng bỏû áo giáp thuở xa xưa? Lẽ đâu ngài không thấy khổ đau của thế giới ? Xin Ngài xót thương và nhập thế, Xua tan bao thống khổ của thế gian!
Pháp Vương của Mật Pháp ưng thuận:
Không bắt đầu và không chấm dứt
Không bao giờ từ bỏ thệ nguyện,
Đáp ứng bất kỳ khi được khẩn cầu,
Ta khai mở những hiển bày kỳ diệu.
Ngay lúc đó, ngay trên đỉnh núi Mālaya, Ngài đã giảng dạy Yếu Nghĩa Mật Kinh 280 và các giáo lý khác cho năm Đấng Cao Quý kia. Tại Dhanakośa ở phía Tây xứ Oddiyāna, đức Vajrapani đã giảng dạy Mật điển Bí Mật Tập Hội 281 cùng với các giáo huấn tinh túy của Ngài và các giáo huấn Mật điển thuộc hệ Kila, Mamo và những giáo huấn khác cho vị hóa thân Garab Dorje.282 Tất cả các truyền dạy này được Ngài Padma Thotrengtsel xứ Oddiyāna (Đức Liên Hoa Sanh) thọ nhận và sau đó những giáo huấn này ngày càng lan rộng.
2.3 CÁC GIÁO HUẤN TÂM YẾU CỦA ĐẠI VIÊN MÃN
Atiyoga (A Đề Du Già, A Tì Du Già) tức Đại Cứu Kính hay Đại Viên Mãn, trước tiên được dạy cho những vị Trời. Trong cõi Trời thứ Ba Mươi Ba, có một vị trời tên là Devabhadrapala, ông có năm trăm người con trai, tất cả được đản sanh ra từ trong tâm của ông.* Người lớn nhất có tên là Ānandagarbha, thông minh và có sức mạnh phi thường hơn hẳn các em. Ngài thích hành trì tụng đọc các bài kệ kim cương, một mình đơn độc trong tịnh thất. Ngài được gọi là Devaputra Adhicitta, “thiên tử với tâm siêu việt.”
Vào năm Nữ Ngưu thuộc mạng thủy, Ngài nằm mơ bốn giấc mơ với nhiều biểu tượng. Trong giấc mơ thứ nhất, tất cả chư Phật đang phóng toả hào quang khắp mười phương, và thân tướng của Sáu Đức Mâu Ni được tạo bởi các luồng ánh sáng đang xoay quanh chúng sinh trước khi tan lẫn vào Ngài qua đỉnh đầu. Trong giấc mơ thứ hai, Ngài nuốt trọn Brama, Visnu và Pasupati.* Trong giấc mơ thứ ba, mặt trời và mặt trăng trong bầu trời xuất hiện trong đôi bàn tay của Ngài khiến cho toàn thể thế giới tràn đầy ánh sáng. Trong giấc mơ thứ tư, một trận mưa cam lồ rơi xuống từ một đám mây mang màu châu ngọc, và đột nhiên hiện ra những khu rừng, những loài cây quý, các thứ hoa, trái và quả mọng của cây dâu dại. * Họ được sinh ra một cách thần diệu chỉ nhờ vào ước muốn của ông ta. * Đây là ba vị thần chính yếu của đạo Bà-La-Môn (Hindu gods). Pasupati là một tên khác của Siva.
Hôm sau, Ngài đến kể về các giấc mơ cho Kausika, vua các vị Trời nghe. Nhà vua liền phát ra lời tán tụng này:
Emaho (Kỳ diệu thay)!
Bây giờ là lúc để giáo pháp tâm yếu xuất hiện mà không phải dụng công!
Hóa Thân của Chư Phật, Bồ Tát trong quá khứ, hiện tại và vị lai,
Pháp Vương của thập địa – Ngài sẽ thắp sáng toàn thể thế giới. Thật là một tô điểm kỳ diệu cho các cõi Trời!
Giấc mơ đầu tiên là dấu hiệu cho thấy Ngài sẽ nhiếp thụ trí huệ của toàn thể chư Phật và trở thành vị đại diện cho chư Phật. Giấc mơ thứ hai biểu thị rằng Ngài sẽ nhiếp phục được tất cả ma quỷ và đoạn diệt tam độc. Giấc mơ thứ ba có ý nghĩa là Ngài sẽ xua tan bóng tối trong tâm chúng sinh và soi sáng tâm họï bằng các giáo pháp. Giấc mơ thứ tư tượng trưng cho sự dập tắt những nỗi thống khổ mãnh liệt do các cảm xúc tiêu cực gây ra, dập tắt bằng giòng cam lồ của giáo lý Ati tự nhiên hiển lộ và bằng quả vị thành tựu không cần dụng công của thừa Ati.
Một lần nữa, tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai cùng tụ hội lại và nói:
Chúng tôi khẩn cầu đấng quang vinh Kim Cang Tát Đoả:
Là đấng sở hữu viên ngọc phương tiện kỳ diệu,
Xin mở cánh cửa đến với tất cả những gì chúng sinh ước muốn.
Xin ban cho họ viên ngọc siêu vượt mọi dụng công.
Từ tim của đức Kim Cang Tát Đoả (Vajrasattva) xuất hiện một bánh xe nạm ngọc rực rỡ-- Ngài tặng bánh xe đó cho Sattvavajra** Một tên khác của Vajrapani (Kim Cương Thủ). và nói:
Trí huệ bát nhã siêu vượt nhị nguyên, siêu vượt thực tại bị che chắn,
Đức Phật nguyên sơ, không dụng công và không tạo tác:
Con đường này được gọi là Trung Đạo Vĩ Đại.
