Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Bảy

30 Tháng Tám 20163:56 CH(Xem: 2068)
Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Bảy

PHẦN BA
NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ

NGÀY THỨ BẢY

Kyabje Pabongka Rinpoche bắt đầu:

Vị Bồ tát vĩ đại Shàntideva nói: 
Bạn có thể giải thoát khỏi sông lớn đau khổ 
Nhờ con thuyền là thân làm người. 
Một con thuyền như vậy khó có trở lại; 
Hỡi kẻ đui, lần này đừng mê ngủ nữa!

Bạn đã được tái sanh toàn hảo là thân người, như một chiếc thuyền bè để vượt qua đại dương sinh tử. Loại hạnh phúc mà chỉ kéo dài cho đến khi bạn chết là thứ hạnh phúc không đáng ham muốn. Nếu bạn không thành tựu được niềm hy vọng vĩnh cửu cho tất cả những đời tương lai, thì thật khó mà có được một tái sanh vật lý như thế này trở lại, một con thuyền khác để giải thoát bạn khỏi biển khổ. Bởi thế bạn phải làm thỏa mãn niềm hy vọng vĩnh cửu của mình ngay bây giờ, và phải biết cách nào để làm việc ấy, hãy khỏi động lực bằng ý nghĩ, “Tôi sẽ đạt thành quả Phật vì tất cả hữu tình, những bà mẹ tôi trong quá khứ. Bởi thế tôi sẽ lắng nghe giáo lý sâu xa này về ba phạm vi của Lam-rim và sẽ thực hành đúng theo đó.”

Đây là những tiêu đề thích hợp…

Sau khi bàn đến những tiêu đề đã nói, ngài tiếp:

Tiêu đề thứ tư là, “Trình tự theo đó những môn đệ phải được chỉ giáo thực thụ,” có hai tiêu đề phụ: (1) Căn bản đạo lộ: sự tận tụy với một bậc hướng đạo tâm linh, và (2) Sự huấn luyện tuần tự mà bạn phải theo, sau khi đã nương tựa một bậc thầy. Bây giờ tôi sẽ đề cập làm thế nào để thờ một bậc thầy.

Ta không thể bao quát tài liệu về nghi thức chuẩn bị cả bốn lần, nhưng ta phải làm việc ấy khi dạy phần chính của bài giảng Lam-rim - khởi đầu là đoạn nói về tận tụy với một hướng đạo tâm linh. Việc này bao hàm một tóm tắt (ở đầu khóa giảng ngày kế tiếp). Tôi định theo truyền thống này.

Bạn cũng có thể quan sát mình bằng chính mắt mình, để thấy làm thế nào những người thợ mộc hay thợ điêu khắc chẳng hạn, trước hết cũng phải học tập dưới một bậc thầy rồi mới có thể tự lập được. Bởi thế có lẽ không cần phải nói bạn cũng biết bạn phải nương tựa vào một bậc hướng đạo tâm linh để biết đúng con đường sẽ làm thỏa mãn những hy vọng vĩnh cửu của bạn bằng cách đưa bạn lên ngang hàng chư Phật. Một số người nghỉ rằng họ có thể đọc sách chứ không cần thầy, nhưng điều này không đủ, bạn phải nương tựa vào một bậc thầy có khả năng. Giả sử bạn sắp du lịch Ấn Độ; bạn phải tìm một người hướng đạo chứ không phải bất cứ ai cũng đưa bạn đi được. Bạn cần tìm một người ở đất Ấn. Cũng vậy, môt hướng đạo tâm linh phải là người có khả năng hướng dẫn bạn trên đạo lộ tu tập đến quả vị Phật. Nếu bạn nương tựa ai cũng được, hoặc nương tựa bạn xấu, thì bạn sẽ không được hướng dẫn đi đúng đường, và có thể đi lạc. Vậy điều cốt yếu là ngay từ đầu bạn phải nương tựa vào một vị hướng đaọ tâm linh. Đức Tsongkapa còn nói rằng, bậc thầy là “căn bản của đạo lộ.”

Cách bạn tận tụy với một bậc thầy khởi đầu bằng bốn tiêu đề: (1) lợi ích của sự nương tựa một bậc thầy; (2) những tai hại vì không nương tựa bậc thầy, hoặc đã thối thất sự thờ kính; (3) tận tụy với thầy trong ý nghĩ; (4) trong hành động.

1.2.1. LỢI ÍCH CỦA SỰ NƯƠNG TỰA MỘT BẬC THẦY.

Chỉ khi bạn nghĩ về những lợi lạc của sự nương tựa bậc thầy và sự tai hại của không nương tựa bậc thầy, thì bạn mới hực sự sung sướng làm việc ấy.

Những lợi ích của nương tựa bậc thầy được bàn trong Con Đường Nhanh và theo truyền thống khẩu quyết của những bậc thầy chúng tôi, điều này được đề cập dưới tám tiêu đề phụ.

a. Bạn sẽ tiến gần hơn đến quả Phật 

Trong truyền thống khẩu quyết của chính tôn sư tôi Dagpo Rinpoche, chúng tôi chia tiêu đề này làm hai tiêu đề phụ: (1) bạn sẽ đến gần Phật quả hơn, nếu bạn thực hành những chỉ giáo của bậc thầy; (2) bạn cũng sẽ tiến gần Phật quả hơn, nếu bạn cúng dường và phụng sự bậc thầy.

a-1. Bạn sẽ tiến gần đến quả Phật hơn bằng cách thực hành theo lời thầy chỉ giáo.

