phần 1

12 Tháng Giêng 20171:56 CH(Xem: 3402)
phần 1

KINH NGHIỆM NIỆM PHẬT 
VÀ NHỮNG CHUYỆN LUÂN HỒI
 

Biên Soạn: Cư Sĩ Diệu Âm
Chứng Minh: H.T. THÍCH GIÁC HẠNH

 ---o0o----

1

Nguyên Do Nào Khiến Tôi Niệm Phật

 

Sau năm 75, gia đình tôi di tản vào Sài Gòn, cha thì già yêú, mẹ thì bệnh nặng, chị tôi thì đi thủy lợi, anh tôi thì đi nghĩa vụ, đàn em còn nhỏ dại, gia đình thì bữa đói bữa no. Lúc đó tôi chỉ có 14 tuổi, tôi mua bán đủ cách vẫn không sao cứu được gia đình. Tới năm 80, vì thương gia đình nên tôi nhận lời lấy chồng để vượt biên hầu cứu vãn gia đình. Tôi đến Mỹ năm 81. Vì nóng lòng lo cho ba mẹ và gia đình nên vừa đến Mỹ ngày trước, ngày sau tôi hỏi thăm để kiếm việc làm. May thay, tôi kiếm được một việc làm ở đợ.

 Ngày đầu đến làm việc, tôi năn nỉ ông bà chủ cho tôi mượn trước một tháng lương. Ông bà chủ đó tốt bụng, thông cảm hoàn cảnh của tôi nên cho mượn. Tôi vội vã đi mua quà gởi về, đa số là tôi mua quà cho mẹ, vì tôi thương mẹ tôi nhất, phần tôi biết mẹ tôi không sống được bao lâu.

 Gởi thùng quà xong, tôi vô cùng sung sướng. Tôi đếm từng giờ từng phút, mong sao thời gian qua cho lẹ. Mỗi ngày, tôi đều tưởng tượng cảnh mẹ tôi khi nhận được thùng quà. Chắc mẹ tôi sẽ sung sướng lắm, các em tôi sẽ hớn hở vui mừng. Mẹ tôi sẽ có tiền chữa bệnh, không còn bị cơn bệnh suyễn hành hạ. Mẹ tôi sẽ không còn rơi lệ khi thấy đám con của mình bữa đói bữa no. Tôi sung sướng, mơ tưởng đủ thứ. Tôi nói thầm với mẹ: ”Mẹ ơi! Từ đây trở đi, mẹ sẽ không còn chịu khổ nữa. ”Tôi vui sướng đến quên đi cả việc làm cực nhọc và thời kỳ thai ngén.

 Nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì nghe tin mẹ tôi mất. Khi nghe tin này, tôi như bị sét đánh ngang tai, tim tôi tan nát. Điều làm cho tôi vô cùng hối hận đó là: Mẹ tôi mất cùng ngày lãnh được thùng quà của tôi. Mẹ tôi phút cuối cũng không nhìn được những món quà tôi gởi cho mẹ và thùng quà trở thành món quà làm mai táng. 

Từ đó mỗi đêm, tôi đều niệm Phật A Di Đà và Quán Thế Âm cầu xin cho mẹ tôi mau được siêu thoát. Tôi sợ mẹ tôi vì quá thương con của mình mà không chịu đi. Bên cạnh đó, tôi cố gắng không thương khóc. Tôi dùng hết tình thương cho mẹ để làm việc ngày đêm, mong sao cứu vãn gia đình để mẹ được yên tâm. Thời gian lại trôi qua, đến lượt ba tôi qua đời. Tôi tiếp tục mỗi đêm niệm Phật cầu siêu cho ba mẹ. Lúc đó, tôi không biết ba mẹ tôi có được siêu thoát không? Nhưng tôi vẫn niệm, vì tôi tin lòng thành sẽ được cảm ứng, và tôi cứ niệm mãi cho tới 17 năm sau. 

Một hôm, tôi may mắn đọc được một bài báo, nói về môn tu tịnh độ và niệm Phật có thể cứu độ được thân nhân, cha mẹ đã chết hoặc còn sống. Khi hiểu được điều này, tôi mừng lắm. Từ đó, mỗi lần tôi lái xe đi làm, đi về hay đi công chuyện, tôi không còn nghe nhạc ở trong xe, mà chỉ thay vào đó những câu “Nam Mô A Di Đà Phật.” Thậm chí những lúc ăn ngủ hay làm việc, tôi đều niệm Phật. Tối đến, tôi thắp nhang cầu xin cho cha mẹ mau được siêu thoát, cầu xin cho gia đình tôi ở Việt Nam luôn luôn mạnh khỏe bình an. Sau đó, tôi hồi hướng hết công đức niệm Phật cho ông bà cha mẹ trong hiện tại, quá khứ và các vong hồn khuất mặt được mau siêu thoát. Tôi cứ niệm Phật và hồi hướng, mỗi đêm như vậy, tới nay là 22 năm. Trước đó 17 năm, tôi không biết nên chỉ niệm Phật cầu xin cho cha mẹ, còn 17 năm sau này thì tôi niệm Phật đại thừa. (Đại thừa là niệm tinh tấn mỗi ngày, niệm cho bản thân và niệm cho tất cả chúng  sanh.)

 

Ý Nghĩa Tu Hành

 Kính thưa quý bạn, xưa nay, chúng ta thường nghĩ, tu hành là một chuyện rất khó khăn, khó đạt, khó thành. Chúng ta luôn luôn nghĩ Phật pháp quá cao siêu, muốn chứng quả, phải có căn cơ cao, tu hành khổ hạnh, thì mới có cơ hội vãng sanh. Vì sự hiểu lầm này, mà chúng ta không dám nghĩ đến hai chữ giải thoát, chỉ còn nương vào hai chữ tu phước.

 Kính thưa quý bạn, trước kia tôi cũng nghĩ như quý bạn, vì không hiểu chân lý của sự thật, nên tôi đã bỏ phí thời gian hơn nửa đời người. Nay được thức tỉnh, tôi mong đem một chút kinh nghiệm tu tập của tôi, để chia sẻ cùng quý bạn, để chúng ta cùng nhau di cư về Cõi Phật, để thoát khỏi thế giới tà ma đau khổ này.

Ở đây tôi xin tóm gọn, đơn giản, dễ hiểu, để chúng ta cùng nhau tìm hiểu. Trước khi tìm hiểu chúng ta nên bỏ cái tâm phân biệt, chấp trước của chúng ta qua một bên. Chúng ta chỉ dùng cái tâm bình thường để mà tìm hiểu đạo, vì Phật dạy tâm bình thường là đạo! 

Tu: là tu sửa, hành: là hành vi. Hành còn có ý nghĩa là thực hành, không chỉ nói suông. Vậy tu sửa chỗ nào? Thực hành từ đâu? Hai câu hỏi này mới là gốc rễ. Trước khi muốn tu sửa, chúng ta phải tìm ra căn nguyên, chỗ nào sai và làm sao tu sửa? Cũng như ống nước bị nghẹt, trước hết chúng ta phải tìm ra chỗ nào bị nghẹt. Khi tìm ra rồi, thì chúng ta mới có cách là cho nó thông. Tu hành cũng vậy. 

Giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên do bệnh căn. Trong chúng ta tuy mang một thân thể, nhưng có nhiều tâm khác nhau. Chúng ta không cần tìm hiểu nhiều tâm khác làm gì cho nhọc. Vì càng tìm hiểu, càng thêm nhiều phân biệt, chấp trước (chấp trước là: chấp đúng, chấp sai, chấp không, chấp có). Chúng ta chỉ cần biết trong chúng ta có hai tâm. Tâm thật và tâm giả. Tâm thật là “chơn tâm Phật tánh của chúng ta”, còn tâm giả là “tâm chúng ta sống hằng ngày”. Chúng ta vô thỉ, vô số kiếp, không dùng tâm thật của chúng ta để sống, mà chỉ dùng tâm giả để sống. Vì vậy chúng ta mới bị luân hồi (Luân hồi là đầu thai trở lại vô số kiếp). Nếu chúng ta dùng tâm thật, thì chúng ta đã làm Phật lâu rồi, không còn có mặt ở trên trái đất này. Phật thấy chúng sanh đều có chủng tử Phật (nghĩa là hột giống) nên Ngài mới đến đây dẫn dắt, dạy dỗ cho chúng ta tu, để thoát khỏi luân hồi. 

Giờ chúng ta đem hai tâm, ví dụ thành hai người, một người là ma, một người là Phật. Sau đó, chúng ta tìm coi ông Phật của chúng ta đang ở đâu? Kính thưa quý bạn, ông Phật của chúng ta đã bị chúng ta bỏ quên nhiều kiếp, nên ông Phật đã bị mê man bất tỉnh rồi. Vì ông Phật trong ta bất tỉnh, nên ma trong người chúng ta mới tự tung tự tác, hoành hành điều khiển. Khiến cho chúng ta bị lặn hụp đau khổ, luân hồi vô số kiếp. Hắn muốn chúng ta càng ngu si càng tốt, để vô số kiếp tình nguyện làm nô lệ cho hắn. 

Nay hiểu rõ chân tướng, muốn thoát luân hồi vãng sanh thành Phật. Chúng ta phải mau mau đánh thức ông Phật (Phật tánh) trong ta tỉnh lại. Không những cứu ông Phật trong ta tỉnh lại, mà chúng ta phải hợp sức trợ lực cho ông Phật của chúng ta, có đủ thần thông đánh đuổi ma (tâm ma) ra khỏi người chúng ta.