Hãy khai mở cho tập hội các đệ tử.
Sattvajra hứa sẽ giảng dạy như sau:
Kim Cang Tát Đoả, bao la như bầu trời,283
Siêu vượt phạm vi ngôn từ,
Thật khó để diễn tả.
Nhưng với những ai chưa chứng ngộ, ta sẽ sử dụng ngôn từ
Chỉ ra yếu nghĩa khiến họ có thể chứng ngộ,
Và sẽ sử dụng bất kỳ phương tiện nào giúp giải thoát các hành giả.
Ở Vajraloka, cõi Phật phía đông, đức Kim Cang Thủ đã tham vấn đức Phật Vajraguhya và chư Như Lai của Kim Cương Bộ (Vajra Family). Ở Ratnaloka, cõi Phật phía nam, Ngài tham vấn đức Như Lai Ratnapada và chư Như Lai của Bảo Sanh Bộ (Jewel Family). Ở Padmakata, cõi Phật phía tây, Ngài tham vấn đức Thế Tôn Padmaprabha và tất cả hằng sa chư Như Lai của Liên Hoa Bộ (Lotus Family)ä. Ở Visuddhasiddha, cõi Phật phía bắc, Ngài tham vấn đức Như Lai Siddhyaloka và hằng sa chư Như Lai của Hạnh Bộ (Action Family).Ở Viyoganta, cõi Phật ở trung tâm, Ngài tham vấn đức Như Lai Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) và nhiều Đấng Chiến Thắng khác của Như Lai Phật Bộ (Tathāgata Family).
Như thế đức Vajrapani đã chắt lọc tinh tuý trí huệ của tất cả các đấng Chiến Thắng và giải tan mọi hiểu biết sai lầm về mỗi một khía cạnh của Đại Viên Mãn (Atiyoga), là tinh túy tuyệt diệu của Giáo Pháp, là kinh nghiệm chứng ngộ tự nhiên không cần dụng công, siêu vượt nhân quả. Ngài biết rằng Adhicitta, bậc thiên tử, đã có thiện nghiệp và phước duyên, và Ngài biết phải tìm Adhicitta ở Cõi Trời thứ Ba Mươi Ba, trong gian chính của Cung Điện Toàn Thắng, nơi đỉnh có đặt một cây sinh lực, trên ngọn có đặt một chày kim cương chín chấu. Đức Kim Cang Thủ đi tới đó để gặp Adhicitta và ngự trên một chiếc ngai khảm ngọc chói ngời trên chóp đỉnh của chày kim cang này.
Adhicitta mở rộng tấm màn che làm bằêng đủ loại châu báu và cúng dường cho đức Kim Cang Thủ (Vajrapani) nhiều phẩm vật linh thiêng. Rồi đức Kim Cang Thủ truyền cho Ngài, qua phương tiện của những biểu tượng, toàn thể năng lực gia hộ bằng cách trực tiếp“rót đầy phương tiện của các Đấng Chiến Thắng.”284 Đức Kim Cang Thủ cũng ban truyền cho Ngài mười giáo huấn tâm yếu kỳ diệu, bảy pháp quán đảnh, năm giáo huấn tâm yếu và một số rất nhiều các Mật điển và giáo huấn tâm yếu khác, toàn bộ đã được trao truyền chỉ trong một giây khắc. Đức Kim Cang Thủ gia hộ và ấn chứng cho Ngài là vị đại diện lỗi lạc nhất của chư Phật và tuyên bố những lời này:
Cầu mong yếu nghĩa kỳ diệu này của Giáo Pháp
Được biết đến khắp ba cõi vi diệu
Và được truyền bá giữa cõi Diêm Phù Đề
Bởi một trưởng tử là hóa thân của một Hóa Thân.285
Theo đó, Giáo Pháp đã lan truyền khắp ba cõi linh hiển.
2.4 GIÁO PHÁP ĐẠI VIÊN MÃN ĐẾN VỚI CÕI NGƯỜI
Nằm ở phía tây Ấn Độ là Oddiyāna, xứ sở của các vị Không Hành nữ hay Thiên Nữ Trí Tuệ. Ở đó, trong miền Dhanakośa, có một hồ nước tên là Kutra. Trên bờ hồ, trong một rừng cây tươi đẹp đầy hoa cỏ xinh tươi có một cái hang tên là Cung Điện Kim Cương, và đây là nơi cư ngụ của một thiếu nữ tên là Hoa Tươi, con gái của Vua Uparāja và Hoàng hậu Ālokabhāsvati. Cô mang trên người tất cả những dấu hiệu toàn thiện, có một trái tim đức hạnh và tâm Bồ Đề bao la. Từ bỏ thói đạo đức giả và phóng dật, cô được thọ giới làm tỳ kheo ni và giữ mọi giới nguyện thật toàn hảo không một lỗi lầm. Cô có một chúng đệ tử gồm năm trăm vị ni.