Một lợi ích tổng quát của việc nương tựa bậc thầy là bạn sẽ tiến gần hơn đến Phật quả. Mặc dù những con đường khác và những giai đoạn của họ đòi hỏi nhiều kiếp tu hành để hành Phật quả, một số người có thể thành Phật quả trong một đời vì họ đã hết mình phụng sự các bậc thầy. Những mật điển tối thượng thành tựu điều này rất nhanh - pháp Du già Đạo sư cũng là huyết mạch của con đường mật tông. Ta có thể thấy điều này qua cuộc đời của Milarepa chẳng hạn.

Ta có thể trích những câu như: “Nhờ lòng từ bi của thầy, mà trạng thái đại lạc…” Nghĩa là nếu bạn thờ kính bậc thầy đúng cách, thì do lòng từ bi của thầy, thầy sẽ ban cho bạn trạng thái pháp thân - cảnh giới đại lạc - chỉ trong thời gian ngắn ngũi một đời, mà chỉ là một sát na trong thời đại suy đồi này. Đời người chỉ là một sát na nếu so sánh với đời chúng sinh trong cá địa ngục ở dưới và chư thiên ở trên.

Và để chứng minh điều này, Kyabje Pabongka Rinpoche kể câu chuyện về ngài Vô Trước du hành trên cõi Đâu Suất, Ngài chỉ ở đây một buổi sáng để thụ giáo với đức Di Lặc, nhưng khi trở về trái đất thì ngài nhận ra rằng năm mươi năm đã trôi qua.

Hơn nữa, đời người chỉ là một khoảnh khắc so với khoảng thời gian chúng ta ở trong cõi luân hồi sinh tử.

Nếu bạn không phụng sự bậc thầy cho đúng, bạn sẽ không phát triển được dù chỉ một sự thực chứng nhỏ nhất trong các giai đoạn của đạo lộ, dù bạn có đào luyện thực tập pháp nào, dù bạn tu tập đến cả những mật điển tối thượng. Nhưng nếu bạn tận tụy đúng mức, không bao lâu bạn sẽ đạt đến trạng thái hợp nhất, dù điều này thông thường phải cần tu nhiều kiếp. Quyển Lam-rim nhan đề Tinh Yếu của Cam Lồ có nói:

Sự hợp nhất vĩ đại rất khó đạt

Ngay cả sau khi kiên trì tinh tấn trăm lần

Qua vô số đời kiếp. Nhưng người ta nói

Có thể đạt được điều này chỉ trong một đời

Vào thời mạt pháp, nhờ nương tựa bậc thầy.

Ngay cả trong truyền thống kinh tạng, người ta qua con đường một cách nhanh chóng nếu sự thờ phụng bậc thầy được thực hành tuyệt hảo.

Khi ấy Pabongka Rinpoche kể đời của vị Bồ tát Sadàprarudit.

Nếu chúng ta gặp một đức Phật, ta sẽ nghĩ, “Đức Phật này cao hơn thầy tôi.” Đấy là một phản ứng tự nhiên, nhưng Sadàprarudita đã thấy vô số Phật mà vẫn không thỏa mãn; ông muốn tìm một bậc thầy. Đây là một điểm trọng yếu. Nếu chúng ta không gặp một bậc thầy mà ta có nhân duyên suốt trong tất cả những tái sinh tương lai của ta, tức là ta đã lỡ mất các điều tốt lành nhất. Nếu chúng ta cúng dường lễ bái để cầu xin Đế Thích cho một viên ngọc ước, ta sẽ được thỏa mãn. Thế màSadàprrudita lại cắt thịt mình cho chảy máu để phụng sự bậc thầy Dharmodgata. Điều này đem lại cho ông năng lực lớn nhất để xây dựng cả hai thứ tích lũy. Ông đã đạt được định chứng gọi là “dòng Pháp liên tục” khi ông thấy được linh kiến về chư Phật; quả thế, ông đã ở trên địa vị cao của đạo lộ đại thừa về tích lũy công đức. Sau đó ông thấy được linh kiến về chư Phật; quả thế, ông đã ở trên địa vị của đạo lộ đại thừa về tích lũy công đức. Sau đó ông gặp bậc thầy Dharmodgata dạy Pháp cho ông và ông chứng ngay Đệ bát địa Bồ tát sau khi chứng vô sanh pháp nhẫn thuộc đạo lộ chuẩn bị. Ông chứng đạo nhanh chóng nhờ sự tận tụy vô song của ông đối với bậc thầy. Người ta bảo những Bồ tát khác phải trải qua một đại kiếp tích lũy công đức trong bảy địa vị đầu của mười địa vị bồ tát.

Bởi thế bạn sẽ thành Phật mau hay lâu cốt yếu là do bạn có phụng sự bậc thầy một cách tận tụy hay không. Bạn sẽ tiến gần quả Phật nếu bạn thực hành những chỉ giáo của thầy. Và bạn sẽ thành Phật sớm hơn nếu nương tựa một bậc thầy có thể dạy cho bạn con đường viên mãn hơn là một bậc thầy có thể dạy Phạm Vi Nhỏ. Nếu một môn đệ là pháp khí thích hợp (nghĩa là có thể chịu đựng khổ hạnh khó khăn), mà gặp được bậc thầy có thể giảng dạy viên giáo thì người ta bảo tất cả khó khăn sẽ tan biến. Điều này hầu như là chính chư Phật đã an bài như vậy. Padampa Sangyae nói:

Bạn sẽ đến bất cứ nơi nào bạn muốn

Nếu bậc thầy mang bạn đến đây -

Bởi thế, hỡi dân chúng Dingri,

Hãy cung kính tôn trọng ngài

Như cái giá của hành trình.