 Chúng ta hợp sức, trợ lực bằng cách nào? Niệm Phật A Di Đà. Chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà mới có đủ thần lực, đánh thức ông Phật và đánh đuổi ma ra khỏi người chúng ta. Việc làm của chúng ta là chuyên tâm niệm Phật. Niệm mỗi ngày, không gián đoạn, không thối chuyển. Nếu chúng ta bỏ niệm Phật nửa chừng, thì ông Phật trong ta sẽ bị ma đánh gục trở lại, vì ma trong người chúng ta rất mạnh.

 Cũng như một người bệnh đang bị hấp hối, cần sự cấp cứu. Nhưng chúng ta cấp cứu nửa chừng, rồi bỏ cuộc. Vậy người hấp hối kia làm sao được tỉnh lại? Huống chi, bên cạnh người hấp hối còn có một kẻ thù lớn mạnh, đang hành hạ ngày đêm. Vậy thử hỏi, người hấp hối kia có thảm thương không? Người hấp hối kia là ai? Là ta, là ông Phật của ta. Thật đáng thương cho chúng ta, xưa nay nhận giặc làm cha. Không những bỏ đói chính ta, còn dẫn dắt chúng ma về đánh ông phật của chúng ta. Vậy thử hỏi chúng ta có ngu si không ? Vì thấy chúng sanh ngu si mà Phật thương xót. Cũng như chúng ta thương xót cho đám dòi ở trong thùng phân. 

Nay hiểu rõ chân tướng của sự thật, chúng ta phải siêng năng niệm Phật. Đem thần lực của câu A Di Đà, trợ lực cho ông Phật trong ta thức tỉnh phát ra thần lực, đánh đuổi ma ra khỏi người chúng ta, cho trí tuệ của chúng ta được khai mở. Khi trí tuệ chơn tâm khai mở, thì thân và hành vi của chúng ta theo đó mà được thanh tịnh. 

Giờ chúng ta hiểu rõ, tu là sửa cho ông Phật trong ta trở lại nguyên thủy có đủ thần thông. Hànhlà trì niệm, tinh tấn không thối chuyển. Luôn luôn trợ lực và bảo vệ cho ông Phật của chúng ta được an toàn, không bị chúng ma hãm hại. Phút lâm chung, ông Phật của chúng ta mới có đủ thần lực, chiêu cảm được Chư Phật đến nơi tiếp dẫn sanh về Cõi Phật. Đây mới là ý nghĩa của hai chữ tu hành.

 

Ý Nghĩa Bí Mật Của Câu A Di Đà

 

Nam Mô A Di Đà Phật:

Nam Mô: là quy y, đoạn ác, tu thiện, tu tịnh nghiệp.

A Di Đà: là vô lượng giác, vô thượng, chí cực, đại thừa.

A: là mười Phương, ba đời tam thế Phật.

Di: là tất cả chư bồ tát.

Đà: là tám vạn chư kinh giáo của Phật.

Phật vì thương, muốn cứu hết chúng sanh trong sáu ngã mười phương, nên Ngài đã dùng hết thần lực của Ngài tu trong nhiều kiếp, nhiếp thọ vào trong câu Phật hiệu A Di Đà. Câu A Di Đà có rất nhiều ý nghĩa thậm thâm, cao siêu bí mật vô cùng tận. Chúng sanh như chúng ta không thể nào hiểu được hết ý nghĩa cao siêu, dụng ý của Ngài.

 

Ở đây tôi chỉ hiểu được chút ít, mong được chia sẻ cùng quý bạn.

 

I-   Ngài muốn chúng ta niệm, để đánh thức tâm Phật của chúng ta hòa nhập vào tâm của Phật. Niệm Phật để thần thức thuần thục in sâu. Phút lâm chung, chỉ nhớ Phật A Di Đà để Phật đến nơi tiếp dẫn.

II-Câu Phật hiệu A Di Đà làm cho chúng ma khiếp sợ, không đến phá nhiễu sự tu hành của chúng ta, giúp cho chúng ta không bị tẩu hỏa nhập ma.

III- Câu Phật hiệu A Di Đà có một thần lực mạnh mẽ vô biên. Khi chúng ta niệm, thần lực của câu A Di Đà vang rộng đến hết cả hư không, tới sáu ngã mười phương, giúp cho chúng sanh nơì nơi thức tỉnh hồi đầu.

IV- Thời nay lẫn lộn chánh tà, khiến chúng ta không đủ trí tuệ phân biệt đâu là ma, đâu là Phật. Duy chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà mới triệt để giúp cho chúng ta phân biệt đâu là chánh, đâu là tà.

 

* Phật nói, Ma Vương có phép lực như Ngài. Ma Vương có thể hóa thành Phật để mê hoặc chúng ta, nhưng Ma Vương không thể giả được câu Phật hiệu A Di Đà. Vì hễ ai niệm câu Phật hiệu A Di Đà thì chúng ma phải tránh xa mấy chục dặm. Lấy từ điểm này, chúng ta dùng trí tuệ mà phân biệt nhìn rõ, nhận diện ai là đệ tử Phật, ai là đệ tử ma. Nếu như có ai tự xưng là đệ tử Phật mà không niệm Phật, thì đều là đệ tử ma giả dạng. Còn ai tu mà có niệm Phật, thì đều là Phật tử chơn chính.

 

* Tại sao? Vì chỉ có đệ tử ma mới sợ niệm câu Phật hiệu A Di Đà.

 

  Nên chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, luôn luôn có đủ trí tuệ phân biệt. Đừng uổng công phí cả đời tu tập, để rồi cuối cùng làm đệ tử của ma thì thật là đáng tiếc.

 

Muốn Được Nhất Tâm Không Tu Xen Tạp

 

Trước kia tôi muốn tu học nhưng bị nhiều ràng buộc trách nhiệm, chưa một lần tụng kinh, chưa một lần tọa thiền, ngày đêm chỉ biết chuyên tâm niệm Phật. Cuộc sống quá bận rộn, không cho phép tôi chọn các môn tu khác.

 Trong cái xui có sự may mắn, nhờ tôi không có nhiều thời gian, nếu không tôi sẽ tu học đủ môn, vì tính tôi thích tìm hiểu đủ thứ. Sau khi được nhất tâm, tôi mới ngộ và hiểu thấu câu nói của Ngài Pháp sư Tịnh Không. Ngài nói: ”Trong 49 năm thuyết pháp của Phật, lời nói quan trọng nhất đó là: Niệm cái gì thì thành cái nấy (mình niện Phật sẽ thành Phật)”. Khi thấu hiểu câu nói này, tôi giật mình, cảm thấy may mắn và thầm cám ơn cuộc sống bận rộn của tôi. 

Qua quá trình tu tập,thấu hiểu chân lý của sự thật. Cũng như vàng, vốn nguyên thủy là chói sáng, nếu chúng ta trộn vàng lẫn với đồng, sẽ làm mất đi bản thể chói sáng của vàng. Niệm Phật cũng vậy, chúng ta niệm Phật là niệm cho ông Phật của chúng ta, không phải niệm cho Chư Phật. Nếu chúng ta tu xen tạp, thì đến bao giờ mới được nhất tâm? Cũng như chúng ta niệm Phật, là mong công phu niệm Phật đạt thành một khối, đúc thành một niệm, để thành nhất tâm chỉ còn một niệm. Nếu chúng ta không hiểu, lại đi tụng đủ loại kinh hay tu xen tạp, thì như vậy có khác gì vàng bị trộn với đồng? Thử hỏi đến bao giờ mới tìm được bản thể của vàng? Đến bao giờ mới thấy được chơn tâm Phật tánh của chúng ta?

 Cũng như Ngài Pháp Sư Tịnh Không đưa ra một ví dụ: ”Nhà của Phật A Di Đà có nhiều cửa khác nhau. Chúng ta muốn vào thì chỉ đi vào bằng một cửa. Khi vào được một cửa rồi thì các cửa khác đều thông. Nếu chúng ta muốn đi vào một lúc bằng hai ba cửa, thì không có cách chi chúng ta vào được. Cũng như câu ông bà thường nói: ”Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, chúng ta tu hành cũng vậy, chỉ một môn thuần thục viên mãn là sẽ thành Phật”. Ngài Pháp Sư Tịnh Không thuyết trong kinh Vô Lượng Thọ là: ”Câu Phật hiệu A Di Đà đã niệm ba đời, 10 phương Chư Phật; tụng hết tất cả kinh Đại Thừa của Phật; tu hết môn, tông. Phái và Kinh Vô Lượng Thọ là kinh Trung Chi Vương, nghĩa là bộ kinh cao siêu nhất của Phật. Tại sao? Vì bộ kinh này đã đúc kết tất cả tinh hoa, cốt tủy cao thâm của hết thảy kinh giáo của Phật”. 

   Tại sao các môn tu khác phải cần niệm Phật, còn môn tu niệm Phật lại không cần tu thêm các môn khác? Vì môn tu niệm Phật là môn tu đệ nhất cao siêu của Phật, là môn tu vượt khỏi không gian và thời gian. Không có môn tu nào có thể so sánh, và danh hiệu A Di Đà là một bằng chứng hùng hồn để cho chúng ta tin.