Vào năm Mộc Ngưu, ngày mồng tám tháng hai của mùa hạ, khi bình minh vừa ló dạng, cô nằm mơ một giấc mơ trong đó cô nhìn thấy tất cả chư Như Lai phát hào quang, những luồng ánh sáng biến thành mặt trời và mặt trăng. Mặt trời tan vào cô qua đỉnh đầu, di chuyển xuống phiá dưới. Mặt trăng tan vào cô qua các gót chân, di chuyển lên phiá trên. Sáng ra, kinh nghiệm chứng ngộ của cô tăng trưởng, và cô đi ra lau rửa trên bờ Hồ Kutra. Trong lúc đó, đức Vajrapani trong thân tướng của một con thiên nga, vua của các loài chim; Ngài biến Adhicitta thành một chữ hūm và sau đó tự biến mình thành bốn con thiên nga. Bốn con thiên nga từ trên trời cao hạ cánh xuống dầm mình trong nước hồ. Rồi ba con trong số đó lại cất cánh bay lên giữa bầu trời, nhưng một trong những hiện thân này của Pháp Vương Mật Pháp (đức Kim Cang Thủ -Vajrapani), trước tiên đã chạm mỏ vào tim công chúa ba lần, và một chữ hūm sáng chói tan vào tim cô. Rồi con thiên nga ấy cũng bay đi.
Quá kinh ngạc, công chúa báo lại cho phụ thân và chúng đệ tử biết chuyện gì đã xảy ra. Trong lòng tràn đầy xúc cảm kỳ diệu, vua cha rất hoan hỷ.
“Đây có phải là điềm báo trước sự chào đời của hóa thân của một vị Phật ?” nhà vua hỏi.
Nhà vua tiến hành tổ chức nhiều đại tiệc và lễ lạc. Mặc dù công chúa không có dấu hiệu gì chứng tỏ côø đang mang thai, nhưng khi gần đến thời kỳ ở cữ, một chày kim cang chín chấu lấp lánh phóng ra từ tim cô. Rồi chày kim cang ấy biến mất, để lại ở ngay vị trí đóù một em bé với những tướng chính và phụ của Phật Quả, em cầm một chày kim cang trong bàn tay phải và tay trái cầm một cây gậy bằng vật liệu quý. Em đang tụng đọc những lời nguyện bắt đầu bằng câu: “Đức Kim Cang Tát Đoảû (Vajrasattva), mênh mông như bầu trời...” Mọi người thảy đều hoan hỉ. Họ đưa em tới gặp một người Bà la môn thông thạo nghệ thuật lý giải những dấu hiệu kỳ lạ. Hết sức kinh ngạc, người Bà la môn tuyên bố em bé là một hóa thân hiển lộ, bậc nắm giữ các giáo lý của Thừa tối thượng (highest vehicle). Vì mọi người đang hết sức sung sướng hoan hỉ và em bé đang cầm một cái chày trong tay nên họ gọi em là Garab Dorje, có nghĩa là Kim Cương Cực Hỉ. Vì mọi người đang rất vui mừng, họ cũng gọi em là Kim Cương Niềm Vui. Và vì họ tràn đầy tiếng cười nên họ cũng gọi em là Kim Cương Tiếng Cười.
Khi Garab Dorje lên ngôi, đức Kim Cang Thủ (Vajrapani) xuất hiện trong thân tướng con người và trực tiếp ban cho ngài pháp gia trì viên mãn bằng cách rót đầy những yếu nghĩa của các Đấng Chiến Thắng cũng như rót đầy các pháp gia lực khác. Chỉ trong giây khắc, đức Vajrapani cũng truyền cho ngài toàn bộ các Mật điển (tantra) và các giáo huấn tinh túy, chẳng hạn như hai mươi ngàn pho Cửu Phương Quảng Trí (Nine Expanses) v.v.., và trao quyền cho Ngài làm người trì giữ giáo pháp. Đức Kim Cang Thủ chỉ định các vị hộ pháp trung thành làm bạn đồng hành với Garab Dorje để bảo vệ Giáo Pháp. Không cần phải dụng công và chỉ trong khoảnh khắc, Garab Dorje đạt được Phật Quả thuộc quả vị Đại Viên Mãn.
Vào lúc đó, ở tại xứ Ấn Độ cao quý, người Bà la môn Sukhapāla và vợ ông là Kuhanā sinh hạ một bé trai, là một hóa thân của đức Văn Thù (Mađjuśrī) cao quý. Em bé Bà la môn được đặt tên là Sārasiddhi, và cũng còn được gọi là Samvarasāra. Về sau em trở thành một tu sĩ,ø là người đứng đầu năm trăm vị học giả và được nhận lãnh danh hiệu Đạo sư Diệu Đức Hữu (Mađjuśrīmitra).
Trong một linh kiến, đức Văn Thù cao quý bảo Ngài Mađjuśrīmitra: “Hãy đi về phía tây xứ Oddiyāna. Quanh bờ Hồ Kutra, có một mộ địa tên là Cung Điện Mahahe Vàng. Ở giữa là một cái hang gọi là Cung Điện Kim Cương, ở đó có hoạt hiện một hóa thân được gọi là Garab Dorje. Ngài là một Hóa Thân của đức Kim Cang Tát Đoả (Vajrasattva). Ngài nắm giữ Giáo Pháp không cần dụng công của tất cả chư Phật, và tất cả chư Phật đã gia lực cho Ngài. Hãy đi đến gặp Ngài và khẩn cầu yếu nghĩa phi thường của các giáo lý, là pháp Atiyoga mà Ngài đang nắm giữ và nhờ đó có thể đạt được Phật Quả mà không cần dụng công. Ông phải là người biên soạn lại Giáo Pháp đó của Ngài.”