Long thụ nói:

Nếu một người rơi từ đỉnh cao

Của vua các ngọn núi,

Thì y vẫn rớt xuống dù y cứ nghĩ là không.

Nếu bạn nhận những giáo lý lợi lạc

Dò lòng từ bi của bậc thầy,

Bạn sẽ được giải thoát

Dù bạn tưởng mình không giải thoát.

Khi bạn rớt xuống từ đỉnh núi cao thì bạn không thể nào ngăn bạn khỏi rớt, dù bạn có nghĩ rằng mình có thể trở lên. Cũng thế, nếu sự thờ kính bậc đạo sư của bạn được làm một cách tốt đẹp, thì nó sẽ đưa bạn đến giải thoát khỏi sinh tử, dù bạn có thể nghĩ rằng “tôi sẽ không giải thoát.” Nhưng bạn sẽ không du hành ngay cả trên những đạo lộ thấp nhất, nếu bạn không nương tựa một bậc thầy.

a2. Bạn cũng sẽ tiến đến gần Phật quả hơn nhờ cúng dường phụng sự bậc thầy.

Bạn phải tích lũy vô lượng công đức và trí tuệ để dạt thầnh Phật quả. Nhưng sự tích lũy khổng lồ này cũng dễ có được, mà cách tốt nhất là cúng dường bậc thầy. Có câu nói:

Cúng dường cho lỗ chân lông một bậc thầy

Có công đức hơn là cúng dường

Chư Phật Bồ tát mười phương.

Chư Phật và Bồ tát sẽ thấy được

Khi người nào dâng cúng một bậc thầy.

Nói khác đi, như nhiều mật điển và luận sớ đề cập, ta sẽ được nhiều lợi ích nếu cúng dường chi một mảy bằng lỗ chân lông cho thân bậc thầy, hơn là cúng dường mười phương Phật và Bồ tát. Bậc hiền trí Sakya nói:

Công đức của sự thực hành sáu ba la mật

Và hi sinh đầu, tay chân trong ngàn kiếp

Có thể coi được trong một khắc quá pháp thờ thầy

Không đáng mừng sao,

Khi bạn được phụng sự thầy?

Nghĩa là, chúng ta có được một kho công đức khổng lồ bằng cách hy sinh đầu, tay chân trong ngàn kiếp, nhưng ta cũng có được công đức tương tự mà ít nhọc sức, nhờ sự làm vui lòng bậc thầy trong khoảnh khắc. Bạn sẽ đến gần Phật quả vì thật dễ dàng để xây dựng kho công đức ấy một cách nhanh chóng.

Đem tặng phẩm này cho người có nhiều công đức hơn cho loài vật; cho Thanh Văn nhiều công đức hơn cho phàm phu; cúng dường cho Độc giác hơn cúng dường cho Thanh Văn văn, cúng dường Phật Bồ tát nhiều hơn cúng dường cho Độc giác; nhưng bậc thầy là đối tượng cúng dường tốt hơn tất cả. Geshe Toelungpa nói:

“Tôi được nhiều công đức nhờ cho con chó của thầy tôi (Lopa) ăn, hơn là dạy cho tăng chúng ở Toelung về việc cúng dường.”

Tương truyền vị tiến sĩ này thường đi gom góp những mẫu bơ đóng trên cái bát của ông sau khi ăn để đem cho con chó Lopa.

Trong một mật điển có nói: “Thà cúng dường cho một lỗ lông của bậc thầy hơn là cúng chư Phật ba đời.”Hãy để ý, “cúng dường cho một lỗ chân lông của bậc thầy” có nghĩa là cúng dường cho con ngựa, con chó, hay những người hầu của ông, vân vân, chứ không phải lỗ chân lông trên thân thể.

b. Làm chư Phật hoan hỉ

Có hai cách nghĩ về tiêu đề này.

b-1. Chư Phật mười phương sẵn sàng dạy pháp cho bạn, nhưng bạn không đủ phước để thấy được ứng thân tối thượng của Ngài, nói gì đến báo thân, bởi vì những thân này chỉ xuất hiện trước những chúng sinh có nghiệp thanh tịnh.

Đức Phật thể hiện ứng thân thù thắng của ngài, nhưng chúng ta không đủ phước đức đê nhận sự giáo hóa của ngài trong hình dạng ấy. Bởi thế chúng ta cần một thân giác ngộ phù hợp với trình độ phước đức của ta, để dạy cho ta giáo lý. Vậy, chư Phật trong mười phương vì chúng ta mà hóa thân làm những bậc thầy, cũng như ngày nay người ta đề cử một phát ngôn viên. Khi chúng ta tận tụy với bậc thầy, thì chư Phật biết được điều ấy và rất hơn hỉ. Bản Lam-rim Tinh Túy của Cam lồ nói:

Khi bạn nương tựa vào một bậc thầy cho đúng cách

Bạn sẽ được giải thoát vòng sinh tử

Như một bà mẹ thấy con mình nhận sự giúp đỡ

Chư Phật cũng vậy hoan hỉ tận tâm can.

Nói cách khác, chư Phật thương chúng ta như mẹ thương con một. Khi chúng ta tận tụy đúng cách đối với một bậc thầy thì các ngài biết được điều này, và rất hoa hỉ, vì đấy là căn bản sức khỏe và hạnh phúc, và là phương tiện duy nhất để giải thoát ta ra khỏi khổ sinh tử và những đọa xứ.

b-2. Nếu bạn không nương vào bậc thầy, chư Phật sẽ không hoan hỉ dù bạn có cúng dường các Ngài thật nhiều đồ cúng.