   Trước kia tôi không hiểu, nên niệm danh hiệu A Di Đà ít, niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì nhiều. Sau khi hiểu được câu Phật hiệu A Di Đà cao thâm thù thắng, tôi không còn niệm danh hiệu Quán Thế Âm, tôi chỉ niệm Phật hiệu A Di Đà. Tại Sao? Vì Quán Thế Âm cũng là Phật, khi chúng ta niệm danh hiệu A Di Đà, là đã niệm hết 10 phương Chư Phật và Chư Bồ Tát. (nói như vậy không có nghĩa là chúng ta niệm cho Chư Phật hay Chư Bồ Tát. Mà chúng ta niệm cho ông Phật trong tâm của chúng ta, nhưng chúng ta có thần lực của mười phương Chư Phật và Chư Bồ Tát gia trì)

 

Ở đây tôi xin phân tích thêm cho quý bạn hiểu, tại sao Phật dạy niệm Phật sẽ thành Phật:

 

Phật thấy trong mỗi chúng sanh, tuy mang một thân thể, nhưng có nhiều tâm khác nhau, nhưng chung quy chỉ có bốn tâm làm căn bản (nói về chủng tử tâm)

 

Tâm Phật, tâm người, tâm ma, tâm thú. Hằng ngày chúng ta niệm tâm gì, thì chúng ta thành tâm nấy.

 

Niệm, đồng nghĩa với chiêm ngưỡng, và quán tưởng.

 

Niệm từ bi A Di Đà, thì thành tâm Phật = sẽ thành Phật.

 

Niệm lương tâm, đạo đức, thì thành tâm người =sẽ thành người.

 

Niệm thần thông, tham sân, thì thành tâm ma =sẽ thành ma.

 

Niệm ngu si, thì thành tâm thú =sẽ thành thú.

 

Niệm Phật Cách Nào Để Được Nhất Tâm

 

Niệm Phật có 48 cách niệm. Ở đây, tôi xin chia sẻ với quý bạn về cách niệm Phật của tôi.

 Từ khi hiểu được môn tu niệm Phật, vì cuộc sống bôn ba bận rộn, nên mỗi tối không có nhiều thời gian để niệm Phật. Vì vậy mỗi khi lái xe đi làm, đi về hoặc đi công chuyện, tôi niệm “Nam Mô A Di Đà Phật“ (niệm ra tiếng). Thậm chí những lúc ăn ngủ, hoặc làm công chuyện, tôi đều niệm Phật (niệm thầm). Khi niệm Phật tôi không lần chuỗi, không đếm số, không câu nệ vào hình thức như: đi đứng hay nằm ngồi (nhưng ở chùa thì khác).

 Khi niệm Phật, vọng tưởng kéo đến, tôi cứ mặc kệ để cho nó đến, đến càng nhiều thì càng tốt, vì nếu chúng ta không để chúng tự nhiên đến, thì chúng sẽ không tự nhiên đi. Khi chúng đến, chúng ta thương chúng như con, rồi dùng câu niệm Phật mà độ chúng, nghĩa là cứ tự nhiên niệm. Lâu ngày vọng tưởng tự nhiên biến mất (biến mất không có nghĩa là diệt sạch, mà là chúng biến mất mỗi khi chúng ta niệm Phật). Duy chỉ có hai điều quan trọng là: khi chúng ta niệm, dùng tánh nghe để nghe câu niệm Phật, rồi đưa câu niệm Phật vào tâm, nhưng phải niệm một cách tự nhiên, nhẹ nhàng uyển chuyển theo hơi thở, như chúng ta đang uống nước, đừng dồn nén lên đầu nhiều. Tóm lại, mỗi người tự tìm cho mình một cách thích hợp, nhẹ nhàng và tự nhiên.

 Kính thưa các bạn, tôi đã dùng cách này rất là hữu hiệu, có thể giúp chúng ta dễ định tâm và phát nguyện một cách mãnh liệt. Mỗi khi chúng ta niệm Phật, niệm 6 chữ hay 4 chữ cũng được. Miễn sao niệm tới chữ “Đà Phật“. Thì tâm chúng ta nghĩ chữ “Đà Phật“ là “thành Phật“. Nghĩa là miệng chúng ta niệm A Di Đà Phật, nhưng trong tâm mỗi câu Đà Phật đều nguyện thành Phật. Như vậy vừa niệm vừa nguyện cùng một lúc, thì tâm chúng ta sẽ được tập trung hơn, không còn bị vọng tưởng phân tâm và cũng là một cách nhắc nhở chúng ta, niệm Phật là để thành Phật. (Khi nghe nhạc niệm Phật chúng ta cũng nguyện như vậy).

 Khi mới bắt đầu nguyện, chữ “thành Phật“ trong tâm còn rời rạc. Nguyên lâu ngày, trong tâm chỉ còn lại một khối thành Phật. Khi chữ “thành Phật“ đã đóng thành một khối, thì dù chúng ta đi đứng  hay nằm ngồi, chữ “thành Phật“ trong tâm không hề thay đổi.

 Ngoài chuyên tâm niệm Phật ra, chúng ta phải biết buông xả. Điều này thì quý bạn đừng lo nhiều, vì khi niệm Phật lâu ngày, quý bạn sẽ tự nhiên buông xả mà chính bản thân không hay biết. Nếu quý bạn muốn niệm Phật mau được nhất tâm, chỉ có vào chùa tu niệm Phật thất (thất là 7, nghĩa là vào chùa tu niệm Phật liên tục 7 ngày) là hữu hiệu nhất. Sau 7 ngày niệm Phật các bạn sẽ thay đổi một cách không ngờ. Qua kinh nghiệm của bản thân tôi hiểu rõ, chỉ cần chúng ta quyết tâm buông xả, nguyện niệm Phật để thành Phật. Trong vòng ba năm, chúng ta sẽ niệm được nhất tâm tam muội. 

Phần lưu ý:

Khi niệm Phật, chúng ta đừng câu nệ về vấn đề nhắm mắt hay mở mắt. Chúng ta phải biết uyển chuyển theo thân thể và sức khỏe của mình (nghĩa là khỏe thì mở mắt he hé, mệt thì nhắm mắt). Niệm Phật là tâm ta niệm, không phải mắt và thân ta niệm. Tâm là chính, thân chỉ là phụ trợ cho tâm mà thôi. Điều quan trọng là khi niệm Phật , tâm chúng ta luôn luôn thức tỉnh để giữ câu niệm Phật. Nếu chúng ta câu nệ vào hình thức quá nhiều, vô tình sẽ sanh ra phân biệt chấp trước. Còn phân biệt thì còn chướng ngại, còn chướng ngại thì không đạt đến an lạc tự tại. Tóm lại, chúng ta càng buông xả thì càng tự tại.

 

Phát Tâm Bồ Đề

 

Trước kia không hiểu nên mỗi đêm tôi niệm Phật cầu xin cho cha mẹ. Sau khi biết môn tu tịnh độ, tôi niệm Phật đại thừa. Tôi học kinh điển hiểu rõ: Niệm Phật phải phát tâm bồ đề nguyện. Tuy tôi tin kinh và tin Phật nhưng tôi lại không tin chính bản thân, tôi lúc nào cũng nghĩ: tội chướng của tôi quá nặng, đường tu kiếp này không được toại nguyện, thì nào dám phát nguyện niệm Phật để thành Phật? Tội chỉ mong sao niệm Phật ngày đêm, cầu xin cho cha mẹ được mau siêu thoát và làm mọi công đức, để gieo nhân cho kiếp sau được trọn đường tu. 

May thay duyên phần đã đến, tôi may mắn được người bạn cho tôi một cuốn sách “Niệm Phật Lưu Xá Lợi“ của bác cư sĩ Tịnh Hải. Mở cuốn sách ra, tôi xem các hình màu xá lợi, lòng tôi sung sướng lạ thường. Tôi vội đọc câu chuyện của một bác cư sĩ tại gia. Bác niệm Phật ở nhà, không tới chùa tụng kinh, cũng không tọa thiền, mà bác cũng được vãng sanh và lưu nhiều xá lợi. Tôi hạnh phúc bật khóc và cảm xúc vô bờ bến. Tôi bật khóc là vì tôi có thể tu và vãng sanh ngay trong một kiếp.

 Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi phát nguyện niệm Phật để thành Phật. Tôi buông xả hết trần duyên, quyết tâm tu niệm một lòng tinh tấn. Sau đó vài tuần, tôi được nhất tâm. Nếu như tôi không quyết tâm phát nguyện một cách thành khẩn, triệt để tu hành, thì tôi khó được nhất tâm, Qua quá trình bản thân, tôi mới hiểu sự tín nguyện và quyết tâm rất là quan trọng.

 

Phật dạy chúng ta: muốn được vãng sanh thì phải có đầy đủ: tín, nguyện, trì danh (hạnh).

 

Tín-là tin sâu, không một chút hoài nghi (tin Phật và tin bản thân ta).

 

Nguyện-là nguyện niệm Phật để thành Phật.

 

Trì danh-là niệm danh hiệu A Di Đà không thối chuyển.

