Kết Luận Của Nhà Sư

20 Tháng Chín 201611:14 CH(Xem: 2870)
Kết Luận Của Nhà Sư
ĐỐI THỌAI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Kết Luận Của Nhà Sư

Nhiều người cho rằng mọi cố gắng để kéo lại gần khoa học và tâm linh sẽ đưa đến thất bại. Vài người cho rằng tâm linh là một điều huyền bí, người khác thì nghĩ rằng khoa học quá duy vật, những người khác nữa lại xem khoa học và tâm linh như hai lãnh vực không thể dung hợp được. Từ chối không tìm ra những mẫu số chung cho cả hai, khác nào chấp nhận cho những biên giới không thể vượt qua giữa cái biết và cái sống, chủ thể và khách thể, tâm và vật. Nhị nguyên năng tạo ra những rào cản vô lý, trong khi thiền định không bắt buộc phải đi ngược dòng với khoa học, mà chỉ muốn thiết lập một hệ thống giữa các lãnh vực kiến thức và những phương tiện cho phép đưa chúng ta đến đó.

Điều quan trọng cho cuộc sống không phải là số thông tin mà chúng ta tích lũy được, nhưng là những câu trả lời cho những câu hỏi như là: vì sao chúng ta sống? Tại sao chúng ta chết? Vì sao chúng ta khổ, chúng ta yêu, chúng ta ghét? Những điều này dẫn chúng ta đến việc kiểm nghiệm xem mục đích của những cuộc tìm tòi mà chúng ta thực hiện có thể trả lời các câu hỏi đã nêu, và nó đáng cho công sức mà chúng ta bỏ ra hay không?

Trong lãnh vực khoa học, công việc nghiên cứu này bao gồm hai lãnh vực: khoa học cơ bản và những ứng dụng của nó. Khoa học cơ bản đặt ra mục tiêu là diễn tả và giải thích thiện nhiên. Dù rằng ý định này rất đáng ca ngợi, nhưng sự tò mò trong việc nghiên cứu hóa học các vì sao, hoặc việc phân loại các côn trùng chỉ là thứ yếu so với những vấn đề cơ bản của cuộc sống. Nếu ta để ý đến những giây phút có ý nghĩa nhất trong cuộc đời ta sẽ nhớ đến tình yêu, tình bạn, sự âu yếm dịu dàng, niềm vui được sống, cảnh đẹp trong thiên nhiên, sự bình an trong tâm hồn, lòng vị tha v.v... Nói chung khoa học không chú ý đến những điều đó.

Còn về những ứng dụng của khoa học, chúng chỉ nhằm cải thiện sức khỏe của ta, những tiện nghi cho đời sống, tự do trong hành động và kéo dài mạng sống. Săn sóc y tế càng ngày càng tiến bộ, dù rằng có những sai biệt đáng buồn: 2765USD mỗi năm tiền thuốc men và săn sóc y tế cho một người Mỹ và 3 USD cho một người Việt. Nếu về mặt vật chất, những tiện nghi trong đời sống không ngớt tăng trưởng, nhưng về mặt đạo đức, đời sống tâm linh có vẻ đang tuột dốc. Chúng ta làm ô nhiễm môi trường và nhiều thiên tai đang tàn phá hành tinh và con người. Việc phát triển kỹ thuật và kinh tế bằng mọi giá có đáng cho chúng ta tôn thờ quá mức như vậy không? Câu hỏi này nói lên sự lẫn lộn giữa ước muốn và khả thi. Chỉ sau khi từ bỏ việc tìm ra một dạng kiến thức khả dĩ giải thích được mọi hiện tượng mà khoa học đã gặt hái được những thành tựu vượt bực. Nhờ tập trung vào việc nghiên cứu những hiện tượng thiên nhiên, khoa học đã hoàn chỉnh những phương pháp hữu hiệu để khám phá, đo đạc diễn tả và tác động lên chúng. Kiến thức có được từ những cuộc khảo cứu này, quá rộng lớn đến nỗi làm cho khoa học đôi khi mất khả năng đáp ứng được những vấn đề cơ bản trong cuộc sống. Sự bất lực này không phải là một thất bại, có lẽ khoa học đã phân chia rõ ràng phạm vi khám phá cùng với khả năng của nó, không bao giờ đặt mục tiêu là tìm hạnh phúc hay sự thanh bình chung quanh chúng ta. “Mục đích của khoa học là tăng thêm, và sắp đặt lại các thực nghiệm của chúng ta”. Niels Bohr đã viết như vậy. Hy vọng của Khoa học thực nghiệm để hiểu biết về bản thể tối hậu của thực tại có vẻ là một giả tưởng, khoa học sau rốt cũng vấp phải những trở ngại chứng tỏ rằng bản thể của thực tại khác hẳn điều mà khoa học đã dự kiến. Chính những trở ngại này đã được làm rõ bởi khoa học lượng tử và thuyết tương đối đã đưa khoa học đến chỗ đối thoại với Phật giáo. Khi tự hỏi về thực tại tối hậu các hiện tượng và về tâm thức như là giai đoạn để đi đến Giác ngộ, Phật giáo có thể giải quyết sự lúng túng của nhà khoa học bị mắc kẹt giữa thực tại giả tạo của vũ trụ, và sự sụp đổ của thực tại chắc thật khi tiến vào thế giới hạt và sóng. Phật giáo còn đi xa hơn khi diễn đạt những kết luận của mình bằng một thái độ thực dụng trong đời sống.