Đức Dalai Lama đệ ngũ trích dẫn câu sau đây rút từ tác phẩm Lời Đức Văn Thù. Nếu bạn tận tụy với một bậc thầy thì:

Ta sẽ ở trong những thân của người nào

Có được những điều kiện ấy.

Khi những chúng sinh đã thành tựu này

Nhận sự cúng dường của người và hoan hỉ,

Thì ngươi sẽ tịnh hóa được dòng tâm thức

Khỏi những nghiệp chướng.

Nói cách khác, có thể bạn không thực sự cầu thỉnh chư Phật, nhưng các ngài vẫn ngự trong thân của bậc thầy bạn. Khi bậc thầy hài lòng vì sự cúng dường của bạn, thì chư Phật cũng hài lòng. Nhưng nếu bạn chỉ cúng dường chư Phật và Bồ tát mà thôi, thì bạn chỉ được lợi lạc của sự cúng dường chứ không làm cho chư Phật hoan hỉ. Cúng dường bậc thầy thì được cả hai thứ lợi lạc, là cái phước do sự cúng dường và phước do làm cho Phật hoan hỉ.

c. Bạn sẽ không bị ma quấy nhiễu hoặc gặp bè đảng xấu ác

Như kinh nói, do bạn nương tựa bậc thầy mà công đức của bạn gia tăng rất nhiều. Do sự tăng phước, bạn không bị ma quỷ và bè đảng xấu quấy nhiễu. Một kinh nói:

Những người có công đức

Thì sẽ được mãn nguyện;

Hàng phục được ma quỷ

Và sớm đạt giác ngộ.

Lại nữa, chúng ta được biết rằng “Chư thiên và quỷ thần không thể gây chướng ngại cho người công đức.”

d. Bạn sẽ tự nhiên chấm dứt mọi vọng tưởng và ác hành

Khi nương tựa bậc thầy, bạn biết cách thay đổi lối cư xử của mình; cũng như tự nhiên bạn chấm dứt những ác hành khi sống cạnh bậc thầy hay trong nhà thầy. Một kinh nói: Những việc mà người ta làm do nghiệp và vọng tưởng lèo lái thì những Bồ tát được sự săn sóc của những bậc đạo sư không thể nào làm được.

Bản Lam-rim Tinh Túy của Cam lồ nói: “Khi bạn cung kính nương vào bậc thầy, thì tự nhiên bạn sẽ chấm dứt tất cả vọng tưởng và ác hành…”

e. Tuệ giác và thực chứng về đạo lộ sẽ tăng

Dromtoenpa và Amé Jangchub Rinpoche siêng năng phục vụ Atìsha (người thì hầu cận, người thì nấu bếp) nên về phương diện định chứng, họ có nhiều tuệ giác và kinh nghiệm hơn Mahayogi, người chuyên hành thiền; họ cũng chứng đạo cao hơn vị này. Atìsha có thể thấy điều này nhờ thiên nhãn và bảo Drom: “ngươi đã chứng đạo hoàn toàn nhờ vào sự phục vụ ông thầy tu già của ngươi.”

Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những tu viện trưởng nổi tiếng và những giảng sư dạy giáo lý từ trên tòa cao là những bậc thầy, như những đạo sư Mật tông làm lễ quán đảnh. Kỳ thực không phải vậy; bạn phải tận tụy đúng cách đối với bậc thầy chỉ cho bạn tập đọc, và người ở cùng chung phòng với bạn.

Khi Atìsha đau ốm, Drom không gớm ghiếc phân tiểu của ngài, mà lại dùng tay trần để mang chúng ra ngoài. Kết quả làm ông đột nhiên phát triển được thiên nhãn đến nỗi ông có thể đọc được những ý nghĩ vi tế trong tâm những con kiến cách xa đường bay của con chim thứu trong mười tám ngày. Cho đến ngày nay ông vẫn còn nổi tiếng là cha đẻ của nền giáo lý phái Kadampa. Và những kiệt tác của Atìsha vĩ đại cũng chỉ có được nhờ ngài đã tận tụy với bậc thầy của ngài.

Những thiện hành của một bậc thánh có tính cách quảng đại hay không đều do ở sự hiếu kính của ngài. Zhoenue Oe, đến tử Jayul, đã nương tựa vào Geshe Chaen Ngavva và phục vụ chu đáo. Một hôm trong lúc đi đổ rác, vừa đi ba bước ông đã triển khai được định nhất tâm, gọi là “dòng pháp tương tục.”

Hiền giả Sakya xin chú của ngài, thượng tọa Drecpa Gyaeltsang viết một bài về Đạo Sư Du Già. Lúc đầu Rappa nói: “Ngươi chỉ xem ta như ông chú chứ không phải một bậc thầy” và không chịu viết bài văn. Về sau khi Rappa bị ốm, hiền giả Sakya săn sóc ông, và bởi bậc thầy đã viết về Đạo Sư Du Già. Từ đấy về sau, hiền giả Sakya xem ông như một vị Phật chứ không chỉ như làmột người chú, và nhờ vậy ông đã trở thành một học giả về ngũ minh.

Taenpa Rabgyae, người sau này giữ ngôi tu viện trưởng Ganden, lo lắng quá độ mỗi khi thầy mình ngã bệnh đến nỗi ông cũng gần chết. Ông đạt đến kiến đạo nhờ khéo săn sóc bậc thầy.