 

Những dấu hiệu trước khi được nhất tâm

 

Một ngày trước khi tôi được nhất tâm, cả ngày hôm đó, tim tôi nóng hổi, đầu tôi cứng như một khối đá đặc. Tôi không thể bỏ được một câu niệm Phật nào vào đầu cả. Hôm đó, tôi niệm Phật với các con tôi, tôi niệm ra tiếng thì không sao, nhưng niệm thầm trong đầu thì không được. Hôm đó, lồng ngực của tôi nóng hổi, cứ chảy mồ hôi hoài, dù thời tiết ngày hôm đó không có nóng. Tôi suy nghĩa rồi buồn, tôi cứ tự hỏi tại sao? Bao nhiêu năm niệm Phật, tôi chưa bao giờ gặp phải tình trạng như thế này. Tôi giận quá, dùng hai tay đập vào đầu, mong cho cái đầu của tôi tỉnh lại, nhưng cũng không sao niệm được.

 

Những dấu hiệu khi được nhất tâm

 

Cả đêm hôm đó, vì buồn cho cái đầu của tôi, nên ngủ không được ngon. Sáng hôm sau, vừa thức dậy, tôi vội thử dùng đầu để niệm. Tôi mới khởi niệm thôi, bỗng nhiên tôi nghe cả trời niệm Phật. Lúc đó, tôi lại tưởng con tôi hay hàng xóm mở nhạc niệm Phật. Trong nhà tôi, thì chắc chắn không có loại nhạc niệm bốn chữ này, còn hàng xóm, toàn là người Mỹ thì mở nhạc niệm Phật Việt Nam làm gì?

 Lúc đó, cảm giác của tôi cho biết, đây không phải là nhạc niệm Phật bình thường, mà là tiếng niệm của Chư Phật. Tôi vừa lắng nghe vừa mừng trong bụng, tôi nghĩ thầm không lẽ tôi may mắn, có duyên, nên nghe được Chư Phật đang niệm Phật ở trên trời? Tiếng niệm Phật làm lòng tôi thanh thản, tự tại và an lạc. Tôi cứ nằm im lắng nghe, rồi tự sung sướng mỉm cười mãi. Bỗng nhiên tôi khựng lại và nghĩ: “Không được, tôi không được tham nghe coi chừng bị ma mê hoặc“. Tôi vội ngồi dậy chắp tay sám hối.

 Sau khi sám hối xong, tôi tự nói với mình phải siêng năng niệm Phật, không được tham thần thông, không được mong cầu, vì đây là điều cấm kị cho người tu. Rồi tôi lại khởi niệm Phật, để quên đi chuyện hồi nãy. Bỗng nhiên, tôi lại nghe cả trời niệm Phật. Tôi đi vòng hết trong nhà, ngoài sân, hàng xóm, ngoài đường, đi đâu tôi cũng nghe. Sau đó, tôi nhớ lại lời các thầy thường nói: “Ma Vương có thể biến thành Phật để mê hoặc chúng ta, nhưng không thể nào giả được câu Phật hiệu A Di Đà. Vì câu Phật hiệu sẽ làm cho chúng ma tránh xa mấy chục dặm“.

 Nghĩ đến đây tôi an tâm. Sau đó tôi nghĩ: “Không lẽ tôi đã niệm được tới nhất tâm?“ Tôi bắt đầu thử. Tôi không thèm nghe, thì nhạc niệm Phật dừng; tôi khởi niệm, thì nhạc niệm Phật trổi lên. Tôi cứ thử cả ngày như vậy. Thật đúng với câu: nhất tâm chỉ còn một niệm. Trước kia, tôi cứ thắc mắc tại sao có thể niệm đến nhất tâm chỉ còn một niệm? Và một niệm đó ra làm sao? Rồi tại sao lại: niệm mà như không niệm, không niệm mà niệm? Sau đó tôi mớ hiểu. Thì ra, khi chúng ta khởi một niệm, thì như chúng ta nhấn một cái nút, rồi cái máy trong đầu chúng ta, tự động niệm mãi cho chúng ta nghe, đến khi nào, chúng ta không muốn nghe nữa thì nó mới ngưng.

 Còn niệm mà như không niệm, không niệm mà niệm: nghĩa là chúng ta không còn dùng sức của chúng ta để niệm như trước, mà cái máy tự động trong đầu, đã niệm thế cho chúng ta. Việc làm của chúng ta là giữ tánh nghe, để nghe câu niệm Phật. Lúc đó tôi hiểu rõ, tôi đã niệm được tới nhất tâm, nhưng tôi vẫn không dám tin tôi có thể chứng được.

 Có một điều tôi thắc mắc: tại sao bao nhiêu năm, tôi niệm Phật sáu chữ, sao bây giờ trong đầu tôi, chỉ có nhạc niệm bốn chữ? Vả lại, dù tôi có may mắn được nhất tâm đi nữa, thì chỉ nghe được tiếng niệm của tôi, tại sao đằng này, tôi nghe được nhiều người niệm và có giọng nam lẫn nữ, y như tôi đang ở trong Phật thất? Và điệu nhạc mà tôi chưa hề nghe qua. Tôi cứ thắc mắc mãi.

 Còn một điều kỳ lạ nữa, là tiếng nhạc niệm trong đầu của tôi, tự động lên xuống, lớn nhỏ tùy theo tiếng động ồn ào ở bên ngoài. Nghĩa là hễ tiếng động ở ngoài ồn bao nhiêu, thì tiếng niệm Phật trong đầu càng lớn hơn bấy nhiêu. Tôi thích nhất là khi lái xe ở ngoài đường, xe cộ ồn ào, tiếng nhạc niệm Phật càng lớn. Tôi cảm tưởng như cả trời Chư Phật đang hộ niệm. Vừa chạy xe vừa nhìn trời xanh biết, thêm vào điệu nhạc niệm âm thanh huyền diệu, khiến tôi cảm thấy thoát tục, tự tại và an lạc. Ngôn ngữ không đủ để giải thích, chỉ có ai tu nấy hiểu mà thôi. Cũng như uống nước nóng hay lạnh, chỉ riêng mình hiểu. Chỉ có một câu để giải thích là: Phật pháp cao siêu không thể nghĩ bàn. (nghĩ: là không thể nghĩ tới. Bàn: là không thể luận bàn được)

 

Biến Chuyển Sau Khi Được Nhất Tâm

 

Sau khi được nhất tâm, những giấc mơ của tôi hoàn toàn khác hẳn xưa kia. Trước kia nằm mơ, tâm của tôi bị vọng tưởng dẫn dắt. Sau khi được nhất tâm, tâm của tôi khống chế vọng tưởng. Trong giấc mơ, tôi hiểu rõ tôi là ai. Thậm chí trong giấc mơ, tôi có thể niệm Phật một cách tự tại. Mỗi một giấc mơ rõ ràng như ban ngày và mỗi một giấc mơ đều có sự kỳ diệu. Giấc mơ có thể cho tôi biết sự tu hành đã tới cảnh giới nào. Sau khi nhất tâm khoảng hơn một tháng, trãi qua mấy giấc mơ kỳ diệu. Bỗng nột ngày, trí tuệ của tôi bừng sáng, tôi thấy rõ hết pháp của thế gian (tâm tôi thấy, không phải mắt tôi thấy).Học kinh sách, tôi biết thế gian là giả tạm. Hiểu thì hiểu vậy, nhưng xưa kia, tôi không thấy chân tướng nên tôi không biết sợ. Giờ chân tướng sự thật đã hiển bày trước mắt, những thứ mà trước kia tôi cho là trân quý nguy nga, mỹ lệ tình nồng bây giờ hoàn toàn khác hẳn. Trong mắt tôi, tất cả chỉ là một đống rác vụn, không hơn không kém.

 Quá xúc động nên tôi bật khóc, thương cho thân tôi lâu nay sống mà như chết, có mắt mà như mù, lặn hụp bao nhiêu kiếp, mãi đến bây giờ mới thấy được bờ giác. Tôi khóc cho tôi và cho Đấng Từ Phụ. Ngài đã hy sinh bao nhiêu kiếp để cứư độ chúng sanh. Ngài thương chúng sanh vô bờ bến. Ngài tìm ra môn tu niệm Phật cao siêu nhất để độ chúng sanh. Vậy mà thương cho chúng sanh còn mãi nghi ngờ, để rồi đắm chìm trong biển khổ, không biết đâu là bờ giác. Khiến cho Đấng Từ Phụ, Chư Phật và Chư Bồ Tát bôn ba đây đó, không thể nhập Niết Bàn.

 

Sám Hối

 

Nay con xin sám hối dập đầu,

Mong Từ Phụ niệm tình tha thứ.

Con si mê bao kiếp tâm ma,

Thế gian khổ tưởng là vĩnh cửư.

Thân giả tạm tưởng hắn là ta

Uổng bao kiếp làm thân nô lệ.

Thức tỉnh, giờ hối hận vạn thiên

Con bật khóc, cảm thương Từ Phụ,

Vì chúng sanh chẳng nhập Niết Bàn.

Con xin thề: đoạn bỏ cuồng si

Nối hạnh Cha Từ Phụ, độ tha,

Con nguyện độ muôn tăng kỳ kiếp!

 

Giải Tỏa Ba Nghi Vấn

 

Sau khi được nhất tâm, tôi có ba điều nghi vấn. Tôi ngẫm nghĩ hết mấy tháng, cuối cùng mới lãnh ngộ được chân lý của sự thật. Ở đây tôi xin được chia sẻ cùng quý bạn. 

I-   Tại sao trước một ngày, đầu tôi cứng như một khối đá đặc? 