Kỹ thuật quan niệm khoa học như một phương tiện để sử dụng thế gian và chế ngự nó. Nói tóm lại khoa học là kiến thức lý thuyết, kỹ thuật là kiến thức thực dụng, và thiền định là lý thuyết giải thoát. Chúng phải bổ túc cho nhau, chớ không đối kháng với nhau. Với tôi những khía cạnh hấp dẫn nhất trong cuộc gặp gỡ giữa khoa học tự nhiên và Phật giáo nằm trong sự phân tích thực tại tối hậu của các vật thể và bản thể của Tâm. Bản thể của Tâm là đề tài hấp dẫn nhất. Có phải tâm chỉ là biểu hiện của bộ não? Có phải tâm xuất hiện từ vật chất? Phật giáo nghĩ rằng dòng tâm thức không cần một chỗ dựa vật chất. Những thiền giả đã cho biết có nhiều mức độ tâm thức dựa trên những kinh nghiệm thiền định. Phương pháp của họ đáng được các nhà nghiên cứu quan tâm khi chỉ dựa duy nhất vào thực nghiệm.

Tôi thật sự rất hạnh phúc khi biết rằng một công cuộc nghiên cứu theo chiều hướng đó đã tập hợp được những nhà thần kinh sinh học và những thiền giả, tiếp theo sự gợi ý của những người bạn quá cố của tôi, bác sĩ Francisco Valera. Phải nói sao về sự đánh cuộc của bạn Thuận khi cho rằng có một nguyên lý sáng tạo ra vũ trụ? Chắc chắn rằng nếu có một khởi đầu cho sự hình thành vũ trụ đòi hỏi phải có một lập trường siêu hình mà Phật giáo thấy không cần thiết. Theo Phật giáo thì không có một sự khởi đầu nào cả. Mà muốn đi đến một kết luận khả thi thì phải giải quyết trước tiên các vấn đề nguyên nhân mà không có nguyên nhân, trạng huống bất biến mà phải thay đổi, hay hư vô mà trở thành một vật thể nào đó.

Còn về câu hỏi Leibniz “Vì sao có một cái gì mà lẽ ra không có gì cả” mà bạn Thuận đã nêu lên, câu hỏi này chỉ có ý nghĩa vật chất thực tế mà thôi. Hiển nhiên là câu hỏi hàm ý các hiện tượng là có thật.