Purchog Jampa, một hôm mang theo một bó phân bò khô (nhiên liệu để nấu bếp) về nhà bậc thầy, Drubkang Gleg. Purchog đã trải qua nhiều gian khổ, nên bậc thầy cho ông nước phép đựng trong một tách làm bằng sọ người. Ông uống nước ấy và dòng tâm thức của ông được tịnh hóa, khi ấy ông phát sinh một tâm từ bỏ mãnh liệt đối với sự nhọc nhằn của luân hồi sanh tử.

Bởi vậy nếu bạn nương tựa một bậc thầy thì tuệ giác và thực chứng của bạn về đạo lộ sẽ tăng trưởng lớn lao. Bản Lam-rim Tinh Túy Của Cam Lồ nói:

Kinh nghiệm và thực chứng về các giai đoạn của đạo lộ sẽ phát sinh và tăng trưởng, đấy là kết quả của sự tận tụy với bậc thầy.

f. Bạn sẽ không thiếu những bậc dạo sư có giới đức trong tất cả đời vị lai

Geshe Potowa nói trong Quyển Sách Xanh Về Các Bùa Chú:

Nhiều người không quán xét

Sự tương quan giữa mình với pháp.

Hãy quán xét điều này, rồi tỏ lòng kính trọng

Đối với bậc thầy săn sóc cho ngươi.

Những việc ấy khiến trong tương lai

Ngươi sẽ không thiếu pháp

Vì nghiệp không bao giờ mất.

Nghĩa là nếu bạn tận tụy đúng cách với bậc hướng đạo tâm linh, thì hành vi áy sẽ đem lại một hậu quả tương tự là bạn sẽ không thiếu những bậc thầy đức hạnh trong tất cả những đời vị lai. Nếu bạn xem bậc thầy hiện tại của bạn - một người tầm thường trung bình - thực sự như là một vị Phật, và tận tụy với ông đúng cách, thì về sau bạn sẽ gặp những bậc thầy như Di Lặc và Văn Thù, và được nghe giáo lý của ngài. Vì vậy Tinh Túy Của Cam Lồ nói:

Sự kính trọng bậc thầy trong đời này

Sẽ làm bạn gặp tối thượng đạo sư trong nhiều đời sau

Và lắng nghe diệu pháp không lầm lỗi

Vì kết quả luôn tương ứng với nguyên nhân.

g. Bạn sẽ không rơi vào các đọa xứ

Nếu bạn tận tụy với thầy, thì bạn tiêu hết những nghiệp có thể đưa bạn xuống các đọa xứ. Bạn cũng tiêu nghiệp khi thầy la rầy bạn. Mỗi khi Geshe Lhazowa viếng thăm thầy là Geshe Toelungpa, ông luôn luôn bị rầy. Nyagmo đệ tử của ông phàn nàn về điều ấy. Ông bảo, “Chớ có nói như vậy. Mỗi khi ta bị rầy, thì cũng như được thần Heruka gia hộ.”

Drogeon Tsangpa Gyarae nói:

Nếu bạn bị đánh, đó là một pháp quán đảnh

Nếu bạn xem đó là sự gia trì, bạn sẽ được phước

Một lời mắng mỏ giận dữ

Cũng giống như thần chú phẫn nộ

Tẩy trừ mọi chướng ngại.

Nói cách khác, bạn tiêu hết nghiệp đọa vào các cõi thấp. Kinh Kshitagarbhà nói:

“Nhờ cách ấy (phụng sự bậc thầy) bạn sẽ thanh lọc được những nghiệp xấu khiến bạn lang thang trong các đọa xứ trong muôn triệu kiếp; nghiệp ấy sẽ chín trong đời này dưới dạng những điều hại cho thân và tâm như bệnh dịch, đói kém vân vân. Nghiệp cũng được tiêu nhờ sự la rầy hay những cơn ác mộng. Bạn sẽ tiêu hết nghiệp trong một buổi sáng nhờ hồi hướng công đức của bạn lên chư Phật hay trì giới.”

Hãy suy nghĩ về những đoạn kinh như vậy.

h. Bạn sẽ thành đạt không khó tất cả những mục tiêu ngắn hạn dài hạn

Nói tóm lại, phụng sự các bậc thầy cho đúng cách là gốc rễ của mọi đức tính xuất thế gian, nó cũng là điều kiện tiên quyết để khỏi rơi vào các đọa xứ. Mọi sự cần thiết để đạt quả Phật sẽ tự đến không cần bạn nỗ lực, nếu bạn nương tựa một bậc thầy. Đức Tsongkapa nói: “Ôi bậc thầy tôn quý đầy từ bi, ngài là suối nguồn của bao điều lành tốt…” 

Lam-rim Tinh Túy Của Cam Lồ nói:

Vắn tắt, khi bạn nương tựa một bậc thầy

Bạn sẽ thoát khỏi những đọa xứ

Và được những tái sanh tốt

Như làm trời làm người

Cuối cùng tất cả khổ luân hồi sẽ chấm dứt

Và bạn đạt thành quả tối thượng vi diệu.

Atìsha nói ngài đã nương tựa một trăm hai mươi bốn thầy, mà chưa từng làm phiền nhiễu tam của bất cứ vị nào trong đó. Bởi thế ngài có những công trình tốt đẹp nhiều như hư không ở Ấn và Tạng đều là do sự hiếu kính đối với những bậc hướng đạo tâm linh.