Là vì câu niệm Phật lâu năm đã ăn sâu vào đầu, đóng thành một khối, đang đúc thành một niệm. Nên ngày hôm đó tôi không thể niệm thầm. Một niệm này quá lớn, lớn đến mức độ vượt khỏi không gian và thời gian. Đầu của chúng ta, không thể nào chứa nổi một niệm siêu việt này. Vì vậy mà niệm này phải thoát ra ngoài, khi thoát ra ngoài, thì lan rộng khắp không gian. Vì vậy lúc đó tôi tưởng là tôi nghe cả trời niệm Phật. Sau này tôi mới hiểu, tiếng nhạc niệm Phật đó từ trong tâm của tôi phát ra, không phải ở ngoài như trước kia tôi tưởng. 

II-Tại sao cả ngày tâm tôi nóng hổi? 

Cũng như câu nói của Ngài Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Ngài nói: ”Muốn nấu nước, thì phải canh củi, lửa, liên tục đầy đủ, thì nước mới sôi”. Ý Ngài muốn nói: chúng ta niệm Phật cũng vậy. Muốn niệm nhất tâm, thì chúng ta phải niệm tinh tấn, đều đặn mỗi ngày, không được gián đoạn. Cũng như chúng ta nấu nước, củi lửa không đầy đủ, tắc nửa chừng, như vậy đến bao giờ nước mới được sôi? Sau khi được nhất tâm tôi mới thấy câu nói của Ngài bao hàm một ý nghĩa rất sâu. Nhờ tôi niệm Phật nhiều năm không gián đoạn, nên đã nhiếp thọ được thần lực của Chư Phật gia trì. Vì vậy, tâm Phật của tôi mới có đầy đủ thần lực đánh tan, đốt sạch tâm ma vọng tưởng. Sức mạnh của thần lực phá tan tăm tối. Để chơn tâm Phật tánh của tôi được hiển hiện, hòa nhập vào tâm thức, để thoát ra ngoài, chuyển thành một niệm âm ba huyền diệu. 

III- Tại sao bao nhiêu năm tôi niệm Phật sáu chữ, nhạc niệm Phật trong nhà cũng chỉ có sáu chữ. Nhưng khi được nhất tâm, trong đầu chỉ có nhạc niệm bốn chữ lại có giọng nam, nữ niệm chung? 

Chuyện là như vầy, trước một đêm, đầu và tâm tôi bị khác thường. Đêm đó, tôi coi bộ Kinh Vô Lượng Thọ, do Ngài Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng. Tới cuối cuộn băng, có một khúc nhạc niệm bốn chữ. Tôi nghe thấy hay nên tôi niệm theo. Không ngờ những niệm mà tôi niệm theo đó, lại là những niệm cuối cùng để được nhất tâm. Cũng như ly nước tới lúc đã đầy, chỉ cần bỏ thêm vài giọt thì nước sẽ bị tràn ra. Không ngờ những niệm cuối cùng này rất là quan trọng nó có thể chuyển hóa hết tất cả những niệm bao nhiêu năm của tôi. Thật là hy hữư không thể nghĩ bàn. 

Sau khi được nhất tâm, nhận thức được mấy niệm cuối cùng của tôi, đã chuyển hóa toàn bộ những câu niệm Phật lâu năm của tôi, làm cho tôi kinh hoàng sợ hãi. Tôi hiểu càng sâu sắc những lời Phật dạy trong kinh. Phật nói: “Nếu thần thức con người, trước khi chết nghĩ ác, thì đọa vào đường ác, nghĩ lành thì được sanh vào cõi lành. Tùy theo thần thức, nghiệp lực dẫn dắt mà luân hồi”. Giờ tôi mới hiểu rõ lời Phật dạy là vạn lần chân thật.

 

Cảnh Giới Nội Tâm

 

Kính thưa quý bạn! Ở đây, tôi xin chia sẻ vài điều biến chuyển cảnh giới nội tâm mà tôi đã trải qua, để quý bạn tìm hiểu thêm. Vì những điều này rất là quan trọng cho việc tu hành của chúng ta. Nếu hiểu rõ, chúng ta sẽ không bị thối chuyển. Nói về cảnh giới nội tâm thì là đa dạng, vì mỗi người đều mang cái nghiệp nặng nhẹ và có tâm ma khác nhau. 

Ở đây tôi chỉ nói lên vài điều căn bản. Chỉ cần nắm được căn bản, chúng ta sẽ có cách điều ngự nội tâm và đối phó với tâm ma của chúng ta. 

Như phần đầu trong bài ”Tu Hành” tôi có nói đến. Nếu muốn cứu ông Phật trong ta trở lại nguyên thủy có đủ thần thông, thì chúng ta phải hợp sức trợ lực. Ngoài chuyên tâm niệm Phật, chúng ta cần phải có đầy đủ nghị lực, để đối phó với tâm ma của chúng ta. 

Sau đây là những biến chuyển căn bản mà chúng ta sẽ phải gặp. Lúc bắt đầu niệm Phật, ta cảm thấy thân tâm yên ổn thoải mái. Niệm một thời gian (ngắn hay dài còn tùy theo nghiệp và tâm ma của mỗi người) thì chúng ta sẽ nằm mơ thấy ma hoặc thú dữ rượt đòi giết chúng ta. Nếu không hiểu, chúng ta sẽ hiểu lầm cho là vì niệm Phật mới nằm mơ gặp ác mộng (sự hiểu lầm này đã xảy ra trong gia đình, con cái và bạn bè của tôi) 

Kính thư quý bạn, không phải vậy đâu, mà là công phu tu niệm của chúng ta đã có hiệu quả. Tại sao? Vì Ông Phật trong chúng ta đã thức tỉnh. Nên tâm ma, tâm thú trong ta hoảng sợ. Chúng bắt đầu hợp sức để đánh ông Phật trong ta (nghĩa là đánh chúng ta). Trong thời gian này rất là quan trọng, là thời gian thắng hay bại. Nếu chúng ta thối chuyển bỏ niệm Phật, là chúng ta đã chịu thua tâm ma của chúng ta và cam tâm tình nguyện để tâm ma hành hạ khổ sở luân hồi tiếp tục. 

Muốn thắng được tâm, chúng ta phải quyết tâm dũng mãnh niệm Phật tinh tấn hơn, để ông Phật trong ta có đủ thần lực của Chư Phật gia trì. Lâu ngày, ông Phật trong ta sẽ đánh đuổi ma ra khỏi người chúng ta, nên sự quyết tâm rất là quan trọng. 

Vì thấy rõ điều quan trọng này, mà Đấng Từ Phụ khuyên dạy chúng ta, khi tu niệm Phật phải có đầy đủ Tín, Nguyện, Trì Danh. Nếu thiếu một trong ba điều này, chúng ta sẽ bị thất bại vì ma trong người chúng ta rất mạnh. 

Sau khi vượt qua những giai đoạn đánh đuổi được tâm ma, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn nhất tâm. Sau khi nhất tâm, chúng ta sẽ thấy được cảnh giới nội tâm hoặc cảnh giới bên ngoài. Cảnh giới nội tâm là những gì khi chúng ta ngủ mới thấy. Còn cảnh giới bên ngoài là khi chúng ta đang thức mà thấy. 

Khi thấy cảnh giới nội tâm, giấc mơ của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hẳn với ngững giấc mơ bình thường trước kia. Tại sao? Vì giấc mơ của nội tâm rõ ràng y như thật và mỗi một giấc mơ đều có sự kỳ diệu. Chữ kỳ diệu bao gồm nhiều ý nghĩa, như là đẹp, kỳ lạ, thần kỳ v.v. Tóm lại khó có thể giải thích bằng lời để cho quý bạn hiểu hoặc tin, vì cảnh giới đó không có ở thế gian chúng ta, chỉ có người nào tu mới hiểu được thôi. 

Ở đây, tôi xin nêu ra vài điều mà tôi đã thấy (chỉ nói về cảnh giới) để quý bạn có thể hình dung, còn tin hay không là tùy quý bạn. Trong giấc mơ tôi thường thấy đủ cảnh đẹp, danh lam thắng cảnh. Tất cả đều to lớn, sông núi xanh tươi, mát rượi thoải mái. Mặt nước yên tịnh, lấp lánh, trong suốt thấy tận đáy. Ánh nắng vàng nhu nhuyễn nhẹ nhàng an lạc thân tâm. Cả bầu trời đều là cầu vòng ngũ sắc, mưa ngũ sắc. Tượng rồng mỗi con đều làm bằng ngọc báu đủ màu khác nhau. Tượng nào cũng to lớn cả một góc trời. Bướm đủ màu to lớn bằng cái bàn. Chuỗi và chuông đều to lớn. Tóm lại rất nhiều, mỗi vật, mỗi động vật đều to lớn lạ thường. 

Trước kia tôi thường mơ ước được đi coi danh lam thắng cảnh của thế gian. Nhưng từ khi có cảnh giới nội tâm, tôi không còn muốn đi đâu nữa, vì trên thế gian này không có cảnh nào đẹp bằng cảnh giới của nội tâm. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta tham đắm. Cảnh giới nội tâm tuy có, nhưng chúng ta không nên chấp có hoặc chấp không. Vì cảnh giới nội tâm vốn có cũng vốn không. 

Có: là nói trên công phu tu tập đã có sự chứng đắc, nên chúng ta mới thấy cảnh giới nội tâm, nghĩa là chúng ta đã chứng ngộ được một phần của chân như. 