Mađjuśrīmitra nói với những người bạn học giả của Ngài: “Ở phương tây trong xứ Oddiyana có một Đạo Sư đang giảng dạy một giáo thuyết siêu vượt nguyên lý nhân quả. Chúng ta phải lên đường và đánh đổ ông ta bằng luận lý.”
Họ bàn cãi về vấn đề và bảy người trong số đó, gồm cả bậc huynh trưởng Rajahasti, đã du hành gian khổ đến xứ Oddiyāna. Nhưng mặc dù họ tranh luận gay gắt đến đâu với Garab Dorje chăng nữa, tranh luận về các giáo lý đặt trên nền tảng nhân quả, hoặc tranh luận về các giáo lý của ngoại hay nội Mật Thừa (outer or inner Mantrayana) thì họ vẫn không thể đánh bại Ngài.
Rồi Mađjuśrīmitra hỏi các học giả khác: “Chúng ta có nên cầu hỏi vị ứng hiện hóa thân này về giáo pháp siêu vượt nguyên lý nhân quả của Ngài không?”
Huynh trưởng Rajahasti muốn thỉnh cầu Giáo Pháp nhưng lại tuyên bố: “Tôi không dám, bởi chúng ta đã tỏ ra thiếu tôn kính với Ngài.”
Một số người khác cảm thấy rằng họ có thể thỉnh cầu Giáo Pháp vì giờ đây họ đã được Ngài thuyết phục. Họ cùng nhau quyết định sám hối với bậc Đạo Sư. Một số bắt đầu lễ lạy và đi nhiễu quanh Ngài. Những người khác bắt đầu kêu khóc.
Mađjuśrīmitra quỳ lạy trước mặt Ngài và nói: “Bậc ứng hiện Hóa Thân, bằng cách tuôn ra những luận cứ không sao kìm hãm được, con đã xử sự bất kính đối với Ngài.”
Với ý định cắt đứt lưỡi mình để bày tỏ sự thống hối, ông bắt đầu đi tìm kiếm một lưỡi dao cạo. Nhưng Ngài Garab Dorje đọc được tâm ông.
“Ông sẽ không bao giờ tịnh hóa các hành động xấu ác của ông bằng cách cắt đứt lưỡi được!” Ngài nói. “Hãy biên soạn một giáo pháp siêu vượt các giáo pháp dựa trên nguyên lý nhân quả. Việc làm đó sẽ tịnh hóa chính ông.”
Tất cả những học giả còn thiếu thiện nghiệp cần thiết và thiếu phước duyên, họ đều quay trở về nhà. Nhưng Mađjuśrīmitra đã thâu hóa toàn bộ Giáo Pháp, đạt được chứng ngộ tức thời chỉ nhờ thấy được một cử chỉ của Đạo Sư. Để giúp cho Giáo Pháp được hoàn toàn viên mãn, Garab Dorje ban cho Ngài pháp gia lực trực tiếp bằng cách rót đầy những phương tiện thiện xảo của các Đấng Chiến Thắng, rót đầy tất cả các Mật điển (tantra) và các giáo huấn tâm yếu không thiếu thứ nào, gồm cả hai mươi ngàn pho sách của Cửu Đại Quảng Trí (Nine Expanxes). Chính vào lúc này Ngài ban cho ông danh hiệu Mađjuśrīmitra. Bậc ứng hiện Hoá Thân Garab Dorje đã ghi chép ý nghĩa của các giáo huấn này và ban cho Mađjuśrīmitra Giáo Pháp sau đây:
Từ vô thủy, bản tánh của tâm là Phật.
Không sinh cũng không diệt, tựa không gian.
Khi ông liễu ngộ chân nghĩa, thấy ra tánh của vạn pháp vốn đồng đẳng,
Hãy an trụ trong trạng thái đó, đừng kiếm tìm 286 thì đó là thiền định.
Mađjuśrīmitra hoàn toàn thấu suốt, hiểu rõ Giáo Pháp này muốn nói gì và diễn tả kinh nghiệm chứng ngộ của riêng Ngài như sau:
Ta là Mađjuśrīmitra,
Ta đã thành tựu quả vị Yamāntaka.
Ta đã liễu ngộ tánh đại bình đẳng giữa sinh tử Niết Bàn;
Tuệ giác nguyên sơ đã phát khởi.
Ngài đã viết Giáo Huấn Về Bồ Đề Tâm Khắc Bằng Vàng Trên Đá 287 để ăn năn sám hối, và ghi lại hết các giáo huấn của Garab Dorje.
Kế đo,ù các Giáo Pháp này được truyền cho Śri Simha, là người đã ra đời tại Trung Hoa ở một nơi có tên là Shosha, cha Ngài tên là Đức Hạnh và mẹ tên là Tri Giác Trong Sáng. Ngài trở nên tinh thông năm môn khoa học (ngũ minh khoa học), gồm có ngôn ngữ, luận lý, chiêm tinh học và v.v.., các môn này ngài học với Đạo sư Hastibhala. Năm hai mươi lăm tuổi, Ngài gặp Đạo Sư (Ācārya) Diệu Đức Hữu (Mađjuśrīmitra), và từ bậc Đạo Sư này, Ngài đã nhận lãnh toàn bộ Giáo Pháp Đại Viên Mãn thâm diệu, với những Mật điển, khẩu truyền, cùng với những giáo huấn tâm yếu, và Ngài đạt được chứng ngộ tối thượng, giải thoát khỏi mọi tạo tác trong tâm thức.