1.2.2. NHỮNG TAI HẠI DO KHÔNG NƯƠNG TỰA BẬC THẦY HOẶC DO THỐI TÂM KÍNH TÍN

Những tai hại là điều ngược lại với tám điều lợi ở trên: nghĩa là bạn sẽ không tiến gần đến Phật quả, v.v…

Có tám điều hại khi thối thất sự kính thầy. Khi bạn đã theo một vị thầy, thì thật là một tai hại trầm trọng nếu để sự thờ kính thầy sút giảm; bởi thế bạn chỉ nên thụ giáo sau khi tra tầm kỹ xem người ấy có xứng đáng hay không.

a. Nếu bạn hỗn xược với thầy, chính là bạn bài bác tất cả chư Phật 

Bậc thầy là hiện thân của tất cả chư Phật đến để giúp bạn thuần hóa; có thể nói thầy là sứ giả của chư Phật. Bởi thế nếu bạn hỗn với thầy tức là phỉ báng chư Phật vậy. Bạn phải cẩn thận không được phỉ báng dù chỉ một vị Phật, huống hồ tất cả Phật! Bậc thầy có nghĩa là người muốn dạy,và đệ tử là người muốn lắng nghe, dù chỉ là một bài kệ.

Chúng ta thường thờ kính nghiêm túc những bậc thầy nổi tiếng của mình, mà xem thường những vị thầy khác, chẳng hạn thầy dạy vỡ lòng. Điều này không đúng. Je Drubkang Geleg Gyatso không thể triển khai thực chứng nào trong lúc ngài chưa kính trọng đúng mức vị tu sĩ hoàn tục mà ngày trước ông dạy vỡ lòng cho ngài. Tinh Túy Của Cam Lồ nói:

Tất cả chư Phật làm được nhiều công đức

Là nhờ những hướng đạo tâm linh

Họ hiện đến cho bạn

Dưới hình ảnh bậc thầy của bạn.

Bởi thế không kính thầy

Thì cũng như không kính chư Phật.

Quả báo dị thục sẽ rất nặng nề…

“Luận về Mật điển Kàlayamàri nói:

Một người dù chỉ nghe một bài kệ

Mà không xem người nói như bậc thầy mình

Thì sẽ tái sanh trăm kiếp làm chó

Rồi đọa vào địa ngục thấp nhất.

Và trong tác phẩm “Năm Mươi Bài Kệ Về Bậc Thầy” của Mã Minh (Ashvagosha) nói:

Sau khi thấy đấy là người che chở mình

Và đã trở thành đệ tử của vị ấy

Mà bạn phỉ báng thầy

Thì bạn đã phỉ báng chư Phật;

Hậu quả là bạn sẽ đau khổ dài dài.

Khi bạn tức giận thầy là bạn tiêu tan bao công đức và sẽ đọa vào địa ngục số kiếp bằng số sát na bạn nổi sân.

b. Nếu bạn giận thầy, bạn tiêu hủy một số lượng công đức bằng số lượng sát na bạn nổi giận; và phải đọa địa ngục cũng ngần ấy số kiếp.

Mật điển Kàlachakra nói:

Hãy đếm những sát na bạn giận thầy

Bạn tiêu hủy công đức xây dựng

Trong ngần ấy số kiếp;

Bạn sẽ trải qua những thống khổ địa ngục

Cũng bằng ngần ấy số kiếp.

Giả sử bạn giận trong thời gian một búng tay (một búng tay dài bằng 65 sát na) thì bạn tiêu hủy mất 65 kiếp công đức mà bạn đã tích lũy, và phải ở trong địa ngục Vô gián cũng bằng chừng ấy thời gian. Bởi thế nếu bạn bất kính hay phỉ báng bậc thầy, giận thầy, hoặc làm phật ý thầy, bạn cần phải sám hối tội lỗi ấy trong lúc thầy còn sống; nếu thầy không còn, thì phải sám hối trước xá lợi của thầy.

c. Bạn sẽ không đạt được quả vị cao siêu mặc dù có tu mật tông

Mật điển gốc Guhyasamàja nói:

Một hữu tình có thể đã phạm những tội lớn

Như năm tội ngũ nghịch đáng đọa và Vô gián

Nhưng vẫn có thể thành công trong Tối thượng thừa

Kiển lớn của Kim cang thừa

Thì dù có tu cũng không được gì.

Dù bạn có phạm nhiều tội nặng như Ngũ vô gián vân vân, bạn cũng sẽ đạt thành quả vị tối cao nếu nương vào con đường của mật điển Guhyasamàja Guhyasamàja chẳng hạn. Nhưng nếu thâm tâm bạn khinh thường bậc thầy, bạn sẽ không đắc quả vị tối thượng, dù có tu hành bao nhiêu đi nữa.

d. Dù có nương tựa vào những lợi ích của mật điển, sự tu tập của bạn cũng chỉ đạt đến địa ngục và những cõi tương tự.

Một người đã bỏ thầy, dù có tu hành bao nhiêu, cũng chi đi đến đại ngục. Mật điển “Trang Hoàng Tâm Kim Cương”nói:

Người nào khinh chê bậc thầy không lỗi của mình,

Thì dù tu tập bao nhiêu mật điển

Dù có bỏ ngủ, tránh xa mọi tụ hội

Tu hành trong một ngàn kiếp

Cũng chỉ đạt đến địa ngục, vân vân.

e. Bạn sẽ không phát triển được những thiện đức mới, và những gì đã tu được sẽ thối thất

Chỉ trích thầy một cách hỗn xược thì đời này sẽ không chứng được quả gì mới mẻ. Và những gì đã được sẽ mất.