Không: là nói trên cảnh của nội tâm. Cảnh tuy có, nhưng không tồn tại, vì khi chúng ta thức giấc thì cảnh đó cũng tan. Tóm lại chúng ta hãy để tự nhiên, không nên phân biệt. Cứ coi như chúng ta đang trên đường đi tìm về Cõi Phật, dọc đường thấy được nhiều cảnh đẹp. Mỗi một đoạn đường chúng ta đi qua, sẽ thấy nhiều cảnh lạ khác nhau. Vừa đi vừa ngắm không sao, nhưng đừng để cảnh làm mê hoặc. Nếu bị mê hoặc, thì đường tu sẽ lạc vào ma đạo. Chúng ta cứ một lòng tiến bước đi nhanh về nhà để gặp Phật A Di Đà. Khi đến được Cõi Phật rồi, thì có thiếu gì cảnh đẹp bảy báu trang nghiêm, để cho chúng ta vui chơi, thưởng thức hưởng lạc vĩnh cửu. 

Kính thưa quý bạn, có một chuyện này rất là quan trọng, tôi kể ra đây mong là câu chuyện này có thể giúp ích phần nào cho sự tu tập của chúng ta. 

Một đêm tôi nằm mơ, tuy nói là mơ nhưng không phải, vì sau khi thức dậy, hồn của tôi hồi hộp tới gần một tuần mới được định tâm. Trong giấc mơ, tôi bước vào một căn phòng có tấm gương lớn. Tôi nhìn gương không thấy tôi. Chưa kịp hốt hoảng, thì hồn tôi xuất ra bay xuyên qua nóc nhà, qua xóm, qua phố, bay vào hư không. Tôi hốt hoảng hoang mang lo sợ đủ thứ. Tôi sợ lỡ có ai vào phòng đó đem thân xác tôi đi. Phần lại sợ bị ma hãm hại. Hồn tôi chới với giữa hư không, thật là sợ hãi vô cùng. Sau đó tôi dùng hết sức để niệm Phật, niệm được một hồi, thì hồn tôi đứng lại giữa hư không. Rồi tự nhiên tôi thức dậy, thấy miệng tôi đang còn niệm Phật. Trong lúc xuất hồn, tôi thấu hiểu được nhiều điều. Trước kia tôi không hiểu tại sao quý Ngài Sư Tổ bên thiền tông, cuối cùng đều khuyên đệ tử chúng sanh nên tu niệm Phật. Sau lần đó tôi mới hiểu , vì cảm giác xuất hồn thật là sợ hãi. Hồn rất nhẹ, bay rất nhanh, dù một người có định lực cao cũng không thể khống chế, chưa nói là lỡ gặp chướng duyên. 

Cảm giác của tôi lúc đó, như bị rơi vào cơn xoáy giữa hư không. Không điểm tựa, không phương hướng, hoang mang sợ hãi. Sau khi niệm Phật, tâm tôi tự nhiên an ổn, cảm giác an toàn, như người sắp chết đuối gặp được cái phao. Cảm giác đó khó có thể giải thích bằng lời. 

Qua lần đó, tôi hiểu thêm một điều quan trọng nữa đó là: Nếu chúng ta hằng ngày, niệm Phật được ăn sâu vào tâm thức. Dù phút lâm chung nghiệp nặng còn nhiều, không may gặp chướng duyên, làm thể xác bị đau đớn sanh tâm thù hận, quên đi niệm Phật, không được Phật đến tiếp dẫn ngay lúc đó. Nhưng sau khi chết, hồn chúng ta dù có bị lưu lạc tứ phương hay bị chúng ma níu kéo. Trong lúc sợ hãi, tự nhiên chúng ta sẽ nhớ câu niệm Phật. Chỉ cần niệm Phật thì dù chúng ta đang ở trong địa ngục, Chư Phật cũng đến nơi tiếp dẫn. Nếu hằng ngày chúng ta không lo tu niệm Phật để ăn sâu vào tâm thức, khi bị nghiệp lực dẫn dắt sợ hãi hoang mang, chúng ta không dễ gì giữ được chánh niệm để niệm Phật.

 

Biến chuyển thân tâm. 

Khi bắt đầu niệm Phật, thân tâm chúng ta yên tịnh. Niệm một thời gian, thì thân tâm hồi hộp khó chịu khi thấy những cảnh đau lòng hay coi những phim sợ hãi. Lâu ngày, chúng ta không còn muốn coi những phim sợ hãi nữa. Tại sao? Vì ông Phật trong ta đã thức tỉnh. Nên thân, tâm, hành vi của chúng ta cũng bắt đầu thanh tịnh, từ bi, trí tuệ khai mở, buông xả tham đắm theo thời gian, mà chính bản thân chúng ta không hay biết. Đây là sự nhiệm màu, thần diệu của câu A Di Đà. Sau khi qua giai đoạn hồi hộp, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn nhất tâm. Sau khi nhất tâm, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn định, khi tâm đã định dù đi đứng hay nằm ngồi đều an vui tự tại. Đặc biệt là những lúc tĩnh tọa niệm Phật. Chúng ta sẽ quên hết thân tâm, cảnh vật, quên cả thời gian và không gian. Chỉ còn lại mỗi câu Phật hiệu A Di Đà là hiện hữu.

 

Phần lưu ý: 

Sau khi được nhất tâm, chúng ta chỉ dùng tâm để nghe tiếng nhạc niệm, không nên dùng đầu để nghe. Nghĩa là dùng tánh nghe để nghe tiếng nhạc niệm từ tâm phát ra, không phải dùng tánh nghe để nghe tiếng nhạc niệm trong đầu. Nếu chúng ta không hiểu, dùng đầu để nghe, lâu ngày chúng ta sẽ bị nhức đầu và khó chịu. Tại sao? Vì niệm này quá lớn, lớn đến mức độ vượt khỏi không gian và thời gian, nên đầu của chúng ta không thể chứa nổi, chỉ có tâm Phật của chúng ta mới chứa nổi một niệm siêu việt này. Và niệm này không phải chỉ thoát ra một lần rồi hết, mà nó có sự liên tục như một dòng suối tuôn chảy trong tâm không cùng tận, sẽ theo chúng ta cho tới ngày vãng sanh (nếu chúng ta không thối chuyển)

 

Đánh Đuổi Tâm Ma 

Kính thưa quý bạn, nói về tâm ma, tâm thú, thì trong mỗi chúng ta có vô số tâm ma, tâm thú khác nhau. Có người tâm ma mạnh có người tâm ma yếu, nhưng dù có tâm ma mạnh hay yếu cũng không quan trọng. Điều quan trọng là ý chí và tâm Phật của chúng ta có đủ mạnh để đánh đuổi được tâm ma, tâm thú ra khỏi người chúng ta hay không?  

Ở đây, tôi xin kể cho quý bạn nghe một câu chuyện mà tôi đã trải qua khi đánh đuổi tâm ma, để quý bạn hiểu thêm tâm ma, tâm thú trong ta như thế nào. Chỉ cần hiểu rõ, chúng ta sẽ không sợ khi phải đối diện với chúng. Tuy mỗi người đều có tâm ma, tâm thú khác nhau. Nhưng cách đánh đuổi tâm ma, tâm thú trong ta thì chỉ có một. Đó là, ý chí dũng mãnh và quyết tâm niệm Phật không thối chuyển (chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà mới đánh đuổi được hết tâm ma, tâm thú trong ta) 

Có một đêm tôi nằm mơ (giấc mơ của nội tâm), tôi đi vào một khu rừng có nhiều cây cối âm u rất lớn. Trong tâm tôi cho biết ở đây có nhiều rắn độc. Ý nghĩ trong tâm chưa kịp dứt, thì tự nhiên có 3 con rắn độc rất lớn nhào tới, chúng muốn giết hại tôi. Lúc đó, trong tay tôi tự nhiên có một sợi dây thừng rất lớn, trong tâm tôi cho biết, chỉ có sợi dây thừng này mới đối phó được với chúng. Tôi dùng dây quất chúng túi bụi, vừa đánh trong tâm tôi vừa nghĩ, tôi phải tiêu diệt chúng. Nếu không, chúng sẽ hại tôi và hại vô số người. 

Đánh nhau một hồi, chúng sợ bỏ chạy, tôi rượt theo đến hang của chúng. Hang của chúng rất lớn ở trong một hang núi. Tôi đứng núp một bên để rình. Trong hang âm u có một ngọn đèn lập lòe. Khi chúng bò vào trong, chúng liền biến thành người. Chúng kề tai to nhỏ như bày mưu để đối phó với tôi. Tôi đứng ở ngoài, vừa sợ vừa quyết tâm phải tiêu diệt chúng, nên tôi canh ở ngoài chờ chúng bò ra. 

Một lát sau, chúng biến thành rắn bò ra ngoài. Chúng vừa ló đầu, tôi dùng dây thừng quất chúng tới tấp. Dây thừng quất tới đâu, chúng đứt ra từng khúc tới đó. Nhưng chúng rất mạnh và có phép thuật, nên dù bị đứt khúc, chúng tự nối và trở lại nguyên hình. Tôi càng đánh càng sợ hãi, nhưng ý chí của tôi lúc đó nói không được thua, nhất định phải thắng, nếu thắng không được, thì bất quá ôm nhau chết chung. Ý nghĩ trong tôi chưa kịp dứt, thì bỗng nhiên sợi dây thừng trên tay tôi biến thành con rắn. Tôi hốt hoảng vứt con rắn xuống đất và trong tâm tôi lúc đó nói với chúng ”Dù không có dây thừng, tao vẫn chết sống với tụi bây”.  Không ngờ con rắn tôi vừa vứt xuống đất, nó lăn tới, quấn 3 con rắn kia rồi chết chung, chúng từ từ tan rã. Tự nhiên có một dòng nước trong mát từ đâu chảy đến làm tiêu tan hết những chất dơ bẩn, tanh hôi, cây cối cỏ hoa cũng bắt đầu từ từ mọc lên xanh tươi hết cả khu rừng. Tâm tôi cũng từ từ mát rượi, nhẹ nhàng và thoải mái. 