Từ Śri Simha, các Giáo Pháp này đã được trao truyền tới Đức Phật Thứ Nhì ở xứ Oddiyāna* và sau đó tới học giả Jđānasūtra, đại học giả Vimalamitra, và đại dịch giả Vairotsana. Dòng truyền thừa cho tới thời điểm này là dòng truyền thừa qua biểu tượng của các đấng Minh Trì (Vidyadhara). * Đức Padmasambhava (Liên Hoa Sanh).
Tu viện Samye
Tu viện đầu tiên ở Tây Tạng, được khởi công xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 9, kiến trúc tượng trưng cho thế giới theo vũ trụ quan của Ấn Độ cổ. Tu viện bị phá hủy trầm trọng trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá, nhưng từ đó tới nay ngôi chùa chính đã được trùng tu kỹ lưỡng và được ngài Dilgo Khyentse Rinpoche hiến cúng lại vào năm 1990.
IV. LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ GIÁO LÝ TÂM-YẾU Ở XỨ TUYẾT TÂY TẠNG
Vào thời Đức Phật, Tây Tạng không có cư dân là con người. Về sau, có một bộ lạc con người phát xuất từ sự kết hợp giữa một loài vượn (là Hóa Thân của đức Quán Thế Âm Avalokiteśvara cao quý) cùng với một nữ tinh linh núi**ù. Trong thời kỳ phôi thai này, Tây Tạng ở trong một tình trạng hỗn loạn không tôn giáo, không luật lệ, không người cai trị. ** Có chỗ nói rằng đó là một hóa thân của Đức Quan Âm (Tara).
Trong lúc đó ở Ấn Độ, một vị vua tên là Śatānīka sinh hạ được một bé trai. Bàn tay và bàn chân của đứa trẻ có màng giống màng của một con thiên nga và mí mắt của em khép lại hướng lên trên như mí mắt của một con chim. Cha em cho rằng đứa trẻ hẳn có nguồn gốc quái thai không phải là người, tuyên bố là em phải bị trục xuất khỏi vương quốc. Ngay khi vừa lớn lên một chút, em bé đã bị đuổi đi. Do nghiệp lực dẫn dắt, em bé đã lang thang vô định và cuối cùng thì đến Tây Tạng. Ở đó em tình cờ gặp một vài người chăn cừu. Khi họ hỏi em từ đâu tới và là ai, em chỉ lên bầu trời. Những người chăn cừu cho rằng em bé phải là một vị Trời từ các cõi Trời hạ sinh, và tôn em làm thủ lãnh của họ. Họ làm cho em một chiếc ngai bằng đất và đá, và họ khiêng chiếc ngai đó trên vai, và vì thế em được gọi là Nyatri Tsenpo Cổ thời – Nyatri Tsenpo có nghĩa là “Đế Vương Của Chiếc Ngai Trên Vai.” Đây là vị vua đầu tiên, 288 và là một Hóa Thân của Bồ Tát Sarvanivāranaviskambhin.
Nhiều đời sau đó, trong triều đại Lha-Thothori Nyentsen, Ngài là một Hóa Thân của Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra), hiện ra trên mái Cung Điện Yumbu Lakhar cùng với một số các bảo vật linh thiêng:289 gồm có một tôn tượng được gọi là Cintāmani,290 tượng trưng cho thân tướng của chư Phật; Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh 291 và Kinh Bách Nguyện Bách Bái,292 tượng trưng cho ngữ của chư Phật ; và một tháp pha lê cao một cubit (khoảng 46cm), tượng trưng cho tâm của chư Phật.
Đây là khởi đầu lịch sử của Giáo Pháp ở Tây Tạng.
Trải qua năm đời sau đó đến triều đại của vua Songtsen Gampo293 là một Hóa Thân của đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara). Ngài xây dựng tất cả các điện thờ Thadul và Yangdul và cung điện chính ở thủ đô Lhasa294 và kết hôn với công chúa Kongjo (Văn Thành Công Chúa) xứ Trung Hoa – một Hóa Thân của đức Quan Âm (Tara) – và với công chúa Tritsun xứ Nepal – một Hóa Thân của Thiên Nữ Bhrikutī. Mỗi công chúa đều có đem theo một pho tượng của Đức Phật, như một phần thuộc của hồi môn. Hai pho tượng này được biết đến như là Jowo.295
Lần đầu tiên một hệ thống chữ cái Tây Tạng được Thomi Sambhota khai lập; ông nghiên cứu ngôn ngữ dưới sự dạy dỗ của học giả Ấn Độ Devavit Simha, và sau đó đã bắt đầu dịch Bảo Vân Kinh và một số các Kinh điển khác. Vua Songtsen Gampo đã phóng toả ra một tu sĩ tên là Akarmati từ giữa cặp lông mày của ngài. Vị tu sĩ này đi nhiếp phục các vị vua phi Phật Giáo ở Ấn Độ, và tìm thấy năm bức tượng Quán Thế Âm tự hoá hiện có tên là Năm Anh Em Cao Quý ngay trong thân của một loại cây đàn hương gọi là “Mãng Xà Tâm Yếu,” ở ngay Cung Điện Cát nằm giữa Ấn Độ và Tamradvipa. Ngài cũng đã tạc pho tượng Quán Thế Âm Avalokitesvara mười một khuôn mặt (Quán Tự Tại Thập Nhất Diện hay Thiên Thủ Thiên Nhãn) đặc biệt linh thiêng hiện còn ở Lhasa.296 Chính trong triều đại này mà Phật Pháp thực sự bắt rễ ở Tây TaÏng.