Sự chỉ trích chê bai thầy sẽ làm cho bạn không thực chứng được điều gì mới mẻ trong đưòi này, và những gì đã chứng được sẽ mất. Vị giáo thọ Krshnàchàrya không tuân lệnh thầy mình là Jalandharapa nên không đạt được mục đích tối thượng ở đời này. Raechungpa không vâng lời Milarepa ba lần nên cũng không đạt mục đích; cả hai đều phải tái sanh ba lần mới đạt được.

Một lần một vị giáo thọ sư thuộc vào cấp dưới có một đệ tử thuộc gia cấp cao. Vị đệ tử này có thể thăng hư không; ông bay lên nơi thầy với ý nghĩ, “ngay thầy mình cũng không được như mình.” Ông liền mất thần thông và rơi xuống. Hiền giả Nàropa quên lời thầy dặn đã tranh luận với ngoại đạo nên không đạt được mục đích tối thượng trong đời này mà phải chờ khi chết mới đạt được trong cõi trung ấm. Đức Văn Thù tiên đoán hai chú tiểu xuất sắc ở Khotan sẽ đạt mục đích tối thượng trong đời này, nhưng vì họ nảy sinh tà kiến đối với bậc thầy là ông vua Pháp Songtsaen Gampo, nghi ngờ về ngài, nên thay vì đắc quả tối thượng khi về nước, họ chỉ được thần thông biến ra vàng đầy giỏ. Bởi thế, nếu có tà kiến đối với thầy, bạn sẽ bị trì hoãn sự triển khai tuệ giác và thực chứng, và làm suy giảm những nhân tố để phát sinh sự đắc quả cao.

Nếu bạn giao du kẻ xấu ác, thì những tuệ giác và thực chứng của bạn sẽ lu mờ. Bạn phải thận trọng. Phần đông người ngày nay chi bám lấy cuộc đời này, cho nó tầm quan trọng quá mức. Ngay cả loại người mà bạn thích và tưởng đã giúp bạn, kỳ thực là những bạn xấu. Bạn xấu không phải là người ăn mặc tồi tàn hay có sừng trên đầu, mà là những người vì lo lắng cho bạn mà xui khiến bạn làm điều ác, hay ngăn cản bạn làm điều lành. Hãy xa lánh những người như vậy, bất kể họ là ai. Hãy xem họ là kẻ nguy hiểm, và tránh né họ như tránh voi say, v.v… Có nhiều người theo hạnh ít muốn biết đủ (thiểu dục hỉ túc), bị người khác bảo: “Thật không tốt khi bạn từ bỏ nhiều quá! Đừng từ bỏ quá nhiều!” Điều này nghe có vẻ hữu lý, nhưng ai nói như vậy thực sự là bạn xấu. Đừng cãi lại cũng đừng nhục mạ họ; đó không phải là cách làm đúng.

f. Trong đời này bạn sẽ bị những ác bệnh v.v…

“Năm Mươi Bài Kệ Về Thầy”có nói:

Nhục mạ bậc thầy mình

Kẻ ngu sẽ phải chết

Vì tật dịch, bệnh hành

Ma quỷ và độc dược.

Gặp nạn vua, nạn lửa

Rắn mổ, nước cuốn trôi

Phù thủy, trộm, yêu tinh;

Sau đó sa địa ngục.

Chớ bao giờ dại dột

Làm phật ý thầy mình

Nếu mù quáng làm vậy

Địa ngục chịu khổ hình. 

Những kẻ chê bai thầy

Sa địa ngục dữ dội

Như địa ngục Vô gián

Lời ấy thực không sai.

Có nghĩa rằng nếu bạn hỗn láo phỉ báng thầy, bạn sẽ bi nhiều bệnh tật trong đời này.

Trong xứ Ấn ngày xưa, có bậc thầy Phddhajnàna (Phật trí) đang giảng Pháp. Thầy ông ta một vị đắc thần thông, là một người nuôi heo. Bậc thầy đến trong lúc ông đang giảng dạy, và ông làm bộ không trông thấy thầy. Về sau ông nói láo với thầy rằng, “Con không thấy thầy,” ngay lúc ấy, hai tròng mắt ông rớt xuống đất.

Tsultrim một người láng giềng của Dagpo Jampael Lhuendrub Rinpoche, thường tỏ ra bất kính với ngài. Về sau ông chết trên đèo Goeker vì bị kẻ trộm dùng đá đánh vào đầu.

Một đồ đệ của Neuzurpa phạm giới mật tông (không kính thầy-DG) nên khi chết đã thấy những cảnh tượng hãi hùng.

g. Trong những đời sau bạn sẽ lang thang bất tận trong các đọa xứ.

 Đây là hình phạt nặng nhất cho những kẻ phỉ báng bậc thầy, theo mật điển “Pháp Quán Đảnh Kim Cương Thủ.” Kinh điển về nhiều chuyện về các địa ngục, song mật điển này không dạy rằng một người phỉ báng thầy sẽ bị đọa địa ngục, mà nói:

Kim Cương Thủ hỏi: - Bạch đức Thế tôn, hậu quả của nghiệp phỉ báng bậc thầy khi chín mùi sẽ là gì?

Đức thế tôn trả lời như sau: - Này Kim Cương Thủ, ta sẽ không nói cho ngươi biết, vì sợ sẽ làm kinh hãi tất cả thế gian, với trời người vân vân. Nhưng này vị chúa tể của ngành Mật giáo, ta chỉ nói thế này:

Anh hùng, hãy lắng nghe

Ta nói những kể ấy

Sẽ ở đại địa ngục

Dành cho tội ngũ nghịch

Trong vô số đời kiếp

Bởi thế, chớ khinh thầy.