Lúc đó, tôi mừng đã thoát được một cơn sống chết, nhưng tôi buồn và hối hận vì đã hiểu lầm sợi dây thừng, tôi cứ tưởng nó biến thành rắn để hại tôi. Không ngờ nó vì tôi mà liều mạng chết chung với 3 con rắn kia. Trong lúc thương tiếc, bỗng nhiên có một giọng nói đàn bà nhẹ nhàng thoảng qua tai ”Con đã thắng rồi, con đã thắng rồi”. 

Tôi giật mình thức dậy, tim tôi vẫn còn hồi hộp và suy nghĩ câu chuyện đó mãi. Qua mấy ngày sau thì tôi được nhất tâm. Sau khi được nhất tâm, tôi mới hiểu được chân tướng của giấc mơ đó. Thì ra 3 con rắn độc kia là 3 tâm độc tham, sân, si của tôi (trong mỗi chúng ta, ai cũng đều có 3 tâm độc này, vì vậy mà chúng ta mới bị chúng hành hạ đau khổ luân hồi vô số kiếp). Còn sợi dây thừng trong tay tôi chính là tôi. Vì vậy trong lúc tôi nghĩ đến là sẽ ôm chúng chết chung, thì sợi sây liền biến thành con rắn lăn tới ôm chúng chết chung. Còn khu rừng trước đó âm u, sau khi tiêu diệt 3 con rắn độc, thì khu rừng trở lại sáng sủa, xanh tươi mát rượi. Khu rừng là biểu tượng cho tâm thanh tịnh của chúng ta (nghĩa là tâm Phật). Tâm Phật của chúng ta lúc nào cũng trong sáng thanh tịnh, chẳng qua 3 tâm độc trong chúng ta quá mạnh, nên đã chôn vùi tâm Phật của chúng ta. Khiến chúng ta bị lặn hụp luân hồi vô số kiếp. 

Nhờ tôi niệm Phật nhiều năm không gián đoạn, nên tâm Phật của tôi mới có đầy đủ thần lực và ý chí dũng mãnh để tiêu diệt 3 tâm độc: Tham, sân, si của tôi, để tôi được nhất tâm (nhất tâm nghĩa là chỉ còn lại một tâm thanh tịnh trong ta) 

Kính thưa quý bạn, câu chuyện tôi vừa kể ở trên chỉ là cách đối phó với tâm thú trong ta. Còn đánh đuổi tâm ma trong ta thì khác. Mỗi khi đối phó với tâm ma, chúng ta chỉ cần niệm Phật, là chúng tự nhiên tiêu tan, biến mất. Nhưng nếu muốn tâm ta niệm Phật được thuần thục, chúng ta phải siêng năng niệm Phật mỗi ngày không gián đoạn, thì tâm Phật trong ta mới có đủ thần lực niệm câu A Di Đà để đánh đuổi tâm ma, tâm thú ra khỏi người chúng ta. 

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có 4 chủng tử tâm: Đó là tâm Phật, tâm người, tâm ma, tâm thú. Khi chúng ta chết, tâm nào trong chúng ta mạnh hơn, thì tâm đó dẫn chúng ta đi đầu thai làm thân đó. Nghĩa là tâm thú của chúng ta mạnh hơn, thì ta đi đầu thai làm thân thú. Tại sao? Vì tâm thú phải đi đầu thai làm thú, đó là điều đương nhiên. 

Cũng như cuộc sống hằng ngày chúng ta thường thấy. Người có tâm tốt thì đi tới những nơi làm việc từ thiện, giúp người (tâm người). Người có tâm tham thì đi lường gạt, trộm cướp (tâm thú). Người có tâm ác thì đi hãm hại, giết người (tâm ma). Người có tâm Phật thì đi tu hành độ chúng (tâm Phật). 

Khi chúng ta sống, tâm chúng ta dẫn dắt. Khi chết, tâm chúng ta cũng dẫn dắt chúng ta, chớ không có trời Phật hay một đấng thiêng liêng nào có thể xếp đạt, trừng phạt hay ban phước cho chúng ta (nếu chúng ta tốt, tu hành độ chúng, thì Chư Phật và Chư Bồ Tát lúc nào cũng gia hộ cho chúng ta. Gia hộ không có nghĩa là xếp đặt việc luân hồi của chúng ta, mà là trợ lực cho chúng ta có đủ phương tiện, khả năng tự độ và độ tha). Dù Trời Phật có muốn xếp đặt việc luân hồi của chúng ta cũng không được. Tại sao? Vì tạo hóa có luật của tạo hóa. Nếu Trời Phật có thể xếp đặt, thì Quý Ngài đã biến cõi ta bà đau khổ này, thành thiên đàng vĩnh cửu hết rồi. Quý Ngài đâu cần phải cực nhọc xuống đây, dạy dỗ chúng ta làm sao tu hành để giải thoát? 

Phật A Di Đà là người có pháp nhãn thần thông, nên Ngài rõ cõi trời, địa ngục, đâu đâu Ngài cũng thấy. Vì thấy, nên Ngài hiểu rõ tại sao chúng sanh phải bị luân hồi đau khổ vô số kiếp. Ngài thương, muốn cứu hết chúng sanh nên Ngài dạy dỗ chúng ta tu hành niệm Phật, để tâm Phật chúng ta có đủ thần thông đánh đuổi được tâm ma, tâm thú ra khỏi người chúng ta. Để phút lâm chung, tâm Phật của chúng ta mới có đủ thần lực chiêu cảm được Chư Phật, đến nơi tiếp dẫn chúng ta sanh về cõi Phật.

 

Không Niệm

 

Sau khi được nhất tâm chỉ còn một niệm, tôi càng tin sâu vào sự nhiệm mầu của Phật pháp. Tôi quyết tâm niệm tinh tấn hơn. Lâu ngày, không ngờ Phật pháp vô cùng hy hữu. Trước kia, khi nào tôi khởi niệm thì tôi mới nghe tiếng niệm. Còn bây giờ, tôi không khởi niệm chi cả, tự động nhạc niệm trong đầu tôi trổi lên và một điều kỳ lạ hơn là: nhạc niệm Phật này có linh tánh. Khi nào tôi suy nghĩ hay nói chuyện thì nó tạm ngừng, còn khi nào đầu óc tôi rảnh thì nó niệm. Sự hoạt động tay chân không làm trở ngại tiếng niệm. Nếu tôi suy nghĩ ít thì tiếng niệm vẫn tiếp tục. Chỉ khi nào tôi suy nghĩ thật sự thì nó tạm ngưng. Nói tóm lại: nghĩa là nhạc niệm trong đầu tôi không bao giờ ngừng. Nếu ngủ mê thì không nghe, nửa đêm lỡ giật mình thức giấc thì lại nghe. Thật ra không phải nhạc niệm Phật có linh tánh, mà là khi chúng ta niệm Phật tới cảnh giới không niệm, thì ông Phật trong ta niệm hoài không dứt. Chẳng qua khi chúng ta suy nghĩ hay tức giận, thì chúng ta không còn đủ định tâm để nghe câu niệm Phật. 

Chắc quý bạn sẽ nghĩ, nếu nghe cả ngày lẫn đêm như vậy thì chán chết. Kính thưa quý bạn, không phải vậy đâu. Ngược lại, âm thanh thật là an lạc và tự tại không chi sánh bằng. Ở trên đời này, không có điệu nhạc nào hay bằng nhạc niệm Phật. Trước kia, tôi rất thích nghe nhạc. Nhạc là một phần sự sống của tôi. Nhưng bây giờ, tôi không còn muốn nghe nhạc nữa, vì tiếng nhạc niệm trong đầu tôi là một dòng suối mát, là khúc nhạc trời với âm thanh du dương huyền diệu; làm cho cõi lòng tôi thanh thản thoát tục. 

Còn một điều kỳ diệu nữa là, khi chúng ta đã niệm tới cảnh giới ”Không Niệm” thì có thể thay đổi nhạc niệm Phật trong tâm. Cũng như chúng ta nghe một điệu nhạc niệm hoài thấy chán. Muốn thay đổi, thì chỉ cần nghe nhạc niệm Phật khác cho thâm nhập vào tâm, là sẽ có thêm nhạc niệm mới. Thậm chí, chúng ta có thể nghe một lúc hai hoặc ba loại nhạc niệm khác nhau, tùy theo chúng ta khởi niệm. Nhưng nếu muốn giữ được tiếng nhạc niệm trong tâm rõ ràng, thì ta nên thường xuyên nghe băng niệm Phật. Nếu không, chúng ta chỉ còn lại một loại nhạc niệm nguyên thủy mà thôi (Ở đây tôi chỉ nêu thêm vài điều nhiệm màu của Phật Pháp. Trên thực tế, khi chúng ta đã tới cảnh giới không niệm, thì sẽ không còn phân biệt)

 

Không

 

Miệng tôi khoe, tâm tôi không động.