Trải qua năm đời nữa, đến đời vua Trisong Detsen,297 một Hóa Thân của đức Văn Thù Cao Quý được sinh ra đời. Khi Ngài lên mười ba tuổi thì thân phụ mất. Trước tiên Ngài chinh phục một số các xứ sở bằng vũ lực sau khi đã tham khảo ý kiến với các quan thượng thư như Ngam Tara Lugong và Lhazang Lupel.
Sau đó, lúc mười bảy tuổi, khi tham khảo các tài liệu lưu trữ của tổ tiên, Ngài nhận ra rằng trước tiên Phật Pháp đã tới xứ Tây Tạng trong triều đại Lha-Thothori Nyentsen và được vua Songtsen Gampo củng cố. Khi nhận thức được tổ tiên Ngài nhất tâm làm việc vì Pháp ra sao, Ngài cảm thấy chính mình cũng phải đặt hết mối quan tâm vào việc truyền bá giáo thuyết. Ngài hỏi ý kiến thượng thư Bộ Tôn Giáo của mình là Go Pema Gungtsen và khéo léo thỉnh ý các vị thượng thư khác khiến họ nhất trí xây dựng một ngôi chùa. Khi phải đi tìm một vị Thầy về để tổ chức tế lễ, làm an định (tức tai) thổ địa,298 họ hỏi ý kiến Nyang Tingdzin Zangpo, là vị Thầy rất được nhà vua tôn kính, khi đó đang ở Samye Chimpu.
Dựa vào công phu thiềøn quán, Ngài Tingdzin Zangpo biết rằng ở Zahor miền đông Tây Tạng có một đại Tu Viện Trưởng tên là Santaraksita, con trai của Pháp Vương Gomadeviya. Ngài báo tin này cho nhà vua, và vị Tu Viện Trưởng được mời sang Tây Tạng.
Sau đó Ngài Santaraksita cố gắng hiến cúng địa điểm của ngôi chùa. Nhưng một loài rồng nước (naga) sống trong một cung điện tên là Aryapalo, biết rằng bụi cây nơi ông ta sống sắp bị đốn hạ, đã kêu gọi tất cả các tinh linh tới trợ giúp ông. Hai mươi mốt genyen được người và các chúng phi-nhân (non-humans) hộ tống, cùng tập hợp thành một đội quân, và khi đêm đến, các tinh linh phá hủy bất kỳ những gì được con người xây dựng vào ban ngày, đưa mọi thứ đất đá trở về lại nơi xuất phát.
Nhà vua đến gặp Tu Viện Trưởng và yêu cầu một lời giải thích: “ Có phải bởi vì các chướng duyên của trẫm quá sâu dày? Hay tại Ngài đã không gia hộ cho mảnh đất? Phải chăng kế hoạch của trẫm vẫn chưa thực hiện được ?”
“Tôi đã thấu suốt Bồ Đề Tâm,” vị Tu Viện Trưởng đáp, “nhưng không thể điều phục các vị Trời và quỷ ma bằng các pháp an bình như thế. Chỉ có các pháp uy nộ mới đem lại kết quả. Hiện nay tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) ở Ấn Độ có một Đạo Sư tên là Liên Hoa Sanh xứ Oddiyāna. Ngài đến với thế giới này bằng một phương tiện thầân kỳ. Ngài tinh thông ngũ minh khoa học và đã làm chủ được năng lực của [kiến giải] tuyệt đối.299 Ngài đã đạt được các thành tựu thông thường lẫn siêu việt. Ngài đã dẹp tan ma quỷ, và buộc tám loại tinh linh phải quy phục Ngài. Ngài đã làm tất cả các vị Trời và ma quỷ phải run sợ và có thể điều phục các tinh linh mạnh mẽ. Nếu nhà vua thỉnh Ngài đến đây, sẽ không tinh linh nào có thể chống lại Ngài và mọi ước nguyện của nhà vua sẽ được mỹ mãn.”
“Lỡ không thể thỉnh mời được người như thế thì sao ?” nhà vua hỏi. Tu Viện Trưởng đáp: “Không đâu, Ngài sẽ có thể mời được vị ấy do bởi các lời cầu nguyện mà Ngài đã phát nguyện trong quá khứ. Thời xa xưa ở Nepal, có một người đàn bà tên là Samvari, con gái của người chủ trại gà Salé, bà ta có bốn con trai do sống chung với một người nuôi ngựa, một người nuôi heo, một người nuôi gà vịt và một người nuôi chó,” và Ngài kể cho vua câu chuyện tháp Jarung Khashor300 đã được xây dựng thế nào và những lời cầu nguyện đã được phát nguyện như thế nào vào lúc đó.
Nhà vua phái Ba Trisher, Dorje Dudjom Chim Śakyaprabha và Shubu Palgyi Senge tới Ấn Độ, mỗi vị mang một số lượng bụi vàng và một cái nơ vĩnh cửu bằng vàng. Các vị ấy giải thích cho Đạo Sư rằng Ngài cần có mặt ở Tây Tạng để gia trì cho địa điểm của một ngôi chùa.
Đạo Sư hứa sẽ đến. Ngài lên đường, dừng lại trên đường để buộc mười hai tenma, mười hai vị nữ hộ thần, hai mươi mốt genyen, cùng tất cả các vị Trời và tinh linh của Tây Tạng phải tuyên thệ.