Đưa ra vấn đề một nguyên lý sáng tạo không giải quyết được gì. Và câu hỏi của Leibniz có thể sửa lại như sau “tại sao lại có hiện tượng, thay vì không có gì?” Trả lời: “Vì mọi vật đều là không, cho nên từ cái không mọi vật xuất hiện”. Câu hỏi thứ hai: “Tại sao lại không có gì, khi mà một vật có thể xuất hiện được?” Trả lời: “Vì lẽ không hiện hữu và cũng đồng thời hiện hữu, cái không đó thật ra không khác cái có”. Theo Phật giáo không có một thực tại chắc thật nào mà có tự tính. Sự giác ngộ là để thức tỉnh khỏi vô minh cho rằng mọi vật là có tự tính. Theo như bạn Thuận đã nói “Thể theo sự quan sát thiên văn sau cùng, vũ trụ có vẻ như không chứa đựng đủ vật chất vô hình để làm ngưng lại hay đảo ngược tiến trình trương nở của vũ trụ. Nó có vẻ càng tăng tốc lên thì theo sự hiểu biết hiện nay về vũ trụ, vấn đề một vũ trụ chu kỳ không được đặt ra. Nhưng vấn đề cũng còn lâu mới giải quyết được.

Khi Steven Wemberg, giải Nobel vật lý cho rằng: “Chỉ có tôn giáo mới khiến kẻ tốt làm điều ác”. Ta có thể trả lời cùng một phương cách “Chỉ có tâm linh mới khiến kẻ xấu làm điều tốt”. Có thể nói giá trị của mỗi hành động chúng ta là tùy thuộc hoàn toàn vào động lực gây nên hành động đó.

Tôi không nghĩ rằng cái mà tôi gọi là “Khoa học tâm linh” lại tùy thuộc cơ bản vào trực giác. Từ này quá mơ hồ để có thể diễn tả trạng thái thiền định. Trạng thái này nếu không đặt nền tảng trên lý trí và luận lý sẽ không có chút giá trị nào cả. Đến một mức độ thiền định nào đó, lý trí cần phải được siêu việt lên, nhưng điều này không có nghĩa là trên mức thiền định ấy không còn lý trí nữa. Đơn giản là mức độ thiền định cao vượt khỏi tầm mức lý trí, điều mà bạn Thuận so sánh với định lý bất toàn của Godel. Triết lý và thiền định Phật giáo không hề muốn xây dựng một lý thuyết cao siêu nào để giải thích mọi việc. Chúng chỉ đưa đến một sự chuyển hóa nội tâm có thể kiểm chứng được. Khyentse Rinpotché đã khuyên:

-Dấu hiệu của sự minh triết là sự tự chủ, và dấu hiệu của sự thuần thục tâm linh là sự vắng bóng những tình cảm xung đột, có nghĩa là khi trở nên một người hiền ta phải trở nên thanh thản, an lạc trật tự chứ không lơ đãng, tự phụ. Hãy tự kiểm soát lấy mình để xem mình có kiểm soát những tình cảm tiêu cực của mình hay không. Nếu việc hành trì chỉ tăng thêm lòng ích kỷ, ngã mạn và những tư tưởng tiêu cực, tốt hơn là nên buông bỏ việc hành trì vì nó không thích hợp cho bạn. Nếu cần phải tin vào chỉ dẫn của các bậc tiền bối đức hạnh mà kinh nghiệm vượt xa chúng ta, cũng không nên chấp nhận một sự thật vì nó được một bậc đáng kính nói ra. Giá trị của lời Phật dạy là ở chỗ mọi người có thể kiểm chứng sự chính xác của nó. Trong lãnh vực khoa học thiên nhiên, ý niệm về một sự chân xác tuyệt đối là rất bấp bênh. Trái lại sự giác ngộ đem đến cho ta một sự hiểu biết bất biến về bản thể chân thật các hiện tượng và khiến chúng ta đạt đến những đức tính mà mọi con người đều muốn có. Theo Phật giáo, sự hiểu biết chân xác về tính không được biểu hiện bằng tình yêu và lòng bi mẫn không bờ bến. Đạo sư Tây Tạng Shalkar đã viết:

Khi mà lòng từ tóm thâu tất cả các giáo lý, kẻ không có tâm từ thì cũng không biết gì cả các giáo lý ấy.

Dù cho một kẻ đang suy gẫm về tánh không, cũng cần đến tâm từ, vì đó là tâm điểm của mọi sự việc.

Để trở lại một ẩn dụ trong các bản văn Phật giáo chỉ có ngọn lửa của tâm từ mới đốt chảy được các quặng trong tâm ta để giải thoát vàng, và vàng chính là bản thể tối hậu của ta.