Ý độ người, mặc kệ chê khen.

Khen, chê, chửi trách, chuyện của đời,

Đời là giả, cần chi chấp trước.

 

Bút giả tôi kệ viết bài,

Đã chấp nhận khen, chê, chửi trách.

Vốn thế gian tất cả là không,

Lời phiếm dị, nhẹ hơn gió thoảng!

 

Ý Nghĩa Diệu Âm

 

Trước kia, tôi nghe Ngài pháp sư Tịnh Không thuyết giảng trong bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Ngài nói: ”Tất cả đệ tử của Phật đều được thọ ký pháp danh là Diệu Âm”. Lúc đó tôi hiểu: Diệu là huyền diệu, Âm là âm thanh, cộng lại là âm thanh huyền diệu. Lúc đó hiểu là hiểu vậy thôi, nhưng lại không hiểu ẩn ý của Phật. Sau khi được nhất tâm, tôi mới thấm ý nghĩa cao thâm của hai chữ Diệu Âm. Thì ra, bất cứ đệ tử nào của Phật khi được nhất tâm, thì đều nghe được âm thanh huyền diệu này. Vì vây mà Phật đặt pháp danh cho tất cả Phật tử là Diệu Âm, bao hàm một ý nghĩa cao thâm, không thể nghĩ bàn. 

Vì chỉ có hai chữ Diệu Âm, mới có thể diễn đạt một cách chính xác sự huyền diệu âm thanh, mà hằng ngày tôi đang nghe được. Không những chỉ một niệm âm thanh huyền diệu, mà còn là một dòng suối mát nhiệm màu tuôn chảy trong tâm, không cùng tận. Âm thanh huyền diệu hòa nhập với dòng suối mát trong tâm, khiến tôi lúc nào cũng sống trong niềm an lạc tự tại, đúng với câu: Niết bàn giữa chốn Ta Bà, cho tôi một cảm giác thoát tục, như một đóa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

 

Ý nghĩa câu ”Nhất tâm bất loạn”

 

Lúc mới học đạo, có ba điều tôi luôn luôn suy nghĩ, thắc mắc. Tại sao chúng ta có thể niệm đến: 

Nhất tâm bất loạn?

Nhất tâm, chỉ còn một niệm?

Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm? 

Sau khi được nhất tâm, tôi mới lãnh ngộ được ba ý nghĩa cao thâm này. 

Lời của Ngài Cưu-ma-la-Thập dịch: Nhất tâm bất loạn. Câu này hoàn toàn chính xác. Không những chính xác, mà còn có dụng ý thâm sâu, nên khiến chúng ta hiểu lầm, cho là Ngài dịch không được chính xác. 

Chúng ta đều có một câu hỏi: Làm sao niệm Phật có thể đạt nhất tâm bất loạn? Điều này vô cùng khó khăn, lỡ chúng ta niệm Phật cả đời mà vọng tưởng vẫn còn, thì làm sao có hy vọng vãng sanh? Vì vậy mà chúng ta hoang mang, không có tự tin. Chúng ta hoang mang là vì chúng ta không hiểu ý của Ngài (Thật ra ý Ngài dịch rất đơn giản, vì chúng ta không hiểu nên trở thành phức tạp). 

Ngài nói trên cái chơn tâm Phật tánh của chúng ta, không phải nói trên cái tâm vọng tưởng, chấp trước của chúng ta. Vọng tưởng và nghiệp chướng của chúng sanh không bao giờ hết. Nếu có thể, Phật đâu cần dạy chúng ta phương pháp tu để đới nghiệp vãnh sanh? (đới nghiệp: là mang theo nghiệp. Vãng sanh: là thoát khỏi luân hồi. Luân hồi: là đầu thai trở lại) 

Chúng ta xưa nay, bỏ quên tâm thật (tâm Phật) của chúng ta. Chúng ta hằng ngày, chỉ dùng cái tâm vọng tưởng, chấp trước của thân giả tạm (thân giả) để nhìn sự việc nên chúng ta mới hiểu lầm ý của Ngài. 

Dụng ý của Ngài, là khi chúng ta phát tâm niệm Phật, là chúng ta đã dùng tâm Phật của chúng ta để mà niệm Phật. 

Lúc mới phát tâm tu niệm, dĩ nhiên vọng tưởng kéo đến dồn dập. Niệm một thời gian, thì tâm Phật mới được thức tỉnh. Khi tâm Phật được thức tỉnh, thì tâm mới biết phân biệt đâu là tốt xấu, chánh tà. Niệm tinh tấn lâu ngày, chơn tâm Phật tánh của chúng ta hiển hiện. Trí tuệ khai mở, xua đuổi hết các tâm ma, nhơ bẩn, xấu xa của chúng ta, khống chế được vọng tưởng (khống chế không có nghĩa là diệt sạch) Khi tâm hoàn toàn được thanh tịnh, không còn bị các tâm loạn dẫn dắt, mê hoặc (tâm loạn, không phải vọng tưởng loạn). Quyết một lòng niệm Phật để thành Phật, dù cho vật đổi sao dời, vũ trụ sụp đổ, tâm ta vẫn kiên định giữ câu A Di Đà. 

Nhất-Một lòng

Tâm-Chuyên tâm niệm Phật

Bất  -Không thối chuyển

Loạn-Không bị loạn tâm mê hoặc 

Vậy câu nhất tâm bất loạn của Ngài Cưu-ma-la-Thập dịch, hoàn toàn chính xác, đúng với ý nghĩa kinh điển của Phật. 

Ngài Huyền Trang Tam Tạng dịch: Nhất tâm hệ niệm.  Ngài nói trên cái căn cơ hiểu biết của chúng sanh. Ngài hoàn toàn không nói trên cái sự hiểu biết của Ngài, đây là khổ tâm dụng ý của Ngài. Tại sao? Vì Ngài thấy câu nhất tâm bất loạn quá cao thâm. Ngài sợ căn cơ chúng sanh không hiểu suốt. Vì muốn độ chúng sanh, nên Ngài dịch nhất tâm hệ niệm. Vì Ngài biết rõ, chỉ cần chúng sanh Nhất tâm hệ niệm, thì chúng sanh sẽ dạt đến Nhất tâm bất loạn. 

Một Ngài dịch trên tâm của chúng sanh. Một Ngài dịch trên căn cơ của chúng sanh. Nhập hai câu dịch của hai Ngài chung lại với nhau, chúng ta sẽ thấy “Thập toàn thập mỹ”. Hai câu này bổ túc và trợ lực cho nhau, khiến cho chúng sanh được nhiều sự lợi lạc hiểu biết từ phát tâm tu, cho tới khi thành quả. Công đức của hai Ngài sư tổ thật là vô lượng vô biên.

 

Tại Sao Người Tu Lưu Lại Xá Lợi

 

Phật dạy chúng ta tu niệm Phật, là niệm cho Ông phật của chúng ta thức tỉnh. Khi tâm Phật chúng ta hiển hiện, thì tự nhiên chúng ta sẽ hòa nhập vào tâm của Phật. Ánh sáng thần lực của Phật lúc nào cũng tỏa hết không gian, chỉ cần tâm Phật của chúng ta thức tỉnh, hòa nhập vào tâm Phật, thì chúng ta sẽ được thần lực của Chư Phật gia trì. Phật nói: ”Tâm Phật và tâm của chúng sanh vốn đồng một thể không hai. ”Nếu tâm Phật của chúng ta hiển hiện, thì cảm ứng được Ngài đang ở cạnh chúng ta. 

Cũng như một nam châm, bị đóng đất lâu năm sẽ mất đi sức hút. Nhưng nếu chúng ta rửa sạch cục nam châm, thì nó sẽ thu hút được cục nam châm đối diện. Tâm Phật và tâm của chúng sanh cũng như hai cục nam châm đối diện. Ánh sáng thần lực của Phật, lúc nào cũng bao phủ sáu ngã mười phương vô cùng tận. Chẳng qua tâm Phật của chúng ta bị chôn vùi vô thỉ kiếp, chỉ còn đầy dẩy tâm ma dơ bẩn. Nên thần lực tâm Phật của chúng ta, không thu hút được ánh sáng thần lực của Ngài. 

Câu Phật hiệu A Di Đà có một thần lực vô song, có thể giúp chúng ta rửa sạch nghiệp tội, để chơn tâm Phật tánh hiển hiện. Chúng ta niệm một ngày, là một ngày rửa bớt tâm ma. Niệm càng nhiều, tâm ma vọng tưởng càng bớt , tâm Phật càng tăng. Lâu ngày, nhờ thu hút được thần lực của Chư Phật, mà tâm ta được định. Định lâu ngày, tích lũy thành những viên xá lợi đủ màu. Màu sắc của xá lợi là nhờ thu hút được thần lực ánh sáng đủ màu của Phật. 

Nhờ thu hút được thần lực của Phật, mà người miệm Phật tâm thần an định. Ánh sáng thần lực của Ngài từ bi, mát rượi, như dòng suối nhiệm màu tuôn chảy trong tâm. Lâu ngày, tâm chúng ta từ bi như tâm Phật. Chúng ta sẽ cảm ứng được Ngài đang ở cạnh bên. Phút lâm chung, chỉ cần khởi niệm, Ngài và Chư Thánh ở ngay trrước mặt, tiếp dẫn chúng ta sanh về Cõi Phật.

 

---o0o---