Cuối cùng Ngài đến Trakmar để gia trì mảnh đất, và tu viện Samye Tự Hiển Lộ đã được xây dựng. Tu viện có một dinh thự ở giữa cao ba tầng, được bao quanh bởi những tòa nhà tượng trưng cho bốn đại châu và các trung châu. Hai điện Yaksa, một cao và một thấp tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Toàn bộ tu viện được một bức tường bao quanh. Tu Viện Trưởng Santaraksita, Đạo Sư Padma (Liên Hoa) và Vimalamitra tung hoa lên để cúng dường và làm an định cả thảy ba lần và người ta đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu phi thường và kỳ diệu nhiệm mầu hiện ra.301
1. Dòng Nhĩ Truyền Của Những Chúng Sinh Bình Thường*
Sau đó Tu Viện Trưởng Śantaraksita đã giảng dạy về các truyền thống của Luật tạng và Kinh tạng, trong khi Đạo Sư Liên Hoa Sanh và Ngài Vimalamitra thiết lập các giáo lý Mật Thừa. Chính vào lúc này Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyāna tức Đạo Sư Padma và đại học giả Vimalamitra đã truyền dạy cho ba đệ tử tâm yếu – gồm có Đức Vua, Thần Dân và Hiền Hữu**– cũng như dạy cho Nyangwen Tingdzin Zangpo và các đệ tử may mắn khác là những chiếc bình chứa thích hợp để đón nhận Giáo Pháp. Đối với những đệ tử này các Ngài đã chuyển Pháp Luân gồm ba nội du già (inner yogas), kể cả Atiyoga của Đại Viên Mãn, và chỉ rõ ba điểm trọng yếu: phân biệt, xác quyết và tự giải thoát (distinguishing, clear decision and self-liberation).302 Bắt đầu từ đó trở đi, dòng truyền thừa này được gọi là “dòng truyền thừa qua lắng nghe hay dòng nhĩ truyền của những chúng sinh bình thường.” * Đề mục này được đưa vào trong bản dịch để thêm sáng nghĩa. ** Trisong Detsen, Yeshe Tsogyal và Vairotsana.
Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyāna cũng ban Giáo Pháp thích hợp cho mỗi một người trong Hai Mươi Lăm Đại Đệ Tử của Ngài,+ là những vị có được phước duyên cần thiết để đón nhận bất kỳ Giáo Pháp nào trong vô số Giáo Pháp của Đức Phật miễn là Giáo Pháp đó phù hợp với thiện nghiệp của họ. Sau đó, những bản văn Mật Thừa này đã được viết trên “các cuộn giấy vàng” 303 và được cất dấu như những kho tàng tâm linh hay tàng bảo kinh.++ Đạo Sư đã cầu nguyện và cất dấu những bản văn này như những di sản vì lợi lạc của chúng đệ tử trong tương lai. Về sau, vào những thời điểm đã được tiên tri, Hóa Thân của những vị thành tựu giả trong số chúng đệ tử đó, là những người mà trước đây Đạo Sư đã hướng lời cầu nguyện đến, họ sẽ tái sinh trong hoàn cảnh tốt đẹp để làm nhiệm vụ khai quật những kho tàng tâm linh thâm diệu này. Nhiều đệ tử với nghiệp lực thích ứng đã đi theo các vị này, hoằng hóa làm lợi lạc chúng sinh và lập nên các dòng truyền thừa thường được gọi là những dòng lục truyền hay cửu truyền (those lineages with six or nine transmissions).304
Trong vô số các vị Hóa Thân và những vị khai quật tàng bảo kinh, có một vị có rất nhiều liên hệ với chúng ta ở đây, đó là ngài Rigdzin Jigme Lingpa. Ngài đích thực là đức Quán Thế Âm An Trụ Trong Bản Tánh Của Chân Tâm,# và ngài hoá hiện trong hình tướng của một vị thiện tri thức. Cùng một lúc, Ngài nhận lãnh những giáo huấn của toàn thể ba dòng truyền thừa - dòng truyền tâm, dòng truyền qua biểu tượng và dòng nhĩ truyền qua sự lắng nghe - từ Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyāna, đại học giả Vimalamitra và bậc Toàn Giác Longchen Rabjam. 305 Ngài là một vị Phật Toàn Giác. Ngài đã chuyển pháp luân của Giáo Pháp Viên Mãn cho những chúng sinh nào có được nhiều may mắn và thuận duyên. Như tục ngữ có nói:
Dù sắc thân Ngai là của một vị Trơi hay con nguời phàm tục Nhưng tâm thức toàn hảo của Ngài đích thật là Phật.
+ rje `bango, nghĩa đen là “đức vua và thần dân,” gồm có đức vua Trisong
Detsen và các thần dân là hai mươi bốn đệ tử khác.
++ Xem Thuật Ngữ: kho tàng tâm linh.