Đức Phật không dám nói chi tiết vì Ngài biết nói ra sẽ làm cho người đời ngất xỉu. Ngài chỉ dạy rằng những người như vậy sẽ đọa vào địa ngục Vô gián trong nhiều năm.

Người ta bảo không bao giời nên phỉ báng thầy mình. Chẳng những không được tự mình phỉ báng, mà còn không nên nhìn người nào làm việc ấy, như câu chuyện sau chứng tỏ. Một lần khi Lingraepa một hành giả vĩ đại đang giảng Pháp, có một vị đệ tử của Chag vị dịch giả xuất hiện. Đệ tử này đã phạm giới mật tông (phỉ báng thầy-DG). Thình lình miệng của Lingraepa bị tê liệt, không nói gì được nữa, và bỏ đi ra.

h. Bạn sẽ thiếu hướng dạo sư trong tất cả đời vị lai

Đây là điều ngược lại với những lợi ích của việc nương tựa bậc thầy. Không những bạn sẽ không dặp được thầy, mà bạn còn bị sanh vào những nơi mà bạn không có cơ hội nào để nghe dù chỉ một lời về Pháp. Nói tóm, như lời đức Tsongkapa nói: “Như thế, bao nhiêu may mắn ngươi có thể có được…” Nghĩa là tất cả những may mắn ở đời đều do nương tựa vào một bậc hướng đạo tâm linh; tất cả bất hạnh trên đời đều là hậu quả của sự không nương thầy hoặc đã nương rồi bỏ. Nếu phế bỏ việc nương tựa bậc thầy, thì không những trong đời này bạn không có người hướng đạo tâm linh mà cả trong những đời vị lai. “Tinh Túy Của Cam Lồ” nói:

Bạn sẽ sanh vào những nơi không có cơ hội

Để được nghe dù một chữ về Diệu pháp,

Cũng không được nghe một lời nào của hướng đạo sư.

Không những ta không bao giờ duy nghĩ về sự thờ thầy, mà ta cũng không hề phân tích những hành động của mình, nên có khi ta làm những cử chỉ tốt lành nhưng cũng có khi tạo những triệu bất tường đối vói những bậc thầy chúng ta. Một triệu bất tường là như khi Milarepa dâng cho Marpa một cái bình trống rỗng. Khi Marpa lần đưa cho Milarepa một ít rượu bia, Milarepa uống hết - đây là một cử chỉ tốt lành. Khi Marpa sụp lạy một vị thần hộ mạng (thay vì lạy Naropa thầy mình), đấy là một triệu bất thường.

Kyabke Pabongka Rinpoche nói chi tiết về việc Dromtoenpa nương tựa hai bậc thầy Setsuen và Atìsha; Atìsha nương tựa Suvarnadvìpi; Milarepa nương Marpa; Je Tsongkapa thếp vàng những bức tường của căn phòng nơi mà Kyungpa Lhaepa đã làm những phép quán đảnh cho ngài; vân vân.

Khi ấy Kyabje Pabongka kể câu chuyện về Gyaeltsab Rinpoche. Vị này đã là một học giả uyên bác trước khi làm đệ tử Tsongkapa. Lúc đầu ông muốn tìm đến Tsongkapa chỉ để đánh bại ngài trong cuộc tranh luận. Ông tìm gặp Tsongkapa lúc ngài đang thuyết giảng trước đám đông. Ông ngang nhiên bước lên pháp tòa, để nguyên nón trên đầu và túi hành lý trên lưng. Tsongkapa xê ra nhường chỗ cho ông ngồi. Khi tiếp tục nghe giảng, Gyaltsab lúc đầu bỏ nón, sau bỏ túi xách mang trên lưng, và cuối cùng bước xuống tòa thi lễ ba lạy rồi ngồi giữa đất. Điều này chứng tỏ là điềm tốt: trước khi chết Tsongkapa đã truyền y và mão cho ông, cử ông làm người thừa kế ngai tu viện trưởng Ganden, địa vị tối cao trong phái Gelug Mũ Vàng.

Gyaeltsab Rinpoche lúc đầu đã có những động lực xấu, nhưng kết quả cuối cùng lại hóa ra tốt lành. Nhiều chuyện có thể xảy ra; động lực tốt có thể hóa ra bất tường. Ta phải cẩn thận.

Khi nhắc đến tên thầy, ta thường nói “Kuzhu” (ông) nọ kia, như vậy là không phải phép. Ta phải thêm vào một hình thức tỏ sự kính cẩn như “Thượng Tọa.” Mỗi khi Atìsha nhắc tên của thầy mình là Survanadvìpi, ngài thường chắp tay cung kính nói “đức Survanadvìpi vĩ đại.” Ngài thường đứng lên mỗi khi nghe ai nhắc đến tên thầy. Tôi không cố tự đề cao, nhưng thực sự là tôi rất đau khổ mỗi khi thấy danh hiệu bậc tôn sư tôi được người ta nhắc đến một cách thản nhiên.

Nếu bậc thầy của bạn còn sống, thì không nên dùng hình thức kính cẩn “tôi cảm thấy khó nỗi nói lên tên của Người.”

Khi ấy Kyabje Pabongka ôn lại hai lần những tiêu đề nói trên: một lần hơi chi tiết một lần vắn tắt.