- MỤC LỤC TOÀN BỘ
- TẬP 1
- TẬP 2
- 06. Phẩm Tỳ-lô-giá-na
- 07. Phẩm Như-lai Danh-hiệu
- 08. Phẩm Tứ-thánh-đế
- 09. Phẩm Quang-minh Giác
- 10. Phẩm Bồ-tát Vấn Minh
- 11. Phẩm Tịnh Hạnh
- 12. Phẩm Hiền Thủ
- 13. Phẩm Thăng Tu-di Sơn-đảnh
- 14. Phẩm Tu-di Sơn-đảnh Kệ Tán
- 15. Phẩm Thập-trụ
- 16. Phẩm Phạm-hạnh
- 17. Phẩm Sơ Phát-tâm Công-đức
- 18. Phẩm Minh Pháp
- 19. Phẩm Thăng Dạ-ma Thiên-cung
- 20. Phẩm Dạ-ma Cung Kệ Tán
- 21. Phẩm Thập-hạnh
- TẬP 3
- TẬP 4
- TẬP 5
- TẬP 6
- TẬP 7
- TẬP 8
Hán Dịch: Đại-Sư Thật-Xoa-Nan-Đà - Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
Phật Học Viện quốc
THỨ MƯỜI SÁU
Lúc bấy giờ Chánh Niệm Thiên Tử bạch Pháp Huệ Bồ Tát rằng: Thưa Phật tử! Trong tất cả thế giới, chư Bồ Tát y theo giáo pháp của Như Lai nhuộm y xuất gia, thế nào mà được phạm hạnh thanh tịnh, từ địa vị Bồ Tát đến đạo vô thượng bồ đề?'
Pháp Huệ Bồ Tát nói: 'Nầy Phật tử! Đại Bồ Tát lúc tu phạm hạnh, nên dùng mười pháp làm cảnh sở duyên để tác ý quan sát.
Đây là mười pháp: thân, thân nghiệp, ngữ, ngữ nghiệp, ý, ý nghiệp, Phật, Pháp, Tăng và giới.
Nên quan sát như vầy: Thân là phạm hạnh ư? Nhẫn đến giới là phạm hạnh ư?
Nếu thân là phạm hạnh, phải biết phạm hạnh thời là chẳng phải thiện, là phi pháp, là lộn đục, là hôi xấu, là bất tịnh, là đáng nhàm, là trái nghịch, là tạp nhiễm, là tử thi, là nhóm trùng.
Nếu thân nghiệp là phạm hạnh, thời phạm hạnh là hành, trụ, tọa, ngọa, là ngó bên nầy bên kia, là co, duỗi, cúi, ngước.
Nếu ngữ ngôn là phạm hạnh, thời phạm hạnh là âm thinh, gió thở, là môi, lưỡi, cuống họng, là thổ nạp, ngăn buông, là cao thấp, trong đục.
Nếu ngữ nghiệp là phạm hạnh, thời phạm hạnh là thưa chào hỏi thăm, là nói lược nói rộng, là nói dụ nói thẳng, là lời khen lời chê, là lời an lập, lời tùy tục, lời hiển liễu.
Nếu ý là phạm hạnh, thời phạm hạnh là giác, là quán, là phân biệt, ức niệm, tư duy, là ảo thuật, là ngủ mơ.
Nếu ý nghiệp là phạm hạnh, thời phạm hạnh là tư tưởng lạnh nóng đói khát, khổ vui, lo mừng.
Nếu Phật là phạm hạnh, thời sắc là Phật? hay thọ, tưởng, hành, thức là Phật? Tướng hảo hay thần thông là Phật? Nghiệp hạnh hay quả báo là Phật?
Nếu pháp là phạm hạnh, thời tịch diệt hay niết bàn là pháp? Bất sanh hay bất khởi là pháp? Bất khả thuyết hay vô phân biệt, vô sở hành, bất hiệp tập, bất tùy thuận, vô sở đắc là pháp?
Nếu Tăng là phạm hạnh, thời Dự Lưu Hướng hay Dự Lưu Quả la Tăng? Nhứt Lai Hướng hay Nhứt Lai Quả là Tăng? Bất Hoàn Hướng hay Bất Hoàn Quả, Vô Sanh Hướng hay Vô Sanh Quả là Tăng? Tam minh hay lục thông là Tăng?
Nếu giới là phạm hạnh, thời đàn tràng là giới, hay hỏi thanh tịnh là giới? Dạy oai nghi hay tam yết ma là giới? Hoà Thượng hay A Xà Lê là giới? Thế phát là giới, hay đắp y ca sa, hay khất thực, hay chánh mạng là giới?
Quan sát như vậy, nơi thân không sở thủ, nơi tu không sở trước, nơi pháp không sở trụ, quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không tịch, không người tác nghiệp, không kẻ thọ báo, đời nầy chẳng dời động, đời kia chẳng cải đổi. Như vậy, trong đây pháp nào gọi là phạm hạnh? Phạm hạnh từ chỗ nào đến? Là sở hữu của ai? Thể là gì? Do ai làm? Là có? Là không? Là Sắc? Là phi sắc? Là thọ? Là phi thọ? Là tướng? Là phi tướng? Là hành? Là phi hành? Là thức? Là phi thức?
Quan sát như vậy, vì pháp phạm hạnh bất khả đắc, vì pháp tam thế đều không tịch, vì ý không thủ trước, vì tâm không chướng ngại, vì sở hành vô nhị, vì phương tiện tự tại, vì thọ pháp vô tướng, vì quán pháp vô tướng, vì biết phật pháp bình đẳng, vì đủ tất cả phật pháp. Như đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Lại phải tu tập mười pháp, chính là mười trí lực của Như Lai. Phải quan sát mỗi trí lực. Trong mỗi trí lực có vô lượng nghĩa đều phải hạn hỏi. Sau khi nghe phải khởi tâm đại từ bi, quan sát chúng sanh mà chẳng bỏ lìa, tư duy các pháp không có thôi dứt, thật hành nghiệp vô thượng không cần quả báo, rõ biết cảnh giới như ảo mộng, như bóng vang, như biến hóa.
Nếu Bồ Tát nào được tương ứng với quán hạnh như vậy, ở trong các pháp chẳng sanh hai kiến giải, tất cả phật pháp mau được hiện tiền. Lúc sơ phát tâm liền được a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Biết tất cả pháp tức là tâm tự tánh, thành tựu huệ thân giác ngộ chẳng do người khác.