# sems nyid ngal gso: một hiện thân của đức Quán Thế Âm Avalokitesvara
Vì lý do này, vị Thầy tôn kính** của tôi thường nói: “Đối với những ai có khả năng tu tập vàø cầu nguyện thì Bổn Sư của ta, đấng Kim Cương Trì 306 (Vajradhara) -- vị Pháp Vương và Hộ Thần của toàn thể chúng sinh, Ngài thực sự là một vị Phật Toàn Giác. Ta không nói thế chỉ vì muốn tán thán hay tôn kính Ngài. Ngài thực sự là đức Kim Cương Trì Toàn Giác Vĩ Đại, đã hạ sinh để làm lợi lạc chúng sinh trong thân tướng của người phàm. Trong dòng truyền thừa này, giữa Ngài và các con không có ai khác ngoài ta. Và đối với ta, ngay từ lần đầu tiên gặp Ngài, ta đã thọ trì tất cả những gì Ngài dạy bảo. Ta đã phụng sự Ngài theo ba phương cách+ và không bao giờ làm điều gì khiến Ngài phải phiền lòng hay thậm chí làm Ngài phải cau mày. Vì thế các con có thể tin chắc rằng, các mật nguyện tuyệt đối chưa hề bao giờ bị suy đồi khiến cho sợi dây xích vàng của dòng truyền thừa này phải bị ô uế. Suối nguồn năng lực gia hộ của dòng truyền thừa này thật khác biệt với suối nguồn của bất kỳ dòng truyền nào khác.” ** Bổn Sư của Patrul Rinpoche, Ngài Jigme Gyalwai Nyugu, là một trong trưởng tử của Ngài Ridzin Jigme Lingpa. Xem Dẫn Nhập.
+ Xem Phần Một, Chương Sáu, Mục II.
Mật điển Nhật Nguyệt Hợp Nhất có nói:
Nếu bạn không giải thích lịch sử nguồn gốc (của dòng truyền thừa),
Người ta sẽ phạm phải lỗi lầm
Không tin tưởng vào Chân Pháp tột cùng ẩn mật.
Chính vì cần phải đem đến nguồn cảm hứng giúp cho chúng đệ tử phát khởi niềm tin, bằng cách giảng dạy cho họ biết nguồn gốc xác thực của dòng truyền thừa, và bằng cách thuật lại chi tiết lịch sử nguồn gốc đó, nên ta đã làm công việc giảng dạy những điều như thế này trong phạm vi của pháp môn Bổn Sư Du Già (Guru Yoga).
Trong pháp Bổn Sư Du Già, điều tối quan trọng là phải trì tụng câu minh chú mười triệu lần. Một số người không trì tụng câu minh chú trong thời gian đủ dài (cho mười triệu lần), và cho rằng các tu pháp dự bị này không thực sự quan trọng. Hoặc có lẽ sau khi nghe giảng rằng giáo lý của pháp thực hành chính yếu thật sự thâm diệu như thế nào thì họ nảy sinh ra rất nhiều kỳ vọng cao xa. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem, việc họ có thể thực hiện các pháp tu thuộc hai giai đoạn phát triển và thành tựu mà không bỏ thời gian ra để thực hành đúng đắn các pháp tu dự bị thì cũng giống như tục ngữ phổ thông có nói:
Thè lưỡi ra trước khi cái đầu được nấu chín,307
Duỗi chân ra trước khi chỗ nằm được hơ ấm.
Thực hành các pháp tu dự bị mà không đi cho tới kỳ cùng thì sẽ không có bất kỳ ý nghĩa nào cả. Cho dù có được một vài dấu hiệu nhỏ bé nhất thời như “hơi ấm” xuất hiện, nhưng những dấu hiệu này cũng không có gì là bền vững giống như một tòa nhà không có nền móng.
Một phần của một tư tưởng sai lạc tương tự khác là việc buông bỏ các pháp tu dự bị một khi bạn bắt đầu thực hành các pháp tu chính yếu, cho rằng bạn đã thực hành các pháp tu dự bị đầy đủ đúng đắn rồi – thầm nhủ rằng các pháp tu dự bị chỉ là dự bị, và bây giờ đến lúc các pháp tu dự bị ấy không còn cần thiết nữa. Nếu bạn bỏ rơi các pháp tu dự bị, là nền tảng của đường tu, là bạn đã chặt đứt gốc rễ rốt ráo nhất của Chân Pháp. Việc bỏ rơi các pháp tu dự bị cũng giống như việc cố gắng vẽ một tấm tranh bích họa ở nơi không có ngay cả một bức tường. Hãy luôn luôn dụng công tu tập cho tới khi bạn khơi dậy được lòng tin chân thành nơi các pháp tu dự bị. Hãy đặc biệt tập trung tu tập pháp Bổn Sư Du Già, là cánh cổng mở vào năng lực gia trì, và hãy để cho pháp ấy trở thành nền tảng đích thực của công phu tu tập của bạn. Đây chính là vấn đề cốt tủy.
Con nhận ra vị Thầy từ ái của con đích thực là một vị Phật,
Nhưng với bản tánh ngoan cố, con bất tuân những chỉ dạy của Ngài.
Con biết rằng tất cả chúng sinh trong ba cõi đã từng là cha mẹ,
Nhưng với tính khí xấu xa, con vẫn sỉ nhục các Pháp hữu.
Xin từ bi gia hộ cho con và những ai có ác nghiệp như con,
Để chúng con có thể, trong đời này và tất cả những đời khác,
Khiêm tốn, vững chãi trong giới hạnh, mềm mỏng trong tâm hồn và hành động, Bước theo chân vị Đạo Sư tâm linh của mình.
Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) và mười hai hoá thân
Những thân tướng khác nhau của Đức Liên Hoa Sanh được mô tả dựa trên hệ giảng “Phá Tan Chướng Ngại” (Parché Kunsel), một kho tàng tâm linh do hai vị đồng thời vơiù Patrul Rinpoche là Chogyur Dechen Lingpa và Jamyang Khyentse Wangpo khám phá.